Hiện Hữu Chân Thực Của Con Người
Theo Quan Niệm Của Một Số Triết Gia Hiện Sinh
Dẫn nhập
Nhìn thoáng qua, triết học như một bãi chiến trường, thậm chí là lịch sử của những tranh cãi triền miên, nhưng khi đi sâu vào bản chất của triết học, ta nhận thấy toàn bộ lịch sử triết học được hội tụ nơi một điểm đồng quy: đó là sự chia sẻ cùng một “ý hướng”[1] - tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Thật vậy, nếu triết học Cổ đại trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa xuyên qua nỗ lực đi tìm bản tính vĩnh cửu, vững bền của vạn vật, nghĩa là hướng cái nhìn “phi ngã vị” (Impersonal) về thế giới “khách thể”; triết học Cận đại xoay chiều hướng về phía “chủ thể”, đặt “chủ thể” làm nền tảng xây dựng toà nhà tri thức, nghĩa là “chủ thể” này là hiện hữu tư duy thuần tuý[2]; thì triết học Hiện đại (Hiện sinh) lại ưu tư về “chủ thể” trong toàn bộ phạm vi hiện hữu của nó. Nói cách khác, triết học Hiện sinh đi sâu vào hiện hữu của con người trong tính tại thế, với những điều kiện sinh hoạt cụ thể và nơi một nhân vị độc đáo[3].
Mặc dù, triết học Hiện sinh bàn về hiện hữu vừa cụ thể vừa siêu việt này của con người, nhưng mỗi triết gia với nhãn quan riêng của mình đã tiếp cận “hiện hữu chân thực” của con người qua những khía cạnh (Phạm trù) khác nhau. Vì thế, để có thể đi sâu và đồng thời làm sáng tỏ khái niệm hiện hữu chân thực trong triết học Hiện sinh, chúng ta cùng khám phá con người hiện sinh này qua hai triết gia:(1) Kierkegaard – Bước nhảy vươn tới Thiên Chúa; (2) Marcel – Hiệp thông trong tình yêu với cái-Anh tuyệt đối.
Kierkegaard – Bước nhảy vươn tới Thiên Chúa
Với ý hướng bảo vệ tính độc đáo của con người trong hiện hữu đầy sinh động, cụ thể và đau thương của cuộc đời, đồng thời chống lại chủ trương Duy tâm tuyệt đối của Hegel – tất cả đều quy về lý trí, Kierkegaard đã nỗ lực phác hoạ sống động khuôn mặt hiên hữu chân thực của con người theo phạm trù “tính khả thể”[4]. Theo ông, đã mang lấy phận người, con người không ai có thể thoát khỏi sự đe doạ thường hằng của tính khả thể. Mặc dù con người được phú bẫm cho quyền tự do làm chủ cuộc đời mình trước muôn vàn chọn lựa, nhưng đứng trước những khả thể chọn lựa đó con người dường như không khỏi loay hoay trong chính thân phận giới hạn của chính mình, bởi lẽ đâu mới thực sự là chọn lựa đúng đắn cho chính hiện hữu của tôi đây. Một mặt con người không ngừng vật lộn với những chọn lựa nhằm kiến tạo cuộc sống mình, nhưng đàng khác khi con người không ngừng vươn tới những mục tiêu của cuộc đời cũng là lúc con người đang tiến dần vào cõi hư vô của sự chết. Thật vậy, khi dấn thân vào hiện sinh, con người đồng một trật dìm mình trong khả thể của cái có thể lẫn không thể; của cái là lẫn không là[5]. Đứng trước tính khả thể đó, cuộc đời con người như bị nhấn chìm trong nỗi âu lo cùng cực. Khác với sự sợ hãi, âu lo không có đối tượng xác định. Đây cũng là trạng thái xảy đến khi con người nhận ra những giới hạn trong kiếp người bèo bọt. Sức nặng của cái sẽ là hay sẽ không là đè bẹp, giày xéo và thống trị con người, đẩy con người đến âu lo hữu thể luận: hiện hữu hay không hiện hữu. Con người sống trong sự đe doạ miên trường của sự hư vô hoá. Đây cũng chính là trạng huống nền tảng của con người trong triết học Kierkegaard.
Giữa những khả thể hình thành hiện hữu chân thực, Kierkegaard đã nêu lên ba loại hình căn bản của hiện hữu: hiếu mỹ, đạo hạnh và tôn giáo. Con người hiếu mỹ là con người chỉ quan tâm tới cái tức thời, bằng lòng với những kích thích của niềm vui lạc thú và sự nhộn nhịp của cuộc đời tầm thường, vô nghĩa[6]. Lối sống này che giấu con người trong mê cung của chính mình, đến nỗi con người dường như không còn khả năng lùi lại để ý thức (vãn hồi) về chính bản thân mình. Bước sang giai đoạn đạo hạnh, con người thức tỉnh trong ý thức về chính cuộc sống mình. Lúc bấy giờ, con người chấp nhận đặt mình quy phục vào một hình thức, luật lệ phổ quát và từ bỏ việc trở thành một ngoại lệ. Nói cách khác, con người đạo hạnh là con người khao khát làm cho chính mình trở thành một con người lý tưởng được mọi người công nhận[7]. Tuy nhiên, lối sống này chưa phải là hiện hữu chân thực mà Kierkegaard hướng đến. Bởi lẽ, nếu một ai đó chỉ quy phục trong một mẫu thức chung, thì ắt hẳn con người đó cũng đồng thời đánh mất luôn tính cá vị, độc đáo của hiện hữu mình. Vì thế, đối với Kierkegaard, con người cần phải thực hiện một bước nhảy hiện sinh để vượt qua hố thẳm ngăn cách giữa đạo hạnh và tôn giáo. Trong đời sống tôn giáo, con người dường như vượt thoát khỏi vòng kiềm toả của những nguyên tắc luân lý chung chung để đi vào trong tương quan cá vị với Thiên Chúa – đó chính là đặc trưng của đời sống đức tin. Mặc dù, đức tin không thể giải thoát con người khỏi sự âu lo, bởi đức tin cũng chỉ là một sự “chắc chắn” đầy xao xuyến (nghịch lý của đức tin), nhưng nó là điều kiện mà trong đó bất kỳ ai muốn sống là chính mình, không thoả mãn với cám dỗ tự mình là đủ, dám đặt mình vào trong bàn tay của Thiên Chúa[8]. Lúc bấy giờ, những đe doạ làm cho con người ra hư vô hoá bởi tính khả thể được xoa dịu một cách nào đó nhờ đặt niềm tin và hi vọng vào Thiên Chúa, bởi lẽ với Thiên Chúa tất cả đều có thể[9].
Nói cho cùng, đối với Kierkegaard, con người hiện hữu cách chân thực và sống động nhất khi con người bị giới hạn trong thời gian được vươn lên hoà điệu làm một với Thiên Chúa vĩnh cửu. Đó cũng là lúc con người được nhấc bổng khỏi thế giới thiển cận, tầm thường của hiếu mỹ, siêu vượt khỏi địa hạt phổ quát của đạo hạnh để dìm mình trong môi trường của Thiên Chúa.
Marcel – Hiệp thông trong tình yêu với cái-Anh tuyệt đối.
Với những thành tựu của mình, khoa học kỹ thuật đã đưa con người gặt hái rất nhiều thành tựu trên mọi lãnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, tinh thần của khoa học cũng dẫn đưa nhân loại vào những ngã rẽ cực đoan của nó, đến nỗi con người dường như bị giản lược trở thành một đối vật đơ cứng, được đo lường trong những phạm trù về hiệu năng và chức năng. Ý thức được tình trạng khô khốc nội tâm, nguy cơ đánh mất chính mình, một sự thiếu vắng trong tương quan sống động với tha thể của con người thời đại, Marcel đã phác hoạ chân thực “nỗi bất an”[10] của con người thời đại, nhờ đó đưa con người vươn tới hiện hữu chân thực và tròn đầy trong tương giao tình yêu với tha thể.
Với Marcel, hữu thể không thể bị trừu xuất trong một vấn đề, nó cũng không phải là một nội dung được đặt cạnh những nội dung khác. Khoa học là lãnh vực của các “vấn đề”, nghĩa là đối tượng mà khoa học nghiên cứu chính là những vấn đề mà ta có thể gặp, nó nằm trước mắt ta, có thể xem xét nó, giản lược nó, trái lại hữu thể lại là lãnh vực của “huyền nhiệm”, mà “huyền nhiệm” lại là điều mà ta dìm mình vào trong một bầu khí, bấy giờ “trước mắt tôi”, hay “trong tôi” không còn giá trị hay ý nghĩa nào nữa[11].
Trong viễn tượng đó, ta nhận thấy rằng, con người chân thực nhất đối với Marcel là một con người thông dự, gắn chặt và không thể tách rời khỏi tính toàn thể của hiện hữu. Vì thế, tha thể không bao giờ là một đối vật của tôi, thay vào đó “cái tôi” và “cái anh” đều là huyền nhiệm đồng hiện hữu được kết dính bằng mối liên hệ hữu cơ và năng động[12]. Theo Marcel, con người chỉ thực sự hiện hữu chân thực trong mức độ thông dự với tha thể. Nói cách khác, câu trả lời cho câu hỏi “tôi là ai?” sẽ được mạc khải trong mức độ gặp gỡ và hiệp thông huynh đệ chân thực trong tình yêu. Để làm được điều đó, mỗi người cần sống thông dự trong ba chiều kích: cái-tôi và cái-anh của tôi; cái-tôi và cái-anh của người khác; cái-tôi và cái-Anh Tuyệt đối.
Trước hết, trong tương quan với chính mình, tôi sẽ thực sự trở thành chính tôi trong mức độ sẵn sàng đón nhận chính con người thật của mình. Điều đó giúp giải thoát tôi khỏi sự chìm ngập trong cái vị kỷ[13]. Tuy nhiên, đến một chừng mực nào đó, chính tôi cũng không thể tự mình trả lời cho câu hỏi “tôi là ai?”. Bởi lẽ, nếu tôi chỉ đóng khung thế giới trong cái tôi của chính mình thì chẳng khác nào tôi tự đặt tôi là nguyên lý tuyệt đối. Lúc bấy giờ, thay vì giải phóng mình tôi lại huỷ hoại tôi như một sự vật tự qui. Vì thế, khi tôi mở ra với người khác, cái-anh của người khác sẽ giúp tôi nhận biết về tôi nhiều hơn. Nhờ mở ra để tôi biết tôi nhiều hơn mà tôi lại thực sự là tôi hơn[14]. Tuy nhiên, sự gặp gỡ với người khác chưa phải là tất cả, bởi vì người khác cũng chỉ có thể đưa tôi đến được một điểm nhất định nào đó như: một nhóm người, một cộng đồng, một xã hội – đó vẫn còn là một địa hạt bị giới hạn[15]. Theo Marcel, con người sẽ đổ đầy tràn hữu thể mình khi vươn tới để thông giao trong tình yêu với cái-Anh Tuyệt đối. Bởi lẽ, tôi hay người khác đều chỉ là những hữu thể hữu hạn, duy chỉ có Hữu thể Tuyệt đối mới là vô hạn. Hơn nữa, Marcel khẳng định rằng, nguyên lý cho mối thông giao giữa tôi và tha thể phải được gắn kết bằng chất nhựa của tình yêu, chứ không thể bởi lợi ích hay nhu cầu, bởi trong tình yêu với cái-Anh tuyệt đối mà ranh giới của chủng tộc, ngôn ngữ, tài năng,… được khoả lấp[16]. Nói cho cùng, hiện hữu chân thực trong tư tưởng của Marcel chính là con người hiệp thông trong tình yêu với cái-Anh Tuyệt đối.
Kết luận
Tóm lại, nếu triết học Cổ đại nhắm đến hiểu biết nguyên nhân, nghĩa là nhắm đến các yếu tính, thì đối với các triết gia Hiện sinh, đã đến lúc cần phải thay đổi cách nhìn đó. Bởi lẽ, con người là một hữu thể tự do và hơn nữa tự hình thành (yếu tính theo sau hiện hữu), vì thế con người có trách nhiệm tạo ra các giá trị cho cuộc sống mình. Dẫu cho mỗi triết gia Hiện sinh đã đề xướng tiêu chuẩn hiện hữu chân thực của con người khác nhau, nhưng tất cả cách nào đó đều nhắm đến một mục đích, đó chính là mở ra những con đường nhằm thăng tiến con người, giúp con người sống một cuộc đời đáng sống và ý nghĩa hơn.
Antôn Lee
ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê
[1] Nguyễn Quốc Lâm, Ý hướng triết học, Lưu Hành Nội Bộ, Đà Lạt, 2014, 69.
[2] W. Norris Clarke, The One and The Many: A Contemporary Thomistic Metaphysics, University of Notre Dame Press, Indianna, 2001, 37.
[3] J. Macquarrie, Existentialism, World Publishing, New York, 1972, 2.
[4] Nguyễn Ngọc Hải, Triết Học Hiện Sinh – Một vài đường dẫn căn bản: Kierkegaard, Lưu Hành Nội Bộ, Sài Gòn, 2021, 2.
[5] Steven Croweel, Cambridge Companion to Existentialism, Cambridge University Press, New York, 2012, 96.
[6] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, Nxb. Văn Học, Tp. HCM, 2008, 84-88.
[7] Ibidem., 93.
[8] Kierkegaard, Kính Sợ và Run Rẩy, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM, 2019, 206-218.
[9] Steven Croweel, Cambridge Companion to Existentialism, op. cit., 103-108.
[10] Nguyễn Ngọc Hải, Triết Học Hiện Sinh – Một vài đường dẫn căn bản: Marcel, Lưu Hành Nội Bộ, Sài Gòn, 2021, 9.
[11] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, op. cit., 261.
[12] Nguyễn Ngọc Hải, Triết Học Hiện Sinh – Một vài đường dẫn căn bản: Marcel, op. cit., 20
[13] Ibidem., 21.
[14] Nguyễn Trọng Viễn, Triết học nhập môn, Học viện Đa Minh, Lưu hành nội bộ, 1995, 130-134.
[15] Nguyễn Ngọc Hải, Triết Học Hiện Sinh – Một vài đường dẫn căn bản: Marcel, 24.
[16] Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, op. cit., 296.
1. J. Macquarrie, Existentialism, World Publishing, New York, 1972.
2. Kierkegaard, Kính Sợ và Run Rẩy, Nxb. Hồng Đức, Tp. HCM, 2019.
3. Nguyễn Ngọc Hải, Triết Học Hiện Sinh – Một vài đường dẫn căn bản: Kierkegaard, Lưu Hành Nội Bộ, Sài Gòn, 2021.
4. Nguyễn Ngọc Hải, Triết Học Hiện Sinh – Một vài đường dẫn căn bản: Marcel, Lưu Hành Nội Bộ, Sài Gòn, 2021.
5. Nguyễn Quốc Lâm, Ý hướng triết học, Lưu Hành Nội Bộ, Đà Lạt, 2014.
6. Nguyễn Trọng Viễn, Triết học nhập môn, Học viện Đa Minh, Lưu hành nội bộ, 1995.
7. Steven Croweel, Cambridge Companion to Existentialism, Cambridge University Press, New York, 2012.
8. Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, Nxb. Văn Học, Tp. HCM, 2008.
9. W. Norris Clarke, The One and The Many: A Contemporary Thomistic Metaphysics, University of Notre Dame Press, Indianna, 2001.