Các Chuyên Gia Đưa Ra Lời Khuyên Khi Các Giáo Phận Công Giáo Trên Khắp Thế Giới Bắt Tay Vào Con Đường Đồng Nghị

Tue,19/10/2021
Lượt xem: 1079

Các hồng y và giám mục tại Hội trường Thượng hội đồng Vatican, ngày 14 tháng 10 năm 2015./ Daniel Ibáñez / CNA)

Các Hồng y và Giám mục tại Hội trường Thượng hội đồng Vatican, ngày 14 tháng 10 năm 2015 (Ảnh:Daniel Ibáñez / CNA)

Vào cuối tuần trước, các Giáo phận ở Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới đã chính thức khởi động tiến trình tham vấn địa phương hướng đến Thượng hội đồng năm 2023 ở Rome.

Những người ủng hộ coi đây là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong Giáo hội Công giáo kể từ Công đồng Vatican II và là cuộc diễn tập về tham vấn lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Nhưng khi giai đoạn cấp Giáo phận của dự án đầy tham vọng kéo dài hai năm bắt đầu, nhiều người Công giáo hoặc hoàn toàn không nhận thức về “Con đường đồng nghị” hoặc không chắc chắn về ý nghĩa ý nghĩa quan trọng của nó.

Tiến trình Thượng hội đồng khai mạc với cuộc tham vấn cấp Giáo phận kéo dài từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022. Giai đoạn thứ hai, cấp lục địa sẽ diễn ra từ tháng 9 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023.

Giai đoạn thứ ba, giai đoạn toàn cầu sẽ bắt đầu với Đại hội đồng Thường kỳ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục, với chủ đề “Vì một Giáo hội Đồng nghị tính: Hiệp thông, Tham gia và Truyền giáo”, tại Vatican vào tháng 10 năm 2023.

Một đồ họa thông tin hiển thị dòng thời gian cho thượng hội đồng về tính đồng nghị. Truyền thông Vatican)

Biểu đồ thông tin liệt kê các sự kiện theo thứ tự thời gian của Thượng hội đồng về Đồng nghị tính (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Tiến trình này sẽ được hướng dẫn bởi hai văn bản – tài liệu chuẩn bị và sổ tay – được Vatican phát hành vào tháng trước.

Nhưng tại một sự kiện ở Rome vào cuối tuần trước, Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, cho biết rằng sẽ là sai lầm nếu coi các bản văn như là một nỗ lực để chỉ ra đường hướng của tiến trình toàn cầu. Đức Hồng y Grech giải thích rằng các tài liệu không nhằm mục đích “thiết lập trước các điều kiện của tiến trình hoặc chỉ thị đường lối, buộc Giáo hội phải đi theo một lộ trình đã được thiết lập từ trước”.

Với lưu ý đó, CNA đã hỏi các nhà thần học rằng các tài liệu chuẩn bị cho chúng ta biết về việc Con đường đồng nghị có thể dẫn đến đâu.

Trong khi họ bày tỏ sự hăng hái nhiệt huyết về tiềm năng đổi mới của Thượng hội đồng về Đồng nghị tính, họ bày tỏ sự dè dặt về sự mơ hồ xung quanh các mục tiêu cuối cùng của Thượng hội đồng, tính thần học của các bản văn chuẩn bị và thời gian của tiến trình.

Sự hứa hẹn của tính đồng nghị

Christopher Ruddy, Phó giáo sư Thần học lịch sử và hệ thống tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ ở Washington, D.C., nói rằng có “rất nhiều điều thực sự đáng khen ngợi” trong các bản văn.

“Nỗ lực thúc đẩy sự hiệp thông sâu sắc hơn trong Giáo hội, sự tham gia hăng hái hơn, truyền giáo nhiệt huyết hơn – ba mục tiêu đó đều thực sự đáng giá”, ông Ruddy phát biểu với CNA trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

“Tôi thiết nghĩ tinh thần đồng trách nhiệm – tất cả các tín hữu được kêu gọi tham gia tích cực vào đời sống và sứ mạng truyền giáo của Giáo hội – là điều thực sự quan trọng và vẫn đang là một công việc đang được tiến hành”.

Ông Ruddy cho biết thêm: “Việc nhấn mạnh vào việc lắng nghe và phân định, và cố gắng không hạ thấp Thượng hội đồng trở thành một nghị viện hoặc một cuộc đấu tranh chính trị, là điều quả thực hết sức tốt đẹp”.

Linh mục Thomas Weinandy, O.F.M. Cap., cựu thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế của Vatican, đã ca ngợi phạm vi toàn cầu của tiến trình Thượng hội đồng.

“Nó có thể làm sống động không chỉ các Giáo hội địa phương mà còn cả toàn thể Giáo hội trên toàn thế giới”, Linh mục Weinandy chia sẻ với CNA qua email.

“Qua sự gia tăng đức tin trên toàn cầu nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu sẽ được gọi là Chúa Tể của toàn thể thế giới trong vinh quang Chúa Cha”.

“Ngoài ra, đức tin của Giáo hội có thể được khẳng định và củng cố và mọi người có thể được trợ  giúp để sống thánh thiện. Nó có thể làm sống động cả một công cuộc truyền giáo trên toàn thế giới. Tất cả những điều này sẽ thật kỳ diệu khi được chú ý”.

Ảnh chụp màn hình từ kênh YouTube Vatican News

Ảnh chụp màn hình từ kênh YouTube của Vatican News

Hình ảnh của Giáo hội

Giáo sư Ruddy, người giảng dạy một khóa đào tạo về Công đồng Vatican II, lưu ý rằng tài liệu chuẩn bị tìm cách làm cho Con đường đồng nghị bén rễ sâu vào Công đồng đại kết được tổ chức tại Rôma năm 1962-1965.

“Rõ ràng là Con đường đồng nghị đang tự đặt mình vào quỹ đạo của Công đồng Vatican II và ý tưởng rằng Giáo hội là một đoàn hành của Dân Chúa lữ đang thực hiện cuộc hành trình hướng tới Quê trời”, giáo sư Rudy nói.

“Và dĩ nhiên đó là Giáo huấn công khai của Giáo hội và đó là những điều được nói đến trong Kinh Thánh, nhưng có những điều khác không được nhấn mạnh nhiều khi nhìn vào Giáo hội, chẳng hạn như những hình ảnh của Giáo hội như Thân thể Chúa Kitô hay Đền thờ Chúa Thánh Thần, hoặc thậm chí là Hiền thê của Đức Kitô”.

“Đây rõ ràng là những cách nhìn chính thống và có nền tảng về Giáo hội, nhưng chúng lại đưa ra những cách nhìn nhận khác nhau. Tôi thiết nghĩ rằng đôi khi bạn đang nhấn mạnh một chiều kích của Giáo hội, hoặc một hình ảnh, Giáo hội có những điểm mạnh nhưng cũng có những giới hạn của mình”.

Giáo sư Ruddy cho biết rằng việc nhấn mạnh hình ảnh của Giáo hội như một dân tộc “cùng bước đi bên nhau” (nguồn gốc của từ “Synod”) đã đặt ra câu hỏi về “nơi mà Giáo hội đang thực hiện cuộc hành trình hướng đến”.

“Tôi nghĩ rằng cần phải có một ý thức rõ ràng về mục tiêu ở đây. Tôi nghĩ về đường hướng đó, ‘đó không phải là đích đến, đó là một hành trình’, và tôi không bao giờ mong muốn điều đó. Khi bạn đang thực hiện một cuộc hành trình, đôi khi bạn cần phải ngạc nhiên về điều đó, nhưng bạn cần phải hiểu lý do tại sao bạn đang làm điều này và cuối cùng bạn đang đi đến đâu”.

Giáo sư Ruddy cho biết thêm: “Ngay cả khi cho rằng tài liệu này chỉ đang cố gắng để mọi thứ diễn ra, tôi thiết nghĩ điều quan trọng vẫn là bạn phải có ý thức cuối cùng về nơi bạn đang hướng đến, để nó không trở nên mông lung vô định”.

Đề cập đến Kinh Thánh, giáo sư Ruddy lưu ý rằng khi dân Israel ở trong sa mạc, họ đang tìm kiếm Đất Hứa, và khi dân chúng lên Giêrusalem vào thời Chúa Giêsu, họ cũng đã làm vậy vì một mục đích xác định rõ ràng.

“Họ không chỉ cố gắng bước đi cùng với nhau mà còn đang cố gắng cùng nhau hướng đến một đích điểm nào đó”, giáo sư Ruddy nhận xét.

 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

(Ảnh: Truyền thông Vatican)

 Cuộc tham vấn tất cả những người đã được rửa tội

Sổ tay của Thượng hội đồng về Đồng nghị tính thúc giục các Giáo phận kêu gọi sự tham gia của “tất cả những người đã được rửa tội” vào tiến trình này.

Tài liệu cho biết: “Cần đặc biệt quan tâm đến những người có nguy cơ bị loại trừ: phụ nữ, những người tàn tật, những người tị nạn, những người di cư, những người lớn tuổi, những người sống trong cảnh nghèo khó, những người Công giáo hiếm khi hoặc không bao giờ thực hành đức tin của mình, v.v.”

Giáo sư Ruddy cho biết việc tham khảo ý kiến của những người không còn tham gia vào đời sống Giáo hội quả là rất hợp lý, cũng giống như việc một công ty sẽ tìm cách lắng nghe những khách hàng không hài lòng để có thể cải thiện dịch vụ của mình.

“Bạn sẽ giống như kiểu nói rằng: ‘Được rồi, chúng ta đang làm gì sai? Chúng ta có thể cải thiện điều gì? Chúng ta đang bỏ lỡ điều gì ở đây?’”, giáo sư Ruddy nói.

“Nhưng nếu nó được sử dụng như một cách để gần như ban đặc quyền cho những tiếng nói đó, như tài liệu nói, tôi thiết nghĩ, ở một số nơi, điều đó có thể dẫn đến một hướng đi mơ hồ”.

Linh mục Weinandy, cựu giám đốc điều hành của Ủy ban Giáo lý của các Giám mục Hoa Kỳ, cũng bày tỏ quan ngại về khía cạnh này của tiến trình.

Ngài nói: “Có vẻ như tất cả mọi người, ngay cả những người không theo Công giáo, có thể bày tỏ ý kiến khác nhau của họ về nhiều chủ đề liên quan đến giáo lý, phụng vụ và luân lý. Tuy nhiên, nếu những ý kiến như vậy trái ngược với đức tin của Giáo hội, và khi những ý kiến này được công bố rầm rộ, thì sự hỗn loạn sẽ xảy ra sau đó”.

Linh mục Weinandy đã đề cập đến “Con đường Đồng nghị” của Giáo hội Đức như một ví dụ về những sự việc xảy ra khi Giáo huấn của Giáo hội được đưa ra để tranh luận.

“Vì Con đường Đồng nghị ở Đức đã tạo ra một mớ hỗn độn, vì vậy Con đường đồng nghị toàn cầu có thể tạo ra một mớ hỗn độn trong Giáo hội trên toàn thế giới. Tôi hy vọng rằng điều này không xảy ra, nhưng đây chính là điều tôi lo sợ”, Linh mục Weinandy, người trước đây đã chỉ trích sáng kiến của Giáo hội Đức, cho biết.

Ảnh: . Alexey Gotovskiy/CNA.

(Ảnh: Alexey Gotovskiy/CNA)

Vai trò của Chúa Thánh Thần

Chúa Thánh Thần quả thực vô cùng quan trọng đối với sự am hiểu của Đức Thánh Cha Phanxicô về tính đồng nghị. Như Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh vào cuối tuần trước: “Thượng hội đồng là một sự kiện của Giáo hội và nhân vật chính của Thượng hội đồng chính là Chúa Thánh Thần. Nếu Chúa Thánh Thần không hiện diện, sẽ không có Thượng hội đồng”. Cuốn sổ tay dài 60 trang đề cập đến Chúa Thánh Thần 50 lần.

Giáo sư Ruddy lưu ý rằng ngày nay Thần Khí thường được nói đến như là động lực thúc đẩy sự thay đổi trong Giáo hội, nhưng Ngôi thứ Ba của Thiên Chúa Ba Ngôi cũng hành động theo những cách thức khác.

“Đôi khi Chúa Thánh Thần làm cho điều gì đó trở nên rõ ràng mà chúng ta chưa từng thấy trước đây, và Giáo hội có thể phát triển theo nghĩa đó”, giáo sư Ruddy suy tư.

“Nhưng có một cách thức khác, trong đó Chúa Thánh Thần là món quà được ban cho Giáo hội. Cả hai, tôi muốn nói, với tất cả các tín hữu để đánh thức ý thức về đức tin và cả các nhà lãnh đạo Giáo hội, để giảng dạy và dẫn dắt”.

“Và vì vậy, Chúa Thánh Thần không phải lúc nào cũng có thể được kết hợp với việc nói rằng: ‘Ồ, một điều gì đó mới mẻ đang xảy ra’, một hình thức của sự gián đoạn”.

“Theo nghĩa này, Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Đức Giêsu”, giáo sư Ruddy nói, “và Ngài không chỉ có vai trò phá vỡ mà còn có vai trò củng cố. Chúa Thánh Thần không phải là Thần Khí của những sự xáo trộn và hỗn loạn, mà là Thần Khí của sự bình an và sự trật tự ngăn nắp”.

Linh mục Weinandy khuyến khích các tín hữu Công giáo cầu nguyện để Chúa Thánh Thần hướng dẫn tiến trình Thượng hội đồng.

“Chúng ta phải cầu nguyện để Chúa Thánh Thần soi sáng cho tất cả những ai tham dự các cuộc họp này, và đặc biệt là các Giám mục, các giáo sĩ và anh chị em giáo dân (Sensus fidelium) để các cuộc tụ họp này không bị ma quỷ tấn công”, Linh mục Weinandy nói.

“Tất nhiên, chúng ta cần phải nhớ rằng Thiên Chúa luôn thực hiện những điều tốt đẹp trong mọi tình huống cho những ai yêu mến Ngài. Một số người có thể coi đây là cơ hội để phá hoại Giáo hội và đức tin của Giáo hội, nhưng đó có thể là cơ hội để tất cả các tín hữu trung thành làm chứng cho đức tin và được củng cố khi làm điều đó, để rồi từ đó Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sống lại sẽ chiếu tỏa ánh sáng rực rỡ trên khắp thế giới”.

Ảnh chụp màn hình từ kênh YouTube Vatican News.

Ảnh chụp màn hình từ kênh YouTube của Vatican News

Một lời kêu gọi còn thiếu sót?

Giáo sư Ruddy cũng cho biết thêm rằng ông quan tâm đến “những điều không được đề cập” trong các văn bản Thượng hội đồng.

Chẳng hạn, giáo sư Ruddy nói, Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh đến “lời kêu gọi nên thánh toàn cầu”. Cả một chương của “Lumen Gentium”, Hiến chế Tín lý về Giáo hội, được dành riêng cho ý niệm rằng “tất cả mọi tín hữu Kitô giáo thuộc bất kỳ cấp bậc hay địa vị nào, đều được mời gọi hướng đến sự sung mãn của đời sống Kitô hữu và sự hoàn thiện của lòng bác ái”.

Mặc dù tài liệu chuẩn bị nhấn mạnh một cách đúng đắn đến sự tham gia và đồng trách nhiệm, giáo sư Ruddy nói, “Tôi không nghĩ rằng nó thực sự thảo luận về thực tế rằng Công đồng Vatican II đã nói về lời kêu gọi nên thánh toàn cầu”.

“Sự tham gia là một phần của sự thánh thiện đó, nhưng nó không chỉ là sự nỗ lực khiến mọi người trở nên tích cực hơn trong Giáo hội, mà chúng tôi muốn họ làm tất cả những điều này vì chúng tôi muốn họ kết hợp chặt chẽ hơn với Thiên Chúa và chia sẻ sự sống của Thiên Chúa”, giáo sư Ruddy nói, đồng thời thừa nhận rằng “không có tài liệu nào có thể nói lên tất cả”.

(Ảnh: L'Osservatore Romano)

(Ảnh: L’Osservatore Romano)

Những thách thức thực tế

 Viết tại National Catholic Register, Linh mục Raymond J. de Souza lưu ý rằng Vatican đang đề nghị các Giáo phận tổ chức “một loạt các cuộc họp quy mô nhất từng được tiến hành trong lịch sử của Giáo hội Công giáo” trong bối cảnh của đại dịch toàn cầu.

“Không ai nghe nói về ý tưởng này cách đây 120 ngày, khi nó được công bố lần đầu tiên và hướng dẫn chính thức được đưa ra chưa đầy 60 ngày trước khi được tiến hành”, Linh mục de Souza viết vào ngày 17 tháng 9.

“Hầu hết các lớp chuẩn bị lãnh nhận Bí tích đều được chuẩn bị rộng rãi hơn thế”.

Giáo sư Ruddy cho biết rằng các Giáo phận đã tiến hành một số hình thức của tiến trình đồng nghị – chẳng hạn như Tổng giáo phận Saint Paul và Minneapolis – sẽ có bước khởi đầu trong việc đáp ứng các yêu cầu của Vatican.

Giáo sư Ruddy gợi ý rằng không nên đánh giá thấp tác hại của đại dịch coronavirus đối với đời sống Giáo xứ.

“Mọi người đã bị COVID-19 làm cho trở nên mệt mỏi chán chường”, giáo sư Ruddy nhận xét. “Tôi thậm chí không có ý chỉ nói về vấn đề thể chất, nhưng quý vị biết đấy, ai ai cũng đều mệt mỏi chán chường. Mọi người chỉ đang nỗ lực quay trở lại nhịp sống bình thường của mình, cố gắng giữ cho các Giáo xứ mở cửa và làm tất cả những điều đó, và ý tưởng của việc tổ chức các cuộc họp khi chúng ta thậm chí không còn giờ giao lưu xã hội trong các Giáo xứ của mình nữa… ”

“Bạn sẽ thực hiện những phiên lắng nghe như thế nào, v.v.? Thật khó để bắt đầu, nhưng tôi nghĩ rằng tình hình COVID-19 khiến cho tất cả mọi thứ trở nên phức tạp hơn rất nhiều vào thời điểm hiện nay”.

Minh Tuệ (theo CNA)

Nguồn tin: http://dcctvn.org/