Mô Hình Truyền Giáo Nắm Men

Tue,22/10/2019
Lượt xem: 2916

 Việt Nam có thể được xem như là ‘khối bột’ đa dạng và phong phú đã được định hình qua hàng trăm năm bởi các nền văn hóa và các tín ngưỡng khác nhau. Để thay đổi nếp sống, thay đổi niềm tin, tiếp nhận Tin Mừng Đức Kitô của một người Việt, điều này quả không dễ. Do đó, công việc loan báo Tin Mừng thực sự khó khăn, nếu không khéo sẽ gây tác dụng phụ. Thiết tưởng, trong bối cảnh Việt Nam, có thể xây dựng một mô hình truyền giáo, một lối loan báo Tin Mừng theo cách thức mới phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Đó là ý hướng mà mô hình truyền giáo ‘NẮM  MEN’ muốn nhắm tới.

Trước hết, ta có thể khái quát đôi nét về bối cảnh dân Việt.

Thứ nhất, người dân Việt có đặc tính văn hóa gia  đình, văn hóa làng xã. Từ khi sinh ra, lớn lên, trưởng thành cho đến khi về với ông bà tổ tiên đều gắn bó sâu đậm vào gia đình và làng xã, có cây đa, bến nước, sân đình. Dĩ nhiên, cơ cấu làng xã hiện nay đã bị phá vỡ phần nào đó. Nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn. Mọi người trong làng xã có tinh thần tương thân tương ái, gắn bó mật thiết, lá lành đùm lá rách để cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Mỗi thành viên đều có trách nhiệm với các thành viên khác trong cộng đồng làng xã: chuyện xây nhà, sinh con, ốm đau, tang ma, cưới hỏi… đều thấy sự hiện diện của bà con trong họ, ngoài làng. Nền văn hóa làng xã và tinh thần dân tộc là ưu điểm của dân Việt. Đó là cơ hội, cũng là thách thức cho việc loan báo Tin Mừng. Đã có một thời, quan niệm theo đạo là theo Tây, theo dân ngoại lai. Vì thế, theo đạo lẻ loi một mình là thách thức của nhiều người. Họ có  thể bị  anh em họ hàng, làng xã xa lánh và khinh bỉ.

Thứ hai, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một nét bản sắc văn hóa của người Việt. Trong các hình thái tín ngưỡng dân gian, thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng cổ truyền mang tính phổ quát của người Việt Nam. Thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên rất giản dị: tin rằng tổ tiên mình là thiêng liêng, họ đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh con cháu, phù hộ cho con cháu. Một thời gian khá lâu, Giáo Hội ngăn cấm mọi hình thức thờ cúng ông bà tổ tiên. Một thời gian sau đến 08-12-1939, khi Đạo Hiếu không còn bị ngộ nhận là một tôn giáo, Toà Thánh chấp thuận cho người Công Giáo Việt Nam được thờ cúng ông bà theo lối xưa. Ngày 14-6-1965, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ra thông cáo chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng của những hiểu lầm trước đây, hiện nay, không ít người, kể cả một số ít người Kitô hữu, vẫn cứ lầm tưởng theo Đạo là bỏ ông bà tổ tiên.

Thứ ba, tại Á châu, cách riêng tại Việt Nam, tâm thức con người luôn có hình bóng tôn giáo. Cũng như ở nhiều quốc gia khác, tôn giáo ở Việt Nam rất đa dạng, có sự xuất hiện các tôn giáo như: Phật Giáo, Công Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo. Hầu như mỗi tôn giáo Á châu đều có thể nhìn nhận giáo chủ của các tôn giáo khác cũng là những vị ‘Thiên sai.’ Vì thế, các tín đồ tôn giáo khác rất dễ chấp nhận Đức Giêsu là một Đấng Thiên Sai. Nhưng họ khó chấp nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất. Nhìn nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Tinh duy nhất, đồng nghĩa với phủ nhận ‘tính cứu tinh’ của vị giáo chủ họ đang theo. Khi xác định giữa thế giới rằng Ngài là Đấng Cứu Độ duy nhất, thì đối với họ có thể là một điều xúc phạm, chạm tự ái tập thể, hay ít nhất là chói tai, khó có thể chấp nhận được. Chắc chắn rằng chạm tự ái tập thể sẽ khiến người ta dễ nổi giận, dễ gây mất thiện cảm hơn là chạm tự ái cá nhân. Đó là phải chăng là lý do bước đầu khiến nhiều người không có được ấn tượng tốt nhất về Kitô giáo chăng? Nói rõ hơn, trong bối cảnh Việt Nam, nếu người đi loan báo Tin Mừng khẳng định mình đã ‘nắm trọn’ Chân Lý, Chúa của mình theo là ‘Số Một,’ là ‘Đấng Cứu Độ duy nhất,’ thực chất đúng là vậy, nhưng nguy cơ dẫn đến bất hòa và gây chia rẽ là cao,[1] dẫn tới nguy cơ tự sát cao, có thể gây hiệu ứng ngược.[2]

Với bối cảnh như thế, với những khó khăn và thách thức đó, cộng thêm những trở ngại và khó khăn từ Nhà Nước ‘chỉ thị’, ta có thể quay về Kinh Thánh để tìm một nền tảng cho một mô hình truyền giáo mới.

Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu truyền lệnh cho môn đệ:  “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).  Chúa Giêsu đã ban truyền mệnh lệnh này hai ngàn năm trước. Đây không phải là một gợi ý, mà là lệnh truyền của Ngài, xuất phát từ ý định cứu độ của Chúa Cha, do sự thúc đẩy và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, vì sự cứu độ của nhân loại.  Qua dòng thời gian, Giáo Hội vẫn liên tục nhắc nhở các Kitô hữu về bổn phận loan báo Tin Mừng: “mọi tín hữu đều có bổn phận rất cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận Phúc Âm cứu độ của Chúa” (TĐ, số 3; cf. GH số 17; TG, số 23, 36). Theo thánh Phaolô, vô phúc cho ai không thi hành:Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1Cr 9, 16). Vậy theo Kinh Thánh, đâu là phương pháp loan báo Tin Mừng? Tùy vào mỗi hoàn cảnh, kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị mỗi nơi mà cách thức loan báo khác nhau: Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này,Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2). Vì thế, tùy theo nền văn hóa mà người Kitô hữu sống, họ có bổn phận phải “luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3,15).  Với  điều kiện là “phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1Pr 3,16). Thiết tưởng, trong bối cảnh Việt Nam, cách trả lời dễ chấp nhận nhất là: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,15). Cách thức này đã được Đức Thánh Cha Phaolô VI nói đến trong thông điệp Evangelii Nuntiandi, ngài nói: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (số 41).

Dĩ nhiên, cũng phải nói rằng, có những men có tác dụng tốt. Nhưng cũng có loại có tác dụng xấu, nếu men đã bị cũ, bị thối. Có rất nhiều loại men ủ vào bột, để bột dậy men và làm ra những ổ bánh, những hũ rượu, hũ  dấm, sữa chua rất ngon, v.v. Thế nhưng, cũng có những thứ men độc hại làm cho thức ăn hư thối, gây tật bệnh cho con người. Tương tự, trong Kinh Thánh Chúa Giêsu cũng đã đề cập hai loại men: ‘men mang tên Kitô’ (cf. Mt 13,33) và ‘men Pharisêu và men Hêrôđê ’ (cf. Mc 8,15). Men Đức Kitô là men ân sủng, men tình yêu, thứ men làm cho người ta lớn lên và sống dồi dào. Còn “men Pharisêu và men Hêrôđê” là thứ men kiêu căng giả hình, làm cho con người ra hư hỏng. Chính thánh Phaolô cảnh giác người tín hữu, khi nói với cộng đoàn Côrintô rằng:“Lý do khiến anh em vênh vang chẳng đẹp đẽ gì! Anh em không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao? Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (1Cr 5,6-8). Vì thế, để cho Nước Trời rộng mở, mỗi kitô hữu được kêu mời tái sinh trong Kitô, trở thành những ‘nắm men’ mới, tốt, hữu ích để biến đổi thế giới trong ân sủng Đức  Kitô.

So với dân số trong nước, tỷ lệ người Công Giáo tại Việt Nam quá ít ỏi, chỉ là một lượng men rất ít ỏi. Nhưng nếu lượng men ít ỏi này phát huy hết công dụng, khiêm tốn và phục vụ giữa đời, tôn trọng giá trị văn hóa và tâm linh của anh chị em khác, thì có hy vọng làm cho khuôn mặt của Đức Kitô trở nên dễ gần, dễ mến và hấp dẫn mọi anh chị em lương dân hơn. Người Kitô hữu phải chấp nhận như men bị chôn vùi vào đống bột giữa đời, có mặt ở mọi nơi, trong mọi ngành nghề, trong các lãnh vực kinh tế chính trị. Trong lúc hiện diện khắp nơi này, cũng giống như men vậy, không ồn ào nhưng có sức thu hút, biến đổi mạnh mẽ bằng chính gương chứng tá đời sống. Sự thống nhất giữa lời chúng ta nói với cuộc đời chúng ta sống, sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên và tự hỏi: Tại sao người này lại sống như thế? Và sự tò mò ấy, dù âm thầm, nhưng đó lại là khởi đầu của ‘hạt giống hy vọng’. Hạt giống ấy sẽ dần dần lớn lên. Có cơ hội, hạt giống sẽ phát triển thành cây đức tin tươi tốt.

Nếu nhìn lại lịch sử Giáo Hội hoàn vũ ta sẽ thấy: nếu dân Mandi mà  không đánh phá và cướp lấy đế quốc Rôma, thì làm sao Tin Mừng có thể đến với họ? Nếu Nhà Nước Việt Nam không có chính sách kinh tế mới  để ‘ưu tiên’ các tín hữu đến những nơi khó khăn thì làm sao ngày nay có những giáo xứ ở những nơi héo lánh và xa xôi đó? Dù có Men, nhưng nếu men để cách xa thúng bột thì nào có ích chi? Thiết  tưởng phải  ra điở lại để đưa men đến gần thúng bột. Vậy ai sẽ ‘ra đi và ở  lại?’ và ra đi đến đâu? Và ở lại bao lâu? Phải thú thật rằng: hầu như các dòng tu ngày nay lập ra để ở với những Thúng Bột, tạm gọi là ‘đã dậy men’. Ít có dòng nào can đảm thành lập cộng đoàn tại một nơi mà không có người giáo dân. Thiết tưởng, các Hội Dòng phải là chứng từ đầu tiên của việc ra đi này. Một mẫu gương của việc ra đi này là cha  Charles de Foucauld. Ngài ở giữa sa mạc Sahara để cùng chia sẻ kiếp sống với dân. Cha xin Chúa ban cho một người có cùng lý tưởng nhưng chẳng thấy ai. Cách nào đó, Ngài đã thất bại. Thế nhưng hạt giống ấy sau một thời gian chôn vùi đã đâm chồi: Cha xin một người, Chúa ban cho có hàng trăm, hàng nghìn Tiểu đệ, Tiểu muội theo tinh thần của Ngài. Tiếp đến, khuyến khích những gia đình anh chị em giáo dân, khoảng 5-12 gia đình, thậm chị một gia đình, can đảm ‘ra đi, ở lại’ và sống với những người anh chị em lương dân. Dĩ nhiên, trước khi thực hiện kế hoạch này, điều kiện tiên quyết họ phải đã là ‘men mới’. Nói cách khác, họ phải thực sự ở lại trong Đức  Kitô để được ngài biến đổi thành men mới trước đã. Nếu  không được tái tạo thành men mới, họ sẽ mang theo men cũ hôi thối, có thể gây hiệu ứng ngược. Một nắm men có thể làm dậy cả khối bột. Một gia đình hay một nhóm gia đình kia có thể khơi dậy cả một ngôi làng chưa biết đến Đức Kitô. Để thực hiện điều này, nguyên tắc căn bản là âm thầm ‘ra đi và ở  lại’ và dùng chính men Đức Kitô làm dậy men Tin Mừng trong xóm làng ta sống. Lý do thứ nhất, trong bối cảnh Việt Nam, có sự ‘quan tâm’ của  chính quyền một cách đặc biệt về hoạt động tôn giáo, cộng với mối quan hệ ‘lương-giáo’ đã có những vết sẹo khó chữa lành, nên sự ‘ồn ào’ càng làm cho người ta sử dụng ‘kháng thể’ không dám dùng loại men tốt có sức chữa trị. Lý do thứ hai, đặc tính của men là âm thầm. Men phát huy sức mạnh tiềm ẩn của nó khi làm cả khối bột lên men, nở ra và lúc ấy ta mới nhận ra sự hiện diện ẩn dấu và tác động của men trong bột. Khi ăn những tấm bánh thơm, chẳng ai thấy men, vì men đã thành bánh rồi. Nhưng không có men thì cũng chẳng có bánh. Thiết tưởng, trong giai đoạn đang ‘dậy men,’ nếu ở một nơi xa, những ‘men mới’ này cần được ưu tiên nuôi dưỡng bằng Lời  Chúa hơn là Thánh Thể. Bởi một lẽ, nếu một Thánh Lễ mà làm cho người ta khó chịu và đề phòng thì chọn âm thầm để Lời Chúa biến đổi sẽ tốt hơn. Nói cách khác, tất  cả giai đoạn dậy men là ‘âm thầm’, kể cả Rửa tội. Khi một số lượng lớn đã lên men, lúc đó có thể tạo thành những cộng đoàn nhỏ, dưới sự hướng dẫn của một tư tế, nếu cần có thể là một giáo dân trực thuộc tư tế.

Tóm lại, truyền giáo có nhiều mô hình khác nhau. Trong bối cảnh Việt Nam, cần ưu tiên đời sống chứng tá như men nồng để làm dậy men Tin Mừng. Nói cách khác, đời sống chứng tá là câu trả lời hay nhất cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng” (1Pr 3,15) của chúng ta, là men tốt nhất để làm ‘khối bột’ dân Việt dậy men. Và trong mô hình truyền giáo Nắm Men, thì mỗi người có một phương pháp lên men khác nhau nữa. Dù lên men kiểu nào hay cách thức nào thì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8). Mỗi Kitô hữu được gọi mời trở thành những ‘nắm men’ cho đời qua chính những công việc bình dị hằng ngày. Mục đích căn bản là “cuối cùng Đức Kitô được rao giảng” (Pl 1,18)Ước mong, đời sống mỗi người Kitô hữu là lời rao giảng thỏa đáng nhất về Đức Kitô cho người khác, để Tin Mừng về Ngài, của Ngài dậy men trong tâm hồn mỗi người dân Việt.

                                                                                                        Jos. Trương Hải, K.XIII
                                                                                        Trích từ Tập san Đức Tin và Văn Hóa, số 13


[1] Cf .Pet. Nguyễn Văn Viên, Hội Nhập Văn Hóa và Đối Thoại Liên Tôn, (lưu hành nội bộ), p. 159

[2] Cf. Thomas C.Fox, Lê Công Đức dịch, Lễ Hiện Xuống ở Á Châu, Phương Đông, p. 372

Nguồn tin: