Mục Vụ Khánh Nhật Truyền Giáo 2024 - Được Rửa Tội Và Được Sai Đi

Mon,21/10/2024
Lượt xem: 770

Điểm đến trong chuyến đi mục vụ ngày khánh nhật truyền giáo năm nay của nhóm chúng tôi đó là các giáo điểm của đồng bào dân tộc Thái thuộc giáo xứ Lãng Điền.

Theo sử liệu ghi lại, vào những năm 30 của thế kỷ XX, cố Lễ - Tên gọi của nhà thừa sai người Pháp, đã ngược dòng Lam từ Bột Đà lên vùng lèn Kim Nhan của Anh Sơn để truyền giáo cho một số bà con dân tộc thiểu số trong vùng này. Thời đó, vùng này đã có một số đông giáo dân được rửa tội và lập nên các giáo họ Khe Gia, Cầu Cang, Mạc Điền, Yên Phúc… Thế nhưng, do thời cuộc, chiến tranh và cả lòng người không thuận nên các giáo họ, giáo xứ đã dần biến mất trên bản đồ giáo phận.

Bước qua cổng trời Anh Sơn, đi sâu vào bản Vĩnh Kim và bản Yên Hoà, chúng tôi lần dò tới giáo điểm Khe Gia và giáo họ Kim Nguyên. Nơi đây có đa số người dân là đồng bào dân tộc Thái. Hai bản này nằm trong vùng địa chất núi đá vôi của Anh Sơn, một huyện miền núi phía Tây của Nghệ An. Đây là miền đất cổ lưu giữ nhiều trầm tích văn hóa xứ Nghệ với nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa quan trọng. Trong vùng có lèn Kim Nhan cao 1340 mét, từ thế kỷ XIX đã từng được tiến sỹ Bùi Dương Lịch trong tác phẩm “Nghệ An Ký” viết “Núi nằm ở sách Kệ Trường, tại biên giới phía tây huyện. Mạch của nó chảy từ trong dãy núi lớn lại, đến đó đột nhiên nổi lên một ngọn, đầu nhọn đẹp, cao ngất trời, trông như một búp măng mà xung quanh lại bao bọc bởi các núi nhỏ, lại trông giống một đoá hoa sen, trên cùng có một hang đá, đến gần trông như miệng cá.

Nằm lưng chừng núi, Khe Gia và Kim Nguyên là một bức tranh với màu xanh chủ đạo. Nào nương sắn, nào đồi chè, nào tán cây cổ thụ, nào dòng chảy rả rích của các con khe. Thêm vào đó là những cánh cò bay lả trên nền trời xanh thẳm, những ngôi nhà sàn in đậm dấu vết thời gian. Thật sự đẹp! một cái đẹp quá đỗi bình dị.

Tuy nhiên, đối với Khe Gia và Kim Nguyên, bình dị cũng đồng nghĩa là nghèo. Họ là những người dân tộc Thái. Họ trồng trọt và đi rừng. Họ chẳng có nhà lầu, xe hơi; chẳng có gì để gọi là dịch vụ thương mại sầm uất và công nghệ thời thượng.

Đúng, họ nghèo! Nhưng họ tiếp đón chúng tôi với tất cả những gì họ có: sự nồng hậu và lòng hiếu khách. Họ vận trang phục truyền thống và dùng nghi thức trang trọng mang đậm văn hóa dân tộc, điều mà họ chỉ dùng trong những dịp rất đặc biệt, để tiếp chuyện chúng tôi. Ẩn sâu sau đó chúng tôi đọc được đức tin đơn thành của họ, bởi lẽ hẳn là họ sẽ chẳng làm như thế nếu không xem chúng tôi là những con người của Chúa.

Khi đến thăm từng gia đình, họ cởi mở và kể cho chúng tôi nghe về lịch sử của giáo điểm. Đối với những người cao tuổi, họ hồi tưởng lại thuở còn là những đứa trẻ với những ấn tượng về vị linh mục truyền giáo. Họ kể về những năm 60 -70 của thế kỷ trước, khi mà cha già Giuse Trần Thanh Hương hiện diện và cùng sống chết với đoàn chiên nơi đây. Họ thuật lại cho chúng tôi nghe về biến cố năm 2019, biến cố mà đức tin của họ bị đe dọa, bị bách hại. Họ chỉ cho chúng tôi bức tượng Đức Mẹ bị đập vỡ, những bức ảnh bị xé mang đi. Kể về tượng thánh giá hơn 100 tuổi mà cố Lễ đã trao tặng vẫn được họ giữ gìn như báu vật của bản làng. Và họ còn tâm sự với chúng tôi về những khó khăn trong đời sống đức tin ở hiện tại. Khi kể về những kinh nghiệm thực hành đời sống đức tin của mình, dường như đằng sau đó, họ muốn nói với chúng tôi rằng: họ đói, đói các phương thế thiêng liêng.

Có lẽ vậy. Hình ảnh bà cụ nằm liệt giường với chuỗi tràng hạt trong tay và tấm ảnh Lòng Chúa Thương Xót ở đầu giường; hình ảnh giữa nắng hạ, trên con đường nhấp nhô đồi núi, cậu bé (10 tuổi) chở bà ngoại (73 tuổi) trên chiếc xe đạp vượt gần 6 cây số để tới giáo điểm đọc kinh; … những hình ảnh đó có lẽ đủ mạnh mẽ để nói lên sự đói khát thiêng liêng của giáo dân nơi đây. Họ đói sự hiện diện cách hữu hình của Chúa, của các vị mục tử và anh chị em đồng đạo.

Chính những lúc như thế này, chúng tôi mới cảm nghiệm sức nặng nơi sứ vụ của những điều mà Chúa Giêsu dạy: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” và “anh em hãy cho họ ăn”.

Chuyến đi này, chúng tôi chẳng có gì nhiều để mang cho họ. Chúng tôi chỉ mang đến cho họ sự hiện diện, lời ủi an và động viên. Chúng tôi cũng nhận lại được nhiều: cảm nghiệm thực tế, động lực, nỗi thao thức và ý thức trách nhiệm về căn tính và sứ vụ của mình.

Chúng tôi trở về mà lòng vẫn thao thức với những anh chị em đồng đạo, với những địa danh vang bóng xứ đạo một thời nơi miền Tây xứ Nghệ: Canh Tráp, Cây Chanh, Yên Phúc, Bãi Phủ, Kẻ Mực…

Chúng tôi lại trở về chủng viện, trở về chuẩn bị cho “những chuyến đi” tiếp theo. Và có lẽ, những chuyến đi tới, chúng tôi sẽ chuẩn bị nhiều hơn, ít là “nhiều Chúa” hơn cho họ.

Noọng chúc ái xơ tày hườn du mà khoe nơ! Chào tạm biệt và hẹn gặp lại.

Lam Giang 

Nguồn tin:
Tags :