Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê: Hội thảo Lịch sử Chữ Quốc Ngữ và Việc Thờ Kính Tổ Tiên

Tue,26/11/2019
Lượt xem: 2480

Sáng thứ 7 (23.11.2019), tại Hội trường nhà đa năng của Đại Chủng viện (ĐCV) Thánh Phanxicô Xaviê, đã diễn ra buổi Hội thảo Lịch sử Chử Quốc Ngữ và Việc Thờ Kính Tổ Tiên. Đến tham dự và chia sẻ tham luận tại Hội thảo có cha Phó Giám đốc ĐCV Phêrô Nguyễn Văn Hương, cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Tâm, Linh hướng ĐCV, cùng với hơn 140 Chủng sinh và 25 Tiền Chủng sinh, đặc biệt là sự có mặt của cha Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu. OP, chuyên viên về Lịch sử Giáo hội, cùng với sự tham gia gián tiếp của Tiến sĩ Khoa học Ngôn ngữ Phạm Thị Kiều Ly, đến từ Đại học danh tiếng Sorbonne Nouvelle, Pháp quốc.

Kể từ thời điểm nền văn minh Kitô được gieo vào tâm thức của con dân Nước Việt, thì cũng chính là thời khắc Chữ Quốc Ngữ bắt đầu được thành hình trên dãi đất hình chữ S qua các nhà thừa sai Dòng Tên. Từ đó đến nay, trải qua dòng lịch sử hơn 400 năm, Chữ Quốc Ngữ đã đem đến những giá trị tinh tuý quý giá cho dân tộc Việt Nam trên những bình diện: Văn chương, Văn hoá và Văn minh.

 Hơn thế nữa, Chữ Quốc Ngữ cũng đã đi vào trong tâm tưởng con người để góp phần không nhỏ định hình cốt cách, tâm thế trong lối sống cách ứng xử và sự nối kết tương giao giữa các thế hệ tiền nhân – hậu thế của Đất Việt. Đặc biệt, với sự khai sáng của Chữ Quốc Ngữ dân tộc Việt Nam qua các thế hệ đã phá vỡ nếp nghĩ, văn hoá, lối sống “ao làng” để vươn ra “biển khơi” nền văn minh nhân loại, hầu góp phần “khai dân trí” đối với một dân tộc Á Đông mang đậm tính cách văn hoá lúa nước nông nghiệp.

Lịch sử đã chứng minh sự tinh tuý vững bền của Chữ Quốc Ngữ, các thế hệ tiền nhân đã minh định những giá trị ấy, và cho đến hôm nay dù đã trải qua không ít thăng trầm đổi thay của thời cuộc nhưng Chữ Quốc Ngữ đã, đang và sẽ sống mãi không chỉ trên Văn chương nhưng còn thấm đẫm trên bình diện tinh thần, ăn sâu vào máu thịt cốt cách của con dân Đất Việt.

Đó sẽ là mốc son chói ngời trong lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của Dân tộc Việt Nam, như tâm tình của nhạc sĩ Đức Trí đã thổ lộ trong lời bài hát, Thương Ca Tiếng Việt:

“Tiếng Việt còn trong mọi người,

người Việt còn thì còn nước non.

Giữ tiếng Việt như ngày nào,

hào hùng xưa mãi vọng ngàn sau.

Tiếng Việt còn trong mọi người,

Hồn Việt mình còn nguyên vẹn tròn.

Giữ Tiếng Việt cho nối đời,

lời quê hương ấy lời sắt son.”

Chương trình Hội thảo được bắt đầu vào lúc 7h45. Sau những phút khởi động, thánh hoá và giới thiệu thành phần tham dự, lúc 8h00 cha Phêrô Nguyễn Văn Hương đã ban huấn từ khai mạc chương trình Hội thảo, ngài nhấn mạnh: “Theo định hướng của Ratiô ngoài chương trình chính quy, Chủng viện còn tổ chức các buổi Hội thảo và mời các chuyên viên khác để làm phong phú và đa diện hoá kiến thức của quý Chủng sinh, với mục đích hướng tới sứ mạng loan báo Tin Mừng trong tương lai được hiệu quả hơn.”

Liền sau đó, quý tham dự viên được gián tiếp theo dõi phần thuyết trình của Cô Phạm Thị Kiều Ly, Tiến sĩ Khoa học Ngôn ngữ của Đại học Sorbonne Nouvelle, qua màn hình với đề tài: Chữ Quốc Ngữ một công cụ để ‘Khai dân trí’ - Lịch sử Chữ Quốc Ngữ từ 1615 – 1919.”

Theo Tiến sĩ Kiều Ly, kể từ ngày Chữ Quốc Ngữ du nhập vào nước ta cho đến nay có thể chia thành 04 giai đoạn: Giai đoạn I (1615 – 1651): Thời kỳ khám phá Tiếng Việt, tìm phương pháp ghi Tiếng Việt theo con Chữ Latinh và soạn Từ điển; Giai đoạn II (1651-1858): Lối viết Tiếng Việt được lưu truyền rộng rãi trong Công giáo thông qua việc đào tạo Linh mục bản xứ của Hội thừa sai Paris; Giai đoạn III (1858 – 1945): Chữ Quốc Ngữ được phổ biến trong các trường học, vượt ra khỏi cộng đồng Công giáo; Giai đoạn IV (1945 – đến nay): Chữ Quốc Ngữ trở thành văn tự chính thức của Việt Nam.

Cũng trong phần thuyết trình này, Tiến sĩ Kiều Ly đã cung cấp thông tin giúp các tham dự viên hiểu rõ hơn về quá trình định hình và phát triển của Chữ Quốc Ngữ qua các thời kỳ và song hành với tiến trình ấy là những khó khăn trong bối cảnh lịch sử dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, với sự khôn ngoan của các Giáo sĩ thuộc Hội thừa sai Paris, cùng với sự tiện dụng trong việc học hỏi và sử dụng Chữ Quốc Ngữ đối với các tầng lớp vua chúa, quý tộc, quan lại cũng như các thành phần dân chúng trong xã hội, nhờ đó mà Chữ Quốc Ngữ được phổ biến rộng rãi, đặt nền móng cho sự phát triển của Chữ Quốc Ngữ ngày nay.

Sau phần thuyết trình của Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly, cha Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu. OP, đã trình bày cho các tham dự viên chủ đề, “400 năm hình thành và phát triển Chữ Quốc Ngữ: Thánh Philipphê Phan Văn Minh, Cánh én báo mùa xuân văn học Chữ Quốc Ngữ thế kỷ XIX.” Trong đó, cha Đào Trung Hiệu nhấn mạnh đến các công trình nghiên cứu của thánh Philipphê Phan Văn Minh như: Cộng tác trong việc soạn Từ điển với Đức cha Taberd Từ (1938); Tổ chức Thi đàn Phi năng thi tập (1842); Sử dụng thơ ca phổ biến Tin Mừng và Nước Trời ca.

Tiếp sau đó, cha Phanxicô Xaviê Đào Trung Hiệu còn trình bày về đề tài: 80 năm Huấn thị Plane Conpertum Est (1939) – Hành trình hội nhập gian truân nghi lễ Thờ Kính Tổ Tiên.” Trong phần này, cha Phanxicô Xaviê đã phác hoạ cho các tham dự viên thấy nét đạo hiếu tốt đẹp trong Giáo hội nói chung và truyền thống văn hoá Á Đông nói riêng. Sau đó, ngài trình bày về những tranh luận, những căng thẳng, những ý kiến trái chiều và cũng không thiếu những cấm cách của các nhà thừa sai, các đấng bậc có thẩm quyền liên quan đến văn hoá thờ cúng ông bà tổ tiên của các nước Miền Viễn Đông.

Tuy nhiên, mọi căng thẳng và tranh luận liên quan đến sự hạn chế và cấm cách cuối cùng cũng đã được tháo gỡ sau những cho phép của Bộ Truyền giáo qua Huấn thị Plane Conpertum Est (1939). Đặc biệt, các nghi lễ thờ kính tổ tiên đã phần nào được giải đáp và áp dụng rộng rãi ở Việt Nam sau khi hàng Giám mục Việt Nam xin Toà thánh qua Bộ Truyền giáo để áp dụng Huấn thị Plane Compertum Est vào năm 1974.

Buổi Hội thảo khép lại vào lúc 10h45. Hi vọng với những thông tin, kiến thức, những hiểu biết về Chữ Quốc Ngữ và Việc Thờ Kính Tổ Tiên trong buổi Hội thảo này sẽ giúp quý Chủng sinh có được những hành trang hữu ích, quý giá trên con đường sứ vụ trong tương lai. Hơn nữa, cần đặc biệt sống tinh thần của Giáo hội như lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Là những người Châu Á, các bạn cần thấy và yêu, từ bên trong, tất cả những gì là đẹp đẽ, cao quý và chân thật trong các nền văn hoá và truyền thống của các bạn. Nhưng là những Kitô hữu, các bạn cũng biết rằng Tin Mừng có sức mạnh để thanh luyện, nâng cao và làm cho hoàn hảo di sản ấy … Trong sự hiệp nhất với các vị chủ chăn của các bạn, các bạn có thể trân trọng nhiều các giá trị tích cực và đa dạng của các nền văn hoá Á Châu.”

  Ban Truyền Thông Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê 

Xem hình ảnh về buổi hội thảo

 

Powered by flickr embed.

Nguồn tin:
Tags :