Linh Mục Quản Xứ Trong Tương Quan Với Các Tôn Giáo Bạn

Fri,09/04/2021
Lượt xem: 1907

 

Lm. Paul Vũ Văn Triều

 

Linh mục là người được Thiên Chúa tuyển chọn giữa Dân Ngài, nhưng không phải để tách biệt thế gian, mà để tận hiến phục vụ công việc của Chúa giữa muôn người.[1] Vì thế, trong vai trò là người được thông dự và chia sẻ sứ mạng của Đức Giêsu Mục Tử, linh mục quản xứ không chỉ sống cho và sống với đàn chiên được giao phó cho mình, mà còn phải sống các tương quan khác nữa, như với các tôn giáo bạn.

Nhìn vào lịch sử, ngày xưa người Công Giáo thường dùng những từ ngữ nghe không mấy thiện cảm để gọi người ngoài đạo của mình, như ‘dân ngoại giáo’, ‘đồ ngoại đạo’, ‘kẻ vô đạo’… để phân biệt với ‘người có đạo’ là những người thuộc Kitô giáo. Những danh từ này một cách nào đó làm cho ta cảm thấy thiếu tinh thần tôn trọng các tôn giáo khác, hay nói đúng hơn, có vẻ coi những người thuộc tôn giáo khác là những người không có đạo, hay ‘đạo bởi ma quỷ’. Và kết cục là người Kitô không ‘chơi’ hay ‘không tương quan’ gì với ‘dân ngoại’. Đây là một sự thật đáng tiếc, vì não trạng này không chỉ diễn ra trong một thời khắc, mà nó kéo dài suốt cả chiều dài lịch sử Kitô giáo: từ Giáo Hội sơ khai đến Công Đồng Vatican II (1962-1965). Tất cả thái độ này có thể được tóm gọn trong câu nói nổi tiếng của thánh Cyprian (200-258): “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”.

Công Đồng Vatican II đã có một cái nhìn tích cực về giá trị ‘mầm chân lý’ và những giá trị tốt khác nơi các tôn giáo, nên cách gọi được thay đổi: ‘các tôn giáo bạn’, và bắt đầu có tương quan đối thoại với ‘các tôn giáo bạn’:

Trong thời đại chúng ta, nhân loại ngày càng liên kết chặt chẽ với nhau hơn, các mối liên lạc giữa các dân tộc cũng gia tăng, nên Giáo Hội đặc biệt chú tâm đến việc liên lạc với các tôn giáo ngoài Kitô giáo.[2]

Hội Đồng Giám Mục Á Châu nhìn nhận:

Những người sáng lập các tôn giáo Á Châu, cách nào đó, cũng được sự hướng dẫn của Thần Khí” và “chỉ có tương quan đối thoại mới có thể khám phá được hạt giống Lời Chúa nơi các tôn giáo bạn.[3]

Với Công Giáo Việt Nam, cánh cửa tương quan đối thoại với các ‘tôn giáo bạn’ mới chỉ thực sự bắt đầu từ Thư chung 1980, khi nhìn nhận những người theo các tôn giáo khác “như những người anh chị em trong các niềm tin khác nhau”.

Là đại diện cho Giáo Hội giữa một công đoàn Kitô hữu, cụ thể trong môi trường văn hoá đa tôn giáo như ở Việt Nam[4], người linh mục quản xứ hôm nay cũng phải biết ra khỏi ‘ốc đạo’ và ‘thành trì kiên cố’ của tư tưởng ‘khép kín’ và ‘loại trừ’ cổ xưa, để sống tương quan đối thoại với các tôn giáo bạn, nhằm xây dựng và phát triển một cuộc sống trong hoà bình, bền vững, công lý, và tình yêu”.[5] Để có một tương quan tốt hầu mang lại thiện ích, thiết nghĩ, linh mục quản xứ cần phải có cái nhìn bao dung và tinh thần cởi mở trong chân lý và tình yêu,[6] cũng như có những chương trình hoạt động thực tiễn và cụ thể với các tôn giáo bạn.

Trước hết, linh mục quản xứ phải cần xác tín rằng tương quan với các tôn giáo khác không chỉ là lựa chọn, nhưng là đòi hỏi của Tin Mừng (Mc 16, 15, Lc 24, 47), là hình thức căn bản nhất của việc truyền giáo.[7] Để khai mở cho một tương quan tốt, linh mục quản xứ cần biết khiêm tốn nhìn nhận ‘hạt giống Lời Chúa’ và tôn trọng giá trị chân lý cũng như tính luân lý tốt nơi các tôn giáo:

Với các tôn giáo bạn phải khiêm tốn, hiền hòa. Đừng coi tôn giáo của mình là nhất, là hơn hẳn các tôn giáo khác. Đừng loại trừ nhau mà phải chân thành, tìm hiểu các tôn giáo trên đất nước mình, nhằm có được cái nhìn tổng thể về cái hay, cái đẹp của mỗi tôn giáo thể hiện qua cuộc sống thường ngày.[8]

Ngài cũng cần biết tôn trọng sự khác biệt và đa dạng giữa các tôn giáo, để không dẫn đến sự chia rẽ. Trái lại, biết dùng sự khác biệt để nối kết niềm tin Kitô với các tôn giáo bạn. Hơn nữa, sự khác biệt và đa dạng giữa các tôn giáo sẽ giúp con người có cơ hội đến gần với Chân Lý Tuyệt Đối hơn. Chính việc khiêm tốn nhìn nhận ‘mầm chân lý’ và tôn trọng sự khác biệt là con đường dẫn đấn sự gặp gỡ và cộng tác để cùng nhau xây dựng con người và xã hội:

...những cuộc gặp gỡ và trao đổi với các tôn giáo bạn chắc chắn sẽ tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho việc cộng tác nhằm lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người.[9]

Thứ đến là tương quan bằng hành động cụ thể: linh mục quản xứ cần biết tiếp xúc: nói chuyện, gặp gỡ, giao lưu… với tín đồ các tôn giáo trong đời sống hàng ngày, nhất là những dịp lễ đặc biệt của mình cũng như của các tôn giáo bạn. Chính sự gần gũi này tạo nên sự thân quen, cũng cố mối tương giao và làm cho tinh thần cộng tác với nhau dễ dàng hơn. Tiếp xúc với nhau không chỉ có thể giúp xoá bỏ những thành kiến, hiểu lầm nhau, mà còn giúp hiểu nhau hơn về niềm tin cũng như cách thực hành niềm tin trong cuộc sống. Ngài cũng nên biết cộng tác với các tôn giáo bạn trong các công tác bác ái từ thiện, phúc lợi xã hội, nhất là trong việc đấu tranh cho công lý và hoà bình. Như ngày nay, những hoạt động lớn của Giáo Hội Công Giáo luôn có sự hiện diện của đại diện các tôn giáo bạn như: Phật giáo, Tin lành, Cao Đài... và trong hoạt động của các tôn giáo bạn cũng đều có mặt của đại diện Giáo Hội Công Giáo. Đặc biệt, ngài nên biết mời các tôn giáo bạn tham dự những dịp lễ đặc biệt, tổ chức những buổi cầu nguyện chung, cùng nhau tìm hiểu, toạ đàm về giáo lý và các giá trị của các tôn giáo...

Như vậy, nhờ tương giao đời sống, linh mục quản xứ cũng như các con chiên của ngài có thể nhận thấy những điểm tốt nơi các tôn giáo bạn, là “Những hạt giống của đức tin”,[10] và “Mở cửa cho ánh sáng chân lý tiềm ẩn trong tất cả mọi người”.[11] Như Hội nghị Liên hội đồng Giám mục Á Châu khẳng định:

Trong cuộc đối thoại này, chúng tôi nhìn nhận các tôn giáo như những yếu tố có nghĩa và tích cực trong nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa. Chúng tôi thừa nhận và tôn trọng những ý nghĩa và giá trị tinh thần và đạo đức thâm sâu nơi các tôn giáo này.[12]

Điều này sẽ giúp kitô hữu biết trân trọng, yêu thương, phát huy những giá trị cao quí và coi các tín đồ tôn giáo bạn như anh em của mình. Vì thế, các dịp lễ lớn của Công Giáo cũng như của các tôn giáo bạn sẽ trở thành ngày hội ngộ chung trong tinh thần chia sẻ và cầu nguyện cho con người và thế giới.

Nhờ hành động chung trong các công việc lập công tích đức, ngài có cơ hội thuận lợi và phù hợp để truyền giáo. Đó là dấn thân phục vụ cách vô vị lợi như Đức Kitô; chia sẻ những kinh nghiệm tôn giáo của mình dựa trên chỉ dẫn của các sách thánh, của niềm tin tôn giáo; đào sâu sự hiểu biết lẫn nhau, đồng thời phổ biến quan điểm tôn giáo của mình. Để hy vọng một ngày trong tương lai không xa, nhân loại tiến đến lý tưởng “Chân Thiện Mỹ,” đi vào “Vinh Quang Thiên Chúa” ngay đời này.



[1] CĐ VATICAN II, Presbyterorum Ordinis, 3.

[2] CĐ VATICAN II, Nostra Aetate, 1.

[3] GM PHÊRÔ NGUYỄN VĂN VIÊN, Hội Nhập Văn Hoá & Đối Thoại Liên Tôn, Lưu hành nội bộ, 120 & 89.

[4] Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng, hội đủ các loại hình tôn giáo Đông, Tây, có tôn giáo ngoại nhập như Phật giáo, Tin lành, Hồi giáo và có tôn giáo nội sinh như Cao đài, Phật giáo Hòa hảo, Tứ ấn Hiếu nghĩa, Bửu sơn Kỳ hương...

[5] GM PHÊRÔ NGUYỄN VĂN VIÊN, Hội Nhập Văn Hoá & Đối Thoại Liên Tôn, Lưu hành nội bộ, 92-93.

[6] ĐGH PHANXICÔ, Tông Huấn Evangelii Gaudium, 250.

[7] GM PHÊRÔ NGUYỄN VĂN VIÊN, Hội Nhập Văn Hoá & Đối Thoại Liên Tôn, Lưu hành nội bộ, 89-90.

[8] Báo Công Giáo và Dân tộc, số 1781, tháng 11 năm 201.

[9] Tài liệu làm việc số 21 của Đại hội Dân Chúa Việt Nam 2010.

[10] CĐ VATICAN II, Ad Gentes, 11, 15.

[11] CĐ VATICAN II, Nostra Aetate, 2.

[12] FABC, Những định hướng, thách đố và tác động, Bản tin Hiệp Thông 71/2012, 27.

Nguồn tin: