Góc Nhìn Nho Giáo: Đức Giêsu, Người Quân Tử Thứ Thiệt

Fri,04/01/2019
Lượt xem: 3841

Nếu ai đã từng đọc qua những câu chuyện võ lâm, hay xem những thước phim kiếm hiệp của Trung Quốc, hẳn rất rõ về hình tượng người quân tử. Và chắc chắn rằng, trong trí nhớ của chúng ta hình ảnh của người quân tử phải là một anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, chí khí hiên ngang, nói được làm được, công tư phân minh,... Nhưng sự công bằng của người quân tử mới chỉ dừng lại ở chỗ: có ân báo ân, oán báo oán – mắt đền mắt, răng đền răng. Tư tưởng Nho gia đã vượt qua lý tưởng chật hẹp đó để xây dựng nên hình ảnh người quân tử tài đức vượt bậc. Người quân tử đó vừa có tài, lại đức độ, nhất là phải biết thiên mệnh.[i] Lướt qua những tiêu chí mà Nho gia đưa ra thì xét cho cùng, và theo một cách chủ quan thì chỉ đó Đức Giêsu thành Nadareth là một bậc quân tử đúng nghĩa. Vậy cuộc đời của Đức Giêsu tại thế đã tương hợp như thế nào với những cốt cách mà người quân tử theo tư tưởng Nho gia cần có?

Quân tử thể nhân túc dĩ trưởng nhân – Quân tử lấy đức nhân làm thể là đủ để làm cho con người trưởng thành[ii]: Tư tưởng của Nho gia luôn đặt đức Nhân làm gốc, vì thế người quân tử phải luôn lấy đức Nhân là nền tảng. Đức Nhân chính là lòng thương xót trên kẻ khác và vạn vật. Và “Quân tử học đạo tắc ái nhân – quân tử học đạo thì yêu người” (Luận ngữ: Dương Hóa),  “Ái Nhân” được thể hiện qua khuôn vàng thước ngọc: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân – Điều gì không muốn, đừng làm cho người” (Luận ngữ: Nhan Uyên, 20). Để rõ ràng và khúc chiết hơn, Nho giáo đã chỉ rõ, cần yêu hết tất cả mọi người,[iii] không trừ một ai, vì “Tứ hải giai huynh đệ giả - Người trong bốn bể đều là anh em” (Luận ngữ: Nhan Uyên, 12). Sứ mạng của Đức Giêsu là làm chứng cho tình yêu, bằng cách quảng diễn tình yêu đó ra đời sống với những việc làm trên những con người cụ thể. Những hành động đầy yêu thương của Ngài đã làm cho ý nghĩa của “đức Nhân” được nên trọn vẹn, đồng thời Ngài cũng thăng hoa “khuôn vàng thước ngọc” của Nho giáo lên tầm mức tròn đầy: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Tình yêu của Ngài là một tình yêu miên viễn, vì chính Ngài là Hữu thể tình yêu. Ngài đã yêu thương hết tất cả, và không muốn bất cứ một hữu thể nào bị hư mất, kể cả đó là kẻ thù: “Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Quân tử hòa nhi bất đồng – Quân tử hòa mà không về hùa” (Luận ngữ: Tử Lộ)[iv]: những trình thuật ở trong Tin mừng đã cho ta thấy rất rõ về Đức Giêsu, đó là một Giêsu của công chúng, không phân biệt già trẻ, phụ nữ hay đàn ông, quyền quý hay nô lệ, giầu có hay bần cùng đói rách, người thánh thiện hay kẻ tội lỗi, ... Ngài không gần gũi quá mức người phú hộ, mà lãng quên đi một Ladarô đói rách bệnh hoạn. Ngài không chìm đắm trong những mối tương giao với những luật sĩ, biệt phái - những kẻ tự coi mình là đạo đức, mà bỏ rơi những thân phận lỡ bước trong tội lỗi: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Ngài không thiên vị, cưng chiều cho dân tộc được tuyển chọn, mà chểnh mảng với những người dân ngoại... Đức Giêsu không chỉ là của Maria, Phêrô, những người thiện tâm, mà còn của người tội lỗi, què quặt, ngoại đạo,...

“Quân tử thượng đạt – Quân tử thành tựu hướng cao thượng” (Luận ngữ: Hiến vấn)[v]: Người quân tử phải là người luôn phục vụ tha nhân, luôn đặt lợi ích của người khác trên tất cả. Quân tử phải là người sống vì người khác, dẫu cho mình có bị thiệt thòi. Cuộc sống tại thế của Đức Giêsu là những ngày tháng của sự hy sinh phục vụ: “Ta đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mt 20,28).  Hơn thế nữa, Ngài còn hạ mình rốt hết để rửa chân cho các môn đệ. Đức Giêsu đã cách nào đó minh định rằng, người quân tử phải là người phục vụ kẻ khác (x. Lc 21,26). Dù những cử chỉ phục vụ của Đức Giêsu không còn hiện hữu về mặt khả giác, nhưng chính Ngài đã xây dựng một mô mẫu lý tưởng về sự hy sinh phục vụ vẫn thường hằng trong thế giới ý tưởng.[vi]

“Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử - Không biết mệnh Trời không lấy gì làm quân tử” (Luận ngữ: Nghiêu viết, 20): Với Nho gia, hẳn còn rất nhiều tiêu chí khác,[vii] nhưng biết mệnh Trời là yếu tố quan trọng nhất để làm nên một bậc quân tử thứ thiệt và là một bước đệm để người quân tử trở thành vị “thánh hiền”. Người quân tử phải biết được thiên mệnh. Nhưng để biết được thiên mệnh không hề dễ, đến như Khổng Tử cũng qua nửa kiếp người mới nhận ra được mệnh Trời dành cho mình: “Ngủ thập nhi tri thiên mệnh – năm mươi tuổi mới biết mệnh Trời” (Luận ngữ: Vi Chính). Thế nhưng, với Đức Giêsu, chỉ vọn vẹn mới mười hai tuổi, Ngài đã biết được sứ mệnh của mình, hiểu được “thiên mệnh” mà Trời (Chúa Cha) đã trao phó: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Trong sứ mạng của Đức Giêsu, Ngài không bao giờ quên đi sự “phối Thiên”, mối quan hệ mật thiết quá đổi: “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,11). Đặc biệt hơn, Ngài đã coi ý Cha (thiên mệnh) như là nguồn lương thực, “lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Và Ngài đã quyết thực thi “thiên mệnh” của mình đến giây phút cuối cùng, dù phải đối mặt với một bản án bất công và một cái chết nhục nhã và đau đớn đang tới. Cái giây phút trong vườn Cây Dầu vẫn là một cái gì đó nặng nề, sầu thảm trong sứ mệnh của Ngài. Một bầu không khí của sự u sầu, chết chóc đang bao bọc lấy Ngài, là hệ quả tất yếu của mệnh Trời dành cho Ngài. Và như một định luật muôn thủa của xác thịt, sự sợ hãi đã len lõi vào trong một bậc quân tử, tuy nhiên, chí khí của “bậc đại trượng phu” cộng thêm ơn Trời đã làm cho người quân tử quyết giữ lấy thiên mệnh: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

Như nhận định từ ban đầu, phải chăng con đường để trở nên một bậc quân tử rơi vào ngõ cụt, như thế, trước và sau Đức Giêsu sẽ không có thêm bậc quân tử nào? Chắc hẳn luận điệu trên đây chỉ để minh chứng một điều, Đức Giêsu thành Nadareth là một mô mẫu lý tưởng về hình tượng người quân tử đã được phác họa trong tư tưởng của Nho giáo. Như một triết gia đã nhận định: “Đời sống quân tử là một lý tưởng cho mọi người. Nó chứng minh được rằng cái ‘khí’ tiềm tàng của người quân tử không phải là thiên bẩm của những con người siêu việt, nhưng thuộc nhân tính”[viii]. Và Đức Giêsu chính là lý tưởng cho cho những ai muốn trở nên là một con người thực sự, như lời của Philatô đã giới thiệu: “Đây là người” (Ga 19,5). Đó có thể là một con người mang một thân xác của thương tích, bầm dập, nhưng ẩn chứa bên trong là một cốt cách thanh cao, một ‘khí’ tiềm tàng dám hy sinh vì tình yêu đại đồng.

Phêrô Phạm Văn Huỳnh - Chủng sinh K15


[i] Sách Trung Dung viết: Thiên mệnh chi vị tính – Cái phần trời ban cho gọi là tính

[ii] Trần Trọng Kim, Nho Giáo, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2006, 75.

[iii] Học thuyết Kiêm ái của Mặc Tử

[iv] Lý Minh Tuấn, Triết học cương yếu Đông Phương, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, 148.

[v] Lý Minh Tuấn, Tứ thư bình giải, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2011, 351.

[vi] Theo học thuyết các ý tưởng của Platon: thế giới khả giác và thế giới các ý niệm. Thế giới khả giác là những gì có thể nắm bắt được bằng giác quan, nhưng lại là thế giới ảo, tạm bợ, là phản ánh của thế giới thực. Còn thế giới các ý niệm mới là thế giới thực, vĩnh cửu, kiểu mẫu.

[vii] X. Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, Nxb. TPHCM., 2015, 237-240.

[viii] Đaniel E Cooper (Lưu Văn Hy và nhóm Trí Tri dịch), Các trường phái triết học trên thế giới, Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội, 2005, 70.

Nguồn tin: