Tri Thức Luận: Tri Thức Học Theo Thánh Tôma Aquinô

Thu,09/03/2023
Lượt xem: 1000

Đối với thánh Tôma, tri thức con người là sự liên hợp giữa nhận thức giác quan và nhận thức trí năng. Cảm giác vừa có khía cạnh hữu chất vừa vô chất. Hữu chất vì là hành động của cơ quan thân xác (giác quan). Vô chất vì là hành vi tri thức với vai trò khởi động tiến trình tri thức, cung cấp dữ liệu cho trí năng thực hiện công việc tri thức. Nhận thức trí năng cũng vừa có tính thụ động vừa năng động. Tính chủ động có khả năng nâng dữ kiện giác quan lên tầm mức vô chất cần thiết để trí năng lãnh hội yếu tính của thực tại. Từ sự lãnh hội đơn thuần phát sinh các ý niệm hay quan niệm nhờ đó hình thành nên phán đoán khẳng định có chân lý hay không.

I. BẢN CHẤT CỦA TRI THỨC

Tri thức theo mô hình Tôma là sự thông liên giữa chủ thể tri thức và thực tại hay đối tượng bị tri phát sinh sự tương ứng giữa chủ thể tri thức và thực tại.

Tuy nhiên, cơ bản mà nói, tri thức là hoạt động do chủ thể tri thức thực hiện (chủ động), như thế nó khác biệt với một sự kiện xảy đến với một chủ thể (thụ động). Và cũng không giống như một vật tác động lên một vật khác như lửa đun sôi nước.

Vì hoạt động tri thức mang tính nội tại (immanent) nơi chủ thể chứ không phải là những hoạt động chuyển hóa (transitive action) như lửa với nước. Khi đun sôi nước dường như diễn ra một sự đồng hóa liên hợp (union), nhiệt độ lửa và nước đạt tới cấp độ tương đương. Lúc đó nước nhận một mô thể mới, mô thể nóng từ lửa, nhưng lại mất đi mô thể mát cố hữu ban đầu của nó. Đàng khác mô thể nóng trong nước cũng không y hệt như mô thể nóng trong lửa. Trái lại trong tri thức trí năng và ngay cả trong nhận thức giác quan, mặc dù có sự tiếp nhận nào đó, nhưng mô thể của chủ thể tri thức không bị hủy hoại vì không phải là sự tiếp nhận chất thể hay vật lý nhưng là sự tiếp nhận vô chất (immaterial). Do đó khi tri thức, chủ thể tri thức trở thành đối tượng tri thức mà vẫn giữ được căn tính của mình, mình vẫn là mình. Được như vậy là nhờ cái gọi là trật tự ý hướng (intentional order) hay hiện hữu ý hướng (intentional existence). Nói cách khác trong tri thức, chủ thể trở thành đối tượng tri thức theo ý hướng (intentionally), và từ đó chủ thể tri thức sở hữu được một sự hoàn hảo mới của đối tượng bị tri. Vì theo Tôma, mô thể là nguyên lý hoàn hảo của sự vật mà chủ thể tri thức tiếp nhận được mỗi khi tri thức và trở nên một hay đồng hóa với chúng. Vì muốn trở thành vật bị tri, chủ thể tri thức phải sở hữu chúng nhưng sở hữu đối tượng trong tri thức không phải là sở hữu vật lý (physical possession). Đó là sở hữu mô thể của đối tượng hay sở hữu nguyên lý làm cho đối tượng là cái mà nó là (essence). Linh hồn một cách nào đó trở nên mọi sự là như vậy. Xét về phương diện thực thể (entitatively) chủ thể và đối tượng vẫn giữ căn tính của mình. Tri thức đá mà không hóa đá, tri thức lửa mà không nóng đỏ lên. Nhưng xét về phương diện ý hướng (intentionally), chủ thể tri thức trở nên đối tượng bị tri khi sở hữu được mô thể của đối tượng đó, vì thế thánh Tôma viết: “Intellectus in actu est intellectum in actu”: trí năng hiện thể là chính đối tượng tri thức ở hiện thể; nói cách khác, trí năng khi thực sự tri thức thì trở nên sự vật mà ta tri thức. Vật hữu tri phân biệt với vật vô tri ở chỗ vật vô tri chỉ có mô thể của chính nó trong khi vật hữu tri có khả năng thích ứng để sở hữu mô thể các sự vật khác nữa vì ý niệm của vật bị tri khi được tri thức thì ở trong chủ thể tri thức.[1]

II. CHỦ THỂ TRI THỨC

Tri thức được hình thành qua nhận thức giác quan và nhận thức trí năng, tuy nhiên nhận thức giác quan là vấn đề được tìm hiểu rộng rãi trong môn nhân triết học Tôma, nên trong giáo trình này, chương cuối cùng, phần tổng quan tri thức học Tôma chỉ sơ lược những gì liên quan trực tiếp tới tiến trình tri thức mà thôi.

Đối với thánh Tôma, tri thức là công việc của trí năng (intellect) và ngài nói đến ba thứ trí năng khác nhau:

– 1/. Trí năng thụ động (passive intellect);

– 2/. Trí năng tác động (active intellect);

– 3/. Trí năng khả hữu (possible intellect).

Nhưng chúng ta đừng quên lập trường của ngài về nhất thể tính con người hồn xác, nghĩa là tri thức không phải là sự kiện riêng của thân xác hay hồn thiêng và ba trí năng không phải là những bản thể biệt lập, chúng chỉ là những khả năng của linh hồn.

1. Trí năng thụ động

Như chúng ta đã biết về tri thức học Aristote, trí năng tác động soi sáng đối tượng giác quan, biến nó trở thành khả tri (intelligible) tương tự như ánh sáng làm cho màu sắc được nhìn thấy rõ ràng. Đối với ông trí năng tác động là năng lực thuần túy, không pha trộn tiềm thể tính, tách biệt (separate) bất tử (immortal) và vĩnh cửu (eternal). Còn trí năng thụ động có nhiệm vụ tiếp nhận các mô thể đã được trí năng tác động trừu xuất khỏi sự vật đặc thù và trở thành đối tượng nhận thức. Vào thời Trung cổ, nhiều triết gia Hồi giáo Ả rập đã giải thích trí năng tác động của Aristote là hoạt động của trí năng thần linh, soi sáng tâm trí con người. Còn trí năng thụ động đối với họ là linh hồn biệt loại của con người.

Nhưng thánh Tôma lại cho rằng trí năng khả hữu mới là mô thể tri thức của con người còn trí năng thụ động chẳng qua chỉ là khả năng thụ lãnh những ảnh niệm khả tri do trí năng tác động cung cấp. Một trí năng thụ động, mặc dầu không thụ động thuần túy, không thể thừa hành công việc tri thức là công việc của một trí năng hành động. Ngài viết: “Con người có hành động riêng biệt cao hơn các sinh vật khác. Đó là hành động hiểu biết và lý luận: hành động này là hành động của con người xét như là con người. Do đó, trong con người phải có một nguyên lý để ban cho con người cái hình sắc đặc trưng của nó (special nature), mà nguyên lý này không thể là trí năng thụ động, bởi vì nguyên lý hành động riêng biệt của con người phải bất khả thụ động và không trộn vào vật thể, mà trí năng thụ động lại trái với những điều kiện này”.[2] Chúng ta sẽ trở lại vấn đề trí năng thụ động trong một tiết thích hợp dưới đây, để bàn về hai trí năng với chức năng quan yếu: trí năng khả hữu và trí năng tác động. Trí năng khả hữu được coi là chủ thể tri thức, tức chủ thể lãnh nhận thành quả của tri thức, còn trí năng tác động thì được coi là tính chất linh động và hoạt động của linh hồn. Cụ thể hơn, trí năng tác động làm công việc trừu xuất dựa trên những dữ kiện do giác năng cung cấp để tạo nên những ảnh niệm khả tri (intelligible species) cho trí năng khả hữu.

2. Trí năng khả hữu

Tại sao thánh Tôma gọi trí năng này là trí năng khả hữu? Cần nhớ rằng, đối với thánh nhân: tri thức là trở nên sự vật mà ta tri thức, nhưng trở nên ở đây chỉ là trở nên theo ý hướng (intentionally) mà thôi. Cần phân biệt, xét về phương diện thực thể (entitatively) chủ thể tri thức và đối tượng tri thức vẫn giữ căn tính của mình, mình là gì thì vẫn vậy. Mình vẫn là cái mình là, nhưng xét về phương diện ý hướng hay tri thức (cognitively), khi tri thức là giả thiết một sự kết hợp nào đó. Vì để trở nên một với sự vật mà mình nhận thức, thì phải sở hữu nó, phải đồng hóa với đối tượng mà mình tri thức, nhưng sở hữu ở đây không phải là sở hữu theo nghĩa thể lý (physical). Đó là sở hữu mô thể (form) của đối tượng, sở hữu cái nguyên lý (principle) làm cho một vật là cái mà nó là. Như vậy, khi tri thức, chủ thể tri thức vẫn giữ cái căn tính của mình, chỉ thêm cho mình sự hoàn hảo là mô thể của đối tượng mà mình tri thức. Nói cách khác chủ thể tri thức và đối tượng bị tri xét về vật lý hay thể lý (physical) thì vẫn khác biệt, nhưng đồng hóa (identical) xét về phương diện tri thức (cognitively). Thực vậy, để nói lên bản chất của tri thức là một sự gặp gỡ giữa chủ thể và đối tượng, thánh Tôma đã định nghĩa tri thức là: “sự tương ứng giữa trí năng và sự vật” (adaequatio intellectus et rei), và ngài còn nói mạnh hơn trong câu đáng ghi nhớ này: “intellectus in actu est intellectum in actu”, trí năng hiện thể là chính đối tượng tri thức ở hiện thể. Nghĩa là chính lúc tri thức (in actu) thì chủ thể và đối tượng là một.

Vậy tri thức là trở nên đối tượng nhờ ý hướng. Như thế trí năng tức chủ thể tri thức không là cái chi một cách cố định và cũng không trở nên cái gì một cách cố định. Thánh Tôma đã nêu tính cách “khả hữu” của trí năng con người như sau: “những vật hữu tri và những vật vô tri phân biệt nhau ở chỗ này: các vật vô tri không có mô thể nào khác ngoài mô thể của chính mình, còn vật hữu tri thì có cả mô thể của sự vật khác nữa, bởi vì ảnh niệm của vật bị tri ở trong vật chủ tri. Vậy, hiển nhiên là bản chất của vật vô tri thì hạn hẹp và bị giới hạn nhiều hơn. Còn bản tính của vật hữu tri thì có biên độ lớn hơn và ngoại trương rộng hơn. Vậy một cách nào đó, linh hồn là tất cả mọi sự”.[3]

Khi thánh Tôma viết “có mô thể của mình và có mô thể của sự vật khác nữa”, ngài có ý cho ta nhớ lại: mô thể là cái làm cho sự vật A là sự vật A và B là B. Mô thể A ở trong sự vật A và làm cho nó là sự vật A. Còn khi ý thức tôi hướng về sự vật A thì ý thức tôi là sự vật A. Tuy nhiên mô thể sự vật A có ở trong ý thức tôi đi nữa thì cũng chỉ ở đó do ý hướng của tôi. Thành thử khi nào tôi không hướng về sự vật A nữa thì ý thức tôi hết có mô thể A và lập tức lại có những mô thể khác.

Chính vì sự luôn luôn thay đổi mô thể ý hướng (intentional form) như thế, nên linh hồn ta không định hình, không cố định, nhưng luôn luôn giữ bản tính khả hữu của nó. Do đó nó có tên là trí năng khả hữu. Thánh Tôma gọi linh hồn ta, tức trí năng khả hữu là khả năng trở nên tất cả mọi sự.

Thánh nhân đặc biệt nhấn mạnh tính chất khả hữu của trí năng khả hữu và ngài coi đó là bản tính biệt loại của trí năng con người. Cũng như sau này, ngài sẽ nhấn mạnh lên tính chất khả tri (intelligibility) của vạn vật. Tính chất khả tri của vạn vật không bộc lộ ngay cho tâm trí ta như Plato tưởng, nhưng bị giấu kín trong mỗi vật cá thể và trí tuệ phải trừu xuất thì mới nhận ra được mô thể của chúng. Chỉ có tri thức thực sự (intellectus in actu) khi trí năng ta là sự vật mà ta biết (intellectuns in actu). Trước khi có tri thức hiện thể đó, trí năng ta chỉ là trí năng khả hữu. Thánh Tôma bàn về vấn đề này trong Tổng luận thần học.[4] Nơi đây ngài nhắc tới lập trường của nhóm duy nhiên (natural philosophers) và nhóm Plato. Cả hai nhóm đều chủ trương một thứ tri thức hiện thể hay tức khắc, tuy bằng hai cách khác nhau:

– 1/. Nhóm duy nhiên cho rằng “cái tương tự được biết bởi cái tương tự” (like is known by like), vì linh hồn và vạn vật được cấu tạo bởi cùng các nguyên tố giống nhau, cho nên linh hồn ta tri thức vạn vật một cách hiện thể. Họ cho rằng linh hồn có bản tính chung với vạn vật đến độ ai cho rằng nguyên tố của vạn vật là lửa thì linh hồn cũng có bản tính của lửa. Vì họ cho rằng sự vật hiện hữu trong linh hồn cách chất thể (materially) nên mọi nhận thức của linh hồn đều hữu chất, bất kể là trí năng hay giác năng. Nhưng đối với Aristote, linh hồn không thực sự (actually) tổng hợp mọi sự vật. Cái hợp thể không thể biết được nhờ những yếu tố của nó, cho nên ta không thể nhờ những nguyên tố (lửa, nước, khí,…) mà biết được vạn vật. Theo thánh Tôma, nếu linh hồn nhờ những đơn tố của vạn vật mà biết vạn vật thì vạn vật, ngay cả bùn đất cũng có tri thức, bởi vì chúng cũng được cấu thành bởi những nguyên tố như linh hồn;

– 2/. Còn nhóm Plato chủ trương những mô thể tự tại, cho nên giữa linh hồn vô chất và những mô thể vô chất đó cũng có sự thông hiểu hiện thể. Cái vô chất tìm đến cái vô chất cũng tương tự chủ trương của nhóm duy nhiên. Thánh Tôma cũng phi bác chủ trương này vì nếu thực sự linh hồn đã có tri thức trước khi nhập vào xác thì không lẽ linh hồn lại quên tất cả như thể chưa biết gì. Đàng khác, kinh nghiệm cho thấy khi con người thiếu một giác quan nào thì nó không thể có những tri thức thuộc giác quan đó. Vậy phải kết luận: thuyết Plato hoàn toàn mơ hồ.

Sau khi đã giúp hiểu rõ bản chất của trí năng khả hữu, thánh Tôma còn cho rằng chính trí năng khả hữu là mô thể tri thức của con người. Như chúng ta đã nghiên cứu trên đây, tri thức của triết học hiện đại đề cao tương đồng tính (correlat) giữa khả năng tri thức và đối tượng tri thức, thánh Tôma cũng nhấn mạnh đến sự tương ứng (adoequatio, conformity) như sau: “Vì khả năng tri thức thì tương ứng với đối tượng mà ta có thể tri thức, cho nên bản thể khả tri tách biệt khỏi vật thể là đối tượng riêng biệt của trí năng thiên thần là loại trí năng hoàn toàn biệt khỏi vật thể. Còn trí năng con người là loại trí năng kết hợp với vật thể, thì có đối tượng riêng là niệm tính (quiddity) tức bản tính (nature) hiện hữu trong một chất thể vật thể rồi nhờ những bản tính của các sự vật hữu hình này, linh hồn có thể lên tới chỗ tri thức phần nào những sự vô hình”.[5]

Khả năng tri thức thì tương ứng với đối tượng mà ta có thể tri thức (the power of knowledge is proportioned to the thing known) vì đối tượng của khả năng tri thức con người là những mô thể hiện thể của vạn vật, nhưng chưa hiện thể với khả năng tri thức của ta, bởi vì sẽ phải trừu xuất nó ra, cho nên khả năng tri thức của con người có tên là trí năng khả hữu. Do đó theo thánh nhân: “Cái nhờ đó một vật nào hoạt động thì phải gọi là mô thể của vật đó. Bởi vì cái chi hoạt động cũng chỉ hoạt động theo phương diện nó là hiện thể mà thôi. Nhưng đàng khác mỗi vật chỉ ở hiện thể được là nhờ mô thể của mình”. Cho nên mặc dù theo Aristote thì trí năng tác động (active intellect) được coi trọng hơn, vì theo ông trí năng tác động mang yếu tố thần linh. Còn đối với thánh Tôma thì trí năng tác động chỉ được coi là một đặc tính của linh hồn con người và chỉ trí năng khả hữu được ngài coi là mô thể của trí năng con người. Vậy chúng ta nên nhớ vai trò quan trọng của trí năng khả hữu. Chính trí năng khả hữu tri thức và hiểu biết: “the possible intellect by which the soul understands”,[6]mặc dù nó phải nhờ đến trí năng tác động, như sẽ trình bày dưới đây.

3. Trí năng tác động (active intellect)

Thánh Tôma cũng coi trí năng tác động là một khả năng (power)của linh hồn. Ngài viết: “Theo quan niệm của Plato thì không cần phải nhận có trí năng tác động để làm cho có những cái khả tri hiện thể. Bởi vì Plato chủ trương rằng những mô thể của vạn vật thì hiện hữu vô chất thể và như vậy chúng là khả tri rồi […] Trái lại vì Aristote không nhận có những mô thể vạn vật hiện hữu một cách vô chất thể, mà những mô thể hiện hữu trong chất thể thì không khả tri cách hiện thể, cho nên những bản tính, tức mô thể vạn vật mà chúng ta tri thức, đã không khả tri một cách hiện thể. Đàng khác không cái chi được đem từ năng thể tới hiện thể mà không nhờ một hữu thể nào đó ở hiện thể: như giác quan ở hiện thể là nhờ có cái khả giác hiện thể. Bởi vậy, trí năng có một khả năng nào đó để làm thành những khả tri hiện thể, bằng cách trừu xuất các ảnh niệm ra khỏi những điều kiện chất thể của chúng, vì thế mà cần phải nhận có trí năng tác động”.[7]

Cần lưu ý hai điểm:

– 1/. Thánh Tôma không gọi trí năng tác động là một tài năng riêng biệt, nhưng ngài gọi nó là khả năng (power) của trí năng, tức khả năng tri thức của con người. Ngài có ý nhắc đi nhắc lại chữ “khả năng” để gọi bản chất của trí năng tác động và giúp ta ý thức rằng, đó không phải là một thực tại biệt lập, nhưng chỉ là một khả năng, đặc tính của linh hồn. “Nếu trí năng khả hữu là thành phần của linh hồn chứ không phải là một bản thể biệt lập, thì trí năng tác động là cái làm cho có những ành niệm khả tri trong trí ta, cũng không phài là một bàn thể biệt lập, nhưng chỉ là một thứ khả năng hoạt động của linh hồn mà thôi”.[8]

– 2/. Còn về vai trò của trí năng tác động tức công việc trừu xuất, thánh nhân cũng đề phòng chúng ta đừng mắc vào những ngộ nhận: theo ngài, trí năng tác động không có liên can gì với các sự vật khả giác, nhưng chỉ liên can và hành động tới trí năng khả hữu mà thôi. “Trí năng tác động không làm thành những ảnh niệm khả tri hiện thể để rồi chính nó tri thức chúng nhất là như kiểu một bản thể biệt lập. Nhưng nó chỉ hoạt động với mục đích là cho trí năng khả hữu tri thức được, nhờ những ảnh niệm kia, cho nên trí năng tác động chỉ làm cho các ảnh niệm trở thành thích ứng với sự tri thức của trí năng khả hữu”.[9]

Nói rằng trí năng tác động không có liên can gì đến các sự vật khả giác và chỉ liên can đến những hành động của trí năng khả hữu mà thôi, nói thế không có nghĩa là trí năng tác động không tác động tới các đối tượng khả giác, nhưng chỉ có ý nhấn mạnh vào sự kiện này: trí năng tác động không thực sự trừu xuất các mô thể khả tri ra khỏi những điều kiện khả giác của chúng để rồi chính nó tri thức chúng, nhưng chỉ hành động trong tương quan mật thiết với trí năng khả hữu với mục tiêu làm cho trí năng khả hữu có khả năng nhận được các mô thể trừu tượng của vạn vật mà thôi.

Đã rõ, trừu xuất là hành động của trí năng tác động. Trừu xuất là chuyển từ giác ảnh (sense species) sang ảnh niệm khả tri (intelligible species), nhờ ảnh niệm khả tri này, trí tuệ thấy xuất hiện một yếu tính để chiêm ngưỡng và lãnh hội. Nói cách khác, yếu tính nằm trong sự vật hay thực tại nhưng chưa khả niệm ở hiện thể, vẫn còn ở năng thể, nên trí năng tác động phải hiện thể hóa cái khả niệm đang nằm trong sự vật thành ảnh niệm khả tri để trở thành đối tượng của trí năng khả hữu.

III. ĐỐI TƯỢNG TRI THỨC

Khác với chủ thuyết duy nghiệm chỉ cho con người biết được ấn tượng của sự vật trên giác quan, còn chủ thuyết duy trí cũng chỉ nhận cho con người khả năng tri thức được những bản thể duy niệm. Trái lại, theo thánh Tôma, con người có khả năng tri thức từ những hữu thể hữu hình đến những hữu thể vô hình, vì ngài phân biệt tri thức con người gồm hai đối tượng: 1) đối tượng riêng biệt, 2) đối tượng tương xứng.

1. Đối tượng riêng biệt (proper object)

Thánh nhân đã dành hẳn một chương 84 trong Tổng luận thần học phần I, để bàn về đối tượng riêng biệt của con người.

Đối tượng riêng biệt của trí năng con người là niệm tính (quiddity) tức mô thể đang hiện thể nơi vật thể cá thể, đặc thù nhưng không xét như nó là mô thể của vật thể đặc thù, cá thể đó (form existing individually in corporeal matter but not as existing in this individual matter) (nhờ trừu xuất). Như vậy đối tượng riêng biệt của tri thức ta vừa cụ thể, vừa phổ quát. Phổ quát vì ta không xét như nó là mô thể của sự vật mà ta đang đối diện với, nhưng cụ thể vì ta chỉ biết được là nhờ sự vật đặc thù đang đối diện với ta. Trước khi nói tới niệm tính, thánh nhân trình bày cho ta biết quan điểm của ngài về giác ảnh (sense species -phantasm) tức mô thể khả giác (sensible form), ngài bắt đầu bằng sự xác nhận lập trường của ngài: “principium totius nostroe cognitiones est a sense”. Đối với giác quan ngài nhắc lại thái độ của một số triết gia: Plato coi linh hồn và xác là hai bản thể biệt lập, cho nên sự vật chỉ có thể kích động cơ thể ta thôi, rồi hồn ta nhận định các biến cố thân thể mà có những hình ảnh khả tri. Còn Aristote cho rằng vật thể thực sự tác động đến trí năng ta và cần có sự can thiệp của trí năng tác động hòng biến thể những mô thể khả giác kia thành những ảnh niệm khả tri, tuy nhiên ông vẫn rụt rè với tri thức giác quan. Còn thánh Tôma ngài viết: “về phía các giác ảnh (phantasm) công việc tri thức có nguyên nhân là giác quan. Nhưng bởi vì các giác ảnh không đủ khả năng biến cải trí năng khả hữu nên chúng cần phải nhờ trí năng tác động để trở thành khả tri hiện thể, vì thế không thể nói rằng, tri thức giác quan là nguyên nhân trọn vẹn và toàn hảo của tri thức trí tuệ mà chỉ có thể gọi nó là chất liệu của nguyên nhân thì đúng hơn”.[10]

Sau giai đoạn chuẩn bị, tức giai đoạn cảm giác, bây giờ đến giai đoạn tri thức thực sự mà thánh Tôma gọi là tri thức trí tuệ (intellectual knowledge). Đối tượng của tri thức trí tuệ là niệm tính (quiddity) (yếu tính, niệm tính, bản tính thường có ý nghĩa tương đương nhau. Tuy nhiên niệm tính không nhất thiết phải là yếu tính hoàn toàn đúng nghĩa, tức yếu tố làm nên sự vật, nhưng là một yếu tố nào đó của yếu tính cũng đủ).

Chúng ta cần nhận thức rõ ràng quan điểm của ngài về vấn đề niệm tính: “Trong trạng thái của đời sống hiện nay của ta khi mà trí năng ta kết hợp với một cơ thể dễ cảm thụ (passible) thì trí năng không tri thức điều chi một cách hiện thể mà lại không nhờ đến giác ảnh… Ai cũng có thể nghiệm thấy nơi chính mình điều này khi ta cố gắng tri thức điều chi, thì ta thường tạo cho mình những giác ảnh để làm như tỉ dụ và ta nhìn vào những giác ảnh đó như nhìn vào cái mà ta đang cố gắng tìm hiểu…

Lý do là: khả năng tri thức thì tương ứng với cái khả tri. Theo đó trí năng thiên thần là trí năng hoàn toàn biệt khỏi vật thể, cho nên có đối tượng riêng biệt là bản thể khả tri biệt khỏi vật thể. Còn như trí năng con người là trí năng kết hợp với thân thể thì có đối tượng riêng biệt là niệm tính tức bản tính hiện hữu trong một chất thể vật thể… Bản tính đó hiện hữu nơi một cá thể và không thể tách biệt khỏi chất thể vật thể. Thí dụ bản tính loại đá thì hiện hữu trong viên đá này và bản tính loài ngựa thì hiện hữu trong con ngựa này. Về các loại khác cũng thế.

Bởi thế ta không thể tri thức cách toàn vẹn và thực sự bản tính loài đá hay bất cứ bản tính sự vật vật chất nào trừ khi ta biết nó như nó đang hiện hữu nơi cái đặc thù. Và ta lãnh hội cái đặc thù nhờ giác quan và trí tưởng tượng. Cho nên muốn tri thức đối tượng riêng biệt của mình, trí năng phải quay lại với giác ảnh hòng tìm thấy, bản tính phổ quát đang hiện hữu nơi cái đặc thù. Giả sử đối tượng riêng biệt của trí năng ta là mô thể biệt lập hoặc giả thử bản tính của những sự vật khả giác không hiện hữu nơi các vật đặc thù như chủ trương của nhóm Plato thì không cần trí năng ta luôn phải quay về với giác ảnh như thế”.[11]

Trong đoạn văn trên đây, ta cần hiểu rõ hai khái niệm quan trọng của thánh nhân: 1) niệm tính và 2) sự quay về với giác ảnh.

a/. Niệm tính (quiddity)

Thánh Tôma vạch ra cái thang bậc của tri thức: bậc thấp nhất là tri thức giác quan (tri thức của loài vật) có đối tượng riêng biệt là: mô thể xét như là mô thể của cá vật đặc thù. Bậc thứ hai là tri thức của con người, tri thức của trí năng, có đối tượng riêng biệt là mô thể đang hiện hữu nơi một cá vật đặc thù nhưng không xét như nó là mô thể của cái đặc thù đó. Lên một cấp nữa là tri thức thiên thần với đối tượng riêng biệt là: mô thể biệt lập vô chất. Trên cùng là trí năng Thượng Đế với đối tượng là chính bản thể của Ngài. Chỉ một mình trí năng Thiên Chúa có khả năng tri thức được bản thể hiện hữu của Ngài.

Nhìn lại đối tượng riêng biệt của trí năng con người, ta thấy đối tượng đó là bản tính cụ thể (concrete essence) nghĩa là bản tính đang hiện hữu nơi những vật đặc thù cụ thể và tri thức con người bao giờ cũng phải quay về với giác ảnh nghĩa là gắn liền với sự vật cụ thể. Như vậy tri thức theo quan niệm của thánh Tôma là một tri thức hết sức cụ thể. Niệm tính (quiddity) trong học thuyết của ngài là một quan niệm cụ thể. Cái mà triết học hiện đại cho là cần thiết.

b/. Giác ảnh (phantasm)

Tri thức con người theo thánh Tôma bao giờ cũng phải quay về với giác ảnh (turning to the phantasm) nhưng không dừng lại ở đó như chặng cuối của tiến trình tri thức, mặc dù nơi giác ảnh đã có một phần của cái phổ quát. Đối tượng của tri thức con người là mô thể đang hiện hữu nơi cá vật đặc thù điều này nhấn mạnh vào tính chất cụ thể của đối tượng tri thức con người nhưng lại không xét như nó là mô thể của cái đặc thù đó, điều này nói lên tính chất phổ quát của tri thức con người không bị giam hãm trong cái hiện hữu đặc thù. Như vậy ngài vừa nhấn mạnh lên tính chất cụ thể vừa nhấn mạnh lên tính chất phổ quát của tri thức con người. Nói một cách dễ hiểu hơn, vì trí năng con người vô thể (incorporeal) nên không tiếp xúc với ấn tượng giác quan (sensory impressions). Do đó phải liên tục quay về với giác ảnh nhờ nó thông tri về các biến cố cảm giác nếu trí năng không luôn luôn quay về với giác ảnh thì tuyệt nhiên không thể thông tri những quan niệm về thế giới cho kẻ khác cách chính xác.

2. Đối tượng tương xứng (adequate object)

Trí năng con người không bị giới hạn trong lãnh vực của niệm tính (quiddity) mà tất cả những gì hữu (being) đều là đối tượng của trí năng con người. Nếu không, trí năng con người bị giam tù một cách tuyệt vọng trong lãnh vực những cái đặc thù.

Thực ra khi định nghĩa đối tượng riêng biệt của trí năng con người là mô thể đang hiện thể nơi vật thể nhưng không xét nó là mô thể của vật thể đặc thù đó, thánh Tôma đã đồng thời nhận thức tầm rộng rãi của tri thức con người rồi: trong cái đặc thù cụ thể kia, đã có cái phổ quát và đã có cái vô chất. Nếu trí tuệ ta bị giới hạn chặt chẽ vào đối tượng riêng biệt của nó, thì nó sẽ không biết được cái chi khác ngoài cái yếu tính của các sự vật vật chất, cũng như thị giác chỉ tri giác được cái trương độ có màu sắc mà thôi. Nhưng theo nền tảng, linh hồn ta có bản tính tinh thần, cho nên có một cửa mở vô hạn, do đó ta có thể suy luận được về các bản thể biệt lập (thiên thần…).

Đối tượng tương xứng của trí tuệ con người là hữu thể xét theo tất cả bề rộng của hữu thể. Phân tích sự phán đoán ta thấy rằng cái mà ta đạt tới trước nhất nơi vạn vật là hữu thể của chúng: cái tôi tri giác kia hiện hữu. Đó là nhận thức đầu tiên của trí tuệ. Do đó người ta phải nhận rằng hữu thể mà ta đạt được như vậy không nhất thiết là hữu thể này hay hữu thể kia, nhưng bất cứ hữu thể nào và tất cả những gì bao gồm dưới ý niệm của hữu thể. Như vậy hữu thể thực tại, hữu thể luận lý, hữu thể hiện thể, hữu thể khả hữu, hữu thể thiên nhiên và hữu thể siêu nhiên đều nằm trong lãnh vực của trí năng con người, bởi vì trí năng được coi là khả năng của hữu thể[12] và chỉ có niệm tính của sự vật vật chất là được lãnh hội một cách trực tiếp, còn trường hợp các thực tại siêu việt được lãnh hội cách loại suy (analogy).

IV. CÔNG VIỆC TRI THỨC THEO THÁNH TÔMA

Để hiểu tiến trình tri thức của học thuyết thánh Tôma, chúng ta cứu xét 3 giai đoạn của công việc tri thức.

1. Giai đoạn giác ảnh (phantasm)

Giác ảnh là hình ảnh sự vật được ghi nhận trên giác quan nội (internal sense) con người. Giác ảnh tổng hợp những cảm giác khác nhau thành một tổng thể, tương tự như một bản chất chung (common nature), rồi thông tri cho trí năng tác động làm chất liệu cho công tác trừu xuất (abstraction). Vì thế không nên coi giác ảnh là ấn bản hay bản in của vạn vật mà chỉ nên coi là mô hình (scheme) của ngoại vật mà thôi. Những mô hình này đã mang phần nào tính chất phổ quát và chúng làm trung gian giữa cái đặc thù mà ta tri giác trực tiếp bằng giác quan và cái phổ quát đích thực mà trí năng sẽ đạt tới sau đó.

Giác ảnh là hình ảnh trung thành (likeness) của ngoại vật, nhưng đây là những hình ảnh còn vấy chất cảm giác, chưa là đối tượng cho trí năng được. Về điểm này, thánh Tôma viết: “linh hồn thì vô chất cách hiện thể (actually immaterial) nhưng lại ở năng thể đối với những hình ảnh đặc thù của vạn vật. Trái lại, các giác ảnh thì thực sự là những hình ảnh giống hệt (actual likeness) của sự vật, nhưng chúng chỉ có khả năng trở thành vô chất mà thôi. Bởi vậy không có chi cản trở để cũng một linh hồn duy nhất, xét như là vô chất hiện thể vừa có khả năng làm nên những vô chất hiện thể bằng cách trừu xuất chúng khỏi những điều kiện vật chất cá thể _ và cái khả năng này được gọi là trí năng tác động _ vừa có khả năng lãnh nhận những ảnh niệm kia _ và khả năng này được gọi là trí năng khả hữu _ xét vì nó ở năng thể đối với những ảnh niệm đó”.[13]

Đối với thánh Tôma, đối tượng của trí năng vừa phải in hệt (actual likeness) với ngoại vật, vừa phải hoàn toàn vô chất, trong hai điều kiện đó, trí năng tác động giữ một và giác ảnh giữ một. Trí năng thì hiện thể vô chất nhưng lại chỉ có khả năng lãnh nhận mô thể của ngoại vật thôi. Còn giác ảnh thì hiện thể giống hệt ngoại vật, nhưng lại chưa thực sự vô chất. Như thế trí năng và giác ảnh cũng đóng vai trò chủ động trong công việc tri thức. Trí năng đóng vai chính (tác viên), còn giác ảnh đóng vai phụ, vai nguyên nhân dụng cụ.

2. Giai đoạn ảnh niệm (species)

Đây là giai đoạn trừu xuất và lãnh nhận ảnh niệm vào trong trí năng khả hữu (possible intellect).

Thánh Tôma khẳng định: “trừu xuất là kết quả của hoạt động trí năng tác động (active intellect) trừu xuất ảnh niệm khả tri (intelligible species) khỏi giác ảnh (phantasm) hay hình ảnh sự vật khả giác. Trừu xuất không phải là một tiến trình cơ giới (mechanical process) lột bỏ vỏ ngoài chất thể để lấy ra cái lỗi khả tri (intelligible core) bên trong. Nó là một khả năng chủ động cứu xét bản chất của các sự vật khả giác, không quan tâm đến các điều kiện cá biệt của chúng”.[14]

Có ba loại trừu xuất

a/. Phương pháp trừu xuất chung (Abstractio totius – abstraction of the whole)

Chung cho mọi khoa học (trừ toán học và siêu hình học). Phương pháp trừu xuất này loại bỏ cái đặc thù để giữ lại cái phổ quát nơi nguyên lý chất thể. Trừu xuất trong tri giác thuộc loại này. Đối với thánh Tôma, trong phương pháp trừu xuất này, cần phân biệt hai loại chất thể:

– Chất thể cá thể hay cụ thể (individuated matter – signate matter),

– Chất thể chung (common matter): chung cho mọi thành phần của một loại.

Khi tri giác, chúng ta trừu xuất chất thể cá thể, vẫn giữ lại chất thể chung, vì vạn vật hiện hữu trong vũ trụ đều có mô thể và chất thể, cho nên quan niệm trừu xuất theo kiểu abstractio totius phải bao hàm cả hai nguyên lý đó. Về điểm này thánh Tôma viết: “một số người trong đó có (Averroes) cho rằng ảnh niệm của sự vật chỉ là mô thể mà thôi. Nếu vậy, chất thể không nằm trong định nghĩa của sự vật. Do đó phải phân biệt hai loại: chất thể chung và cá biệt. Chất thể chung như xương thịt và chất thể cá biệt: xương thịt này. Bởi vậy trí năng trừu xuất ảnh niệm sự vật khỏi chất thể khả giác cá thể (individual sensible matter) chứ không trừu xuất khỏi chất thể khả giác chung (common sensible matter). Thí dụ: trừu xuất ảnh niệm con người khỏi xương thịt này chứ không trừu xuất hết xương thịt”[15] và thánh Tôma gọi loại trừu xuất này là abstractio a materia signata)

b/. Phương pháp trừu xuất toán học (abstractio formoe – abstraction of form)

Phương pháp này loại bỏ cả signatematter và comon matter chỉ giữ lại chất thể khả tri (intelligible matter) tức lượng tính thuần túy (trừu xuất lượng tính ra khỏi phẩm tính khả giác đi liền với nó – abstracting quantity from the sensible qualities which are subsequent to it) như màu sắc chẳng hạn. Khi định nghĩa hình chữ nhật… ta chỉ cần nói lên mô thể của loại hình đó, được xây dựng trên nền một không gian thuần túy mà thôi. Thánh Tôma gọi loại trừu xuất này là abstractio a materia sensibili, không lãnh hội bằng giác quan nhưng bằng trí năng.

c/. Phương pháp trừu xuất siêu hình (abstractio absoluta – Absolute alstraction)

Thánh Tôma gọi là separatio hay abstractio ab omni materia (loại cả ba chất thể: individuated matter, common matter, intelligible matter). Gọi là separatio vì khoa siêu hình học có đối tượng là hữu thể xét như là hữu thể, nghĩa là bất cứ hữu thể đó là hữu thể vật chất hay hữu thể tinh thần.

Về vấn đề này thánh Tôma viết: “Đối tượng tri thức thì tương xứng với khả năng tri thức (the object of knowledge is proportionate to the power of knowledge) khả năng tri thức có ba cấp độ (grades). Trước hết là khả năng tri thức xét như là hành động của cơ thể tức giác quan. Đối tượng của bất cứ khả năng giác quan nào cũng là mô thể xét như đang hiện hữu nơi chất thể vật thể (corporeal matter). Vì chất thể này là nguyên lý cá thể (individuality) cho nên khả năng của giác quan là tri thức cái đặc thù mà thôi. Loại khả năng tri thức khác, vừa không phải là hành động của cơ thể vừa không liên kết với vật thể: đó là trí năng của thiên thần. Đối tượng của khả năng tri thức này là: mô thể tự lập tách khỏi vật chất (a form subsisting apart from matter). Còn trí năng loài người thì ở vào trung độ: trí năng này không phải là hành động của một cơ thể nhưng là một khả năng của linh hồn, là mô thể của thân thể. Bởi vậy đặc tính của nó là tri thức mô thể đang hiện hữu nơi một vật thể cá thể nhưng không xét như là mô thể của sự vật đặc thù đó. Tri thức cái ở trong chất thể đó chính là trừu xuất mô thể ra khỏi chất thể cá vật được biểu tượng nơi các giác ảnh. Bởi vậy nhất thiết phải nói rằng trí năng ta tri thức các sự vật vật chất bằng cách trừu xuất ra khỏi các giác ảnh, rồi nhờ các vật thể được tri thức kiểu đó, chúng ta đi tới chỗ có một tri thức nào đó về những hữu thể vô hình”.[16]

3. Giai đoạn quan niệm hay ngôn từ

Cuối cùng thánh Tôma trình bày tiến trình tổng quát công việc tri thức của con người như sau: trong công việc tri thức, chủ thể hữu tri lần lượt liên can đến bốn yếu tố này:

– 1/. Sự vật mà ta tri thức;

– 2/. Ảnh niệm khả tri (intelligible species) nhờ nó mà trí năng trở thành hiện thể;

– 3/. Ấn ảnh (impressed species): Trí năng thụ động.

– 4/. Diễn ảnh (expressed species) hay quan niệm của trí năng (concept of intellect).

Cần tìm hiểu khái niệm ấn ảnh và diễn ảnh hay quan niệm trong tiến trình tri thức của thánh Tôma.

Theo cách diễn giải của cha Copleston (Aquinas, 1955, Penguin) về tiến trình tri thức của thánh Tôma: trí năng tác động (active intellect) khám phá yếu tố mô thể phổ quát hàm chứa trong giác ảnh (phantasm), rồi trừu xuất yếu tố đó thành ảnh niệm khả tri (intelligible species) tạo ra nơi trí năng thụ động (passive intellect) một ảnh niệm gọi là ấn ảnh (impressed species). Đối với thánh Tôma trí năng thụ động cũng ở trong tư thế tiềm thể (potentiality) đối với đối tượng khả tri, do đó ấn ảnh có nhiệm vụ hiện thể hóa (actuate – đánh thức, khởi động) tiềm năng tri thức của trí năng thụ động. Khi thực hiện chức năng đó, ấn ảnh cũng xác định đối tượng tri thức rõ nét hơn. Nếu trí năng thụ động chỉ tiếp nhận ấn ảnh một cách thụ động thì nó chưa phải là tài năng tri thức, vì sự tiếp nhận lúc đó chỉ là thu động trong khi tri thức là một hành động nội tại năng động. Tuy nhiên ấn ảnh không phải là đối tượng được tri thức. Nó vẫn chỉ là cái qua đó đối tượng được tri thức. Nói rõ hơn ấn ảnh chỉ là phương tiện qua đó (medium through which- medium in quo) như qua kính chúng ta nhìn thấy vật gì đó. Nhưng thánh Tôma chưa cho giai đoạn lãnh nhận ảnh niệm hay ấn ảnh là hành động tri thức thực sự. Chỉ khi nào trí năng thụ động với ấn ảnh làm phát sinh nơi trí năng khả hữu một diễn ảnh (expressed species) hay quan niệm, tức khắc trí năng khả hữu trở thành hiện thể, khởi động giai đoạn tri thức đích thực. Diễn ảnh ví như phương tiện trong đó (medium in which – medium in quo) như khi ta soi hình trong gương. Theo các học giả đáng tin cậy thì giai đoạn diễn ảnh cũng chính là ngôn từ hay quan niệm. Chỉ khi nào thực sự có sự hiểu biết, trí năng mới có thể phát biểu ra quan niệm hay ngôn từ.

Nhưng quan niệm cần có một sự đối chiếu với thực tại, vì quan niệm hướng chú ý chúng ta về sự vật chứ không hướng chú ý chúng ta về chính nó. Mặc dù quan niệm thì in hệt như đối tượng, nhưng để cho sự in hệt của quan niệm đối với đối tượng trở thành một cái chi được ta tri thức và do đó đạt tới chân lý thực tại trong ý thức chúng ta, thì trí năng cần phải đưa ra một phán đoán về thực tại đó. Đây cũng chính là cơ sở của chân lý. Nên biết, theo thánh Tôma, trí năng gồm ba chức năng:

– 1/. Lãnh hội (apprehension);

– 2/. Phán đoán (Judgement);

– 3/. Lý luận reaconing).

Hai chức năng lãnh hội và phán đoán thuộc về tri thức học, còn chức năng lý luận thuộc về luận lý học. Trí năng lãnh hội yếu tính sự vật, nhưng yếu tính không phải là hiện hữu. Chúng ta có thể lãnh hội yếu tính sự vật nhưng có thể chưa biết vật đó hiện hữu hay không. Phải nhờ đến chức năng phán đoán dựa trên kinh nghiệm (existential judgement) mới nhận thức được hiện hữu hay không. Như vậy, ta biết được yếu tính sự vật qua lãnh hội đồng thời biết được sự hiện hữu của nó qua phán đoán. Hai hoạt động này diễn ra cùng một lúc.

Sự khác biệt giữa thánh Tôma và Aristote về quan niệm tri thức

Đối với Aristote, khi tri thức, mô thể của đối tượng hiện hữu trong trí năng, chủ thể tri thức, còn chất thể ở bên ngoài vì như cục sáp nhận dấu ấn của chiếc nhẫn mà không cần chất kim loại làm nên chiếc nhẫn. Như vậy mô thể vô chất thể (without matter) chỉ là yếu tính (essence), vì theo ông thật phi lý khi cho rằng đối tượng chất thể lại hiện hữu trong trí năng như ngoài thế giới vật lý.

Đối với Tôma, quan niệm của Aristote không hoàn toàn thỏa mãn, vì chất thể là một yếu tố thiết yếu đối với một bản thể (substance : form + matter). Nếu chất thể không thuộc thành phần đối tượng tri thức thì tri thức đó xem ra bất toàn. Tôma cho rằng trong tri thức không phải chỉ mô thể mà cả ảnh niệm của đối tượng cũng ở trong trí năng ta. Ảnh niệm là sự kết hợp giữa mô thể và cái mà thánh nhân gọi là chất thể chung (xommon matter) – Xem tiến trình trừu xuất của thánh nhân trên đây. Chất thể chung khác chất thể được cá thể hóa (individuated matter) là chất thể gồm khối lượng vật lý của đối tượng. Tuy nhiên lý thuyết của ngài cũng bị phản đối vì xem ra đối tượng tri thức cũng vẫn là ý niệm hơn là chính thực tại. Theo đó quan điểm của ngài hình như vẫn mang màu sắc duy tâm (idealism).

Có lẽ tiên liệu được phê phán trên, nên ngài đã nêu ra những khác biệt sau đây:

– 1/. Vì bao hàm được ý niệm chất thể nên ảnh niệm của đối tượng xem ra vẫn giống với đối tượng hơn là chỉ có mô thể vô chất như quan niệm của Aristote.

– 2/. Lại nữa, theo ngài, khoa học không nhằm vào nhận thức đối tượng đặc thù, mà theo đuổi cái chung cho mọi đối tượng thuộc một loại nào đó. Về phương diện này, quan điểm của thánh nhân tương đồng với quan điểm khoa học. Một hòn bida của cơ thủ A rơi khỏi bàn bi, điều đó không phải là mối quan tâm trực tiếp của các nhà vật lý. Cái mà họ quan tâm trực tiếp là qui luật chi phối sự chuyển động của bất cứ sự rơi nào.

– 3/. Hơn nữa, thánh nhân còn phân biệt giữa cái được tri thức (quod, which) và cái nhờ đó (quo, y which) ta tri thức. Xác định cái được tri thức là xác định đối tượng của tri thức, còn xác định cái nhờ đó mà ta tri thức là muốn xác định phương tiện dùng để tri thức như trên ngài đã trình bày, ảnh niệm của sự vật không phải là chính đối tượng tri thức nhưng là phương tiện để nhận thức thực tại hầu dẫn tới chân lý. Thánh nhân viết: “một số triết gia chủ trương rằng, các khả năng tri thức ở trong ta chỉ biết được những giao động (ấn tượng – impressions) của chính mình mà thôi. Chẳng hạn, giác quan chỉ biết được những giao động của nó thôi tức ảnh niệm mà nó lãnh nhận.

Như vậy, ảnh niệm sẽ chính là cái mà ta tri thức. Nhưng quan niệm này tỏ ra sai lầm rõ ràng vì hai lý do:

– Vì những điều chúng ta hiểu biết cũng là đối tượng của khoa học. Vậy nếu những gì chúng ta hiểu biết chỉ là những ảnh niệm khả tri trong linh hồn thì khoa học sẽ không quan tâm tới những thực tại ở ngoài linh hồn mà chỉ quan tâm tới những ảnh niệm khả tri trong linh hồn, như thế có khác gì quan điểm của nhóm Plato khi cho rằng chỉ có khoa học về những ý niệm và theo họ đó là những điều được nhận thức cách hiện thể.

– Và sẽ mắc phải sai lầm của các triết gia cổ đại chủ trương rằng tất cả những cái “dường như” (seems) đều chân thật và những điều tương phản cũng đều đúng, vì nếu khả năng tri thức chỉ biết được những giao động của riêng mình thì nó cũng chỉ phán đoán về những giao động ấy thôi. Trong tình huống ấy sự vật dường như tùy theo giao động xúc tác lên khả năng tri thức.

Như vậy, khả năng tri thức sẽ luôn luôn phán đoán về những giao động của riêng mình. Như thế mọi phán đoán đều đúng cả. Chẳng hạn, nếu vị giác chỉ cảm nhận những giao động hay cảm thụ những ấn tượng của riêng mình, lúc đó ai có vị giác lành mạnh sẽ phán đoán: mật ong có vị ngọt và họ cho rằng phán đoán của họ là đúng. Cũng thế, những ai có vị giác nhiễm bệnh sẽ phán đoán: mật ong có vị đắng điều này cũng đúng vì mỗi người phán đoán theo những cảm thụ vị giác của riêng mình. Như thế mọi ý kiến đều đúng và nói tổng quát, mọi nhận thức đều đúng. Do đó phải nói rằng, đối với trí năng, ảnh niệm khả tri là cái nhờ đó trí năng tri thức…

Bởi vì trí năng tự phản tỉnh về mình, cho nên nhờ sự phản tỉnh này, nó tri thức được công việc tri thức của nó và tri thức được ảnh niệm (là cái nhờ đó nó tri thức). Như vậy ảnh niệm khả tri là cái được tri thức thứ yếu (secondarily) mà thôi, còn cái mà ta tri thức trước tiên là chính sự vật mà ảnh niệm khả tri kia là hình ảnh.[17]

Xưa nay nhiều người giải thích méo mó học thuyết của thánh Tôma như sau: khi ta sờ vào sự vật, thoạt tiên ta thấy lạnh tay (cảm giác) rồi nhân cái lạnh tay này ta mới nhận ra có sự vật gì lạnh vừa chạm vào tay ta. Nhưng qua đoạn văn trên đây, ngài quả quyết rằng, ta biết cái đặc thù trước rồi mới biết cái phổ quát sau. Ta chỉ tri thức cái phổ quát (ảnh niệm) trong tiến trình tri thức nghĩa là trong chính hành vi quay về với giác ảnh mà thôi. Khi thánh Tôma nói rằng trí năng ta chỉ đạt tới các ảnh niệm khả tri của sự vật mà thôi vì tri thức của ta là hành vi nội tại không động chạm chi đến sự hiện hữu của đối vật, và xét về phương diện này thánh Tôma đã nói rằng ảnh niệm khả tri là cái ta tri thức đầu tiên, nhưng lại phải nhớ rằng ảnh niệm bao giờ cũng là ảnh niệm của một sự vật cụ thể. Do đó, dầu có nói rằng đối tượng trực tiếp của trí năng là ảnh niệm thì câu này không những không chối sự hiện hữu của đối vật, mà thực ra càng nói lên sự hiện hữu đó. Vì chính tính chất khả tri của sự vật đã làm nên tính chất khả tri của quan niệm.

V. KHẢ NĂNG VÀ GIỚI HẠN CỦA TRI THỨC

Trên đây khi nghiên cứu về đối tượng của trí năng, thánh Tôma vừa nhấn mạnh lên tính chất cụ thể của tri thức, vừa nhấn mạnh lên tính chất phổ quát của nó, đồng thời trí năng còn có một cửa mở vô hạn có thể tri thức được các bản thể biệt lập. Ở đây chúng ta muốn nói đến tri thức của ta về Thiên Chúa. Theo thánh Tôma, con người không thể tri thức bản tính Thiên Chúa như vẫn tri thức bản tính vạn vật, ngài đã đưa ra nguyên tắc căn bản của khoa tri thức học của ngài: “Khi còn ở đời này, chúng ta không có khả năng tri thức những bản thể biệt lập bởi vì bản tính của trí năng ta là gắn liền với giác ảnh (phantasm). Như vậy, ở đời này trí năng ta càng không có khả năng tri thức bản tính Thiên Chúa là bản tính còn siêu việt trên tất cả các bản thể biệt lập’’.[18]

Thánh nhân nhấn mạnh vào bản tính của trí năng con người, con người chỉ có khả năng tri thức niệm tính (quiddity) của các sự vật vật chất mà thôi, không thể có một thứ tri thức nào khác gọi la tri thức theo bản tính. Ngài viết: “Những lời đó của thánh Âu Tinh: _Truth must be known first and through it other things can be known and this seems to mean the divine truth. It appears then, from this words, that we see God himself who is his own truth and thus we known other things through him[19] _ không có nghĩa là ở đời này chúng ta có thể tri thức chính bản thể của Thiên Chúa, nhưng chúng ta chỉ tri thức nhờ hình bóng mà thôi. Thánh Tông đồ cũng chủ trương như thế về tri thức mà ta có ở đời này, khi ngài nói: Bây giờ ta nhìn thấy qua hình bóng và cách bí ẩn – mặc dầu hình bóng này, trí tuệ ta có diễn tả Thiên Chúa một cách gần giống hơn các sự vật thấp kém khác, tuy nhiên tri thức mà ta có thể có về Thiên Chúa vẫn không vượt qua tầm loại tri thức phát sinh do giác quan, bởi vì chính linh hồn cũng chỉ biết bản tính mình do sự nó có tri thức các bản tính vạn vật. Như vậy, theo con đường này, thì tri thức của ta về Thiên Chúa cũng không cao hơn khi ta nhờ quả mà biết nhân”.[20]

Nhờ quả mà biết nhân, đó là kiểu nói diễn tả tri thức loại suy.

Chương 88 phần I, Tổng Luận Thần Học thánh Tôma bàn về tri thức các thực tại siêu việt. Ngài nhắc đến lập trường của Plato cho rằng không những ta có khả năng tri thức những thực tại siêu việt nhưng đó còn là những đối tượng ta tri thức trước tiên và dễ dàng nhất. Sau đó, ngài nhắc đến lập trường của Aristote mà ngài cho là đúng với kinh nghiệm hơn, vì Aristote cho rằng trí năng con người có tương quan bản nhiên với những bản tính của sự vật vật chất, bởi đó, khi tri thức bao giờ ta cũng phải quay về với giác ảnh. Như vậy, theo khả năng tri thức hiện nay của ta thì những bản thể vô chất vì không rơi vào giác quan và trí tưởng tượng của ta nên không thể tri thức chúng cách trực tiếp và ngay từ đầu được.

Nhờ quả mà biết nhân, nhờ vạn vật mà biết Thiên Chúa, như vậy, chỉ nhờ hình bóng để có một tri thức nào đó về Thiên Chúa mà thôi . “Vì các bản thể vô chất thuộc một trật tự khác hẳn với các niệm tính của sự vật vật chất, cho nên dầu trí tuệ ta có trừu xuất những niệm tính đó cách hoàn hảo thế nào đi nữa thì chúng cũng không bao giờ đạt tới trình độ giống với bản chất vô chất. Thành thử, chúng ta không thể nhờ các bản thể vật chất để tri thức các bản thể vô chất một cách đích thực”.[21]

Dựa trên lập trường này, thánh Tôma giải quyết dễ dàng tri thức mà ta có thể có về thần linh (thiên thần…) và Thiên Chúa.

1. Thần Linh

Về thần linh, ta có thể có một tri thức nào đó. “Tự những sự vật vật chất chúng ta có thể tiến lên chỗ có một tri thức nào đó về các sự vật vô chất, nhưng không thể đạt được tri thức đích thực, bởi vì ta không có cách nào mà so sánh thực sự hai loại thực tại đó, nếu có những nét tương tự giúp ta lấy những vật hữu hình để tri thức những vật vô hình, thì những nét tương tự đó cũng xa xôi lắm”.[22]

2. Thiên Chúa

Về Thiên Chúa, thánh Tôma viết: “Các bản thể vô chất không thuộc về cùng một thực tại như những bản chất vật chất, bởi vì chất thể và năng thể ở hai loại đó không cùng một thể như nhau, tuy nhiên chúng cùng ở trong một loại luận lý với nhau, vì chúng cùng ở trong phạm trù “bản thể ” (thụ tạo). Còn Thiên Chúa thì không có chi chung với các sự vật vật chất, dầu xét theo loại thực tại, dầu xét theo loại luận lý, bởi vì Thiên Chúa không có ở trong một loại. Cho nên nhờ tính chất tương tự của sự vật vật chất, ta có thể tri thức một cái chi tích cực về các Thiên thần, xét như cùng chung một loại, nếu không cùng chung một thứ. Còn Thiên Chúa thì không có cách nào để tri thức Ngài”[23].

Dầu vậy, chúng ta đừng tưởng thánh Tôma rơi vào chủ nghĩa bất khả tri. Chúng ta không có đường đi trực tiếp đến với Thiên Chúa, nhưng chúng ta có lối đi gián tiếp, đó là – nhờ hiệu quả mà tri thức nguyên nhân . Do đó, ngài viết: “Trong những lập luận để minh chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa, chúng ta không nên lấy bản tính tức niệm tính Thiên Chúa làm phương tiện, nhưng thay vì niệm tính, ta phải lấy hậu quả làm phương tiện… Do những hậu quả như thế mà ta nhận ra ý nghĩa của danh từ Thiên Chúa, bởi vì các danh từ của Thiên Chúa đều đã được đặt cho Ngài xét theo những hậu quả Ngài thực hiện”.[24]

Thánh Tôma tỏ ra thận trọng nhưng chắc chắn khi xác định khả năng tri thức về Thiên Chúa của con người, giúp chúng ta vừa ý thức về tính chất vô cùng siêu việt của Thiên Chúa, vừa nắm chặt mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người.

Tổng hợp ba dạng thức tri thức

Sau hai chương bàn về tri thức học của một số triết gia tiêu biểu trong lịch sử triết học và tri thức học thánh Tôma, chúng ta có thể tổng hợp tiến trình tri thức của họ dưới ba dạng thức sau đây:

a/. Nhóm duy thực cực đoan (extreme realism)

Nhóm này cho rằng tri thức trí năng (intellectual knowledge) là con đường duy nhất dẫn đến hiểu biết thực tại đích thực:

– 1). Plato chủ trương các ý niệm là những thực tại đích thực và vĩnh cửu. Sự vật xuất hiện trước giác quan chúng ta chỉ là những hình bóng của ý niệm. Tri thức thực tại chỉ đạt được bằng cách thoát khỏi sự lừa dối của giác quan. Ông minh họa quan điểm này bằng ẩn dụ cái hang.

– 2). Sau này René Descartes muốn thiết lập triết học và khoa học trên ý niệm rõ ràng và phân minh. Đối với ông ý niệm rõ ràng là dấu hiệu của chân lý và ông đã phát triển phương pháp hoài nghi để đi đến khẳng định sự hiện hữu của cái tôi là chân lý không thể tranh cãi được. Nhưng cái tôi ấy lại đồng hóa với tư duy nên ông đã cho rằng những ai chủ trương có một thế giới hiện thực là ngây thơ.

– 3). I. Kant vẫn tiếp tục dòng suy tư đó. Theo ông chúng ta không thể biết được thực tại tự thân nhưng có thể hiểu biết cơ cấu tư duy của trí tuệ và chúng ta áp đặt cơ cấu đó lên kinh nghiệm giác quan của chúng ta làm cho nó có ý nghĩa.

b/. Nhóm duy danh (nominalism)

Nhóm này chủ trương chỉ có cá thể hiện hữu, còn hạn từ chỉ bản chất chung đều vô nghĩa. Nhóm duy danh nhấn mạnh hay đề cao tri thức giác quan vì mọi sự xuất hiện trước giác quan đều là cá thể (individual). Như thế phủ nhận hay coi nhẹ tri thức trí năng và trừu tượng hóa. William of Occam là thành viên chính của nhóm này. Ông cho rằng một hạn từ chung chỉ là âm vang vô nghĩa (a wind of the voice – flatus vocis). Duy danh mở đường cho duy nghiệm và duy thực nghiệm (positivism) đại diện là Thomas Hobbes, John Locke, George Berkeley, David Hume và nhiều triết gia cận đại khác. Jean Paul Sartre cũng gần với quan điểm duy danh. Không có cái gọi là bản chất vì không có Thiên Chúa sáng tạo thì không có ai ấn định bản chất mỗi loại. Mỗi cá thể muốn là gì thì tự thiết kế, tự do lựa chọn. Nếu chỉ có cá thể hiện hữu và không có bản chất thì cũng không có nguyên lý phổ quát. Như vậy mỗi tình huống đều khác nhau cách triệt để. Luân lý hoàn cảnh (situation ethics) phát sinh từ thuyết duy danh.

c/. Nhóm duy thực chiết trung (moderate realism)

Chủ thuyết này ở trung độ giữa duy thực cực đoan và thuyết duy danh. Duy thực chiết trung phân biệt chính sự vật và cách thế sự vật hiện hữu. Sự vật hiện hữu trong trí năng theo cách thế phổ quát (universal), ngoài thực tại nó hiện hữu như một cá thể (individual). Duy thực chiết trung là quan điểm của Aristote, Tôma Aquinô, và các triết gia hiện đại Công giáo như Jacques Maritain và Etienne Gilson. Duy thực chiết trung thừa nhận cả tri thức giác quan, giới thiệu sự vật theo cá thể tính của chúng và cả tri thức trí năng, giới thiệu sự vật theo bản chất phổ quát của chúng. Vì đặt căn bản trên sự kiên định của bản chất con người nên duy thực chiết trung thừa nhận luật tự nhiên làm nền tảng cho tiêu chuẩn chân lý luân lý.

 Lm. GB. Nguyễn Đăng Trực, OP.


[1] S. T. Ia q. 14; a. 1

[2] Summa contra gentiles, lib II. ch. 60, 2

[3]S. T. Ia, q. 14, a. 1

[4] Ia, q. 84, a. 2, ad.3

[5] S. T. Ia, q. 84, a. 7

[6]S. C. G. lib II c.6, 22

[7] S. T. Ia, q. 79, a. 3

[8] S. C. G, lib. II, c. 76, 4

[9] S. C. G. lib. II, c. 76, 3

[10] S. T. Ia, q. 84, a. 6

[11] S. T. Ia, q. 84, a. 7

[12] De veritate, q1. a.1

[13] S. T. Ia, q. 79, a. 4, ad. 4

[14] S. T. Ia, q. 85, a. 1, ad. 4

[15] S. T. Ia, q. 85, a. 1, ad. 2

[16] S. T. Is, q. 85, a. 1

[17] S. T. Ia, q. 85, a. 2

[18] S. C. G. lib. III, c. 4, 1

[19] S. C. G lib. III, c.47, 4

[20] S. C. G, lib. III, c. 47, 8-9

[21] S. T. Ia, q 88, a. 2

[22] S. T. q 88, a. 1, ad. 1

[23] S. T. Ia q 88, a. 2, ad. 4

[24] S. C. G, lib. I, c. 12

 

Nguồn tin: catechesis.net
Tags :