Chuyến Mục Vụ Khánh Nhật Truyền Giáo Của Gia Đình Đại Chủng Viện

Tue,22/10/2019
Lượt xem: 3181

Mục vụ là một trong bốn chiều kích đào tạo tại Đại Chủng viện, nhằm chuẩn bị cho các Chủng sinh hướng đến sứ vụ trong tương lai. Khánh nhật truyền giáo hằng năm là một trong những hoạt động để thực tập chiều kích này. Trong bối cảnh của tháng 10 năm nay được gọi là tháng truyền giáo ngoại thường, thực sự là cơ hội thuận lợi để quý thầy ra đi, hiện diện giữa lòng cộng đoàn dân Chúa hầu “nhận thức được tầm quan trọng của việc đổi mới dấn thân truyền giáo của Giáo Hội và tạo ra động lực Tin Mừng mới cho công cuộc rao giảng và đem đến cho thế giới ơn cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã phục sinh.” (Sứ điệp ngày Thế giới Truyền Giáo năm 2019)

Quý Thầy khóa XIII

Trong chuyến mục vụ truyền giáo, Khóa XIII đến với 2 giáo xứ: Phú Xuân (GP. Vinh) và Chúc A (GP. Hà Tĩnh). Đây là 2 giáo xứ thuộc miền tây của hai giáo phận và đang có những chuyển mình trong công tác loan báo Tin Mừng.

Tại giáo xứ Phú Xuân, sau thánh lễ, quý thầy cùng hội Caritas giáo xứ đến thăm viếng các gia đình lương dân trên địa bàn. Được tiếp cận, trao đổi, chia sẻ và lắng nghe những tâm sự của bà con là một trải nghiệm và động lực quan trọng cho các dự phóng loan báo Tin Mừng mai sau. Buổi chiều, quý thầy giao hữu bóng đá với giới trẻ trong giáo xứ.

Tại giáo xứ Chúc A, sau hành trình khá vất vả, quý Cha và quý thầy có buổi thăm viếng bà con dân tộc Chức đang sinh sống trên địa bàn giáo xứ. Đây là cơ hội để thực thi lời dạy của ĐGH Phanxicô: “Đi ra vùng ngoại biên”. Buổi chiều, sau Thánh Lễ, quý thầy giao lưu bóng chuyền với các đoàn hội trong giáo xứ.

Quý Thầy khóa XIV

Hành trình hơn một tiếng đồng hồ đã đưa cha chủ nhiệm Phaolo Nguyễn Văn Quang và cha đồng hành Micae Trần Văn Dâng cùng quý thầy khóa XIV đến với cộng đoàn giáo xứ Kẻ Đọng. Một giáo xứ có lịch sử hình thành và phát triển trên 100 năm. Hiện được hướng dẫn bởi linh mục Gioan Baotixita Bùi Khiêm Cường, một vị mục tử trẻ trung và năng động, đang cùng cộng đoàn nơi đây đổi mới từng ngày trên nhiều phương diện, nhất là đời sống đức tin.

Trong bầu khí vui tươi và thân thiện, những tình cảm dạt dào của lần đầu gặp gỡ đã nối kết bao con tim xích lại gần nhau. Sau khi kết thúc thánh lễ sáng cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo, quý thầy được cơ may đến gặp gỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cả những anh chị em không cùng niềm tin tôn giáo, để nhờ những lần gặp gỡ đó sẽ hun đúc thao thức tông đồ nơi tâm hồn các ứng sinh. (x. HĐGMVN, Đào tạo Linh Mục, định hướng và chỉ dẫn, số 243)

Buổi chiều cùng ngày, trên sân vận động giáo xứ đã diễn ra trận đấu bóng đã giao hữu giữa quý thầy và giới trẻ giáo xứ. Với mặt sân trơn trượt do ảnh hưởng của cơn mưa tầm tã trước đó, trận cầu đã cống hiến cho khán giả nhiều cảm xúc, từ những pha bóng trên sân, đến những màn “trượt ba-tanh” đẳng cấp, và cả những hình ảnh lem luốc do sình lầy. Với lợi thế sân nhà và thế trận tốt hơn, chiến thắng chung cuộc 3-2 thuộc về các cầu thủ giới trẻ giáo xứ.

Chuyến mục vụ tại Kẻ Đọng đã thực sự “đọng lại” nơi tâm hồn những Chủng sinh trẻ nhiều bài học giá trị trên hành trình trở nên người môn đệ thừa sai trong thế giới  hôm nay.

Quý Thầy khóa XVI

Là chuyến xe xuất phát sớm hơn cả, sau khi vượt quãng đường dài, với sự hiện diện của cha chủ nhiệm Phaolô Nguyễn Văn Khai và cha đồng hành Phêrô Nguyễn Văn Hương, anh em đã đặt chân đến giáo xứ Lâm Sơn. (Gp. Hà Tĩnh) Là giáo xứ hơn 1.100 nhân danh, tách từ xứ mẹ Đá Nện vào năm 2017, phân bố trong 02 giáo họ là Đình Sơn (trị sở) và Thanh Sơn, trải rộng trên địa bàn xã Thanh Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Tuy là một giáo xứ còn non trẻ, nhưng hạt giống đức tin đã được gieo vào vùng đất này đã gần 100 năm.

Bên cạnh đời sống đức tin, giáo xứ Lâm Sơn còn là một giáo xứ có điều kiện kinh tế xã hội hết sức đặc biệt. Bởi nơi đây đất cằn sỏi đá, thiên nhiên khắc nghiệt, mùa đông thì rét cóng, mùa hè hạn hán, gió lào nắng cháy, hằng năm còn phải gánh chịu những mưa bão và lũ quét khiến cho cuộc sống vốn đã cơ cực khốn khó nay lại càng khó khăn, cùng cực hơn.

Sau khi được cha xứ và cộng đoàn giáo xứ đón tiếp ở tiền đường nhà thờ, vào lúc 7h00, quý cha, quý thầy cùng với cộng đoàn dân Chúa đã hiệp dâng thánh lễ.

Trong phần chia sẻ lời Chúa, được gợi hứng từ Chúa nhật Truyền giáo, cha Phêrô Nguyễn Văn Hương đã quảng diễn cho cộng đoàn hiểu rõ hơn các khái niệm về truyền giáo. Đồng thời, ngài cũng gợi ra một số cách thức truyền giáo trong thời đại hôm nay: Thứ nhất, cần phải xây dựng văn hoá gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, tạo niềm tin tưởng và mối tương quan tốt với anh chị em lương dân; thứ hai, chia sẻ niềm vui, những khó khăn trong cuộc sống với anh chị em lương dân; thứ ba, giúp đỡ họ và giới thiệu những nét đẹp của đạo Công giáo cho anh chị em lương dân; thứ tư, giúp anh chị em sống tinh thần bác ái, quảng đại với những người kém may mắn, những người bất hạnh trong môi trường họ đang sống. Qua đó giúp cộng đoàn ý thức sứ vụ loan báo Tin mừng bằng một đời sống bác ái – hiệp nhất, yêu thương – phục vụ.

Sau Thánh lễ, quý thầy chia thành 05 nhóm với sự đồng hành của cha Chủ nhiệm, cha Đồng hành cùng với những món quà khiêm tốn, đã đến thăm hơn 50 gia đình lương giáo trong giáo xứ Lâm Sơn và vùng phụ cận. Đến gặp gỡ những con người nơi đây đã để lại ấn tượng trong lòng anh em bởi sự đón tiếp niềm nở, vui vẻ, hoà nhã của họ. Mặc dù đa số các gia đình đang sống trong sự chật vật của cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, nơi ăn chốn ở còn lụp xụp, chật chội nhưng tâm hồn họ vẫn đong đầy tình Chúa, thắm đượm tình người.

Hành trình trải nghiệm truyền giáo khép lại, tạm biệt những người dân giáo xứ Lâm Sơn ra về, hẳn ai trong chúng tôi cũng cảm nhận được những niềm vui, những nỗi xúc động xen lẫn cả những ấn tượng sâu nặng và cũng không thiếu những thao thức, trăn trở về cuộc sống và con người nơi đây: Niềm vui vì đã được đặt chân đến vùng núi rừng Lâm Sơn, được gặp gỡ và trao ban những tâm tình yêu thương đậm chất Tin mừng Kitô giáo. Xúc động vì những nụ cười trìu mến, những ánh mắt thân thương, những cái bắt tay kết chặt tình huynh đệ và cả những lời cầu chúc đầy hi vọng. Ấn tượng bởi sự đón tiếp nhiệt tình, hân hoan, nồng hậu, thắm đượm tình Chúa, ấp áp tình người.

Tuy nhiên, bên cạnh những cung bậc cảm xúc đó thì lòng mỗi anh em cũng không tránh khỏi những nổi thao thức, băn khoăn, trăn trở: Thao thức với những mãnh đời còn éo le, những gia cảnh còn thiếu thốn. Băn khoan bởi những đứa trẻ không có điều kiện để ăn học, không có điều kiện để tiếp xúc với niền văn minh tiến bộ từ bên ngoài. Trăn trở bởi công cuộc Loan báo Tin mừng nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế và kết quả còn khiêm tốn. Mặc dù vậy, anh em ra về mà tràn đầy tin tưởng và thầm nguyện rằng: “Lạy Chúa, Chúa muốn hết thảy mọi người được ơn nhận biết Chúa, Chúa lại muốn đón nhận tất cả vào nước Chúa hiển trị. Xin đưa mắt nhìn cánh đồng truyền giáo thật bát ngát bao la, và gửi nhiều tay thợ lành nghề đem Tin Mừng đến cho mọi loài thọ tạo. Nhờ đó, từ các dân tộc trên khắp hoàn cầu sẽ xuất hiện một dân mới không ngừng phát triển, đó là đoàn dân được Lời Chúa qui tụ, và được các Bí tích của Chúa nâng đỡ phù trì. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô...” (Lời nguyện Chúa nhật Truyền giáo, Sách Lễ Rôma, tr.922-925)

Nguồn tin: