Huynh Đệ Hiệp Nhất - Kho Báu Trong Bình Sành

Mon,24/05/2021
Lượt xem: 1975

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Vinh


Huynh đệ hiệp nhất là một yếu tố cần thiết quyết định sự tồn vong cho mọi định chế xã hội. Tuy có những cách gọi khác nhau, nhưng nó chiếm một tỉ lệ rất cao trong các từ ngữ thường dùng của “nhà đạo”, thậm chí đôi khi trở thành câu nói “cửa miệng” của nhiều tín hữu. Quan trọng là thế, nhưng không phải lúc nào nó cũng được sống và được áp dụng tương ứng với việc thường xuyên mệnh danh. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, tôi xin đề cập tới 4 điểm: Huynh đệ hiệp nhất là điều quý giá; nhưng điều quý giá đó hay bị phá hỏng bằng nhiều cách; đâu là nguồn gốc của sự chia rẽ? Và lấy gì làm phương dược để chữa lành?

1.  Giá trị không thể thay thế của huynh đệ hiệp nhất

Giá trị của huynh đệ hiệp nhất nằm ngay nơi nguồn gốc của nó, bởi Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn gốc của sự hiệp nhất. Thiên Chúa có Ba Ngôi; Ba Ngôi mà chỉ một Thiên Chúa hiệp nhất trong yêu thương.

Cộng đồng Ba Ngôi chẳng những không giữ bản quyền hiệp nhất cho riêng mình mà còn muốn con người hiệp nhất để được hạnh phúc: “Đây Chúa là Thiên Chúa phán: Này Ta sẽ đem con cái Israel ra khỏi các dân tộc mà chúng đang cư ngụ; từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về quê hương. Ta sẽ làm cho chúng trở nên dân tộc duy nhất sống trong đất của chúng, ở trên núi Israel; chỉ có một vua cai trị chúng” (Ed 37, 21tt).

Tác giả Thánh vịnh đã cảm nghiệm được giá trị cao quý của hiệp nhất huynh đệ:

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay

Anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133, 1).

Ngôn sứ Isaia đã mường tượng cảnh đại đồng hết sức tốt đẹp:

“Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày,

rèn giáo mác nên liềm nên hái.

Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau,

và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2, 4).

Không chỉ riêng con người với nhau, việc chung sống hoà thuận còn diễn ra giữa con người với muôn loài thụ tạo và giữa chúng với nhau nữa: “Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô, trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục , và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Ta. Bởi vì thế gian sẽ đầy dẫy sự hiểu biết Chúa như nước tràn đầy đại dương” (Is 11, 6-9).

Vâng, ‘sự hiểu biết Chúa’ tạo nên sự hiệp nhất. Chúa Giêsu Cứu Thế đã thiết lập Dân Giao ước mới hiệp nhất trên nền tảng là các tông đồ của Người: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng với quyền trừ quỷ” (Mc 3, 13).

Bài sai của Chúa Giêsu cũng mang tính tập thể: “Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10, 1). Người cho thấy giá trị bởi những hoa quả tốt lành của sự hiệp nhất: “Ở đâu có hai, ba người họp lại vì danh Ta, thì có Ta ở giữa họ” (x. Mt 18, 19-20). Khát vọng cháy bỏng của Chúa Cứu Thế là: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16).

Sự hiệp nhất quan trọng gắn bó sống chết với con người, đến nỗi: “Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau”. Kể cả vương quốc của ma quỷ cũng không có ngoại lệ (x. Lc 11, 14-22).

Cách riêng trong thừa tác vụ linh mục, sự hiệp nhất mang tính quyết định không thể thay thế. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dạy: “Thừa tác vụ được phong ban, do tự bản chất, chỉ có thể được hoàn thành trong mức độ mà linh mục hiệp nhất với Chúa Kitô… Tự căn rễ, thừa tác vụ được phong ban mang “bản chất cộng đồng” và chỉ có thể được hoàn thành như là “công trình tập thể.[1]

Việc hiệp nhất huynh đệ có tầm quan trọng đặc biệt như thế, nên dường như Chúa Giêsu đã vượt qua nỗi đau khổ lớn lao Người sắp phải chịu mà lo lắng cho các môn đệ, Người “ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng: Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20).

Theo sát bước chân Thầy Chí Thánh, các tín hữu sơ khai đã sống cách tuyệt vời tình hiệp thông huynh đệ này: “Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ… Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi” (Cv 2, 42-47).

Tình yêu thương giữa các Kitô hữu đã khiến dân ngoại phải thốt lên: Xem kìa, họ yêu thương nhau biết chừng nào, họ dám sẵn sàng chết cho nhau! Những Kitô hữu đầu tiên ở Việt Nam cũng đã được gọi là những người theo đạo yêu thương.

Hiệp nhất huynh đệ mang tính quyết định sống còn cho mọi tổ chức, nhất là đối với các môn đệ Chúa Kitô, thế nhưng, đáng tiếc là không phải lúc nào người ta cũng ý thức đủ tầm quan trọng của nó, nên nẩy sinh những chia rẽ đáng tiếc.

2.  Sự hiệp nhất huynh đệ bị thương tổn và xói mòn

Ngay từ khi Nguyên tổ phạm tội, tương quan giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với nhau và giữa con người với vạn vật bị phá vỡ (x. St 3, 9-15). Cũng từ đó, con người cạnh khoé, gằm ghè với nhau, cả trong những việc thánh thiêng nhất. Cain đã giết em vì Chúa nhận lễ tế của cậu ấy mà không đoái hoài lễ tế của anh ta (x. St 4, 1-15). Tình trạng chia rẽ, bè phái diễn ra ngay cả nơi những người lãnh đạo cao cấp của Dân Chúa. Bà Maria và ông Aaron nói xấu ông Môsê, vì vợ ông này là người xứ Êthiôpia, và bị Chúa quở phạt nặng nề (x. Ds 12, 1-13).

Thánh Phaolô đã nhận ra mối nguy hại của sự chia rẽ và cảnh báo: “Thưa anh em, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em, nhưng hãy sống hòa thuận một lòng một ý với nhau… Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô. Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm sẻ bảy rồi ư?” (1 Cr 1, 10-13).

Nhìn vào lịch sử thế giới từ cổ chí kim, với đủ loại chia rẽ, chiến tranh, xung đột vì quyền lợi, vì ý thức hệ; những hành vi bóc lột, khủng bố thời nào cũng có. Hết chiến tranh lạnh lại đến hoà bình nóng, với đủ thứ nguyên nhân kể cả vì lý do sắc tộc lẫn tôn giáo, đã và đang gây hấn không khi nào ngưng nghỉ. Nước Mỹ là nền dân chủ lớn nhất thế giới, luôn được coi là lá cờ đầu của hệ thống dân chủ, nhưng ngày nay người ta đang chứng kiến một sự chia rẽ sâu sắc và xáo trộn trầm trọng. Biển Đông ngày càng nóng lên vì tham vọng bá quyền của Trung Quốc, họ ngang nhiên biến vùng biển này thành ao nhà của họ. Mới đây nhất, Tổ chức Y Tế Thế Giới đã cảnh bảo về tình trạng các nước giàu đầu cơ vắc-xin quá mức khiến cho các nước nghèo bị khan hiếm, điều này được coi là “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin” nhằm đáp ứng mục tiêu chính trị trong ngắn hạn, nhưng khoét sâu thêm sự bất bình đẳng và làm cho đại dịch thêm trầm trọng.

Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp Fratelli Tutti đã nhận định về sự chia rẽ của thế giới ngày nay như sau: “Chiến tranh, những cuộc tấn công khủng bố, sự bách hại tôn giáo và chủng tộc, và nhiều sự sỉ nhục khác đối với phẩm giá con người… Thật buồn để nói rằng những cảnh bạo lực này đã trở thành quá phổ biến đến nỗi thực sự tạo nên một ‘thế chiến thứ ba’ từng phần.[2]

Người bắt mạch nguyên do của chứng bệnh trầm kha này: “Một lần nữa, chúng ta gặp “cơn cám dỗ xây dựng một nền văn hóa của những bức tường, xây tường lên khắp nơi, những bức tường trong trái tim, những bức tường trên mặt đất, để tránh gặp gỡ những nền văn hóa khác, những người khác. Hậu quả là “những người xây tường sẽ rốt cục trở thành nô lệ bên trong chính những bức tường mà họ đã xây lên. Họ trở thành những người không có chân trời, vì họ thiếu giao tiếp với người khác.[3]

Riêng những người môn đệ Chúa Kitô, vì nhiều lý do đã khiến anh em cùng một Cha tách ra thành bốn Giáo Hội lớn. Đã có hàng trăm hệ phái Tin lành khác nhau. Chỉ trong đạo Công giáo thôi, đã có nhiều  những bất đồng, có khi dẫn tới bất hoà ở nhiều điểm khác nhau. Hội đồng Giám mục Đức đang làm cái gọi là “Tiến Trình Công Nghị” mà họ cho là có giá trị pháp lý ràng buộc, đang gây lo ngại về một sự ly khai mới. Nhiều người đánh giá rằng, đây thực chất là một loại Công đồng địa phương được giấu kỹ dưới cái tên khác, và dĩ nhiên không được sự đồng ý của Toà thánh. Thời gian qua, hàng Giám mục cũng như các linh mục tại Mỹ cũng không có được tiếng nói thống nhất về những tuyên bố liên quan đến những chính sách của Chính phủ mới về vấn đề phá thai và hôn nhân đồng tính. Nữ tu Campbell ra sức tuyên truyền cho đường lối phá thai của Biden mà bà cho là đường lối “rất phát triển”. Gần đây nhất, ngày 6 tháng 2 năm 2021, một linh mục đã chứng hôn cho một cặp đồng tính trong một nhà thờ tại Achentina. Các giáo hội địa phương nhiều nơi trên thế giới, kể cả giáo phận chúng ta cũng có những vấn đề tác hại cho sự hiệp nhất. Tình trạng trên bảo dưới không nghe, gà nhà bươi bếp nhà không phải là hiếm. Thánh vịnh gia đã than thở não nề:

“Giả như tên địch thù phỉ báng, thì tôi cũng cam lòng,

hay kẻ ghét ghen lên mày lên mặt, tôi có thể lánh đi.

Nhưng đây lại là bạn, người đồng vai đồng vế,

chỗ thân tình tâm phúc với tôi,

đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi,

trong đền Thiên Chúa, giữa hội vui cùng sánh bước” (Tv 55, 13-15).

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói lên kinh nghiệm cay đắng về những người ‘đâm sau lưng’ bạn, những người ‘khoe răng’ với bạn nhưng liền đó quay lại nói xấu.

Nếu hiệp nhất huynh đệ là linh hồn của mọi sự phát triển ổn định và phồn vinh thì chia rẽ là kẻ thù phá hoại kinh khủng nhất, đến nỗi thánh Phêrô phải la lớn: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ là thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8). Do đâu mà  nên nông nỗi này?

3.  Nguyên nhân chia rẽ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chia rẽ, nhưng tôi xin điểm qua một số nguyên nhân được cho là quan trọng hơn cả.

Trước hết, ma quỷ là kẻ gây ra và cầm đầu mọi tội lỗi và xáo trộn, nó cũng là bậc thầy xúi giục gieo rắc hận thù. Luxiphe, vốn là thần ánh sáng, vì dấy loạn, đã trở thành ác quỷ. Hắn và bè lũ đã bị Tổng lãnh Thiên thần Micael và các thần lành tống cổ ra ngoài. Thất bại trên thiên đàng, ma quỷ hoành hành dưới thế, “nó đi gây chiến với những người còn lại thuộc dòng dõi của bà, ấy là những người vâng giữ các điều răn của Chúa” (x. Kh, 11).

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong bài giảng cho Hiến binh Vatican, ngày 28 tháng 9 năm 2013 đã nhận định: “Có một cám dỗ mà quỷ rất thích: cám dỗ chống sự hiệp nhất... Và quỷ cố gắng tạo chiến tranh nội bộ, một loại chiến tranh thế gian và thiêng liêng, đúng không? Một chiến tranh không dùng vũ khí như chúng ta biết, nhưng dùng miệng lưỡi.

Trên bình diện chính trị xã hội, nguyên nhân chủ yếu của sự chia rẽ là xung đột quyền lợi. Trong thế giới đề cao vật chất và hưởng thụ, sự xung đột vì quyền lợi lại càng gia tăng gấp bội. Sự xung đột mang bộ mặt tranh giành ảnh hưởng, tranh giành thuộc địa, tranh giành thị trường, tranh giành khí đốt, tranh giành nguồn nước v.v… Tuy nhiên, sự xung đột quyền lợi không chỉ là chuyện của chính trị, xã hội mà nó còn xen vào chuyện của đức tin, chuyện thiêng thánh. Tông đồ Gioan đã khai mào cho chuyện này: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và chúng con đã ngăn cấm y” (Mc 1,38). Cứ nhìn sự cạnh khoé giữa xứ này với xứ nọ, Dòng này với Dòng kia, Hội đoàn ‘mình’ với Hội đoàn ‘họ’ theo kiểu “con gà hơn nhau tiếng gáy” là đủ thấy. Thậm chí trong nội bộ những cộng đoàn nhỏ cũng không thoát khỏi cám dỗ chia bè kéo mảng.

Do ảnh hường của Chủ nghĩa tương đối, người ta khó lòng chấp nhận một chuẩn mực luân lý khách quan. Chân lý lệ thuộc vào nhận thức của từng người và rốt cuộc là những giáo huấn chính thức của Hội thánh cũng chỉ có giá trị tương đối. Luật phổ quát cũng bị cắt nghĩa theo tầm hiểu biết và quan niệm cá nhân. Điều này dẫn đến nhiều cãi cọ về những điểm giáo lý và kỷ luật của Hội thánh mà không có hồi kết thúc. Tân Tổng thống Hoa Kỳ, ông Biden và bà Chủ tịch Hạ viện, Pelosi, luôn miệng công bố mình là người Công giáo, sống theo các giới răn của Chúa, nhưng họ lại chủ trương đi ngược với giáo huấn truyền thống của Hội thánh về vấn đề phá thai và đồng tính, trong lúc đó, họ vẫn tuyên bố là mình làm đúng và chịu trách nhiệm trước mặt Chúa về hành vi của mình. Họ lôi kéo được một nhóm các nhà thần học đỡ đầu.

Chủ nghĩa cá nhân với tham vọng mở rộng tự do mỗi người cách vô hạn, sự thể hiện bản thân cách tuyệt đối, dẫn đến thái độ độc quyền về chân lý, cuối cùng thì quyền lợi của tôi mới đáng kể, quan niệm của tôi mới đúng, làm như tôi mới thành sự. Cùng với cách hành xử duy ý chí, họ coi lựa chọn của mình là tối thượng. Ngoài họ ra, thành phần còn lại của thế giới đều sai lạc và đáng lên án, họ sẵn sàng tấn công cách vô cớ những người khác quan điểm của mình. Kể cả Chúa cũng bị lôi kéo về phía họ! Hậu quả là: “Những cái tôi được thổi phồng có thể làm tổn thương cả quốc gia” (ĐHY Charles Bo, Myanmar).

Thế giới kỹ thuật số đem lại vô số lợi nhuận nhưng cũng phá hoại sự hiệp nhất cách khôn lường: “Về phần mình, những cuộc vận động trực tuyến đầy rẫy hận thù và huỷ diệt.[4] Tác hại của loại truyền thông quá trớn này vô cùng tồi tệ: “Ngay cả những cá nhân duy trì sự cô lập tiện nghi của chủ nghĩa thực dụng, thì họ vẫn có thể chọn cách cấu kết cuồng nhiệt nhằm kích động lòng hận thù cực độ, hành vi lăng mạ, lạm dụng, phỉ báng và các kiểu bạo hành ngôn từ đến mức huỷ hoại thanh danh người khác… xé nát chúng ta ra từng trăm mảnh. Tính công kích xã hội đã tìm được chỗ đứng vô song phát triển qua các phương tiện vi tính và thiết bị di động.[5]

Sự huỷ hoại phi nhân này không chỉ là chuyện ngoài đời, thật đáng lo sợ vì nó phá hoại khủng khiếp trong đạo nữa: “Chúng ta phải nhìn nhận rằng các hình thức cuồng tín mang tính huỷ hoại đôi khi tìm thấy trong các tín nhân, kể cả Kitô hữu; có lẽ họ cũng “bị cuốn vào những mạng lưới bạo hành ngôn ngữ qua internet và các diễn đàn khác của truyền thông kỹ thuật số. Ngay cả trên kênh truyền thông Công giáo, họ cũng vượt rào giới hạn, hành vi phỉ báng và vu khống lại trở nên bình thường như chợ phiên; mặt khác, tất cả tiêu chuẩn đạo đức và tôn trọng thanh danh người khác cũng bị bỏ qua.[6]

4.  Động lực chữa lành 

Những kẻ phá hoại sự hiệp nhất dường như đang ngày càng thắng thế và sự tác oai tác quái ngày càng khốn nạn hơn bởi chúng được các phương tiện kỹ thuật hiện đại hà hơi tiếp sức và kích động. Chuyện này thật ra mỗi thời một khác, và không  buông tha bất kỳ thời đại nào, thánh vịnh gia đã từng than thở:

“Kìa quân gian ác đã giương nỏ lắp tên,

núp trong bóng tối nhằm bắn người ngay thẳng.

Khi nền móng cương thường đổ nát

người công chính còn làm được chuyện gì?” (Tv 11, 2.3).

Vậy phải chăng căn bệnh này là vô phương cứu chữa? Phải chăng thiên hạ chỉ còn biết khoanh tay ngồi nhìn tình trạng chia rẽ ngày một thêm trầm trọng? Điều không thể đối với con người thì không phải là không thể đối với Thiên Chúa. Hiệp nhất huynh đệ là công trình của Thiên Chúa, phản ảnh khuôn mẫu Ba Ngôi Thiên Chúa. Mà sự gì bởi Thiên Chúa thì không thể hư đi.

Xét trên bình diện rộng lớn toàn cầu, sự hiệp nhất có được động lực ở nơi Thánh giá Chúa Kitô như lời thánh Phaolô viết cho tín hữu Êphêxô: “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần. Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét… Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2, 13-17).

Đối với các Kitô hữu, phép Rửa tội liên kết mọi người nên một trong Chúa Kitô: “Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Đấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người” (Ep 4, 1-6).

Cao trọng hơn cả, Thánh Thể là nguồn mạch sự hiệp nhất: “Chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa, chẳng phải là thông hiệp với Máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra, chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Bởi vì chỉ có một bánh, mà tất cả chúng ta đều thông phần vào một bánh đó, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ làm thành một thân xác” (1Cr 10, 16-17).

Mọi thành phần trong Hội Thánh hoạt động thật đa diện, nhưng chỉ có một đầu mối duy nhất: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12, 4-7).

Mọi thành phần trong Hội thánh được ví như những chi thể trong cùng một thân xác, không thể loại trừ nhau, nhưng cần đến nhau, bổ túc cho nhau và hiệp nhất với nhau: “Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy” (1Cr 12, 12).

Qua các phần trình bày trên, chúng ta có cảm giác như đang ở trong một thế giằng co: một đàng hiệp nhất huynh đệ là công trình của Chúa nhưng lại bị ma quỷ và những kẻ vô tình hay hữu ý theo nó phá hoại; đàng khác, có vô số những nguyên nhân gây chia rẽ nhưng cũng không thiếu phương dược chữa lành; hơn nữa, hiệp nhất là ơn rất quý báu nhưng không phải là điều gì cố định, không thể đón nhận một lần cho tất cả, và dễ bị tổn thương. Điều này đặt sự tự do của con người trước sự lựa chọn và hành động chính xác và dứt khoát. Thánh Augustinô nói: Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người.” Đây là lúc phải tỉnh thức và hành động. Những ai muốn sống trong sự hiệp nhất, phải cầu xin ơn khôn ngoan để phân biệt phải trái, lựa chọn và hành động đúng và đủ. Đây cũng là công việc của Chúa Thánh Thần là Đấng kiến tạo sự hiệp nhất. Điều này chỉ có được qua đời sống cầu nguyện.

Những người đang quảng đại duy trì hoặc vãn hồi sự hiệp nhất, xin hãy làm công việc trọng đại ấy nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa. Mọi sự quy về Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Mọi cuộc đối thoại chỉ thành công khi lấy Chúa làm nguyên lý, làm điểm tựa và là chuẩn mực duy nhất để lượng định, điều chỉnh và quyết định. Việc quy hướng mọi sự về Chúa như thế cũng bao hàm việc nhìn nhận những giá trị của người khác và thấy được hạn chế của mình. Có khi người ta muốn kiến tạo sự hiệp nhất, nhưng vì có khuynh hướng lấy bản thân mình, lấy trường phái của mình, hay tổ chức của mình làm trung tâm chứ không phải Chúa, nên càng hoạt động hăng hái bao nhiêu, càng hỏng việc bấy nhiêu!

Việc nhân danh Chúa cũng phải có sự phận định rõ ràng. Người ta dễ bị cám dỗ phóng chiếu vào Chúa mọi tư tưởng của mình, biến Chúa thành một thứ ngẫu tượng như người ta mong muốn, chứ không phải như Thiên Chúa LÀ chính Ngài. Việc mạo danh Thiên Chúa cho ý đồ của cá nhân hay phe nhóm càng khoét sâu thêm sự chia rẽ.

Ý thức mình liên kết với nhau trong thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô, mà các chi thể trong cùng một thân thể không thể nào giao chiến gây hại cho nhau được.

Việc kết hợp sâu xa với Chúa qua bí tích Thánh Thể và trong đời sống cầu nguyện làm người ta nên một với Chúa; mà đã hiệp nhất với Chúa, lẽ nào lại không hoà hợp được với những người cùng tin Chúa? Chính sự kết hợp nửa vời và hời hợt với Chúa làm cho người ta chia rẽ nhau.

Còn những kẻ đang cố tình phá hoại sự hiệp nhất, chúng ta xin phó thác họ cho lòng nhân hậu Chúa và xin Người biến đổi tâm hồn họ.

 

Tết Tân Sửu - 2021


[1] Gioan Phaolô II, Pastores Dabo Vobis, 17.

[2] Phanxicô, Fratelli Tutti, 25.

[3] Ibid., 27.

[4] Ibid., 43.

[5] Ibid., 44.

[6] Ibid., 46.

 

Nguồn tin: