Nhân Học Kitô Giáo Đối Diện Với Nhân Bản Thuyết Vô Thần Marxisme

Thu,21/03/2019
Lượt xem: 5873

 1. Học thuyết Marx: một chủ thuyết nhân bản thiếu sót và giản lược

1.1. Chỉ là những võng luận hàm hồ

Vẫn còn tồn tại trong các giảng đường đại học một kiểu lý luận tôn giáo mang tính kết án tôn giáo và những dự phóng mơ hồ về một mô hình xã hội tương lai:

Người ta thấy nhan nhãn trong Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy những điều không phù hợp, thậm chí là phản khoa học, phản tiến bộ, thiếu tôn trọng những chiều kích xã hội nơi con người… Tiên vàn những điều đó xuất phát từ việc tuyên tín vào một đấng siêu nhiên thần thánh là sản phẩm của tư tưởng con người đang trong tình trạng vong thân, tha hoá khi mà điều kiện thực tế chưa đủ để bù đắp những mong ước của họ. Ngoại xuất một đối tượng trong nội tại tâm linh vốn là những thuộc tính cố hữu của con người: Khôn ngoan, ý chí, công bằng, tình yêu, và còn biết bao nhiêu thuộc tính vô cùng nữa, tất cả cấu tạo nên hữu thể riêng biệt của con người…, và tự nhiên con người phóng ngoại chúng, khách thể hoá chúng thành một chủ thể huyền hoặc, một sản phẩm tưởng tượng và họ gọi chủ thể ấy là Thượng Đế, để tìm một sự an ủi mơ hồ, rồi ra sức làm giàu cho cái thực thể tưởng tượng ấy khiến mình trở nên nghèo nàn đi trong những cách thức chối bỏ chính bản thân mình. Nói Thượng Đế sáng tạo con người là sai lầm, phải nói ngược lại mới đúng: Sự sáng tạo ra khái niệm Thượng Đế là sự sáng tạo vĩ đại nhất của con người để tháo bỏ cái lốt cuối cùng của dã thú, sau khi tiếng nói và tư duy xuất hiện. Chính ý thức đã ném con người vào vũ trụ cô đơn, khiến nó sợ hãi vô cùng trước hư vô và cõi chết. Để có một cứu cánh, một nơi bám víu cuối cùng vào thế giới trơn tuột này, con người đã rất thông minh khi sáng tạo ra người bạn vĩ đại toàn năng theo hình ảnh của mình, như cái phao trên biển cả để vượt thoát nỗi cô đơn và cái chết. Người bạn đó, cái phao cứu hộ có tên là thần linh. Thiêng liêng hóa hình ảnh của mình là bước tiến nhân bản nhất của khởi nguồn nhân loại. Có thể nói, thần linh đã được sinh ra trong rung cảm cô đơn tột cùng của con người...[i] Vì thế, không có thế giới mai hậu dành cho linh hồn bất tử như trong quan niệm của Kitô giáo, đó chỉ là những cách thức bù đắp cho ước vọng của thân phận con người đang bị cột chặt vào một đời sống bị bần cùng hoá, bị bất lực trong các chiều kích tương quan. Marx đã phân tích một cách sâu sắc, rằng: “Tôn giáo là ý thức và cảm thức con người có về chính mình khi họ chưa đạt tới chính mình hoặc đã đánh mất chính mình... Tôn giáo là… sự thể hiện huyền hoặc của con người, bởi vì con người không sở hữu một thực tại đích thực… Tôn giáo là tiếng thở dài của tạo vật bị áp chế, là linh hồn của một thế giới không hồn, cũng như là tinh thần của một nền văn minh mà tinh thần đã bị trục xuất. Tôn giáo là thuốc phiện mê dân”[ii].

Vì thế, hạnh phúc đích thực đòi hỏi phải huỷ bỏ tôn giáo xét như là thứ hạnh phúc hão huyền, mơ hồ của quần chúng. Và “Phê bình tôn giáo là nền tảng của mọi thứ phê bình”, bởi tôn giáo là hương khói tinh thần của xã hội đó, nó phản ảnh về một hiện trạng xã hội cụ thể, một xã hội “lộn ngược” vì thế giới quan tôn giáo có nhiều tiêu cực. Tôn giáo chứa đựng sự đầu độc trí tuệ và tình cảm của con người, đặc biệt khi bị chính trị phản động lợi dụng”[iii]. Chính vì thế, phê bình tôn giáo là nhằm “vứt bỏ những xiềng xích khỏi các bông hoa tưởng tượng bao bọc chúng không phải để cho con người mang những xiềng xích mất tự do, tuyệt vọng, nhưng để con người vứt bỏ xiềng xích và hái lấy những bông hoa thực của sự sống. Phê bình tôn giáo phá huỷ những ảo tưởng của con người để con người suy nghĩ, hành động, kiến tạo thực tại của mình như một người không ảo tưởng đã đạt đến tuổi khôn”[iv].

Như vậy, để xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh cần phải tích cực tranh đấu cho xã hội này, thế giới này đổi khác thay vì chờ đợi một thế giới mai hậu, một cõi của linh hồn bất tử. Xã hội tương lai ấy là “hứa địa” của con người “đạt thân”: sẽ không còn đấu tranh giữa các giai tầng xã hội, và vì thế cũng không cần Nhà nước với tư cách là một tổ chức nhằm duy trì, ổn định trật tự xã hội… Và đó mới thực là thiên đường, một thiên đường của xã hội hiện thực chứ không phải thế giới hư ảo do tâm trí con người tạo ra để trốn tránh cõi tạm này.

1.2. Và đó là những lập luận thiếu luận cứ và luận chứng xác đáng

Thứ nhất, về sự xuất hiện các tôn giáo. Ở một giác độ nào đó, những kiến giải về nguồn gốc và bản chất các tôn giáo của Marx không phải không có cơ sở. Người ta tìm một sự an ủi nào đó để bù đắp cho những hao khuyết nơi cuộc đời vốn dĩ có nhiều ganh đua, thiệt hơn thua được, một cuộc đời đong đầy những khổ lụy, bao lao nhọc và chồng chất những bất an… Nhưng kiểu kiến giải của Marx và những người mang nặng định kiến với tôn giáo thực chất là một sự kết án tôn giáo theo kiểu vơ đũa cả nắm, hoặc thiếu tôn trọng những sự kiện lịch sử, hoặc do lười biếng trí tuệ mà đặt tất cả mọi chiều kích của đời sống con người và xã hội vào trong cái khuôn biện chứng pháp thô thiển. Từ quan điểm của phép Biện Chứng Duy Vật, trong “vấn đề cơ bản của triết học”, Engels phát triển tư tưởng đó bằng mệnh đề “Vật chất có trước ý thức, vật chất quyết định ý thức”, đến quan điểm của Chủ nghĩa duy vật lịch sử thì tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, cơ sở hạ tầng chế ước và quyết định sự tồn tại của thượng tầng kiến trúc. Theo đó, đời sống thực tiễn, với các hoạt động sản xuất vật chất, quy định, chi phối và chế ước đời sống tinh thần con người; những hình thái của hệ thống kiến trúc thượng tầng như tôn giáo, đạo đức, chính trị, nghệ thuật… đều bị chi phối bởi các điều kiện lao động sản xuất trong hiện thực đời sống xã hội. Tôn giáo như một thứ hương khói tinh thần của xã hội cụ thể, một thứ “khói lam chiều” nhằm thi vị hoá, phủ lên trên bề mặt quần chúng lao động đau khổ những giai điệu ru ngủ, thoát ly khỏi thực tại, trốn chạy trong ảo vọng là sản phẩm của một đời sống bị đọa đày, sẽ biến mất khi xã hội thực hiện được những yếu tố căn bản của thế giới nhiên bản và nhân bản.

Xem ra, lập luận của Marx và tầng lớp hậu duệ chỉ đúng với trường hợp của họ, ở đây nỗi ám ảnh về tâm lý hướng dẫn họ hơn là một sự sáng suốt trí tuệ kiến giải vấn đề. Sống trong bối cảnh xã hội nước Đức, cái nôi khai sinh ra phái Luther suy đồi hoàn toàn theo cá nhân chủ nghĩa đã thành công cụ chính trị trong tay nhà nước, Marx đã có được những hình ảnh méo mó về Kitô giáo. Thật vậy, giáo phái Tin Lành, vì là phản ứng chống lại Giáo hội Công giáo Rôma, cho nên đã đi theo những phương hướng khác về căn bản giáo lý. “Đứng trước Giáo hội Công giáo có một tổ chức chặt chẽ và những lễ nghi rườm rà, Giáo hội Tin lành muốn trở về hình thức đơn sơ của Kinh Thánh và vì thế thay vì coi Kinh Thánh là tiếng nói của đoàn thể các tín hữu thì chỉ còn nhận có một tiêu chuẩn là Kinh Thánh. Giáo hội Công giáo Rôma cũng căn cứ vào Kinh Thánh, và hơn nữa còn nhận mình có độc quyền giải thích Kinh Thánh. Để có lối thoát và để chống lại độc quyền đó, thì chỉ còn một cách là chủ trương rằng không riêng hàng đạo trưởng Công giáo, mà bất cứ tín hữu nào, khi đọc sách Thánh, cũng được soi sáng cho hiểu lời của Ngài.

Chủ trương ấy đưa đến chỗ hỗn loạn, không phải vì hoàn toàn sai lạc, nhưng vì tâm lý con người thường muốn thay đổi ý nghĩa sách Thánh để biện chính cho nếp sống của mình, hơn là thay đổi nếp sống của mình cho hợp với đòi hỏi của tôn giáo. Vì ai cũng có thể tự hào là được Chúa soi trí, cho nên không ai bảo được ai, và ai nấy đều tìm ra trong Kinh Thánh những câu biện chính cho lập trường của mình. Ai nấy đều giải nghĩa Kinh Thánh theo như mình muốn: thế nghĩa là cái nội dung của tôn giáo là do cá nhân định đoạt lấy. Từ đó đến chỗ nói rằng tôn giáo là hoàn toàn do con người chế tạo ra…”[v].

Vấn đề Do Thái giáo là một dẫn chứng cụ thể để nói đến sự thiếu xác thực về những phê bình tôn giáo của Marx: “Đừng căn cứ vào tôn giáo Do thái để tìm ra cái bí mật của con người Do thái, nhưng phải căn cứ vào con người Do thái có thực, để tìm ra cái bí mật của tôn giáo Do thái”. Nhưng R. Coffy đã cho ta thấy Do thái giáo hoàn toàn khác hẳn với kết quả phân tích của Marx: “Nếu con người đã phát minh ra Thượng Đế, và đã phát minh theo hình ảnh của mình, nếu người ta thấy một tương quan giữa cơ cấu xã hội với ý tưởng về Thượng Đế mà xã hội ấy tạo ra, thì làm sao giải thích trường hợp dân tộc Do Thái, một dân tộc rất quê kệch, không triết lý, một dân tộc với nền văn minh rất thô sơ, sánh với những nền văn minh của các dân tộc khác cùng thời ở chung quanh, lại có một ý niệm về Thượng Đế cao vời và tinh ròng nhất? Làm sao cắt nghĩa được sự kiện họ vẫn thờ độc thần mặc dù tất cả các dân tộc lân cận thờ đa thần và họ chịu ảnh hưởng của các dân tộc này? Trước tiên sống đời du mục, kế đó định cư, lưu đày bên Ai Cập, bên Babylon, lưu lạc 40 năm trong sa mạc, sống dưới chế độ quân chủ trong nhiều thế kỷ và sau cùng bị dân Rôma đô hộ, thế nhưng dân tộc Do Thái vẫn giữ vững niềm tin vào cùng một Thượng Đế. Người ta không thể nói rằng Do Thái giáo là một phản ảnh thuần túy của đời sống xã hội. Dù với một nền văn hóa thua kém nếu so sánh với nền văn hóa Ai Cập, thế nhưng dân Do Thái đã có một ý niệm siêu việt nhất về Thượng Đế, và duy chỉ có dân này đạt tới ý tưởng về sự tạo dựng vũ trụ. Sức mạnh nào đã tác động họ và đã giữ vững họ trong một tuyên xưng niềm tin vào một Thượng Đế Tạo Hóa, trong khi theo chiều hướng tự nhiên, họ có thể tôn thờ ngẫu tượng như mọi dân tộc khác?

Phải chăng người ta có thể nói rằng dân Do Thái đã tạo nên thiên giới để trốn tránh cõi trần, để bù cho kiếp sống khốn cùng của họ và cho biết bao nhục mạ mà họ phải gánh chịu? Không thể được, bởi vì cho đến thế kỷ II trước tây lịch, dân Do Thái chưa hề tin có sự trả công đời sau. Trong bao nhiêu thế kỷ dài đằng đẳng, họ tin vào một Thượng Đế duy nhất và là đấng Tạo Hóa, và tin có âm phủ, một nơi mà những người chết sẽ đến, một nơi không có vui sướng, vì nó trống rỗng, “một chốn tối tăm và câm lặng, một ác thú ghê tởm và thèm khát (Gelin). Chỉ cần đọc lại một vài Thánh Vịnh thì đủ biết dân Do Thái chẳng muốn sa vào âm phủ, và đủ biết họ cầu khẩn liên lỉ để sống lâu bao nhiêu có thể trên dương thế này. Như thế có thể nói đến sự vong thân không? Hoàn toàn không, và chủ thuyết của Marx không thể giải thích được trường hợp dân tộc Israel. Những người theo chủ thuyết của Marx đã nghiên cứu hết mọi tôn giáo, trừ ra Do thái giáo?”[vi].

Nói rằng, con người ở thuở bình minh của nhân loại đã khoác lên những hiện tượng tự nhiên cái áo thần thánh và đó là nguồn gốc làm phát sinh tôn giáo, là không có cơ sở, bởi trước khi có thần thánh do con người trừu xuất thì sự hình dung sẽ như thế nào để phủ lên những hiện tượng tự nhiên đó lớp áo thần thánh. Đó là một võng luận hàm hồ.

Thứ hai, xã hội cộng sản văn minh là một mô hình xã hội viễn mơ, một cách lập luận đã gọt đẽo, cắt tỉa và thiếu tôn trọng những chiều kích đa dạng phong phú của con người “nhân linh ư vạn vật”. Xã hội cộng sản, xét về mặt lý thuyết là tốt đẹp như thể “thiên đường”, bởi chủ trương công hữu và khước từ tư hữu, đề ra một mô hình xã hội tương lai mà ở đó sự phân biệt giai cấp và đấu tranh giai cấp coi như đã bị triệt tiêu bởi chính những tác động của sự tăng trưởng kinh tế và sự trợ lực của nền khoa học kỹ thuật phát triển. Tất cả sẽ hoàn thiện hóa đời sống con người đến mức mà mọi “tham ái, sân hận và si mê”, những “lục dục, thất tình”… đều biến mất, cùng với nó, những dạng thức phóng ngoại của tâm thức con người để tìm một niềm an ủi, một sự bù đắp hư ảo nơi các thế lực siêu nhiên thần thánh cũng không còn. Con người trong viễn ảnh của xã hội cộng sản được ông tổ của chúng gọi là con người “đạt thân”; còn con người trong xã hội có giai cấp, con người tôn giáo là con người “vong thân” – con người bị đánh mất chính mình, trở thành xa lạ với chính mình, tự làm nghèo chính bản thân mình để làm giàu cho Thượng Đế.

Phải chăng chỉ có kinh tế và bằng kinh tế, con người sẽ tiến tới một xã hội phi giai cấp và sẽ xoá bỏ được mọi vấn đề? Không đơn giản như thế. Chúng ta thấy có những kết quả nghịch chiều với cách lập luận đó. Thật vậy, “con người băn khoăn về ý nghĩa sau cùng của sự sống và sự chết, sự ác và tình yêu. Cho dù luôn muốn được bất tử, con người vẫn luôn bị dày vò bởi cái vô cùng”. Thực ra “Marx đã tránh né vấn đề bằng cách tạo ra huyền thoại về một xã hội lý tưởng ngày mai. Nhưng có phải xã hội tương lai này sẽ không bao gồm những cá nhân phải đương đầu với những vấn đề như hôm nay chăng?”[vii]. Tôi không hiểu con người “đạt thân” trong xã hội cộng sản văn minh là con người như thế nào?! Phải chăng con người đó đã hết những khắc khoải trong lòng, những xâu xé bởi khát vọng muốn sống khi thấy chắc sự chết sẽ đến? Phải chăng sống trong hình thái cộng sản văn minh thì người ta an bình đến độ không còn ghen tương vì tình và đố kị nhau vì hơn thua trong cuộc sống? Vì khi đang còn những ràng buộc ấy chi phối thì xã hội con người vẫn còn đó những xung đột; và thực tế, con người vẫn không hết những tham vọng và vẫn còn bị những bánh xe của cổ máy bản năng hạ đẳng đưa đẩy, lèo lái mọi suy nghĩ và hành động hay có xu hướng tôn thờ cái bụng như Thượng Đế, và quan niệm tình yêu chỉ là “cái… nằm thấp hơn khá nhiều so với chiếc cúc áo thứ tư”; đó là động lực thúc đẩy con người tiến nhanh hơn đến hành vi phạm tội, nghĩa là những bất ổn, những đấu tranh vẫn diễn ra trong xã hội và trong chính nơi thâm cung của mỗi người. Vậy thì nhà nước, cùng với những cơ quan thực hiện chức năng cưỡng chế vẫn phải tồn tại. Thế nhưng theo Marx và những người “cộng sản” thì Nhà nước và pháp luật sẽ tiêu vong trong xã hội cộng sản văn minh[viii], vì lúc đó con người được no thỏa tất cả, mọi ước nguyện đã được đáp ứng, “làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu”, hết phân biệt các giai tầng trong xã hội và, dĩ nhiên, cũng không còn diễn ra hiện tượng đấu tranh giai cấp. Nhưng con người vốn gắn liền với những tham, sân, si… như thuộc tính cố hữu của nó. Những xung đột giữa con người với nhau không hẳn chỉ xảy ra từ nguyên nhân kinh tế, hằng ngày báo chí vẫn nói về những vụ tình địch thanh toán nhau chỉ vì cái lúm đồng tiền.

Thực tế cho thấy sự giàu có về vật chất không đồng nghĩa với việc gia tăng thêm tự do cá nhân, mà trái lại, con người đang tự buộc mình chặt hơn vào tình trạng nô lệ của những ảo tưởng và thượng tôn những tiện nghi vật chất như phó thác hoàn toàn cho chúng để tìm sự giải thoát khỏi thực tại vốn dĩ có đầy những biến động khôn lường, cùng với những kỳ vọng quá mức vào khoa học hoặc sự anh minh của những chính phủ đương quyền, trong hoàn cảnh đó không ít người đã chọn hố thẳm của câm lặng!

Người ta có cảm tưởng như bị đông đặc và trơ lạnh trong xã hội cộng sản, lịch sử sẽ dừng lại và con người sẽ không còn tiến thêm nữa. Con người chỉ biết dẫm chân tại chỗ?! Vì lúc đó, theo Marx, con người đã thực hiện được chủ trương nhiên bản và nhân bản rồi nên con người không còn vong thân trong nhiên giới và nhân giới nữa, nghĩa là con người hoàn toàn làm chủ được chính mình[ix]. An tâm tĩnh trí, hết vọng động ưu tư, hết tham dục khát ái, hết tranh giành ganh đua, hết cả mưa gió bão tố… những cái hết đồng nghĩa với cái chết.

2. Câu trả lời của nhân học Kitô giáo về vấn đề con người và xã hội

Từ nền tảng Kinh Thánh, Giáo hội chân nhận con người có một phẩm giá trổi vượt, không thể so sánh và bất khả nhượng. Xác quyết đó của Giáo hội nhằm giải đáp vấn nạn cho một thế giới đang quay ra kết án Giáo hội xem nhẹ vai trò và vị thế của con người, nhưng chính xã hội con người lại khai thác đồng loại như “một đối tượng và một yếu tố thụ động của đời sống xã hội, thay vì là, phải là và luôn là chủ thể, nền tảng và mục tiêu” (x. Thông điệp Giáng sinh của Đức Piô XII, 24.12.1944)[x].

- Con người là hình ảnh của Thiên Chúa

Trình thuật của Sáng thế ký, đoạn 1 câu 27 và đoạn 2 câu 7 cho chúng ta thấy vị trí cao trọng của con người trong công trình sáng tạo - đặt con người là trung tâm và là tột đỉnh của việc tạo thành. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, khẳng định này là chân lý nền tảng của Kitô giáo về con người. Các giáo phụ Alexandria cho rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa bởi vì con người có lý trí; hình ảnh đó được in vào trong linh hồn. Thánh Augustinô thì coi là hình ảnh của Thiên Chúa theo nghĩa là phản ánh sự thông hiệp của Ba ngôi Thiên Chúa, nhờ đó có những quan năng nội tại như ký ức, trí hiểu và ý chí. Còn Ireneô và Tertulliano thì cho rằng con người là hình ảnh của Thiên Chúa xét vì nó giống với Đức Kitô, hình ảnh của Thiên Chúa, Ngôi Lời làm người. 

Vì con người “được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên có phẩm giá của một ngôi vị: không chỉ là một sự vật nào đó, nhưng là một ai đó. Con người có khả năng nhận thức về bản thân mình, làm chủ mình, tự hiến mình cách tự do và đi vào hiệp thông với những ngôi vị khác; nhờ ân sủng, mỗi người được kêu gọi vào Giao ước với Đấng Tạo Hoá của mình, để dâng lên Ngài một lời đáp lại của đức tin và tình yêu, mà không ai khác có thể thay thế chỗ của mình được”[xi].

- Con người lãnh nhận vai trò trông giữ thụ tạo và cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo

Sáng thế ký 1,28 và 1,4.10.12.18.21.25 nêu lên vai trò thiết yếu của con người trong công trình sáng tạo. Trước những thụ tạo khác, con người được một ơn gọi đặc biệt để tận hưởng và quản trị chúng. Con người được Thiên Chúa mời gọi cộng tác với Ngài trong tiến trình tạo dựng qua việc thực thi trách vụ làm chủ, không tuyệt đối nhưng mang tính cách cộng tác và thừa tác, tôn trọng sự tốt lành nguyên khởi của tất cả mọi điều Chúa tạo thành. “Bảo vệ và thăng tiến sự sống, tôn trọng và yêu mến sự sống, đó là nhiệm vụ Thiên Chúa trao cho mọi người, khi kêu gọi họ, vốn là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, tham dự vào quyền làm chủ mà Ngài đang thực hiện trên thế giới… Việc con người tham dự phần nào đó vào quyền chủ tể của Thiên Chúa cũng được biểu lộ rõ ràng, do sự kiện họ được trao phó trách nhiệm đặc thù đối với sự sống con người nói riêng”[xii].

- Thân phận yếu đuối mỏng giòn của con người và ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa

Được mời gọi lãnh lấy vai trò cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, nhưng con người vẫn chỉ là một thân phận yếu đuối mỏng giòn, một cây sậy phất phơ trước gió. Hình ảnh Thiên Chúa trong con người và trong tiến trình lịch sử nhân loại đã bị hoen ố và nhơ nhuốc bởi tội nguyên tổ. Giờ đây hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người không còn được nguyên tuyền trong sáng nữa, nhưng nó đã bị rách nát, mờ đục sau khi con người phạm tội. Chương 2 và 3 sách Sáng thế ký đặc biệt lưu tâm tới lý do vì sao con người phải khổ sở, và câu trả lời là vì con người đã phạm tội, khởi loạn với Thiên Chúa. Những chương kế tiếp của Sách Sáng thế tiếp tục cho thấy cả một chuỗi những lần con người phản loạn chống lại Thiên Chúa, khi thù ghét chém giết lẫn nhau (Cain với Abel, chương 4), chung chạ phái tính (chương 6), kiêu căng ngạo mạn (tháp Babel chương 11), với những hậu quả thiệt hại mà chính con người phải hứng chịu. Sách GLHTCG, số 404 đã nói lên hậu quả của tội nguyên tổ: con người muôn thuở mang trong mình tình trạng lây nhiễm mầm phiến loạn và hoen ố, một sự liên luỵ với tội hơn là một hành vi vi phạm. Bao lâu con người còn tìm cách trốn khỏi Thiên Chúa hay xua đuổi Ngài ra khỏi thâm cung lòng mình, thì bấy lâu con người vẫn sống trong tình trạng vương lụy tội lỗi. Tuy nhiên, Sách thánh cũng cho thấy rằng Thiên Chúa không ngừng giang tay cứu vớt con người, kể cả khi phạt loài người với lụt Hồng thủy, Thiên Chúa vẫn cứu vớt gia đình Noe; sau cơn đại Hồng thuỷ, Ngài hứa sẽ không bao giờ hủy hoại tạo vật nữa; qua các tổ phụ Noe và Abraham, Thiên Chúa đã chúc phúc hết mọi dân tộc trên mặt đất. Qua đó, chúng ta thấy tội lỗi và ân sủng luôn song hành với nhau. Một đàng, tội lỗi lan tràn khắp mặt đất, thậm chí đâm rễ vào trong con tim của con người, đến nỗi thánh vịnh 51 nói rằng “con người đã sinh ra trong tội”. Nhưng đồng thời, tiềm năng của ân sủng cứu độ cũng không kém phần phổ quát. Ngôn sứ Êdêkiel (36,26) và Giêrêmia (31,31-34) đã loan báo thời đại mà tim đá của con người sẽ được biến thành tim mới, nhạy cảm với Thiên Chúa[xiii]. 

Tuy nhiên, Tân Ước mới có cái nhìn viên thành về ơn cứu độ phổ quát nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Giờ đây, tính phổ quát của tội lỗi và sự chết đã bị lật ngược do sự chiến thắng khải hoàn của Đức Kitô trên tội lỗi và sự chết: ở đâu tội lỗi lan tràn thì ở đấy ơn thánh lại càng chứa chan gấp bội. Tất cả đạo lý về ảnh hưởng phổ quát của tội lỗi và ơn thánh được Phaolô mô tả trong thư gửi Rôma, đặc biệt trong chương 5.

Ngày nay, chúng ta thấy rất rõ những hậu quả của tội lỗi gây ra trên thế giới, nó làm cho con người bị bần cùng hoá, bị thương tổn về bản tính, dẫn tới việc con người lợi dụng và lèo lái lẫn nhau, xâm hại trực tiếp đến người khác khi quá nhấn mạnh vào một yếu tố riêng biệt nào đó. Chủ nghĩa cá nhân cực đoan đưa đến quan niệm con người tự tạo ra chính mình và có thể tái tạo nó theo ý muốn. Tự do con người tách biệt khỏi mọi hệ thống luân lý nền tảng, và chọn lựa cá nhân là giá trị tối thượng. Ở thái cực khác là những hình thức của chủ nghĩa tập thể, ở đó người ta cho rằng bản tính con người dễ uốn nắn, thuần hoá và cần phải được kiểm soát bởi Nhà nước. Tất cả đều biến con người thành công cụ, phương tiện cho những mục tiêu khác chứ không được nhìn nhận như một nhân vị tự thân mang tính hướng đích[xiv].

Người ta đang chứng kiến cảnh tượng có hàng triệu những tên độc tài khát máu khác còn hơn cả Hitler, Adolf Eichmann… “cùng tham dự vào một vở bi kịch ngập ngụa máu và thịt người. Trong tội ác tập thể con người không còn cảm thấy phải trực diện với trách nhiệm của cá nhân trước sự phán xét của đồng loại. Bên cạnh đó những gánh nặng lương tâm cũng được gạt bỏ vì anh ta tin rằng những gì mình đang làm là phục vụ người khác (thực chất là vì lợi ích nhóm mà anh ta đang đứng cùng)”[xv]. Dưới thời Stalin, “hơn hai mươi năm cầm quyền của ông, từ 1930 đến 1953, được đánh dấu bằng những đợt khủng bố quy mô có hệ thống mà nạn nhân đầu tiên là các sắc dân thiểu số, rồi đến nông dân, tư sản trí thức và thành phần quân đội bị nghi ngờ ‘chống đảng’. Trong tập tài liệu Les crimes de masse sous Staline (1930-1953) - Những tội ác tập thể của Stalin, công bố năm 2008, chuyên gia Nicolas Werth của trường Đại học Chính trị Pháp thống kê được 10 đợt khủng bố chính trị trong và ngoài nước, nhân danh lòng ái quốc. Tháng 10/2007, lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự buổi lễ truy điệu từ 20 triệu đến 40 triệu nạn nhân của kẻ được mệnh danh là tay đồ tể. Đứng bên cạnh một ‘mồ chôn tập thể’ ở thao trường quân sự Butovo, ngoại ô Maxcơva, nơi mà mật vụ Liên Xô đã xử bắn hàng chục ngàn người, Tổng thống Nga kêu gọi dân Nga ‘đoàn kết’ đừng để tái diễn ‘quá khứ đau thương này’. Cựu trung tá KGB lên án điều mà ông gọi là ‘ý thức hệ hoang tưởng’ nhưng bề ngoài được ngụy trang bằng những ‘giá trị cơ bản, nhân sinh, tự do dân chủ’”[xvi]. Ở đây, "con người chìm khuất lặng lẽ trong đám đông…, con người bị nô dịch bởi tư tưởng của người khác. Con người quên bản thân mình để tham dự vào một vũ hội carnival giả trang khổng lồ trong đó anh ta nhảy múa với chiếc mặt nạ giả hình nhưng cuối cùng thì chính anh ta cũng ngộ nhận rằng chiếc mặt nạ mình đang đeo lại nghiễm nhiên trở thành khuôn mặt thật của anh ta. Cá nhân không có thế giới riêng ngược lại thế giới tư tưởng của anh ta đã bị định hướng, uốn nắn theo chiều hướng tự tiêu vong và bước tiếp theo là nhập chung vào dòng thác suy nghĩ của kẻ khác”[xvii]. Tập thể chỉ là bức bình phong để che đậy những tham vọng cá nhân đang réo gọi một cách thống thiết.

Kitô giáo xác định vị thế ưu tiên của nhân vị, không giảm thiểu, cắt tỉa hay gọt đẻo những chiều kích đa dạng phong phú của con người “nhân linh ư vạn vật” như chủ nghĩa cá nhân hay tập thể hoá chủ trương, nhưng nhấn mạnh đến tính tương thuộc, nối kết của cá nhân: cá thể con người không xuất hiện như những hạt cát tách biệt nhau, nhưng được liên kết trong một cơ quan, liên hệ hài hoà và hỗ tương. Và con người cũng không chỉ đơn giản là một tế bào của xã hội, chỉ được công nhận qua vai trò và chức năng.

Quan điểm nhân học của Kitô giáo nêu rõ:

- “Con người được tạo dựng một thể thống nhất xác hồn”[xviii]. Vì thế không thể quan niệm hồn và xác “như hai thực thể, hai tầng cấp, hay hai đối vật (objets) bên trong con người. Con người đơn nhất và toàn bích, là một thực thể duy nhất và là một thực tại hiện hữu duy nhất. Theo quan niệm này, con người thực hữu là toàn vẹn linh hồn và toàn vẹn thân xác: hồn và xác là hai xác định tính (déterminations) cho một hữu thể duy nhất và toàn bích là con người. 

Như vậy con người không là một tổng hợp gồm hai thành phần (parties). Hồn và xác chính là hai nguyên lý siêu hình (chỉ có thể tách biệt về mặt siêu hình học) của con người. Hồn không là phần vô hình (partie invisible) của con người, như thể là một tinh thần bị trói buộc và giam hãm trong thân xác và có một hiện hữu khác với thân xác. Linh hồn không hiện hữu cho riêng mình, nhưng là mô thể để thân xác thực sự là một thân xác sống (corps vivant). Tương tự như thế, con người là thân xác nên thân xác không phải là một thứ bù nhìn hay một thứ mannequin che giấu một con người đích thực hiện diện sau nó. Trái lại, tất cả chiều sâu của con người hiện diện nơi thân xác và tồn tại với thân xác”[xix]. Bởi vậy, Kitô giáo không chủ trương duy linh, chủ thuyết hạ giá thực tại thân xác, càng không chủ trương duy vật, chủ thuyết xem thường tinh thần, coi tinh thần đơn giản chỉ là một lối biểu lộ của vật chất. “Nơi Kitô giáo là sự kết hợp hài hòa giữa hồn và xác, giữa trời với đất, giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với nhau cũng như giữa con người với vạn vật trong vũ trụ. Nói cách khác, nhân học Kitô giáo là con người sống, nhập thể sống trọn kiếp người như Đức Kitô trong môi trường của mình”[xx].

- Giáo lý Hội thánh Công giáo xác định rằng, “tự bản tính và do ơn gọi, con người là một hữu thể có tôn giáo. Vì phát sinh từ Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa, con người chỉ sống cuộc sống nhân linh một cách đầy đủ khi tự nguyện sống liên kết với Thiên Chúa”[xxi]. Nhưng con người là một hữu thể tương quan, với Thiên Chúa và với nhau. “Thần học kitô giáo phân biệt hai loại tương quan, và hai thứ tương quan này không loại trừ nhau, nhưng nâng đỡ nhau và củng cố cho nhau, đó là các loại tương quan chiều đứng (tương quan với Thiên Chúa, với thế giới vô hình), và các loại tương quan chiều ngang (tương quan với tha nhân, với thế giới hữu hình)”[xxii].

Yêu Chúa là tương quan chiều đứng, yêu tha nhân là tương quan chiều ngang. Chính việc yêu Chúa làm cho người Kitô hữu yêu người khác, nhất là những người hoạn nạn khổ đau, những con người nghèo khó và bất hạnh. Vì yêu Chúa, người Kitô hữu muốn giống Chúa, mà bản chất của Thiên Chúa là yêu thương. Đảo ngược lại, nhờ yêu người khác, yêu tha nhân, mà tình yêu của người Kitô hữu dành cho Chúa mới là chân thật, như Thánh Gioan đã viết: “Nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4, 20).

“Đối với người Kitô hữu, tương quan chiều đứng là tương quan tôn giáo, và tương quan chiều ngang là tương quan xã hội. Không thể loại trừ một trong hai loại tương quan, mà phải duy trì và phát triển cả hai”[xxiii].

- Con người là một hữu thể độc nhất vô nhị, bất khả nhượng và không thể sao chép, vì thế mọi toan tính muốn giản lược con người xuống tầm một công cụ, phương tiện để thực hiện những kế hoạch kinh tế, xã hội hay chính trị… đều không thể chấp nhận được: “Giáo huấn của Kitô giáo cũng không bao giờ công nhận Quốc gia như mục tiêu tối thượng của cuộc sống. Con người có những quyền lợi tự nhiên và một sứ mệnh vượt trên thực tại thế trần, mà chính Quốc gia phải tôn trọng. Nếu người Do Thái thời xưa thần thánh hóa luật giữ ngày “hưu lễ”, biến nó thành bất khả xâm phạm và nhiều khi còn đặt nó trên cả con người, Đức Kitô, trái lại, đã thẳng thắn và cương quyết xác định mối tương quan giữa con người và lề luật: “Ngày sabát vì con người, chứ không phải con người vì ngày sabát”. Nói cách khác, cơ cấu chính trị, luật pháp, văn hóa... chỉ có ý nghĩa trong viễn tượng phục vụ và làm triển nở con người. Không thể đảo lộn mức thang giá trị để biến hay bắt con người làm vật hy sinh cho những cơ chế đó”[xxiv].“trật tự và tiến bộ của xã hội phải luôn luôn nhằm lợi ích của các nhân vị, bởi vì việc sử dụng vạn vật phải tuỳ thuộc vào việc phục vụ các nhân vị chứ không phải ngược lại”[xxv].

- Con người là một hữu thể tự do, dấu hiệu đặc trưng để nhận ra con người là thụ tạo được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh và sự tự do của Ngài, vì “tự do đích thực là dấu chỉ cao cả nhất của hình ảnh Thiên Chúa trong con người. Thật vậy, Thiên Chúa đã muốn để con người tự định liệu, tự quyết định đi tìm Đấng Tạo Hoá và nhờ kết hợp với Ngài cách tự do, con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc. Vì thế, phẩm giá con người đòi hỏi phải hành động theo sự chọn lựa ý thức và tự do, nghĩa là chính con người được thúc đẩy và được hướng dẫn tự bên trong, chứ không do bản năng mù quáng hay hoàn toàn do cưỡng bức bên ngoài”[xxvi]. Tuy nhiên, “khi con người hành xử để mưu cầu thiện ích, riêng cũng như chung, trong các mối tương quan xã hội, cần phải tương hợp và đi theo trật tự của luật luân lý tự nhiên, phổ quát và phù hợp với bản tính con người, được ghi khắc trong tâm khảm mỗi người. Trật tự luân lý đó hướng dẫn con người phục tùng sự thiện tối hậu là chính Thiên Chúa và tôn trọng sự bình đẳng trong quyền lợi và phẩm giá của những đồng loại khác”[xxvii]. Vì thế cần phải phá đổ những rào cản bất công và cổ võ cho tự do và nhân phẩm qua những thay đổi trong trật tự kinh tế, xã hội, luật pháp, chính trị và văn hoá.

- Trước mặt Thiên Chúa, mọi người đều bình đẳng về phẩm giá và đây là nền tảng của phẩm giá con người trước mặt người khác và là yếu tố căn bản của tình huynh đệ không bị giới hạn bởi bất cứ sự khác biệt nào. Thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Ga-lát đã minh định yếu tính nền tảng này: “Không còn chuyện phân biệt Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô”[xxviii]. Cần phải vượt qua “vị thế tự nhiên” vốn có nơi mỗi người như giới tính, khả năng thể lý, tri thức… vì mọi phân biệt đối xử đều “trái với ý định của Thiên Chúa”[xxix].

- “Tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính[xxx]. “Nhân vị cần đời sống xã hội. Đời sống này không phải là một điều gì từ bên ngoài được thêm vào cho nhân vị, nhưng là một đòi hỏi của bản tính của nhân vị. Con người, nhờ sự trao đổi với những người khác, nhờ sự phục vụ lẫn nhau và nhờ đối thoại với anh em, phát triển mọi tài năng của mình; như vậy, họ đáp lại mọi ơn gọi của mình”[xxxi]. Vì thế, con người, tự bản tính, được mời gọi để sống trong xã hội, “là tập thể những cá vị được liên kết với nhau một cách hữu cơ theo một nguyên lý hợp nhất nào đó, vượt quá mỗi cá vị. Là một cộng đồng vừa hữu hình, vừa tinh thần, xã hội tồn tại trong thời gian: nó tiếp nhận quá khứ và chuẩn bị tương lai”[xxxii]. Bởi vậy, mọi mưu toan áp đặt lợi ích nhóm, đảng phái đều phải bị lên án vì nó là hậu quả của tính ích kỷ, kiêu căng đã làm mất xã tính nơi con người, cắt đứt mối hiệp thông để vun vén xây đắp cho chủ nghĩa cá nhân và lạm quyền bành trướng.

- Nhân học Kitô giáo chân nhận rằng, quyền con người phát sinh từ bản tính con người chứ không phải do luật pháp ban cấp, hay đặc ân của Nhà nước dành riêng cho một giai cấp ưu tuyển. Vì là quyền lợi của con người, phát xuất từ bản tính con người, và là những yêu sách để sống xứng với phẩm giá con người, nên việc bảo đảm thực hiện các quyền con người giúp con người phát triển những đức tính, tài năng của mình, bảo vệ lương tâm và những đòi hỏi tinh thần và thể chất của mình. Tuy nhiên, con người vì là xã hội tính, sống với và sống cho, nên vấn đề nhân quyền phải được đặt ra trong xã hội: “Thật vậy, một con người sống một thân một mình trên cung trăng sẽ không cần đòi hỏi hay tranh đấu cho nhân quyền làm gì. Sự tiến triển về ý thức và sự tranh đấu cho nhân quyền đã diễn ra trong lịch sử cận đại sau những cuộc xung đột giữa các công dân với các thể chế độc tài. Các công dân ý thức rằng mình cần được đối xử như là con người, chứ không thể bị đồng hoá như con vật hay như cái máy, như dụng cụ sản xuất”[xxxiii]. Nhưng ở mỗi nơi, do sự khác biệt về thể chế chính trị và đặc thù văn hoá, tôn giáo… đã diễn giải khái niệm nhân quyền theo cách hiểu của mình hay nương theo “lợi ích giai cấp”. Theo Roland Minnerath trong bài Tham luận tại Hàn Lâm Viện Toà Thánh về Khoa học Xã hội năm 2008 thì “cả hai phía đều dùng những từ ngữ như nhau nhưng giải thích ý nghĩa khác nhau. Chúng ta cũng dễ dàng nhận ra những nguyên tắc nhân học tạo ra sự khác biệt. Khi chúng ta nói về nhân vị, họ thường quy về cá nhân. Chúng ta nói con người tự bản tính mang tính xã hội; họ cho là các cá nhân hoàn toàn tự lập và tự quyết…”. Cũng vì thế, có hai quan điểm về nhân quyền hoàn toàn đối lập nhau: “Quan niệm của khối tư bản đề cao các quyền tự do cá nhân, nhưng bỏ qua các quyền kinh tế xã hội; còn khối xã hội thì muốn bảo vệ các quyền kinh tế xã hội nhưng phớt lờ các quyền tự do cá nhân. Trên thực tế, hai quan điểm ấy cần được bổ túc cho nhau. Thực vậy, không có tự do hay quyền lợi nào mang tính cách tuyệt đối cả: quyền lợi cần được đi đôi với nghĩa vụ; những quyền lợi cá nhân được đi kèm theo những quyền lợi kinh tế xã hội”[xxxiv]. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam, quyền con người hầu như là một địa hạt cấm kỵ, ở đây khái niệm quyền con người có thể chồng khít với khái niệm quyền công dân và chỉ chấp nhận tính đặc thù của nhân quyền mà tước bỏ mất tính phổ quát của nó khi nhân danh những khác biệt của các yếu tố quốc gia, dân tộc, tôn giáo, văn hoá truyền thống, các điều kiện lịch sử, chính trị, xã hội, v.v… để tùy tiện diễn giải về khái niệm nhân quyền, dẫn đến phủ nhận tính phổ quát của quyền con người - kết quả của nhận thức chung, mục đích chung, nguyện vọng chung của tất cả mọi cá nhân trong xã hội về quyền con người.

Giáo hội Công giáo muốn đặt một nền tảng triết học và thần học cho nhân quyền: chúng dựa trên phẩm giá con người. Hơn thế nữa, phẩm giá con người cao quý không những vì những tài năng tinh thần (lý trí suy nghĩ và ý chí tự do), nhưng còn vì định mệnh siêu việt. Hạnh phúc con người vượt lên trên biên cương xã hội, vì con người được kêu gọi vào kết hợp với Thiên Chúa. Chính vì thế mà Giáo hội tranh đấu cho quyền tự do lương tâm và tự do tín ngưỡng. Ở đâu mà quyền này không được nhìn nhận, thì phẩm giá con người bị vi phạm trầm trọng, vì con người đã bị cắt đứt chiều hướng siêu việt, nó chỉ còn là một sinh vật như cây cỏ, như muông chim cầm thú, sống ngày nào hay ngày đó, chứ không còn vươn lên trên thế giới hữu hình[xxxv].

Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp Đấng cứu chuộc con người đã xác định con đường đầu tiên và nền tảng của Giáo hội là chính nhân vị cụ thể: “Nói đến con người tức là nói đến mỗi người, bởi vì mỗi người được bao hàm trong mầu nhiệm cứu độ và Đức Kitô được liên kết với mỗi người vĩnh viễn qua mầu nhiệm này. Con người như được Thiên Chúa chọn lựa, như được Thiên Chúa kêu gọi, tiền định cho ân sủng và vinh quang… Đó là con người cụ thể nhất, hiện thực nhất, được gắn liền với Đức Giêsu Kitô, với tất cả mầu nhiệm trọn vẹn của mình. Đó là mầu nhiệm của mỗi người từ lúc được thụ thai trong lòng mẹ… Con người có một lịch sử riêng của cuộc sống mình và nhất là có một lịch sử riêng của linh hồn mình. Là một hữu thể độc nhất vô nhị, nhưng không vì thế con người đóng khung trong chính mình; trái lại, nó là một hữu thể có xã hội tính, nghĩa là sống với, liên hệ với, cộng tác với, đối thoại với, thông hiệp với người khác; từ lúc mới được tạo thành đến hơi thở cuối cùng, hiện hữu của con người là một hiện hữu liên đới. Cô đơn là một trong những thử thách nhất của con người”[xxxvi]. Đức Bênêđíctô 16 trong Thông điệp Bác ái trong chân lý cũng đưa con người là hữu thể duy nhất, toàn bộ và không thể phân chia, như là yếu tố nền tảng của việc phát triển toàn bộ con người cũng như xã hội.

3. Kết luận

Chủ thuyết vô thần Marxisme đang được nêu cao và cổ võ nghiên cứu như một định hướng nền tảng cho tư tưởng quản trị xã hội ở Việt Nam. Thực chất của chủ thuyết này là gì và việc áp dụng nó trong bối cảnh văn hoá, chính trị… Việt Nam hôm nay nhằm mục đích gì là điều cần được tiếp tục mổ xẻ, phân tích một cách nghiêm túc. Chúng tôi chỉ đề cập đến khía cạnh nhân bản của chủ thuyết Marxisme vì nó đã gieo vào trong tâm trí một bộ phận nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, một nhân sinh quan sai lệch về tôn giáo, xã hội và phẩm giá con người, nhất là khi nó được vận dụng làm cơ sở lý luận cho việc hoạch định chính sách, pháp luật quản lý tôn giáo của Nhà nước. Thật vậy, khi dạy cho sinh viên, cán bộ đảng viên và người dân rằng: “…về cơ bản, thế giới quan tôn giáo có nhiều tiêu cực. Tôn giáo chứa đựng sự đầu độc trí tuệ và tình cảm của con người, đặc biệt khi bị chính trị phản động lợi dụng”[xxxvii], là cố tình bôi nhọ, phỉ báng tôn giáo, gieo vào trong lòng xã hội một hình ảnh méo mó hoen ố về tôn giáo và cứ thế đào thêm hố sâu ngăn cách giữa Đạo và đời, giữa người lãnh đạo và nhân dân. Từ đó đi đến chủ trương: “Đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực trong tôn giáo là đấu tranh với cái thế giới đang cần có ảo tưởng chứ không phải là trực tiếp tấn công vào thần thánh và những biểu hiện tín ngưỡng khác. Muốn đẩy lùi được những ước mơ về thiên đường hư ảo ở thế giới bên kia, thì con người phải từng bước xây dựng một “thiên đường” có thực trên thế gian. Đó là một quá trình lâu dài cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới,… Chỉ có thông qua quá trình đó, thì mới có khả năng gạt bỏ dần những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo trong đời sống xã hội”[xxxviii]. Chủ trương như thế là phát xuất từ việc giải thích nguồn gốc tôn giáo là kết quả của sự vong thân, của áp bức kinh tế, trong một tình trạng “vô sản”. Nhưng De Lubac nhận xét rằng: “Thực tế cho thấy người dân càng trở nên vô sản thì họ càng đánh mất cảm thức tôn giáo. Vong thân là đặc tính tiêu biểu của thân phận vô sản, sự vong thân xã hội ngày càng gia tăng không thể đem lại cho con người hứng khởi tôn giáo như một sự bù trừ thần bí nào đó, trái lại nó có khuynh hướng bóp nghẹt thiện cảm đối với tôn giáo. Sự vong thân này đã làm cho xã hội mà nó phi nhân hóa “khước từ Thượng Đế”. Đó là thảm kịch vô thần trong giới thợ thuyền Âu Châu, trong những chế độ đàn áp của chủ nghĩa tư bản chưa được cải tiến. Giáo hội Công giáo cũng đã đưa ra những quan điểm nhấn mạnh đến việc làm thăng tiến điều kiện sinh sống, bởi vì tôn giáo và luân lý không thể có được khi những điều kiện sinh sống không cho phép con người sống với mức tối thiểu[xxxix].

“Giáo hội phi bác thuyết vô thần, nhưng đồng thời tìm cách hợp tác với những người thiện chí trong việc xây dựng thế giới. Đối lại với thuyết nhân bản vô thần, công đồng tuyên bố rằng Thiên Chúa không phải là đối thủ của con người, nhưng nâng cao phẩm giá con người. Đối lại với thuyết xã hội vô thần, công đồng khẳng định rằng niềm hy vọng cánh chung không tương phản với sự dấn thân xây dựng trần thế”[xl]. Thật vậy, “niềm hy vọng vào đời sống mai sau không làm suy giảm tầm quan trọng của những phận vụ ở trần gian này, mà trái lại còn thêm những động lực mới giúp chu toàn những bổn phận ấy”[xli]; “Vả lại, nếu… thiếu niềm hy vọng vào đời sống vĩnh cửu thì phẩm giá con người sẽ bị tổn thương trầm trọng như thường thấy ngày nay, và những bí ẩn về sự sống, sự chết, về tội lỗi và đau khổ sẽ không có lời giải đáp, như thế, con người sẽ thường rơi vào tuyệt vọng”[xlii].

Qua đó, chúng ta thấy rằng, Kitô giáo không phải là sản phẩm của con người khi con người chưa tìm lại được chính mình, con người vong thân trong cần lao, trong chính trị… Kitô giáo cũng không tạo ra một thế giới mai hậu với những hứa hẹn viễn vông để ru ngủ con người, “thủ tiêu đấu tranh” và là công cụ cho giai cấp thống trị nô dịch con người như chủ thuyết vô thần Marxisme đã phê phán và kết án.

Sau thời kỳ con người ngược xuôi bôn tẩu để tìm tự do như một đứa con hoang đàng, nhưng đi đến đâu con người vẫn cũng chỉ có chừng ấy những trăn trở lo toan. Và sau thời gian lưu đày Thượng đế rồi vội vã tuyên bố rằng Ngài đã chết, nay người ta lại gọi Ngài về. Niềm ưu tư về siêu việt phải trở về ngự trị giữa lòng tư tưởng hiện đại, một khi nó đã cảm nhận mãnh liệt vấn đề của con người… Người ta không thể nghiêm chỉnh tự vấn về con người mà rốt cục không nghiêm chỉnh tự vấn về Thượng đế./.

 

Giuse Trần Văn Học, K.11

Trích: Tập San Đức Tin Và Văn Hóa, Số 2


[i] Theo cách nói của Trần Mạnh Hảo trong bài Sự mạc khải của thi ca, Văn Nghệ Trẻ, số tháng 6 năm 1996

[ii] K. Marx, Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen, bd. Molitor I, tr. 83-84; bản dịch sửa chữa theo Mega, Marx-Engels Gesamtausgabe, I, bd I, tr. 607.

[iii] Vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo của ĐCS VN, Tài liệu nội bộ của Ban tư tưởng văn hóa TW dùng cho cán bộ đảng viên ở cơ sở - NXB Giáo dục năm 2000.

[iv] K. Marx, Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen.

[v] GS. Trần Văn Toàn, Tìm hiểu triết học của Karl Marx, Nam Sơn xuất bản 1967.

[vi] Louis Leahy, Con người và vấn đề Thượng Đế, Phân khoa thần học, Giáo Hoàng học viện PioX Đà Lạt, 1975

[vii] Louis Leahy, Con người và vấn đề Thượng Đế, Phân khoa thần học, Giáo Hoàng học viện PioX Đà Lạt, 1975

[viii] Mai Thái Lĩnh, Huyền thoại về Nhà nước tự tiêu vong

[ix] GS. Trần Văn Toàn, Tìm hiểu triết học của Karl Marx, Nam Sơn xuất bản 1967

[x] Nt. Trần Thị Thanh Lương OP, Con người là chủ thể, nền tảng và mục tiêu nhân vị trong Giáo huấn Xã hội Công giáo, Hiệp thông, số 75 (tháng 3 & 4 năm 2013)

[xi] Sách GLHTCG, số 357

[xii] Gioan Phaolô II, Thông điệp Tin mừng của sự sống, 1995, số 43-44

[xiii] Tuấn Anh, Quan niệm Kinh Thánh về con người, Thời sự Thần học, Số 11, Tháng 3.1998

[xiv] Nt. Trần Thị Thanh Lương OP, Con người là chủ thể, nền tảng và mục tiêu nhân vị trong Giáo huấn Xã hội Công giáo, Hiệp thông, số 75 (tháng 3 & 4 năm 2013)

[xv] Trịnh Ngọc Thìn, Cá thể và Tha nhân, vanchuongviet.org ngày 18/12/2012

[xvi] Nguyễn Minh Cần/Tú Anh, Stalin là lãnh tụ tài ba hay bạo chúa khát máu? RFI ngày 21/3/2013

[xvii] Trịnh Ngọc Thìn, Cá thể và Tha nhân, vanchuongviet.org ngày 18/12/2012

[xviii] Công đồng Lateranô IV, C.1, De fide catholica, DS 800, p. 259

[xix] Hoà Bình, Con người, một huyền nhiệm, Thời sự Thần học, Số 11 – Tháng 3.1998

[xx] Lm. FX. Nguyễn Tiến Dưng, Giáo trình Nhân học Kitô giáo

[xxi] GLHTCG, số 44

[xxii] Bài thuyết trình của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc tại Hội thảo khoa học quốc tế về “Công bằng xã hội, Tránh nhiệm Xã hội và Liên Đới Xã hội" do tổ chức Misereor của Giáo Hội Công giáo Đức cùng với Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam (Viện Triết Học) đồng tổ chức, diễn ra tại Hà Nội, trong hai ngày 15 và 16 tháng 10 năm 2007.

[xxiii] Nt

[xxiv] Lm Nguyễn Thái Hợp, Tương quan phức tạp giữa Công giáo với Nhà nước Việt Nam, NS Công giáo và Dân tộc, số 138 tháng 6/2006.

[xxv] Gaudium et Spes, số 26

[xxvi] Gaudium et Spes, số 17

[xxvii] Nt. Trần Thị Thanh Lương OP, Con người là chủ thể, nền tảng và mục tiêu nhân vị trong Giáo huấn Xã hội Công giáo, Hiệp thông, số 75 (tháng 3 & 4 năm 2013)

[xxviii] Gal 3,28

[xxix] Gaudium et Spes, số 29

[xxx] Gaudium et Spes, số 12

[xxxi] GLHTCG, số 1879

[xxxii] GLHTCG, số 1880

[xxxiii] Hoan Ca, Thần học về con người, Thời sự Thần học, Số 11 – Tháng 3.1998

[xxxiv] Hoan Ca, Thần học về con người, Thời sự Thần học, Số 11 – Tháng 3.1998

[xxxv] X. Hoan Ca, Thần học về con người, Thời sự Thần học, Số 11 – Tháng 3.1998

[xxxvi] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Đấng cứu chuộc con người, số 14

[xxxvii] Vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo của ĐCS VN, Tài liệu nội bộ của Ban tư tưởng văn hóa TW dùng cho cán bộ đảng viên ở cơ sở - NXB Giáo dục năm 2000.

[xxxviii] Vấn đề tôn giáo và chính sách tôn giáo của ĐCS VN. Tài liệu nội bộ của Ban tư tưởng văn hóa TW dùng cho cán bộ đảng viên ở cơ sở - NXB Giáo dục năm 2000.

[xxxix] Louis Leahy, Con người và vấn đề Thượng Đế, Phân khoa thần học, Giáo Hoàng học viện PioX Đà Lạt, 1975

[xl] Lm. Phan Tấn Thành, Giáo hội với những người vô thần, vô tín ngưỡng, Bài thuyết trình tại Hội thảo chuyên đề do Trung tâm Học vấn Đa Minh tổ chức vào ngày 13/04/2013

[xli] Gaudium et Spes, số 21

[xlii] Gaudium et Spes, số 21

Nguồn tin: