Tình Yêu Nơi Bản Thượng

Tue,25/02/2025
Lượt xem: 1448

Tôi là ai trong ngàn ngôi sao ấy?

Đang sáng lên hay tàn lụi từng ngày.

Thời gian trôi, mọi thứ dường như thay đổi, sáng là bình minh rực rỡ, chiều là hoàng hôn tàn lụi của một ngày. Đời người cũng như hoa đồng cỏ nội, chỉ một cơn gió thoảng là đã qua đi rồi. Vậy nên, ta phải làm sao cho cuộc sống ý nghĩa? Người ta thường nói: “Cuộc sống không đáng là gì, nhưng không có gì đáng bằng cuộc sống”. Mỗi người đều có những câu chuyện của riêng mình, đều viết lên những trang sử trong chuỗi ngày phiêu bạt chốn trần gian. Một trong vô vàn nhiều thứ mà con người không thể thiếu là tình cảm. Là con người, ai trong mình cũng mang lấy một trái tim, trái tim đó là tiếng nói yêu thương. Có những trái tim không mang một vết thương nào, nhưng cũng có những trái tim mang nhiều thương tích không thể lành lại; có những trái tim chan chứa tình yêu, bên cạnh đó cũng không ít trái tim đã trở nên băng giá.[1]

*****

-Maria Madalena Nguyễn Thị Như Hải…

-Thưa, con đây…

Tiếng gọi từ trời cao, tiếng gọi từ một Đấng quyền năng vô hình, tiếng gọi của Đấng Tạo Hóa dành cho thụ tạo hữu hình cao cả nhất là con người. Tiếng gọi ấy vọng lại từ trong tâm hồn của từng con người. Tiếng gọi ấy không phân biệt sắc tộc màu da, không phân biệt chủng tộc hay quốc gia. Tiếng gọi thiêng liêng là tiếng gọi đích danh dành riêng cho từng người mang hình ảnh của Đấng Tối Cao. Đấng Tạo Hóa luôn mời gọi con người sống trong chương trình tình yêu của Ngài, để cùng Ngài vui hưởng hạnh phúc. Mỗi người lắng nghe, nhận ra và đáp trả một cách riêng về tiếng gọi. Cũng có thể diễn tả tiếng gọi đó như “điều mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, và lòng người chưa bao giờ nghĩ tới, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho kẻ yêu mến Người”.

Dưới cái nắng dịu của mùa thu, quang cảnh nhà dòng trở nên rộn ràng nhộn nhịp bởi sự xuất hiện của cộng đoàn đông đảo tín hữu, bạn bè và những người thân của các tân khấn sinh. Trong không khí trang nghiêm và sốt sắng của ngày lễ khấn dòng, với niềm vui khôn tả của những “đóa hoa đặc biệt” trong vườn cây của Chúa, tiếng thưa xin vâng của các tân khấn sinh diễn tả sự lắng nghe và đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa từ trong tâm hồn.

Như Hải, một trong những đóa hoa đặc biệt ấy, tiếng vọng từ trong tâm hồn cô đã bắt gặp và nhận ra được sự thiêng liêng cao cả của nó. Tiếng gọi ấy đến từ những biến cố vô tình trong đời sống hằng ngày, nhưng nhìn trong chương trình quan phòng của Chúa, đó là tình yêu Ngài đã sắp đặt cho cô. Chúa đã mời gọi cô qua những con người, qua những biến cố trong cuộc đời. Có những lúc cô nhận thấy tiếng gọi ấy thật ngọt ngào, nhưng có lúc tiếng gọi đó khiến cô trải qua những đau khổ. Tiếng gọi đó có lúc thật rõ ràng, mãnh liệt, nhưng có lúc như chìm hẳn không còn. Nhưng với niềm tin của một con tim bắt đầu từng bước tiến về ánh sáng chân lý, cô luôn mang niềm hy vọng và lúc này cô đang tuyên xưng niềm tin của cô vào Đấng Cứu Độ.

Đó là tiếng xin vâng dịu dàng xuất phát từ trái tim, được cất lên từ chính môi miệng của một nữ tu trẻ trung, xinh đẹp, duyên dáng trong chiếc áo dòng. Kể từ đây, cô đã thực sự hiến dâng trọn đời mình cho Chúa. Cuộc đời của cô sẽ bắt đầu một trang sử mới, nhưng không vì lời khấn được cất lên mà những yếu đuối trong con người sẽ mất đi. Tiếng xin vâng ấy họa lại lời xin vâng của Đức Kitô khi vào trần gian: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ, con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”. Lời thưa ấy cũng gợi lại mẫu gương xin vâng của Đức Maria “này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền”. Để rồi từ tiếng xin vâng, Đức Maria đã trải qua nhiều đau khổ thế nào, “một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”, thì cô cũng sẽ bắt chước Đức Mẹ mà trải qua những gian nan, thử thách còn chờ phía trước.

Tiếng “xin vâng” tuy ngắn gọn nhưng là cả một quá trình phấn đấu để đạt được sự tự do nói lên từ tâm hồn. Tiếng xin vâng mở ra một chân trời mới, một hành trình mới và một sứ vụ mới. Từ đây, cô sẽ sống cho Đấng Tình Quân để mãi thuộc về Ngài. Trái tim cô sẽ không còn sẻ chia. Tình yêu của cô không dành riêng cho một ai, nhưng trong Đức Kitô tình yêu ấy thuộc về tất cả những người cô gặp, và ngay cả những người cô không bao giờ thấy mặt. Tình yêu ấy sẽ trở nên lời cầu nguyện với Đấng Tình Quân và trong Đấng Tình Quân tình yêu ấy được trao ban. Lời xin vâng ngắn gọn nhưng đòi hỏi cô sẽ từ bỏ tất cả, từ bỏ cái tôi để trở nên khiêm hạ, vâng phục trước những con người đại diện cho Đức Kitô; từ bỏ những tiện nghi để hòa mình vào dòng đời, nơi những con người đang lam lũ, vất vả, khổ đau cả thể xác và tinh thần; từ bỏ lối sống cho riêng mình để hòa mình và bước đi cùng những con người đang lữ hành trên trần gian tiến về quê trời. Chiếc khăn lúp trắng tinh giờ đây đã được thay thế bằng màu khăn đen khiêm nhường, như dấu chỉ của một sự từ bỏ tận căn những ràng buộc của thế gian, để chỉ thuộc trọn về Đức Kitô và hiến thân phục vụ Giáo hội. Chiếc khăn lúp được đội lên đầu làm nên nét đẹp và nét vinh dự của người nữ tu. Nhưng xa hơn nữa, chiếc khăn lúp còn mang ý nghĩa của sự dâng hiến và hi sinh. Kể từ đây, cô sẽ phải hi sinh nhiều hơn nữa, nhưng trong đời sống dâng hiến, cô tìm thấy niềm vui và hạnh phúc.

Trong giây phút hạnh phúc tràn ngập, Như Hải nhớ về hành trình đến với đức tin Kitô giáo, đến với ơn gọi đời sống người Kitô hữu và nhất là đời sống ơn gọi thánh hiến…

-/-/- Gặp gỡ tình cờ -/-/-

Nhiều năm về trước, khi đã hoàn thành chương trình đại học, Hà đến giáo xứ Lán Tranh, một giáo xứ thuộc vùng sâu vùng xa, nói đúng hơn là vùng đồi núi. Cô đến với vùng đất, đến với con người bản thượng. Cô muốn trải nghiệm cuộc sống của những người miền núi, của những người dân tộc, nên đã xin về Cộng đoàn các Tuổi Muội Chúa Giêsu đang phục vụ ở đây. Tuy gọi là giáo xứ, nhưng cũng từ lâu không có cha quản xứ. Mỗi Chúa Nhật thường có cha xứ từ miền xuôi lên dâng lễ cho bà con giáo dân. Cộng đoàn Tiểu Muội Chúa Giêsu lên phục vụ giáo dục cho các trẻ, lo thuốc thang và dạy giáo lý. Các chị nhận dạy trẻ không phân biệt dân tộc Kinh hay Mường, không phân biệt giáo hay không có đạo. Vì vậy, lớp trẻ sau này đều giao tiếp được tiếng Kinh cũng như tiếng Mường.

Giáo xứ nằm giữa núi rừng hoang vu, nhưng đầy sự linh thiêng của đất trời, có những con người dân tộc Kinh đã lên làm ăn sinh sống và cũng có những con người thuộc dân tộc Mường, là lãnh thổ bao đời của họ. Tiếng thác chảy từ xa vang vọng cả núi rừng và dẫn nguồn nước đổ vào những con sông. Từ dòng sông ấy, nguồn nước đã mang lại sức sống cho cây cối và nương rẫy, cũng như phục vụ cho đời sống con người.

Giáo xứ đã có từ lâu lắm, chẳng ai nhớ bắt đầu như thế nào, nhưng tên “Lán Tranh” gắn liền với những con người nơi đây. Cái tên của giáo xứ diễn tả một phần cuộc sống của họ. Họ chưa có nhà xây hiện đại bằng xi măng cốt thép. Cuộc sống người dân vẫn còn những lán tranh hay nhà sàn để có thể tiện bề chạy lũ. Cũng có những người còn sống lênh đênh trên những chiếc thuyền nhỏ. Họ là những con người sống đời du mục và dựa vào những ngọn núi để chăn nuôi, săn bắt sinh sống. Cũng chẳng có bút tích ghi lại ai là người đầu tiên đưa đức tin đến miền đất này. Giáo xứ Lán Tranh vẫn tồn tại bao đời nay, vẫn có người để thờ phượng Thiên Chúa. Dầu giáo dân không đông, nhưng họ là những con người chất phác, thành thật, đơn sơ. Họ sống niềm tin Tôn giáo vào Thiên Chúa một cách chân thành.

Mùa Đông năm đó vào đêm lễ Giáng Sinh, khi mọi người đã về hết, không gian trở lại yên tĩnh và thanh bình, chỉ còn bóng đèn leo lắt trong hang đá đơn sơ. Miền bản thượng này chưa có điện, nên bóng đèn là những cây đèn dầu. Hang đá được dựng lên trước sân nhà thờ. Chúa nằm đó trong máng cỏ, có Đức Maria và thánh Giuse đang âu yếm nhìn con mới sinh. Giữa màn đêm lạnh lẽo, sương trời đã bắt đầu đẫm hạt trên các ngọn cây, lòng người cũng se lại hơn bao giờ hết, nhưng cảm giác thật bình yên. Hà đang đi dạo chung quanh nhà thờ, chuẩn bị đóng cổng để vào nghỉ ngơi. Nhà của các chị ở trong khuôn viên của nhà thờ để tiện bề trông coi. Đang đắm chìm trong suy niệm, bỗng cô dừng lại trong một góc khuất của bóng đêm và quan sát. Một thiếu nữ chừng mười lăm mười sáu tuổi đang tiến lại gần hang đá. Trong bóng đêm, Hà xem con người ấy đang làm gì? Hà nhìn vào từng cử chỉ, hành động của cô gái và đoán chắc không phải người trong giáo xứ. Cô gái đứng nghiêm trang và nhìn vào hang đá với một ánh mắt trìu mến. Hà cũng không biết cô tâm sự những gì, chỉ thấy cô gái dường như chất chứa nhiều tâm sự trong cõi lòng. Cô gái chỉ đến khi tất cả đã chìm vào trong màn đêm. Trời càng về đêm, không khí núi rừng càng lạnh lẽo, càng giá rét. Cô xuất hiện và đứng thinh lặng trước hang đá, đứng nghiêm trang trước gia đình thánh gia. Hà để ý ba đêm như vậy, vào đêm thứ ba trước khi về cô để lại một mảnh giấy bên cạnh hài nhi Giêsu.

Sau khi cô rời đi, Hà đến nhặt mảnh giấy lên xem. Đó là một phong bì làm bằng tay, trên phong bì có ghi mấy chữ đơn sơ nhưng rất đẹp “Gửi em bé nằm trong máng cỏ”. Như vậy, suy đoán của Hà là chính xác. Cô gái không phải là người Công giáo. Trời đã khuya, Hà vẫn muốn xem nội dung bức thư là gì. Trong phong bì là một bức thư ngắn, được viết rất nắn nót từng chữ. Chữ cô gái đẹp, cho thấy cô cũng được đi học và kiên nhẫn để rèn luyện chữ viết. Đọc bức thư xong, Hà ngồi lặng đi một lúc để suy nghĩ về những tâm tình của cô gái. Hình ảnh cô gái trước hang đá và những tâm tình đơn sơ trong bức thư tạo cho Hà một cảm giác được thôi thúc trong lòng. Hà không hiểu cảm giác lúc này thế nào, cô chỉ mong trời mau sáng để hỏi thăm về người con gái ấy. Sáng hôm sau, Hà nói chuyện với một vài bạn trẻ trong giáo xứ để tìm hiểu thêm. Với vẻ ngạc nhiên, các bạn không hiểu tại sao chị Hà muốn tìm hiểu về cô gái đó. Không để nghi ngờ, Hà kể cho các bạn nghe về câu chuyện cô gái đứng trước hang đá đêm Giáng Sinh nhưng cô không nhắc gì đến bức thư. Cô muốn cùng các bạn sẽ tiếp cận và làm bạn với cô gái ấy.

Những đêm sau đó, Hà chờ cô xuất hiện để hỏi thăm nhưng không thấy cô đến. Đêm trước ngày lễ Hiển Linh, một lần nữa cô đến bên hang đá. Một điều đặc biệt, cô chỉ đến vào ban đêm và xuất hiện khi không còn một ai. Nhưng cô không biết rằng, có một người đã đứng trong đêm để nhìn cô. Chỉ còn vài ngày nữa, hang đá sẽ được tháo gỡ. Có phải Chúa dẫn cô đến hay không hoặc có người nào đã nói với cô việc đó. Hà để cô đứng một lúc trước hang đá rồi mới tiến lại để bắt chuyện. Hà nhận ra cô gái là một người dân tộc Mường. Dầu không biết cô gái hiểu tiếng Kinh hay không nhưng Hà cũng mạo muội chào bằng tiếng Kinh, vì mới lên đây chưa lâu, nên Hà chưa biết nhiều về tiếng Mường. Hà cũng phân vân có nên hỏi hay không, vì cô sợ sẽ phá tan đi tâm tình của cô gái đang tâm sự với trẻ nằm trong hang đá. Cô sợ cô gái sẽ không hiểu mình nói gì. Hà sợ cô gái sẽ giật mình mà bỏ chạy và bao nhiêu tâm trạng trong Hà không thể diễn tả thành lời. Cuối cùng, cô cũng lên tiếng, vì biết đâu không hỏi sẽ không bao giờ có cơ hội gặp lại cô gái:

- Này em gái. Đêm khuya lạnh như vậy, em còn làm gì ở đây?

Một giọng nói nhỏ nhẹ phá tan đi sự tĩnh lặng của màn đêm. Nghe tiếng nói, cô gái giật mình, quay đầu lại và trên khuôn mặt lộ ra vẻ lúng túng. Cô toan bỏ chạy nhưng Hà đã vội nói thêm:

-Đừng chạy. Không sao đâu, chị muốn nói chuyện với em.

Cô gái nhìn Hà với ánh mắt cầu xin, cô mong Hà đừng phạt vì đã dám vào nơi linh thánh của người Công giáo. Cô run rẩy vì cái lạnh của thời tiết nhưng cũng sợ hãi vì bị người khác bắt gặp. Hà nói thêm để trấn an cho cô:

-Đừng sợ. Chị không làm gì em đâu. Chị quan sát và thấy em đến đây nhiều lần. Em có muốn nói chuyện với chị không?

-Dạ. Nhưng mà…

Thấy cô gái ấp úng, Hà tiếp tục:

-Sao em đến trễ vậy?

-Vì em còn phải lo công việc ở gia đình và em cũng sợ.

Hỏi thăm được vài ba câu rồi cô gái xin phép ra về vì trời đã khuya. Hà hẹn gặp cô gái vào ngày thuận lợi nhất nếu cô muốn nói chuyện. Cô chỉ có thể đến đây vào ngày cuối tuần. Những ngày trong tuần cô còn phải lên rẫy với bố mẹ. Cô cùng ba mẹ gánh vác công việc trong gia đình. Mỗi buổi sáng, cô dậy sớm để cùng mẹ cho đàn lợn ăn, nấu cơm nước cho ba và các em. Ngoài ra, mẹ cô còn làm thêm đậu hũ và để cô ra chợ bán. Người Mường thường tập trung thật sớm để trao đổi sản phẩm với nhau trước khi mặt trời ló rạng từ đàng xa, sau đó họ lên rẫy để làm việc. Khi bán hết đậu hũ, cô tiếp tục lên nương rẫy cùng ba mẹ.

Cô là người dân tộc Mường, là chị cả trong gia đình có năm người con. Tên Mường của cô là Mol, nhưng sau này được các chị gọi là Như Hải. Cô học giỏi nhưng đã nghỉ học vì gia đình nghèo khó, không đủ điều kiện để tiếp tục học. Cô mới hoàn thành chương trình cấp hai, nghỉ học ở nhà phụ giúp ba mẹ để những đứa em có cơ hội đến trường. Đối với người Mường, biết đọc biết viết là tốt rồi, không cần phải học cao, học rộng. Trong bản làng cũng chỉ có một vài người đi học đại học, hầu hết hoàn thành chương trình phổ thông là nghỉ. Con trai thì lo làm nương làm rẫy, chắt chiu tiền bạc để cưới vợ. Con gái đến tuổi cập kê thì học may học vá, học nấu nướng và hẹn hò để chuẩn bị làm cô dâu, làm mẹ.  

Vào ngày cuối tuần, lúc thời gian đã về trưa, cô xuất hiện trước cổng nhà thờ như đã hẹn với Hà. Gọi là nhà thờ, nhưng chỉ là một cái lán đơn sơ, che chắn bốn phía để bà con có chổ tụ họp đọc kinh và tham dự thánh lễ. Nghe nói, từ xa xưa các nhà truyền giáo lên đây và chọn vùng đất này để làm một căn chòi ở với bà con người Mường. Sau này, khi một số người đã theo đạo Công giáo thì họ dựng lên một lán nhỏ để có nơi thờ phượng. Căn nhà hiện tại cũng mới được làm lại cách đây ít năm, điều duy nhất còn giữ lại là được làm ngay trên nền của căn nhà trước. Còn căn nhà các chị ở được làm theo theo kiểu nhà sàn, một phần để tránh thú dữ, một phần để tận dụng không gian làm chổ dạy trẻ và nhà thuốc. Cô e dè và không dám lên tiếng gọi người trong nhà. Cô thấy không gian lạ lẫm vì mấy ngày trước hang đá còn đó, nay khu vực hang đá trống trơn.

Hà đi ra vườn để chuẩn bị rau cho bữa trưa, Hà thấy cô gái đang đứng sau cây lớn trước cổng. Hà mời cô vào và dẫn đi thăm chung quanh nhà thờ, quanh khu vườn. Cuối cùng, Hà dẫn cô gái vào phòng khách ngồi và nói chuyện. Phòng khách được trang hoàng một chiếc bàn tre và hai chiếc ghế dài cũng được làm bằng tre. Trong phòng có một cây thánh giá có tượng Chúa Giêsu, một bức ảnh Đức Mẹ và ảnh gia đình thánh gia đã cũ. Hôm trước Hà gặp cô một lần, nhưng lần này Hà ngạc nhiên trước vẻ đẹp của cô, đúng như người ta vẫn thường nói, con gái dân tộc sắc sảo và có nét đẹp rất riêng của họ. Có lẽ lần đầu vào một nơi như thế này, nên cô gái ngỡ ngàng và ngạc nhiên nhiều thứ. Trong lòng cô vừa sợ nhưng cũng cảm nhận được một chút ấm áp của lòng người. Cô cảm nhận được sự thân thiện và hiếu khách của Hà. Là nơi xa lạ nhưng lại có cảm giác thân thiết. Trực giác của cô như mách bảo, nơi đây sẽ là nơi ở thứ hai của cô. Hà mời cô gái ngồi và nói chuyện. Hà chia sẻ những câu chuyện đời thường và hỏi cô những chuyện liên quan đến cuộc sống, đến gia đình và đến ước mơ của cô. Hà muốn tạo cho cô một sự thân thiện và lòng tin tưởng. Hà nhẹ nhàng hỏi cô:

-Chị có để ý em đến đây vào ban đêm, nhất là mấy đêm quanh ngày lễ Giáng Sinh, hình như em có tâm sự gì muốn chia sẻ phải không?

Sau một chút thinh lặng, cô nhìn Hà và bắt đầu kể về những cảm nhận trong cô. Cô kể những lần đi làm rẫy luôn nghe người công giáo hát thánh ca, nhất là vào dịp cuối tuần, vì cha xứ chỉ lên dâng lễ vào ngày Chúa Nhật. Cô từng có những người bạn có đạo, họ kể cho cô nghe những chia sẻ về Tin Mừng. Có những câu chuyện đánh động lòng cô, khiến cô không hiểu lý do tại sao. Nhiều lần, được các bạn mời đến để cùng vui chơi, sinh hoạt hay ngay cả việc tham dự thánh lễ, cô đều từ chối. Cô từ chối tham gia một phần vì sợ hãi, một phần vì chưa sẵn sàng để hòa đồng với các nghi thức có tính công giáo. Dân tộc Mường có những tục lễ mà cấm người mình tham dự vào các nghi thức của người Công giáo. Nếu người nào vi phạm, người đó sẽ bị lãnh án phạt một cách nặng nề từ làng.

Cô kể về những lời kinh ý nghĩa mà cô đã thuộc lòng khi nghe người công giáo đọc. Cô chưa biết cầu nguyện là gì, cô chưa biết Chúa là Đấng nào, dầu vậy mỗi lần đi làm rẫy hay có thời gian rảnh rỗi, cô nhẩm đi nhẩm lại trên môi và có khi chỉ thì thầm trong lòng những lời kinh, bài hát. Lời kinh cô ấn tượng nhất là lời kinh mà người công giáo gọi là Kinh Lạy Cha. Khi nghe người Công giáo đọc hay tự bản thân nhẩm đi nhẩm lại lời kinh đó, cô thấy có một cảm giác kỳ lạ trong trái tim, cảm giác của sự bình an, cảm giác như thanh thoát và công việc cô đang làm trở nên nhẹ nhàng. Lời kinh quen thuộc như đã thấm sâu vào con người vào trong cuộc sống của cô. Dân tộc cô cũng thờ trời, thờ cúng các thần linh như thần sông, thần núi, thần cây. Họ tổ chức các lễ hội để cầu cho mưa thuận gió hòa, xin cho gia đình yên ấm, hòa thuận yêu thương nhau.

Người Mường cầu xin cho các vong hồn không về làm hại dân làng, không bám theo gia đình họ. Họ tin rằng, khi nào con người chết lúc đó mới xuất hiện linh hồn. Mỗi người chết đi sẽ tạo ra một linh hồn. Tuỳ vào cuộc sống như thế nào mà khi chết sinh ra linh hồn như thế. Gia đình nào muốn linh hồn người thân sớm được siêu thăng và không về đòi ăn, không về quấy phá thì phải làm tiệc thật lớn để đãi xóm làng. Vì niềm tin như vậy, nhiều gia đình phải tán gia bại sản khi có người mất, phải gánh nợ suốt mấy năm sau đó. Nghi thức an táng của người Mường được quy định rất nghiêm ngặt. Từ trang phục của người chết, con cháu, anh em, họ hàng... cho đến việc xem ngày, giờ nhập quan, cách bày trí các đồ cúng lễ áo quan, các nghi lễ, nghi thức: Đưa ma, tùy táng. Đặc biệt, trong đám tang không thể thiếu ậu mo (thầy mo). Đối với người Mường không có ậu mo thì không thể mai táng. Trong suốt các nghi thức tang ma, ậu mo làm nhiệm vụ thuyết phục và hướng dẫn. Trách nhiệm của ậu mo là làm cho người chết hiểu được quy luật tự nhiên của sự sống và cái chết, mà người đã chết thì phải tách khỏi thế giới của người sống. Để sau đó hồn mới có thể sẵn sàng đi tiếp hành trình, chuyến đi cuối cùng đến với thế giới dành riêng cho họ.

Hai chị em ngồi chia sẻ với nhau mà quên đi thời gian đã quá nửa trưa. Hà muốn mời cô ở lại dùng cơm với chị em, nhưng cô từ chối và vội vàng xin phép ra về. Cô cám ơn Hà vì đã nghe cô tâm sự. Từ trước tới giờ, chưa có ai để chia sẻ những điều ấp ủ trong lòng, hôm nay được chia sẻ với Hà, mọi nỗi lòng trong cô được giải tỏa. Tâm hồn cô cảm thấy nhẹ nhàng, dầu cho vẫn còn đó những góc khuất, những âm vọng chưa được giải đáp. Hà không ngần ngại đặt vấn đề với cô, khi nào thuận lợi ghé lại nhà các chị chơi và trải nghiệm cuộc sống của người Công giáo, cũng như chia sẻ những thắc mắc vương vấn trong lòng. Những tuần tiếp theo đó, cô gái thường dành một quảng thời gian nhất định vào cuối tuần để đến chơi. Những giây phút gặp gỡ ấy là thời gian đẹp đối với cô. Không những cô được tiếp xúc với người công giáo, nhưng còn được chia sẻ những nỗi niềm, chia sẻ những nét văn hóa của dân tộc cô, cũng như được nghe các chị chia sẻ về niềm tin tôn giáo của người Công giáo.

 

-/-/- Vô tình gặp lại -/-/-

Hơn hai tháng, các chị không thấy cô gái đến chơi nên thắc mắc, không biết liệu cô gái hay gia đình có xảy ra chuyện gì? Hỏi thăm các bạn trong làng thì cũng không ai rõ, vì ít tiếp xúc với cô. Họ chỉ biết nhà cô ở cách đó không xa, đi bộ chừng hơn hai mươi phút. Vào cuối tuần giữa tháng năm, các chị muốn dành thời gian cuối tuần đi hái hoa dại trong núi cũng như ghé thăm nhà cô. Vì ở vùng núi, mỗi dịp tháng năm về, người tín hữu thường hái những bông hoa dại, gọi là hoa dại vì nó mọc giữa núi đồi, để dâng Đức Mẹ. Nhưng mỗi loài hoa đều có nét đẹp riêng của nó. Toà Đức Mẹ luôn luôn rực rỡ nhiều màu sắc của đủ loài hoa. Trong tháng năm, vào Chúa Nhật giáo dân tổ chức dâng hoa trước khi thánh lễ bắt đầu, và có một ngày dâng hoa trọng thể vào ngày 13/5. Đây cũng là ngày mà Đức Mẹ hiện ra lần đầu với ba trẻ tại Phatima năm 1917.

Đến với vùng núi miền tây, cây cối trùng trùng điệp điệp, có tiếng suối róc rách, có tiếng chim hót vang vọng. Đi dưới những tán cây rậm rạp, dầu mặt trời có chiếu sáng thì cũng chỉ là những tia nắng lọt qua khe hở làm cho con đường thêm đẹp hơn. Những con đường như được phủ bởi một lớp hoa nắng màu vàng. Dừng chân nghỉ mát bên khe nước mát trong, các chị đang vui đùa thì tất cả không ai bảo ai đều thinh lặng. Từ cạnh sườn núi bên kia khe suối vang lại lời bài hát “Con là một loài hoa trong muôn loài hoa nở gần xa. Xin hát dâng lên Người một bài ca chan chứa niềm vui. Một bài ca tri ân một bài ca dâng Chúa từ nhân. Hoa đâu dám chi khoe mình nhờ hồng ân hoa mới đẹp xinh”... Giọng hát nghe ngọt ngào du dương, lời bài hát diễn tả tâm tình của người hát như đặt trọn hồn vào bài hát đó.

Thật ngạc nhiên, tiếng hát đó là của một cô gái dân tộc. Họ lần theo tiếng hát để đến gần hơn. Không muốn làm cô giật mình, các chị đứng thinh lặng sau một bụi cây để nghe cô hát. Cô vừa hát vừa làm việc một cách vui vẻ. Cô say mê với những bài thánh ca của người công giáo, như từng chia sẻ với Hà. Khi bài hát kết thúc, các chị tiến ra để chào hỏi và làm quen. Hà ngạc nhiên và nhận ra ngay Như Hải, người mà mấy tháng nay cô và các chị không thấy đến chơi. Như Hải cũng ngại và cất tiếng chào, cô cúi mặt xuống như không muốn giao tiếp với các chị. Hà cất tiếng hỏi:

-Như Hải, sao lâu nay không thấy em đến chơi?

Cô vẫn cúi mặt xuống, rồi cô trả lời một tiếng nhỏ.

-Ba không cho em đi.

Nói xong, cô đưa tay lên lau những giọt nước mắt. Cô chạy lại ôm Hà và khóc. Hà cũng không biết làm gì ngoài việc ôm cô vào lòng. Các chị chứng kiến cảnh đó mắt cũng rướm lệ. Những mối nhân duyên chỉ gặp gỡ đôi lần, nhưng trái tim đã in đậm dấu ấn tình yêu. Tình yêu đó cho con người sức mạnh, cho con người hy vọng. Cô luôn mong được gặp lại các chị để có những giờ nói chuyện, những câu chuyện vui đùa, hay chia sẻ với nhau những ưu tư trong cuộc sống. Các chị cũng muốn gặp lại cô, vì cô như một “bông hoa dại” mà Chúa giao cho các chị chăm sóc. Hà an ủi và hỏi cô:

-Nhà em ở đâu? Các chị có thể đến thăm được không?

-Nhưng em sợ ba sẽ không tiếp đón các chị.

-Không sao đâu, cứ dẫn các chị về thăm gia đình cho biết.

Như Hải dẫn các chị về nhà, căn nhà là một lán tranh nhìn đã cũ, được dựng lên theo kiểu nhà sàn. Có hàng rào bảo vệ xung quanh, vì đêm về hay có thú dữ ghé thăm. Hà nhớ lại những đêm Như Hải đến bên hang đá một mình, cô cảm thấy rùng mình. Nếu không có một động lực nào thúc đẩy thật mạnh từ trong tâm hồn, nếu không có một sự chở che và đảm bảo an toàn nào từ Đấng vô hình mà cô chưa biết, sao cô dám đi trong đêm một mình để đến viếng hài nhi trong máng cỏ?

Nhìn từ ngoài không thấy một bóng người nào, hình như không có ai ở nhà. Như Hải mở cổng ra, có hai ba con chó chạy ra, quấn quýt lấy cô. Chúng bắt đầu sủa âm ỉ khi thấy sự xuất hiện của người lạ, tiếng sủa phá tan cả không gian vắng tênh lúc nãy. Sau vài lời nói của Như Hải, đàn chó ngoan ngoãn tháo chạy. Nhìn xung quanh thấy đủ thứ thức ăn cho lợn, thức ăn cho gia súc, ngô, khoai…Thấy các chị nhìn, Như Hải dường như hiểu ý nên nói trước:

-Từ khi hai em mất, ba em trở nên khó tính, mẹ lại ốm, nên không ai dọn dẹp cho.

Chuyện là vào một ngày chủ nhật kia, Như Hải cùng các em đi lên nương chơi. Như Hải để các em lại chơi và tắm ở suối. Cô đang có ý định trốn các em để ghé thăm các chị. Chưa đi được bao xa thì tiếng em út khóc và hô hoán. Khi quay lại thì hai đứa em trai đuối nước và đã chìm xuống nơi chổ sâu nhất của con suối. Vừa sợ hãi, cô đi tìm sự giúp đỡ từ những người xung quanh đó. Người Mường sợ đụng vào xác chết, nhất là những người chết oan. Họ sợ oan hồn vừa được tạo thành sẽ đi theo họ, nên không ai đến giúp đỡ. Như Hải gọi ba mẹ ra tìm thi thể và đưa hai em về. Sau cái chết của hai em, ba trở nên khó tính hơn và luôn tỏ ra khó chịu với Như Hải. Mẹ thương hai đứa con ra đi một lúc, nên từ đó sinh ra ốm nặng. Ba thấy mẹ ốm nên cũng mời thầy lang đến, đã mất khá nhiều tiền cho thầy lang, nhưng bệnh tình bà không thuyên giảm. Một mình Như Hải phải gánh vác mọi việc. Ba cũng không bận tâm nhiều vào công việc nương rẫy như mọi khi.

Như Hải dẫn các chị lên nhà. Nhà được ngăn thành ba phòng nhỏ và một phòng khách. Các căn phòng ngăn với nhau bằng những tấm mên đan thưa vào với nhau. Có thể nói, từ phòng bên này nhìn thấy phòng bên kia đang làm gì. Ba mẹ một phòng, ba đứa em trai một phòng, Như Hải và cô em gái nhỏ một phòng. Như Hải mời các chị ngồi uống nước. Vừa ngồi xuống, các chị nghe có tiếng ho từ trong phòng phát ra. Tiếng ho mệt mỏi của người ốm, nhưng trong đó cũng chất chứa nỗi niềm đau đớn của người mẹ mất con, nỗi vất vả của người mẹ lam lũ gánh vác công việc đồng áng. Hà và các chị muốn vào thăm, nhưng Như Hải ngăn lại. Cô không muốn các chị gặp mẹ, vì sợ mẹ buồn. Cô sợ mẹ tưởng các chị là thầy lang. Cuối cùng, cô để các chị vào với mẹ. Sau một vài động tác hỏi han và bấm huyệt, cơn ho của bà mẹ giảm dần. Bà mẹ không biết các chị là ai, liền nói:

-Các cô là ai? Các cô đến đây làm gì? Có phải muốn bắt đi những người con của tôi hay là tiếp tục đòi tiền bạc của nhà tôi? Tôi xin các cô, các cô đừng bắt con tôi đi nữa. Họ đã bắt mất hai đứa rồi. Các cô còn muốn gì nữa?

Bà nói bằng tiếng Mường và trong cơn ho nên ngắt quãng, các chị cũng không hiểu hết lời bà nói. Các chị hỏi mẹ nói gì, nhưng Như Hải không trả lời. Rồi Như Hải cũng nói lại lời của mẹ cho các chị biết. Khi bà nói dứt câu, cơn ho lại dữ dội hơn. Hà tiếp tục day bóp vào huyệt Xích Trạch để giảm cơn ho cho bà. Như Hải giải thích với mẹ về sự xuất hiện của các chị. Nghe Như Hải nói xong bà nằm im lặng. Thân xác bà đang mệt mỏi bởi cơn bệnh, tâm hồn cũng đang nát tan bởi nổi buồn mất con. Các chị để bà được nằm nghỉ. Thay vì tiếp tục vào núi hái hoa, các chị dành thời gian để giúp Như Hải dọn dẹp nhà cửa.

Dọn dẹp xong trời cũng đã trưa, nhưng trong lòng cảm thấy vui. Vui vì sự gặp lại rất tình cờ nhưng nhìn xa hơn là sự quan phòng của Chúa sắp xếp. Họ gặp lại nhau nhờ một bên đi tìm những “bông hoa dại” để dâng lên Mẹ, dâng lên Chúa; một bên Thiên Chúa đã sẵn sàng để cho họ thấy một “bông hoa dại đặc biệt”. Bông hoa đó tỏa nét dịu dàng, hương thơm ngào ngạt, nét đẹp của bông hoa đó được diễn tả bằng tiếng lòng trong lời ca ngợi đấng tạo hóa. Một tiếng gọi từ trên cao ngang qua một người chưa đón nhận đức tin nhưng đã sống đức tin và một từ lòng người đang đi tìm tiếng gọi ấy, họ đã gặp thấy nhau trong tình yêu. Hà chỉ cho Như Hải cách dùng lá cây sắc thuốc cho mẹ, sau đó dặn dò cô vài điều để chăm sóc mẹ, rồi các chị chào cô và ra về. Lần gặp gỡ tình cờ này vắng mặt của người cha. Về sau khi nghe biết Như Hải thường trốn đến với các chị thì ông đã cấm không cho cô đi.

Cứ cách vài tuần, Hà cùng một vài bạn trong giáo xứ ghé thăm Như Hải. Ghé thăm để xem tình hình của mẹ ra sao và cũng giúp đỡ cô trong việc dọn dẹp nhà cửa. Mẹ đã hết ốm nhưng trong lòng vẫn còn nặng trĩu nổi buồn của người mẹ. Bà không muốn giao tiếp hay nói chuyện với Hà. Mỗi lần có Hà đến thăm, bà chỉ nói dăm ba câu rồi tìm lý do đi làm nương để tránh cô. Những lần Hà đến thăm này ba không ở nhà, mẹ và Như Hải cũng không cho ông biết. Nếu ông biết, chắc chắn ông sẽ nổi trận lôi đình với cả hai mẹ con. Cũng vì vậy, mẹ khuyên Như Hải không nên tiếp tục nói chuyện với Hà, bà cũng lẫn tránh cô là vì lý đó.

-/-/- Lòng người gặp gỡ -/-/-

Một lần kia, Hà ghé thăm Như Hải. Khi vừa gần đến cổng nhà Như Hải, Hà và các bạn nghe tiếng ông đang quát nạt cô. Không chỉ vậy, ông còn dùng roi mà quất. Ông bắt cô quỳ ở chân cầu thang của nhà sàn và đánh. Đứng ở cổng, Hà nhìn thấy mà xót xa. Ông vừa đánh vừa nói bằng tiếng Mường, mỗi lần ông quất roi xuống ông lại mắng cô, lúc này Hà cũng đã hiểu được một ít tiếng Mường:

-Tao đã bảo mày không được giao tiếp với mấy cô gái bên Công giáo sao mày không nghe? Mày không biết tại vì mày mà hai đứa em của mày phải chết à?

-Mày còn muốn tao và mẹ phải khổ đến bao giờ?

-Mày có thương em mày nữa hay không?

-Tao đẻ ra mày, vậy mà báo hiếu như thế hay sao?

Vừa nói, ông vừa quất  xuống mạnh hơn. Dầu phẫn nộ, nhưng ông cũng không dám đánh vào người, vào đầu, chỉ đánh vào chân cô. Ông khó chịu với Như Hải, nhưng ông thương cô một cách âm thầm bằng trái tim của người cha. Là người cha, ông cũng có nỗi lòng của người cha. Nỗi lòng lo lắng cho con gái tích trữ của hồi môn để được gả chồng. Nỗi lòng của người gia trưởng trong gia đình, áp lực đè nặng khi phải giáo huấn con cái theo tục lệ của bản mường. Sau mỗi trận đánh Như Hải, ông vào rừng tìm cây thuốc, về dã ra và bảo Như Hải đắp lên vết thương. Giáo huấn thì phải dạy dỗ, dạy dỗ thì phải có đau đớn, nhưng trong đau đớn luôn chất chứa tình yêu. Cô biết ba yêu thương cô, nên không nỡ phụ lòng ba. Cô không hề giận ba.

Hà và đám bạn định chạy vào để ngăn ông thì bà mẹ xuất hiện. Bà dành lấy cây roi trong tay ông và cúi xuống ốm lấy đứa con gái. Ba đánh bao nhiêu thì mẹ xót thương Như Hải bấy nhiêu, vì cô phải gánh vác biết bao công việc trong gia đình. Từ khi hai em mất, mọi công việc đổ dồn lên vai Như Hải. Ông thấy vậy liền bỏ đi. Nhìn ra cổng thấy Hà ông liền chửi bằng tiếng Mường:

-Các cô đến đây làm gì? Mau tránh xa con gái tao ra, không đừng trách tao.

Đang trong cơn giận với Như Hải, giờ thêm sự xuất hiện của Hà, ông như điên tiết lên, ông chạy theo và vơ lấy cây gậy đang nằm giữa đất, hướng ra cổng mà đuổi Hà và các bạn. Vừa chạy ông vừa chửi bằng tiếng Mường. Dù không hiểu nhưng Hà biết đó là những câu chửi tục, không nữa thì những câu nguyền rủa nào đó. Thấy thế, Hà và các bạn bỏ chạy. Như Hải thấy vậy thì cũng đứng lên chạy theo ngăn ba. Sau hôm đó, Hà không dám đến nhà cô nữa. Hà chỉ có thể hẹn và nói chuyện với cô mỗi khi cô lên rẫy vào những ngày cuối tuần.

Thời gian cứ vậy trôi, hạt giống đức tin vẫn âm thầm được gieo bởi một người kiên trì theo đuổi và một người cần mẫn chăm sóc. Hạt giống ấy chỉ còn chờ thời cơ để nảy mầm. Dầu bên ngoài chưa tỏ, nhưng bên trong đã tràn đầy sức sống. Dầu không cử hành các nghi thức nhưng tâm tình đã chạm đến lòng thương xót của Đấng Tối Cao. Dầu không có nhiều người bạn để cùng ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa, nhưng với hoa lá cỏ cây, với công việc đồng nội, với tâm hồn thanh thản vui tươi, cô đã cất tiếng ngợi khen Ngài.

Mùa lũ năm ấy, gần nửa tháng trời mưa lớn, mực nước sông dâng cao. Những người ở vùng trũng, thấp hơn tập trung về tại khu vực nhà xứ Lán Tranh, vì nơi đó là điểm cao nhất vùng. Gia đình Như Hải cũng phải di chuyển. Ban đầu, ông không muốn đến vùng đất của người Công giáo, nhưng không còn cách nào khác, ông nghe theo bà và Như Hải đã khuyên ông nghĩ đến gia đình, nghĩ đến con cái nên ông đành chấp nhận. Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, ông chưa bao giờ đặt chân vào vùng đất nhà thờ của người Công giáo. Ông sợ như vậy là đắc tội với Thiên Chúa của họ, cũng như phản bội ông trời, thần núi, thần sông và các thần minh của dân tộc.

Vì mưa lớn và nước sông dâng cao, một vài nơi trên đồi núi sạt lỡ, các con đường lên núi bị ngập và không thể đi lại, suốt tháng đó không có thánh lễ nào được dâng. Tín hữu trong giáo xứ chỉ có thể họp nhau để đọc kinh và cầu nguyện. Họ chia sẻ với nhau những thức ăn mà họ có. Đối với họ lúc này “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Những người khỏe, trẻ thì nhường miếng ăn cho người ốm, người già, hay trẻ con.

Những người nào biết về thuốc thì giúp đỡ các chị để phục vụ bên y tế, người dân tộc có nhiều bài thuốc rất hay khi sử dụng cây cỏ lá rừng, Như Hải cũng nhiệt tình giúp đỡ các chị. Nước lũ dâng cao, muỗi và côn trùng sinh sôi nảy nở. Nhiều người mắc bệnh sốt rét. Cũng có một vài người già không chống chịu nổi nên đã ra đi, có cả người Mường cả người Công giáo. Người Công giáo khi chết, họ dành một chổ trong nhà thờ rồi mọi người tập trung đọc kinh và cầu nguyện cho người đó. Sau đó, họ dành riêng một miếng đất xa nhà thờ để an táng. Ngược lại, người Mường cũng không thể lo ma chay đám tang như tục lệ của họ, đành theo người Công giáo. Họ ngạc nhiên khi thấy người Công giáo cũng đọc kinh và cầu nguyện cho người chết của họ. Họ an táng người Công giáo và không Công giáo cùng một khu đất. Khi sống họ chưa là người anh em với nhau về mặt đức tin, nhưng khi chết, họ được nằm cạnh nhau. Đối với người Công giáo, mỗi người đều được Thiên Chúa tạo nên và đáng được hưởng ơn cứu độ. Họ cầu nguyện cho người chưa đón nhận đức tin cũng như người tín hữu trong niềm hy vọng sẽ được Thiên Chúa giải thoát

Gần một tháng cùng nhau tránh lũ, dường như người Mường và người Kinh xích lại gần nhau hơn. Những người không Công giáo có thiện cảm hơn với người Công giáo. Chứng kiến những người Công giáo hy sinh phục vụ, chứng kiến sự tận tụy chăm sóc người khác của các chị, chứng kiến tình thương dành cho người sống cũng như người chết, người thuộc gia đình mình cũng như bất cứ ai, người dân tộc mình cũng như dân tộc bạn của người Công giáo, ba của Như Hải bắt đầu có một cái nhìn khác về người Công giáo. Điều này được Như Hải cho biết, kể từ sau lần chạy lũ, ba đã đối xử nhẹ nhàng hơn với mẹ con. Ba cũng không cấm đoán và nhắc nhở cô không được giao tiếp với các chị. Ba còn chia sẻ với cô là ba thấy tự hào khi con đã cùng các chị để chăm sóc người khác.

-/-/- Đức tin nảy mầm -/-/-

Những cuộc viếng thăm nhiều hơn, ba mẹ Như Hải xem các chị là khách quý. Ông bà cũng để Như Hải ở lại với các chị vài ba ngày nếu cô muốn. Nhờ gặp gỡ với các chị, bà mẹ bây giờ không còn buồn về sự mất mát của người con. Ông bố không quá lo lắng về của hồi môn cho Như Hải. Ông bỏ đi nhiều luật lệ mang tính mê tín dị đoan, không phải vì ông sẽ theo người Công giáo mà bỏ bản làng, nhưng ông nhận thấy nhiều tục lệ không mang lại hạnh phúc cho con người. Dầu có nhiều thiện cảm với người Công giáo, nhưng hai ông bà chỉ đón nhận ánh sáng đức tin vào những ngày cuối đời. Hai ông bà chưa thể vượt qua ngưỡng luật lệ của bản Mường; chưa thể vượt qua được những lời ra tiếng vào, những lời đồn thổi về lời nguyền.

Khó khăn càng chồng chất khó khăn, vất vả lại thêm cơ cực khi Như Hải tiếp tục đi học. Mỗi ngày, Như Hải vừa giúp ba mẹ công việc nhà, công việc nương rẫy lại cố gắng theo đuổi sự nghiệp học hành. Cô muốn học ngành y để có cơ hội phục vụ người khác. Với sự hướng dẫn của các chị, Như Hải học chương trình giáo dục thường xuyên, rồi đăng ký học cao đẳng y.

Sau một năm trải nghiệm ở vùng núi, Hà đã làm hồ sơ để tiếp tục tìm hiểu hội dòng Tiểu Muội Chúa Giêsu. Những ngày tháng Như Hải đi học, cô có liên lạc với Hà bằng những bức thư tay. Cô chia sẻ về cuộc sống của sinh viên, về những trải nghiệm thiêng liêng mà cô tham gia cùng với nhóm sinh viên công giáo trong các lần đi tình nguyện. Suốt thời gian học và tham gia sinh hoạt, một ý nghĩ táo bạo xuất hiện trong cô. Một lý tưởng mà có thể cô không bao giờ nghĩ tới nếu không gặp Hà vào đêm Giáng Sinh xưa, nếu không được Hà chia sẻ, nếu không chứng kiến những công việc các chị làm cho quê hương cô. Ý nghĩ đi tu. Lúc này, cô vẫn chưa phải là một người Công giáo chính thức, nghĩa là chưa lãnh nhận bí tích rửa tội, nhưng trước mặt Chúa, có lẽ cô đã là một Kitô hữu.

Sau những năm tháng miệt mài với sách vở theo đuổi ngành y, cô đã có mảnh bằng tốt nghiệp trong tay. Với những chia sẻ tận tình của Hà, cô trở về quê hương và xin được phục vụ với các chị tại giáo xứ. Những ngày tháng êm đềm hạnh phúc không được bao lâu, tiếng gọi trong lòng càng mãnh liệt hơn. Nhờ sự hướng dẫn của các chị, cô dành thời gian thinh lặng và cầu nguyện để nhận ra ý Chúa. Cô nhận ra mình được mời gọi trở thành một Kitô hữu chính thức. Khi trình bày với ba mẹ về ý tưởng đó, lúc đầu ba cô cũng ngần ngại. Không phải ba sợ mất con, nhưng ông sợ luật lệ của bản làng. Bởi khi trong bản làng có xảy ra những chuyện lạ một cách trùng hợp, già làng thường đổ lỗi cho con gái ông. Sau một thời gian được các chị chia sẻ cũng như Như Hải thúc dục, hai ông bà đã không còn ngăn cản Như Hải lãnh nhận bí tích Rửa tội của người Công giáo.

Mùa Phục Sinh năm ấy, một năm sau khi Như Hải tốt nghiệp cao đẳng y, cô đã được hồng phúc lãnh nhận ấn tín không bao giờ phai của Chúa Kitô Phục Sinh. Ánh sáng Đức Kitô Phục Sinh đã từng âm thầm chiếu vào tâm hồn cô, khi cô đang là một thiếu nữ suy nghĩ chưa chín chắn. Bây giờ, ánh sáng ấy bừng lên là ngọn Vầng Hồng chiếu dõi từng bước đi của cuộc đời cô. Cô lãnh nhận phép rửa tội trước sự chứng kiến đầy cảm xúc và vui mừng hân hoan của toàn thể giáo xứ Lán Tranh, trước sự chứng kiến của ba mẹ cô, và nhất là sự vui mừng của các chị. Cô đã chia sẻ ngày hồng ân đầy cảm xúc ấy với Hà qua bức thư tay, vì thời gian này Hà cũng bắt đầu giai đoạn học tập để lãnh nhận hồng ân tiên khấn. Trong niềm vui, hai người chỉ biết chia sẻ với nhau bằng những dòng chữ đượm tình chị em, chia sẻ với nhau trong tình liên đới bằng lời cầu nguyện.

Sau một thời gian sống chung và sinh hoạt với các chị tại quê hương, Như Hải có ý định muốn tìm hiểu dòng tu. Ban đầu, các chị gợi ý cho vào dòng Tuổi Muội Chúa Giêsu, nhưng cô nhận thấy có điều gì đó thôi thúc cô đi xa hơn nữa. Cô tiếp tục cầu nguyện và nhờ cha xứ hướng dẫn. Cô đã nộp hồ sơ vào một nhà dòng ở miền nam. Những ngày tháng trong dòng chưa được êm xuôi thì lại gặp phải trắc trở. Khi còn chân ướt chân ráo, khi còn chưa quen với khí hậu, môi trường, khi chưa nhớ hết mặt gọi hết tên các chị em trong nhà dòng, cô lại gặp những khó khăn ngay trong chính đời sống cũng như chính từ chị em trong cộng đoàn.

Thời gian đầu, nhà dòng yêu cầu cô hoàn thiện hồ sơ, khốn nổi giấy chứng minh và giấy khai sinh của cô không trùng khớp với nhau. Ngày trước ba mẹ cô không để ý nên ra phường làm giấy tờ cho có, chứ đâu cần chính xác. Sau nhiều lần liên lạc với gia đình để làm lại giấy tờ, gia đình cũng gặp không ít khó khăn. Thời gian chờ đợi khá lâu, khi giấy tờ đã đầy đủ, chị em lại nghi ngờ cô làm giả, hay có chuyện gì đó gia đình mới không xin được giấy tờ. Không ai trong nhà dòng hiểu cho hoàn cảnh chính quyền nơi quê hương cô. Họ nói, đời sống của một nữ tu không thể bắt đầu từ những điều giả dối, dù là điều nhỏ nhất. Dù cô có chân thành giải thích thế nào thì vẫn bị nghi ngờ, do đó, cô không thể tiếp tục sống trong sự nghi ngờ như vậy. Thời gian cô chờ đợi giấy tờ, trong cộng đoàn xảy ra một vài chuyện lộn xộn, các chị em bắt đầu đổ lỗi do cô tạo ra. Cô không thể giải thích gì về sự trùng hợp này, có minh giải cho bản thân thì cũng không ai làm chứng. Cô thấy tâm hồn không được bình an. Cô chia sẻ với các chị tâm tư từ chính đáy lòng. Sau nhiều ngày đêm chịu đựng, cầu nguyện với Chúa và cô đã quyết định xin ra khỏi dòng. Thật nhanh chóng, các chị bề trên cũng chấp nhận quyết định của cô mà không phải họp hành gì nhiều. Cô cũng không hiểu Chúa đang muốn điều gì nơi cô.

Khi cô đang sống thật lòng thì người khác không đón nhận, khi cô đang muốn dấn thân trong đời thánh hiến thì lại gặp trở ngăn. Nhưng chương trình Chúa dành cho cô, cô chưa thể nhận ra thánh ý của Ngài. Cô không ngừng tìm kiếm ý Chúa qua những chỉ dẫn mà cô từng học được nơi các chị tại quê hương. Từ việc thinh lặng lâu giờ trước thánh thể, tham khảo ý kiến của một vài đấng bậc khôn ngoan như cha giải tội, và ngay cả việc đọc Tin Mừng suy niệm Lời Chúa. Chúa còn muốn cô làm điều gì khác hơn là sống trong cộng đoàn hiện tại. Có thể, Chúa dùng chính chị em để thử lòng kiên nhẫn của cô, thử thách tính khiêm nhường, nhào nặn lòng yêu mến. Lòng tin của cô cần được ngọn lửa thánh linh nung nấu, thanh lọc để có một đức tin tinh tuyền.

Rời khỏi nhà dòng, cô tiếp tục trở về quê hương và xin phục vụ tại nhà các chị. Phục vụ nơi quê hương, cô lấy lại được niềm vui. Niềm vui tỏa lan khi cô dùng chính kiến thức y học của mình mà giúp đỡ người khác, chứ không chữa bệnh theo những thầy lang mê tín. Niềm vui ấy còn được nhân lên khi cô dùng tri thức của mình mà dạy cho các em nhỏ biết đọc, biết viết, biết làm toán, làm văn. Tâm hồn của cô lấy lại được bình an khi cô dạy những lời kinh, những bài hát thánh ca cho bọn trẻ mà không phân biệt người Kinh hay Mường. Dường như ý Chúa muốn cô trở thành một người loan báo Tin Mừng của Ngài ngay chính quê hương, loan báo niềm vui cô lãnh nhận cho chính dân tộc mình. Khi bình tâm trở lại, cô nghe theo lời chị em và nộp hồ sơ vào cộng đoàn Tuổi Muội Chúa Giêsu.

Thời gian trước khi cô vào dòng, cũng là thời gian Hà lãnh nhận hồng ân tiên khấn. Trong ngày lễ khấn của Hà, hai chị em được gặp nhau vui mừng khôn xiết sau bao ngày tháng xa cách, không thể diễn tả bằng lời. Không chỉ mình cô, mà còn có ba mẹ và hai em cũng được mời đến tham dự thánh lễ. Họ xuất hiện trong bộ trang phục của người dân tộc Mường. Trang phục của họ là niềm vinh dự, sự hãnh diện của chính dân tộc mình. Dầu xuất hiện giữa ngàn người Công giáo, nhưng ba mẹ đã không ngần ngại như xưa, vì con gái của mình cũng là người Công giáo. Chính sự xuất hiện trong bộ trang phục dân tộc mà gia đình cô trở thành điểm nhấn trong các vị khách có mặt ngày hôm ấy.

-/-/-Trở về thực tại-/-/-

Không khí ngày lễ long trọng lúc này tái diễn không khí lần đầu cô tham dự thánh lễ khấn dòng, nhưng nhân vật chính không phải là Hà. Nhân vật đó không ai khác ngoài cô gái duy nhất ngày trước mang váy cẩm của người dân tộc Mường. Hôm nay không chỉ có ba mẹ và các em của cô mà có đông đảo hơn những người Mường tham dự. Họ đến trong trang phục truyền thống của dân tộc Mường. Họ đến để cùng cô thưa lên tiếng xin vâng. Cô đã trút bỏ chiếc váy cẩm, niềm tự hào của người con gái bản thượng, thay vào đó, cô mang lấy chiếc áo dòng màu đen, màu của sự khiêm nhường từ bỏ tất cả để theo bước chân thầy Giêsu.

Tiếng gọi từ trời cao, cô đã nhận ra và đáp lại một cách tự do. Để có thể thưa lên tiếng xin vâng như vậy, cô đã trải qua không ít thử thách, có những lúc dường như muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn có đường lối riêng của Ngài, điều căn bản là cô kiên trì lắng nghe và kiên nhẫn đáp lại. Thiên Chúa đã dùng những tiếng hát, những lời kinh, những con người để gieo trong lòng cô một mầm đức tin. Trải qua bao nhiêu gian khó, đức tin nay đã nảy mầm và sẽ còn vươn mạnh, trưởng thành trong khu vườn của Chúa.

Lời bài hát “con là một loài hoa” đã khai mở tâm hồn cô đón nhận tia sáng Chân Lý Cứu Độ. Những gì cô nghe, cô đã thuộc lòng và suy niệm từ trong tâm trí. Những gì cô đã nội tâm hóa, cô diễn tả bằng chính cuộc sống. Trước hồng ân cao cả khi đón nhận đức tin, khi được đón nhận vào trong đời sống dâng hiến bản thân mình cho Chúa, để chỉ thuộc về Chúa, cô chỉ còn có thể khiêm nhường mà hát lên như thánh Têrêsa xưa: “Con chỉ là trẻ thơ với con đường thơ ấu mộng mơ. Đường dẫn lên quê trời hồn con bao thao thức Người ơi. Một niềm tin vô biên một niềm tin phó thác triền miên. Ai mong muốn lên Nước Trời phải trở nên thơ bé mà thôi”.

Thánh lễ khấn kết thúc trong niềm xúc động của ba mẹ, của cộng đoàn. Có lẽ người vui mừng và hạnh phúc không chỉ Như Hải, mà còn có người đã đồng hành với cô ngay từ đêm Giáng Sinh, đó chính là Hà. Như Hải đã cố tìm kiếm xem Hà đứng góc nào để chia sẻ niềm vui và hạnh phúc với cô. Cũng như đêm xưa, Hà vẫn âm thầm lặng lẽ nhìn Như Hải với nụ cười trên môi, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Như Hải vui một thì chắc Hà phải vui gấp mười. Gương mặt của Như Hải lúc này không trầm ngâm và chất chứa tâm tư như đêm xưa giữa trời đông giá lạnh. Thay vào đó là nụ cười của niềm hạnh phúc, của một tâm hồn thanh thoát, bình an khi cô đã tìm được lý tưởng của mình. Một người đang đứng âm thầm lặng nhìn cô, nhưng đó là người đã cùng với cô vượt qua bao gian nan, để đức tin được nảy mầm như ngày hôm nay.  

Có lẽ khi đọc đến đây, bạn đọc không khỏi thắc mắc trong bức thư năm xưa Như Hải đã viết những gì? Nội dung bức thư sẽ mãi là bí mật của hai người. Hà đã hứa với cô sẽ không tiết lộ cho một ai khác biết. Cô sẽ giữ mãi bức thư ấy như là bằng chứng. Bằng chứng không phải vì cô bắt gặp một người ngoại viết thư cho người Công giáo, nhưng là bằng chứng về tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa dành cho con người, và nhất là cho người con gái bản thượng, Như Hải.

Tình Yêu luôn luôn đẹp, nếu đó là một tình yêu biết cho đi. Tình yêu đẹp nhất và cao cả nhất chính là tình yêu hy sinh mạng sống cho bạn hữu. Từ nguồn Tình Yêu ấy, con người khởi đi xây dựng các tình yêu tương quan, tương quan với Đấng Tạo Hóa, tương quan với những người chung quanh, tương quan với vũ trụ, và đặc biệt là tương quan trong chính mình. Nếu dòng sông xanh đã cung cấp nước cho cây cối phát triển xanh tươi, cho muôn loài tràn ngập sức sống, thì Tình Yêu Thập Giá Đức Kitô cũng là dòng sông cấp nước, không chỉ là nước bình thường mà là dòng nước “trường sinh” để cho con người được sống. Tình Yêu ấy đã “chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển”, người con gái nơi bản thượng ấy đã đón nhận và cụ thể hóa bằng chính tình yêu của mình.

Vui Tiến

Trích trong tập san Đức Tin và Văn Hóa số 18

 



[1] Xem bài “Tràng Chuỗi Cuộc Đời” (số 17). Xem thêm các bài viết cùng tác giả: “Anh Yêu Mình Đi Tu Nhé” (số 14); “Góc Khuất Trong Tâm Hồn” (số 15).

Nguồn tin:
Tags :