Đức Ái, Nét Đẹp Của Kitô Giáo

Fri,23/09/2022
Lượt xem: 2129

Lý tính tự nhiên cho rằng, con người là hữu thể của tương quan. Đó là tương quan giữa người với Thiên Chúa, người với người, và người với tạo vật. Nhưng, điều gì khiến cho các mối tương quan này có ý nghĩa? Theo thiển ý, ví như vữa hồ để liên kết các viên đá thành một khối nền móng vững chắc, tình yêu chính là ‘mô thể’, là nguyên lý nền tảng cho mọi tương quan của chúng ta. Bởi lẽ, tình yêu bao trùm trên mọi thực tại hiện sinh của đời sống chúng ta. Tình yêu gắn kết mọi sự khác biệt. Tình yêu làm tròn đầy cho mọi bất toàn của kiếp người. Như thế, tình yêu là yếu tố cấu thành nên sự hiện hữu của con người: Tôi được yêu thương, nên tôi hiện hữu. Chúng ta có thể trên không thông thiên văn, dưới không tường địa lý, cũng không hề biết đến các nguyên lý siêu hình của Plato, … nhưng chúng ta không thể không biết yêu là gì. Dĩ nhiên, lý tính là cấu trúc chính yếu của con người, nhưng sẽ còn bất toàn nếu thiếu đi tình yêu: con người là linh ư vạn vật không chỉ là lý tính, mà còn là tình yêu.

Tình yêu trong hiện sinh con người rất đa dạng: tình yêu tổ quốc, tình yêu nghề nghiệp, tình yêu đôi lứa, tình yêu của cha mẹ và con cái, giữa anh chị em với nhau, tình yêu của con người đối với Thiên Chúa, tình yêu của tôi trước một tuyệt tác của Tạo Hoá,… Liệu có một yếu tố ‘đơn nhất’ nào đó để làm nền tảng soi chiếu cho mọi thực tại đa phức về tình yêu? Phải chăng cần có một “tình yêu” để làm khuôn mẫu cho mọi tương quan của chúng ta? Đơn giản hơn, chúng ta có nên tự vấn về nguồn gốc của tình yêu, hay coi đó như một yếu tố tâm lý ngẫu nhiên? Và nếu có, thì đâu là nguồn gốc đích thực của tình yêu và những yếu tố đòi hỏi của nó?

1. Lý chứng tự nhiên

Suy tư thuần lý của con người cho thấy con người là hữu thể phát xuất từ Thiên Chúa. Vậy nên, năng hướng tự nhiên của con người là quy hướng về đời sống thần linh, về Chân – Thiện – Mỹ. Sự quy hướng đó là mức thể hiện cao nhất của ái tình (tình yêu), vì “ái tình là một tình cảm làm khoái lạc chủ thể, khi một ước vọng được thoả mãn hay có thể được thoả mãn.”[1] Theo đó, triết học (Philosophia) được định nghĩa là yêu mến sự khôn ngoan. Theo Aritotle, Hữu Thể là đối tượng đáng khao khát và yêu thương của mọi hữu thể. Tuy nhiên, vị Thiên Chúa trong triết học không cần gì cả, bất khả thụ. Và thứ ‘tình cảm’ này chỉ thuộc về yếu tố cảm tính, không có tính bền vững, vì là yếu tố phải chết. Triết học truyền thống thì cho thấy tình yêu dành cho Hữu Thể, nhưng tương quan tình yêu giữa người với người lại là chủ đích của triết học hiện sinh. Theo G. Marcel, hiện sinh là hiện hữu. Hiện hữu dẫn con người tới chỗ gặp nhau trong niềm tin tưởng và kính yêu nhân vị nhau.[2]

Nói đến hiện sinh thì phải kể đến Phật Giáo, dù quan niệm về “Hữu Thể Tối Cao” không tồn tại, có chăng thì rất ‘mờ ảo’, nhưng Phật Giáo đã nêu cao tình yêu (từ bi): “Dẫu xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Đúng hơn, từ bi (đức ái) không chỉ là luật, mà còn là giáo lý căn bản, là tinh hoa của Phật Giáo. “Từ Bi” không phải một từ kép, nhưng hai từ rõ ràng và phân biệt. Từ (Maitri), là lòng nhân ái, nó biểu hiện trong hành động bằng sự giúp đỡ. Đối với kẻ khốn cùng, từ tâm ấy chuyển thành ‘Bi’ (Karunâ), tức thương xót, nó biểu hiện bằng sự hy sinh cứu vớt.[3] Nhờ đức Từ bi, chúng ta có thể hành động yêu thương chúng sinh và muôn vật bằng một tinh thần vô cầu, nó là một phương cách hữu hiệu dẫn tới cứu độ. Tuy vậy, Phật Giáo không đặt niềm tin vào Thiên Chúa, và chủ trương “tự độ”.

Với Nho Giáo, trong năm đức tính căn bản (ngũ thường) thì đức Nhân là nền tảng và đầu mối của mọi nhân đức. Nhân là lòng thương người (Nhân, nhân tâm giả). Nhân ái chính là yếu tố quyết định anh có phải là “người” hay không: Nhân giả, nhân giả - Nhân ái là người (Trung Dung, chương 20). Vì thế, Đức Khổng dạy rằng, hãy lấy lòng mình để làm mẫu mực kích thước để đo lòng người: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân – điều gì mình không muốn, thì cũng đừng làm cho kẻ khác” (Luận ngữ: Vệ Linh Công).[4] Đạo Nhân gắn liền với bản tính con người,[5] không chỉ giúp ta yêu thương kẻ khác, nhưng còn giúp tha nhân phát huy đạo Nhân ở nơi họ. Như thế, nhờ thi hành đạo Nhân, con người có thể hợp tác và phối kết với Trời, bởi vì “Thiên nhân tương dữ”. Tuy nhiên, tình yêu trong Nho Giáo có sai biệt,[6] tức là yêu thương có sự phân biệt: yêu con cái mình hơn con người ta, người nước mình hơn nước họ, vợ mình hơn vợ người ta, chủng sinh Hà Tĩnh hơn Nghệ An – Thanh Hoá, …

2. Đức ái, nét đẹp của Kitô Giáo

Lý tính tự nhiên cho biết tình yêu là kiện tính của con người, nên con người có khả năng thương mến nhau, và cách manh nha cho thấy mối tương quan giữa con người với Đấng Tạo Hoá bằng tình yêu, nhưng rất mờ nhạt trong việc đề cập đến nguồn gốc của tình yêu, có chăng thì cũng chỉ mang tính cách huyền thoại (mythos). Kitô Giáo không nằm ngoài với những lý chứng tự nhiên về tình yêu, vì tất cả những lý chứng đều “mang mầm Logos”. Liệu những lỗ hỏng từ suy tư thuần lý sẽ được bổ khuyết bằng những gì đã được mặc khải trong Kitô Giáo chăng? Mặc khải Kitô Giáo có trở nên phổ quát cho hiện sinh con người mọi thời? Hay đúng hơn, chúng ta có nên tự vấn rằng Kitô Giáo có gì mới mẻ chăng? Câu hỏi không chỉ dừng lại trên bình diện của lý trí, nhưng có lẽ còn là cả một cuộc sống, khi chính chúng ta đang đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa là Hữu Thể Tối Cao đã mặc khải cho con người biết về tình yêu. Mặc khải của Thiên Chúa qua “Biến Cố Đức Giêsu” hoàn toàn vượt trên mọi kinh nghiệm của chúng ta về tình yêu, nhưng chính sự mới mẻ này mới là bảo đảm cho chúng ta tư duy và sống.

Chân lý Kitô Giáo cho biết khả năng yêu thương của con người không chỉ là luật, mà còn là ân ban. Khả năng yêu thương của con người không thể là quy ước do con người lập ra, mà là mệnh lệnh từ Thiên Chúa. Theo thánh Augustinô, khi người ta yêu mến đồng loại, người ta phải yêu mến chính tình yêu, mà Thiên Chúa là tình yêu. Do đó, Thiên Chúa là đối tượng thứ nhất của tình yêu chúng ta (De Trin 8,3).[7] Vậy, chính Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất của tình yêu, vì bản thể của Thiên Chúa là tình yêu: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Mà Thiên Chúa của chúng ta là duy nhất, và cũng là Ba Ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần. Ba nên Một trong tình yêu. Do đó, tình yêu có tên gọi khác là ‘tương quan’.

Thiên Chúa là căn nguyên của vạn vật, nên Ngài cũng chính là căn nguyên của tình yêu nơi con người. Nói đúng ra, nhờ tình yêu của Thiên Chúa mà muôn loài được hiện hữu, và chỉ hiện hữu đúng nghĩa trong tình yêu. Dẫu con người chống lại Thiên Chúa, Ngài vẫn yêu thương, vì yếu tính của Người là tình yêu. Thiên Chúa đã đi đến tận cùng của kiếp người để biểu lộ tình yêu của Người. Lý chứng nào của phàm nhân có thể hiểu thấu được rằng, một Thiên Chúa Tối Cao, Hằng Ẩn Dấu lại trở nên khả giác (x. Ga 1,14) nếu đó không phải là tình yêu. Do đó, con người phải yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn” (Mt 22,37). Yêu mến Thiên Chúa cũng đồng nghĩa rằng chúng ta phải yêu mến tha nhân, và khi chúng ta yêu mến tha nhân đích thực thì chúng ta không thể không nhận ra sự hiện hữu của một Thiên Chúa tình yêu và yêu mến Ngài cho cân xứng (x. 1Ga 4, 20-21). Tất cả mọi giới răn của Thiên Chúa đều đặt nền tảng từ tình yêu, gọi là giới răn yêu thương. Theo thánh Gioan, “giới răn yêu thương là gia tài vĩ đại nhất mà Chúa đã để lại cho các môn đệ. Ý muốn của Thiên Chúa là chúng ta phải yêu thương nhau, đến nỗi tình huynh đệ chính là bằng chứng xác nhận là ta đã yêu thương Chúa cách chân thành”.[8] Khả năng yêu mến đồng loại và Thiên Chúa của người kitô hữu là nhờ đức ái,[9] và đó là một ân ban.

Đức ái không là một cái gì thụ tạo trong linh hồn, nhưng chính là Chúa Thánh Thần ở trong linh hồn ta. Điều này không có nghĩa là sự chuyển động của tình yêu mà chúng ta yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, là Chúa Thánh Thần, nhưng nó phát xuất từ Chúa Thánh Thần mà không nhờ đến trung gian một tập quán nào.[10] Chúa Thánh Thần là linh hồn của đức ái. Chính Ngài là Đấng hoạt động trong con người và thúc đẩy chúng ta cư xử với nhau bằng tình yêu, và trên hết là nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, Đấng là nguồn phát xuất sự hiện hữu của chúng ta. Điều này để lí giải rằng, bất kỳ ai cũng có khả năng yêu mến. Tuy vậy, điều quan trọng là phải yêu như thế nào? Nền tảng nào soi sáng cho nền luân lý của chúng ta?

Đức ái là một ân ban; thì dĩ nhiên, trong tình yêu, Thiên Chúa đã đi bước trước, chính Vô hạn đã đến bày tỏ tình yêu trong hữu hạn, chứ không phải là khả năng độc tôn trong trí hạn của con người. Thiên Chúa đã dạy con người biết thế nào là yêu, đặc biệt qua chính con người của Đức Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa, và là Thiên Chúa. Tình yêu của Đức Giêsu chính là ‘kiểu mẫu’ cho toàn bộ kinh nghiệm hiện sinh của đời sống con người. Tình yêu của Ngài dành cho nhân loại chính là khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Lòng mến phải khởi đi từ chính chúng ta, và chúng ta phải khởi đi từ Đức Giêsu, nếu không thì những gì chúng ta bày tỏ chỉ là những hình thức của sự trao đổi, vì “mọi sự đều bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, mọi sự đều định hình bởi tình yêu ấy, và mọi sự đều quy hướng về tình yêu ấy.”[11]

“Yêu hết mọi người” là một tình yêu đại đồng (Agappê), là cảnh giới cao nhất của tình yêu. Nhưng, nếu không cẩn thận thì đó luôn chỉ là ý tưởng đẹp đẽ trong tư duy của chúng ta. Rốt cuộc, tình yêu đại đồng đó chỉ là một hình thức quy ngã. Bởi lẽ, chúng ta sẽ không tìm ra đâu là “mọi người”, đó là ý niệm trừu tượng; mà chỉ có con người cụ thể là anh A, chị H, cha Z,…

3. Hành động, cơ cấu năng động của tình yêu

Đức ái Kitô Giáo là một quà tặng. Đức ái không chỉ còn là một ý niệm cao siêu trong thế giới ý tưởng của Plato, nhưng là một con người, là Đức Giêsu Kitô. Với triết học, Thiên Chúa hoàn toàn bất thụ cảm, Ngài được yêu nhưng không hề yêu; trái lại, Thiên Chúa trong Kitô Giáo qua Đức Giêsu lại yêu đến cùng. Biến Cố Đức Giêsu là minh chứng sống động cho điều đó, vì yêu mà ngay cả mạng sống Người cũng tự hiến (x. Pl 2,6-11). Hiến mạng sống mình trên thập giá là hành động tột cùng của tình yêu, một tình yêu tự hiến trọn vẹn. Thiên Chúa trong triết học và các tôn giáo thì bất biến trong tinh thần, làm gì có chuyện mặc lấy yếu tố vật chất, huống hồ gì nói đến việc hiến mạng sống mình cách mạt thế nhất. Nhưng Thiên Chúa của Kitô Giáo qua Đức Giêsu làm tất cả vì yêu. Bởi thế, tình yêu vượt quá mọi trí hiểu (x. Ep 3,19).  Nếu tóm gọn tinh hoa của Kitô Giáo, có lẽ chúng ta không thể không dùng đến từ “Tình yêu” để diễn đạt, và biểu tượng của tình yêu tự hiến này chính là thập giá. Thập giá là biến cố trong đó hữu thể và hành động của một con người đồng nhất với nhau, là một sự diễn tả một hiện hữu cho tha nhân.[12] Đức Giêsu là Thiên Chúa, là tình yêu, và những hành động của Ngài dành cho tha nhân luôn gắn liền với yếu tính của Người.

Như thế, tình yêu không là một lý thuyết trống rỗng, nhưng còn là hành động (x. 1Ga 3,18). Kitô Giáo cho thấy hành động không là một điều kiện thêm vào trong tình yêu, nhưng đúng ra, đức ái chính danh luôn thúc đẩy con người đi tới việc làm. Tình yêu phải bám nền tảng trong chân lý, mà chân lý ở đây không là còn là một ý tưởng siêu hình, nhưng là Đức Giêsu. Hành động của đức ái trong chân lý chính là “làm như Chúa Giêsu đã làm”. Bởi đó, đức ái trong hành động là một lời mợi gọi phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa, đúng hơn, nó là một mệnh lệnh: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). “Như Thầy đã yêu” là một hành động vô cầu, và trở nên rốt hết cho mọi người, kể cả kẻ thù, là hiến dâng mạng sống cho người mình yêu. Tình yêu chính là dấu chỉ của người môn đệ Chúa Kitô (x. Ga 13,35). Do đó, tình yêu là ‘xuất thần’, nhưng không theo nghĩa một thoáng đam mê. Xuất thần là như là con đường vững chắc bước ra khỏi cái tôi đóng kín để tự do dâng hiến cái tôi của mình, để cho đi và qua đó tìm được chính mình, tha nhân, và Thiên Chúa.[13]

Tình yêu là cấu tố trong con người để làm cho chúng ta có khả năng cho và nhận. Theo thiển ý, nguyên lý ‘cho’ là nền tảng của nguyên lý ‘nhận’. Tình yêu Kitô Giáo là một tình yêu luôn hiến dâng và cho đi, nhưng chính lúc cho đi lại là lúc chúng ta ‘nhận’ tình yêu từ người khác, và không có cách nào khác. Bởi lẽ, sự thật về tình yêu nằm trong chính hữu thể Thiên Chúa. Nhưng, sự thể vấn đề không hề đơn giản như chúng ta nghĩ, vì tính khả thi của nó trong đời sống rất khó. Làm sao chúng ta có thể yêu thương người khác như chính mình? Bản chất của tình yêu vốn chẳng phải là sự khiêm hạ đó sao? Tôi có thể vứt bỏ kinh nghiệm ngoại giới để đón nhận sự khác biệt của người khác chăng?

Tình yêu và sự dữ là một vấn đề nan giải trong hiện hữu của con người. Dĩ nhiên, người ta rất rõ, đã có ánh sáng thì không còn bóng tối, có tình yêu thì không còn sự dữ. Nhưng, những kinh nghiệm xương máu về sự dữ mới khiến người ta thấm thía lòng, và nhiều khi vì sự dữ mà đánh mất đi niềm tin vào tình yêu. Có lẽ nếu thiếu tình yêu, chúng ta sẽ dễ dàng nghĩ rằng những người mắc phải tai hoạ, gần đây là những người chết vì đại dịch Covid 19, chỉ như là một sự “chọn lọc tự nhiên”, để rồi con người ngày có thêm những tính chất tốt nhất trước sự thay đổi của thiên nhiên. Đây hẳn là cái nhìn của sự chết, là cái nhìn vô luân, vì tình yêu vốn là đặc tính của sự sống. Dĩ nhiên, kẻ không có và sống tình thương thì đang ở lại trong sự chết, gần ‘vô’ hơn là ‘hữu’, vì tình yêu làm nên hiện hữu, và được hiện hữu cũng là vì tình yêu.  Khả năng yêu thương vốn là khả thể của con người, nhưng trên hết nó còn là một ân ban: “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt” (Ed 11,19).

 

                                                                                                                                                                                                                                                                                          Phêrô Phạm Văn Huỳnh, K.XV 

 

 


 

 

[1] Trần Văn Hiến Minh, Từ điển và danh từ triết học, Nxb. Đông Phương, HCM, 2014, 15-16.

[2] x. Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2012, 291-292.

[3]x.  Lm. Đường Thi, Thiên Chúa Giáo Và Tam Giáo, Tủ sách đàm đạo tôn giáo,  221.

[4] “Điều gì con không thích, thì cũng đừng làm cho ai cả” (Tb 4,15).

[5] Tính ở đây là cái tinh hoa, cốt lõi mà Trời đã ban cho con người. Và khi con người hành động theo bản tính tốt lành đó thì đó chính là đạo. Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo (Trung Dung, chương 11).

[6] Phùng Hữu Lan (Lê Anh Minh dịch), Tinh Thần Triết Học Trung Quốc, Nxb. Đại học sư phạm Tp. HCM, HCM, 2010, 54-55.

[7] x. Tôma Aquinô, Summa Theologiae II-II, q.23, a.1

[8] Lm Phao lô Bùi Đình Cao, Giáo trình Thần Học Luân Lý chuyên biệt, ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê, 2019, 78.

[9] Là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Ngài, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người lân cận như chính mình (GLHTCG, số 1822).

[10] x. Tôma Aquinô, Summa Theologiae II-II, q.23, a.2

[11] ĐGH. Bênêđictô XVI, Thông điệp Caritas in Veritate, số 9.

[12] x. ĐGH Bênêđictô XVI (Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Loan dịch), Đức tin Kitô Giáo hôm qua và hôm nay, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, 303.

[13] x. ĐGH. Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est, số 6.

 

 

Nguồn tin:
Tags :