Giáo Hội Hiệp Thông

Tue,29/09/2020
Lượt xem: 5887

 Mục I. Khái niệm về hiệp thông

I. Ý nghĩa của communio trải qua lịch sử

A. Kinh thánh

B. Truyền thống thần học

C. Công đồng Vaticanô II

D. Sau công đồng

E. Kết luận: Những chiều kích của sự hiệp thông

II. Những yếu tố hiệp thông của Giáo hội

A. Những điều kiện gia nhập Giáo hội

B. Những yếu tố cấu thành hiệp thông Giáo hội: 1/ Lời Chúa. 2/ Các bí tích

Mục II. Hiệp thông Giáo hội. Giáo hội địa phương

I. Hội thánh địa phương dưới khía cạnh thần học

A. Kinh thánh

B. Lịch sử

C. Công đồng Vaticanô II

D. Thần học

—————

Trong tiếng Việt, có lẽ từ “hiệp thông” mới trở thành thông dụng khoảng chừng ba-bốn chục năm gần đây. Hiệp thông được dùng để dịch từ communio tiếng Latinh; nhưng danh từ này còn được dịch bằng nhiều từ khác nữa: “thông hiệp” (trong phụng vụ, lời chào đầu lễ vẫn dùng từ “ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần), “thông hảo” (trong các thư chung của các giám mục), và xưa hơn nữa “thông công” (các thánh thông công); đối lại là “tuyệt thông” (dứt phép thông công). Ngoài ra, còn một từ ngữ rất quen thuộc được sử dụng hầu như mỗi ngày là “rước lễ” (hoặc: “hiệp lễ”) áp dụng cho việc rước Mình Thánh Chúa.

“Hiệp thông” là gì? Trong tiếng Việt, đôi khi nó được hiểu như là “hiệp ý cầu nguyện”, hoặc “chia sẻ, cảm thông”. Nó có tương ứng với “communio” không? Xin thưa rằng danh từ này cũng hàm hồ không kém, bởi vì có thể được giải thích theo nhiều chiều hướng. Vì thế chúng ta hãy nhìn lại lịch sử của khái niệm này trong Kinh thánh, rồi trong truyền thống Giáo hội, sau cùng là ý nghĩa được dùng trong Giáo hội học kể từ Vaticanô II[1]. Sau đó, chúng ta sẽ tổng hợp qua những đặc điểm của khái niệm hiệp thông.

I. Ý nghĩa của communio trải qua lịch sử

A. Kinh thánh

Theo tầm nguyên, “communio” tiếng Latinh gồm bởi cum (với) và unio (hợp nhất), nhưng có người lại cho rằng nó gồm bởi cum (với) và munus (nhiệm vụ); hoặc là cum và moenus (phòng thủ, pháo đài); cả hai nguyên gốc này nói lên sự liên đới, đồng trách nhiệm. Chúng ta cũng thấy những từ cùng họ hàng với nó là communis, communitas, communicatio.

Dù sao, điều đáng lưu ý là từ communio đã được dùng dịch tử koinonia tiếng Hy-lạp. Đây là một danh từ trừu tượng, gốc bởi koinos có nghĩa là “chung” (đối lại với idios: riêng tư, đặc thù). Động từ koinonein có nghĩa là tham gia, dự phần.

Trong tiếng Hip-ri của Cựu ước, tương đương với koinonia là haburah dùng để gọi cộng đoàn các tín hữu theo hàng ngang, nhưng không áp dụng để nói đến tương quan của con người với Thiên Chúa, bởi vì con người chỉ là tôi tớ của Ngài, hoàn toàn suy phục Ngài. Điều mới mẻ của Tân ước là dám sử dụng cho mối tương quan với Thiên Chúa, bởi vì con người được chia sẻ bản tính của Thiên Chúa (theias koinonoi physeos: 2 Pr 1,4).

Trong Tân ước, danh từ này xuất hiện 19 lần với ý nghĩa thay đổi tùy theo bối cảnh khác nhau.

1/ Chia sẻ của cải (2Cr 8,4; 9,13: nhân cuộc lạc quyên của thánh Phaolô cho các tín hữu nghèo ở Giêrusalem).

 2/ Chia sẻ cuộc sống với Đức Kitô (1Cr 1,9)[2] và với những đau khổ của Người (Pl 3,10)[3].

3/ Liên đới với các tông đồ trong công cuộc loan báo Tin mừng (Pl 1,5)[4].

4/ Hiệp thông bí tích Thánh Thể (1Cr 10,16)[5].

5/ Hiệp thông trong Thánh Linh (2 Cr 13,13)[6]

6/ Hiệp thông huynh đệ được mô tả trong Cv 2,42: “Họ chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy (didaskalia), luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”. Đây là đoạn văn tiêu biểu nói đến sự hiệp thông trong Giáo hội, được thành hình nhờ ba yếu tố: a) đức tin; b) đời sống chung và các bí tích; c) hiệp thông với những người đã cảm nghiệm Đức Giêsu Kitô.

Như vậy, khái niệm koinonia có một nội dung rất phong phú. Dựa trên sự phân tích của Heinrich Seeseman[7], cha Jérôme Hamer O.P. cho thấy danh từ này bao hàm ba ý tưởng sau đây:

a) đóng góp, góp phần (Mittelsamkeit: contributing), trong bối cảnh của cuộc lạc quyên, chẳng hạn 2Cr 9,13; Rm 15,26.

b) tham gia, thông phần vào, chia sẻ (anteilhaben: participating), chẳng hạn 1Cr 10,16; Pl 3,10.

c) cộng đoàn (Gemeinshaft: community), một nhóm người cùng ý hợp tâm đồng với nhau, giả thiết sự liên đới và chia sẻ: Gl 2,9-10; Cv 2,41-42; 1Ga 1,3.6-7.

Nhìn dưới khía cạnh đối tượng tham gia, chúng ta nhận thấy ba điểm quy chiếu: về Đức Kitô, về Thánh Linh, về Hội thánh:

– quy chiếu về Đức Kitô: hiệp thông với Đức Kitô, chúng ta được kêu gọi trở thành anh em là Con của một Cha (1Cr 1.9); hiệp thông với Mình và Máu của Người (1Cr 10, 16); hiệp thông vào những đau khổ của Người (Pl 3, 10), vv.

– quy chiếu về Thánh Linh: được hiệp thông trong Thánh Linh, chúng ta được tham dự vào bản tính Thiên Chúa (2Pr 1,4), cộng tác vào cuộc loan báo Tin mừng (Pl 1,5). Thánh Linh là chủ động của sự thông hiệp (2Cr 13, 13; Pl 2,1). Nên lưu ý là thánh Phaolô không nói đến hiệp thông với Thánh Linh (như khi nói về Chúa Kitô); ngược lại Thánh Linh là chủ động của hiệp thông; hiệp thông là một ân huệ do Thánh Linh ban.

– quy chiếu về Hội thánh: hiệp thông với Hội thánh; cộng đoàn các tín hữu chia sẻ các của cải tinh thần và vật chất (Cv 2,42-45; 4,32-37), tham gia các hoạt động liên đới của cộng đồng (2Cr 8,4), công tác của vị tông đồ ở các cộng đoàn khác (2Cr 8, 23), vv.

B. Truyền thống thần học

Trong truyền thống Kitô giáo, communio được dùng trong nhiều bối cảnh khác nhau.

1/ Communio Trinitatis

Tư tưởng này muốn nói lên sự khác biệt và hợp nhất nơi Tam vị: Tam vị nhất thể. Cha không phải là Con, Con không phải là Thánh Linh, Thánh Linh không phải là Cha; nhưng không phải là ba mà chỉ là một Thiên Chúa. Hơn thế nữa, thần học còn tạo ra thuật ngữ tiếng Hy-lạp Perichoresis để diễn tả sự “thấm nhập” lẫn nhau, chứ không chỉ “hướng về nhau” (tương quan, relatio) mà thôi, và được dịch sang tiếng Latinh là circuminsessio (hay circumincessio).

Trong tiếng Hy-lạp perichoreo có nghĩa là xoay vòng tròn (quay đi quay lại, mà vẫn đứng yên một chỗ). Bên Đông phương, thánh Grêgôriô Nazianzênô là người đầu tiên sử dụng từ perichoresis để trình bày sự “thâm nhập” hỗ tương giữa thiên tính và nhân tính nơi Đức Kitô. Thánh Gioan Đamascô áp dụng vào mầu nhiệm Tam Vị (De fide orthodoxa: I,8;14; III,5). Bên Tây phương, đạo lý về sự “thâm nhập” ( được dịch thành hai thuật ngữ circuminsessio: ngồi trong hay ngồi quanh, hoặc circumincessio, tiến bước chung quanh) giữa Ba ngôi được thánh Augustinô chú giải trong De Trinitate VI, 10,12; IX, 5,8. Diễn ngữ này cũng được Huấn quyền sử dụng tại Công đồng Firenze (năm 1442) để diễn tả sự hợp nhất của Tam Vị: “Do sự hợp nhất, Cha hoàn toàn ở trong Con và hoàn toàn ở trong Thánh Linh; Con hoàn toàn ở trong Cha và hoàn toàn ở trong Thánh Linh; Thánh Linh hoàn toàn ở trong Cha và ở trong Con” (Denz-Sch. 1331)

Ý tưởng này dựa trên nền tảng Kinh thánh nói rằng Cha “ở trong” Con và Con “ở trong” Cha: “Cha ở trong Thầy và Thầy ở trong Cha” (Ga 10,38). “Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao?… Các con hãy tin đi: Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” (Ga 17,11.21.23.26).

Như đã nói trong chương trước, Tam Vị không chỉ nguồn gốc mà còn là mẫu mực và cứu cánh của Giáo hội. Tất cả mọi hoạt động của Giáo hội đều nhắm đến lý tưởng và thánh Gioan đã vạch ra ở đầu bức thư thứ nhất:

Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt,điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày,chúng tôi đã thấy và làm chứng,chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe,chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa,để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1Ga 1, 1-4).

Thoạt tiên xem ra bản văn chỉ nói đến Chúa Cha và Đức Giêsu. Tuy nhiên, dựa theo 2Cr 13,13, ta có thể nói rằng Thánh Linh chính là sự hiệp thông giữa Cha và Con. Cũng có tác giả lưu ý rằng niềm vui là biểu tượng của Thánh Linh[8].

2/ Communio eucharistica: Sự hiệp thông bí tích Thánh Thể. Ý tưởng này dựa trên đoạn văn 1Cr 10,16, và nêu bật sự kết hiệp với Chúa Giêsu. Trong ngôn ngữ bình dân, người ta thưởng hiểu communio (hoặc sacra communio) theo nghĩa này: rước Mình Thánh Chúa, hiệp lễ.

3/ Communio sanctorum: Sự hiệp thông giữa các thánh. Cụm từ này đã xuất hiện trong Tín biểu các thánh tông đồ (thế kỷ IV), và có thể hiểu theo hai nghĩa: sự hiệp thông “trong những sự thánh” (bí tích), hay là “giữa các thánh”. Nên biết là vào lúc đầu, các “thánh” được hiểu về tất cả những người đã lãnh bí tích Thánh tẩy, như chúng ta đọc thấy trong các thư thánh Phaolo. Đến khi có phong trào trở lại đạo cách ồ ạt, thiếu sự chuẩn bị kỹ lưỡng của giai đoạn dự tòng, các “thánh” được dành cho các phúc nhân trên trời. Từ đó dịch sang tiếng Việt là “các thánh thông công”. Sách GLCG đã duy trì cả hai nghĩa đó (946-961; xem thêm 1026-1027; 1029; 1474-1477). Chúng ta sẽ trở lại đề tài này, khi bàn về chiều kích cánh chung của Giáo hội.

4/ Communio ecclesialis. Thuật ngữ này được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau trải qua dòng thời gian.

a) Nghĩa đơn giản hơn cả là sự hợp nhất trong nội bộ Giáo hội, dựa trên tư tưởng của thánh Phaolô trong thư gửi Ephêsô 4,3 (“Một thân thể, một Thần khí, một niềm hy vọng … một Chúa, một niềm tin, một phép rửa … một Thiên Chúa, Cha của mọi người”).

b) Nó cũng được hiểu về sự hợp nhất giữa các các giáo hội communio ecclesiarum. Sự hiệp thông này được diễn tả qua nhiều hình thức:

– Trong thiên niên kỷ thứ nhất, các giáo hội địa phương gặp gỡ nhau tại các công đồng, công nghị; thông tri cho nhau việc đắc cử giám mục (littera communionis) [9]; trao đổi cho nhau bánh hiệp thông. Đó là hình ảnh của một “Ecclesia communio”.

– Sang thiên niên kỷ thứ hai, từ khi xảy ra sự cắt đứt hiệp thông giữa Rôma và Constantinopolis (năm 1054), hình ảnh được thay thế bằng “Ecclesia universalis”: Giáo hội duy nhất dưới sự lãnh đạo của Đức Giáo hoàng. Các giám mục được bổ nhiệm “nhờ ơn Tòa Thánh”. Sự cắt đứt “giao hảo với Tòa Thánh” dẫn tới sự ly giáo[10].

C. Công đồng Vaticanô II

Thượng hội đồng giám mục, khóa ngoại thường năm 1985 nhằm kỷ niệm 20 năm bế mạc công đồng Vaticanô II đã tuyên bố rằng “khái niệm communio là đặc trưng của Giáo hội học công đồng”[11]. Thực tế không đơn giản như vậy.

Như chúng ta đã thấy trong chương hai, từ sau Công đồng Trentô, Giáo hội thường được nhìn dưới khía cạnh hữu hình và định chế phẩm trật. Cuộc canh tân Giáo hội học trong thế kỷ XX tìm cách nêu bật khía cạnh siêu nhiên và vô hình của Giáo hội, khởi đi từ khái niệm “Thân thể mầu nhiệm Đức Kitô”, được đánh dấu bởi thông điệp Mystici corporis  của ĐGH Piô XII (1943). Một khái niệm khá phổ thông vào những năm trước Công đồng là “bí tích”, như chúng ta đã thấy trong chương trước. Hiến chế Lumen gentium du nhập thêm hai khái niệm quan trọng là “Mầu nhiệm” và “Dân Thiên Chúa” được đặt làm tựa đề cho hai chương đầu. Trong các văn kiện Công đồng, thuật ngữ “communio” xuất hiện 112 lần[12] (khá nhiều, nếu so với 4 lần trong các văn kiện của Công đồng Vaticanô I), nhưng dùng theo nhiều nghĩa khác nhau.

1/ Trước tiên, communio là sự kết hợp nội tâm, vô hình, bí tích và siêu nhiên liên kết tất cả các Kitô hữu với Đức Kitô và  với nhau trong Người. Nói chung toàn thể nhân loại được mời gọi đến communio với Thiên Chúa (GS 19). Nói chính xác hơn, nhân loại được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Linh (UR 7.15). Bí tích Thánh Thể đưa chúng ta đến hiệp thông với Đức Kitô và với nhau (LG 7). Đây là sự hiệp thông giữa những kẻ có đức tin (UR 2), hoặc cộng đoàn huynh đệ mới (GS 32) mà nguồn mạch và trung tâm là Đức Kitô (UR 20). Được thiết lập như là sự hiệp thông của sức sống, tình yêu và chân lý (LG 9), cộng đoàn này có Thánh Linh làm nguyên ủy hợp nhất (UR 2). Sự hiệp thông nội tại, siêu nhiên được biểu lộ ra bên ngoài, do đó trở thành cộng đoàn đức tin, hy vọng và yêu mến (AG 19). Lumen Gentium khẳng định rằng trong Giáo hội có một sự hiệp thông sâu xa giữa tất cả mọi người đã được rửa tội: tất cả đều có chung một Đức Chúa và một Thánh Linh, họp thành một thân thể duy nhất; tất cả chia sẻ cùng một đức tin và cùng một phép rửa, cùng một ân huệ và ơn gọi, và cùng trách nhiệm và công tác (LG 32). Sự hiệp thông này không chỉ giới hạn vào những người trên trần thế mà còn mở rộng đến những người đã đi vào vinh quang thiên quốc (LG 50). Vì thế communio có một ngoại biên rất rộng, mở rộng đến biên cương trên trời dưới đất, thời gian và không gian vô tận của Giáo hội.

b/ Communio cũng được dùng để ám chỉ những mối tương quan giữa các nhóm ở trong Dân Thiên Chúa. Các tu sĩ được liên kết với nhau bằng sự hiệp thông huynh đệ (LG 43). Có sự hiệp thông giữa các Giáo hội Đông phương công giáo với nhau (OE 2) và giữa họ với Đức Giáo hoàng (OE 24). Công đồng lấy lại khái niệm thời các giáo phụ, áp dụng communio cho mối tương quan giữa các giáo hội địa phương với nhau (AG 19) cũng như với giáo hội phổ quát (AG 38).

3/ Công đồng còn sử dụng thuật ngữ communio hierarchica (cách riêng ở chương Ba của LG) để diễn tả cơ cấu của Dân Thiên Chúa. Giáo hội được tổ chức thành cơ cấu phẩm trật. Sự hiệp thông phẩm trật được áp dụng cho mối dây liên kết giữa tập đoàn giám mục với vị nguyên thủ (LG 21). Sự hiệp thông phẩm trật cũng được áp dụng cho mối tương quan giữa các linh mục giáo phận với giám mục (PO 7).

4/ Công đồng còn áp dụng từ communio trong lãnh vực đại kết để nói về những cấp độ liên kết khác biệt: “trọn vẹn hoặc chưa trọn vẹn”. Các Kitô hữu ngoài công giáo được gọi là những “anh em chưa được hiệp thông trọn vẹn” (GS 92). Thuật ngữ communio non plena chứa đựng một yếu tố tích cực: có một sự hiệp thông về cầu nguyện và ân huệ thiêng liêng (LG 15) giữa các giáo hội, và tất cả được Thánh Linh kết hợp với nhau cách nào đó. Tuy nhiên, công đồng nhìn nhận rằng communio này còn bất toàn, và làm ngăn cản sự hiệp thông hoàn toàn, biểu hiện qua việc cùng chia sẻ việc cử hành Thánh thể (UR3).

D. Sau Công đồng

Như đã nói trên đây, sau Công đồng Vaticanô II, các sách thần học thường nêu bật khái niệm “Dân Thiên Chúa” như là tư tưởng đặc trưng của công đồng, và đã được hiến chế Lumen gentium dành chương Hai để khai triển. Sự chuyển hướng sang khái niệm communio được thúc đẩy do nhiều lý do, trong đó ta không thể bỏ qua một lý do nhân bản và một lý do thần học. Lý do nhân bản là con người thời đại cảm thấy cần gắn kết với nhau, để không bị rơi vào tình trạng cô độc do chủ nghĩa cá nhân đề xướng. Lý do thần học là ý thức về sự tham gia vào đời sống Giáo hội được gợi lên từ hình ảnh Dân Thiên Chúa. Ý tưởng hiệp thông nói lên sự tôn trọng nguyên tắc hợp nhất đồng thời với nguyên tắc đa dạng trong đời sống Giáo hội. Một lý do nữa được gợi lên do những cuộc đối thoại đại kết: vào thời các giáo phụ, communio được dùng để nói đến tương quan giữa các giáo hội địa phương với nhau.

Những dấu mốc của sự chuyển hướng này có thể tóm lại như sau.

1/ Thượng hội đồng giám mục khóa 1985 đã cô đọng bản chất Giáo hội vào ba khái niệm “mầu nhiệm – hiệp thông – sứ vụ”. Riêng đối với khái niệm hiệp thông, văn kiện kết thúc khóa họp đã nhấn mạnh đến ba điểm:

– Sự hiệp thông được dựa trên các bí tích và bản tính là thiêng liêng. Vì thế “Giáo hội học hiệp thông” không thể nào thu gọn vào những chuyện tổ chức hoặc thực thi quyền bính.

– Giáo hội duy nhất và phổ quát hiện hiện trong tất cả các giáo hội địa phương. Cần phải nhìn nhận sự duy nhất và đa dạng trong Giáo hội.

– Sự tham gia và đồng trách nhiệm cần được diễn ra ở mọi cấp độ và trong các mối tương quan hỗ tương giữa các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân. Sự hiệp thông là một sự cam kết của tất cả mọi tín hữu (chứ không phải chỉ vài người dấn thân, hoặc có ơn gọi) đối với Chúa Kitô. Điều này làm thay đổi bộ mặt của Giáo hội: từ một xã hội được cấu trúc dựa trên quyền bính do chức thánh (hàng giám mục) sang một cộng đồng các tín hữu có ý thức về nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong việc xây dựng Giáo hội.

2/ Hạn từ communio xuất hiện 100 lần trong tông huấn Christifideles Laici (1988) bàn về người tín hữu giáo dân, ra như muốn nêu bật tương quan giữa các hàng ngũ trong Giáo hội. Điều này mang theo hai thách đố (số 18-20):

– Cần phải hiểu sự thông hiệp như một thực tại vừa thiêng liêng vừa hữu hình. Đừng nên quan niệm sự hiệp thông như là một thực tại theo quan điểm xã hội học và tâm lý học (như là một nguyên tắc tổ chức, thảo kế hoạch để đạt được mục tiêu nào đó).

– Cần phải hiểu sự thông hiệp trong Giáo hội với tính cách hữu cơ (organica) nghĩa sự đa dạng và bổ túc giữa các ơn gọi. Trong Giáo hội có nhiều ơn gọi: chính trong sự bổ túc ơn gọi mà người giáo dân nhận ra sứ mạng của mình trong toàn thân thể.

Văn kiện cũng muốn liên kết giữa “hiệp thông và sứ vụ”. Đức Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể, là nguồn mạch của sự hiệp thông với Thiên Chúa và giữa loài người, đồng thời cũng la nguồn mạch của việc loan báo Tin mừng, nghĩa là công bố vương quốc Thiên Chúa giữa loài người. Hiệp thông và sứ vụ ảnh hưởng lẫn nhau: sự hiệp thông (hợp nhất) là dấu chỉ hữu hiệu cho việc truyền giáo (x.Ga 17,21), và làm cho Giáo hội biểu lộ như là bí tích của sự hợp nhất.

3/ Khái niệm communio dần dần đã trở thành quen thuộc trong văn chương thần học, nhưng cũng không thiếu những giải thích lệch lạc. Vì thế ngày 28-5-1992, Bộ Giáo lý đức tin đã gửi cho các giám mục một bức thư để giải thích “Vài khía cạnh của Giáo hội hiểu như là communio[13] (Communionis notio), nhắc lại vài điểm quan trọng sau đây:

– Khái niệm hiệp thông bao gồm khía cạnh hữu hình và vô hình: không thể nào tách biệt hai khía cạnh ấy. Mặt khác Giáo hội được thiết lập như bí tích cứu độ, vì thế không thể nào khép kín trong mình, nhưng cần phải mở ra chiều kích đại kết và truyền giáo ngõ hầu quảng bá mầu nhiệm hiệp thông.

– Khái niệm hiệp thông bao hàm sự hợp nhất trong đa dạng. Giáo hội là cộng đoàn huynh đệ mà cũng là cơ cấu phẩm trật. Giáo hội phổ quát vừa bao hàm sự thống nhất chặt chẽ vừa bảo vệ sự đa dạng dưới nhiều phương diện: tác vụ, các hình thức sinh sống và hoạt động tông đồ.

4/ Cũng vào năm 1992, Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo được ban hành, đúc kết những giáo huấn của Giáo hội về sự hiệp thông, cách riêng khi giải thích đặc điểm của Giáo hội là “duy nhất” (số 813-822) và khi nói đến các hàng ngũ khác nhau trong Giáo hội: giáo sĩ, giáo dân, tu sĩ (số 871-873).

5/ Năm 1996, tông huấn Vita consecrata được ban hành, trong đó từ hiệp thông xuất hiện 95 lần. Tông huấn nói đến nhiều cấp độ hiệp thông khác nhau: hiệp thông huynh đệ (trong cộng đoàn), hiệp thông giữa các tu sĩ và giám mục, hiệp thông giữa các hội dòng, hiệp thông với các giáo dân. Đặc biệt là tông huấn nói đến “linh đạo hiệp thông” (số 46). Chủ đề này được ĐTC Gioan Phaolô II khai triển hơn trong tông thư Novo millennio ineunte (6-1-2001) từ số 42-46. Ý tưởng được tóm lại ở số 43 như sau:

Biến Giáo Hội thành nhà và trường hiệp thông: đó là thách đố lớn giáp mặt chúng ta trong ngàn năm đang bắt đầu, nếu chúng ta muốn trung thành với chương trình của Chúa và đáp ứng những ước mơ sâu xa nhất của thế giới.

Nhưng điều đó có nghĩa gì trên thực tế ? Ở đây cũng vậy, ý nghĩ chúng ta hướng ngay tới việc phải làm, nhưng đó không phải là động lực đúng phải theo. Trước khi vạch ra những chương trình thực hành, chúng ta cần cổ võ một linh đạo hiệp thông, làm cho linh đạo đó thành nguyên lý hướng đạo giáo dục bất cứ nơi nào huấn luyện các cá nhân và người Kitô hữu, bất cứ nơi nào đào tạo những kẻ phục vụ bàn thờ, những người tận hiến và những lao công mục vụ, bất cứ nơi nào xây dựng các gia đình và các cộng đồng.

Một linh đạo hiệp thông dạy cho biết trước tiên sự chiêm ngắm trong lòng về mầu nhiệm Ba Ngôi ở trong chúng ta, và chúng ta cũng phải có khả năng thấy ánh sáng của Người sáng chói trên gương mặt của anh chị em xung quanh chúng ta. Một linh đạo hiệp thông cũng có nghĩa là một khả năng suy nghĩ đến anh chị em chúng ta trong đức tin, trong phạm vi hiệp nhất sâu xa của Thân Thể mầu Nhiệm, và do đó như “những người là thành phần của tôi”. Điều này cho chúng ta khả năng chia sẻ những niềm vui và những đau khổ của họ, cảm giác những ước muốn của họ và chăm chú đến những nhu cầu của họ, hiến cho họ tình bạn sâu sắc và chân chính. Một linh đạo hiệp thông cũng bao gồm khả năng thấy điều tích cực nơi kẻ khác, đón nhận điều đó và khen ngợi điều đó như là một hồng ân Thiên Chúa ban: không những như là một hồng ân cho người anh người chị đã trực tiếp lãnh, mà còn như là “một hồng ân cho tôi”. Sau cùng, một linh đạo hiệp thông có nghĩa là biết cách “nhường chỗ” cho các anh chị em chúng ta, bằng cách “mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6, 2) và chống chọi những cám dỗ ích kỷ thường hay bao vây chúng ta và khơi dậy sự ganh đua, sự ham danh vọng, sự ngờ vực và ghen tương.

Nguồn tin: https://catechesis.net/