Hiểu biết về Thượng Hội Đồng Giám Mục

Tue,23/11/2021
Lượt xem: 1465

Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI đã chính thức khởi hành ở cấp giáo phận. Đây là cơ hội để học hỏi về Thượng Hội Đồng, để cùng cảm thức với Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

Hiểu về Thượng Hội Đồng Giám Mục

a. Khái niệm về Thượng Hội Đồng

Nhằm đáp ứng nguyện vọng của các nghị phụ Công Đồng Vaticanô II về ý muốn duy trì tinh thần tích cực (tinh thần hiệp đoàn) mà Công Đồng có được, ngày 15 tháng 9 năm 1965, qua Tự sắc Apostolica Sollicitudo, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã thiết lập thể chế định kỳ mang tên Thượng Hội Đồng Giám Mục (Synodus Episcoporum).[1]

Sắc lệnh Christus Dominus của Công Đồng Vaticanô II nói rõ:

“Những vị giám mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau trên thế giới, theo cách thức và tiêu chuẩn đã hoặc sẽ được Giáo Hoàng Rôma ấn định, sẽ hỗ trợ vị Chủ chăn Tối cao của Giáo Hội cách đắc lực hơn qua một hội đồng có tên riêng là “Thượng Hội Đồng Giám Mục”, Thượng Hội Đồng hoạt động nhân danh toàn thể hàng giám mục Công giáo, nên cùng lúc cũng cho thấy rằng tất cả các giám mục, trong sự hiệp thông phẩm trật, đều tham gia vào việc chăm lo cho Giáo Hội phổ quát.”[2]

Bàn về Thượng Hội Đồng, Bộ Giáo Luật 1983 khái quát:

“Thượng Hội Đồng Giám Mục là hội nghị các giám mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau trên thế giới, nhóm họp định kỳ để cổ vũ sự hiệp nhất mật thiết giữa Đức Giáo Hoàng Rôma và các giám mục, để góp ý kiến giúp Đức Giáo Hoàng trong việc bảo toàn và thăng tiến đức tin và phong hoá, cũng như trong việc duy trì và củng cố kỷ luật Giáo Hội, và cũng để nghiên cứu các vấn đề liên quan tới hoạt động của Giáo Hội trong thế giới.”[3]

b. Các hình thức Thượng Hội Đồng

Giáo luật điều 345 cho thấy có 3 cách thức tổ chức Thượng Hội Đồng:

“Thượng Hội Đồng Giám Mục có thể được họp trong một đại hội chung, hoặc thường lệ, hoặc ngoại lệ, để thảo luận về những vấn đề liên quan trục tiếp đến lợi ích của Giáo Hội phổ quát, hoặc có thể được họp trong một đại hội đặc biệt, để thảo luận về những vấn đề liên quan trực tiếp đến một hoặc nhiều miền nhất định.”

Giáo luật giải thích rõ:

– Thượng Hội Đồng Giám Mục được họp trong đại hội chung thường lệ gồm những thành viên phần đông là giám mục được các Hội Đồng Giám Mục chọn cho từng đại hội, tuỳ theo những quy định do luật riêng của Thượng Hội Đồng ấn định; những thành viên khác được chỉ định do chính luật riêng đó; những thành viên khác nữa do Đức Giáo Hoàng trục tiếp chỉ định; thêm vào đó là một số thành viên của các hội dòng giáo sĩ được lựa chọn chiếu theo quy tắc của luật riêng ấy. (điều 346 §1)

– Thượng Hội Đồng Giám Mục được họp trong đại hội chung ngoại lệ để bàn về những vấn đề đòi hỏi phải có một quyết định mau lẹ, gồm những thành viên phần đông là giám mục do luật riêng của Thượng Hội Đồng chỉ định chiếu theo chức vụ các ngài đang đảm nhiệm; những thành viên khác do Đức Giáo Hoàng trực tiếp chỉ định; thêm vào đó là một số thành viên của các hội dòng giáo sĩ được lựa chọn chiếu theo quy tắc của luật riêng ấy. (điều 346 §2)

– Thượng Hội Đồng Giám Mục được họp trong đại hội đặc biệt gồm những thành viên được lựa chọn, chủ yếu trong những miền mà vì đó Thượng Hội Đồng được triệu tập, chiếu theo quy tắc của luật riêng điều hành Thượng Hội Đồng. (điều 346 §3)

c. Cách thức làm việc

Mỗi Thượng Hội Đồng làm việc chung với nhau dựa trên tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris) được công bố trước. Sau thời gian làm việc, nội dung bàn thảo sẽ tóm lược thành tài liệu chung kết (Final Instrumentum) và cuối cùng, văn kiện đúc kết được Đức Giáo Hoàng ban hành dưới dạng Tông Huấn (Apostolic Exhortations).

  1. Điểm Tên Các Thượng Hội Đồng Giám Mục

Cách tổng quát, tính đến nay đã có 27 Thượng Hội Đồng Giám Mục diễn ra, gồm:

  • 15 khóa thường lệ: Phát triển đức tin (năm 1967); Công bình thế giới (năm 1971); Loan báo Tin Mừng (năm 1974); Huấn giáo (năm 1977); Gia đình (năm 1980); Sám hối hòa giải (năm 1983), Giáo dân (năm 1987); Đào tạo linh mục (năm 1990); Đời sống thánh hiến (năm 1994); Giám mục (năm 2001); Thánh Thể (năm 2005); Lời Chúa (năm 2008); Tân Phúc Âm hóa (năm 2012); Gia đình (năm 2015); Giới trẻ (năm 2018);
  • 8 khóa đặc biệt: về Hà Lan (năm 1979); Liban (năm 1995); Châu Âu (năm 1991); Châu Phi (năm 1994); Châu Mỹ (năm 1997); Châu Á, Châu Úc (năm 1998); Châu Âu (năm 1999); Amazone (năm 2019);
  • 3 khóa ngoại lệ: tương quan giữa Tòa Thánh với các HĐGM (năm 1969); Kỷ niệm 20 năm Công Đồng Vatican (năm 1985), Phúc Âm hóa Gia đình (năm 2014).

Thượng Hội Đồng năm 2023 là Thượng Hội Đồng lần thứ 28 của Giáo Hội, cũng là lần thứ 16 Thượng Hội Đồng Giám Mục họp thường lệ.

  1. Các Thượng Hội Đồng Giám Mục dưới triều Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Được bầu chọn là đấng kế vị thánh Phêrô vào ngày 13/3/2013, sau khi khai mạc sứ vụ vào thánh lễ kính thánh Giuse (19/3/2013), tính cả Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI, đến nay Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã triệu tập 5 Thượng Hội Đồng Giám Mục, trong đó có 3 Thượng Hội Đồng Giám Mục thường lệ; 1 Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa đặc biệt và 1 Thượng Hội Đồng Giám Mục khóa ngoại lệ.

  • Thượng Hội Đồng ngoại thường lần thứ III (5-19/10/2014), với đề tài: “Những thách đố mục vụ của gia đình trong khung cảnh của việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ.”
  • Thượng Hội Đồng thường lệ lần thứ XIV (4-23/10/2015) với đề tài: “Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới hiện nay.”

Văn kiện đúc kết: Tông huấn Amoris laetitia  – Niềm Vui Của Tình Yêu (ban hành ngày 19/3/2016)

  • Thượng Hội Đồng thường lệ lần thứ XV (3-28/10/2018) với đề tài: “Tuổi trẻ, đức tin và phân định ơn gọi.”

Văn kiện đúc kết: Tông huấn Christus vivit – Đức Kitô Đang Sống (ban hành ngày 25/3/2019)

  • Thượng Hội Đồng đặc biệt về Amazzonia với đề tài: “Amazon: Những con đường mới cho Giáo Hội và cho một nền sinh thái toàn diện.”

Văn kiện đúc kết: Tông huấn Querida Amazonia – Amazon Yêu Quý (ban hành ngày 2/2/2020)

  • Thượng Hội Đồng thường lệ lần thứ XVI với đề tài “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ.”

Thượng Hội Đồng đang diễn ra ở cấp giáo phận.

Vào năm thứ 9 triều đại của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phát động một tiến trình Thượng Hội Đồng kéo dài 3 năm trên toàn thế giới và sẽ kết thúc với khóa họp thường kỳ vào tháng 10/2023 tại Rôma. Chúa nhật 10/10/2021, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô, chính thức khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới lần thứ XVI.

  1. Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI có điều gì khác?

Ngày 18/9/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành Tông hiến Episcopalis Communio (Tình Hiệp Thông Giám Mục) nhằm thay đổi một số điểm liên quan đến tiến trình nhóm họp Thượng Hội Đồng. Tông hiến gồm 2 phần: Phần đầu nói về đạo lý gồm 10 điều khoản và phần hai gồm 27 điều khoản về kỷ luật.

Hiện thực thay đổi của Tông hiến mới, trước khi diễn ra Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI, ngày 21/5/2021, Ủy ban Tổng Thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục đã công bố một tài liệu hướng dẫn đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn, trình bày về việc thay đổi cách thức tiến hành Thượng Hội Đồng Giám Mục lần tới. Theo đó, Thượng Hội Đồng Giám Mục không còn được tiến hành hoàn toàn ở Vatican nhưng có thể ở từng Giáo Hội cụ thể ở các châu lục, với tiến trình kéo dài 3 năm theo 3 giai đoạn: giáo phận, châu lục và hoàn vũ (vào tháng 10/2023).

Từ trước đến nay, Thượng Hội Đồng Giám Mục thường diễn ra như khóa họp của các giám mục cùng với Đấng kế vị thánh Phêrô nhưng lần này đã có những thay đổi đáng kể. Đây không chỉ là một đại hội của các giám mục mà còn là hành trình dành cho tất cả các tín hữu, trong đó mỗi Giáo Hội địa phương đóng góp phận vụ của mình cách tích cực.

Nếu như dưới triều đại Đức Giáo hoàng Phanxicô, các Thượng Hội Đồng gần đây đã bàn đến các chủ đề như Tân Phúc Âm hóa, Gia đình, Giới trẻ và miền Amazon thì Thượng Hội Đồng lần này tập trung vào chủ đề đặc biệt: “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông, tham gia, sứ vụ.”

Con đường của Thượng Hội Đồng thường lệ lần thứ XVI khởi hành từ lúc khai mạc vào tháng 10/2021 đến đại hội vào tháng 10/2023, chia làm ba giai đoạn:

Giai đoạn cấp giáo phận (từ tháng 10/2021 – tháng 8/2022). Các Giáo Hội địa phương sẽ bắt đầu hành trình vào Chúa nhật 17/10, dưới sự chủ tọa của giám mục giáo phận. Mục đích của giai đoạn này là tham vấn cộng đoàn Dân Chúa.

Giai đoạn tại châu lục (từ tháng 9/2022 cho đến tháng 3/2023). Mục đích là để trao đổi về tài liệu làm việc. đối thoại và phân định

Đại hội Thượng Hội Đồng Giám Mục (tháng 10/2023). Thượng Hội Đồng sẽ quy tụ tại Rôma vào tháng 10/2023 theo các thủ tục được thiết lập trong Tông hiến Episcopalis Communio.

Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI đích thực là sự tái tạo cuộc đối thoại của Giáo Hội với toàn thể Dân Chúa. Hơn ai hết, các tín hữu khắp nơi đặt hy vọng vào Thượng Hội Đồng sẽ mang lại những thiện ích lớn lao cho toàn thể Giáo Hội và thế giới.

Việc tìm hiểu vắn tắt về Thượng Hội Đồng giúp các Kitô hữu ý thức bổn phận của người môn đệ trong việc tham gia vào sứ mạng của Giáo Hội. Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng đạt được những thành quả như lòng Chúa mong ước, cùng phó thác tiến trình Thượng Hội Đồng từ khởi sự đến hoàn thành cho sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Chú thích:

[1] Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, Tự sắc Apostolica Sollicitudo, (15/9/1965): AAS 57 (1965) 775-780.

[2] Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, số 5 (28/10/1965): AAS 58 (1966) 675.

[3] Bộ Giáo Luật 1983, điều 342.

                                                                                              Giuse Nguyễn Văn Lâm
ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê

Nguồn tin: