Cha Mẹ Và Bệnh Trầm Cảm Ở Trẻ Em

Thu,04/03/2021
Lượt xem: 2375

 

Aug. Trần Cao Khải

Vừa qua, trên trang mạng vnexpress.net đăng bài viết có tựa đề: “Ba kiểu gia đình dễ khiến trẻ trầm cảm”, theo đó tác giả liệt kê các kiểu gia đình ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ em như: a- Có bố mẹ luôn phủ nhận cố gắng của con cái và đánh giá thấp chúng; b- Gia đình thờ ơ với tình cảm của con; và c- Gia đình quá kỳ vọng vào con cái khiến chúng dễ rơi vào tình trạng trầm cảm. [i]

Bài báo trên đã trích đăng bài viết của An Ca là một nhà tâm lý học Trung Quốc, cho hay: Cách đây ít lâu, một video trên mạng xã hội Weibo (TQ) thu hút sự quan tâm của hơn 300 triệu người. Trong video này, một cô gái họ Mã nói rằng bản thân đã vật lộn với bệnh trầm cảm bảy năm qua, nhiều lần muốn tự tử. Nhưng khi cô nói với mẹ, bà trả lời: ‘Con vẫn luôn như thế, đã bao năm rồi? Con vẫn tỏ ra mình khác biệt, bản thân không tự chịu còn bắt ai chịu thay’. Thật không thể tưởng tượng khi con cái bị trầm cảm mà cha mẹ lại chẳng biết gì, thậm chí còn trách chúng là giả vờ hay đạo đức giả, nhiều độc giả đã để lại khá nhiều bình luận bên dưới video của Mã.

Học giả An Ca cho biết tiếp: Vào năm 2012, một nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát về chứng trầm cảm của gần 3.000 thanh thiếu niên từ độ tuổi 10-25 tại Trung Quốc. Kết quả là cứ 5 trẻ thì 1 em bị trầm cảm. Về mặt tâm lý, trầm cảm bắt nguồn từ sự tấn công bên ngoài khiến trẻ luôn tự ti, thậm chí ghét bỏ bản thân. Cảm xúc và sự tức giận bị kìm nén này lại không được bộc lộ ra ngoài, trẻ tự chịu đựng, cô đơn trong chính nơi được gọi là mái ấm.

Khi đề cập đến ba kiểu gia đình có thể là nguyên nhân khiến trẻ rơi vào trạng thái trầm cảm nhất, người ta đã đưa ra những câu chuyện cụ thể từng xảy ra trên thực tế để chúng ta cùng suy nghĩ.

- Kiểu gia đình thứ nhất: Cha mẹ luôn phủ nhận cố gắng của con cái và đánh giá thấp về chúng.

Một bác sĩ tâm lý ở Bắc Kinh kể chuyện: “Một cháu bị trầm cảm đi tái khám. Lúc chờ bác sĩ, cậu bé mở sách ra đọc, khi trở về bác sĩ khen: “Cháu chăm chỉ thật”. Không ngờ mẹ cậu bé đáp trả ngay: “Chăm chỉ gì, chỉ toàn giả vờ!”.

Vị bác sĩ cho rằng, dù con có tâm lý không bình thường, bố mẹ cũng không thể sử dụng cách mỉa mai này để giao tiếp với trẻ. Bác sĩ rất nỗ lực hàn gắn tâm lý cho trẻ nhưng chỉ vì câu nói của người mẹ mà mọi công sức tiêu tan. Vị bác sĩ này nói: “Nhiều cha mẹ thực sự không biết vì sao trẻ trầm cảm, cũng không hiểu tại sao có đứa đòi chết. Bố mẹ hết lòng yêu thương trẻ cũng có thể là người làm tổn thương trẻ nhiều nhất”.

Với trẻ, sự đánh giá của cha mẹ chính là cách chúng nhận biết giá trị bản thân. Gặp trắc trở gì bố mẹ đều đổ lỗi cho trẻ, gặp thất bại gì trẻ cũng bị bố mẹ nhạo báng, lâu dần sự tự tin của chúng bị hao mòn, lòng tự trọng bị đánh gục và cuối cùng rơi vào bóng tối.

- Kiểu gia đình thứ hai: Cha mẹ thờ ơ với tình cảm của con cái.

Bà Phó hiệu trưởng Lý Mộng Lê của một trường trung học ở Bắc Kinh đã kể câu chuyện xảy ra tại trường này. Đó là, một học sinh lớp Bảy có học lực xuất sắc nhiều năm bỗng nhiên kết quả giảm sút không rõ lý do. Cậu bé nhiều lần nói với cô giáo: “Con không muốn sống nữa vì cuộc sống thật vô nghĩa”. Mời phụ huynh lên phản ánh, nghe thấy điều này, người mẹ nói: “Thưa cô, không cần lo lắng. Đó chỉ là lý do không muốn đi học mà thôi”. Nhưng sau khi cô giáo đưa đi viện, các bác sĩ nói rằng bệnh tâm lý của học sinh này đã rất nghiêm trọng.

Bà Lý nhấn mạnh: Nhiều cha mẹ cảm thấy khó khăn khi thừa nhận những cảm xúc tồi tệ mà đứa con phải chịu đựng. Đối diện với trẻ, họ thờ ơ, thậm chí cho rằng cảm xúc tiêu cực là do lỗi ở trẻ và không chấp nhận tình cảm thực sự của con cái. Sẽ có những câu nói đại loại như: “Tại sao phải khóc, nước mắt không giải quyết được vấn đề gì?”; “Việc gì phải sợ, hãy xem bạn bè đang làm những gì kia kìa”…Đó sẽ là những câu mà đứa trẻ trầm cảm hay phải nghe từ bố mẹ mình.

Trong mối quan hệ cha mẹ - con cái, việc bỏ mặc tình cảm còn tàn nhẫn hơn bạo lực. Lúc này, đứa trẻ giống như sống trên một hòn đảo biệt lập, không được coi trọng và không ai nhìn thấy chúng. Bỏ mặc tình cảm, so với đối xử bạo lực, không làm tổn thương cơ thể, nhưng trừng phạt trái tim một cách mạnh mẽ nhất.

- Kiểu gia đình thứ ba: Cha mẹ kỳ vọng quá cao về con cái khiến chúng đánh mất mình.

Trong chương trình tạp kỹ của Đài truyền hình Bắc Kinh “Teacher Please Answer” xuất hiện cô bé sáu tuổi Khả Hinh khiến nhiều người bất ngờ. Dù nhỏ tuổi nhưng dưới sự sắp đặt của mẹ, cô bé đã lên thời gian biểu trong ngày chi tiết đến từng giờ, thậm chí chi li từng phút. Nghỉ ngơi, ăn uống, đọc truyện cũng được sắp xếp chuẩn từng giây. Đây chính là nguyên nhân khiến cuộc sống của Khả Hinh luôn chịu áp lực.

Mọi yêu cầu mẹ đưa ra, cô bé đều nghiêm túc làm theo, không cự cãi, cũng không tỏ thái độ khó chịu. Tuy nhiên trong chương trình, cô bé lại mờ nhạt ở mọi vấn đề xã hội khác. Cô bé không có bạn bè và khó hòa nhập với các bạn trong lớp. Cô bé quen với việc làm hài lòng người khác, ngay cả khi bản thân cảm thấy khó chịu. Điều xót xa hơn nữa là dù còn nhỏ tuổi, Khả Hinh nói rằng không cảm thấy hạnh phúc.

Người dẫn chương trình “Teacher Please Answer” đã nêu lên ý kiến khi tiếp xúc với Khả Hinh: “Nếu kỳ vọng của cha mẹ quá cao, đứa trẻ chỉ có thể kìm nén bản thân để làm vui lòng người lớn. Tuy nhiên trẻ sẽ mất dần ý thức về cảm xúc thật của mình”.

Chuyên gia tâm lý Trung Quốc Hồ Trấn Chi cho hay: “Trầm cảm thường bắt nguồn từ sự mất mát. Trẻ càng cư xử đúng mực, cha mẹ càng không nên tạo sự kỳ vọng không giới hạn. Trẻ càng nhạy cảm thì càng không nên hoàn hảo trong mọi việc”. Chuyên gia này cho biết tiếp, bởi trẻ sẽ ức chế nếu không biết từ chối. Quá nhiều kỳ vọng cuối cùng sẽ “bóp chết” đứa trẻ.

Vì vậy để chữa lành bệnh cho con, câu trả lời chỉ là “Sự yêu thương”. Khi trẻ được cha mẹ chấp nhận một cách chân thành, nội lực của chúng rất dồi dào. Đừng truyền lo lắng, đừng ép trẻ phải hoàn hảo, hãy để trẻ vui vẻ và tự do là chính mình. Không được hạ thấp và chế giễu trẻ như một cách giao tiếp. Hãy tôn trọng trẻ và học cách nói những lời tốt đẹp.

1.- Vài nét về bệnh trầm cảm

Theo trang benhlytramcam.vn thì: Trầm cảm là một căn bệnh phổ biến nhưng rất phức tạp và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, cần được điều trị như các bệnh lý khác. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số chúng ta chưa hiểu rõ về căn bệnh này. Trầm cảm là một rối loạn khí sắc, gây cảm giác buồn chán, mất hứng thú kéo dài dai dẳng. Sự rối loạn này không chỉ ảnh hưởng tới tâm trạng, cảm nhận, cách hành xử mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, thể chất. Trầm cảm có thể gây khó khăn cho chúng ta trong giao tiếp, làm việc, thậm chí có thể dẫn tới ý định tự tử. [ii]

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, chỉ sau bệnh lý mạch vành. Ước tính trên thế giới có khoảng 350 triệu người bị ảnh hưởng bởi trầm cảm.

Hậu quả nghiêm trọng nhất của trầm cảm chính là hành vi tự sát. Theo thống kê tại Việt Nam, số người tự tử hàng năm lên tới 36.000-40.000 người, cao gấp 3-4 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông. Trầm cảm chịu trách nhiệm cho 75% các vụ tự tử kể trên, còn lại 22% là do nghiện rượu, ma túy, cờ bạc và chỉ có 3% do tâm thần phân liệt, động kinh.

Theo thống kê, đến 80% dân số sẽ bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc sống của mình. Một số đối tượng sau có thể dễ gặp phải trầm cảm hơn:

Trầm cảm ở phụ nữ: tỉ lệ mắc trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới, thường gặp nhất là trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên: do áp lực học tập, hoàn cảnh gia đình thay đổi (bố mẹ ly hôn, bị bỏ rơi, thay đổi nơi ở), thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì vv…

Trầm cảm ở những người làm các công việc có cường độ làm việc và áp lực lớn như y bác sỹ, người làm công việc quản lý, công nhân mỏ than…

Trầm cảm ở người già: người già có tỉ lệ mắc trầm cảm cao (~16%) do một số yếu tố như bệnh lý mạn tính, do cảm giác cô đơn, mất người bạn đời,…

Trầm cảm ở những người mắc bệnh nội khoa như: bệnh lý tim mạch, nội tiết, thần kinh, ung thư, bệnh truyền nhiễm…Bệnh cảnh dễ làm nảy sinh trầm cảm và ngược lại, trầm cảm có thể làm cho bệnh có xu hướng nặng thêm và tăng nguy cơ tử vong.

Như vậy có thể thấy trầm cảm là một căn bệnh rất phổ biến, ai cũng có thể mắc trầm cảm. Tuy nhiên, trên thực tế có tới 80% người mắc trầm cảm không được phát hiện. Điều đó có nghĩa là trong 10 người mắc trầm cảm thì chỉ có 2 người là được phát hiện và điều trị. Ngoài những lý do về mặt nhận thức, tâm lý xấu hổ, sợ bị kỳ thị đối với bệnh trầm cảm thì một nguyên nhân quan trọng không kém khiến cho bệnh trầm cảm không được phát hiện sớm đó là những triệu chứng bệnh rất dễ nhầm lẫn vào các bệnh lý khác. [iii]

2.- Bệnh trầm cảm ở trẻ em

Trầm cảm là một bệnh lý nguy hiểm không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn xảy ra ở rất nhiều trẻ em. Tuy tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ em thấp hơn so với người lớn nhưng nó cũng gây ra những hệ lụy đáng kể cho bản thân các trẻ và gia đình. Dưới đây là nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng chống bệnh lý trầm cảm ở trẻ em. [iv]

Chúng ta thường nghĩ rằng trầm cảm là một bệnh lý xa vời với những đứa trẻ vì những biểu hiện thường bị che lấp bởi sự tăng động, hồn nhiên của trẻ. Tuy nhiên ngay từ nhỏ trẻ đã có thể bị mắc căn bệnh này. Trong độ tuổi từ 9 – 12 có đến 12% trẻ bị mắc bệnh lý trầm cảm và con số này đang không ngừng gia tăng.

2.1. Dấu hiệu bệnh trầm cảm ở trẻ em

Đối với trẻ từ 1 đến 6 tuổi thì bệnh lý trầm cảm chủ yếu là do di truyền. Từ 6 đến 12 tuổi bệnh lý trầm cảm ở trẻ là do những áp lực học tập, những sự buồn bã về những hoạt động vui chơi không được thỏa mãn. Tùy vào độ tuổi trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau. Dưới đây là một số những biểu hiện phổ biến ở nhiều trẻ:

- Rối loạn giấc ngủ, trẻ hay khóc, giật mình : Đối với trẻ em thì giấc ngủ là một yếu tố rất quan trọng để phát triển và hoàn thiện cơ thể, giúp trẻ tăng hệ thống miễn dịch và sức khỏe. Khi giấc ngủ bị rối loạn trẻ sẽ có những biểu hiện hay khóc và giật mình về đêm. Khi rối loạn này kéo dài hơn 2 tuần thì không chỉ còn là những rối loạn bình thường nữa, các bậc cha mẹ cần chú ý theo dõi về bệnh lý trầm cảm ở trẻ.

- Chậm phát triển về nhận thức: Trẻ mắc bệnh lý trầm cảm sẽ có những dấu hiệu chậm phát triển về hành vi và nhận thức. Thường  khoảng gần 2 tuổi trẻ sẽ biết nói, đứng và bắt đầu những bước đi đầu tiên. Tuy nhiên nếu 3 đến 4 tuổi trẻ không có những biểu hiện và hành vi nào hết thì khả năng trẻ mắc bệnh trầm cảm là rất cao.

- Trẻ thay đổi thói quen bú mẹ (đối với trẻ trên 1 – 2 tuổi), ăn uống (đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên). Bú mẹ và ăn uống khoa học sẽ hình thành cho trẻ những thói quen tốt sau này. Tuy nhiên ở các trẻ có dấu hiệu trầm cảm thì thói quen này ít nhiều bị đảo lộn. Gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ.

- Tập trung và trí nhớ kém: Giai đoạn từ 0 – 6 tuổi là giai đoạn vàng trong sự phát triển của trẻ, giai đoạn này trẻ dễ dàng có thể tiếp cận và nhớ những thông tin rất nhanh, sự tò mò trong trẻ sẽ kích thích trẻ ham học hỏi và sáng tạo. Tuy nhiên nếu trẻ có những biểu hiện như mất tập trung, hay quên những nhiệm vụ, không quan tâm thiết tha đến vấn đề nào cả thì rất có thể trẻ đang mắc bệnh lý trầm cảm.

          - Có những dấu hiệu bất thường về tâm lý: Giai đoạn tuổi thơ của trẻ thường sẽ gắn liền với niềm vui, tiếng cười. Tuy nhiên nếu mắc bệnh lý trầm cảm trẻ sẽ xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng, buồn bã… lâu dần trẻ sẽ dễ có những bất thường về tâm lý như cáu gắt, quấy khóc… hoặc ở một số trẻ còn có những biểu hiện nhút nhát, sợ sệt hoặc ngần ngại. Những thay đổi tâm trạng là điều bất thường ở trẻ, nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều về tính cách của trẻ sau này.

- Trẻ có xu hướng ít tiếp xúc và nói chuyện với người khác: Trẻ em thường có gắng che giấu những gì làm tổn thương chúng. Trẻ sẽ giấu kín những vấn đề mà trẻ mắc phải, lâu dần cũng sẽ tạo ra cho trẻ sự cô lập, trẻ không muốn tiếp xúc hay chia sẻ nói chuyện với bất kỳ ai.ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của trẻ sau này.

Nhân đây, chúng ta cũng cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa bệnh trầm cảm và tự kỷ nơi trẻ em. Vì thoáng qua các biểu hiện, ta có thể nhầm lẫn bệnh này với bệnh kia, nhưng thực chất thì hai bệnh này khác nhau. Vậy, làm sao để có thể phân biệt bệnh tự kỷ và trầm cảm ở trẻ em? Các chuyên gia đã phân tích như sau: [v]

Trầm cảmtự kỷ đều là những rối loạn về tâm lý khiến trẻ phát triển không bình thường. Nhưng đây là hai bệnh lý khác nhau cả về dấu hiệu, nguyên nhân, vì thế ta không nên nhầm lẫn.

Như trên đã nói, trầm cảm là một loại rối loạn tâm thần phổ biến, dấu hiệu của bệnh trầm cảm đặc trưng là sự buồn rầu hoặc người bệnh luôn có cảm giác tội lỗi, tự ti, hạ thấp giá trị bản thân. Bệnh có thể kéo dài hoặc tái phát lại nhiều lần nếu không được điều trị dứt điểm. Trầm cảm làm suy giảm khả năng làm việc, học tập hoặc đương đầu thử thách trong cuộc sống hằng ngày của một cá nhân nào đó. Khi bị bệnh trầm cảm nặng, bệnh có thể dẫn đến tự tử, nếu nhẹ, người bệnh có thể được chữa trị không cần dùng đến thuốc. 

Trong khi đó, tự kỷ là một khuyết tật phát triển suốt đời được thể hiện rõ nhất trong ba năm đầu đời của trẻ. Nguyên nhân gây ra tự kỷ là do rối loạn hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ ai không phân biệt giới tính, giàu nghèo và địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ, phi ngôn ngữ, hành vi, sở thích cũng như hoạt động mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại. Sau đây là một số những biểu hiện đặc trưng của bệnh tự kỷ nơi trẻ em:

- Sống khép kín, trầm lặng, lãnh đạm hay thờ ơ với việc giao tiếp, không quan tâm tới cuộc sống xung quanh;

- Chậm nói, tiếp thu chậm về mặt phát triển ngôn ngữ giao tiếp;

- Không có sự giao tiếp bằng mắt với người khác;

- Không phản ứng lại khi được gọi tên hoặc phản ứng rất chậm;

- Luôn lặp đi lặp lại các hành vi hoặc sự cử động của cơ thể;

- Có những hành vi kì quái, tự gây tổn hại tới bản thân chẳng hạn đập đầu vào tường, cào cấu, thích ở một mình vv...;

- Không hứng thú hoặc ác cảm với hoạt động thể chất, chỉ thích chơi một hoặc vài trò chơi quen thuộc có tính chất lặp lại;

- Nhút nhát, rụt rè, không biết cách chơi với những đứa trẻ khác;

- Sợ chỗ lạ, người lạ, vật lạ;

- Khó thích ứng với những sự thay đổi do hoàn cảnh, công việc diễn ra hàng ngày;

- Quan tâm đặc biệt đến những đồ vật quen thuộc;

- Thường xuyên ăn vạ;

Rối loạn ăn uốngrối loạn tiêu hóa

Thực ra, không phải đứa trẻ nào bị trầm cảm hay tự kỷ cũng đều có những biểu hiện trên mà mỗi đứa sẽ có những biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh riêng.

2.2. Nguyên nhân của bệnh trầm cảm nơi trẻ em

Theo các nhà chuyên môn, có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm ở trẻ. Sau đây là một số nguyên nhân chính: [vi]

- Do yếu tố di truyền: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, ADN là tác nhân dẫn đến bệnh trầm cảm. Khoảng 40% trẻ trầm cảm có liên quan đến ADN. 46% các cặp sinh đôi cùng trứng sẽ đều mắc bệnh trầm cảm. Bố mẹ hoặc người thân trong gia đình có tiền sử mắc bệnh trầm cảm thì khả năng trẻ bị cao hơn gấp 3 lần so vơi trẻ khác.

- Do yếu tố môi trường: Trẻ em thuờng học hỏi và bắt trước rất nhanh. Nếu không có người định hướng những suy nghĩ cho trẻ thì khả năng trẻ trở thành bản sao của ai khác là hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này cũng đúng với bệnh lý trầm cảm. Ở các trẻ có bố hoặc mẹ mắc bệnh lý trầm cảm, việc sinh hoạt hàng ngày với người mang bệnh sẽ dễ làm cho trẻ mắc bệnh hơn. Trẻ sẽ không nghĩ việc bố mẹ luôn nằm trên giường, ít nói, ít giao tiếp xã hội… là điều bất thường. Đây là môi trường không tốt trong việc hình thành tính cách và hành vi của trẻ.

- Do những chấn thương về tâm lý: Khi trẻ có những chấn động về tâm lý như mất đi người thân yêu nhất, thất bại trong học tập, bị lạm dụng tình dục, trẻ sẽ có những biểu hiện tâm lý bất thường. Trẻ sẽ trở nên khép mình, luôn lo lắng và sợ hãi, ít hoặc không giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nếu không được đối thoại, định hướng tâm lý trẻ rất dễ có những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến trầm cảm

- Do hạnh phúc gia đình: Khi chất lượng cuộc sống gia đình sụt giảm thì trẻ sẽ dễ bị trầm cảm hơn. Thật vậy, trẻ em có gia đình bị phá sản, bố mẹ hay to tiếng cãi nhau,ly dị sẽ dễ mắc bệnh lý trầm cảm hơn. Trẻ sẽ có cảm giác hụt hẫng khi thiếu vắng tình cảm của bố hoặc mẹ, trẻ sẽ suy nghĩ tiêu cực về vấn đề, luôn cảm thấy lỗi là do bản thân mình gây ra, những giằng xé trong suy nghĩ của trẻ lâu dẫn sẽ khiến trẻ khép mình, tự ti và trầm cảm.

- Do bạo lực học đường: Khi đi học trẻ bị bạn bè bắt nạt nhưng không thể nói với ai, hoặc bản thân trẻ luôn cố gắng giấu đi những vấn đề của mình, cộng với việc thờ ơ thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh khiến trẻ có cảm giác lẻ loi, bị bỏ rơi, mất niềm tin vào cuộc sống, khép mình, nhút nhát, ảnh hưởng nhiều đến giao tiếp sau này của trẻ.

- Do áp lực học tập: Đối với trẻ để có sự phát triển toàn diện thì cần phải dung hòa được 2 yếu tố: học tập và vui chơi. Tuy nhiên rất nhiều trẻ đang phải chịu những áp lực học tập rất lớn, không chỉ là những áp lực ở trường mà còn có những áp lực từ bố mẹ, luôn áp đặt cho trẻ nhưng mục tiêu quá cao, thời gian học tập quá nhiều. Khi trẻ đạt kết quả không như mong muốn bố mẹ sẽ tỏ thái độ tức giận, thất vọng khiến trẻ không còn tin tưởng vào bản thân, xấu hổ, tự ti. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra trầm cảm ở trẻ.

- Do bố mẹ áp đặt:  Đa số các bậc phụ huynh luôn tự quyết định và áp đặt trẻ, không chỉ vấn đề học tập mà hầu hết mọi vấn đề trong cuộc sống mà không hỏi ý kiến hay xem xét thái độ của trẻ. Luôn cho rằng đó là những điều tốt đẹp nhất mà không quan tâm đến điều trẻ thực sự cần. Trẻ sẽ thấy mình không được tôn trọng, không có quyền quyết định việc của mình, cảm thấy cha mẹ không hiểu mình, từ đó sẽ gây ra những hệ lụy cho trẻ mà nguy hiểm nhất là trầm cảm dẫn đến tự sát.

- Do thay đổi môi trường sống: Thay đổi môi trường sống, học tập thật sự không hề dễ dàng đối với một đứa trẻ. Khi tâm sinh lý của trẻ chưa phát triển hoàn toàn sẽ tạo cho trẻ nhiều rào cản. Trẻ sẽ phải chịu rất nhiều những áp lực khi chuyển nhà, chuyển trường như vấn đề học tập, giao tiếp với bạn bè mới hay khả năng thích nghi một môi trường sống hoàn toàn lạ lẫm thì những vấn đề hàng ngày của trẻ cũng trở nên khó khăn.

2.3. Cách chữa trị và phòng ngừa bệnh trầm cảm của trẻ em

Vậy câu hỏi đặt ra là: Bệnh trầm cảm ở trẻ em được chữa trị như thế nào? Theo các chuyên gia, bản thân các trẻ em bị trầm cảm không phải là những người yếu đuối và các em không có khiếm khuyết về tính cách. Cảm giác trầm cảm của trẻ là rất thật và không thể kỳ vọng vào việc các em chỉ cần “vui vẻ lên!”. Trẻ em cần được điều trị và bệnh trầm cảm của các em là có thể chữa khỏi được. Khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín và đáng tin cậy để có những điều hương chữa trị kịp thời.

Trước khi nói đến cách phòng ngừa trầm cảm ở trẻ, chúng ta nên bàn qua trách nhiệm của cha mẹ và những người thân trong gia đình của trẻ trong việc phòng ngừa bệnh trầm cảm cho trẻ em. Như vấn đề đã đặt ra ở đầu bài viết, đó là cha mẹ có tầm ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành tính cách cũng như sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, vì thế người ta đã nhấn mạnh là “Cha mẹ và con cái là một loại duyên phận sâu nặng. Mong rằng tất cả các cha mẹ không phải là nguyên nhân gây bệnh mà là liều thuốc ấm áp nhất dành cho con”.

Chúng ta biết rằng cha mẹ nào cũng yêu con mình và mong muốn con mình được nên người thành nhân, thành toàn, văn hay chữ tốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách dạy dỗ, giáo dục trẻ cách đúng cách và hiệu quả. Nhiều khi chính những sai lầm của cha mẹ khiến cho việc dạy dỗ gặp nhiều khó khăn, thậm chí phản tác dụng.

Chẳng hạn, làm cha mẹ ai cũng muốn con mình dễ dạy, nhưng có lúc ta cảm thấy con trẻ trở chứng cứng đầu. Gặp trường hợp này, ta không nên bối rối, vì sự cứng đầu là một dấu hiệu trẻ muốn thoát ly đời sống ỷ lại để vươn lên đời sống độc lập tư do. Hiện tượng này nổi bật nhất là vào khoảng trẻ em bước vào tuổi trưởng thành. Biết như vậy rồi, ta sẽ không có thái độ đàn áp mà phải hướng dẫn. Sức sống trẻ em như dòng nước xuất phát từ non cao, xuống sườn núi, băng qua đồng, chảy ra biển, và càng xa nguồn càng trở thành mãnh liệt. Thay vì ngăn chặn khiến sức nước sẽ tràn lên gây thành lụt lội, ta nên hướng dẫn nó thành những sống con, sông lớn ích lợi cho đời sống muôn loài.[vii]

Mặt khác, với quan niệm giáo dục đúng đắn hiện nay, người ta quan tâm tới việc giáo dục trẻ ngay từ thời thơ ấu vì chính thời kỳ này có một ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đối với cả một đời người. Do đó, đối với trẻ tuổi ấu thơ, ta nên để ý hai điều sau: a- Cố tránh tất cả mọi lời nói, mọi việc làm có thể làm tổn thương hay gây ra những mặc cảm nguy hiểm hoặc bệnh thần kinh; b- Tìm những lỗi lầm đã phạm từ trước, ngăn ngừa hoặc làm giảm bớt sự tai hại do những lỗi lầm ấy gây ra. Công việc này thực sự không phải nhiệm vụ của trường học, mà là nhiệm vụ của các bậc cha mẹ, ông bà trong gia đình.[viii]

Sau đây, ta sẽ bàn đến một số cách phòng chống bệnh trầm cảm trẻ em. Ta biết rằng, trầm cảm ở trẻ em thường rất khó phát hiện, rất nhiều trường hợp khi xảy ra những hậu quả nghiêm trọng chúng ta mới biết và để ý đến bệnh lý. Vậy cần có những cách phòng chống bệnh lý trầm cảm ở trẻ để ngăn chặn những hậu quả của bệnh. Cụ thể: [ix]

- Nhận biết biểu hiện của trẻ: Những đứa trẻ thường cố gắng che giấu những vấn đề khiến chúng tổn thương, vậy nên cha mẹ cần quan sát kỹ những biểu hiện bất thường của trẻ để kịp thời tháo gỡ, giúp trẻ mở lòng và tự tin hơn trong cuộc sống;

- Luôn lắng nghe trẻ: Bậc phụ huynh cần tránh đưa ra những nhận xét tiêu cực khi nghe những quan điểm hay vấn đề của trẻ. Gây cho trẻ cảm giác vô giá trị, tác động không tốt đến hành vi sau này của trẻ;

- Thiết lập cho trẻ những thói quen, đặt mục tiêu trong cuộc sống: Gia đình luôn phải tạo cho trẻ những thói quen tốt, những mục tiêu dù nhỏ dù lớn cũng giúp trẻ không bị mất phương hướng khi gặp bất cứ vấn đề nào, ngăn chặn những suy nghĩ tiêu cực của bệnh lý trầm cảm;

- Đảm bảo đầy đủ cho trẻ vật chất và tinh thần: Những đứa trẻ có gia đình hạnh phúc, bố mẹ yêu thương quan tâm và chia sẻ sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh lý trầm cảm hơn;

- Tránh cho trẻ những xấu hổ về suy nghĩ tiêu cực của chúng: Điều này giúp trẻ có khả năng thể hiện bản thân mình, tự tin hơn. Đối với những suy nghĩ sai lệch cần nhẹ nhàng phân tích để trẻ hiểu chứ k được làm trẻ xấu hổ;

- Nhận biết những dấu hiệu của gia đình: Khi trong gia đình có anh hoặc em của trẻ đã bị trầm cảm thì khả năng trẻ sẽ bị là rất cao. Vì vậy bố mẹ cần theo dõi sát sao và chuẩn bị tinh thần để ngăn chặn bệnh lý này;

- Dạy con những gì cần làm khi bị bắt nạt hoặc bạo lực ở bên ngoài: Điều này giúp trẻ có cách xử lý đúng, tránh cho trẻ hoang mang sợ hãi khi gặp vấn đề, bớt đi những che giấu vấn đề bản thân của trẻ;

- Hạn chế thay đổi môi trường;

- Chăm sóc trẻ đặc biệt khi có sự mất mát, đau buồn giúp trẻ giảm những suy nghĩ tiêu cực và cảm giác hụt hẫng khi mất đi những thứ quan trọng;

- Giúp trẻ tự tin để trẻ cảm thấy mình có năng lực và thấy bản thân mình quan trọng;

- Dạy trẻ tìm đến những sự giúp đỡ của người khác khi gặp khó khăn mà không có sự có mặt của bố mẹ.

* * * * *

BS. Lê Đình Phương, Trưởng khoa nội tổng quát và YHGĐ, bệnh viện Pháp Việt (FV) đã đưa ra một lời kết, như sau: Trầm cảm là một bệnh lý, không phải là một sự yếu đuối về nhân cách hay thiếu ý chí và nó cần được nhìn nhận cũng như điều trị giống các bệnh lý thông thường khác. Đây là một bệnh lý mạn tính, cần điều trị lâu dài, đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì cũng như cần có sự thấu hiểu, hỗ trợ, động viên từ người thân [x] ./.



[i] https://vnexpress.net/3-kieu-gia-dinh-de-khien-tre-tram-cam-4237254.html

[ii] https://benhlytramcam.vn/benh-ly-tram-cam-237/

[iii] https://benhlytramcam.vn/benh-ly-tram-cam-237/

[iv] https://benhlytramcam.vn/tram-cam-o-tre-em-306/

[v]https://hellodoctors.vn/tram-cam/lam-sao-de-phan-biet-benh-tu-ky-va-tram-cam-o-tre-em.html

[vi] https://benhlytramcam.vn/tram-cam-o-tre-em-306/

[vii] Thiên Giang – Gia đình giáo dục – NXB Đà Nẵng 1993 – Trang 21

[viii] Thiên Giang – Dạy con – NXB Long An 1989 – Trang 18

[ix] https://benhlytramcam.vn/tram-cam-o-tre-em-306/

[x] https://benhlytramcam.vn/benh-ly-tram-cam-237/

 

Nguồn tin: