Tiểu Luận Triết Học: Sự Bất Toàn Của Lý Trí Theo Blaise Pascal Trong Tác Phẩm Suy Tưởng

Mon,17/03/2025
Lượt xem: 886

 

-------------------------

 

DẪN NHẬP

Năm 1931, nhà toán học người Áo Kurt Gödel (1906 – 1978) công bố định lý bất toàn. Theo đánh giá của tờ The New Yorker, một tạp chí danh tiếng của Mỹ, đây là một trong những khám phá khoa học vĩ đại nhất thế kỷ XX.[1] Định lý bất toàn phát biểu: “Bất cứ điều gì mà bạn có thể vẽ một vòng tròn bao quanh nó sẽ không thể tự giải thích được bản thân nó mà không tham chiếu đến một cái gì đó ở bên ngoài vòng tròn, một cái gì đó mà bạn phải thừa nhận là đúng nhưng không thể chứng minh.”[2] Định lý này đã giáng một đòn nặng nề vào chủ nghĩa thực chứng vốn cho rằng bất cứ cái gì không thể đo lường hoặc chứng minh được đều vô nghĩa. Với khám phá mang tính lịch sử này, Gödel đã chỉ ra một giới hạn cho những điều chúng ta có thể giải thích hoặc chứng minh, rằng nó không phải là tất cả những gì con người có thể biết.

Ngược dòng gần bốn thế kỉ trước khi định lý Gödel ra đời, trong tác phẩm Suy Tưởng, Blaise Pascal (1623 – 1662) nói: “Hành động cuối cùng của lý trí là thừa nhận rằng có một lượng vô hạn những thứ vượt tầm của nó.”[3] Là một nhà khoa học hàng đầu với những phát minh vĩ đại ở thế kỉ XVII, tất nhiên Pascal biết về những thế mạnh vượt trội của lý trí. Ông khẳng định không phải cái gì khác mà chính lý trí làm nên sự vĩ đại của con người. Tuy nhiên, theo ông, dù lý trí có đạt đến tầm cỡ nào thì nó cũng có những giới hạn nhất định, còn đó những chân lý nằm ngoài khả năng nhận thức của nó. Để nhận biết những chân lý ấy người ta cần nại đến một hình thức nhận thức khác, nhận thức bằng tâm. Việc nhận thức bằng tâm giúp lý trí mở ra những chân trời mới trong việc tìm kiếm chân lý.

Trong bài tiểu luận với đề tài: “Sự bất toàn của lý trí theo Blaise Pascal trong tác phẩm Suy Tưởng”, ở phần thứ nhất, người viết điểm qua một số nét cơ bản về định nghĩa và vai trò của lý trí trong lịch sử triết học qua một số tác giả tiêu biểu; nhất là dưới nhãn quan của Pascal lý trí có vai trò như thế nào. Ở phần thứ hai, người viết xin trình bày sự bất toàn của lý trí được cụ thể ra sao. Với phần thứ ba, người viết nêu lên hệ quả của việc nhận ra sự bất toàn của lý trí là gì.

CHƯƠNG I: ĐỊNH NGHĨA VÀ VAI TRÒ CỦA LÝ TRÍ

“Lý trí” là một hạn từ quen thuộc mà người ta vẫn thường dùng khi so sánh sự khác biệt cơ bản giữa con người và con vật. Từ thời Hy Lạp cổ đại, vượt qua thế giới thần thoại, các triết gia đã dùng lý trí như một phương tiện để truy tầm ý nghĩa tận cùng của mọi sự. Trong lịch sử triết học, mỗi triết gia thuộc mỗi thời đại nhìn lý trí dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Nhưng chung quy lại, người ta nhìn nhận lý trí là yếu tố làm nên sự vĩ đại của con người.

1. Định nghĩa lý trí

Theo “Từ điển từ và ngữ Tiếng Việt” của Nguyễn Lân, “lý là lẽ; trí là hiểu rõ. Lý trí là năng lực của con người để hiểu biết và xét đoán được sự vật.”[4] Một định nghĩa cơ bản khác, theo “Từ điển Tiếng Việt” của giáo sư Hoàng Phê, “lý trí là khả năng nhận thức sự vật bằng suy luận, khác với cảm giác, tình cảm.”[5]

Thuật ngữ lý trí xuất phát từ tiếng Hy Lạp, lý trí đồng nghĩa với "λόγος" (logos), “đó là một hình thức căn bản của sự hiểu biết, là mục đích của hành động và của tư tưởng, là một nẻo đường dẫn đến chân lý.”[6] Trong “Từ điển triết học Kant”, lý trí được mô tả như là năng lực để phán đoán một cách chính xác, về mặt tự nhiên thì ở điểm này ai cũng như nhau. Lý trí được gọi là ánh sáng tự nhiên của linh hồn. Việc có lý trí được xem như là đặc trưng có tính định nghĩa của con người và là sự phân biệt cụ thể chủ yếu giữa con người và thú vật.[7]

Như vậy, lý trí là khả năng của ý thức để hiểu các sự việc, để đánh giá và giải thích các sự kiện, để kiểm định hành động và đưa ra các quyết định dựa trên những thông tin có sẵn. Lý trí là một công cụ sử dụng trong các hoạt động trí tuệ của con người. Lý trí gắn với suy nghĩ, nhận thức, phán đoán. Với khả năng của lý trí, từ một phán đoán cho trước ta có thể dẫn đến một phán đoán có liên quan. Lý trí là năng lực chỉ có ở con người. Trong lịch sử triết học, lý trí được hiểu như thế nào và có vai trò gì theo quan điểm của một số nhà tư tưởng tiêu biểu?

2. Lý trí trong lịch sử triết học

Có thể nói, lịch sử triết học là sự cố gắng để trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa tận cùng của mọi sự với phương tiện lý trí. Với lý trí, các nhà triết học thời kì tiền Socrate đã biết ngạc nhiên, biết vượt qua những câu chuyện huyền thoại để suy tư và nỗ lực truy tìm các nguyên lý của thế giới tự nhiên.

Từ Socrate, triết học hướng đến đối tượng là con người. Với Socrate, ông xây dựng đời sống đạo đức gắn liền với nền tảng lý trí.[8] Thậm chí, ông dám chết vì nhân danh lý trí, con đường dẫn ông đến với chân lý khách quan. Với Platon, ông chia linh hồn con người thành ba phần: lý tính, cảm xúc và tình cảm. Trong đó lý tính là thành phần duy nhất bất tử. Nguyên tắc hoạt động của lý tính là lý trí.[9] Trong linh hồn, lý trí được Platon miêu tả như một vị vua điều khiển  tất cả các phần còn lại. Platon cũng chủ trương một đất nước phải được lãnh đạo bởi một triết gia, người được coi là trỗi vượt về sự khôn ngoan. Với Aristote, ông sử dụng phương pháp loại suy của thầy mình để diễn tả vai trò của lý trí. Theo ông, giống như thị giác trong đôi mắt, lý trí là thị giác trong linh hồn.[10] Aristote còn định nghĩa con người là một động vật có lý trí, nhấn mạnh lý trí như một quan năng tự nhiên của con người. Ông cho rằng hạnh phúc lớn nhất của con người là một cuộc đời tuân theo lý trí. Khi hành động theo lý trí con người sống đúng với bản chất của mình.[11]

Đến thời Trung đại, không dừng lại ở phương diện mạc khải, các triết gia Kitô giáo đã sử dụng lý trí như một công cụ để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, nổi bật nhất là Thánh Tôma Aquinô. Cũng theo ngài, đời sống luân lý và đạo đức phải đặt trên nền tảng lý trí. Mọi tiến bộ trong phạm vi hành động cũng như tư tưởng, trong lĩnh vực đạo đức cũng như chính trị đều được thực hiện bằng lý trí.[12]

Gương mặt nổi bật nhất của thời Cận đại, ông tổ của chủ nghĩa duy lý René Descartes đã chủ trương lấy “cogito”, một hành vi suy tư làm nền tảng cho việc tìm kiếm chân lý đích thực. Với châm ngôn “cogito ergo sum”[13] (tôi suy tư tôi hiện hữu), Descartes đã đẩy vai trò của lý trí lên một vị trí cao quý nhất.

Theo Kant, nhà triết học nổi tiếng với những tác phẩm phê bình lý trí, trong xã hội tự do, mỗi cá nhân buộc phải hoàn thành mục đích của cuộc đời họ bất kể cách nào họ thấy nó phù hợp, miễn là hành động của họ tuân theo quy tắc đạo đức được tạo ra bởi lý trí. Tư tưởng của Kant tập trung  trả lời cho ba câu hỏi: Thứ nhất, chúng ta có thể biết gì? Phần này nghiên cứu lý trí như một  quan năng phân biệt thật giả; thứ hai, con người phải làm gì? Phần này nghiên cứu lý trí như một quan năng phân biệt thiện ác; thứ ba, con người có thể hi vọng gì? Phần này nghiên cứu lý trí như một quan năng có thể nắm bắt mục đích tính của các sự vật, đặc biệt là cái đẹp.[14]

Như vậy, lý trí là một chủ đề xuyên suốt trong lịch sử triết học và nó đóng một vai trò quan trọng trong đời sống con người. Với khả năng của lý trí, con người đã biết đặt vấn đề về sự hiện hữu của chính mình, của vũ trụ, của Thiên Chúa. Dưới ánh sáng của lý trí, con người biết mình phải sống làm sao để phù hợp với tư cách con người. Còn dưới cái nhìn của Pascal, lý trí có vai trò gì?

3.  Vai trò của lý trí theo Pascal

Theo Pascal, lý trí là điểm khác biệt cơ bản giữa con người và các loài khác sinh ra trong tự nhiên.

“Con người chỉ là một cây sậy, thứ yếu nhất trong thiên nhiên, nhưng đó là một cây sậy biết tư duy. Không cần nhất thiết toàn bộ vũ trụ phải võ trang để nghiền nát anh ta. Hơi nước, một giọt nước cũng đủ giết anh ta. Nhưng nếu vũ trụ làm vậy, con người có lẽ cao quý hơn kẻ giết mình, bởi anh ta biết rằng anh ta chết và biết lợi thế mà vũ trụ có trội hơn anh ta; còn vũ trụ chẳng biết gì về điều đó.”[15]

Quả vậy, nhờ lý trí con người biết mình là ai, biết về những thế mạnh và giới hạn của mình so với vũ trụ. Nhờ lý trí, con người trở nên trỗi vượt so với phần còn lại của vũ trụ. Pascal chấp nhận một con người khiếm khuyết về mặt thể lý, ông chấp nhận một người không đôi tay, không bàn chân nhưng ông không thể hình dung nổi một con người không có tư tưởng; anh ta hẳn chỉ là một hòn đá hoặc một con vật.[16]

Nếu như con vật chỉ hành động theo bản năng, “con vẹt vẫn lau chùi cái mỏ của nó cho dù nó đã sạch”[17] thì con người lại hành động dưới sự hướng dẫn của lý trí. Nhờ lý trí, con người biết cách hành xử làm sao để đúng tư cách là một con người. Bởi lẽ, mọi phẩm giá và sự vĩ đại của con người cốt ở việc họ hành động dưới sự chỉ dẫn của lý trí.[18] Lý trí như một người dẫn đường và còn hơn thế, “lý trí điều khiển chúng ta độc đoán hơn nhiều so với một người thầy; bởi khi không tuân theo lý trí chúng ta sẽ gặp rủi ro.”[19]

Bên cạnh đó, nhờ lý trí, con người làm chủ được những bản năng thấp hèn và điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp. Lý trí vẫn luôn có mặt để lên án sự đê tiện của những đam mê. Nó phá vỡ sự yên tĩnh của những người chìm vào những đam mê ấy.[20] Bởi thế, không hành động theo lý trí là con đường dẫn đến sự suy thoái nơi con người. Pascal gọi bản chất của sự suy thoái là con người không hành động theo lý trí, thứ làm nên sự tồn tại của anh ta.[21]

Như vậy, cũng như các triết gia tên tuổi, Pascal đề cao giá trị của lý trí. Lý trí làm nên giá trị con người. Lý trí giúp cho con người sống đúng với tư cách là người. Tuy nhiên, theo ông lý trí con người có sự bất toàn.

CHƯƠNG II: SỰ BẤT TOÀN CỦA LÝ TRÍ

Sự bất toàn của lý trí khởi đi từ sự hữu hạn của thân phận con người. Sự hữu hạn đó kéo theo sự hạn chế về mặt nhận thức. Vì giới hạn về mặt nhận thức nên có những chân lý nằm ngoài khả năng của lý trí.

1. Giới hạn của thân phận con người

Là một loài sinh ra trong tự nhiên, con người phải tuân theo các quy luật sinh lý. Con người phải ăn, phải ngủ, phải được đáp ứng các nhu cầu khác. Quả vậy, nơi con người “cơn đói và cơn buồn ngủ cứ tái diễn.”[22] Các nhu cầu ấy luôn tồn tại với sự sống con người và chúng nằm trong một mối quan hệ phụ thuộc. Nhìn từ góc độ sinh học, con người chỉ là một thân sậy yếu ớt, mỏng manh phất phơ trước gió. Thân thể con người yếu mềm, sức chịu đựng kém với ngoại cảnh. Bằng kinh nghiệm cá nhân, chúng ta biết cân nặng của mình không thể so sánh với loài voi; sức kéo chẳng thể so với loài trâu; tầm nhìn xa quá hạn chế so với đại bàng. Thậm chí, các loài vi khuẩn mà với mắt thường không nhìn thấy vẫn là mối nguy hiểm thường hằng đối với con người. Cái bất lực tột cùng mà không ai có thể tránh khỏi là cái chết. Quả thế, “bản chất con người thì hoàn toàn tự nhiên; không gì mà người ta không thể biến thành tự nhiên; không gì tự nhiên mà người ta không thể mất.”[23] Dù muốn hay không, vở kịch mang tên cuộc đời mà mỗi người là một diễn viên trong đó rồi sẽ phải chấm dứt.[24] Đau thương hơn, cái chết không phải là một khoảnh khắc nhưng là một tiến trình, mỗi giây phút trôi qua là con người đang chết dần chết mòn. Pascal tưởng tượng về hình ảnh cuộc đời giống như những tù nhân bị xiềng xích, bị tuyên án tử hình, mỗi ngày vài người bị giết trước mắt những người khác, và những người còn lại nhìn thấy số phận mình trong số phận những người chung cảnh ngộ và đợi đến lượt mình, trong khi đã nhìn nhau một cách u sầu và không chút hy vọng.[25]

Bên cạnh đó, trong nội tại con người đầy sự bất nhất. Con người đầy sự đối lập trong chính bản thân mình. Một cách tự nhiên, con người vừa cả tin vừa hoài nghi; rụt rè nhưng cũng đầy hấp tấp.[26] Nơi con người chứa đầy những sự xấu xa, ngạo mạn, tham vọng, yếu đuối, đau khổ và bất công.[27] Những điều này chẳng bao giờ kết thúc khiến con người bất ổn, buồn chán, lo lắng.[28] Không loại trừ một ai, đã mang thân phận kiếp người  thì cùng chung một số phận. Pascal cảm nhận: “Tất cả những nỗi đáng thương giống nhau này cho thấy tầm vóc của con người. Đó là những nỗi đáng thương của một lãnh chúa vĩ đại, của một vị vua bị phế truất.”[29]

Như vậy, về mặt tự nhiên, thân phận con người là hư vô. Dù có khả năng suy tư nhưng con người vẫn không thể thoát khỏi kiếp thân sậy. Con người chỉ biết chấp nhận mà không biết câu trả lời:

 “Tại sao vóc dáng của tôi, thời hạn của tôi chỉ tới trăm năm chứ không phải ngàn năm? Thiên nhiên có lý do gì để cho tôi như thế, và để chọn số này thay vì con số khác trong sự vô hạn của những con số vô hạn vốn không có lý do gì để chọn số này chứ không phải số kia, không hề thử chọn số khác.”[30]

Bởi thế, mỗi người cần nhận thức được tầm mức của bản thân. Chúng ta chỉ là cái gì đó, chúng ta không là tất cả. Kéo theo đó, chúng ta không thể nhận thức một cách hoàn hảo về thế giới xung quanh cũng như về chính mình.

2.  Con người bị giới hạn về nhận thức

Trước hết, con người bị giới hạn nhận thức qua giác quan. Theo Pascal, “con người theo lẽ tự nhiên thì không thể nhìn thấy hết mọi thứ, và một cách tự nhiên anh ta không thể phạm lỗi từ góc nhìn của mình, bởi sự nhận thức qua các giác quan của chúng ta luôn đúng.”[31] Tuy nhiên, cái nhận thức đúng qua giác quan ấy chỉ mang tính chủ quan, đúng dưới một góc nhìn phiến diện. Thực ra, nhiều sự vật mà chúng ta tri giác được chỉ là ảo ảnh. Kinh nghiệm cho chúng ta biết, có những điều được xem như sự thật hiển nhiên nhưng nó khác xa với thực tế. Ví dụ, với mắt thường, việc trái đất đứng yên một chỗ là điều rõ ràng nhưng thực ra nó đang không ngừng chuyển động; hoặc chúng ta có cảm giác một đôi đũa bị gãy đôi khi nó được bỏ vào một cốc nước. Pascal nhấn mạnh:

“Con người chỉ là một chủ thể đầy sai lầm tự nhiên và không thể xoá bỏ, không có sự miễn thứ. Chẳng gì cho anh ta thấy sự thật. Mọi thứ lừa phỉnh anh ta. Có hai nguồn sự thật, lý tính và các giác quan, bên cạnh việc cả hai đều thiếu tính chân thật, chúng còn lần lượt lừa dối nhau.”[32] 

Các giác quan của con người cũng không nhận thức được một điều thái quá nào. Âm thanh lớn quá sẽ làm cho chúng ta chói tai; nhiều ánh sáng quá sẽ làm cho chúng ta chói mắt; khoảng cách xa quá hoặc gần quá sẽ cản trở tầm nhìn của chúng ta.[33]

Bên cạnh đó, khả năng ghi nhớ của con người có giới hạn. Trí nhớ là công cụ đắc lực của nhận thức, nó giúp in sâu những kí ức nhưng những kí ức cũng không tồn tại mãi. Pascal với một bộ óc thiên tài chân nhận: “Khi viết ra suy nghĩ của mình, nó đôi khi lẩn trốn tôi; nhưng điều này khiến tôi nhớ tới điểm yếu của mình, rằng tôi luôn luôn quên.”[34]

Tiếp đến, trong nhận thức của con người chứa đầy những mâu thuẫn. Mâu thuẫn là dấu hiệu tồi tệ của chân lý. Nhiều điều vốn chắc chắn lại mâu thuẫn nhau. Nhiều điều giả dối lại được chấp nhận không chút tranh cãi.[35] Ngay cả những điều đã được chứng minh bằng thực nghiệm, “có thể chỉ ra rằng có những sự chứng minh thực sự, nhưng điều này không chắc chắn. Như thế, việc này không chứng minh điều gì khác ngoài ý thức không chắc chắn rằng tất cả đều không chắc chắn.”[36]

Sau nữa, quá trình nhận thức của con người dễ phân tán và bị chi phối bởi các yếu tố ngoại cảnh. Pascal chân nhận: “Đừng ngạc nhiên nếu lúc này nó lập luận không tốt, một con ruồi đang kêu vo vo trong tai nó: Thế là đủ để khiến nó không thể có được phán xét tốt.”[37] Một con ruồi với sức mạnh không đáng kể vẫn có thể cản trở tâm trí và chi phối lên nhận thức của chúng ta.

Do đó, mỗi người đừng tìm kiếm sự đảm bảo và sự vững bền; lý trí của con người luôn bị lừa dối bởi những cái bóng hay thay đổi.[38] Khả năng nhận thức của con người có giới hạn, ngay cả hình thức cơ bản nhất là nhận thức qua giác quan đến công cụ đắc lực nhất của nhận thức là trí nhớ. Vì thế, còn có nhiều chân lý nằm bên kia cái biết qua lý trí.

3.  Những chân lý nằm ngoài khả năng của lý trí

“Không thể lý giải được việc Thiên Chúa tồn tại, cũng như việc Ngài không tồn tại; việc linh hồn kết hợp với thể xác, cũng như việc chúng ta không có linh hồn; việc thế giới được tạo ra, cũng như việc nó không được tạo ra; việc tội tổ tông nên xảy ra, cũng như không nên xảy ra.”[39]

Quả thế, những chân lý mạc khải luôn nằm ngoài khả năng nhận thức của lý trí. Con người cũng không thể giải thích được được nguyên lý vận hành của vũ trụ. Dù tài giỏi đến mấy, không một bộ óc nào có thể nghiên cứu được quá trình từ không thành có của vũ trụ này. Không một trí tuệ nào có thể diễn tả về tác giả của tuyệt tác thiên nhiên này. Trái lại, khi khám phá sự kì diệu của vũ trụ lý trí lại tìm ra những lỗ hổng của nó. Lý trí không thể tìm ra bản chất tồn tại của vũ trụ.

Tiếp đến, tình yêu là một phạm trù nằm ngoài khả năng của lý trí. Quả vậy, người ta không thể chứng minh được rằng người ta phải yêu bằng cách liệt kê theo thứ tự những nguyên nhân của tình yêu.[40] Người ta yêu vũ trụ, yêu chính mình, yêu người khác không theo một trật tự logic nào. Một tình yêu đích thực sẽ không thể cân đong đo đếm. Trong tình yêu, người ta sẽ không thể xét theo nguyên tắc có lợi hay không theo sự tính toán của lý trí.

Hơn nữa, chúng ta biết rằng, khoa học hiện đại đặt nền tảng trên những nguyên lý toán học, điều được cho là tri thức chắc chắn. Những nguyên lý toán học lại đặt nền tảng trên những hệ tiên đề. Tuy nhiên, những hệ tiên đề thì vô hạn trong sự đa dạng và tinh vi.[41] Khoa hình học hiện đại được xây dựng trên hệ tiên đề của Euclid (khoảng 380 TCN). Mọi người đều công nhận những tiên đề đó là đúng nhưng sau hơn hai ngàn năm không ai có thể nghĩ ra cách chứng minh chúng. Quả thật, theo tiên đề thứ hai trong hệ tiên đề của Euclid, hoàn toàn hợp lý khi cho rằng một đường thẳng có thể kéo dài vô tận về hai phía, nhưng không ai có thể chứng minh điều đó mà chỉ có thể chấp nhận nó với khả năng của trực giác.

Tóm lại, dù lý trí con người siêu việt đến đâu, khoa học có phát triển nhanh chóng và vượt bậc đến tầm cỡ nào thì những khám phá của nó cũng đạt đến một mức độ tương đối mà thôi. Bên kia cái biết của lý trí còn đó những chân lý nằm ngoài khả năng của nó.

CHƯƠNG III: HỆ QUẢ TỪ VIỆC NHẬN THỨC SỰ BẤT TOÀN CỦA LÝ TRÍ

Như đã nói, tư duy của lý trí dù có giỏi đế mấy rốt cuộc cũng chỉ đạt tới một cái ngưỡng nhất định. Bên kia cái ngưỡng ấy còn những sự thật mà lý trí bất lực trong việc giải thích chúng. Muốn vượt ngưỡng con người phải vận dụng trực giác, cái mà Pascal gọi là nhận thức bằng trái tim. Theo ngôn ngữ hiện đại, chúng ta có thể gọi là nhận thức bằng tâm.

1.  Giá trị của nhận thức bằng tâm

Tâm trong cách nói của Pascal không dừng lại ở phương diện ý chí hay tình cảm như cách hiểu thông thường. Tâm ở đây bao gồm bản năng, tình cảm, ý muốn, tình yêu. Tâm không bị giới hạn bởi một một yếu tố nào nhưng là một cách nhận thức của con người toàn diện.[42] Tâm là sự tiếp cận trực tiếp với chân lý.

Theo Pascal, “chúng ta biết lẽ thật không chỉ nhờ lý trí mà còn nhờ trái tim, và chính nhờ trái tim mà chúng ta biết những nguyên lý đầu tiên; và lý tính, không có phần trong đó, đừng cố gắng một cách vô ích để bài bác những nguyên lý này.”[43] Đi xa hơn, thậm chí trái tim có những lý lẽ riêng mà lý trí không biết. Theo lẽ thường, mỗi người yêu mến bản thân và nhận biết sự kì diệu của vũ trụ này một cách tự nhiên và lý trí chẳng thể biết về điều đó.[44]

Về sự nhận biết Thiên Chúa, Pascal khẳng định: “Chính trái tim nhận thấy Thiên Chúa, còn lý trí thì không. Điều này, khi ấy, chính là Đức Tin: Thiên Chúa được cảm thấy bởi trái tim, không bởi lý trí.”[45] Một cách tự nhiên, Pascal nhận thấy mình không là một hữu thể tất yếu, cũng không vĩnh cửu hoặc vô hạn; nhưng ông nhìn thấy rõ ràng trong thiên nhiên có một hữu thể tất yếu, vĩnh cửu và vô hạn.[46] Cái nhìn đích thật ấy là khả năng của trực giác, cái cảm nhận của con tim, cái nhận thức của tâm. Chỉ tâm với sự nhạy cảm của nó mới có khả năng nhận ra các thực tại vĩnh cửu. Cái tâm là cái Thượng Đế đặt để nơi tâm hồn mỗi người, để họ khao khát Ngài. Nói theo cách của Thánh Augustinô, đó là cái khắc khoải mà Thiên Chúa đặt để nơi tâm khảm mỗi người để họ khao khát Ngài. Vì vậy, theo Pascal, Đức Tin là một món quà của Thiên Chúa mà không phải là kết quả của sự suy lý.[47]

Như vậy, Theo Pascal, để nhận biết chân lý, cách riêng là sự nhận biết Thiên Chúa chúng ta cần đến khả năng của nhận thức bằng trái tim, bằng tâm chứ không phải bằng lý trí. Liệu rằng những chân lý Đức Tin, kết quả của sự nhận thức bằng tâm và lý trí có mâu thuẫn với nhau.

2. Mối tương quan giữa Đức Tin và lý trí

Trong tư tưởng của Pascal, không có sự mẫu thuẫn giữa Đức Tin và lý trí nhưng chúng còn bổ túc cho nhau. Ông nói: “Nếu người ta khiến mọi thứ quy phục lý tính, tôn giáo của chúng ta sẽ không còn huyền bí và siêu nhiên. Nếu chúng ta đi ngược lại với những nguyên tắc của lý tính, tôn giáo của chúng ta sẽ vô lý và nực cười.”[48]. Đành rằng giữa Đức Tin và lý trí có những khác biệt, nhưng không vì thế mà đối nghịch nhau. Đối tượng của Đức Tin là các chân lý mạc khải. Đối tượng của lý trí là các chân lý tự nhiên. Cũng trong ý nghĩa đó, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phác họa một bức tranh khá rõ ràng về tương quan giữa Đức Tin và lý trí trong hành trình đi tìm kiếm chân lý. Đó là một tương quan mang tính hỗ tương. Theo ngài, “Đức Tin và lý trí được ví như đôi cánh giúp cho trí khôn con người vươn lên chiêm ngắm chân lý.”[49]

Theo Pascal, có ba phương cách để Tin: lẽ phải, tập quán và nguồn cảm hứng.[50] Lẽ phải cần dùng đến khả năng của lý trí để được nhận biết. Tập quán được hình thành bởi những kinh nghiệm cá nhân. Nguồn cảm hứng được gợi lên bởi những cảm nhận của trực giác. Pascal nhấn mạnh: “Tinh thần của Đức Tin cần phải mở ra bởi những bằng chứng, phải được củng cố nhờ tập quán và khiêm tốn hướng đến nguồn cảm hứng.”[51]

3. Giá trị tư tưởng của Pascal trong bối cảnh hiện nay

Không thể phủ nhận, ngày nay với khả năng của lý trí, con người đã đạt được những thành tựu đáng kể trong nhiều lĩnh vực. Ngành vật lý lý thuyết bắt đầu đạt được những bước tiến trong việc lý giải nguyên lý vận hành của vũ trụ. Một cách cơ bản, sinh học đã thành công trong việc xây dựng bản đồ Gen người. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong việc chẩn đoán và phẫu thuật y học. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chỉ với một cú nhấp chuột con người có thể kết nối với nhau một cách dễ dàng; chỉ trong một tích tắc, ChatGPT có thể giúp con người tìm kiếm một lượng thông tin khổng lồ. Tuy nhiên, bên cạnh tích cực, khoa học kỹ thuật có những mặt trái của nó. Tư duy duy lý đã biến khoa học thành một thứ “tôn giáo” không có Thượng Đế, kéo theo đó là sự xuống cấp của nền luân lý đạo đức. Việc tạo ra vũ khí huỷ diệt hàng loạt trong chiến tranh, khai thác tài nguyên quá mức gây ô nhiễm môi trường, ứng dụng công nghệ vào việc nhân bản vô tính, chọn lọc tự nhiên đã gây ra biết bao đau khổ cho con người.

Vì thế, tư tưởng của Pascal là một lời cảnh tỉnh cho nhân loại ngày nay: “Bạn biết rằng có nhiều cái bạn còn vô minh, nên đừng vội đưa ra kết luận cho những thực nghiệm của bạn. Hãy duy trì một mức độ vô hạn cho hiểu biết của bạn.”[52] Thay vào đó, con người cần dùng lý trí như một công cụ để nhận ra sự hữu hạn của mình: “Tầm vóc của con người đạt đến sự vĩ đại khi anh ta biết mình đáng thương.”[53] Nếu biết đề cao lý trí, con người hãy biết dùng nó để phân định, chọn lựa, gạn đục khơi trong hầu có thể làm triển nở giá trị và nâng cao tầm nhìn của mình.

KẾT LUẬN

Như vậy, cũng như nhiều triết gia vĩ đại khác, Pascal đề cao sức mạnh trỗi vượt và vai trò mang giá trị độc nhất của lý trí. Chính lý trí làm cho con người trở nên vĩ đại. Tuy nhiên, với ông, dù lý trí có sức mạnh tới đâu nó cũng có những giới hạn nhất định. Có những chân lý nằm bên ngoài tầm với của lý trí. Sự giới hạn của lý trí xuất phát từ thân phận mỏng manh và hạn chế về khả năng nhận thức của con người. Để nhận biết những chân lý ấy con người cần đến một hình thức nhận thức khác, nhận thức bằng tâm. Tâm là sự nhạy cảm của trực giác, là sự mở lòng của con tim để đón nhận những chân lý nằm ngoài khả năng của nó mà đỉnh cao là Đức Tin, là sự nhận biết Thiên Chúa.

Ngày nay với sự trợ giúp của lý trí, khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi bộ mặt thế giới. Sự thắng lợi của lý trí đã tác động một cách sâu sắc đến tư tưởng và nhận thức con người. Xu thế tin tưởng khoa học sắp đến ngày chiến thắng khải hoàn, ngày khoa học khám phá ra mọi bí ẩn của vũ trụ đang trở nên phổ biến. Tuy nhiên càng khám phá bao nhiêu khoa học lại tìm ra những điều mới lạ, và rằng sẽ luôn tồn tại những sự thật không bao giờ được giải thích. Tư tưởng của Pascal là bài học vượt thời gian cho những ai có tham vọng vượt ngưỡng trong những cuộc phiêu lưu không tưởng cùng lý trí.

F.X. Võ Tá Ái, K. XVII

 

 



[1] Cf. Thuỳ Liên, “Định lý Gödel: Nền tảng của khoa học nhận thức hiện đại”, https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/dinh-ly-godel-nen-tang-cua-khoa-hoc-nhan-thuc-hien-dai-1629656.html. Truy cập ngày 29 tháng 04 năm 2013.

[2] Phạm Việt Hưng, Định lý Gödel: Nền tảng của khoa học nhận thức hiện đại, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, 2020, p. 86.

[3] Blaise Pascal (Quách Đình Đạt dịch), Suy Tưởng, n. 267, Nxb. Khoa học Xã hội, Tp. Hồ Chí Minh, 2019, p. 123.

[4] Nguyễn Lân, “lý trí,” trong Từ điển từ và ngữ Tiếng Việt, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, 1998, p. 1053.

[5] Hoàng Phê, “lý trí,” trong Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2019, p. 715.

[6] Nguyễn Trọng Viễn, O.P, Lịch sử triết học Tây Phương, Tập I – Thời Cổ đại, Học viện Đa Minh, 1998, p. 9.

[7] Cf. Howard Caygill (Châu Văn Ninh và nhóm dịch), Từ điển triết học Kant, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, 2013, pp. 250 – 251.

[8] Cf. Lm. Giuse Hoàng Cung, Giáo trình lịch sử triết học Tây Phương, Phần I – Triết học Cổ đại từ trước Socrate đến Plotin, Lưu hành nội bộ, 2019, p. 42.

[9] Cf. Nguyễn Tiến Dũng, Lịch sử triết học Tây Phương, Nxb. Khoa học Xã hội, Tp. Hồ Chí Minh, 2015, p. 119.

[10] Cf. Howard Caygill (Châu Văn Ninh và nhóm dịch), Từ điển triết học Kant, op. cit., pp. 250 – 251.

[11] Cf. Nguyễn Trọng Viễn, O.P, Lịch sử triết học Tây Phương, Tập I – Thời Cổ đại, op. cit., p. 220.

[12] Cf. Nguyễn Trọng Viễn, O.P, Lịch sử triết học Tây Phương, Tập II – Thời Trung cổ, Học viện Đa Minh, 1998, pp. 213 – 214.

[13] Descartes, Phương pháp luận trích lại trong Trần Thái Đỉnh, Triết học Descartes, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2018, p. 34.

[14] Cf. Nguyễn Trọng Viễn, O.P, Lịch sử triết học Tây Phương, Tập III – Thời Phục hưng, Học viện Đa Minh, 1998, p. 170.

[15] Blaise Pascal (Quách Đình Đạt dịch), Suy Tưởng, op. cit., n. 347, p. 145.

[16] Cf. Ibid., n. 339, pp. 144 – 145.

[17] Ibid., n. 343, p. 145.

[18] Cf. Ibid., n. 365, p. 150.

[19] Ibid., n. 345, p. 145.

[20] Cf. Ibid., n. 413, p. 161.

[21] Cf. Ibid., n. 349, p. 180.

[22] Ibid., n. 264, p. 122.

[23] Ibid., n. 94, p. 62.

[24] Cf. Ibid., n. 210, p. 103.

[25] Cf. Ibid., n. 199, p. 102.

[26] Cf. Ibid., n. 125, p. 72.

[27] Cf. Ibid., n. 450, p. 183.

[28] Cf. Ibid., n. 127, p. 73.

[29] Ibid., n. 398, p. 158.

[30] Ibid., n. 208, p. 103.

[31] Ibid., n. 9, p. 29.

[32] Ibid., n. 83, p. 60.

[33] Cf. Ibid., n. 72, p. 48.

[34] Ibid., n. 372, p. 151.

[35] Cf. Ibid., n. 384, p. 155.

[36] Ibid., n. 387, p. 156.

[37] Ibid., n. 366, p. 150.

[38] Cf. Ibid., n. 72, p. 48.

[39] Ibid., n. 230, p. 107.

[40] Cf. Ibid., n. 283, p. 126.

[41] Cf. Ibid., n. 72, p. 46.

[42] Cf. Nguyễn Trọng Viễn, O.P, Lịch sử triết học Tây Phương, Tập III – Thời Phục Hưng, op. cit., p. 64.

[43] Blaise Pascal (Quách Đình Đạt dịch), Suy Tưởng, op. cit., n. 282, p. 125.

[44] Cf. Ibid., n. 277, p. 125.

[45] Ibid., n. 278, p. 125.

[46] Cf. Ibid., n. 469, p. 188.

[47] Cf. Ibid., n. 279, p. 125.

[48] Ibid., số 273, tr. 124.

[49] Gioan Phaolô II (Lm. Nguyễn Hồng Giáo dịch), Thông điệp Đức Tin và lý trí, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, p. 1.

[50] Cf. Blaise Pascal (Quách Đình Đạt dịch), Suy Tưởng, op. cit., n. 245, p. 116.

[51] Ibid., n. 245, p. 117.

[52] Ibid., n. 231, p. 107.

[53] Ibid., n. 397, p. 158.

 

Nguồn tin: