CHẾT ÊM DỊU DƯỚI NHÃN QUAN CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Thu,24/09/2020
Lượt xem: 5543

Dẫn nhập

Mạng sống con người là cao quý, thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Xác tín này không do bạn, do tôi hay là do một ý thức hệ nào nghĩ ra và gán cho nó, nhưng tự bản chất nó đã là như thế từ khi đươc Tạo Hóa dựng nên. Do vậy, dù là người có tôn giáo hay là kẻ không có niềm tin, và cho dù là ai đi nữa, ta phải công nhận rằng mạng sống con người là quý giá hơn hết, nó phải được mọi người ra sức bảo vệ và phát triển như nó là. Nói theo ngôn ngữ tôn giáo, nó phải được bảo vệ như ý muốn của Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên, phải chăng hết mọi người đều có chung một quan điểm như vậy ? Và phải chăng hết mọi người đều ý thức quyền bất khả xâm phạm trên mạng sống của tôi cũng như của người khác? Thực tế cho thấy, nơi xã hội ta đang sống, mỗi ngày có biết bao nhiêu sinh mạng người vô tội bị hủy diệt; biết bao nhiêu người hay tổ chức tự cho mình có quyền hủy hoại mạng sống, như: phá thai, diệt chủng, an tử, trợ tử... Đúng vậy, trên thế giới, xưa cũng như nay, đã và đang xuất hiện nhiều hình thức giết người, bất chấp luân lý, đạo đức. Không thể lột tả hết vấn đề nhiêu khê ấy trên vài trang giấy, ở đây, người viết chỉ muốn dừng lại và suy nghĩ đôi điều về vấn đề làm chết êm dịu, dựa trên giáo huấn của Giáo hội Công giáo, một vấn đề đang được bàn cãi cách rộng rãi trong thế giới hiện đại này.

Phải nói được rằng chết êm dịu luôn là một vấn đề thời sự nóng bỏng, và đồng thời là một thách đố rất lớn trên bình diện xã hội cũng như tôn giáo. Nóng bỏng vì đây là vấn đề đã tạo nên những cuộc tranh luận có thể nói là chưa có hồi kết, và nó vẫn tiếp tục được nhắc đến trên các diễn đàn y khoa, đạo đức sinh học và trong cả phạm vi tôn giáo. Điều đáng lưu tâm là trong thời đại văn minh này, thời đại mà y khoa đã phát triển cách mạnh mẽ, nhưng cũng lại là lúc có rất nhiều người và nhiều tổ chức đã và đang tìm mọi phương thế để vận động cách mạnh mẽ hầu mong pháp luật thừa nhận hành vi chết êm dịu; và hiện tại có khá nhiều quốc gia đã ban hành đạo luật cho phép làm chết êm dịu. Một việc làm phi đạo đức nhưng lại được pháp luật ủng hộ, càng làm cho vấn đề vốn nóng bỏng nay lại thêm nóng bỏng hơn. Hệ quả là một số bác sĩ và y tá đã hành xử với bệnh nhân theo những cách thức nhằm đem lại cái chết đến sớm hơn. Một số khác, kể cả người bệnh hay người chăm sóc bệnh nhân, cũng lại cho rằng những cách hành xử ấy là hợp với luân lý cho dù là bất hợp pháp. Tuy nhiên, bên cạnh những quan điểm ủng hộ ấy vẫn còn đó những cá nhân, những tổ chức kịch liệt phản đối hành vi làm chết êm dịu vì cho rằng những cách hành xử như thế chẳng những là bất hợp pháp mà còn trái với luân lý, là xúc phạm đến phẩm giá con người, nhất là xúc phạm đến tính thánh thiêng của nhân vị.

Vì những quan điểm bất đồng ấy nên vấn đề chết êm dịu xứng đáng là đối tượng cho những suy tư của mọi người và của các tổ chức liên hệ, nhất là các Kitô hữu, những người đã được hấp thụ mạc khải của Chúa và giáo huấn của Giáo hội về con người và phẩm giá con người. Thiết nghĩ, là người có đức tin, những suy tư này sẽ giúp tôi và bạn đi tìm cho mình câu trả lời trước vấn nạn đang được tranh luận là: “Tại sao tôi hay bạn phải chịu đau đớn kéo dài trong nhiều ngày tháng, thậm chí là nhiều năm, để rồi cuối cùng cũng phải chết, trong khi mà ta có thể chọn cái chết thanh thản hơn, hầu chấm dứt sự đau đớn cách nhanh chóng hơn?” Thực ra, người viết không dám đưa ra những lý lẽ để tranh biện trên các diễn đàn như nhiều tác giả khác. Bài viết này chỉ  là một nỗ lực nhỏ bé để trả lời cho vấn nạn ấy dựa trên những chỉ dẫn của Giáo hội. Để làm công việc này, trước hết, xin được bàn đến khái niệm chết êm dịu, tiếp đến sẽ nêu lên một số lập luận của chủ trương ủng hộ chết êm dịu, cuối cùng là trả lời vấn nạn tại sao ta không được phép thực hiện hành vi chết êm dịu.

1.     Khái niệm về chết êm dịu

Thuật ngữ Euthanasia, Euthanasie bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp (chữ Eu có nghĩa là cao quý, là tốt; còn chữ thanatos nghĩa là chết), Euthanasie được hiểu là “cái chết êm ái” hay “cái chết hạnh phúc, chết không đau đớn”, nhằm nói đến cái chết của những người già yếu, bệnh tật, chết bằng cách uống thuốc độc. 

Từ điển Công giáo thì giải thích: “An: sự thư thái ; Tử: chết. An tử: chết một cách thư thái, nhẹ nhàng. Vậy, an tử còn gọi là chết êm dịu, là hành vi chủ động (làm cho chết) hay thụ động (không dùng các phương tiện khả dĩ) nhằm kết thúc sự sống của những người bệnh không còn hy vọng được chữa lành, chấm dứt sự đau khổ do bệnh tật gây nên.”[1]

Đức Gioan Phaolô II thì định nghĩa : “chết êm dịu nghĩa là một hành động hay một sự bỏ qua mà tự nó và ý hướng gây ra cái chết, với mục đích xóa bỏ mọi đau khổ. Đó là hành vi làm cho người nào đó chết một cách không đau đớn do những bệnh tật nan y vô phương cứu chữa.”[2]

Ý nghĩa chết êm dịu thay đổi vào thế kỷ XVII, thuật ngữ  euthanasia chỉ những hành vi của thầy thuốc để làm giảm đau đớn cho bệnh nhân đang hấp hối. Vì thế,  an tử còn gọi là chết êm dịu (euthanasia) mặc lấy nghĩa là trợ giúp cho cá nhân được chết sớm hơn hoặc tự tử. Sang thế kỷ XX, ngoài việc trực tiếp làm cho một bệnh nhân mắc bệnh nan y chết êm dịu theo ý muốn của người ấy, từ euthanasia còn mang một ý nghĩa rộng hơn, tiêu cực hơn và ám chỉ việc trực tiếp làm cho những bệnh nhân mắc bệnh nan y hoặc bị điên phải chết ngoài ý muốn của họ. Phương pháp này đã được Đức Quốc Xã thực hiện rộng rãi, cho đó là hợp lý và hợp pháp. Hậu quả là Đức Quốc Xã tàn sát tập thể những người già yếu, thiểu năng tâm lý và khuyết tật thể lý. Kể từ đó, ý niệm về cái chết tự nguyện và không tự nguyện trở nên quan trọng hơn cho cho việc định nghĩa hai từ an tử (chết êm dịu).

[3] Vì thế, để có định dễ hiểu ta cần phải phân biệt: chết êm dịu chủ động và thụ động.

Chết êm dịu chủ động : nghĩa là bệnh nhân còn tỉnh táo để quyết định xin được chết sớm hơn. Thường là bác sĩ, y tá hay người nhà bệnh nhân giúp bệnh nhân tìm đến cái chết. Luân lý và truyền thống Giáo hội Công giáo còn phân biệt chết êm dịu chủ động tự nguyện (voluntary active euthanasia) và chủ động không tự nguyện (non- voluntary active euthanasia).

Chết êm dịu chủ động tự nguyện là việc “cố ý giết chết bệnh nhân hấp hối” theo yêu cầu rõ ràng và sự ưng thuận hoàn toàn của bệnh nhân. Trường hợp này còn gọi là tự tử với sự trợ giúp của thầy thuốc (physician assisted suicide). Thí dụ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, không còn hy vọng điều trị hồi phục, không muốn kéo dài tình trạng đau đớn, và yêu cầu bác sĩ tiêm cho mình liều cao thuốc morphine để chết. Bác sĩ đồng ý và thực hiện điều này.

Chết êm dịu chủ động không tự nguyện là những người không còn có khả năng bày tỏ sự ưng thuận cách tự do và không hiểu biết về những gì sẽ xảy ra cho mình, như người bệnh tâm thần, bệnh nhân tình trạng thực vật, hôn mê sâu. Thí dụ bệnh nhân ở trạng thái thực vật vài năm, gia đình yêu cầu bác sĩ tiêm thuốc cho bệnh nhân chết, bệnh nhân không hề biết cái chết đang xảy ra cho mình.[4]

Chết êm dịu thụ động: là việc mà khi bệnh nhân hôn mê, trẻ sơ sinh chưa có ý thức được bác sĩ, ý tá hay một người nào đó giúp đỡ để cái chết được đến sớm hơn. Có nghĩa là “để cho chết”, tức là không điều trị hoặc đình chỉ điều trị nhằm kéo dài sự sống, vì thế bệnh nhân sẽ chết vì bệnh hoặc vì chấn thương. Với ý nghĩa hiện đại của nó, chết êm dịu thụ động còn được định nghĩa là một hành vi cố ý giết chết những người bị bệnh hoặc bị chấn thương ở mức vô vọng vì lý do nhân đạo. Cuối cùng, thuật ngữ euthanasia còn được dùng với ý nghĩa đặc biệt để nói việc “giết người vì thương xót”, có nghĩa là nhằm chấm dứt nỗi đau hay giúp trẻ sơ sinh bất thường, những người tâm thần và những bệnh nhân vô phương cứu chữa được chết sớm.

[5]Khái niệm trên cho ta thấy rằng hành vi giết người cách êm dịu là một hành động hay một sự bỏ sót với ý định gây ra cái chết cách nhanh chóng cho một người để tránh mọi đau đớn cho người ấy.

[6]Vậy, chết êm dịu chủ động và thụ động có phải là một hình thức giết người hợp pháp và hợp với luân lý hay không ? Trước khi trả lời cho vấn nạn này dựa trên quan điểm của Giáo hội, xin được điểm qua một vài luận cứ mà những người ủng hộ cho rằng chết êm dịu là điều hoàn toàn hợp với đạo đức hay luân lý.

2.     Những lý do ủng hộ quan điểm cho phép chết êm dịu

Trong những thập niên gần đây, một vấn đề hết sức phức tạp đang được tranh luận cách rộng rãi liên quan đến sự sống của con người: “các bệnh nhân ở trong tình trạng vô phương cứu chữa, hay vào giai đoạn cuối của căn bệnh hoặc tất cả mọi người ở trong trường hợp tương tự như vậy có được yêu cầu thi hành an tử hay trợ tử không? Có rất nhiều quan điểm trái chiều nhau, người thì lên án, kẻ thì ủng hộ. Sau đây là quan điểm của những người ủng hộ. Họ chấp nhận cái chết êm dịu với ba lý do.[7]

Lý do nhân đạo (lòng thương xót)

Tình yêu hay tình thương là một giá trị nhân bản gắn liền với cuộc sống con người, nó phải được thể hiện bằng nhiều cách thế khác nhau. Đứng trước đau khổ của người khác, ta cũng không thể không chạnh lòng thương. Giúp người khác ngắt cơn đau thông qua cái chết cũng là thương người. Vậy, kéo dài sự sống không còn giá trị để làm gì? Đó là vấn nạn được những người ủng hộ nêu lên. Họ cho rằng giải thoát cơn đau cho bệnh nhân là điều nên làm, là việc làm mang tính nhân đạo, thương người. Lý do nhân đạo này thật đơn giản, nhưng lại nhân văn, nó nhằm làm giảm bớt nỗi đau đớn của bệnh nhân hay của kẻ bất hạnh ngay tức thì. Khi kết liễu mạng sống của những người bệnh nan y này, ta không hề làm hại họ, nhưng trái lại là mở rộng tình thương đối với họ. Cái chết theo cách thế này và trong lúc này là điều rất có lợi ích cho bệnh nhân, cho người thân và cho xã hội nữa. Vì thế, theo những người ủng hộ, an tử (chết êm dịu) chủ động tự nguyện là hành vi từ bi, nhân ái đem lại sự giải thoát khỏi đau khổ mà nhiều bệnh nhân đang rất mong chờ.[8]

Theo quan điểm của những người ủng hộ, lòng thương xót thúc đẩy sự can thiệp giải thoát được yêu cầu bởi những bệnh nhân vô phương cứu chữa và đang phải mang trên mình nỗi đau đớn. Với họ, “không hề sai lầm về mặt luân lý khi tán thành sự yêu cầu ấy, trái lại sẽ là cực kỳ tàn ác nếu cứ đứng yên không đến trợ giúp kẻ kêu xin mong được giải thoát.”[9] Điều này đặc biệt xảy ra đối với những bệnh nhân không còn sức lực để tiếp cận với thuốc men hay các phương tiện khác. Tốt hơn hết là giúp họ để kết liễu sự sống là một việc làm giúp họ thoát khỏi đau khổ.

Lý do quyền tự quyết cá nhân

Quan điểm này nại vào quyền làm chủ về sinh mạng cá nhân. Lập trường này dựa trên tự do để nêu lên một lập luận: tôi có quyền sống thì tôi cũng có quyền được chết theo ý muốn của riêng cá nhân tôi. Với họ, quyền tự quyết là nền tảng cơ bản của lập trường luân lý bênh vực hành vi chết êm dịu. Đây là quyền của thuyết tự do luân lý, chết hay sống đều do bản thân tôi quyết định, không có luật nào hủy hoại được quyền này. Quả vậy, “Khi bênh vực cho an tử (chết êm dịu), họ muốn nói rằng con người có quyền kiểm soát thân xác và sinh mạng của mình, kể cả việc kết liễu mạng sống; vì thế, con người phải được trao cho sự tự do để thực hiện quyền này. Những người ủng hộ nguyên tắc này cho rằng con người có quyền định đoạt cách sống của mình thế nào, thì họ cũng có quyền được định đoạt như thế về cái chết như vậy."[10] Hơn nữa, mỗi cá nhân có quyền vô hạn để quyết định khi nào thì cuộc sống của mình đã đến lúc phải chấm dứt, nhất là khi cơn đau làm cho họ không thể chịu đựng được nữa. Vậy, quả thực là phi lý nếu quyền tự quyết này không được áp dụng cho những bệnh nhân nan y hấp hối hay đau đớn khủng khiếp ! Khi thấy cuộc sống hết phẩm chất, không còn giá trị để sống và bị coi là vô dụng, gây đau đớn cho tôi, lúc này tôi có quyền được tự quyết định về thân thể này.

Quyền được chết

Quyền được chết muốn nói lên rằng kết liễu mạng sống là vấn đề chọn lựa riêng tư nên chẳng làm hại đến ai; luật pháp không được xen vào lãnh vực riêng tư. Với họ, thầy thuốc phải tuân theo những yêu cầu của bệnh nhân, không những ngưng việc điều trị mà còn cả việc giết chết bệnh nhân nữa. Con người có quyền làm chủ cuộc sống và cái chết, nên phải được kết liễu mạng sống vào thời điểm mà họ muốn, hầu giải thoát sự đau khổ không cần thiết. Thầy thuốc với tư cách là người chăm sóc bệnh nhân, họ phải làm điều có lợi ích tốt đẹp nhất của bệnh nhân, phải ra tay trợ giúp bằng cách trực tiếp giết chết bệnh nhân hoặc giúp bệnh nhân tự tử. Do vậy, nếu “bệnh nhân đồng ý, họ van xin, ta phải giải thoát họ. Nếu một người sáng suốt muốn tự tử, ta có giúp họ không ? Chắc hẳn là không. Còn đây là một người không còn làm chủ được mình! Bác sĩ hay người nào đó làm theo quyết định của bệnh nhân thì có gì là sai trái?[11]

Khi nại đến niềm tin, giới chủ trương luân lý về quyền này cho rằng “chúng ta sống trong một xã hội đa nguyên, vì thế không được phép áp đặt niềm tin của mình cho người khác bằng những luật lệ được biện minh bằng tôn giáo. Với họ, nếu tôn giáo nghiêm cấm an tử (chết êm dịu) chủ động thì các tín đồ có lý do để kiêng tránh, nhưng họ không phải là cái cớ vững chắc để thông qua những điều luật ngăn cản người ngoại đạo thực hiện an tử (chết êm dịu).”

[12]Trong quá khứ, làm chết êm dịu vốn đã được nhiều người ủng hộ, hơn nữa việc làm chết êm dịu những phôi thai dị tật hay lớp người già yếu bệnh tật đang trở thành gánh nặng cho xã hội lại càng được ủng hộ cách mãnh liệt. Từ thái độ lên án nay chuyển dần sang thái độ bao dung, chấp nhận hay hỗ trợ ngày càng tích cực hơn, ngay cả bằng pháp luật. Vậy, Giáo hội có những phản ứng nào đối với các quan điểm ủng hộ cho việc làm chết êm dịu?

3. Quan điểm của Giáo hội về vấn đề chết êm dịu

Để chống lại quan điểm ủng hộ chết êm dịu và bác bỏ việc hợp thức hoá nó, trước hết, Giáo hội căn cứ trên nhân phẩm con người và giá trị của sự sống như đã được nói tới trong Kinh thánh. Sau nữa, Giáo hội cũng tái khẳng định rằng mạng sống con người là một “tài sản được Thiên Chúa tín thác” chứ không phải là “tài sản sở hữu” thuộc quyền kiểm soát của con người.

Tính thánh thiêng của sự sống

Sự sống của con người là do Thiên Chúa tặng ban và phải được nuôi dưỡng, phát triển và bảo vệ như ý Chúa muốn. Giáo lý Giáo hội cho biết: “Hủy hoại mạng sống không phải là quyền của con người mà là đặc quyền của Thiên Chúa.”[13] Phát xuất từ cội nguồn và định mệnh cao cả ấy, quyền được sống của con người là một thực tại bất khả nhượng và bất khả xâm phạm.

Đứng trước những tranh luận nảy lửa, đặc biệt khi phải đối diện với những tổ chức hay cá nhân tán thành hành vi làm chết êm dịu, Bộ Giáo lý Đức tin giải thích cách rõ ràng: “Cần phải mạnh mẽ xác quyết rằng không gì và không ai có thể ban quyền giết một sự sống vô tội, dù đó là một phôi thai, một sơ sinh, người lớn, người già yếu, bệnh nhân nan y, bệnh nhân giai đoạn cuối hay người hấp hối. Không ai có thể đòi hỏi có quyền được giết mình hay giết chết người khác, dù đó là người bệnh, người thân, người đại diện pháp lý, thầy thuốc, cộng đồng xã hội, công quyền. Không quyền bính nào có thể áp đặt hay cho phép thực hiện quyền giết người, vì không ai cho cái mình không có.”[14]

Tính thánh thiêng của sự sống được diễn tả như sự “tôn trọng sự sống”, “phẩm giá của sự sống con người”, “giá trị của sự sống con người”, thậm chí là “quyền được sống”. Vậy những nguyên tắc này có nguồn gốc từ đâu?[15] Quả thực, Mạc khải của Thiên Chúa đã trả lời cho ta vấn nạn này khi nói: “Con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1, 26-27). Huấn thị Donum vitae cho biết: “Sự sống con người là thánh thiêng, bởi vì ngay từ nguồn gốc, nó bao hàm hành động sáng tạo của Thiên Chúa và mãi mãi nằm trong một mối quan hệ đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, cứu cánh duy nhất của nó.”[16] Sự sống là một thực tại thánh thiêng, do đó nó cũng mang tính bất khả xâm phạm. Giết chết con người, dù ở trong tình trạng nào và bằng cách thế nào cũng là xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Đàng khác, theo giáo huấn của Kitô giáo, khi nói đến tính thánh thiêng của sự sống là nhấn mạnh đến khía cạnh thụ tạo của con người. Là vật được tạo thành, tuyệt nhiên, con người không có quyền làm chủ mạng sống và thân xác mình. Con người chỉ giữ nó như tài sản tín thác dành cho những mục đích của Thiên Chúa. Cũng trong tinh thần ấy, Paul Ramsey nhấn mạnh rằng sự thánh thiêng của sự sống không phải là những giá trị tốt đẹp mà con người gán cho sự sống, nhưng giá trị tiên vàn của nó hệ tại ở mối liên hệ giữa sự sống với Thiên Chúa.[17] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng cho biết: “sự sống trên trần thế vẫn là một thực tại thánh thiêng được trao phó cho chúng ta, để chúng ta giữ gìn với ý thức trách nhiệm và để chúng ta đưa nó đến mức hoàn thiện trong tình yêu và trong sự hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa và cho anh chị em chúng ta.”[18]

Thánh Augustinô khẳng định: “Không bao giờ được giết kẻ khác, dù chính họ muốn thế hoặc nhất là do chính họ yêu cầu, bởi vì bị chới với giữa sống và chết, họ van xin được giúp đỡ để giải phóng linh hồn đang đấu tranh chống lại các mối giây ràng buộc với thân xác và muốn thoát khỏi nó, cả đến bệnh nhân trong tình trạng không hy vọng sống được nữa, tự sát vẫn không được phép.”[19] Tính thánh thiêng của sự sống không tuỳ thuộc vào sự đánh giá về phẩm chất sống hay dựa vào thành tích của con người, nhưng đó là vì tình thương yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Phẩm giá con người là không thể chuyển nhượng, không thể thương lượng, không bắt nguồn từ thành tựu cá nhân hay phẩm chất xã hội, nhưng từ chính tình yêu Thiên Chúa, Đấng tác tạo chúng ta theo hình ảnh Người (x. St 1, 26-27).

Theo nguyên tắc luân lý, mọi người, dù trong hoàn cảnh nào, cũng không được tiếp tay với người khác để làm một việc vô đạo đức. Cũng vậy, lòng thương hại không cho phép chúng ta tiếp tay với người bệnh để thực hiện một hành vi “suy đồi” về mặt luân lý, vì khi làm chết êm dịu là chúng ta giúp người bệnh chạy trốn cách ích kỷ trách nhiệm đối với cuộc sống và chống lại sự thánh thiện của sự sống con người. Biết rằng khi đối mặt với đau khổ ai mà chẳng lo sợ! Thế nhưng, ai có thể lẫn trốn được khổ đau? Bởi vì đau khổ thuộc về bản tính con người. Cũng biết rằng trên thực tế, sự đau khổ của con người tự nó không phải là một giá trị, thậm chí nó cần phải được đào thải sớm bao nhiêu có thể, nhưng với những kẻ tin, nó lại có ý nghĩa cao siêu khi sự đau khổ ấy được nối kết trong đức tin; vì thế, đau khổ không hề làm giảm giá trị nhân phẩm con người. Cũng trong đức tin, người Kitô hữu còn được phép được chết, cái chết này không phải để tránh né đau khổ hay trốn tránh trách nhiệm đối với cuộc sống, nhưng vì cái chết bây giờ đã trở nên như con đường phải đi qua để được kết hợp với Đức Kitô Phục Sinh và để thấm nhập sâu hơn vào mầu nhiệm cứu chuộc của Thiên Chúa.

Quyền quản lý mạng sống

Sống và chết đều thuộc về Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu đã nói: "Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý" (Ga 5, 21). Như thế, ai can thiệp để làm cho cái chết mau đến hay ngưng điều trị để cho bệnh nhân chết là vi phạm đến quyền của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tác giả sự sống và sự chết. Do đó, thời điểm kết thúc sự sống thuộc về Thiên Chúa.

Thiên Chúa là chúa của sự sống và sự chết. Xác tín này khẳng định rằng “giá trị tột đỉnh và tính thánh thiêng của sự sống con người là từ Thiên Chúa mà đến. Tuyên xưng Thiên Chúa là chúa của sự sống và sự chết, tức là khẳng định sự phân biệt nền tảng giữa Tạo Hoá và thụ tạo, đồng thời khẳng định rằng con người nhờ Thiên Chúa mới có được sự hiện hữu.”[20] Nhà luân lý Bernard Haering cũng nói rằng: “Sự sống con người là tặng vật thiêng liêng của Thiên Chúa; Sự sống được ký thác cho sự tự do và đồng trách nhiệm của con người. Con người không phải là chủ nhân độc lập của sinh mạng mình, nhưng là người quản lý dưới quyền chủ tể của Thiên Chúa.”[21] Paul Ramsey nói thêm rằng: “Chúng ta phải tôn trọng sự sống của mình và của người khác, không chỉ vì sự sống được đặt nền tảng nơi Thiên Chúa mà còn vì Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống như một giá trị tín thác để sử dụng theo ý của Ngài.”[22]

Nguyên tắc quyền làm chủ và quyền quản lý sự sống cũng được tìm thấy nơi thánh Tôma Aquinô, ngài nói: “Duy Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá, có quyền chủ tể đối với sự sống và sự chết. Về phương diện luân lý, việc hủy hoại sinh mạng con người không thuộc quyền phán đoán tự do của con người. Con người chỉ có quyền sử dụng chúng như “tài sản tín thác” hay như “tặng vật” từ Thiên Chúa, chứ không có quyền làm chủ nó như “tài sản sở hữu riêng”. Vì thế, trách nhiệm của chúng ta đối với sự sống là trách nhiệm của người quản lý.”[23]

Tôn trọng sự sống chính là cùng đồng hành với bệnh nhân chứ không phải là loại trừ họ; giúp họ ý thức rõ hơn về phẩm giá của sự sống cho dù họ đang phải chịu đau đớn tột cùng, chứ không phải thương hại bằng cách tìm đến cái chết. Giáo hội không thể chấp nhận lối cắt nghĩa giết chết vì thương hại; và mọi hình thức giết người đều xúc phạm đến Tạo Hóa. Đó là điều đã được nói tới trong Công đồng Vaticanô II: “Tất cả những hình thức xâm phạm đến mạng sống, như giết người với bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai, giết chết êm dịu, hoặc tự tử trực tiếp… tất cả những điều nói trên và những điều tương tự đều thực sự ô nhục… Trong khi làm thối nát nền văn minh nhân loại, tất cả những điều trên lại bôi nhọ chính những kẻ chủ động hơn là bôi nhọ những kẻ phải chịu sự nhục mạ, đồng thời xúc phạm nặng nề đến uy danh của Đấng Tạo Hoá.”[24] Mặc dù không nói đến những hình phạt, nhưng Công đồng vẫn tiếp tục lên án hành vi này là “những tội đi ngược với chính sự sống như giết người, diệt chủng, phá thai, an tử và trợ tử trực tiếp.”[25] Đề cập đến vấn đề này, Giáo lý Giáo hội đưa ra một giáo huấn rất rõ ràng là phải chăm sóc và bảo vệ sự sống: “Phải đặc biệt tôn trọng sự sống của những người tàn tạ, yếu ớt. Những người bệnh hoạn hoặc khuyết tật phải được nâng đỡ để sống một cuộc sống bình thường, bao nhiêu có thể.”[26] Sau đó lại còn khẳng định rằng “cái chết êm dịu trực tiếp, với bất cứ lý do nào hoặc dùng phương tiện nào, cốt tại việc chấm dứt sự sống của những người tật nguyền, bệnh hoạn hoặc hấp hối. Về phương diện luân lý, việc này không thể chấp nhận được.”[27]

Trước vấn đề làm chết êm dịu, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nêu lên một số nét đặc trưng của nền văn hoá sự chết như thói quen tìm cách can thiệp vào lúc khởi đầu của sự sống con người, xu hướng chỉ đánh giá sự sống con người theo chiều kích kinh tế và sinh lý, xu hướng tôn thờ của cải vật chất và khoái lạc, xem đau khổ và sự chết như những thực tại phi lý. Ngài kêu gọi cấp bách cần phải có những phản ứng đúng đắn về phía Giáo hội đó là phải tái khám phá các khái niệm Kitô giáo về sự sống, đau khổ, cái chết, Nước Thiên Chúa, ơn gọi và sứ mạng làm người cũng cần tái xác nhận các giá trị Kitô giáo cơ bản về con người, gia đình, nghề nghiệp trong tinh thần cộng tác với mọi người thiện chí. Với tinh thần ấy, trong Thông điệp Tin Mừng Sự Sống, Đức Gioan Phaolô II long trọng xác quyết: “Am hợp với quyền giáo huấn của các vị tiền nhiệm của tôi và trong mối hiệp thông với các giám mục của Giáo hội Công giáo, tôi xác nhận rằng việc làm chết êm dịu vi phạm nghiêm trọng Lề luật của Thiên Chúa, xét như nó là việc giết chết một con người cách cố ý và không thể chấp nhận về mặt luân lý. Đạo lý này đã được viết ra dựa trên cơ sở lề luật tự nhiên và trên Lời của Thiên Chúa; nó được truyền thống Giáo hội truyền lại và được quyền giáo huấn thông thường phổ quát giảng dạy. Tuỳ theo trường hợp, một cách làm như thế bao hàm tính độc hại đặc thù của việc tự sát hoặc là việc giết người.”

[28] Mặt khác, Đức Giáo hoàng còn khẳng định rằng làm chết êm dịu là lỗi phạm nặng nề luật của Thiên Chúa,[29] trái với luân lý. Tuyên bố của ngài cũng loại bỏ sự cộng tác mô thể hay việc tham gia ý kiến vào quá trình thực hiện hành vi chết êm dịu.[30]

Truyền thống Giáo hội luôn mạnh mẽ và kiên định trong lập trường của mình, sẵn sàng lên án mọi hành vị xúc phạm tới mạng sống vô tội, bất kỳ đó là ai và ở trong hoàn cảnh nào, trong đó có trường hợp làm chết êm dịu, dù là chủ động hay thụ động. Tất cả hành vi làm chết êm dịu, dù dưới danh nghĩa nào, cũng đều có tính chất hủy hoại sự sống đã được Thiên Chúa ủy thác, nhất thiết phải được loại bỏ.

Kết luận

Giáo hội và cả các nhà thần học Công giáo đều xác tín rằng chỉ có một mình Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo mới là chủ của sự sống. Vậy, nếu như con người chỉ là thụ tạo thì không ai trong số họ có quyền chấm dứt sự sống, dù là của mình hay của người khác. Mặt khác, dựa trên mạc khải của Thiên Chúa, Giáo hội luôn xác tín rằng sự sống con người là thánh thiêng, vì ngay từ khởi đầu, sự sống ấy là công trình sáng tạo của Thiên Chúa (x, St 1, 26-27). Cho nên, sự sống con người là quà tặng được trao ban hay được ủy thác cho mỗi người. Đã là quà tặng được ủy thác thì không ai trong giới thụ tạo có quyền sở hữu tuyệt đối, trái lại, trong tư cách là người được ủy thác hay người quản lý thì con người có bổn phận bảo vệ và làm cho sự sống trở nên tốt hơn cho mình cũng như cho người khác.

Chết êm dịu, tự bản chất, là những hành vi xấu, vì chúng xúc phạm tới phẩm giá con người, là tội ác chống lại Thiên Chúa và cộng đồng nhân loại. Vì thế, không một động cơ nào, một hoàn cảnh nào có thể biện minh cho hành vi trái với luân lý ấy. Do vậy, xét trên quan điểm luân lý, mọi hình thức giết người vì thương xót hay quyền tự quyết cá nhân đều là phi pháp và là tội sát nhân, bất kể người bệnh có ưng thuận hay không. Thực tế cho thấy không những Giáo hội lên án hình thức này, mà có rất nhiều nhà chuyên môn về luân lý và luật pháp cũng bác bỏ hành vi giết người êm dịu, dù dưới hình thức nào.

Thần học Kitô giáo khi giải thích sự sống của con người cho biết sự sống ấy có phẩm giá cao quý, thánh thiêng, là tặng phẩm của Thiên Chúa, nhưng cũng không phải vì thế mà con người hết đau khổ, khỏi phải chết. Phải nói được rằng đau khổ, bệnh tật và cả cái chết thuộc vào qui luật của kiếp nhân sinh. Sự sống, dù có đau khổ, bệnh tật hay già yếu, đều được Giáo hội mời gọi đón nhận và chăm sóc cách nghiêm túc, đúng theo ý muốn của Chúa. Hơn nữa, những đau khổ mà con người đang gánh vác đó cũng rất thực tế khi dựa vào đời sống của Đức Kitô, dựa vào sự đau khổ của một vị Thiên Chúa làm người, dựa vào cái chết và sự sống lại của Người. Đau khổ trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời có một vị trí đặc biệt trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chịu đau khổ là thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, là kết hợp với Người trong sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha.[31] Dưới ánh sáng thần học này, chúng ta thấy một người dị dạng, một người đau khổ vì bệnh tật, một người già yếu, một người đáng thương nhất cũng có vai trò đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nếu đau khổ của Đức Kitô có giá trị cứu độ, thì đau khổ của con người cũng mang lại giá trị ấy.

Lm. Phaolô Bùi Đình Cao

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa - số 11


[1] UBGLĐT-HĐGMVN, Từ Điển Công giáo, "An tử," Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2016.

[2] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông thư Salvifici Doloris. Xem Nguyễn Khánh Duy, "An tử và Trợ tử theo Giáo huấn của Giáo hội," https://sjjs.edu.vn, truy cập ngày 06/05/2018.

[3] X. Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng, An tử và Trợ tử dưới nhãn quan Thần Học Luân Lý, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2004, 56.

[4] Bs. Elizabeth Trần Như Ý Lan, Làm chết êm dịu, http://gioanthienchua.net/lam-chet-em-diu-va-kinh-nghiem-ve-cai-chet-trong-benh-vien.html, cập nhật ngày 09/05/2018.

[5] X. Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên ngôn về An Tử, AAS 72 (1980), 542-552.

[6] Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng, An tử và Trợ tử dưới nhãn quan Thần Học Luân Lý,  Sđd., 56.

[7] Những luận cứ này đã được nhiều sách vở, nhiều bài viết trình bày. Ở đây người viết chỉ tóm tắt cách ngắn gọn từ những suy tư của các tác giả như: Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng, trong cuốn sách An Tử và Trợ Tử, dưới nhãn quan thần học luân lý (xem trang 92-100); Nguyễn Khánh Duy, "An tử và Trợ tử theo Giáo huấn của Giáo hội," https://sjjs.edu.vn,.

[8] Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng, An Tử và Trợ Tử, dưới nhãn quan thần học luân lý, Sđd., 92.

[9] Lm. Trần Mạnh Hùng giải thích: “Lòng từ bi nhân ái đòi hỏi chúng ta phải hợp pháp hoá trợ tử vì lợi ích của những người đau khổ và thân nhân yêu mến họ. Quan điểm này phát xuất từ những gia đình đã từng chứng kiến người thân yêu của mình chết trong cơn hấp hối thống khổ. Khi y học đã làm hết sức mình và cái chết vẫn chưa đến để giải thoát thì các thân nhân phải khổ sở vì tâm trạng bất lực, vô vọng khi kinh hoàng chứng kiến người thân phải quằn quại trong đau đớn và họ chờ mong một sự kết liễu thật nhanh chóng cho sự đau khổ kinh hoàng này”.

[10] Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng, An Tử và Trợ Tử, dưới nhãn quan thần học luân lý, Sđd., 95.

[11] Théodule Rey-Mermet, CSsR., Một Lối Nhìn Mới về Luân Lý, Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông biên soạn theo nguyên tác Croire, 194.

[12] Robert N. Wemberg, Terminal Choices: Euthanasia, Suicide, 1989, tr. 179.

[13] Xem Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2258, 2270 và 2280.

[14] Xem Bộ Giáo lý Đức tin, Tuyên bố về Làm chết êm dịu, II.

[15] X. Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng, An tử và Trợ tử, dưới nhãn quan thần học luân lý, Sđd., 107.

[16] Bộ Giáo lý Đức tin,  Huấn thị Donum vitae, số 5.

[17] Xem Paul Ramsey, The Morality of Abortion, New York 1982, 78.

[18] ĐGH. Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae, số 2.

[19] Thánh Augustinô, Thư 204, 5; CSEL 57, 320.

[20] Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng, An Tử và Trợ Tử, dưới nhãn quan thần học luân lý,  Sđd., 114.

[21] B. Haring, Free and Faithuful in Christ, Vol. III. 1981, 5.

[22] Xem Paul Ramsey, The Morality of Abortion, trong Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng, An tử và Trợ tử, dưới nhãn quan thần học luân lý, Sđd., 115.

[23] Thomas D’aquin, Somme Théologique, II-II,q. 64, a. 5.

[24] Công đồng Vatican II, Gaudium et Spes, số 27.

[25] X. Công đồng Vatican II, Gaudium et Spes, số 27.

[26] Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 2276 ; xem thêm số 1503 .

[27] Ibidem, số 2277

[28] ĐGH. Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae (Tin Mừng Sự Sống), số 65.

[29] ĐGH. Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae (Tin Mừng về sự sống), số 65.

[30] ĐGH. Gioan Phaolô II, Evangelium Vitae (Tin Mừng về sự sống), số 74.

[31] X. Lm. Phêrô Trần Mạnh Hùng, An tử và Trợ tử  dưới nhãn quan thần học luân lý, Sđd., 328.

Nguồn tin: