Tiên tri Đaniel đã tiên đoán đúng thời điểm xuất hiện ơn cứu độ như thế nào?

Tue,23/11/2021
Lượt xem: 2321

 

Mỗi Chúa Nhật trong Thánh Lễ, chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Giêsu đã chết và sống lại “theo như lời Thánh Kinh”, và hầu hết chúng ta đều hiểu điều này nghĩa là Cựu Ước đã tiên báo về cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Điều đó hoàn toàn đúng, như nhiều tiên tri Israel đã báo trước những hành động cứu độ của Chúa Giêsu từ Thứ Sáu Tuần Thánh đến Chúa Nhật Phục Sinh; nhưng đó không phải là tất cả những gì họ tiên báo. Các tiên tri không chỉ nói điều gì sẽ xảy ra. Một trong số các vị ấy cũng nói với chúng ta khi nào sự cứu độ này sẽ đến.

Tôi đang nói về tiên tri Đaniel. Cuốn sách của vị tiên tri này kể lại những kinh nghiệm của ông khi bị lưu đày ở Babylon, và trong thời gian ở đó, ông đã nhận được các thị kiến về tương lai và cũng đã giải nghĩa các thị kiến của người khác. Giống như sách Khải Huyền trong Tân Ước, sách tiên tri Đaniel chứa đựng rất nhiều hình tượng kỳ lạ và biểu tượng phức tạp, do đó, những thị kiến của nó có thể khó hiểu.

Nhưng đó không phải là không thể hiểu. Nếu chúng ta đọc chúng một cách cẩn thận và nhìn vào lịch sử thế giới diễn ra sau đó, chúng ta có thể thấy rằng hai trong số các thị kiến này cung cấp sự chứng thực quan trọng về chân lý đức tin của chúng ta bằng cách cho chúng ta biết khi nào sự cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa sẽ đến.

Thị kiến đầu tiên

Đầu sách, vua Babylon, Nabucôđônôxo, có một giấc mơ kỳ lạ mà chỉ Đaniel mới giải nghĩa được (Đn 2,31-35). Nhà vua mơ về một pho tượng có bốn phần: 1) đầu bằng vàng, 2) ngực và cánh tay bằng bạc, 3) bụng và đùi bằng đồng, và 4) chân bằng sắt với bàn chân được làm một phần từ sắt và một phần từ đất sét. Tiếp theo, ông nhìn thấy một hòn đá va vào pho tượng, làm nó vỡ ra thành từng mảnh, và sau đó, hòn đá lớn lên để bao trùm toàn bộ thế giới.


Một bức tranh ở thế kỷ XIV về thị kiến của vua Nabucôđônôxo

Đaniel giải thích rằng giấc mơ này tiên báo một sự nối tiếp nhau của các vương quốc sẽ thống trị thế giới (tức là vùng đất Trung Đông theo nhận thức của người Do Thái thời bấy giờ). Mỗi phần của pho tượng là một vương quốc của con người, và hòn đá ở cuối là vương quốc của Thiên Chúa, vương quốc sẽ tồn tại mãi mãi (Đn 2,36-45). Đaniel cũng nói với Nabucôđônôxo rằng vương quốc của vua, Babylon, là vương quốc đầu tiên (Đn 2,37-38), nhưng ông không nói ba vương quốc khác của loài người là những vương quốc nào.

Bốn vương quốc loài người

Tuy nhiên, nếu chúng ta biết lịch sử, chúng ta có thể tự mình tìm ra điều đó. Sau Babylon, đế chế lớn tiếp theo thống trị Trung Đông là Mêđi – Ba Tư, sau đó là Hy Lạp, và sau đó là La Mã. Vì vậy, theo cuốn sách tiên tri này, vương quốc của Thiên Chúa được cho là sẽ đến khi thế giới được cai trị bởi Đế chế La Mã.

Nhưng có một vấn đề ở đây. Hầu hết các học giả hiện đại tin rằng sách Đaniel được viết dưới thời trị vì của người Hy Lạp, vì vậy họ chia Mêđi – Ba Tư thành hai và nói rằng Mêđi và Ba Tư là vương quốc thứ hai và thứ ba. Bằng cách đó, họ có thể biến Hy Lạp trở thành vương quốc cuối cùng và sau đó hiểu được thị kiến này để tiên đoán sự cứu độ của Thiên Chúa sẽ sớm đến sau khi hoàn thành cuốn sách.

Vậy làm thế nào để chúng ta quyết định giữa những cách giải thích đối lập này về giấc mơ của Nabucôđônôxo? Chúng ta nên tính Mêđi và Ba Tư là hai vương quốc hay là một? Như với bất kỳ đoạn khó nào trong Kinh Thánh, chúng ta phải giải thích đoạn này theo ngữ cảnh; và xuyên suốt sách tiên tri Đaniel, Mêđi – Ba Tư luôn được coi là một thực thể duy nhất. Hãy xem xét những đoạn này:

“Vương quốc của ngài đã bị phân chia và trao cho các dân Mêđi và Ba Tư” (Đn 5,28)

“Bấy giờ, tâu đức vua, xin ngài hạ lệnh cấm và châu phê văn kiện, để chiếu theo luật không thể hủy bỏ của dân Mêđi và Ba Tư, lệnh cấm này trở nên bất di bất dịch.” (Đn 6,9)

Vì vậy, trong bối cảnh của toàn bộ cuốn sách, rõ ràng rằng Mêđi – Ba Tư được coi là một vương quốc. Điều này có nghĩa là vương quốc thứ ba là Hy Lạp, và sau đó là vương quốc thứ tư là La Mã; vì vậy chúng ta có thể tự tin nói rằng trên thực tế Đaniel đã tiên báo Nước  Thiên Chúa ngự đến dưới thời Đế quốc La Mã.

Sự xuất hiện của Vương quốc

Và nếu chúng ta biết Tân Ước, thì điều đó thực sự quan trọng. Chúa Giêsu được sinh ra dưới triều đại của Caesar Augustus, hoàng đế của La Mã (Lc 2,1), và Ngài đã rao giảng “vương quốc của Thiên Chúa” (Mc 1,14-15). Trên hết, Chúa Giêsu cũng nói rằng vương quốc này sẽ bắt đầu nhỏ và sau đó phát triển lớn hơn (Mt 13,31-33), giống như Đaniel đã nói rằng vương quốc của Thiên Chúa sẽ bắt đầu nhỏ và sau đó phát triển để bao trùm toàn thế giới ( Đn 2,35).

Vì vậy, rõ ràng là vương quốc mà Chúa Giêsu rao giảng chính là vương quốc mà Đaniel đã báo trước, và nó đến đúng vào thời điểm Đaniel nói, trong vương quốc thứ tư trong thị kiến của Nabucôđônôxo. Nhưng đó không phải là tất cả. Như tôi đã nói, có hai lời tiên tri trong sách tiên tri Đaniel báo trước thời điểm cứu độ của Thiên Chúa, và lời tiên tri thứ hai cũng quan trọng như lời tiên tri thứ nhất.

Thị kiến thứ hai

Một vài chương sau, chính Đaniel cũng có một giấc mơ, và giấc mơ này rất giống với giấc mơ của Nabucôđônôxo. Đaniel mơ về sự xuất hiện liên tiếp của bốn con thú, rồi ông thấy Thiên Chúa phán xét chúng và trao quyền cai trị thế giới cho “một người như Con Người” (Đn 7,1-14). Cũng giống như trong lời tiên tri đầu tiên, bốn con thú này đại diện cho bốn vương quốc của loài người, và vương quốc được cai trị bởi “một người như Con Người” là vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa và dân của Ngài (Đn 7,15-27).

Chúng ta đã nói về bốn vương quốc loài người này rồi, vì vậy chúng ta không cần phải xem lại chúng một lần nữa. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét một số chi tiết quan trọng trong thị kiến này để giúp chúng ta xác định chúng một cách chắc chắn hơn. Đặc biệt, nếu chúng ta so sánh thị kiến này với một đoạn văn khác trong sách Đaniel, chúng ta thấy xác nhận thêm rằng Mêđi – Ba Tư trên thực tế được coi là một vương quốc duy nhất, không phải hai, vì vậy vương quốc thứ tư và cuối cùng thực sự là La Mã.

Cừu đực và dê đực

Trong chương tiếp theo, Đaniel thấy hình ảnh một con cừu đực và một con dê xông vào nhau (Đn 8,1-14), và thiên sứ Gabriel cho ông biết ý nghĩa của nó. Gabriel giải thích rằng con cừu đực tượng trưng cho “các vị vua của Mêđi và Ba Tư” (Đn 8,20), và con dê đực là “vua của Hy Lạp” (Đn 8,21). Điều thú vị là hai con vật này có một số điểm tương đồng nổi bật với con thú thứ hai và thứ ba trong chương trước:

Con thú thứ hai “chỉ đứng một bên” (Đn 7,5), và con cừu đực trong chương này “có hai sừng; hai sừng đều cao, nhưng sừng nọ cao hơn sừng kia” (Đn 8,3).

Con thú thứ ba có "bốn cánh như cánh chim" (có lẽ là vì vậy nó có thể bay) và "bốn đầu" (Đn 7,6), và con dê trong thị kiến này bay và có bốn sừng (Đn 8,5.8).

Những điểm tương đồng này là khá hiển nhiên, vì vậy rõ ràng là thị kiến này thực sự là về cùng những vương quốc được đại diện bởi các con thú thứ hai và thứ ba trong giấc mơ của Đaniel. Điều này rất quan trọng vì chúng ta biết những con vật trong thị kiến này tượng trưng cho điều gì, vì vậy chúng ta có thể sử dụng chúng để xác nhận những con thú trong giấc mơ của Đaniel cũng tượng trưng cho điều gì.

Con cừu đực trong chương này là Mêđi – Ba Tư, vì vậy con thú thứ hai trong giấc mơ của Daniel cũng phải là Mêđi – Ba Tư. Tương tự như vậy, vì con dê trong chương này là Hy Lạp, nên con thú thứ ba trong giấc mơ của Đaniel cũng phải là Hy Lạp. Điều này xác nhận cho chúng ta rằng con thú thứ tư thực sự là La Mã, và như chúng ta đã biết, Chúa Giêsu đã sinh ra, chết và sống lại dưới thời trị vì của Đế chế La Mã.

Con Người

Và trong trường hợp có bất kỳ nghi ngờ nào rằng vương quốc mà Chúa Giêsu rao giảng thực sự là vương quốc mà Đaniel đã báo trước, chúng ta có thể xem xét một điểm liên hệ cuối cùng giữa sách tiên tri Đaniel và các sách Phúc âm. Trong suốt sứ vụ của mình, Chúa Giêsu thường tự gọi mình là “Con Người” (ví dụ: Mt 9,6; Mc 2,28; Lc 9,22; Ga 3,14), và nhiều độc giả hiện đại cảm thấy khó hiểu trước danh hiệu này.

Nhưng nếu chúng ta biết sách tiên tri Đaniel, điều đó hoàn toàn hợp lý. Hãy nhớ rằng, trong giấc mơ tiên tri của Đaniel, vương quốc của Thiên Chúa được cai trị bởi “một người như Con Người”, vì vậy khi Chúa Giêsu áp dụng cụm từ đó cho chính mình, Ngài đã khéo léo nói với chúng ta rằng Ngài thực sự đến để mang lại vương quốc mà Đaniel đã tiên báo. Hơn nữa, thậm chí có một số đoạn trong đó Chúa Giêsu tự nhận mình theo cách này và kết hợp các yếu tố khác trong giấc mơ của Đaniel. Ví dụ: hãy xem qua hai văn bản sau:

“… tôi mãi nhìn thì kìa:
có ai như một Con Người
đang ngự giá mây trời mà đến…
Đấng Lão Thành trao cho Người
quyền thống trị,
vinh quang và vương quốc…” (Đn 7,13-14)

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,26)

Sự tương đồng ở đây là rõ ràng. Cả hai đều nói về “Con Người” đến với “những đám mây” và sở hữu “vinh quang”, vì vậy điểm này không thể bỏ qua: Chúa Giêsu là “Con Người” đã được Đaniel tiên tri, và Ngài đã đến để mang lại vương quốc vĩnh cửu của Thiên Chúa mà các lời tiên tri của Đaniel đã báo trước.

Xác nhận niềm tin của chúng ta

Khi tổng hợp tất cả những điều này lại với nhau, chúng ta có thể thấy rằng Chúa Giêsu đã đến đúng vào thời điểm Cựu Ước nói rằng Ngài sẽ đến. Đaniel đã báo trước rằng sự cứu độ của Thiên Chúa sẽ đến khi thế giới (vùng Trung Đông) được cai trị bởi Rôma, và sự ra đời, sứ vụ, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu đều xảy ra dưới Đế chế La Mã. Điều này vô cùng quan trọng, vì nó cung cấp sự chứng thực quan trọng về sứ điệp Kitô giáo. Điều này giúp chứng tỏ rằng Chúa Giêsu thực sự là đấng hoàn tất những lời hứa của Thiên Chúa trong Cựu Ước, vì vậy chúng ta có thể tin tưởng rằng đức tin của chúng ta nơi Ngài đã được đặt đúng chỗ.

Tác giả: JP Nunez

 

Ngọc Quí chuyển ngữ từ catholicexchange.com (09.3.2021)

Nguồn tin: hdgmvietnam.com