Heidegger Và Nỗi Ưu Tư

Fri,13/09/2024
Lượt xem: 179

Trong nhịp sống ào ạt của thời đại công nghệ và thông tin hiện nay, ‘nỗi sầu’ của ưu tư trong con người dường như ‘cũng nhỏ lại’. Nhưng liệu làn sóng công nghệ và thông tin kia có xô lấp được nỗi ưu tư nơi con người, hay càng làm cho lòng người thêm u sầu, réo rắt đến khổ não? Khởi đi từ hiện tượng buồn chán của con người, Heidegger đã đào sâu hơn để thấy hiện tượng này đụng chạm đến tận yếu tính (essence) sâu kín của hữu thể con người. Với tầm quan trọng đó, ông coi nỗi ưu tư như là một phương thức hiện hữu của phận người. Trong vài trang ngắn ngủi này, người viết sẽ cố gắng tóm lược hành trình bóc gỡ trên của Heidegger về nỗi ưu tư. Từ đó, như được gợi hứng bởi mạch suy tư ấy, người viết sẽ nêu lên một vài phản tỉnh cá nhân thay cho lời kết.

“Từ thuở Tiên đi, sầu cũng nhỏ.
Nhân gian thôi nhớ chuyện trên trời

Đại bàng vỗ cánh muôn năm trước
Đâu biết trời kia rộng mấy khơi…”

(Hồn xa, Huy Cận)

Trong nhịp sống ào ạt của thời đại công nghệ và thông tin hiện nay, ‘nỗi sầu’ của ưu tư trong con người dường như ‘cũng nhỏ lại’. Tội gì phải lo nghĩ, phải để tâm chú ý đến những ‘chuyện trên trời’. Bởi những đổi thay liên tục của công nghệ, những dữ kiện luôn được cập nhật mới mẻ đã choáng hết nỗi bận tâm của người ta rồi. Một khi những ưu tư, bận tâm mang tính ‘Tiên’ đã ‘vỗ cánh’ thì người ta cũng chẳng thể ‘biết trời kia rộng mấy khơi’.

Nhưng liệu làn sóng công nghệ và thông tin kia có xô lấp được nỗi ưu tư nơi con người, hay càng làm cho lòng người thêm u sầu, réo rắt đến khổ não bởi những âm vọng của ‘nỗi sầu của Tiên’? Chẳng lẽ Tiên và Trời đành “bó tay” để người thế cứ ‘nhớ chuyện nhân gian’?

Có lẽ cùng một thao thức ấy mà triết gia Heidegger (1889 – 1976) đã dày công suy tư về hai chữ ‘ưu tư’ (boredom)[1]. Khởi đi từ hiện tượng buồn chán của con người, Heidegger đã đào sâu[2] hơn để thấy hiện tượng này đụng chạm đến tận yếu tính (essence) sâu kín của hữu thể con người. Với tầm quan trọng đó, ông coi nỗi ưu tư như là một phương thức hiện hữu của phận người. Trong vài trang ngắn ngủi này, người viết sẽ cố gắng tóm lược hành trình bóc gỡ trên của Heidegger về nỗi ưu tư. Từ đó, như được gợi hứng bởi mạch suy tư ấy, người viết sẽ nêu lên một vài phản tỉnh cá nhân thay cho lời kết.

 

I. BA DẠNG THỨC CỦA NỖI ƯU TƯ [3]

1. Bị ưu tư bởi… (becoming bored by…)

Thường thường, nỗi buồn ập đến với ta bởi một hoàn cảnh hay một nguyên nhân nào đó. Ví dụ như trong lúc chờ tàu, ta cảm thấy buồn nản. Nỗi buồn chán này được gây ra do việc chờ đợi (waiting). Chờ đợi làm ta mất kiên nhẫn. Càng mất kiên nhẫn hơn vì ta không sao kéo thời gian chờ đợi ngắn lại được, và càng không thể xua đuổi đi nỗi buồn đáng ghét kia (94b). Thế là ta rơi vào trạng thái “bị ưu tư bởi…”.    

Có hai nguyên nhân gắn liền với dạng ưu tư, buồn chán này của ta là thời gian và sự trống rỗng (emptiness). Về thời gian, sở dĩ bồn chồn là do ta cảm thấy như bị thời gian bỏ mặc lơ lửng (being held in limbo) giữa hai thời khắc: thời điểm hiện tại và thời điểm tàu sẽ đến (99a). Trong khoảng giữa lửng lơ ấy, ta như thể bị thời gian kéo lê đi (the dragging of time). Thời gian dường như có một sức mạnh huyền bí (enigmatic power) đang đàn áp, dồn nén ta, làm cho ta bị tê liệt, và thậm chí đang phản bội lại ước muốn của ta (98b, 99bc). Và rồi trong trạng thái lơ lửng buồn tẻ như thế, ta cũng chả tha thiết gì với những cảnh vật và sự việc xảy ra bên mình (something at hand, 101b). Hay nói cách khác, ta đang bị rơi vào sự vô nghĩa (being left empty). Vô nghĩa vì sự vật kề cận như thể đang bỏ rơi ta, đang đẩy ta về lại với chính ta (things abandon us to ourselves, 103a), mà chẳng màng tỏ lộ cho ta tí gì về sự hiện hữu của chúng (offer nothing). Vậy đấy, nỗi buồn là kết quả của một sự kết hợp mù mờ (obscure relation) của khoảng thời gian lơ lửng và sự trống rỗng của sự vật (105b).

Tuy nhiên, trong dạng thức “bị ưu tư bởi…” kia, ta không chủ động được về mặt thời gian. Vậy nếu ta làm chủ về thời gian, nỗi ưu tư sẽ biến mất chăng? Heidegger tiếp tục mời ta kiên nhẫn phân tích dạng thức thứ hai của nỗi ưu tư: phải ưu tư với… 

 

2. Phải ưu tư với… (being bored with…)

“Hôm nay trời nhẹ lên cao,
Tôi buồn chẳng biết vì sao tôi buồn!?”

(Chiều, Xuân Diệu)

Thật vậy, đâu phải nỗi buồn nào cũng hàm chứa một đối tượng khách quan làm nguyên nhân. Đâu phải hễ ta sắp xếp chương trình kín mít là nỗi ưu tư sẽ không còn. Heidegger cho ta một ví dụ khác trong thực tế cuộc sống. Giả như ta có một cuộc họp lớp với bạn bè vào một buổi tối trong tuần. Ta đã sắp xếp công việc và dành thời gian rõ ràng cho buổi tối ấy. Mọi diễn biến của cuộc họp mặt diễn ra thật tốt đẹp và ai cũng ưng ý. Trong buổi tối này, ta cũng vui vẻ, trò chuyện cùng bạn bè. Bỗng nhiên, nỗi ưu tư ập đến chiếm lấy ta. Thế là, “ta buồn chẳng biết vì sao ta buồn!?” Điều gì trong buổi họp mặt này làm ta phải ưu tư? Thực sự, ta không biết (I know not what, 114b).

Dù chưa thể xác định điều gì làm ta phải bận tâm, nhưng xét cho cùng, nỗi ưu tư luôn để lại cho ta một cảm giác trống rỗng (leave us empty, 117a). Sự trống rỗng này không phải là sự vô nghĩa của sự vật như trong dạng thức thứ nhất, vì ta vẫn đang cùng đồng hành với sự vật, vẫn đang trò chuyện với chúng bạn mà. Đúng hơn, sự trống rỗng này là một sự trôi tuột chính mình trước những gì đang diễn ra xung quanh. Hay diễn tả khác đi, trong sự ngẫu nhiên này, cái ngã của ta bị bỏ lại đằng sau ta. [4] Và tắt một lời là, sự trống rỗng đến từ chính ta.

Còn về mặt thời gian, ta có cần xét không một khi đã chủ động dành hoàn toàn buổi tối kia cho việc họp mặt? Đúng là thời gian không còn trói buộc ta (như trong dạng thức đầu) nhưng không đồng nghĩa là nó buông tha ta hoàn toàn. Thời gian lúc này như đứng yên (standing), như đang bị trì hoãn (protracted). Sự ngưng đọng ấy của thời gian lại là một sự lơ lửng mang tính nguồn cội hơn.[5] Nguồn cội hơn bởi xét cho cùng, ta không thể bước ra khỏi thời gian (123c). Ta sắp đặt thời gian cũng là ta đang liên hệ, đang gắn chặt với thời gian. Do đó, sự ngưng đọng của giây phút hiện tại cũng là cái ngã của chính ta như thể nó đã gạt sang bên những khía cạnh của nguồn gốc và tương lai của nó vậy. [6]

Tóm lại, ở dạng thức thứ hai này, tuy cũng là bị động nhưng đối tượng làm ta phải ưu tư không đến từ phía bên ngoài ta mà đến từ chính bản ngã của ta. Nó đột ngột xâm chiếm ta; rồi bắt ta phải bận tâm đến nó. “Phải ưu tư với…” là thế. Và một khi “ưu tư với” bản ngã của mình, ta dần ý thức được một sự mất mát nào đó nơi bản ngã ấy của mình. Chính sự ý thức này dẫn ta vào trong dạng thức thứ ba của nỗi ưu tư – một nỗi ưu tư thẩm sâu.  

 

3. Nỗi ưu tư thẳm sâu (profound boredom)

Khi tiếp tục “phải ưu tư với…”, ta thấy như có một lực thúc ép ta phải lắng nghe, phải kiếm tìm mọi điều chân thật về Dasein, và một sự tự do nội tại hơn của Dasein.[7] Thứ đòi hỏi vô hình này chính là bản chất đầy quyền lực của nỗi ưu tư (overpowering nature of boredom, 136a). Một khi đã lôi nỗi ưu tư của ta về tới nền tảng sâu xa này, bản chất đầy quyền lực kia lại chỉ cho ta thấy tình trạng trống rỗng và lơ lửng của ta ở một cấp độ ý nghĩa khác.

Sự trống rỗng lúc này là do Dasein đã nói lời chối từ với những khả thể giúp ta có thể trở nên một tổng thể trọn vẹn. Vì nói lời chối từ cũng đồng nghĩa với việc nói lên lời công nhận về những khả thể đã bị Dasein bỏ sót hoặc chưa khai thác.[8] Nên suy ra, sự trống rỗng không phải là một lỗ trống cần được lấp đầy bởi những sự vật. Nhưng đúng hơn, sự trống rỗng ấy liên quan đến những hữu thể trong một tổng thể. Mà đã là hữu thể thì không thể coi là hư vô được.[9] Nghĩa là, nơi mỗi hữu thể đều chất chứa một khả thể cần được phát triển đến trọn đầy (143a). Do đó, ngày nào còn chưa được ưu tư đến, ngày đó những hữu thể mang tính khả thể kia còn réo gọi sự bận tâm của Dasein. Thứ âm vọng này như nhắc nhở ta, chỉ điểm cho ta về sự hiện hữu của những khả thể mà ta đang chối từ hay quên lãng, chứ không trực tiếp hướng dẫn ta cách giải quyết chúng (140c).

Lại nữa, Dasein – đúng như bản chất của nó là một hữu bị quăng ném vào đây (there-being) – luôn được đặt trong một khung thời gian phổ quát vừa mang tính đơn lẻ vừa mang tính nhất thể: hiện tại, quá khứ và tương lai.[10] Cộng với lời chối từ trở nên tổng thể trên, Dasein càng nghiệm sâu nỗi lơ lửng chênh vênh của mình. Bởi chưng, bất cứ lúc nào được thốt lên, lời chối từ liền lan đi trong một khung trời bao la với mọi khía cạnh, cả trong triển vọng phía trước và trong hoài vọng phía sau.[11] Vì chối từ cũng có nghĩa là rút lui (withdraw). Mà một khi các hữu thể mang tính khả thể rút đi hết thì Dasein chỉ còn biết câm nín “đứng bên đời hiu quạnh” chứ sao (147ab). Chán ngán quá đỗi. Lặng lẽ quá đỗi. Một sự chán ngán đầy nín lặng như thế chẳng phải là một nỗi ưu tư thẩm sâu hay một nỗi u hoài đấy sao? 

Như thế đó, nỗi ưu tư là một thao tác vừa nguồn cội vừa gắn chặt với phận người. Dẫu dưới nhiều dạng thức khác nhau, nỗi ưu tư luôn để lại trong ta những cảm giác trống vắng và chênh vênh. Trống vì sự vật vô nghĩa. Vắng vì vuột mất chính mình. Hay trống vắng vì mình chưa là người đủ? Chênh vì thời khắc lệch nhau. Vênh vì cái ngã của ta bị lòi ra cách vô vị trong phút ngưng đọng của thời gian. Hay chênh vênh vì đang ngặm nhắm nỗi u hoài của kiếp hiện sinh bị ném thả? Vâng, thế nên xin đừng lãng quên nỗi ưu tư. Đừng áp chế, cũng đừng trốn chạy nó. Hãy cứ để cho nó tự do lên tiếng… (132b)

“Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ,
Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ,

Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng,
Rung tần không khí, bạt vi lô.
… Chao ôi! Ghê quá trong tư tưởng:
Một vũng cô liêu cũ vạn đời.”

(Cô liêu, Hàn Mặc Tử)  

 

II. PHẢN TỈNH CÁ NHÂN

Như tiếp nối tư tưởng của Heidegger, tôi nhận ra nơi nỗi ưu tư mang tính nguồn cội kia có chất giải thoát.

Nỗi ưu tư không phải là một điều gì đó khiến ta phải sợ hãi mà trốn chạy. Vì thực tế, ta không sao trốn khỏi những bận tâm và phiền não. Nhưng đúng hơn, giữa muôn ngàn đối tượng gây phiền não kia, hãy chọn để tâm ta được bận vương bởi những thao thức mang tính nguồn cội, sâu xa và đầy hy vọng. Chính những thao thức ấy mới mang lại cho ta sức sống vì nó chất chứa ý nghĩa của cuộc hiện sinh vốn nhiều u uẩn này. Vậy nếu có trốn chạy, hãy bỏ lại sau lưng những đối tượng mang tính bề nổi, hời hợt và dễ gây lạc hướng. Ưu tư đúng đắn là dồn lực để bận lòng với những chuyển động nội tâm sâu xa đang réo gọi hầu giúp ta thành người hơn, trưởng thành hơn, và tự do hơn mỗi ngày.

Giải thoát cũng không phải là đương đầu, đối phó, hay giải quyết cho bằng hết những ưu tư. Nghe những âm vọng đong đầy khắc khoải. Nếm những hương vị lúc đầu thì chua cay mà cảm lâu thì ấm ngọt của nỗi khôn nguôi nguồn cội. Phải, những thao tác ấy tưởng chừng như lãng phí trước một nhịp sống dồn dập, hướng ngoại và duy hiệu quả ngày nay; mà thật ra, lối hành xử chậm và lắng kia mới làm cho tâm tư ta được khuây khỏa. Bởi xét cho cùng, cuộc sống đâu chỉ là và đâu phải là những phép toán khô khốc nối tiếp nhau mà ta phải loay hoay giải đáp mãi. Chính trong phút hồi tâm mà ta được sống thực với hồn ta, với khao khát thẩm sâu trong ta. Ngẫm cũng lạ, những khao khát dang dở mà lại có sức xoa dịu, vạch lối cho kiếp người vồn vã ưu tư. Dang dở mà nguồn cội vẫn hơn hiệu năng mà hời hợt. Hóa ra, ưu tư trong nguồn cội, cùng nguồn cội và với nguồn cội lại là con đường giải thoát vậy.  

Nguyễn Phước Bảo Ân, S.J.

 

 

[1] Xem trong Viện Ngôn Ngữ Học, Từ Điển Anh – Việt, (Tp. HCM: Nxb. Tp. HCM, 2001), ta có:

Boredom (n): tình trạng buồn chán, mệt mỏi, hoặc không hứng thú (tr.206).

Còn theo Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại Từ Điển Tiếng Việt, (Tp. HCM: Nxb. Văn hóa-Thông tin, 1999), ta có những từ gần nghĩa như sau:

Buồn (tt): có tâm trạng u sầu, không thích thú thiết tha (tr.210).

Bận tâm (tt): luôn luôn nghĩ đến, khiến không thể yên lòng (tr.130).

Ưu tư : lo nghĩ (tr.1784).

U hoài: buồn nhớ âm thầm, lặng lẽ (tr.1772).

Do đó, người viết chọn dịch chữ ‘Boredom/ bore’ chính yếu là ‘Ưu tư’, nhưng đôi chỗ tùy mạch văn sẽ chuyển thành: bận tâm, buồn chán, hay u hoài.

[2] Bore (v): cũng có nghĩa là khoan đào (Từ Điển Anh – Việt, tr.206).

[3] Martin Heidegger, The Fundamental Concepts Of Metaphysics – World, Finitude, Solitude, trans. William McNeill & Nicholas Walker, (Bloomington: Indiana University Press, 1995).

Vì mọi trích dẫn đều trong cuốn sách này và để tiện cho việc truy nguồn, người viết sẽ tạm chia trang sách theo quy ước sau: đầu trang (a), giữa trang (b), cuối trang (c). 

[4] …A slipping away from ourselves toward whatever is happening (118a). In this casualness, there is a sense of leaving ourselves behind ourselves, namely our proper self (119c).

[5] Time does not bind us, it withdraws, as it were by abandoning us only for a period to our being there and part of things, it does not release us entirely (122a). This standing of time is a more originary holding in limbo which is merely protracted (122b).  

[6] This standing time – this is ourselves; it is our self as that which has been left behind with respect to its provenance and future (125c).

[7] We now have a being compelled to listen, being compelled in the sense of that kind of compelling force which everything properly authentic about Dasein possesses, and which accordingly is related to Dasein’s innermost freedom (136b).

[8] Being left empty in this third form of boredom is Dasein’s being delivered over to beings’ telling refusal on the part of beings as a whole with respect to these possibilities (139c). In telling refusal, there lies a reference to something else. This reference is the telling announcement of possibilities left unexploited (141a).

[9] The emptiness is not a hole between things that are filled, but concerns beings as a whole and yet is not the Nothing (140a).

[10] Originarily, there is the single and unitary universal horizon of time in which Dasein constantly moves and distributes itself into present, having-been, and future (145b).

[11] These beings refuse themselves as a whole in the said expanse in every respect, altogether in prospect and in retrospect (143a).

Nguồn tin: https://sjjs.edu.vn/
Tags :