Vũ Trụ Có Cần Thiên Chúa Để Tồn Tại Không?

Wed,25/08/2021
Lượt xem: 2825

VŨ TRỤ CÓ CẦN THIÊN CHÚA ĐỂ TỒN TẠI KHÔNG?[1]

 

Fr. Joseph Tân Nguyễn, ofm

Triết học tự nhiên khởi đầu từ sự tồn tại của hữu thể biến dịch, qua phương pháp phân tích siêu nghiệm, đạt đến sự hiểu biết về tính khởi nguyên và cứu cánh của thiên nhiên. Các truy vấn đó đưa chúng ta đến những câu hỏi cuối cùng: Liệu cuộc sống con người là đỉnh cao tách biệt cách đặc thù khỏi mọi vật chất vô tri của vũ trụ? Hay mọi tồn tại mà chúng ta biết đến chỉ là những phần tử của một tổng thể vật lý? Nếu chúng ta chấp nhận có Thượng Đế, thì sự tồn tại của vị thần tối cao này hoàn toàn tách biệt khỏi thiên nhiên, hay gắn liền với thụ tạo như một con nhện đang dệt nên mạng lưới bằng chính vật chất xuất phát từ bản thân mình? Lý trí có thể trả lời phần nào nhưng cuối cùng chúng ta phải chấp nhận tính bất khả tri của con người về những vấn nạn tối hậu như “tại sao?” và “từ đâu mà ra?” về sự sống và vũ trụ.

1. VŨ TRỤ ĐƯỢC TẠO THÀNH?

Siêu hình học, dựa trên những phương pháp phân tích tiên nghiệm có thể cho chúng ta luận cứ về sự tồn tại của một Thượng Đế duy nhất, toàn năng và toàn tri. Ba bước lý luận căn bản trong luận cứ này là: (a) một hữu thể tự tồn và tất yếu có thật; (b) bất cứ gì tất yếu và tự tồn thì hoàn hảo tuyệt đối; (c) nhưng chỉ có thể có một hữu thể hoàn hảo tuyệt đối mà chúng ta gọi là Thượng Đế.

Sự hoàn hảo tuyệt đối của Thượng Đế không thiếu sót gì cả hay không thể bị đặc định bởi cái gì khác. Điều này bao hàm Thượng Đế là một hiện thể tinh tuyền. Ngài là tất cả Ngài có thể là, do tự bản tính của Ngài, và không bị lệ thuộc vào tình trạng biến dịch hay phát triển. Điều này còn có nghĩa là Thượng Đế hoàn toàn đơn thuần và không do sự kết hợp từ bất cứ phần tử nào khác. Ngài muôn đời đã tồn tại và luôn sẽ tồn tại. Khi thiết lập bước (a) trong luận cứ này, siêu hình học đạt đến một kết luận quan trọng, đó là, bất cứ gì bất tất hay không tự tồn thì nguồn gốc và sự tiếp tục tồn tại của nó phải lệ thuộc vào cái tự tồn khác. Các định đề này được triết gia dùng như nguyên tắc để đạt đến các kết luận sau đây trong triết học về tự nhiên.

Vũ trụ, xét theo cách tổng thể và mọi phần tử của nó, không là tự tồn nhưng được tạo nên. Tất cả mọi hữu thể hoặc là tự tồn hoặc là được tạo nên, hoặc là bất tất hoặc là tất yếu. Vũ trụ, xét cách tổng thể bao gồm các thiên hà, ngôi sao, trái đất, con người, nguyên tử, các hạt điện tích (electrons), thì không hoàn hảo. Vì lẽ sự tồn tại của nó lệ thuộc vào hiện trạng quân bình của nhiều yếu tố giới hạn, luôn trong trạng thái thay đổi và tiến hóa. Vũ trụ chỉ là một tiềm thể biến dạng theo thời gian, một hệ thống lệ thuộc vào nhiều hệ thống khác, được kết tụ lại do nhiều bộ phận đặc thù và riêng biệt. Nếu bất cứ gì tự tồn và tất yếu thì hoàn hảo tuyệt đối; do đó, vũ trụ là bất tất và không tự tồn do đó được tạo nên.

Sự tồn tại của vũ trụ lệ thuộc vào Thượng Đế như là nguyên nhân tác thành. Bất cứ gì được tạo nên, đòi hỏi phải có một hữu thể tự tồn cùng lúc vừa là nguyên khởi và vừa là nguyên nhân cho sự tồn tại liên tục của nó. Hữu thể đó theo định nghĩa là Thượng Đế. Theo phiếm thần luận, vũ trụ cách nào đó xuất phát hay hóa thân từ bản chất thần linh, do đó thần thánh có thể được coi là nguyên lý vật chất hay nguyên nhân của mọi sự. Những cá thể thực thụ như các vì sao, con người, nguyên tử là các dạng thức hiện thể của bản tính thần linh này. Nếu điều này là đúng, thì Thượng Đế không còn là bất biến, hiện thể tinh tuyền, hay hoàn hảo vô hạn nữa, vì Ngài phải thay đổi với mỗi giai đoạn tiến hóa của thế giới. Thượng Đế sẽ phải chuyển từ tiềm thể sang hiện thể và tại mỗi thời điểm chỉ sở hữu một mức độ hoàn hảo nào đó. Nhưng đây là điều mâu thuẩn với các tiền đề về Thượng Đế.

Kế tiếp, luận đề vũ trụ được tạo dựng “từ hư vô” có thể được thiết lập từ các luận cứ: (1) vũ trụ được tạo nên do Thượng Đế, (2) không do bản chất thần linh, (3) không bởi bất cứ bản thể vật chất nào khác. Nếu bất cứ bản thể vật chất nào tồn tại, thì nó phải hoặc là tất yếu và tự tồn và hoặc tất yếu nhưng không tự tồn. Nhưng bất cứ gì tất yếu thì hoàn hảo vô hạn, tức là Thượng Đế, và không thể có hai hữu thể hoàn hảo vô hạn cùng lúc. Hơn nữa, bất cứ gì không tự tồn thì nguồn gốc và sự tồn tại của nó phải lệ thuộc vào Thượng Đế như là nguyên nhân tác thành.  Vũ trụ được tạo thành không do bản chất thần linh hay bất cứ bản thể vật chất nào khác tồn tại độc lập khỏi Thượng Đế, thì tất yếu vũ trụ được tạo dựng nên từ hư vô.

Kitô hữu dùng khái niệm “Chất Thể Đệ Nhất” của Aristotle, nhưng loại bỏ bản tính vĩnh cửu của vũ trụ vì theo Sách Sáng Thế, “Từ ban đầu Thiên Chúa đã tạo nên trời và đất.”  Tuy nhiên, họ vẫn tranh luận liệu luận điểm “thế giới được tạo dựng trong thời gian” có thể được biện minh bằng triết học. Thánh Bonaventure cho rằng ý tưởng vũ trụ tồn tại từ vĩnh cửu là một điều vô lý đối với triết học, trong lúc đó Thánh Thomas có ý kiến là Thiên Chúa có thể tạo nên một vũ trụ vĩnh hằng nếu Ngài muốn. Scotus và Okham không bàn đến vấn nạn này. Suarez chọn quan điểm trung lập là Thiên Chúa từ vĩnh cửu có thể ban cho thụ tạo trạng thái không biến dạng và tồn tại theo từng giai đoạn.

2. LÝ TRÍ BIẾT GÌ?

Từ những gì đã được bàn ở trên, chúng ta có thể nhận ra tại sao cần phải có Thiên Chúa để giải thích về vũ trụ. Cho dù vũ trụ giãn nở bao nhiêu đi nữa, cho dù bao nhiêu năm mà ánh sáng của nó đã vượt qua để đến với chúng ta, thì vũ trụ vẫn không bao giờ trở thành Thiên Chúa được. Bạn có thể làm cho tay cầm máy cắt cỏ dài ra bao nhiêu đi nữa, thì nó vẫn sẽ không bao giờ tự cắt cỏ được. Như thế, bằng cách gia tăng chiều kích của vũ trụ, chúng ta không thể thay đổi bản chất tùy thuộc căn bản của vũ trụ. Những chiều kích vĩ mô, hầu như không thể tưởng tượng được, của hệ thống mênh mông gồm vô số các vì sao chỉ có thể cho ta thấy rõ hơn ý nghĩa của sự toàn năng và vĩ đại của Thiên Chúa. Nhưng trong khi các nhà thám hiểm vũ trụ có thể mê hoạt trí não và khả năng tưởng tượng của con người bằng những dãy số dài cho đến vô tận, thì lý trí vẫn có thể gạt qua một bên sự rắm rối của những con số, và nêu lên câu hỏi triết học: Đâu là nguyên nhân tác thành tối hậu mà từ đó vũ trụ có thể xuất hiện.  Nếu vũ trụ là một tổng thể tùy thuộc, bất tất, và nhận sự tồn tại của nó từ ai đó hoặc cái gì khác, thì chúng ta không giải thích gì hết về vũ trụ khi chỉ nói về chiều kích vĩ đại của các phần tử của nó. Chúng ta sẽ không đạt đến tính độc lập chỉ bằng gia tăng con số của tính tùy thuộc, và cũng như chúng ta không thể trả hết nợ bằng cách tiếp tục vay thêm nợ mới.

Điều quan trọng là triết thiên nhiên không chỉ minh chứng sự tồn tại của Thiên Chúa như điều kiện nhất thiết cho khả năng hiện hữu của thế giới, nhưng hơn thế nữa, nó phải lý giải sự toàn tri vô hạn của Thiên Chúa. Điều này có thể được thiết lập mà không cần phải nại đến luận cứ thiết kế (design argument), vì lẽ khi thuyết vật chất vô thần lý luận rằng con người chiếu phóng trật tự của ảo vọng của mình lên vũ trụ, thì nó cũng phải giả định muốn làm được thế thì con người phải sở hữu trí khôn. Tuy nhiên, trí khôn của con người không thể được giải thích được nếu Đấng tạo ra con người là mù, vô lý, vô tri hay vô tâm.

Chỉ từ sự kiện vũ trụ năng động được tạo dựng bởi đấng Tạo Hóa toàn năng và toàn tri, ta có thể suy ra rằng vũ trụ có mục đích. Thiên Chúa không thể không biết trước tiến trình phát triển vốn là hiệu quả của những năng lực tự nhiên mà Ngài đặt để vào trong thụ tạo. Ngài đã đặt định mọi giai đoạn tiến hóa của vũ trụ và sinh vật như một tiến trình tự nhiên và tất yếu. Cho dù ngôi nhà trái đất của con người chỉ là một hành tinh nhỏ bé so với chiều kích vĩ mô của vũ trụ, nhưng con người vẫn giữ một tư thế đặc biệt giữa muôn loài thụ tạo trong thế giới. Ngay sự kiện con người đang sống thì đã cho thấy con người đóng một vai trò ưu việt trên các loài thụ tạo không có sự sống. Khó mà lý giải đầy đủ nguồn gốc của sự sống đầu tiên nếu không giả định sự tồn tại của một nguyên nhân thông minh nào đó. Chúng ta có thể giải thích nguồn gốc của thân xác con người qua quá trình tiến hóa, nhưng vẫn không thể giải thích nguồn gốc của bản tính thiêng liêng và phi-vật chất của linh hồn theo cách này. Thật vậy, chính linh hồn làm cho con người hiểu biết, yêu mến, chọn lựa cách tự do, và tách biệt con người khỏi mọi phần còn lại của thụ tạo. Trí thông minh giúp con người đào sâu vào những bí ẩn của thiên nhiên, thấu hiểu các hoạt động của vũ trụ để thống trị và làm chủ trái đất, và thuần hóc năng lực của tự nhiên để phục vụ cho mục đích của mình. Cho dù vũ trụ là bao la hay vĩ đại bao nhiêu đi nữa, thì con người vẫn có thể nhét nó vào trong cái đầu nhỏ nhoi của mình. Và nếu chúng ta tiếp tục phán đoán bằng số lượng thay vì phẩm chất, thì chúng ta sẽ không thấu hiểu yếu tính đặc thù của con người giữa muôn loài thụ tạo mà chúng ta biết đến.

Chủ nghĩa duy vật, phát sinh từ vũ trụ quan “địa tâm” của Ptolemy, cho rằng vai trò đặc thù của con người trong thế giới vật chất cũng sẽ bị đào thải theo số phận của vũ trụ quan này.  Mặt khác, chủ thuyết duy tâm kết nối bản chất của lý tính với vũ trụ luận để hỗ trợ cho niềm tin về tính siêu việt của con người trên mọi loài thụ tạo. Nhưng thuyết duy tâm không thể cung cấp nền tảng tất yếu để khẳng định phẩm tính và chân giá trị của con  người. Chúng ta phải phân biệt giữa những gì là thiết yếu và những gì là phụ thuộc. Chân lý thiết yếu chính là con người thật sự siêu việt hơn mọi thụ tạo vô tri và hoang dại bởi vì con người đang sống, và sở hữu một linh hồn thiêng liêng. Là Kitô hữu, khi kết nối tri thức tự nhiên với những gì đã được mặc khải liên quan đến tính bất tử của linh hồn và cùng đích siêu nhiên của nó, chúng ta sẽ có một nền tảng độc lập để khẳng định phẩm tính đặc thù của con người. Điều ngẫu nhiên là Thiên Chúa đã hình thành thân xác con người khi tạo nên con người, và đã chọn vũ trụ bất ổn này là nơi cư ngụ tạm thời cho con người. Một cách khách quan, Thiên Chúa đã ân ban cho con người lý trí và ý chí vốn giúp chúng ta biết cách điều phối phần còn lại của thụ tạo hầu để phục vụ cho nhu cầu sự sống của mình.  Sự kiện con người dùng lý trí của mình để tìm hiểu về Đấng Tạo Hóa đưa đến kết luận là Thiên Chúa đã mặc định cho con người được hiểu biết và yêu mến Đấng tạo nên mình, và sinh sống để ca tụng và làm vinh danh Thiên Chúa.

Mặt khác, không có lý do gì để khẳng định rằng bộ máy vũ trụ bao la này được đặt định bởi Thiên Chúa chỉ với mục đích tạo nên con người, hay chỉ phục vụ con người mà thôi. Lý trí không nhất thiết đưa đến kết luận như thế. Còn về mặt đức tin, khi Phaolô viết “Tất cả đều thuộc về anh em” (I Cor. 3, 21ff) và khi các Giáo Phụ khẳng định rằng con người không nên thờ phượng các vì sao vì chúng là tôi tớ, không phải là chúa tể của con người, các vị này không có ý định dùng nghĩa đơn nhất. Thật vậy, không chỉ các loài thụ tạo thấp hơn, mà cả các thiên thần, Đức Kitô và ngay cả chính Ba Ngôi đều là đang “phục vụ con người”, như Peter Lombard đã viết: “Rất là hiệu năng, bình đẳng khi đồng bàn, khiêm tốn khi phục vụ” (Super-efficiendum, aequalia ad convivendum, inferiora ad serviendum). Nhưng điều này không loại trừ cùng đích phù hợp và đặc thù của mỗi một loài. Và nếu chúng ta không thể khẳng định rằng Thiên Chúa hay thiên thần tồn tại với mục tiêu chỉ riêng cho con người, thì chúng ta cũng không thể kết luận rằng vũ trụ vật chất được tạo nên với mục đích và độc quyền xử dụng của loài người, cho dù tất cả mọi sự cách nào đó đều phục vụ và hỗ trợ sự sống của con người.

3. ĐỨC TIN BIẾT GÌ?

Đức tin cho chúng ta biết rằng linh hồn con người là bất tử và được tiền định để đạt đến thị kiến vinh phúc với Thiên Chúa trong sự sống đời sau. Qua các nhân đức siêu nhiên, ân sủng và việc làm từ thiện, lý trí và ý chí con người được nâng lên và tham dự vào cuộc sống nội tại của Ba Ngôi rất thánh. Như thế, hành trình tìm kiếm chân lý và sự thiện của con người sẽ được sung mãn với hạnh phúc siêu việt, như đã được đặt định bởi Thiên Chúa. Nhưng để đạt đến cùng đích này, con người cần phải thỏa mãn một số điều kiện mà Thiên Chúa mời gọi, căn cứ trên sự tự do đáp trả của con người. Qua đức tin chúng ta biết thân xác loài người ngày sau sẽ sống lại, và nếu xứng đáng hưởng vĩnh phúc nước trời thì thân xác sẽ được biến đổi cách huyền nhiệm và đời đời hiệp nhất với linh hồn trong cõi vĩnh hằng.  

Thêm vào đó, sự kiện Thiên Chúa xuống làm người dẫn đến sự hiểu biết về bản chất quy-Kitô của vũ trụ, như Phaolô đã viết: “Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cor 3:22-3). Đức Kitô là đầu của nhiệm thể, là trung gian giữa Thiên Chúa và con người, mọi vinh quang và danh dự và tình yêu được thụ dâng về Thiên Chúa qua Đức Kitô. Như thế, con người đạt đến sự viên mãn siêu nhiên trong và qua Đức Kitô. Trong khi quan điểm thần học này có lẽ không mấy quan trọng trong phân tích triết học về vũ trụ, nhưng là người Công giáo, chúng ta cần ý thức rằng con người không tồn tại cách trần trụi trong trạng thái tự nhiên, nhưng đã được tạo nên trong một vũ trụ siêu nhiên và quy-Kitô. Chân lý thần học này cho ta một nhãn quan đặc thù về số phận của vũ trụ vật chất. Chúng ta không phải giới hạn sự sống chỉ trong cung thời gian ngắn ngủi và hành tinh nhỏ bé mà chúng ta gọi là trái đất. Hơn nữa, chúng ta cũng không thể quả quyết rằng vai trò tối hậu của vũ trụ trong dự tính siêu nhiên của Thiên Chúa thì chỉ được đặt định bởi bản chất của hữu thể vật lý. Liệu chúng ta có thể nói mãi về cùng đích tự nhiên của con người mà không chạm đến cùng đích siêu nhiên? Vậy thì theo ý nghĩa nào mà Thiên Chúa là cùng đích của con người trong trật tự tinh tuyền tự nhiên? Liệu lý trí có thể minh chứng rằng con người được tiền định cho cùng đích siêu nhiên?

Câu trả lời đầy đủ cho các vấn đề này sẽ nằm ngoài mục tiêu của triết tự nhiên. Công Đồng Vatican II chỉ ra rằng lý trí tự nhiên có thể hiểu với mức độ chính xác Thiên Chúa là nguyên khởi và cùng đích của mọi sự. Khi cho rằng thế giới được tạo dựng nên cho vinh quang của Thiên Chúa, Công Đồng Vatican muốn nhấn mạnh động lực của tạo dựng là cứu cánh mà thụ tạo sẽ hoàn thành (finis operis) chứ không phải là cái mà tác động lên ý định tạo dựng của Thiên Chúa (finis operantis). Hơn thế nữa, các nghị phụ tích cực loại bỏ tu chính cho rằng mục đích vinh quang của Thiên Chúa là khởi nguyên và cứu cánh của thế giới, và họ chỉ đồng ý với nhau là thế giới được tạo nên cho vinh quang của Thiên Chúa. 

Có hai loại vinh quang khác biệt: bản thể (formal glory) và khách thể (objective glory), mỗi loại vinh quang đều có thể mang ý nghĩa nội tại hay ngoại tại. Căn bản nhất, vinh quang là tỏ hiện sự hiểu biết bằng lời ca tụng, một sự nhận thức công khai về sự hoàn hảo của ai đó bằng lời ca ngợi và yêu thương. Vinh quang bản thể chỉ có thể kết xuất từ một hữu thể có trí khôn. Sự nhận diện và yêu mến bản tính hoàn hảo vô hạn của Thiên Chúa thì được gọi là vinh quang bản thể nội tại, trong lúc đó, sự ý thức về sự sung mãn của Thiên Chúa nơi các thụ tạo thì được gọi là vinh quang bản thể ngoại tại. Mặt khác, một đối tượng tỏ lộ và thể hiện sự hoàn hảo của ai đó, thì có thể nói đối tượng này đã tạo nên vinh quang khách thể cho người đó. Sự thành đạt học vấn của con là vinh quang khách thể cho lối giáo dục của cha mẹ. Vinh quang bản thể thì giả định vinh quang khách thể. Mặt khác, vinh quang khách thể thì tùy thuộc một số quy kết tùy tiện.

Sự thể hiện của bản tính hoàn hảo và sung mãn vô hạn của Thiên Chúa cho thấy vinh quang khách thể nội tại của Thiên Chúa. Nhung công trình mà Thiên Chúa đã tạo dựng nói lên vinh quang khách thể ngoại tại của Người, vì mỗi một thụ tạo cách nào đó mang dấu vết của bàn tay của đấng tạo nên nó. Không gì đã được làm nên bởi Thiên Chúa mà không là hình ảnh hữu hạn và bất toàn của tính hoàn hảo vô hạn của Người.  Theo nghĩa này, mỗi sự hoàn hảo thụ tạo đều là thông dự vào sự hoàn hảo của Thiên Chúa. Hành vi tạo dựng của Thiên Chúa qua được xem như là thông truyền sự thiện hảo của Người. Và đối lại, mỗi thụ tạo mặc khải cách nào đó sự hoàn hảo của Thiên Chúa, và như thế sự tồn tại của chính nó là vinh quang khách thể ngoại tại của Người. 

Tại sao Thiên Chúa không chỉ tạo nên loài thụ tạo vô tri mà còn cả loài có trí khôn nữa? Một số học giả cho rằng Thiên Chúa có thể hài lòng chỉ với vinh quang khách thể. Số khác lý giải Thiên Chúa cần tạo nên loài thụ tạo có trí khôn để chúng lên tiếng ca ngợi đấng tạo nên mình và như thế mới có vinh quang bản thể. Câu trả lời hợp lý theo nghĩa vinh quang khách thể là Thiên Chúa không thể tạo dựng mà không có ý định vinh danh Người. Nhưng nếu Thiên Chúa đã tạo nên các hữu thể có lý trí vốn có thể biết và yêu mến Người, thì tự sự kiện đó cho thấy Người có ý định vinh danh cách bản thể nữa. Như vậy, theo lý trí tự nhiên con người vẫn có thể khẳng định rằng vinh quang bản thể là cứu cánh của vũ trụ đang hiện hữu. Đây là những gì Vatican muốn nói đến.

4. TẠI SAO THIÊN CHÚA TẠO DỰNG?

Ấn tượng sai lầm là cho rằng khi tạo nên con người, Thiên Chúa tìm kiếm vinh quang bản thể, một giá trị nào đó xứng đáng với bản tính của Người trong mọi sự Người làm. Và nếu Thiên Chúa không thể thêm gì vào sự hoàn hảo nội tại, thì sự chọn lựa còn lại chỉ là vinh quang ngoại tại. Vatican chỉ ra rằng với bản tính tốt lành của mình, Thiên Chúa muốn tỏ lộ và thông truyền sự thiện hảo của Người cho mọi thụ tạo, chứ không phải để tìm kiếm hạnh phúc hay gia tăng sự hoàn hảo của Người. Sự hoàn hảo của Thiên Chúa không buộc Người phải tạo dựng, nhưng hành vi tạo dựng của Người xuất phát từ sự tự do và lòng nhân hậu của Ngài. Vì thế, hành vi sáng tạo của Thiên Chúa chính là phản đề cho quan điểm Thiên Chúa tìm kiếm hạnh phúc cho mình.

Vì ý định tạo thành Thiên Chúa không lệ thuộc vào bất cứ điều gì khác bên ngoài, cho nên ý định tạo thành của Người vừa là nguyên nhân tác thành vừa là nguyên nhân cứu cánh của vũ trụ. Thật ra, khái niệm “cứu cánh” không thể áp dụng cho động cơ nguyên thủy, vì lẽ, nguyên nhân đệ nhất tự nó tác động chứ không do bất cứ động cơ nào khác (Aristotle). Leibniz dùng nguyên nhân túc lý (sufficient reason) vốn không có sự phân biệt giữa lý trí và cái được lý giải, để lý giải từ bản chất giới hạn của tạo thành đến khẳng định về giới hạn trong sự tự do tạo dựng của Thiên Chúa. Theo lôgic, cái được tạo dựng không thể hoàn hảo như đấng tạo dựng ra nó, cho nên thế giới này là thế giới tốt nhất Thiên Chúa có thể tạo nên. Khi dùng bất cứ gì ngoài sự tự do của Thiên Chúa để giải thích tại sao Thiên Chúa tạo dựng thế giới này mà không một thế giới khác, chúng ta đang từ chối quyền tự do của Thiên Chúa. Nguyên nhân túc lý chỉ giải thích được về giới hạn của sự thiện mà thụ tạo sở hữu tự thân, tức là điều kiện của tạo thành, nhưng nó không thể giải thích động lực tạo dựng của Thiên Chúa. 

Ý muốn tự do của Thiên Chúa là đủ để giải thích lý do Người hành động. Sự thiện hảo của Thiên Chúa là một điều thiết yếu mà thiếu nó Người không thể là Thiên Chúa. Nếu Người muốn truyền thông sự thiện hảo của Người qua tạo thành thì Người sẽ làm như thế. Nếu Người chọn từ muôn đời không tạo dựng thì Người sẽ làm như thế. Không có gì trừ sự chọn lựa tự do của Người thì đủ để giải thích tại sao mệnh đề này sẽ đúng hơn mệnh đề kia. Nguyên nhân chính đáng tại sao Thiên Chúa tạo dựng thế giới hiện này được giải thích trong phạm vi quyền năng tối thượng và ý muốn độc lập của Thiên Chúa. Thiên Chúa hành động cách hợp lý theo nghĩa là Người không (a) hành động cách mù quáng hay thiếu tri thức, hay (b) thiếu khôn ngoan như khi chọn mục tiêu mà không cung cấp phương tiện thiết yếu để đạt được mục tiêu ấy. Do đó, chúng ta có thể nói là cứu cánh hoàn hảo của vũ trụ là do Chúa chọn và ân ban những điều kiện và khả năng cần thiết để nó đạt đến cùng đích đó.

Câu nói của Thánh Augustine, “chúng ta hiện hữu bởi vì Thiên Chúa tốn lành” có thể được hiểu theo nhiều cách. Sự thiện hảo đa dạng do Thiên Chúa tạo nên trong vũ trụ nói lên đặc tính của ý định của Thiên Chúa chứ không thể là yêu sách của tạo thành. Hoặc theo Thánh Thomas, nguyên nhân cứu cánh được xem như là hình thái nguyên mẫu cưu mang cùng đích của tạo thành. Bởi vì ý niệm nguyên mẫu của các thụ tạo thì đồng dạng với sự thiện hảo vốn là bản tính của Thiên Chúa. Thụ tạo bởi sự tốt lành tự bản thân là hình ảnh hữu hạn và bất toàn của sự hoàn hảo và thiện hảo vô hạn của Thiên Chúa. Nhưng trong trường hợp này, nguyên nhân cứu cánh là điểm đến, chứ không phải là điểu kiện chi phối của ý định của Thiên Chúa. Thụ tạo không thể mặc định hay điều động ý muốn của Thiên Chúa.

Thiên Chúa không tìm kiếm hạnh phúc hay gia tăng sự hoàn hảo của Người qua cách đưa muôn loài thụ tạo vào hiện hữu. Nhưng ý định của tạo thành là để thông truyền sự thiện hảo và thể hiện sự hoàn hảo qua sự thiện mà Người trao ban nơi mỗi loài thụ tạo. Qua tiến trình tiến hóa và phát triển thụ tạo đạt đến mức độ hoàn thành viên mãn của chúng. Mỗi giai đoạn phát triển của hữu thể là một sự tốt lành tham dự vào và thông truyền với sự hoàn hảo của Thiên Chúa. Khi theo đuổi sự hoàn hảo phù hợp với mỗi hữu thể thì nó cũng đang tìm cách trở nên như Thiên Chúa. Mọi thụ tạo đều hướng về Thiên Chúa như cứu cánh của chúng, qua cách chúng theo đuổi thiện hảo dưới bất cứ hình thức nào, cho dù trí thức, tri giác, hay khao khát tự nhiên, vì lẽ không gì được cho là tốt lành, trừ khi cách nào đó nó đang tham dự vào sự đồng dạng với Thiên Chúa.

Một cách hiển nhiên, Thiên Chúa đã muốn mọi thụ tạo có trí khôn trở nên giống như Người qua cách hiểu biết và yêu mến những gì Người biết và yêu mến. Tri thức về Thiên Chúa, cộng với lời ca tụng và tình yêu được hiểu như vinh quang bản thể. Khi hướng về cùng đích siêu nhiên này thì mọi sự như tạo thành, thánh hiến, và ân sủng được xem như là những phương tiện. Con người trong chương trình siêu nhiên của Thiên Chúa là vinh quang bản thể của qua Đức Kitô và với Đức Kitô. Từ đó con người đón nhận ân sủng vốn cải biến linh hồn con người thành bản tính siêu nhiên. Đức Kitô qua nhân tính siêu nhiên của người kết xuất một mức độ vinh quang bản thể ngoại tại tối cao. Nhập Thể đại diện cho giai đoạn tột đỉnh của thụ tạo được thông dự vào sự thiện hoàn hảo của Thiên Chúa.

5. THIÊN CHÚA LÀ KHỞI NGUYÊN VÀ CỨU CÁNH CỦA TẠO THÀNH

Khoa học loại trừ bất cứ quy luật tiền định nào về vũ trụ vật chất, nhưng cuối cùng thì khoa học vẫn cố tìm cho ra trật tự kết xuất từ sự hỗn loạn và ngẫu nhiên để thế giới tồn tại. Nếu chúng ta loại trừ cứu cánh, thì không thể có lý do nào để giải thích tại sao có sự cân bằng giữa năng lực và sự hỗn độn (entropy) đang bảo trì sự tồn tại liên tục của vũ trụ. Hơn nữa, cho dù khoa học giả định sự sống phát triển một cách ngẫu nhiên, nhưng khoa học vẫn không thể loại trừ hoàn toàn sự can thiệp nào khác từ bên ngoài để có sự sống (Behe). Có vô số các trường hợp mà sự sống đạt đến mục đích rất sáng tạo và thích ứng với mọi tình huống của thiên nhiên. Nếu không có những mô hình hoạt động và thích ứng trong thiên nhiên, thì cũng không có khoa học. Luận cứ “thiết kế” của Thánh Thomas vẫn còn giá trị cho thế giới khoa học ngày nay để minh chứng cho sự tồn tại của một Thiên Chúa toàn tri và siêu việt. Thuyết tiến hóa có thể củng cố giá trị của sinh học tiến hóa, nhưng cũng minh chứng cho sự can thiệp của một trí tuệ thông minh và sáng tạo từ bên ngoài quá trình tiến hóa.

Chúng ta nhận thấy cứu cánh trong vũ trụ thì tồn tại song song với các chứng cớ của sự hỗn loạn.  Chúng ta không hiểu tại sao một Thiên Chúa thông minh tuyệt đối lại có thể tạo dựng cách lãng phí, bất tất và thiếu cần kiệm như thế.  Liệu một Thiên Chúa thông minh phải tận dụng cả bộ máy phức tạp và bao la gồm vô số thiên hà chỉ để tạo nên một hành tinh có khả năng bảo trì sự sống, đặc biệt khi sự sống con người chỉ là một giây khắc nhỏ nhoi so với khoảng thời gian thành hình của vũ trụ? Nhưng chúng ta cần tránh phán đoán sai lầm về mục đích tạo dựng của Thiên Chúa chỉ đơn độc từ quan điểm nhân học. Chủ thuyết nhân học lý luận rằng nếu một người thông minh sẽ không làm thế, thì một vị Thiên Chúa thông minh cũng sẽ không làm như vậy. Nhưng đường lối của Thiên Chúa thì khác với đường lối của con người. Khi dùng hình thức đa dạng hay lộ trình phức tạp để đạt đến cùng đích có phải là lãng phí và thiếu khôn ngoan, hay là chứng cớ của quyền năng? Trong phạm vi sinh học, những loại “virus” hay “genes” đơn sơ nhất, tuy chưa phát triển hoàn toàn nhưng đã thành công nhất trong những bước biến dạng đột phát ngoài sự tưởng tượng của con người. Những người yếu đuối, nguồn liệu ít ỏi, với lối sống đơn sơ thì thường cẩn trọng hơn trong cách dùng sự vật và kéo dài sự sống qua những cơn hoạn nạn hay tai họa.

Hơn nữa, chúng ta cần xem Thiên Chúa như một nghệ gia đang trình diễn trước mắt chúng ta một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại với thiên tài của Ngài. Đây là một nghệ thuật sống động vẫn còn đang diễn ra, một bức tranh minh họa tổng thể sự sống của muôn loài sinh vật được lồng trong lịch sử của chúng. Các nghiên cứu và khám phá gần đây cho thấy tiến hóa không phải là một lộ trình liên tục, nhưng đúng hơn là những bước nhảy từ một dạng thức sự sống đơn sơ, từ đó tung ra các biến dạng khác vốn phát triển theo những khuynh hướng cố định, rồi cũng bị phân tán qua thời gian và chỉ có vài phần tử tiếp tục tồn tại. Chúng ta đang quan sát Nghệ Gia vĩ đại của vũ trụ, sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, đang “nhảy múa trên mặt trái đất”.  Thánh Augustine nói lịch sử là một “bài thơ đẹp nhất” được Đức Khôn Ngoan trình diễn, từ giây phút thành hình của đơn bào đầu tiên cho đến sự sống của con người, tất cả đều chỉ thuộc về một cung điệu mà thôi. Theo quan điểm này, vũ trụ cho chúng ta một bài học quí giá về các yếu tính của Đấng Sáng Thế, như toàn năng, toàn tri, bao la, sáng tạo, v.v.

Cuối cùng, nếu thế giới con người quá nhỏ bé so với một vũ trụ quá bao la, thì làm sao có thể tin rằng Thiên Chúa vẫn chú tâm đến chúng ta? Câu trả lời sẽ là: tất cả là tùy theo Thiên Chúa mà chúng ta tin là vĩ đại bao nhiêu? Nếu trí thông minh được xem là khả năng thấu hiểu chi tiết, thì đối với một Trí Tuệ hoàn hảo tuyệt đối hơn mọi trí tuệ vĩ đại trên trần gian, bao nhiêu sợi tóc chúng ta có trên đầu hay bao nhiêu con chim én rơi xuống đất cũng không thể thoát khỏi sự hiểu biết của Ngài. Ngay một nguyên tử nhỏ nhoi sẽ biến mất nếu Thiên Chúa lãng quên hay từ chối nâng đỡ nó. Sự huyền diệu của vũ trụ ở mức độ vĩ mô lẫn vi mô cho ta một cảm thức khiêm tốn lành mạnh. Sự khiêm tốn này chuẩn bị lý trí đón nhận tri thức đến từ đức tin, đánh thức nơi con người lòng khao khát cho sự sống vĩnh hằng và sự hiểu biết hoàn hảo sẽ đến trong thị kiến vinh phúc với Chân Lý Vĩnh Cửu.



[1] Joseph Tân Nguyễn, Triết Học Thiên Nhiên, Học Viện Phanxicô, Thủ Đức, 2021.

Nguồn tin: