Làm thế nào trình bày Đức Kitô cho người Á châu?

Tue,10/09/2019
Lượt xem: 2017

 Trong khi chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 2000 năm Đức Giêsu ra đời, một mối ưu tư của Đức Gioan Phaolô II đã nêu lên trong tông huấn “Hội thánh tại Á châu” là phải đẩy mạnh việc loan truyền Đức Giêsu tại lục địa này, nơi Ngài đã sinh trưởng nhưng cũng là nơi mà Ngài vẫn còn là một người xa lạ. Nhưng phải loan báo như thế nào?

Khi ngỏ ý triệu tập các Thượng hội đồng Giám mục cho các đại lục trước thềm bước sang ngàn năm thứ ba, trong tông thư “Tertio Millennio Adveniente” (số 38), Đức Gioan Phaolô II đã nhận thấy rằng thách đố lớn cho lục địa Mỹ châu là sự công bằng và những tương giao kinh tế; còn đối với Á châu thì thách đố lớn lao nhất là sự gặp gỡ giữa Kitô giáo với các văn hóa và tôn giáo địa phương. Các tôn giáo này xuất hiện như là những con đường cứu độ. Vì thế mà cần phải suy tư về vị trí Đức Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, khác biệt với các vị giáo chủ khác. Không lạ gì mà Đức Kitô trở thành chủ đề then chốt của Thượng hội đồng Giám mục châu Á, và dĩ nhiên đây cũng là đề tài nòng cốt của tông huấn “Hội thánh tại Á châu”, được ban hành ngày 6/11 vừa qua. Điều này được biểu lộ nơi tựa đề của văn kiện, đó là “Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu thế và sứ mạng yêu thương phục vụ của Người tại châu Á”. Tuy rằng văn kiện này mang tính cách mục vụ, nhưng đường hướng mục vụ của Hội thánh cần phải dựa trên những nguyên tắc thần học về thân thế và sứ vụ của Đức Giêsu Kitô. Hội thánh loan báo Đức Giêsu là Đấng Cứu thế, và hoạ lại mẫu gương yêu thương phục vụ nhân loại của Thầy mình. Vì thế có thể nói được là toàn thể văn kiện này là một bài huấn giáo về Đức Kitô. Khác một điều là bài huấn giáo này chưa hoàn tất, nhưng chỉ mới phác hoạ vài nét về phương pháp. Tông huấn “Hội thánh tại Á châu” mới chỉ là một khởi điểm chứ chưa phải là đích điểm.

Tông huấn đã nói gì về phương pháp trình bày Đức Kitô?

Tông huấn phân biệt hai cấp độ khi bàn về Đức Kitô: cấp độ một là những điều cần phải xác tín về thân thế và sự nghiệp của Đức Kitô; cấp độ hai là cách thức loan truyền Đức Kitô. Chúng ta có thể ghi nhận sự phân biệt ấy ở tựa đề chương hai (Đức Giêsu Đấng Cứu thế, hồng ân đức tin) và tựa đề chương bốn (Đức Giêsu Đấng Cứu thế, loan truyền hồng ân). Ở cấp độ một, tông huấn lặp lại những chân lý căn bản của đức tin về Đức Kitô, kéo dài trong suốt hai chương Hai và Ba. Từ chương Bốn trở đi, chúng ta bước sang cấp độ hai, nghĩa là loan truyền đức tin bằng chứng tá cuộc sống, bằng ngôn ngữ. Có thể nói là những chương còn lại của tông huấn nhằm đề nghị những đường lối cụ thể để loan truyền: qua sự thông hiệp, qua sự đối thoại, qua sự phục vụ.

Khi lặp lại những chân lý căn bản của đức tin về Đức Kitô, tông huấn đã nêu bật những điểm nào?

Tôi thấy có 3 điểm sau đây được nhấn mạnh đặc biệt:

Điểm thứ nhất, Đức Giêsu không phải chỉ là một trong những trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, nhưng là vị Trung gian duy nhất. Điều này cần được đặt trong bối cảnh của các vị sáng lập tôn giáo tại Á châu. Các vị đó cũng có thể ví như những vị trung gian, theo nghĩa là các ngài đã chỉ dẫn cho chúng ta những con đường để tìm về Đấng Tối cao. Khi so sánh với các vị đó, Đức Kitô đứng một chỗ đứng độc nhất vô nhị, không phải nguyên chỉ vì đạo lý của ngài cao siêu hơn khi nói về Thiên Chúa, nhưng bởi vì ngài chính là Thiên Chúa đến với loài người để cứu vớt loài người khỏi tội lỗi và dẫn họ về hạnh phúc vĩnh cửu ở với Chúa. Đức Kitô chính là hồng ân cao nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho con người: nơi Đức Kitô, Thiên Chúa trao ban chính mình cho con người, đặc biệt nơi cuộc Tử nạn và Phục sinh.

Điểm thứ hai liên quan đến mối tương quan giữa Đức Kitô với Thánh Thần, nội dung của chương Bốn. Chương này dành để trả lời cho vài luồng thần học cho rằng nguồn gốc mọi sự thiện hảo của các tôn giáo là tác động của Thánh Thần. Qua Thánh Thần, Thiên Chúa gợi lên những mầm mống sự tốt lành. Nhờ Thánh Thần mà các tín đồ của các tôn giáo khác được cứu rỗi. Tông huấn cũng chấp nhận những điều đó, nhưng thêm rằng Thánh Thần không tác động song song với Đức Kitô. Thánh Thần hoạt động chặt chẽ với Đức Kitô, và hướng dẫn mọi người về với Đức Kitô và với Hội thánh của Đức Kitô. Thiên Chúa, Đức Kitô, Thánh Thần không phải là ba chủ thể rời rạc, nhưng kết hợp với nhau trong sự thông hiệp. Hai điểm vừa rồi – Đức Kitô Đấng Trung gian duy nhất, và Thánh Thần không phải là Đấng song hành với Đức Kitô – đã được Đức Gioan Phaolô II bàn rộng trong thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Chúa Cứu thế), chống lại vài khuynh hướng thần học muốn coi đức Kitô như một giáo chủ ngang hàng với các giáo chủ khác.

Như vậy là phải coi các giáo chủ khác ở dưới Đức Kitô hay sao?

Không phải như vậy. Chúng ta không nên chỉ nhìn đức Kitô như một vị giáo chủ, bởi vì sự đối chiếu như vậy sẽ mang những hậu quả tai hại. Các tín đồ của đức Kitô dễ sinh mặc cảm tự tôn, coi rằng mình cao hơn các tín đồ khác. Không, chúng ta hãy nhìn về phía Thiên Chúa, nguồn gốc của mọi ân huệ. Trải qua dòng lịch sử, Thiên Chúa đã gợi lên nhiều đạo sĩ ngôn sứ khác nhau, để chỉ vẽ cho nhân loại những con đường ngay thiện. Nơi Đức Kitô, hồng ân lên tới mức tột độ, bởi vì Thiên Chúa trao ban chính Con Một của mình, để đưa họ vào hưởng hạnh phúc với mình. Đức Kitô được nhìn như là sự sung mãn của mọi hồng ân. Vì thế mà tất cả những gì tốt đẹp nơi các nền văn hóa và nơi các tôn giáo khác đều cần phải được thu nhận và kiện toàn. Chẳng hạn như số 14 viết như sau: “Nơi đức Kitô, các giá trị chân chính của mọi truyền thống tôn giáo và văn hóa, tựa như từ bi, vâng mệnh trời, đại độ nhân nghĩa, bất bạo động, công bằng, hiếu thảo, thuận hoà.. tất cả những điều đó được thể hiện hoàn hảo”.

Điểm thứ ba mà tông huấn muốn nói về Đức Kitô là gì?

Điểm thứ ba không kém phần quan trọng tuy có lẽ chúng ta không đánh giá đúng mức, đó là Đức Kitô không phải chỉ mặc khải những chân lý về Thiên Chúa mà còn mặc khải chân lý về con người nữa. Điều này đã được công đồng Vaticanô II nói ở số 22 của Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng”, được Đức Gioan Phaolô II khai triển trong thông điệp đầu tiên “Đấng Cứu độ nhân loại” (Redemptor Hominis). Tông huấn “Hội thánh tại Á châu” lặp lại ở số 13, vì những hậu quả của nó về cả lý thuyết cũng như thực hành. Về lý thuyết, Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta những chân lý về phẩm giá, ơn gọi, cứu cánh tối hậu của con người. Về thực hành, Đức Kitô đã mở ra một mẫu gương sống về tình yêu thương phục vụ dành cho hết mọi người, đặc biệt là những người nghèo.

Đó là những chân lý đức tin cổ truyền về thân thế và sự nghiệp của Đức Kitô. Nhưng làm thế nào mà trình bày những chân lý ấy cho người Á châu?

Khi nói đến việc trình bày đức Kitô, tông huấn dùng tiếng “loan báo hồng ân”, tựa đề của chương Bốn. Tôi nghĩ rằng “loan báo” (hoặc: công bố) thì rộng nghĩa hơn là “trình bày”. Sự trình bày có thể chỉ giới hạn vào một công thức, một hình ảnh, một tư tưởng. Loan báo thì bao gồm cả một công trình, một biến cố. Một cách cụ thể, phương thế đầu tiên để loan báo là bằng chứng tá của đời sống. Số 42 của tông huấn nói rằng người Á châu khuất phục đức độ chứ không phải là lý luận. Con đường chứng tá được diễn tả qua những hạn từ: “thông hiệp, đối thoại, phục vụ, yêu thương”, nội dung của các chương 5 cho đến chương 7.

Sự trình bày đạo lý về đức Kitô thì được nói cách riêng ở các số 20 đến số 22. Chúng ta có thể ghi nhận 6 điểm sau đây. Thứ nhất, lắng nghe Chúa Thánh Thần đã tác động trong các nền văn hóa và tôn giáo Á châu. Thiết tưởng đây là một thái dộ quan trọng: đức Kitô không phải chỉ hiện diện ở trong Kinh thánh hay trong nhà thờ, nhưng Người còn hiện diện trong các con người nữa. Đây là nền tảng của thái độ đối thoại vừa nhắc đến. Thứ hai, tìm cách diễn tả Chúa Cứu thế như là đáp ứng lại những khát vọng cứu độ, biểu lộ qua những truyền kỳ dân gian. Thứ ba, tìm những lối tiếp cận mới để trình bày chân lý đức Kitô; không nhất thiết bằng lối tiếp cận bản thể siêu hình, nhưng qua lối trình thuật kiểu như tác giả của các sách Phúc âm; hoặc qua những tư tưởng diễn tả mối tương quan. Thứ bốn, sử dụng các phương pháp sư phạm phổ thông tại Á châu, tựa như những tích chuyện, dụ ngôn, biểu tượng. Thứ năm, tìm những hình ảnh sát với lối sống và suy tưởng của người Á châu, chẳng hạn như: nhà Hiền triết, Cứu độ, Giải thoát, Tôn sư, Đấng từ bi trắc ẩn, kẻ thuận theo thiên ý, kẻ xoa dịu đau thương. Nên biết là những khái niệm vừa rồi là do các nghị phụ Thượng hội đồng nêu lên trong kiến nghị số 6. Nói chung, đây là điều quen gọi là “hội nhập văn hóa”. Số 22 vạch ra năm lãnh vực của việc hội nhập, đó là: thần học, phụng vụ, đào tạo giáo sĩ và tu sĩ, huấn giáo, linh đạo. Tông huấn dành riêng số 23 cho Linh đạo (hoặc đời sống tâm linh). Lý do dễ hiểu, bởi vì không phải là chúng ta đi tuyên truyền cho một ý thức hệ, nhưng chúng ta loan truyền một đạo giáo. Đạo giáo được biểu lộ qua đời sống tâm linh (cầu nguyện, chiêm niệm, khổ chế), những giá trị cổ truyền của các tôn giáo Á châu. Bởi vậy nếu thiếu chiều kích này thì người Á châu không thể nhận ra Kitô giáo như một đạo giáo. Mặt khác, sự thành tựu của công cuộc truyền giáo không lệ thuộc vào sự tính toán hoạt động của chúng ta cho bằng tùy thuộc vào tác động của Chúa Thánh Thần. Đó là lý do vì sao hoạt động truyền giáo cần đi đôi với chiêm niệm. Ở số 23, tông huấn diễn tả sự truyền giáo như là “hoạt động mang tính chất chiêm niệm và sự chiêm niệm mang tính chất hoạt động”.

Giuse Phan Tấn Thành, OP

Nguồn tin: https://daminhtamhiep.net