Phạm Trù Tương Quan (Relation) Như Cách Thế Giúp Biện Phân Ba Ngôi Thiên Chúa Theo Quan Điểm Của Boethius Trong Tác Phẩm De Trinitate

Fri,07/02/2025
Lượt xem: 218

DẪN NHẬP

Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm được Giáo hội Công giáo tuyên tín về Thiên Chúa. Thế nhưng, suốt chiều dài lịch sử, không ít lần mầu nhiệm này bị chống phá và dẫn sai lệch bởi nhiều lạc giáo cùng các bè rối. Sống trong thời đại phải đối diện với không ít những lý thuyết sai lầm về Thiên Chúa Ba Ngôi, Boethius (khoảng 480 – 524) được xem như một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn trong việc luận bàn về đề tài này dưới nhãn quan minh triết. Cùng với ý muốn khám phá và đào sâu hơn đức tin của bản thân về Thiên Chúa Ba Ngôi, người viết sẽ tiến hành khảo cứu phạm trù tương quan được Boethius trình bày trong De Trinitate theo trình tự: (1) Tìm hiểu về bối cảnh xuất hiện của phạm trù tương quan trong tác phẩm; để rồi (2) hiểu hơn về quan điểm của Boethius về phạm trù này trong sự biện phân Ba Ngôi Thiên Chúa; và nhờ đó (3) có được cho mình những nhận định cá nhân giúp hiểu sâu hơn về vấn đề khảo cứu.

BỐI CẢNH XUẤT HIỆN PHẠM TRÙ TƯƠNG QUAN

TRONG TÁC PHẨM DE TRINITATE

Tác phẩm De Trinitate cùng với De Hebdomadibus có thể được xem như một bước chuyển biến trong cách tiếp cận đề tài của Boethius, khi ông tiến hành nghiên cứu các luận đề thần học sau quá trình chỉ bình giải và dịch các tác phẩm của Plato và Aristotle. Trong De Trinitate, Boethius hướng đến giải quyết luận đề “Thiên Chúa Ba Ngôi là Một Chúa, không phải Ba Chúa” (The Trinity is One God Not Three Gods). Tác phẩm được bố cục thành bảy phần, gồm dẫn nhập và sáu đề mục lớn, tập trung chính yếu vào việc vận dụng luận lý để phân tích sự giới hạn của con người khi cố gắng hữu hạn hóa Thiên Chúa để nắm bắt được Ngài, và từ đó đưa ra quan điểm về Một Thiên Chúa Ba Ngôi Duy Nhất. Để làm được điều này, ông lần lượt khảo cứu từng phạm trù của Aristotle trong việc ứng dụng chúng để hiểu về hữu thể hữu hạn và Hữu Thể thuần túy vô hạn. Theo đó, ông nhận thấy các phạm trù đều thay đổi ý nghĩa và chỉ duy nhất với cách vượt thoát khỏi chúng, ta mới có thể để lý trí đón nhận Thiên Chúa như Ngài là. Vậy làm cách nào ta có thể hé mở cho tâm trí mình mầu nhiệm về Thiên Chúa? Bên cạnh bản thể (substance) giữ tính đơn nhất (unity) của Ba Ngôi, tương quan (relation) là phạm trù còn sót lại duy nhất được Boethius vận dụng để như cách thế giúp ta biện phân Ba Ngôi Thiên Chúa. Những phân tích về phạm trù này được Boethius trình bày trong phần V của tác phẩm De Trinitate.

QUAN ĐIỂM CỦA BOETHIUS VỀ PHẠM TRÙ TƯƠNG QUAN

NHƯ CÁCH THẾ GIÚP BIỆN PHÂN BA NGÔI THIÊN CHÚA TRONG

TÁC PHẨM DE TRINITATE

Tương quan ngoại tại và tương quan nội tại

Mở đầu mục V, tương tự như với các phạm trù khác, Boethius tiến hành phân tích và đưa ra những luận lý của ông về phạm trù tương quan. Theo ông, có hai loại tương quan có thể được phân biệt với nhau: tương quan ngoại tại và tương quan nội tại.

Đầu tiên, tương quan ngoại tại có thể được tạm hiểu là tương quan giữa hai bản thể khác nhau. Ông đưa ra ví dụ về “chủ” và “nô lệ” để minh họa cho quan điểm này. Giả định có hai bản thể là A và B, nếu B trở thành nô lệ cho A thì giữa A và B xuất hiện tương quan “chủ” và “nô lệ”. Tuy nhiên, nếu ta xóa bỏ B, A sẽ không còn là “chủ” trong tương quan “chủ” và “nô lệ” nữa, khi đó A vẫn là một bản thể trong tương quan với không B. Ta nhận thấy, B thay đổi không dẫn đến sự thay đổi về bản thể của A.

Kế đến, tương quan nội tại được Boethius khảo sát trong cùng một bản thể. Trong trường hợp này, ví dụ về “tính trắng” và “vật màu trắng” được ông vận dụng đến. Ông lý luận rằng nếu ta bỏ đi tính trắng thì vật màu trắng sẽ dừng việc là vật màu trắng. Tính trắng, theo ông, là tùy thể của vật màu trắng, mang trong mình yếu tính riêng của nó và hiện hữu trong tương quan với bản thể vật màu trắng. Vậy, khi ta xóa đi tính trắng, vật không-còn-màu-trắng vẫn là một bản thể trong tương quan với không tính trắng. Và điều khác biệt so với tương quan ngoại tại là việc tính trắng là một phụ thể của vật màu trắng, do đó, nằm trong hoặc hiện hữu trong bản thể vật màu trắng.

Từ hai điều trên, ông kết luận rằng (a) không phải sự thay đổi tương quan nào cũng khiến một vật thay đổi, gia tăng hoặc giảm bớt chính nó; và (b) tương quan không chỉ bao gồm ngoại tại (với bản thể khác) mà còn nội tại (trong cùng một bản thể).

Tương quan trong cái nhìn mới giúp phân biệt Ba Ngôi Thiên Chúa

Có thể tạm xem hai loại tương quan, dù là ngoại tại hay nội tại, đều hiện hữu nơi bản thể trong sự giới hạn của vị trí (location), nghĩa là, một bản thể được cấu thành bởi vật chất (matter). Và chính vì phải “nương tựa” nơi sự tồn tại hữu hạn đó, sự thay đổi về vị trí dẫn đến sự khác biệt (difference), từ đó tạo nên tính đa (plurality). Vậy khi áp dụng phạm trù này vào khảo cứu Thiên Chúa Ba Ngôi, Boethius nhận thấy nơi Bản Thể Thuần Túy, không bị giới hạn bởi bất cứ vật chất nào, thứ duy nhất có thể giúp phân biệt tính đơn nhất chỉ có thể là tương quan. Ông cho rằng không phải khi thêm một phụ thể nào đó thì Thiên Chúa trở thành Chúa Cha vì chẳng có điều gì là phụ thể của Thiên Chúa, cũng như việc hình thành Chúa Con hoặc Chúa Thánh Thần không được xem xét như việc tạo thành một bản thể mới và chứa đựng những thuộc tính khác. Tương quan nhìn nhận theo chiều kích này không phải là một loại tương quan giữa ngoại tại hay nội tại, cũng không phải là loại tương quan xét trong sự thay đổi hoặc không của một vật, nhưng là loại tương quan của sự đồng nhất về bản thể. Đó là loại tương quan, theo Boethius, giúp ta phân biệt được các ngôi vị (difference of persons).

MỘT VÀI GHI NHẬN

Nếu chỉ xét riêng về hạn từ “tương quan” cùng cách thức ứng dụng phạm trù này nhằm giúp tiến tới việc biện phân Thiên Chúa Ba Ngôi, tư tưởng của Boethius không được xem là mới hoặc đột phá. Trước đó, thánh Âutinh trong tác phẩm cùng tên đã thực hiện việc này. Tuy nhiên, điểm đột phá nơi Boethius có lẽ hệ ở cách ông lý giải vấn đề này mà không đặt đức tin như một bản nền tiên quyết. Cũng nhờ đó, hệ tư tưởng của Aristotle được là chính nó khi ứng dụng để minh giải những vấn đề của thần học. Và trong nỗ lực tiến hành việc này, Boethius nhận ra sự giới hạn của siêu hình được lý luận bởi con người. Siêu hình vốn đi tìm cái bản chất sâu xa nhất của mọi tồn tại, nhưng lại quên đi việc phải vượt thoát khỏi nó để có thể vươn tới tiếp cận Tồn Tại Cao Nhất. Vậy siêu hình còn có bất cứ hữu dụng nào?

Cái hay của Boethius là việc khi cố gắng khảo cứu minh triết như là minh triết, có lẽ nhờ đó mà siêu hình nơi ông đã chạm tới được cái vô hạn của Thiên Chúa. Mỗi một phạm trù được Boethius phân tích trong tác phẩm dù đều dẫn đến kết quả về sự giới hạn của con người trong nỗ lực nắm bắt Thiên Chúa, nhưng nếu nhìn nhận theo một chiều hướng khác, đây không phải là một bước tiến đầy vững chắc của con người để vươn đến Đấng Tối Cao sao? Đó là chưa kể đến phạm trù tương quan được ông gói ghém trong ngôn ngữ phàm trần để có thể giúp cho thứ ngôn ngữ ấy siêu thăng và bước vào thứ ngôn ngữ thần thiêng về Ngôi Vị.

KẾT LUẬN

Tóm lại, với việc mặc lên cho phạm trù tương quan một chiếc áo mới hơn, Boethius nhận thấy đây là phạm trù có thể giúp phân biệt sự khác nhau của các ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó không phải là một sự khác nhau về bản thể, cũng không phải là giữa hai bản thể hoặc giữa tùy thể và bản thể của cùng một bản thể bị giới hạn bởi vị trí, nhưng đó là sự khác nhau được lập nên bởi tương quan của sự đồng nhất về bản thể.

Song, xét cho cùng, Boethius có lẽ vẫn chưa định nghĩa được hoàn toàn phạm trù tương quan mà ông đang khảo cứu ấy. Tương quan có còn là một phạm trù nữa không? Hay tương quan là một bản thể, phụ thể, hay điều gì khác? Boethius không trình bày tương quan “là” 4 nhưng là tương quan “của”. Vậy nên, một cách khách quan, rất khó có thể kết luận rằng liệu tương quan có đang được cởi bỏ những giới hạn để trở nên con đường giúp con người khám phá mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, hay chỉ vẫn đang tự bó thêm cho mình những lớp vỏ của sự ảo tưởng của con người về việc nắm bắt cái vô hạn?

 

Phanxicô Xaviê Bùi Đinh Anh Dũng, S.J.

 

Thư mục tham khảo

Boethius. On the Holy Trinity (De Trinitate). Translated by Erik C. Kenyon. 2004.

Rogers, Elizabeth RC. Boethius and the Trinity. 1973. School of Theology and Seminary Graduate Papers/Theses. 572.

(https://digitalcommons.csbsju.edu/sot_papers/572)

Nguồn tin: https://sjjs.edu.vn/