Quan Tâm Người Nghèo - Chứng Từ Chủ Yếu Cho Tình Bác Ái Huynh Đệ

Tue,08/06/2021
Lượt xem: 2012

Giuse Nguyễn Văn Lâm, K. XIV

(Trích từ tập san Đức Tin & Văn Hóa, số 15)

 

Tình huynh đệ, một khát vọng thâm sâu của hết mọi người lữ hành trong con thuyền chung của gia đình nhân loại. Tình huynh đệ, nỗi băn khoăn và thao thức của bao con tim trước một thế giới đổi thay. Nỗi thao thức ấy không cho phép bất cứ ai thờ ơ như một kẻ ngoài cuộc, nhưng bằng một sự dấn thân liên lỉ nhằm biến nỗi khát khao thành hiện thực. Những năm qua, tình huynh đệ được bàn luận sâu sắc nơi nhiều diễn đàn, những buổi nói chuyện, những cuộc phỏng vấn và nhiều hình thức khác. Tình huynh đệ nên như một “dấu chỉ thời đại” (Signs of the times). Nó trở thành chủ đề mang tầm quốc tế, được nối kết và được làm “thức tỉnh” trong thời gian gần đây với sự ra đời của nhiều văn kiện.[1]

Bàn về tình huynh đệ, thực tế có nhiều góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau. Từ đó đề nghị các phương thức hành động khác nhau. Kiến tạo tình huynh đệ thì có “trăm phương ngàn cách.” Một trong những cách thức để hiện thực điều đó, chính là việc quan tâm đến người nghèo vốn là mời gọi được gửi đến cho mọi người trên thế giới, không có sự phân biệt địa vị, giai cấp hay giới hạn địa lý (x. GLHTCG số 2447). Dẫu biết rằng, quan tâm người nghèo là đề tài được đề cập rất nhiều, nhưng sẽ không dư thừa khi nhìn lại giáo huấn Thánh Kinh và Huấn Quyền của Giáo Hội để hướng đến các hành động cách tích cực hơn vì phẩm giá con người. Nguồn của đề tài này chủ yếu dựa trên những chỉ dẫn của Học thuyết Xã Hội Công Giáo[2] (XÃ HỘI CÔNG GIÁO), bởi tìm thấy nơi học thuyết này “những nguyên tắc để suy tư, những tiêu chuẩn để phán đoán và những chỉ dẫn để hành động.”[3] Hơn nữa, đây là học thuyết “quan tâm đến con người toàn diện và được gửi tới hết mọi người”[4] và học thuyết này “có một giá trị muôn đời là điều không ai hồ nghi.”[5]

Dựa trên chỉ dẫn đó, nội dung được trình bày dưới đây không phải là đúc kết suy tư cá nhân cho bằng là sự tổng hợp giáo huấn về việc quan tâm đến người nghèo để kiến tạo và làm triển nở tình huynh đệ. Những tổng hợp đó tạo thành bức tranh với những mảnh ghép chính như sau: (1) Kinh Thánh nói gì về việc quan tâm đến người nghèo?; (2) Thảm cảnh nghèo của thế giới ngày nay; (3) Cảnh giác với ảo tưởng loại bỏ hoàn toàn nghèo đói khỏi thế giới; (4) Hành động cụ thể - chứng từ chủ yếu cho tình bác ái huynh đệ; (5) Cùng Mẹ Maria, thông chia mối bận tâm với người nghèo khổ.

1. Kinh Thánh nói gì về việc quan tâm đến người nghèo?

Nếu tìm một tài liệu nói về việc quan tâm người nghèo thì không quá khó. Dọc dài lịch sử phát triển nhân loại đã có vô số những suy tư về điều này. Trong phạm vi ở đây, chỉ tìm hiểu vấn đề từ gợi hứng của Thánh Kinh. Quả vậy, chủ đề người nghèo vẫn bàng bạc trong Kinh Thánh từ Cựu Ước đến Tân Ước. Dưới đây chỉ nêu ra một vài điểm như một minh chứng.

a. Cựu Ước

Lịch sử của Cựu Ước là lịch sử của một vì Thiên Chúa quan tâm đến những nỗi thống khổ của con người. Ngài luôn tỏ hiện là người Cha quan tâm đến người nghèo. Trên hết, được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 27), con người là thụ tạo cao quý nhất trong các thụ tạo có mặt trên trần gian. Nhưng không vì thế mà con người tự sức hoàn thành ý nghĩa hiện hữu của mình. Thực tế, cứ tưởng con người là thụ tạo đầy đủ nhất, nhưng rốt cuộc con người lại là sinh vật thiếu thốn nhất, là một sinh vật nghèo nàn khốn khổ. Sự khốn khổ đó chính là một dấu chỉ rõ ràng thân phận tự nhiên của con người thật yếu đuối và cần được cứu độ (x. GLHTCG số 2448). Bởi vậy, để sống trọn vẹn kiếp nhân sinh, con người cần đến Thiên Chúa và mãi mãi cần đến Thiên Chúa. Vắng bóng Thiên Chúa, mọi thứ sẽ trở nên vô nghĩa.

Sự nghèo nàn được tỏ rõ nơi cặp đôi đầu tiên của nhân loại. Trình thuật Sáng Thế cho thấy, khi Ađam và Evà phạm tội bất tuân phục ý Chúa, giơ tay hái trái cấm và được sáng mắt, lập tức họ nhận thấy mình trần truồng và xấu hổ. Thế rồi, họ tìm cách chạy trốn Thiên Chúa. Thế nhưng, hạnh phúc thay và cũng đáng kinh ngạc thay, chính Thiên Chúa lại đích thân cất bước đi tìm con người (St 3, 8-14). Đó là dấu chứng hùng hồn của một Thiên Chúa luôn quan tâm, không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết. sự thiếu thốn của con người luôn được đáp ứng kịp thời bởi tình yêu vô lượng của Đấng Tạo Hóa. Đấng không chỉ tạo dựng mọi sự cho có, mà còn quan tâm săn sóc từng ngày.

Một câu chuyện khác, hành trình sa mạc bốn mươi năm của dân Ítraen còn là minh chứng sống động của một Thiên Chúa quan tâm đến mọi nhu cầu của họ. Thèm khát thịt, dân chúng kêu trách Chúa và Môsê. Đáp lại cơn đói khát và những lời kêu trách của dân, Chúa ban Manna và chim cút cho họ ăn dư tràn (x. Xh 16,11-16). Chưa dừng lại, bên mạch nước Mơriva, dân một lần nữa kêu trách ông Môsê vì thiếu nước. Thêm một lần, Thiên Chúa can thiệp đến nỗi ngặt nghèo của họ và cho nước vọt lên từ tảng đá để dân uống thỏa thuê (x. Ds 20, 1-11; Xh 17, 1-7).

Không chỉ là việc Thiên Chúa quan tâm con người vốn thiếu thốn, Cựu Ước còn là trường dạy con người biết lưu tâm đến những người nghèo. Những lời này còn văng vẳng bên tai: “Nếu giữa anh (em), trong một thành nào của anh (em), trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em), có một người anh em nghèo, thì anh (em) đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng; nhưng phải mở rộng tay, và cho họ vay mượn tất cả những gì họ thiếu” (Đnl 15, 7-8). Đó đích thật là giáo huấn về lòng quảng đại. Một sự giúp đỡ vô điều kiện luôn mang lại ý nghĩa nhất định. Tuy nhiên, khi giúp đỡ những người nghèo thì đừng bao giờ đối xử với họ cách quan liêu. Giả sử trong việc cho vay tiền, Thiên Chúa lưu ý rằng: “Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi” (Xh 22, 24). Thực chất, việc giúp đỡ người nghèo không phải là một sự bố thí hay ban phát. Đúng hơn, đó là nghĩa vụ của sự công bằng, mà “điều gì phải làm theo sự công bằng thì không được biến như món quà của lòng bác ái.”[6]

Quả đúng, người nghèo là người túng thiếu tư bề. Vì vậy, sách Lêvi đưa ra chỉ dẫn này: “Khi các ngươi gặt lúa trong đất của các ngươi, (các) ngươi không được gặt cho tới sát bờ ruộng; lúa gặt sót, (các) ngươi không được mót. Vườn nho (các) ngươi, (các) ngươi không được hái lại, những trái rớt, (các) ngươi không được nhặt: (các) ngươi sẽ bỏ lại cho người nghèo và ngoại kiều” (Lv 19, 9). Như thế, lời Thiên Chúa nhắc nhở dân riêng cũng là nhắc nhở cho thế giới hôm nay, là không chỉ biết lo cho phận mình được no cơm ấm áo, mà còn rộng lượng mở đường cho người nghèo tìm thấy của ăn, ít là nơi những gì còn sót lại trong phần đất của mình, nơi mỗi quốc gia, dân tộc mình.

Quan tâm đến số phận những người góa bụa, lật dở những trang Xuất Hành sẽ tìm thấy lời cảnh báo của Thiên Chúa: “Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Aicập. Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp. Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi: thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút” (Xh 22, 20-23).

Cả việc kiện tung ra tòa cũng được Cựu Ước lưu tâm. Tuy không phải là tất cả, nhưng đâu đó, người nghèo luôn luôn thiệt. Công lý bị che dấu bởi những thế lực ma mãnh, bởi sức cuốn hút của đồng tiền. Nói rõ hơn, trong một vụ kiện tụng thì không chỉ có sự thật mới giải quyết được sự việc. Trái lại, đồng tiền lắm khi làm thay cho tất cả. Thật ý nghĩa khi Cựu Ước đưa ra chỉ nam tuyệt vời dành cho việc xử kiện. Ước gì điều này được áp dụng cách nghiêm túc nơi quan tòa thì người nghèo được lợi biết mấy: “Ngươi không được làm thiệt hại đến quyền lợi của người nghèo cậy nhờ ngươi, khi họ có việc kiện tụng” (Xh 23, 6).

b. Tân Ước

Tân Ước trình bày cho con người khuôn mẫu của Đức Kitô nghèo khó. Cuộc nhập thể của Ngài là minh chứng sống động của một Thiên Chúa tình yêu bước vào thế giới phàm nhân, Ngài là “khuôn mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình.[7] Nhờ đó, với những bước đường trần thế, Ngài hiểu và cảm thông cho những khổ đau của kiếp người. Chính Đức Giêsu là hiện thân của một người nghèo giữa lòng nhân loại: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8, 9). Chính Ngài là Đấng như lời thánh Phaolô: “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7).

Đức Giêsu đã sống cảnh nghèo đến tột cùng từ lúc sinh ra trong máng cỏ Bêlem cho đến chết trên đồi Gôngôtha. Sinh ra đã thiếu thốn tư bề, cuộc sống ấu thơ chẳng mấy an bình, phải chạy trốn sang Ai-Cập để tránh sự mưu sát của kẻ thù. Hành trình nơi làng quê nghèo Nazareth cũng thật đơn sơ, chất phác với ngành nghề tầm thường. Một Giêsu nghèo đến nỗi “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Nhưng sự nghèo khó của Ngài không ngăn cản được tình thương mà Ngài dành cho nhân loại. Những bước chân, mỗi hành động của Ngài đều là sự quan tâm đến sự nghèo nàn của con người: chữa người nô lệ của một đại đội trưởng (x. Mt 8, 5-13; Lc 7, 1-10); cho con trai bà góa thành Na-im sống lại (x. Lc 7, 11-17); tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8, 2-11); chữa lành người mù từ lúc mới sinh (x. Ga 9, 1-41); chữa lành người phụ nữ băng huyết (x. Mc 5, 21-43). Làm ơn là vậy, cuối cùng Ngài được lại gì? Một cái chết trần trụi trên thánh giá. Dưới con mắt người đời, cái chết đó còn là sự nhục nhã không gì có thể biện minh. Đến lúc táng xác cũng thiếu thốn cơ cùng: Chẳng có khi nào khó khăn thiếu thốn cho bằng khi táng xác ru.”[8] Quả thật, cả cuộc đời Đức Giêsu luôn cho đi tất cả mà chẳng giữ lại gì cho mình.

Cũng như Cựu Ước, Tân Ước gửi đến sứ điệp quan tâm người nghèo. Sự quan tâm đó như là biểu chứng của tình huynh đệ. Trên hết, sự quan tâm không bó hẹp lại nơi lý thuyết, nhưng phải được cụ thể bằng hành động. Giáo huấn của thánh Gioan tông đồ còn mồn một: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3, 17-18). Lời nhắc nhở này còn nguyên giá trị cho mọi thời. Không thể đạt được tình huynh đệ chỉ với vài lời nói rỗng tuếch. Bởi vậy, thánh Giacôbê nhấn mạnh rằng: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?”” (Gc 2, 15-16).

Tân Ước cũng lưu ý rằng, trong việc quan tâm giúp đỡ người nghèo, cần đối xử công bằng với tất cả mọi người mà “không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3, 28; Cl 3, 11). Do đó phải tránh sự ưu tiên: “Quả vậy, giả như có một người bước vào nơi anh em hội họp, tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào, mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: “Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này”, còn với người nghèo, anh em lại nói: "Đứng đó!” hoặc: “Ngồi dưới bệ chân tôi đây!”, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?”” (Gc 2, 2-4). Sự đối xử phân biệt là điều khó chấp nhận. Thế mà, lắm lúc trong thực tế, người ta thường ưa chuộng và ưu tiên người giàu hơn người nghèo. Đó là sự thật không thể phủ nhận. Trong thế giới này, người nghèo phải được đối xử công bằng, vì họ là hình ảnh Thiên Chúa. Thế mà “anh em, anh em lại khinh dể người nghèo! Chẳng phải những người giàu áp bức anh em đó sao? Chẳng phải họ lôi anh em ra toà đó sao?” (Gc 2, 6).

Tình yêu dành cho anh em đồng loại vẫn có giá trị trường tồn. Tình yêu đó dẫn con người đến cùng Thiên Chúa: “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Khi nhận ra rằng: “Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1,17).

Như vậy, xuyên qua Kinh Thánh, bất cứ ai quan tâm đều nhận thấy rõ hình ảnh của một Thiên Chúa yêu thương con người. Hình ảnh đó hiện thực nơi Đức Giêsu thành Nazareth. Nhờ hiểu thấu cách sâu sắc sự nghèo khó của Người mà họ tìm được các phương thế thực thi sự quan tâm đến người nghèo.

2. Thảm cảnh nghèo của thế giới ngày nay

Đứng trước những khó khăn của thời đại, thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã lên tiếng tỏ rõ sự lo ngại khi nhận thấy những mâu thuẫn khốc hại: “một đàng người ta diễn lại cảnh thê thảm của nhân loại sắp bị tàn phá vì nạn đói. Mặt khác nhờ những phát minh của khoa học, những tiến bộ kỹ thuật, những tài nguyên kinh tế dồi dào, người ta đua nhau sử dụng để chế tạo những khí cụ phá hoại giết chóc nhân loại một cách kinh khủng.”[9]

Cùng một ý hướng, Công đồng Vaticanô II khi bàn về vận mệnh nhân loại trong thế giới hôm nay đã mạnh mẽ tuyên bố một nghịch lý đáng sợ: “Chưa bao giờ nhân loại dồi dào của cải, khả năng và quyền lực kinh tế như hiện nay; thế nhưng cho đến nay, một phần rất lớn nhân loại trên thế giới đang khốn cực vì đói ăn và nghèo khổ và không biết bao nhiêu con người còn trong tình trạng thất học.”[10] Như thế sự nghèo đói của nhiều người luôn là “một vấn đề thách thức nhất cho lương tâm con người cũng như các lương tâm Kitô hữu.”[11] Do đó cần nhìn vào thực tế để dừng chân suy gẫm về hiện trạng này.

Nhân loại không ngừng đặt ra câu hỏi: “Vì sao hai ngàn năm trôi qua, vẫn còn chiến tranh nghèo đói.” Cái đa dạng của sự nghèo đói hôm nay bao gồm nhiều phương diện: tinh thần, vật chất, công lý, hòa bình….Bao người là nạn nhân của cường quyền bạo lực, của một nền công lý bị bóp méo hay sự thật bị cắt xén. Cần một sự quan tâm để mang lại trật tự tốt đẹp hơn, để xây dựng hình ảnh thế giới ngày càng nhân bản hơn. Ngày nào người nghèo chưa được quan tâm đúng mức thì xã hội này chưa thể đạt được khao khát tình huynh đệ đại đồng. Điều này thật đúng với nhận định của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: Xã hội càng ngày càng đi đến toàn cầu hóa, giúp chúng ta gần gũi nhau, nhưng chưa là huynh đệ.”[12] Nền văn mình tình thương và sự sống ngày càng bị phủ lấp, nhường chỗ cho nền văn minh sự chết lên ngôi.

Một điều trớ trêu thay, còn tồn tại cảnh người nghèo không những không được giúp đỡ để vượt lên số phận, mà còn bị đối xử cách bất công, khổ đau thêm khổ đau. Những câu chuyện ngày ngày xuất hiện đó đây trên thế giới cho thấy rõ điều đó. Trong khi nhân loại cần ý thức rằng, thiếu tôn trọng phẩm giá của người nghèo là xúc phạm đến chính Thiên Chúa, bởi họ “là thụ tạo duy nhất trên trái đất Thiên Chúa dựng nên vì chính họ.”[13] Thực tế, nơi nhiều quốc gia, người nghèo không được tôn trọng, phẩm giá bị xúc phạm và thật éo le, lắm lúc còn bị bóc lột tới mức đường cùng. Bởi đó, dù họ có đói nghèo thì họ vẫn là một thành phần không thể thiếu của nhân loại. Không ai được tạo cho mình quyền loại trừ người nghèo khỏi sự phát triển của quốc gia, dân tộc mình. Dù muốn hay không, họ là những anh chị em sống cạnh mình và phải nhận được sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Tình huynh đệ sẽ không bao giờ thành hình nếu những người nghèo còn bị đối xử cách tồi tệ. Trong mọi trường hợp, đòi hỏi một sự tôn trọng xứng đáng đối với phẩm giá của người nghèo, để họ được sống đúng như những gì họ là. Quả thật “trong tư cách là một cộng đồng, chúng ta có bổn phận bảo đảm rằng mọi người được sống với phẩm giá và có đủ cơ hội để phát triển toàn diện.”[14]

Tiếng kêu gào thảm thiết của bao người đói khổ gióng lên từng ngày trên thế giới đã tạo nên một thảm cảnh đáng thương. Thảm cảnh đó đòi hỏi cần có người sẻ chia trách nhiệm, cảm thông và giúp nhau vượt qua cửa ái của cuộc sống hiện tại. Lời của thánh Phaolô vẫn mãi âm vang trong cung lòng thế giới: “anh em hãy mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6, 2). Mang ở đây không chỉ là việc đứng nhìn, đứng nghe. Mang là phải thực hiện điều gì đó để mưu cầu ích lợi cho anh em đồng loại.

Trên hết và trước hết, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1, 27), phẩm giá con người là cao quý và bất khả xâm phạm. Bởi đó, con người cần được quan tâm trong bất cứ hoàn cảnh nào, đặc biệt là những ai trong cảnh đói nghèo mà không được phép phân biệt. Vì lẽ cũng như mọi người “những người nghèo có một vị trí được chọn trong trái tim Thiên Chúa.”[15] Sự quan tâm được dành cho tất cả, vì rằng “phẩm giá bất khả nhượng của mỗi nhân vị bất kể nguồn gốc, chủng tốc hay tôn giáo, cùng với luật tối thượng là tình yêu huynh đệ.”[16] Tiến bước trong thế giới, bất kể là ai “những kẻ tin cũng như những kẻ không tin đều có chung quan điểm là mọi vật trên địa cầu phải được quy hướng về con người như là trung tâm và đỉnh cao của vạn vật.”[17] Như thế, người nghèo có một chỗ đứng đặc biệt trong cộng đồng nhân loại. Có điều trên thực tế, họ lại là những người dễ bị bỏ quên. Vì thế, sự quan tâm dành cho họ phải được lưu tâm trong thế giới hôm nay.

3. Cảnh giác với ảo tưởng loại bỏ hoàn toàn nghèo đói khỏi thế giới

Thật cảm động và đáng trân trọng biết bao khi khắp nơi trên thế giới, từng ngày và từng giờ có biết bao nỗ lực âm thầm xây đắp tình huynh đệ bằng việc góp phần bảo vệ và giải phóng người nghèo khổ. Nhưng cố gắng đó không đồng nghĩa là sẽ xóa bỏ hoàn toàn nghèo đói. Phải chân nhận rằng, không và sẽ không bao giờ có thể loại bỏ nghèo đói ra khỏi thế giới lữ hành này. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ Người rằng: “Anh em sẽ luôn có người nghèo bên cạnh, nhưng anh em sẽ không luôn luôn có Thầy đâu.” (Mt 26, 11; x. Mc 14, 7; Ga 12, 28). Quả đúng, hơn hai mươi thế kỷ qua người nghèo không bao giờ thiếu trong bản đồ dân số thế giới.

Qua dòng thời gian, nhiều quan điểm và ý thức hệ nổi lên rêu rao sự giải phóng con người cách vĩnh viễn khỏi tình trạng nghèo đói. Phủ nhận quan điểm đó, học thuyết XÃ HỘI CÔNG GIÁO nhấn mạnh: Quan điểm hiện thực của Kitô giáo vừa trân trọng các nỗ lực đáng khen trong việc đánh bại sự nghèo đói, vừa dè dặt với những lập trường chịu ảnh hưởng bởi ý thức hệ và những niềm tin cứu thế luôn nuôi ảo tưởng rằng có thể loại bỏ hoàn toàn vấn đề nghèo đói ra khỏi thế giới này. Điều này chỉ xảy ra khi Đức Kitô trở lại để ở với chúng ta một lần nữa và mãi mãi.”[18] Một quan điểm thật rõ ràng như muốn gửi đến thế giới thông điệp đáng nhớ: nghèo đói luôn là vấn đề mang tình hiện sinh. Có con người là còn nghèo đói. Loại trừ nghèo đói là điều bất khả trong một thế giới chưa thành toàn.

Hiểu được căn cốt của vấn đề thì điều thực sự quan trọng là cần những nỗ lực quan tâm đến số phận của người nghèo trong thế giới. Mọi sự phát triển đều liên hệ đến phẩm giá con người, nhất là người nghèo. Nếu sự phát triển chỉ để phát triển thì không bao giờ bền vững. Trái lại, sự phát triển vì lợi ích chung của tất cả mọi người mới đích thật là phát triển, và đó là con đường dẫn đến hòa bình: “phát triển là tên gọi khác của hòa bình.”[19] Đó phải là tiêu đích cần hướng đến.

Ngày nay, với sự tiến bộ vượt bậc của khao học – kỹ thuật, con người không ngừng tự hào với bao thành quả đạt được. Thành quả đó lắm khi dẫn con người đi đến chủ trương loại trừ Thiên Chúa và vì thế dễ dàng loại trừ nghèo đói. Giáo Hội Công Giáo không phủ nhận những thành tựu của khoa học, nhưng nhấn mạnh cách dứt khoát rằng, khoa học là để phục vụ con người chứ con người không thượng tôn khoa học như là chủ tể. Dù đề cao hay chủ ý tập trung vào nó thì rốt cuộc khoa học cũng không thể giải thoát con người. Trên hết, “con người được giải thoát bởi tình yêu.”[20] Ra khỏi quy luật tình yêu, ý nghĩa hiện hữu sẽ dần khép lại. Điều cần ghi nhận là, không có gì thỏa mãn mọi khát khao của con người ngoại trừ một mình Thiên Chúa. 

Hiểu như thế, thật cần thiết có sự “liên đới giữa người nghèo với nhau, giữa người giàu và người nghèo, giữa những người lao động với nhau, giữa chủ và thợ trong xí nghiệp, liên đới giữa các quốc gia và dân tộc” (GLHTCG số 1944). Vận mệnh nhân loại không đặt trong tay một số người, nhưng vận mệnh ấy liên hệ đến tất cả mọi người. Trong cuộc lữ hành trần thế “không ai được cứu một mình, chúng ta chỉ có thể được cứu cùng với nhau.”[21] Bởi đó, trong cái ngút ngàn của thân phận hiện sinh, con người được mời gọi bước đi với anh chị em xung quanh. Không ai sống một mình (x. Rm 14,7). Co cụm như một ốc đảo sẽ không có chỗ cho sự tồn tại vững bền. Công đồng Vaticanô II đã làm sáng tỏ điều này khi khẳng định: “giữa những đặc điểm nổi bật của thế giới hôm nay, phải kể tới sự gia tăng những mối tương giao giữa con người với nhau, được phát huy phần lớn nhờ vào những tiến bộ của kỹ thuật hiện đại. Tuy nhiên, mối tương giao huynh đệ giữa con người được nên trọn hảo không phải ở nơi những tiến bộ ấy, nhưng một cách sâu xa hơn trong cộng đồng các nhân vị, một cộng đồng đòi hỏi phải có sự tôn trọng trọn vẹn phẩm giá thiêng liêng của nhau.”[22] Lời đó vẫn mãi âm vang trong lòng con người, để nhờ nghe mà hành động phù hợp với tiêu chuẩn Tin Mừng.

4. Hành động cụ thể - chứng từ chủ yếu cho tình bác ái huynh đệ

Lấp đầy khoảng cách chữ viết và tinh thần. Quan tâm người nghèo để xây dựng tình huynh đệ được nói đến nhiều trên phương diện lý thuyết. Tuy nhiên, nếu chỉ có lý thuyết suông thì không thể nào có tình huynh đệ. Nói khác đi, nếu chỉ đưa ra ý tưởng trên bàn giấy thôi thì không đủ, mà là phải cụ thể bằng hành động. Nếu chỉ hô hào bằng những khẩu hiệu thật hay mà không hề động ngón tay vào (x. Mt 23,3-4) thì cũng chỉ là “thanh la phèng phèng” (1 Cr 13,1). Cho nên, giữa lý thuyết và thực hành cần phải rút ngắn khoảng cách. Cũng tựa như “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17) thì việc quan tâm người nghèo mà không được hiện thực bằng những hành động thì chẳng là gì? Trước một thế giới với bao đổi thay, không loại trừ thảm cảnh xem người nghèo như một cản trở cho sự phát triển của các quốc gia. Từ đó nảy sinh những cái nhìn lệch lạc về phẩm giá của họ, dẫn đến những hành động trái với giá trị Tin Mừng. Rõ ràng, không nên coi người nghèo “như một vấn đề mà như những con người có thể trở thành những nhà kiến thiết chính của một tương lai mới mẻ và mang tính người hơn cho mọi người.”[23]

Kiến tạo việc làm. Việc quan tâm đến người nghèo theo cách tạm thời thì dễ, nhưng quan tâm để giúp họ ổn định về lâu dài mới là điều cần nhắm đến. Mọi sự giúp đỡ về vật chất sẽ chóng qua, nhưng để có giá trị lâu dài thì tạo việc làm là phương án tốt. Đức Thánh Cha Phanxicô nhìn nhận: “Vấn đề lớn nhất là việc làm. Điều thực sự “vì dân” – bởi nó ủng hộ thiện ích của dân chúng – đó là cung cấp cho mọi người cơ hội để chăm sóc những hạt giống mà Thiên Chúa đã gieo trồng trong mỗi chúng ta: các tài năng của ta, sáng kiến và các nguồn lực nội tại của ta. Đây là sự giúp đỡ tốt nhất mà chúng ta có thể trao cho người nghèo, là con đường tốt nhất để đạt được một đời sống có phẩm giá.”[24]

Thực thi đức ái. Thế giới nói chung và nơi mỗi quốc gia nói riêng đã có nhiều nỗ lực của các cá nhân, tập thể, các tổ chức tôn giáo và xã hội dân sự với những hành động cụ thể quan tâm đến người nghèo. Nỗ lực đó đáng trân trọng và ghi nhận, đồng thời cần duy trì và có những sáng kiến bền vững hơn nữa trong tương lai. Muốn vậy, cần loại bỏ tư tưởng nơi không ít một số người “phận ai nấy lo.” Chỉ biết vun vén cho mình mà bỏ mặc số phận của anh em đồng loại thì quả là không xứng hợp. Tất cả những ai cùng lữ hành trên con thuyền nhân loại phải là người thân cận của người nghèo, biết quan tâm đến họ trong mọi hoàn cảnh và môi trường sống. Số phận của họ luôn có một phần trách nhiệm thuộc về chúng ta. Điều đó mời gọi con người bước ra khỏi thế giới cá nhân, vì biết rằng “chủ nghĩa cá nhân không giúp chúng ta có tự do, bình đẳng và tình huynh đệ nhiều hơn.”[25]

Chia sẻ của cải. Học thuyết Xã Hội Công Giáo liên tục tái xác nhận nguyên tắc mục tiêu phổ quát của của cải và nguyên tắc liên đới, những nguyên tắc này đòi buộc con người phải hành động để đẩy mạnh “ích lợi của mọi người và mỗi người, vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với hết mọi người.”[26] Cách cụ thể trong việc sử dụng của cải, cần nhận thức rõ ràng việc sử dụng của cải là để đem lại sự chia sẻ và tình huynh đệ (x. Lc 16, 9-13). Nói đúng hơn, của cải, dù được sở hữu cách chính đáng, luôn có mục tiêu phổ quát.[27] Theo đó “Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền sử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo luật công bằng là luật đi liền với bác ái.”[28] Chính bác ái là yếu tố kiến tạo tình huynh đệ giữa con người với nhau. Bác ái vì thế “là con đường chính yếu của giáo huấn xã hội trong Hội Thánh.”[29] Điều này không chỉ thực hiện một lần duy nhất trong đời. Trái lại, “sự thiện, cùng với tình yêu, công lý và tình liên đới, không đạt được một lần thay cho tất cả, chúng phải được thể hiện mỗi ngày.”[30]

Về phần mình, tiến bước trong bất cứ thời đại nào, trung thành với Đấng Sáng Lập, Giáo Hội không ngừng dấn thân cho người nghèo. Đó là sứ mạng của mọi Kitô hữu, mọi cộng đoàn hiện diện khắp nơi. Quả vậy “từ lúc khởi đầu và dù có nhiều phần tử Giáo Hội đã không làm. Giáo Hội vẫn không ngừng làm việc để xoa dịu, bảo vệ và giải phóng những người cùng khổ qua biết bao việc làm bác ái, mà thời nào và ở đâu vẫn luôn cần thiết” (GLHTCG số 2448). Vì thế, cảnh giác trước sức quyến rũ của bao cạm bẫy, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở rằng: “Cộng đoàn nào của Giáo Hội chỉ muốn bình yên, không quan tâm cũng không cộng tác tích cực để người nghèo có thể sống đúng phẩm giá và không bị loại; cộng đoàn đó sẽ có nguy cơ tan rã, dù họ có nói đến những đề tài xã hội hay phê phán chính quyền.”[31]

Được lời mời gọi của Tin Mừng thôi thúc, Giáo Hội mong muốn con cái mình phải quan tâm giúp đỡ đồng loại trong mọi nhu cầu. Mỗi hành động cho đi là mỗi hành động đắp xây tình người, vun trồng tình huynh đệ. Theo gương Đức Giêsu, các Kitô hữu cũng tâm niệm: “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Phúc đó được thánh Luca nhấn mạnh: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại” (Lc 6,38). Vì lẽ “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Sống trong một môi trường thuận lợi, các điều kiện được bảo đảm hơn, các Kitô hữu không thể không theo gương Đức Kitô để biết chạnh lòng thương (x. Mt 15,32; Mc 8,2) với những người anh em đang sống trong cảnh bần cùng đói khổ như thiếu nước uống hay lương thực không đủ dùng. Đừng bao giờ chậm trễ khi có cơ hội để quan tâm đến họ. Dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô[32] luôn là bài học vẫn còn sống động cho những ai muốn vun đắp tình huynh đệ (x. Lc 16,19-31).

Xét cho cùng, những gì nhân loại có được là do ân huệ Thiên Chúa. Thật vậy “chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban” (Ga 3,27). Mỗi người cũng cần xác tín “tôi có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1 Cr 15, 10). Thấm thấu điều đó, với các Kitô hữu, Học thuyết Xã hội Công giáo mời gọi “dù đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Kitô hữu luôn được kêu gọi để phục vụ Đức Kitô, để sống theo Thần Khí của Người, rồi được hướng dẫn bởi tình yêu, là nguyên lý của đời sống mới, họ sẽ đưa thế giới và con người trở về lại vận mệnh nguyên thủy.”[33] Mang danh Kitô hữu, người môn đệ Đức Kitô đem Chúa đến cho mọi người. Khi nói lên điều đó, họ hiểu ra rằng không ai có Thiên Chúa mà lại không có trong tâm hồn mình những anh em đồng loại, những người vốn dĩ là hình ảnh Thiên Chúa. Việc đón nhận anh em đồng loại cũng là lời nhắn nhủ việc quan tâm đến sự sống của họ, thụ tạo cao quý nhất trong tất cả mọi loài Chúa đã dựng nên. Trên hết, “việc đón nhận Thiên Chúa cũng kéo theo sự đón nhận anh em và sự sống, phải được xem như một trách nhiệm liên đới và hân hoan.”[34]

Về phần các quốc gia, chính quyền dân sự cần hoạch định những chính sách trợ giúp lâu dài cho những người nghèo khi hiểu rằng “quyền lợi cũng như bổn phận của con người là phổ quát và bất khả xâm phạm.”[35] Các quốc gia láng giềng cần quan tâm lẫn nhau, đón nhận nhau và giúp nhau vượt qua khó khăn bằng biểu hiện thiết thực. Có thể là việc giảm trừ hay xóa bỏ hoàn toàn nợ nần cho những nước nghèo. Đó là một trong những giải pháp thể hiện tình huynh đệ. Vì số nợ đó, rồi đây sẽ trở thành gánh nặng và chính những người dân sẽ chịu trách nhiệm trả nợ. Một khi việc xóa nợ được thực hiện, người dân trong các quốc gia sẽ vượt qua thử thách, hướng nhìn về tương lai tràn đầy niềm vui và bình an. Nơi đó tình huynh đệ luôn thắp sáng.

Một minh chứng mang tính thời sự hơn, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây chết chóc khắp nơi, đe dọa sự sống còn của nhân loại, sau bao nỗ lực không biết mệt mỏi đến nay một số quốc gia đã sáng chế được Vắc-xin phòng ngừa. Trước thành quả đáng mừng đó, Giáo Hội kêu gọi các quốc gia phân phối Vắc-xin ngăn ngừa đại dịch Covid-19 cách công bằng.[36] Điều này ngăn ngừa việc các quốc gia nghèo đói giảm bớt được tình trạng lệ thuộc thái quá vào các quốc gia sản xuất Vắc-xin. Thực tế, để có được Vắc-xin ngừa dịch, các quốc gia nghèo phải đánh đổi vô số điều kiện bất lợi. Đó là hành động làm suy giảm tình huynh đệ khi đặt lợi ích quốc gia lên trên ích chung nhân loại. Trong lúc này, tình yêu thương phải là chỉ nam cho hành động. Thư Rôma nói rằng: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8). Luật tối thượng vẫn là luật của tình yêu.

Cuối cùng, nếu còn đó những âu lo, là những ai không thể làm gì để giúp đỡ người nghèo thì ít ra hãy có tâm tình như thánh Gioan Thiên Chúa: “Khi tôi thấy biết bao người nghèo phải khổ cực quá sức, phải thiếu thốn trăm bề nơi tâm hồn cũng như ngoài thể xác mà tôi không làm vơi nhẹ được thì tôi rất buồn, nhưng tôi tin cậy vào Thiên Chúa, vì Người biết lòng tôi.”[37] Hãy cầu nguyện và phó thác cuộc đời họ cho Thiên Chúa, Đấng hằng chăm sóc mọi loài, Đấng an bài mọi sự trong kế hoạch yêu thương của Người.

5. Cùng Mẹ Maria, thông chia mối bận tâm với người nghèo khổ

Với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, Đức Maria có một chỗ đứng đặc biệt trong gia đình nhân loại. Học thuyết Xã hội Công giáo nhìn nhận rằng: Người kế nhiệm niềm hy vọng thánh thiện trong dân Israel và người đầu tiên trong hàng ngũ các môn đệ Đức Kitô chính là Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu Kitô.”[38] Mẹ đã trải qua cảnh thiếu thốn trong những năm tháng nơi trần gian, Mẹ đã nếm cảm cảnh khổ đau của kiếp nhân sinh. Cưu mang Con Thiên Chúa, đến ngày mãn nguyệt khai hoa đi tìm nơi hạ sinh nhưng bị chối từ. Cảnh mang nặng mà bị chối từ như thế lẽ nào Mẹ không khổ đau? Chưa dừng lại, mới sinh chẳng được bao lâu thì Mẹ cùng thánh Giuse và Con Yêu dấu trốn sang Ai-Cập để né tránh sự mưu sát của bạo chúa Hêrôđê. Vì thấu hiểu tận cùng như thế, Mẹ vẫn bên những người nghèo bị hắt hủi và bỏ rơi trong thế giới hôm nay. Mẹ hằng tin tưởng vào Thiên Chúa: Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư” (Lc 1, 53).

Hơn ai hết, Mẹ là người hiện diện cùng nhân loại và cảm thông nỗi khổ đau của những người lữ hành nơi “nước mắt chan hòa cuộc đời.”[39] Trong cảnh khốn cùng của một nhân loại vong thân, Mẹ vẫn hằng dõi nhìn những nhịp bước của đoàn con dưới thế. Chính Mẹ cùng với Con Chí Thánh đã trải qua cuộc đời sóng gió nơi biển trần gian tăm tối, u buồn. Bởi đó, khi ngước nhìn tâm hồn Đức Maria, ngước nhìn đức tin sâu thẳm của ngài biểu lộ cách sâu sắc nơi lời kinh “Magnificat”, các môn đệ Đức Kitô được mời gọi nhớ lại một cách đầy đủ hơn bao giờ hết, rằng “không thể tách sự thật về Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa nguồn mạch mọi ân huệ với Thiên Chúa luôn tỏ lòng ưu ái người nghèo nàn và khiêm tốn – tình thương này đã được ca tụng trong kinh Magnificat và về sau sẽ được tỏ bày trong lời nói và việc làm của Đức Giêsu.”[40]

Là “Mẹ của toàn nhân loại”, với tất cả niềm tín thác, các Kitô hữu cần đến Đức Maria nơi dương thế này. Đó là sự thể hiện một niềm khát khao tình huynh đệ không biên giới, không điều kiện. Quả vậy “đối với nhiều Kitô hữu, hành trình huynh đệ này cũng có một người Mẹ, tên là Maria. Khi đã nhận tư cách làm Mẹ phổ quát này dưới chân Thập giá (x. Ga 19,26), Mẹ quan tâm không chỉ Chúa Giêsu mà còn cả “những người còn lại trong dòng dõi bà” (x. Kh 12,17). Trong sức mạnh của Chúa Phục Sinh, Mẹ muốn sinh hạ một thế giới mới, trong đó tất cả chúng ta là anh chị em, trong đó có chỗ cho tất cả những ai bị các xã hội chúng ta loại bỏ, trong đó công lý và hòa bình chiếu sáng.”[41]

Ngắm nhìn Mẹ là “Nữ tỳ của Chúa” hầu nhận ra thân phận yếu đuối của mình, biết khiêm tốn trước Thiên Chúa quyền uy để xin Người đoái đến phận người thiếu thốn và xin ơn biết quan tâm đến người nghèo trong cuộc sống hiện sinh.

Ngước nhìn Mẹ là “hình ảnh và Mẹ hiền Giáo Hội”, một Giáo Hội lộng lẫy xinh đẹp, để là họa ảnh sống động của một “Giáo Hội cho người nghèo.”[42] Đồng thời, cuộc đấu tranh chống nghèo đói tìm được một động cơ mạnh mẽ khi biết rằng, Giáo Hội chọn lựa và dành tình thương ưu tiên cho người nghèo.[43] Vì lẽ đó, mượn lời của Đức Hồng y Raniero Cantalamessa để thâm tín “Giáo Hội không bao giờ lãng quên lòng cậy trông và can đảm của Mẹ trong trái tim và ký ức của mình.”[44]

Là Đấng “Vô nhiễm Nguyên Tội”, xin Mẹ đồng hành với những ai nghèo khó để giúp họ đón nhận thánh ý Chúa hơn là kiếm tìm những điều ác (x. 1 Pr 3,17). Dù cho cuộc sống còn khó nghèo nhưng vẫn luôn sống với tâm hồn trong sạch, không trộm cắp, gian tà, nhưng là sống cuộc đời tín thác vào Chúa theo lời mời gọi: “mọi âu lo hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr 5,7). Được như vậy, tình huynh đệ sẽ được thành hình và tỏa rạng.

Cách riêng, là “Nữ vương các Linh mục”, xin Mẹ đồng hành với những mục tử trên cánh đồng sứ vụ, để các mục tử sống tinh thần Tám Mối Phúc Thật và hướng dẫn đoàn chiên sống tinh thần đó. Hơn hết, để mọi chủ chăn biết họa lại đời sống khó nghèo của Chúa Giêsu, Con Mẹ và từ sự quan tâm của Người đối với người nghèo trên mọi phương diện. Vì vậy, chúng con mong muốn được mãi: “nhịp bước bên Mẹ, con đem Giêsu đi vào lòng đời. Nhịp bước bên Mẹ, con đem Tin Mừng vào trong thế giới.” Trong tiếng nài van: “Maria xin giúp sức cho con, dìu con đi trên những lối gian nguy. Đời dâng hiến cho Nước Trời hôm nay. Bao chông gai nhưng có Mẹ con vững lòng.”[45] Nhân loại không ngừng ngước trông Mẹ là ánh sao mai, là kết tinh của niềm hy vọng trong niềm tin được Mẹ dẫn đưa con thuyền đời cập bến bình an. Mãi mãi, Mẹ là “hình ảnh trọn vẹn nhất của một nhân loại và một vũ trụ được tự do và giải thoát.”[46]

Tiến về tương lai với niềm hy vọng

Nhìn vào thế giới hiện nay, thật đáng mừng khi sự phát triển trên nhiều lĩnh vực mang lại nhiều thành quả phục vụ cho cuộc sống con người thêm tốt đẹp. Tuy vậy, cũng phải chân nhận rằng cái nghèo, cái khổ vẫn còn bám víu bao phận người. Thế giới vẫn còn đó bao việc để làm cho những người nghèo. Thật vậy, nói về nghèo đói thì sẽ chẳng bao giờ cùng. Mỗi hành động bác ái, sự quan tâm phát xuất từ tấm lòng chân thành không gì khác hơn là hướng tới mục đích sưởi ấm những cõi lòng băng giá vì bị bỏ rơi, bị hất hủi, coi thường và đối xử cách tệ bạc. Thế giới không bao giờ có tình huynh đệ nếu một phần đông người nghèo chưa được quan tâm đúng mức hay khi nhân phẩm của họ chưa được tôn trọng xứng đáng.

Dù tiến bước trong thời đại nào, cả khi văn minh thế giới đạt đến đỉnh cao thì ơn này không bao giờ mất đi ý nghĩa, là con người cần “xin cho được lòng yêu người.”[47] Trong sứ mệnh xây dựng huynh đệ hiệp nhất, những ai quan tâm đến những anh em đau khổ sẽ tìm được niềm vui và sự bình an, sẽ không bao giờ phải chịu thiệt thòi, vì “chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.”[48] Hơn nữa lời thánh vịnh đã xác tín rằng “phúc thay kẻ lưu tâm đến người nghèo khổ, trong ngày hoạn nạn sẽ được Chúa cứu nguy”(Tv 40,1) và “ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu thương” ( 2 Cr 9,7). Sự quan tâm đến anh em nghèo đói đích thực là biểu chứng hừng hồn và cao thượng cho một tình huynh đệ triển nở trong một tương lai tươi sáng. Đó cũng là bổn phận của mọi người, một bổn phận thực thi đức ái, không có miễn trừ, không có thoái thác. Đó còn là tình yêu dành cho tha nhân, một tình yêu không có điểm dừng. Bởi đó, thánh Gioan Thánh giá đã cảnh báo về điều này: Vào lúc đời xế bóng, bạn sẽ bị xét xử về tình yêu.”[49]

Lời kêu gọi kiến tạo tình huynh đệ ngang qua việc quan tâm người nghèo vẫn mãi âm vang trong cõi lòng con người. Hiểu biết tầm quan trọng đó, trung thành với giáo huấn của mình, bước vào thiên niên kỷ thứ ba “Giáo Hội tiếp tục ngỏ lời với mọi dân tộc và mọi quốc gia, vì ơn cứu độ chỉ được ban cho con người nhân danh Đức Kitô.”[50] Sự ngỏ lời ấy là tiếng gọi của một tình yêu vô vị lợi, không toan tính. Bởi vậy, cần quan tâm đến những nhu cầu của anh em mình. Chỉ có như thế, con người mới gặp thấy nhau, giúp nhau đi trọn hành trình hiện hữu, mở ra một chân trời hiệp nhất, yêu thương và chính tình yêu thương ấy sẽ dẫn nhân loại đến cõi phúc đời đời. Tắt một lời, tình huynh đệ luôn mời gọi con người tiến lên và hiện thực bằng những hành động cụ thể và như thế “sự cởi mở huynh đệ cho phép chúng ta nhận ra, trân trọng, và yêu thương mỗi con người, bất kể sự dị đồng thể lý, bất kể người ấy sinh ra hay sống ở đâu.”[51]


[1] Điển hình như Văn kiện về tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và chung sống, được ký giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Tiến sĩ Ahmad el-Tayeb, Đại Imam của Al Azhar Al Sharif trong cuộc viếng thăm Đền thờ Hồi giáo Sheikh Zayed tại Abu Dhabi ngày 04 tháng 02 năm 2019; Văn kiện của Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Sự Sống: Đại Dịch và Tình Huynh Đệ Phổ Quát, ban hành ngày 30 tháng 3 năm 2020; Đặc biệt Thông điệp thời sự về tình huynh đệ mang tên Fratelli Tutti (Tất cả Anh Em) được Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành ngày 03 tháng 10 năm 2020.

[2] Học thuyết xã Hội Công giáo được thể hiện cách cụ thể nơi Bản Tóm Lược HTXH của Giáo Hội Công Giáo, công bố vào năm 2004. Hiện nay đã được Ủy ban Bác ái Xã Hội (trực thuộc HĐGM Việt Nam chuyển sang Việt ngữ). Tuy nhiên, không chỉ gói gọn ở Bản Tóm Lược, học thuyết này còn được thể hiện nơi các văn kiện mang tính xã hội như Thông điệp, Tông Thư, Tông Huấn, Sứ Điệp của các Đức Giáo Hoàng qua các giai đoạn khác nhau; các Huấn Thị của các Bộ, của Hội Đồng Giáo Hoàng và các văn kiện mang tính xã hội khác.

[3] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hòa Bình (Ủy Ban Bác Ái Xã Hội dịch), Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, 7.

[4] Ibid., 5.

[5] Gioan XXIII, Marter et Magister, 218.

[6] Vaticanô II, Apostolicam Actuositatem, 8.

[7] Phanxicô, Misericordiae Vultus, 1.

[8] Tòa Giám mục Xã Đoài, Sách Kinh Địa Phận Vinh, Ngắm đàng Thánh giá, Nơi thứ 14, Nxb. Thuận Hóa, 1996, 37.

[9] Gioan XXIII, Marter et Magister, 198.

[10] Vaticanô II, Gaudium et Spes, 4.

[11] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình Năm 2000, 14.

[12] Bênêđictô XVI, Caritas in Veritatae, 19.

[13] Vaticanô II, Gaudium et Spes, 24.

[14] Phanxicô, Fratelli Tutti, 118.

[15] Phanxicô, Evangelli Gaudium, 197.

[16] Phanxicô, Fratelli Tutti, 39.

[17] Vaticanô II, Gaudium et Spes, 12.

[18] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hòa Bình (Ủy Ban Bác Ái Xã Hội dịch), op.cit., 183.

[19] Gioan Phaolô II, Centisimus Annus, 52; x. Phaolô VI, Populorum Progressio, 76-80.

[20] x. Bênêđictô XVI, Spe Salvi, 26.

[21] Phanxicô, Fratelli Tutti, 32.

[22] Vaticanô II, Gaudium et Spes, 23.

[23] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình Năm 2000, 14.

[24] Phanxicô, Fratelli Tutti, 162.

[25] Ibid., 105.

[26] Gioan Phaolô II, Sollicitudo Rei Socialis, 28.

[27] x. Lêô XIII, Rerum Novarum, 7.19.

[28] Vaticanô II, Gaudium et Spes, 69.

[29] Bênêđictô XVI, Caritas in Veritatae, 2.

[30] Phanxicô, Fratelli Tutti, 11.

[31] Phanxicô, Evangelli Gaudium, 207.

[32] Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai triển chi tiết ý nghĩa dụ ngôn này dưới góc nhìn tình huynh đệ trong Thông điệp Fratelli Tutti, tại chương II với tựa đề “Một Khách Lạ Trên Đường” từ số 56 đến số 86.

[33] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hòa Bình (Ủy Ban Bác Ái Xã Hội dịch), op.cit., 455.

[34] Bênêđictô XVI, Caritas in Veritatae, 78.

[35] Vaticanô II, Gaudium et Spes, 26.

[36] ĐTC Phanxicô tiếp ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, https://www.Vaticanônews.va/, truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2021.

[37] Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Các Giờ Kinh Phụng Vụ, quyển 2, bài đọc kinh sách lễ Thánh Gioan Thiên Chúa, tu sĩ ngày 08 tháng 3, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr. 1568.

[38] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hòa Bình (Ủy Ban Bác Ái Xã Hội dịch), op.cit., 59.

[39] Lời bài hát Lạy Mừng Trinh Nữ Vương, Đcv. Thánh Phanxicô Xaviê, Tuyển Tập Phụng Ca, Lưu hành nội bộ, 2019, 942.

[40] Gioan Phaolô II, Redemptoris Mater, 37.

[41] Phanxicô, Fratelli Tutti, 278.

[42] Phanxicô, Evangelli Gaudium, 198.

[43] x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh, lần thứ 3, Mêxicô, ngày 28 tháng 01 năm 1979.

[44] ĐHY. Raniero Cantalamessa (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương chuyển ngữ), Đức Maria, Nữ Tỳ Của Chúa, Nxb. Đồng Nai, 2020, 120.

[45] Lời bài hát Tâm ca Đồng hành (còn có tựa đề khác là Nhịp Bước Bên Mẹ), Đcv. Thánh Phanxicô Xavie, Tuyến Tập Phụng Ca, Lưu hành nội bộ, 2019, 442.

[46] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Libertatis Consciencia, 97.

[47] Tòa Giám Mục Xã Đoài, Sách Kinh Địa Phận Vinh, Mầu nhiệm Năm Sự Vui, ngắm thứ 2, Nxb. Thuận Hóa, 1996, 27.

[48] Thánh Phanxicô Átxidi, Kinh Hòa Bình, Đcv. Thánh Phanxicô Xaviê, Tuyển Tập Phụng Ca, 2019, Lưu hành nội bộ, 437.

[49] Thánh Gioan Thánh Giá, Avisos y sentencias, 57: Biblioteca Mística Carmelitana, v. 13 (Burgos1931) 238.

[50] Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hòa Bình (Ủy Ban Bác Ái Xã Hội dịch), op. cit., 1.

[51] Phanxicô, Fratelli Tutti, 1.

Nguồn tin: