Những Tương Quan Chính Yếu Giữa Triết Học Và Thần Học

Wed,21/11/2018
Lượt xem: 5782

Duns Scots đã từng nói: “Triết học và thần học cùng có chung một đối tượng, là Hữu thể vô cùng”. Vậy thì hai phạm trù này bổ túc cho nhau như thế nào? Hay nói cách khác chúng có những tương quan gì với nhau?

Nhìn lại chiều dài lịch sử ta thấy rằng nền triết học Tây phương xuất hiện rất sớm ở Hy Lạp vào khoảng những năm 800 – 200 trước Công nguyên. Thời gian này Hy Lạp đã có nhiều tư tưởng gia lỗi lạc như: Sollon, Homere, Hesiode, Heraclite, Socrate, Platon, Aristote… Họ là những con người đã mang đến cho đất nước này một nền văn minh trí tuệ lớn lao. Trong buổi bình mình ấy, người Hy Lạp đặt niềm tin vào nơi các câu chuyện thần thoại và vận dụng vào những câu chuyện ấy để trả lời cho sự hiện hữu của vũ trụ cũng như để giải quyết các vấn nạn trong đời sống. Tuy nhiên, những quan niệm thần thoại ấy cũng dần dần bị khước từ và thay vào đó một luồng tư tưởng triết học mới, luồng tư tưởng ấy đã nhìn vũ trụ và con người dưới nhãn quan của lý trí. Người ta vận dụng vào kiến thức và kinh nghiệm để giải thích vũ trụ, con người và thượng đế. Tuy nhiên, khám phá ấy chỉ dừng lại ở một mức độ nào đó mà thôi chứ chưa trả lời hay chưa đưa ra được một đáp án thỏa mãn nào cả, vì thế các nhà triết học cứ loay hoay mãi mà không tìm thấy cho mình lối thoát. Mãi cho đến thời Trung cổ, nền triết học Kitô giáo xuất hiện, tạo ra một bước đột phá cho ngành triết học. Chính những con người như Clement d’Alexandrie, Augustine, Alberto, Thomas d’AQuin… đã đưa đến cho nền triết học một hướng đi và một sức sống mới. Đó là phải biết kết hợp triết học với thần học, lý trí và đức tin. Mặc dầu đây là hai phạm trù riêng biệt, nhưng chúng lại bổ túc cho nhau, cùng giúp nhau hướng đến một Chân lý siêu việt. Như Duns Scots đã từng nói: “Triết học và thần học cùng có chung một đối tượng, là Hữu thể vô cùng”. Vậy thì hai phạm trù này bổ túc cho nhau như thế nào? Hay nói cách khác chúng có những tương quan gì với nhau?


Ta biết rằng, triết học chỉ có thể giúp con người vận dụng lý trí để phán đoán một vấn đề, hoặc có khi triết học giúp lý giải những thắc mắc mà con người gặp phải, chứ không thể giúp con người tìm đến với chân lý được. Còn thần học, vì dựa trên nền tảng đức tin và lời mặc khải của Thiên Chúa, nên thần học không những giúp nhận biết Thiên Chúa, mà còn đi sâu vào mối tương quan với một Thiên Chúa sống động, Đấng Yêu Thương, Đấng Thánh Hóa và Đấng Cứu Chuộc. Nói như vậy không phải để phủ nhận vai trò của triết học trong công trình nghiên cứu của thần học, trái lại, trên hành trình tìm kiếm và khám phá Chân lý, thần học cần phải có sự hỗ trợ của triết học. Bởi vì, triết học được xem như là phương tiện giúp con người đối thoại với nhau, là điểm gặp gỡ và sự hoà hợp giữa các nền văn hóa, giữa các tư tưởng, giữa những người tin và không tin. Chính triết học là phương tiện chính yếu giúp cho các thần học gia đào sâu sứ điệp Kinh Thánh, để từ đó giúp cho các tín hữu tăng trưởng đức tin của mình. Tuy nhiên, sức mạnh của triết học lại có giới hạn, bởi triết học đóng khung nơi trí tuệ của con người. Hay nói đúng hơn, triết học dùng lý trí để phân định, nên triết học chỉ có thể khám phá ra được những chân lý hiển nhiên nội tại mà thôi, còn những chân lý siêu nhiên thì cần phải cậy đến thần học. Chính các ngành thần học sẽ giúp cho triết học khám phá và mở tung cái vỏ bọc đang che phú lấy nó, vì thần học đào sâu những chân lý siêu nhiên qua con đường mạc khải của Thiên Chúa. Bởi thế, trong hành trình tìm kiếm chân lý đến từ Thiên Chúa, triết học và thần học không ngừng hỗ trợ và bổ túc cho nhau. Trong đó, thần học đóng vai trò then chốt hướng dẫn việc đón nhận và khai mở những giá trị chân lý, còn triết học chính là người bạn đồng hành, trợ giúp và định hướng cho thần học. Cả hai tạo thành một sự liên kết chặt chẽ và hợp lý để đưa chân lý đến với nhân loại.

Ta có thể ví triết học như người dẫn đường đi tìm kho báu, còn thần học được hiểu như người khám phá kho báu. Hay nói cách khác, triết học chỉ giúp cho ta nhận ra một thức tại nào đó mà thôi, còn thần học giúp ta mở cánh cửa của thực tại ấy để đi vào chiêm ngắm và say đắm trong đó. Chính triết học là ngành cung cấp cho thần học những khái niệm và công cụ mang tính phương pháp, để rồi, tiếp theo đó, thần học mặc vào cho chúng những ý nghĩa thích hợp. Ta thấy, ngay từ buổi sơ khai của Giáo hội, các giáo phụ đã biết vận dụng tri thức triết học để khai triển nội dung đức tin, đặc biệt là để đào sâu chân lý mặc khải trong Kinh thánh. Công thức “Hiểu để tin, tin để hiểu” của Thánh Augustine nói lên mối liên hệ biện chứng này. Còn thánh Anselm thì lại cho rằng: “Thần học là đi tìm sự hiểu biết”. Như thế trong thần học có triết học và trong triết học có thần học. Nhận thấy được tầm quan trọng và mối liên hệ đặc biệt trên, vì thế khi mở đầu Thông điệp Đức tin và Lý trí, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ví mối liên hệ chặt chẽ giữa đức tin và lý trí, giữa thần học và triết học như “đôi cánh giúp tâm trí con người vươn cao lên trong sự chiêm nghiệm chân lý”. Ngài còn quả quyết rằng “thần học cần và luôn cần sự đóng góp của triết học.”[1] Đúng vậy, nhờ các nhà triết học mà các nhà thần học có thể nói về Thiên Chúa cách rõ ràng hơn, nhờ triết học mà thần học càng ngày càng đào sâu thêm về nội dung đức tin. Hơn nữa, nhiệm vụ của triết học là chấp nhận chân lý dựa trên sự hiển nhiên nội tại của chân lý ấy, còn thần học thì đón nhận chân lý dựa trên uy tín của Thiên Chúa Đấng mặc khải. Hai chân lý này không bao giờ xung đột với nhau, vì cội nguồn của cả hai lại chính là Thiên Chúa. Nói như thánh Thomas: “Chân lý chỉ có một, nên lý trí không thể nói ngược lại với đức tin; chính đức tin sử dụng lý trí để chỉ ra những mục đích mà đức tin hướng tới”. Đức tin không thể đứng vững một mình để tự đắc, cũng như lý trí không thể kiêu ngạo vỗ ngực tự xưng ta là nhất. Mặc dầu, mỗi cái có một vai trò trọng đại của nó nhưng chúng không tự hoàn thiện được nếu kết hợp với nhau. Cũng như để có được một hợp chất “Nước” thì cần phải kết hợp hai nguyên tử Hiđrô và một nguyên tử Ôxi lại với nhau. Nếu Ôxi hay Hiđrô đứng một mình thì chúng chỉ là chính nó mà thôi không thể nào có hợp chất nước được. Đúng vậy, với thánh Thomas, sự hòa quyện đức tin và lý trí, triết học và thần học có lẽ cũng tương tự như vậy, vì theo ngài “Tin là hành vi của trí tuệ gắn bó với chân lý của Thiên Chúa, dưới sự điều động của ý chí được ân sủng của Thiên Chúa lay động”[2].

Dẫu biết rằng giữa đức tin và lý trí, giữa triết học và thần học có những điểm khác biệt, nhưng không phải vì thế mà một số người cho rằng chúng mâu thuẫn nhau. Trái lại, chúng bổ túc và phong phú hóa cho nhau, hòa quyện vào nhau để cho cả hai cùng hướng tới một mục đích tối hậu là Thiên Chúa. Triết học giúp thần học đào sâu chiều kích đức tin, làm cho đức tin mỗi ngày một thêm vững mạnh và sáng suốt hơn. Thần học nhờ đức tin và lời mặc khải cũng giúp cho triết học tránh khỏi được những phán đoán sai lầm. Như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dạy “lý trí giúp thanh tẩy tôn giáo khỏi mọi lầm lỗi và mê tín; tôn giáo tẩy sạch lý trí khỏi thờ ngẫu tượng và sai lạc tuyệt đối. Cái này kéo cái kia vào một thế giới rộng hơn, một thế giới mà trong đó cả hai đều được nuôi dưỡng”.

Anthony, K.XII
 


 
[1] Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên, “Thần Học và Khoa Học Xã Hội”, http://daichungvienvinhthanh.com, Truy cập ngày 10 tháng 12 năm 2014.

[2] Lm Thái Nguyên, “Đức Tin và Lý Trí”, http://www.simonhoadalat.com, Truy cập ngày 15/12/2014.

 
Nguồn tin:
Tags :