Khó Khăn Của Việc Hội Nhập Văn Hoá Và Đối Thoại Liên Tôn Trong Bối Cảnh Việt Nam

Tue,27/11/2018
Lượt xem: 4992

Việt Nam nằm ở vị trí địa lý thuận lợi với ba mặt giáp biển và đại dương; nơi đây là cửa ngõ của vùng Đông Nam Á và là điểm giao thương quốc tế. Với vị thế đắc địa như trên, mảnh đất này sớm là điểm đến của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Ngay từ năm 1533, các nhà truyền giáo đã đặt chân lên mảnh đất hình chữ S này, và đến năm 1615, nơi đây chính thức được truyền giáo. Tuy nhiên, trải qua gần 400 năm hạt giống Tin mừng được gieo vãi và đơm bông kết trái, đến nay, số người Công giáo nơi đây vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm gần 7% trong tổng số hơn 91 triệu dân.

Một trong những nguyên nhân làm cho hạt giống Tin mừng chưa đến được với mọi người dân Việt là những khó khăn trong vấn đề hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn. Những khó khăn này luôn xuất hiện trong tiến trình rao giảng Tin mừng ở bất kỳ nơi đâu và thời điểm nào. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những trở ngại ấy vẫn còn khá phức tạp, chưa mấy ai chỉ mặt đặt tên và đến nay vẫn chưa có được những giải pháp thỏa đáng.

Những quảng diễn sau đây sẽ giúp ta nhìn thẳng vào những khó khăn của tiến trình hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn trong bối cảnh hiện nay, từ đó có thể rút ra những bài học giúp cho việc loan báo Tin Mừng càng ngày càng được thuận lợi và mang lại nhiều kết quả. Bài viết sẽ được triển khai theo hai phần: (1) Những khó khăn trong hội nhập văn hóa, (2) Những khó khăn trong đối thoại liên tôn.

1. Những khó khăn trong hội nhập văn hóa
Hội nhập văn hóa là một khái niệm phát xuất từ Kitô giáo nhằm diễn tả sự nhập thể của niềm tin và đời sống Kitô giáo vào trong sự đa dạng của kinh nghiệm con người, được hệ thống hóa trong ngôn ngữ, ý tưởng, giá trị và khuôn mẫu hành vi của một nền văn hóa hay văn hóa nhóm.[1] Nói cách khác, hội nhập văn hóa là diễn đạt niềm tin Kitô giáo trong bối cảnh văn hóa và khuyến khích con người từ nền văn hóa này đón nhận, thực hành niềm tin theo nền văn hóa của mình.[2] Tuy nhiên, tiến trình này đang gặp phải những khó khăn trong bối cảnh văn hóa Việt Nam.

2. Khó khăn từ sự cảm thụ văn hóa
Trong vấn đề hội nhập văn hóa, chúng ta thấy có 3 lớp văn hóa có liên quan: lớp văn hóa nơi niềm tin Kitô giáo được hình thành và minh định, lớp văn hóa của người loan báo niềm tin Kitô giáo và lớp văn hóa của người đón nhận niềm tin.[3] Mỗi lớp văn hóa có bản sắc và đặc điểm riêng, muốn hội nhập với nhau cần phải có những thích nghi điều chỉnh nhất định. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc hội nhập văn hóa đến từ sự cảm thụ văn hóa của người loan báo và người đón nhận niềm tin. Một mặt, người loan báo niềm tin Kitô giáo không quen với văn hóa nơi niềm tin được hình thành cũng như nơi mình loan báo niềm tin; mặt khác, người đón nhận niềm tin cũng không quen với văn hóa nơi hình thành niềm tin và văn hóa của người loan báo. Từ đó, sự xung đột văn hóa sẽ nảy sinh. Người loan báo khó có thể diễn tả sứ điệp niềm tin Kitô giáo như nó là, đồng thời, không có cách phù hợp nhất để hòa hợp nó trong nền văn hóa mới, giúp người ta có thể hấp thụ niềm tin như được hiểu trong nền văn hóa nó hình thành. Hơn nữa, từ việc thiếu hiểu biết thấu đáo và uyên bác về nền văn hóa nơi niềm tin được hình thành, sứ điệp niềm tin có thể bị ‘can thiệp’ và làm cho nó trở nên phức tạp, đến nỗi, người hấp thụ không thể chấp nhận. Bên cạnh đó, khi niềm tin được diễn đạt qua một môi trường văn hóa trung gian thì dễ dẫn đến hiện tượng ‘tam sao thất bản’, vì thế người lĩnh hội sẽ không đón nhận được như nội dung niềm tin muốn diễn tả trong bối cảnh văn hóa gốc của nó.[4]

Trong bối cảnh văn hóa Việt Nam hiện nay, việc truyền bá niềm tin hầu hết do người bản xứ đảm nhận. Tuy nhiên, khó khăn này cũng chưa thể giải quyết được hết, vì sự hiểu biết và khả năng chú giải sứ điệp niềm tin như trong văn hóa gốc, nơi niềm tin được hình thành còn hạn chế. Hơn nữa, Việt Nam là một đất nước đa sắc tộc, với hơn 54 dân tộc anh em, việc kém hiểu biết văn hóa các dân tộc thiểu số là rào cản lớn cho việc hội nhập văn hóa. Thêm vào đó là sự cản trở của nhà cầm quyền, khiến cho khả năng tiếp cận càng khó khăn hơn.

Thứ đến, niềm tin Kitô giáo là một thực tại vừa tĩnh vừa động, là điều ‘đã’ và ‘chưa’. Những gì thuộc thực tại tĩnh đã trở thành quy chuẩn thì việc hội nhập văn hóa và chuyển giao cho nền văn hóa mới dường như không có ảnh hưởng gì lớn, nhưng những gì thuộc thực tại động, tức được diễn tả, thích nghi theo từng nền văn hóa thì còn gặp nhiều khó khăn, bởi nó được diễn tả theo những đặc trưng của nền văn hóa mới. Nếu quá nhấn mạnh trạng thái động thì dễ dẫn đến việc bóp méo sứ điệp niềm tin Kitô giáo.

Ở Việt Nam, việc hội nhập trạng thái động còn gặp khá nhiều khó khăn. Hội đồng Giám mục cho rằng, những nghi lễ, những hình thức phụng vụ còn mang những đặc tính của Tây Phương và quá xa lạ với văn hóa Việt vốn mang âm hưởng của văn hóa dân gian và ảnh hưởng của Phật, Lão, Khổng. Cho đến nay, vết thương của việc hội nhập truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên vẫn còn đó. Người lương dân vẫn còn cho rằng theo đạo là bỏ ông bà tổ tiên, mặc dù cách thức hội nhập đã được Giáo hội Việt Nam thực hiện từ nhiều thập kỷ trước.[5]

3. Khó khăn đến từ bối cảnh đất nước
Niềm tin Kitô giáo đến với người Việt và được đón nhận cách hồ hởi, bởi nội dung đức tin có nhiều điểm tương đồng với tín ngưỡng dân gian Việt, đồng thời làm sáng rõ và làm nổi bật các yếu tố tiềm ẩn trong văn hóa dân gian cũng như các tôn giáo đang tồn tại nơi đây như Phật, Lão, Khổng vốn là chất liệu đời sống tâm linh trong tâm hồn người Việt. Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, Kitô giáo bị coi là tả đạo bởi người ta không thể hiểu được một tôn giáo được coi là Đạo Yêu Thương mà không thắp nén nhang nơi bàn thờ tổ tiên, trong khi đó, các tôn giáo đã tồn tại nơi đây lại rất chú trọng vấn đề này. Thêm vào đó, đạo yêu thương lại bị hiểu nhầm là mở đường cho thực dân xâm lược. Từ đó, những ấn tượng ban đầu có được đều tan tành theo mây khói, đạo bị coi là ngoại lai, người theo đạo bị coi là phản loạn. Hậu quả là những cuộc bách hại tàn bạo khiến hàng trăm ngàn người phải chết hoặc bỏ đạo, rời xa quê hương. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là sự đối kháng về văn hóa và chính trị, chứ không phải đối kháng về niềm tin. Sự đối kháng ấy dường như vẫn tồn tại cho đến ngày nay, và đó là rào cản lớn cho tiến trình hội nhập văn hóa.[6]

Bên cạnh đó, những hoàn cảnh xã hội chính trị không cho phép Giáo hội Việt Nam thực hiện được cuộc hội nhập như những Giáo hội khác. Trước giai đoạn mở cửa, có thể nói Giáo hội đã có sự hòa hợp đáng kể với truyền thống Tam Cương, Ngũ Thường vốn có nơi văn hóa Việt, để cùng góp phần tạo nên tính ổn định nơi văn hóa làng xã. Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập quốc tế này, văn hóa làng xã dường như vỡ tung, Giáo hội chưa thể bắt kịp, hoặc chưa đóng góp được gì để đồng hành cùng dân tộc. Điều này phát xuất từ nhiều nguyên nhân. Một mặt, do Giáo hội chưa có được những đường hướng đột phá, chưa có những chuyên viên nghiên cứu lĩnh vực này và chưa có được đội ngũ tri thức cần thiết để dấn thân vào lĩnh vực hội nhập; mặt khác, bởi nền văn hóa Việt bị chính trị hóa, tôn giáo nói chung bị cấm cửa các lĩnh vực xã hội như giáo dục, văn hóa, hoạt động du lịch… thì làm sao có thể đồng hành cùng dân tộc để xây dựng những tiêu chuẩn, giá trị nhân bản và những mô hình tương lai. Những gì Giáo hội đóng góp hầu như chỉ mang tính nhỏ lẻ, thời vụ chứ không phải là giải pháp lâu dài.[7]

4. Đối thoại liên tôn
Trong một thế giới đại đồng, đối thoại liên tôn là điều cần thiết cho mọi tôn giáo, để cùng nhau tìm được tiếng nói chung trong việc phục vụ xã hội trần thế, xây dựng bầu khí hòa hợp giữa các tôn giáo và thực hiện mục đích tối hậu mà tôn giáo nhắm tới. Thượng Hội đồng Giám mục Á châu nêu lên những khó khăn và chướng ngại chung của việc đối thoại liên tôn tại Á châu như: chủ nghĩa bất khả tri, chủ nghĩa thế tục, chủ nghỉa duy vật hay sự bất khoan dung tôn giáo.[8] Tuy nhiên, trong hoàn cảnh cụ thể Việt Nam, tồn tại những khó khăn sau:

Những thập niên vừa qua, trên thế giới, sự trỗi dậy của các tôn giáo quá khích đã làm xấu đi hình ảnh thánh thiêng của tôn giáo vốn là đường giải thoát, đem đến sự bình an và hạnh phúc cho nhân loại.[9] Tại Việt Nam, nhiều cá nhân và tổ chức Giáo hội đã đứng lên bênh vực cho công lý và hòa bình, nhân quyền, tự do tôn giáo… lại bị quy chụp cho là tôn giáo quá khích. Là nạn nhân của những tuyên truyền, nói xấu, Giáo hội bị nghi ngờ trên cả phương diện cá nhân lẫn tập thể. Vì thế, Giáo hội phần nào mất đi thiện cảm cần thiết để đối thoại với các tôn giáo khác vốn rất rụt rè, dễ bảo dưới sự điều khiển của chính quyền dân sự. Hơn nữa, tôn giáo lớn nhất tại Việt Nam là Phật giáo lại bị chia thành hai Giáo hội, trong đó, Giáo hội chiếm đa số lại nằm dưới sự bảo hộ và điều khiển của nhà nước. Thời Việt Nam Cộng Hòa, sự đối xử bất công của chính phủ đã gây những hiềm khích và hiểu nhầm giữa Công giáo và Phật giáo. Đến nay, dù Giáo hội Công giáo đã cố gắng xóa tan những nghi kỵ, hiểu lầm, nhưng vết thương đã lành vẫn còn để lại vết sẹo.[10] Những yếu tố trên đã tạo nên rào cản lớn trong đối thoại liên tôn giữa các tôn giáo tại Việt Nam, đặc biệt là Công giáo và Phật giáo.

Cũng vì những chính sách tôn giáo ‘lạ lẫm’ của chính quyền, các tôn giáo tại Việt Nam dường như bị nhà cầm quyền chèn ép và hạn chế quyền tự do tôn giáo, tự do hội họp. Khó có những cuộc hội ngộ tôn giáo mà không bị sự nhòm ngó, sách nhiễu của nhà nước; vì thế, các tôn giáo không có được sự thân thiện để tiến tới hiểu biết lẫn nhau và đi đến hợp tác cùng thăng tiến xã hội và phục vụ con người. Hơn nữa, trong đối thoại liên tôn, điều cần thiết phải hiểu tôn giáo của mình cũng như tôn giáo mình đối thoại. Thế nhưng, các tôn giáo ở Việt Nam còn mang tính thủ thế hơn là cởi mở, dè dặt co cụm hơn là đi ra và hợp tác. Gần đây có những cuộc gặp gỡ các tôn giáo, nhưng chỉ mang tính trao đổi thông tin hơn là đối thoại. Tuy nhiên, đó có thể là bước khởi đầu để đi đến hiểu biết lẫn nhau và tiến tới đối thoại.[11]

Thượng Hội đồng Giám mục Á châu cho rằng, khó khăn lớn nhất của đối thoại liên tôn tại lục địa này là việc trình bày Đức Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất và làm sao giữ được căn tính của mình mà vẫn có thể tìm được những điểm chung trong các tôn giáo, đặc biệt là cách nhìn sự việc và phương thức hành động.[12] Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam, tiến trình đối thoại chưa đi đến tầm mức đối thoại thần học. Thực ra, các tôn giáo luôn có tư tưởng muốn lôi kéo tín đồ của các tôn giáo khác về với mình hơn là tìm sự hòa hợp trong tư tưởng và mục đích, đi đến sự hòa hợp tôn giáo. Khi đó, có thể cùng nhau phục vụ nhân loại và thăng tiến xã hội.

Kết luận

Hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn luôn gắn liền với sứ vụ loan báo Tin mừng của Giáo hội. Đây là việc làm cần thiết và có tính thường xuyên liên tục, bởi niềm tin Kitô giáo luôn có tính ổn định, nhưng để xâm nhập và ăn sâu vào người tin trong một nền văn hóa mới thì đòi hỏi phải có những hội nhập thích nghi. Bên cạnh đó, chúng ta đang sống trong một thế giới đại đồng, việc đa nguyên tôn giáo là điều khó có thể tránh khỏi. Vì thế, Giáo hội cũng đang từng bước tiến hành đối thoại với các tôn giáo khác, để cùng nhau nhìn nhận những giá trị tâm linh và đi đến sự hòa hợp với nhau trong mức độ có thể, đồng thời cùng nhau xây dựng xã hội trần thế ngày càng nhân bản và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, hai tiến trình trên luôn gặp những trở ngại cả mặt chủ quan lẫn khách quan. Hy vọng rằng, với những nỗ lực không biết mệt mỏi của các nhà lãnh đạo tôn giáo, tiến trình hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn sớm vượt qua những khó khăn và đem lại kết quả tốt đẹp.


 

[1]Xem William A. Haviland, Cultural Anthropology, 100.

[2]ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Viên, Hội Nhập Văn Hóa Và Đối Thoại Liên Tôn, (Đcv Vinh Thanh, 2015), 60.

[3]ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Viên, Hội Nhập Văn Hóa Và Đối Thoại Liên Tôn, 92.

[4]ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Viên, Hội Nhập Văn Hóa Và Đối Thoại Liên Tôn, 92-94.

[5]Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Hội Nhập Văn Hóa Trong Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, Hội Nghị Nha Trang,http://tonggiaophanhanoi.org , Truy cập ngày 15/12/2015.

[6] Thái Sơn, Ngẫm Nghĩ Về Cuộc Nhập Thể Văn Hóa Của Giáo Hội Việt Namtrong Thời Sự Thần Học 12/1997.

[7]ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Đường Vào Thần Học Tôn Giáo, (Dấn Thân, Houstan, 2004) 263-266.

[8]Xem FABC, “Asian Colloquium on Ministries in the Church,” no. 9, 68.

[9]Xem FABC, “Asian Colloquium on Ministries in the Church,” no. 12, 69.

[10] Xem thêm Thư Mục Vụ Mùa Chay của HĐGM Việt Nam năm 1964.

[11]Lm Giuse Nguyễn Hữu An, Hội Ngộ Liên Tôn Lần Thứ Năm Tại Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn, http://gpphanthiet.com, Truy cập ngày 15/12/2015.

[12]ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, số 20; ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Viên, Hội Nhập Văn Hóa Và Đối Thoại Liên Tôn, 118-123.

Phêrô Nguyễn Văn Ninh, K. XI

(Trích từ: Tập San “Đức Tin & Văn Hóa”, số 7 – ĐCV Vinh Thanh) 

Nguồn tin:
Tags :