Thần Học Về Các Tôn Giáo

Mon,07/10/2019
Lượt xem: 4284

 THẦN HỌC VỀ CÁC TÔN GIÁO

  

Phan Tấn Thành

I. Thần học về các tôn giáo trải qua lịch sử

A. Người ngoại đạo có được cứu rỗi không?
B. Các tôn giáo trong kế hoạch cứu rỗi

II. Công đồng Vaticano II và các tôn giáo

A. Tuyên ngôn Nostra Aetate
B. Hiến chế Lumen gentium
C. Sắc lệnh Ad gentes
D. Tuyên ngôn Dignitatis humanae

III. Thần học về các tôn giáo sau công đồng Vaticanô II

A Tây Âu và Mỹ châu
B Á châu và Phi châu
IV. Những văn kiện Tòa Thánh về các tôn giáo
A. Đức thánh cha Phaolô VI
B. Đức thánh cha Gioan Phaolô II
C. Văn kiện “Đối thoại và loan truyền”

V. Văn kiện của Ủy ban thần học quốc tế: “Đức Kitô và các tôn giáo”

A. Đặt vấn đề
B. Những nguyên tắc cơ bản
C. Vài hệ luận

—————–

I. THẦN HỌC VỀ CÁC TÔN GIÁO TRẢI QUA LỊCH SỬ

Phải thú nhận rằng trải qua 20 thế kỷ, đã có nhiều quan điểm thần học khác nhau về giá trị của các tôn giáo. Trong số những yếu tố có ảnh hưởng đến việc đánh giá các tôn giáo, có lẽ đứng hàng đầu là kinh nghiệm thực tiễn của những cuộc tiếp xúc. Thực vậy, trước khi lên đường đi giảng Tin mừng, các thánh tông đồ đã không vào thư viện để nghiên cứu lịch sử của tất cả các tôn giáo hiện hữu trên hoàn cầu. Tôn giáo mà các ngài nắm chắc hơn cả là đạo Do thái. Trong những năm đầu tiên, các Kitô hữu cũng tham dự lễ nghi phụng tự với người Do thái ở đền thờ Giêrusalem : thực ra thì họ là người Do thái và thấy rằng đức Kitô đến kiện toàn giao ước của Thiên Chúa với tổ phụ, chứ không phải để lập một tôn giáo mới. Nhưng chẳng bao lâu các Kitô hữu đã bắt buộc phải ly khai khỏi đạo Do thái kể từ khi họ bị bách hại (chẳng hạn ông Stêphanô, ông Giacôbê bị giết). Hố ngăn cách lại càng sâu đậm hơn nữa khi mà số Kitô hữu gốc Do thái chỉ là một thiểu số so với các tín đồ từ dân ngoại trở lại : mối dây liên lạc với đạo Do thái càng ngày càng lỏng lẻo cho tới lúc bị cắt luôn. Sau đạo Do thái, các tông đồ (cách riêng là thánh Phaolô) có dịp tiếp xúc với các tôn giáo ở vùng ven Địa Trung hải, với đủ thứ tục lệ lễ bái và luân lý. Khi đọc chương đầu của thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Rôma, ta có cảm tưởng là tại thủ đô đế quốc, phong hóa rất suy đồi : thay vì thờ kính Đấng Tạo hóa, người ta thờ bái đủ thứ thần tượng ! Thế nhưng qua các tác phẩm hộ giáo, thì ta thấy rằng đế quốc Rôma lại hiểu ngược lại : chính các Kitô hữu mới là quân vô thần bởi vì họ không chịu tham gia vào các buổi tế tự của Nhà nước ! Dù sao cũng nên biết là mối bang giao giữa Kitô giáo với các tôn giáo trong đế quốc Rôma không chỉ giới hạn trên bình diện luân lý và tế tự nhưng còn bao hàm lãnh vực tư tưởng triết học nữa. Các giáo phụ đã viết nhiều tác phẩm để đối chiếu quan điểm Kitô giáo về Thượng đế, về thế giới vật chất, về linh hồn con người. Hầu như ít khi có những điểm tương đồng giữa Kitô giáo với những nền triết học thịnh hành chịu ảnh hưởng của ngộ giáo (với những hệ luận về thuyết nhị nguyên, luân hồi). Nếu mà đã khó tìm thấy sự đồng nhất trong các thuyết lý thì làm sao có thể hy vọng gặp gỡ trên bình diện luân lý và phụng tự được ?

Trường hợp điển hình của thời các tông đồ và các giáo phụ còn được lặp lại qua các thế hệ kế tiếp. Nhận định về các tôn giáo thường chịu ảnh hưởng của cuộc tiếp xúc với một tôn giáo cụ thể và rồi từ đó phóng ra cho toàn thể các tôn giáo khác. Chẳng hạn như vào thời Trung cổ, khi nói tới các tôn giáo thì các nhà thần học hình dung trước mắt đạo Do thái và Hồi giáo, chứ làm sao họ biết được các tôn giáo ở Á châu, Phi châu, Mỹ châu ?

A. NGƯỜI NGOẠI ĐẠO CÓ ĐƯỢC CỨU RỖI KHÔNG ?

Dù sao, khi bàn về các tôn giáo, các nhà thần học sẽ không đóng vai trò của sử gia để nghiên cứu phân tích nguồn gốc của mỗi tôn giáo, nhưng mối bận tâm lớn hơn cả là xét tới giá trị của các tôn giáo trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Theo như lời Chúa Giêsu được ghi lại ở Mc 16,16, “ai tin nhận Phúc âm và chịu phép rửa thì được cứu rỗi; còn ai không tin thì sẽ bị luận phạt”, Giáo hội trải qua bao thế kỷ đã tìm cách để loan truyền Tin mừng cứu độ cho muôn dân, ngõ hầu tất cả mọi người nhận được ơn cứu rỗi. Tuy nhiên, một vấn nạn đã sớm được nêu lên : thế còn bao nhiêu người ăn ngay ở lành nhưng vì không có điều kiện để nghe giảng Tin mừng (thí dụ sống ở rừng rậm xa xôi, chốn khỉ ho cò gáy), thì họ sẽ bị luận phạt cả hay sao ? Chúa nhân lành đâu có nỡ lòng nào xử khắc nghiệt như vậy ?

Các nhà thần học từ thời Trung cổ đã tìm cách giải quyết vấn nạn đó, với nhiều giả thuyết. Giả thuyết xem ra không tưởng hơn cả là : nếu cần Thiên Chúa sẽ sai sứ thần đến giảng đạo và rửa tội cho những người ngoại đạo ngay lành, tựa như trường hợp của ông Cônêliô nói ở Tông đồ công vụ (10,3). Một cách thực tế hơn, người ta phân biệt những cấp độ của lòng tin : tin ám tàng hay tin minh thị (fides implicita / fides explicita). Tin “ám tàng” nghĩa là tin có Thiên Chúa và sẵn sàng làm theo ý Chúa trong hết mọi sự. Đây là điều kiện tối thiểu để được cứu rỗi dựa theo thư gửi Do thái (11,6). Còn tin “minh thị” là tin theo từng điều và hết mọi điều mà Chúa đã mạc khải. Một cách tương tự như vậy, các nhà thần học phân biệt giữa việc rửa tội bằng nước hay bằng lửa : rửa tội bằng nước là lãnh bí tích thực sự (in re); còn rửa tội bằng lửa có nghĩa là ước ao được lãnh bí tích (in voto, in desiderio) giả như có điều kiện. Nói tóm lại, thì sang tới đầu thế kỷ 20, thần học công giáo chấp nhận rằng người nào ăn ngay ở lành thì tuy dù không được nghe giảng Tin mừng và lãnh bí tích rửa tội thì vẫn được Chúa ban ơn cứu độ theo cách thức mà chỉ có Ngài biết được. Thậm chí vào năm 1952, bộ Thánh vụ (nay là Bộ Giáo lý đức tin) đã phi bác ý kiến cha Leonard Feeney muốn đày xuống hỏa ngục hết những ai không gia nhập Giáo hội công giáo (văn kiện được Hiến chế Lumen Gentium số 16, quy chiếu ở chú dẫn số 33).

B. CÁC TÔN GIÁO TRONG KẾ HOẠCH CỨU RỖI

Vào thập niên 50 của thế kỷ XX, các nhà thần học bắt đầu tranh luận giá trị cứu độ của các tôn giáo. Họ lập luận như thế này. Đành rằng những ai sống nơi khỉ ho cò gáy mà ăn ở theo lương tâm thì Chúa sẽ soi sáng cho họ biết đường cứu rỗi; nhưng trên thực tế đa số những người ngoại đạo là những tín đồ của các tôn giáo. Chính nhờ các tôn giáo mà họ học biết cách ăn ở ngay lành cũng như học cách thờ phụng tế tự. Thử hỏi : như vậy vai trò của các tôn giáo có ích lợi gì đối với việc cứu rỗi của các tín đồ hay không ? Có thể nói được rằng Thiên Chúa đã dùng các tôn giáo để mà giáo dục con người, chuẩn bị cho họ đón nhận ơn thánh Chúa hay không ? Vào những năm trước công đồng Vaticano II, người ta nói tới hai chủ trương thần học, mệnh danh là nhóm Rahner và nhóm Daniélou.

1) Theo chủ trương thứ nhất, các tôn giáo nằm trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Các giáo lý và lễ nghi của các tôn giáo có thể ví như là những phương tiện Chúa dùng để ban ơn cứu rỗi cho các tín đồ. Chủ trương này được đặt tên là nhóm Rahner, bởi vì cha Karl Rahner được coi là học giả tiêu biểu nhất. Các nhà thần học Hans Kung, Gustave Thils, Heinrich Schlette, Raymond Pannikkar cũng được xếp trong nhóm này.

2) Theo chủ trương thứ hai, các tôn giáo chỉ là những hình thái biểu lộ việc con người truy tầm chính lộ. Nói khác đi, các tôn giáo không phải là dụng cụ cứu rỗi do Chúa thiết lập mà chỉ là tác phẩm phát sinh từ tâm tình đạo giáo của con người. Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho con người xét như là tín đồ của tôn giáo, nhưng mà không qua trung gian của các tôn giáo. Giả như các tôn giáo có vai trò gì trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại (chẳng hạn như Do thái giáo : dọn đường cho Phúc âm, “praeparatio evangelica”), thì vai trò đó đã chấm dứt từ khi đức Kitô hoàn tất việc cứu rỗi. Chủ trương thứ hai được mệnh danh là nhóm Daniélou, với những nhân vật tiêu biểu là Jean Daniélou, Henri de Lubac, Yves Congar.

Ta hãy lấy một thí dụ cụ thể để cho thấy rõ hơn sự khác biệt giữa hai chủ trương vừa nói : trường hợp một tín đồ Phật giáo được ơn cứu rỗi. Theo nhóm thứ nhất, nếu một tín đồ Phật giáo tin vào Phật pháp thì sẽ được ơn cứu rỗi nhờ việc trung thành với đạo của mình. Theo nhóm thứ hai, thì tín đồ Phật giáo được cứu rỗi không phải tại vì tin vào Phật pháp, cho bằng qua thiện tâm tìm cầu chân lý, nhờ đó mà họ được Chúa ban ơn cứu rỗi.

Thiết tưởng cũng nên thêm rằng thần học công giáo trước công đồng ít để ý đến các tôn giáo. Do đó, những cuộc tranh luận vừa nói chỉ giới hạn trong vài tác phẩm thuộc môn truyền giáo hay Giáo hội học.

II. CÔNG ĐỒNG VATICANO II VỚI CÁC TÔN GIÁO

Công đồng đã dành một văn kiện để bàn tới tương quan giữa Hội thánh với các tôn giáo, đó là tuyên ngôn bắt đầu bằng hai tiếng Nostra aetate. Ngoài ra công đồng còn đề cập đến các tôn giáo trong ba văn kiện khác Hiến chế tín lý về Hội thánh số 16, Sắc lệnh về Truyền giáo, Tuyên ngôn về tự do tôn giáo. Chúng ta hãy lượt qua nội dung của chúng.

A. TUYÊN NGÔN “NOSTRA AETATE”

Lúc đầu, công đồng chỉ muốn dành ra một tuyên ngôn để bày tỏ lập trường đối với phong trào bài trừ Do thái đưa tới những vụ tàn sát dưới chế độ Đức quốc xã. Nhưng theo lời yêu cầu của các nghị phụ, văn kiện được nới rộng để bàn về tương quan với các tôn giáo lớn trên hoàn cầu nữa. Thực ra đây không phải là một văn kiện thuộc lãnh vực thần học tín lý; nó mang tính cách mục vụ nhiều hơn, cổ võ sự chung sống thuận hòa trong xã hội, loại trừ mọi hình thức kỳ thị.

Có ba điểm đáng để ý : 1) Nguồn gốc của tâm tình tôn giáo. 2) Các tôn giáo trong lịch sử. 3) Giá trị của các tôn giáo.

1/ Nguồn gốc của tâm tình tôn giáo (số 1)

Mạc dầu đã có rất nhiều tôn giáo khác nhau xuất hiện trong lịch sử nhân loại, nhưng có thể nói tới một nguồn gốc chung, đó là “tâm tình tôn giáo” (hay : cảm quan tôn giáo : sensus religiosus) khắc trong tâm khảm của con người. Thực vậy, bất cứ người nào cũng cảm thấy những băn khoăn khắc khoải chung quanh cội nguồn và mục đích của đời sống, lấy gì mà phân biệt thiện ác, vì đâu có đau khổ, làm sao đạt được hạnh phúc. Từ những câu trả lời khác nhau cho những câu hỏi đó mà có các tôn giáo khác nhau.

2/ Các tôn giáo trong lịch sử (số 2-4)

Điểm qua các tôn giáo lớn trên hoàn cầu, văn kiện lần lượt khởi đi từ các tôn giáo sơ khai, sang tới Ấn giáo, Phật giáo (số 2). Kế đó là hai tôn giáo độc thần : Hồi giáo (số 3) và Do thái giáo (số 4). Có thể nói là thứ tự đi từ các tôn giáo xa Kitô giáo cho tới những tôn giáo chia sẻ một niềm tin vào Thiên Chúa đã mạc khải cho Abraham.

3/ Giá trị của các tôn giáo

Dựa trên những cấp độ xa gần với Kitô giáo xét về mặt đạo lý khách quan mà mối tương quan giữa Giáo hội với các tôn giáo cũng thay đổi theo. Mối tương quan với Hồi giáo và Do thái giáo được nói dài hơn là với các tôn giáo khác. Dù sao, nói chung, văn kiện chỉ trình bày khía cạnh tích cực của các tôn giáo, nhìn nhận có những yếu tố chân lý và thánh thiện trong đó. Tuy biết rằng nhiều khi có những dị đồng không nhỏ giữa Kitô giáo với các tôn giáo trong những điểm quan trọng về luân thường và đạo lý, và tuy thâm tín bổn phận phải loan truyền đức Kitô là “Đường, Sự thực và Sự Sống”, nhưng điều đó không phải là trở ngại cho cuộc sống chung trong xã hội. Qua chứng tá đức tin và đời sống, qua cuộc đối thoại, các Kitô hữu có thể hợp tác với các tín đồ các tôn giáo để thăng tiến các giá trị tinh thần, cũng như các công tác văn hóa xã hội. Cách riêng, các Kitô hữu biết rằng hết mọi người cùng có một nguồn gốc và cứu cánh như nhau, tức là Thiên Chúa; và Ngài đã muốn quy tụ muôn dân trong một nhà.

B. HIẾN CHẾ VỀ HỘI THÁNH ALUMEN GENTIUM”

Trong chương Hai nói về Dân Thiên Chúa, công đồng đã lần lượt nói tới 3 cấp độ gia nhập làm phần tử : các tín hữu công giáo (số 14), các Kitô hữu chưa hợp nhất trọn vẹn (số 15); kế đó số 16 được dành cho những người ngoài Kitô giáo. Những người ngoài Kitô giáo được phân ra thành 4 nhóm : 1/ Dân Do thái; 2/ các tín đồ theo Hồi giáo và các tôn giáo độc thần; 3/ những tín đồ của các tôn giáo khác; 4/ các người không theo tôn giáo nào nhưng cố gắng sống đời lương thiện. Tất cả đều được hướng về Dân Thiên Chúa và nằm trong chương trình cứu rỗi của Ngài. Tuy nhiên, đừng kể vấn đề cứu rỗi của dân Do thái được gắn với lời hứa dành cho các tổ phụ (dựa theo Roma 9,4-5), công đồng không đi vào cuộc tranh luận về vai trò của các tôn giáo đối với sự cứu rỗi của các tín đồ. Sự cứu rỗi luôn luôn là tác dụng của ơn thánh Chúa : Chúa muốn cho hết mọi người được cứu rỗi, và Ngài không khước từ ơn thánh cho những người sống ngay thẳng theo lương tâm, cho dù họ không theo tôn giáo nào hết. Đàng khác, công đồng nhìn nhận có những yếu tố tốt lành và chân thật nơi các tôn giáo mà Ngôi Lời đã gieo làm nền chuẩn bị cho Phúc âm (praeparatio evangelica), nhưng đồng thời cũng không thiếu những lầm lẫn dối trá pha trộn trong đó. Từ đó, bổn phận của Giáo hội là rao truyền Tin mừng, thu lượm những gì tinh hoa tốt đẹp trong các nền văn hóa để dâng cho Chúa, và thanh lọc những gì tối tăm tội lỗi (Xem số 17).

C. SẮC LỆNH VỀ TRUYỀN GIÁO “AD GENTES”

Trong văn kiện này, chúng ta có thể ghi nhận những yếu tố sau đây có liên quan tới các tôn giáo.

1/ Khi bàn đến chương trình cứu rỗi, văn kiện lồng trong bối cảnh của tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Ngài muốn mời gọi hết mọi người vào chia sẻ hạnh phúc với mình. Sứ mạng của đức Kitô và của Thánh thần nhằm thực hiện kế hoạch tình yêu đó. Hội thánh được thiết lập cũng để phục vụ chương trình đó (số 2-4).

2/ Mặt khác, Thiên Chúa không những chỉ tác động qua những biến cố lịch sử bên ngoài con người. Ngài còn thôi thúc tự bên trong nội tâm con người, lôi cuốn nó về với mình. Con người có khuynh hướng tìm về Chân – Thiện – Mỹ. Khuynh hướng này được biểu lộ qua các tôn giáo (số 3). Như vậy, tuy rằng các tôn giáo lịch sử xuất hiện như là sản phẩm của con người trong bước đường tìm về Thiên Chúa, nhưng kỳ thực bước đi dò dẫm của con người là do bàn tay Chúa Quan phòng dẫn dắt. Dù sao, cần phải nhìn nhận rằng ý định cứu rỗi của Thiên Chúa bao trùm hết mọi người : bằng những đường lối bí nhiệm Ngài sẽ lo liệu để cho những ai ăn ở ngay lành được lãnh ơn cứu rỗi (số 7).

3/ Tiếc rằng, bên cạnh bộ mặt tươi đẹp của vũ trụ và lịch sử, chúng ta không thể nào làm ngơ tới bộ mặt đau thương mà tội lỗi đã gây ra cho cá nhân cũng như những định chế của nhân loại, kể cả các tôn giáo (số 8). Thực ra sắc lệnh về Truyền giáo không bàn trực tiếp đến giá trị của các tôn giáo hoàn cầu : văn kiện chỉ nói tới các giá trị tích cực lẫn tiêu cực trong các thể chế văn hóa và tôn giáo nói chung. Công cuộc truyền giáo đòi hỏi việc biện phân, nhận ra đâu là những mầm mống sự thực (semina Verbi : số 11) và đâu là những vết tích tội lỗi : những gì tốt đẹp thì phải thu nhận kiện toàn, những gì xấu xa thì lo tẩy luyện (số 9). Một cách cụ thể, trong diễn trình hoạt động truyền giáo văn kiện liệt kê cả việc truyền bá Phúc âm lẫn việc đối thoại (số 11).

D. TUYÊN NGÔN VỀ TỰ DO TÍN NGƯỠNG “DIGNITATIS HUMANAE”

Giọng văn của Văn kiện này mang đặc tính pháp lý hơn là thần học. Công đồng bàn tới quyền của con người không bị cưỡng bách phải theo một tín ngưỡng trái với lương tâm của mình, cũng như quyền không bị ngăn cấm thực hành tín ngữơng của mình. Quyền này phải được nhìn nhận cho hết mọi công dân trong xã hội. Ngoài ra, chiếu theo bản tính hợp quần của con người, quyền đó cũng phải được nhìn nhận cho các đoàn thể tôn giáo nữa.

Như vậy, chúng ta có thể thấy tôn giáo được xét dưới hai bình diện : cá nhân và cộng đoàn. Xét trên bình diện cá nhân, mỗi người có bổn phận và quyền lợi đi tìm chân lý, và gắn bó với chân lý mà mình thâm tín. Phẩm giá của con người đòi hỏi rằng không ai có quyền cưỡng bách con người phải theo một tín ngưỡng mà mình không thâm tín. Con người là một hữu thể có lý trí và tự do : việc truy tầm chân lý phải được diễn ra trong khung cảnh tự do, qua việc suy tầm, học hỏi, đối thoại, chứ không phải bằng vũ lực. Trên đường đi tìm chân lý, con người cũng cần được hưởng tự do để phát biểu cảm nghĩ của mình cũng như để tổ chức đời sống của mình dựa theo điều mình thâm tín. Từ đó mà bình diện cá nhân của tôn giáo gắn liền với bình diện cộng đoàn, bởi vì con người không sống cô độc trên hoang đảo song hợp thành cộng đoàn với nhau. Các cộng đoàn tôn giáo cần được xã hội nhìn nhận quyền được tổ chức, quyền được cử hành phụng tự, quyền được huấn luyện các phần tử, quyền được quảng bá.

Dĩ nhiên, việc thi hành các quyền lợi vừa nói có những giới hạn của nó, do công ích đặt ra. Khi sống trong xã hội, chúng ta không thể chỉ yêu sách thi hành quyền lợi của mình mà không nghĩ tới nghĩa vụ tôn trọng quyền lợi của người khác.

Tuy là một văn kiện có tính cách pháp lý, nhưng tuyên ngôn này cũng có những hệ luận không nhỏ cho thần học về các tôn giáo. Cho dù chúng ta đánh giá các tôn giáo khác như thế nào đi nữa (tốt, xấu, hay, dở, đúng, sai), nhưng không ai có quyền dùng vũ lực để đàn áp hay cưỡng bách các tín đồ của họ phải chấp nhận chân lý của đức Kitô. Việc chấp nhận đức tin phải được diễn ra trong khung cảnh tự do tự nguyện, phát nguồn từ thâm tín nội tâm.

Một điều tích cực đáng ghi nhận là công đồng Vaticano II đã nhìn nhận có những giá trị chân chính và tốt đẹp nơi các tôn giáo. Trước đây, các văn kiện Tòa thánh ra như chỉ thấy bàn tay của ma quỷ nơi các tôn giáo. Tuy nhiên, tuy công đồng chấp nhận rằng các người ngoài Kitô giáo có thể lãnh được ơn cứu rỗi, nhưng công đồng không dám đi vào vấn đề xem các tôn giáo có giữ vai trò gì trong việc chuyển thông ơn đó cho các tín đồ của mình hay không.

III. THẦN HỌC VỀ CÁC TÔN GIÁO SAU CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II

Thành thật mà nói, vấn đề đối thoại với các tôn giáo hoàn cầu không nằm trong số những mối quan tâm chính của công đồng. Khi bàn tới tương quan đối ngoại của Giáo hội, Vaticano II chú trọng cách riêng tới việc đối thoại đại kết, đối thoại với các chủ nghĩa vô thần của miền Đông Âu, đối thoại với giới khoa học kỹ thuật về những xung khắc giữa khoa học với đức tin. Khi đọc Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới hiện tại (Vui mừng và Hy vọng), chúng ta không thấy có đoạn nào dành cho việc đối thoại với các tôn giáo hết. Thực ra chuyện này không đáng ngạc nhiên : đa số các nghị phụ đến từ Âu châu và Mỹ châu, nơi mà Kitô giáo giữ địa vị độc tôn, vì vậy vấn đề đối thoại liên tôn không được đặt ra. Tuy vậy, chúng ta nên ghi nhận hai điểm sau đây : thứ nhất, phần lớn các tác phẩm nghiên cứu thần học về các tôn giáo được xuất bản tại Âu Mỹ chứ không phải tại Á – Phi; thứ hai, tại Âu Mỹ, cũng có thần học về tôn giáo, tuy được nhìn dưới một viễn tượng khác.

A. TẠI ÂU VÀ MỸ CHÂU

Thật vậy, khi bàn về thần học về tôn giáo, người Kitô hữu sống tại Việt nam (và Á châu, Phi châu nói chung) liên tưởng tới việc suy tư về mối tương quan giữa Kitô giáo với các tôn giáo khác : phải chăng có một đạo thật (chính đạo) còn những đạo khác là tà đạo ? hay là đạo nào cũng có phần sự thực trong đó ? Đối với người Âu châu và Bắc Mỹ, vấn đề được đặt ra một cách khác,, đặc biệt do ảnh hưởng của việc tiếp xúc với Tin lành và Mác xít.

1/ Về phía Tin lành, do ảnh hưởng của học thuyết Lutêrô về sự công chính hóa nhờ đức tin chứ không do công trạng, nhà thần học Karl Barth đã bài trừ tất cả các tôn giáo. Theo ông, các tôn giáo là những cố gắng của con người đi tìm sự cứu rỗi bằng cách lập công trạng; như vậy là trái với đường lối của Thiên Chúa : con người chỉ có thể được cứu rỗi nhờ vào việc tin đức Kitô. Các việc phụng tự lễ bái chẳng giúp ích gì cho phần rỗi hết. Ông Dietrich Bonhoeffer còn đi xa hơn nữa khi khẳng định rằng ngoài đức tin ra, ta chẳng làm gì được cho Chúa hết; vì vậy tất cả các việc thiện nên dành vào việc phụng sự tha nhân thay vì vào việc tế tự.

2/ Về phía Mácxít, các tôn giáo bị chỉ trích là thuốc phiện mê dân. Thay vì dồn năng lực vào việc kiến tạo xây dựng thế giới hiện tại, người ta mơ màng đến bồng lai tiên cảnh ở trên mây gió. Vì thế cần phải thức tỉnh con người khỏi cơn mê hoặc của tôn giáo, ngõ hầu dấn thân vào công tác xã hội. Mặt khác, không thiếu những bằng chứng cho thấy rằng tình trạnh chậm tiến của một số dân tộc bắt nguồn từ thái độ mê tín dị đoan, kiêng lánh không dám khai sơn phá thạch vì sợ đụng tới Thổ thần, Long mạch. Một cách tương tự như vậy, những quan niệm sai lệch về số kiếp, mệnh trời đã khiến cho con người trở thành ù lì, sợ sệt không dám vùng lên thay đổi những tình cảnh vô nhân đạo.

Trong viễn ảnh đó, thần học tôn giáo tại Âu châu nhấn mạnh tới việc liên kết giữa đức tin với đời sống : người tín hữu không thể nào giới hạn việc giữ đạo vào các hành vi kinh kệ ở nhà thờ, nhưng còn phải thực hiện đức tin qua những công tác công bằng bác ái. Cũng trong bối cảnh đó mà ta có thể coi thần học giải phóng như là một thứ thần học về tôn giáo, theo nghĩa là họ không muốn coi đức tin như thuốc phiện ru ngủ. Thiên Chúa không phải chỉ hiện diện trên thiên đàng hoặc trong nhà thờ mà thôi, nhưng Ngài còn hiện diện nơi con người được tạo dựng giống hình ảnh của Ngài. Đức Kitô đã tự đồng-hóa với người nghèo đói, trần truồng, vô gia cư. Việc gì ta làm cho người nghèo cũng được kể như là làm cho Chúa.

B. TẠI Á VÀ PHI CHÂU

Thần học tôn giáo tại Âu châu và Mỹ châu được xét trong mối liên hệ giữa việc phụng tự đạo đức với việc dấn thân xây dựng xã hội. Đang khi đó, thần học về tôn giáo tại Á châu và Phi châu chú trọng tới những giá trị của các giáo. Trước đây, các nhà thần học tranh luận xem những người ngoài Kitô giáo được cứu rỗi qua trung gian của các tôn giáo hay không ? Vào những năm sau công đồng Vaticano II, có người lại muốn đi xa hơn khi chủ trương rằng các tín đồ của các tôn giáo có thể được cứu rỗi mà không phải qua trung gian của đức Kitô nữa (J. Hick, P. Knitter, M. Amaladoss). Họ lập luận như thế này.

1) Đức Giêsu, xét như là một con người lịch sử, không thể nào gồm tóm hết các ưu phẩm dành cho Ngôi Lời hằng hữu của Thiên Chúa. Từ khi tạo dựng, Ngôi Lời không ngừng tác động vào lịch sử nhân loại, soi chiếu hết mọi người. Ngài có thể dùng rất nhiều môi giới khác, chứ không phải chỉ nhờ tới đức Giêsu. Nói cách khác, Kitô giáo chỉ là một con đường Thiên Chúa dùng để cứu rỗi nhân loại nhưng không phải là con đường duy nhất : còn có nhiều con đường khác nữa, song song hay đồng quy với Kitô giáo.

2) Đức Giêsu đã dốc toàn lực để phụng sự Nước Cha trên trời, bằng lời giảng dạy và bằng việc giải thoát con người khỏi cảnh lầm than khốn khổ. Các tín đồ của đức Giêsu cũng cần phải họa theo gương đó : thay vì đọc kinh lễ lạy, khuyến dụ người ngoại gia nhập Kitô giáo, họ hãy dốc tâm lực phụng sự Nước trời, bằng cách chung sức với các tín đồ của các tôn giáo khác để kiến tạo một xã hội công bằng huynh đệ hơn.

Chúng ta thấy rằng then chốt của vấn đề không còn phải là chuyện những người ở ngoài Giáo hội có được cứu rỗi hay không, song là chuyện vai trò của đức Giêsu Kitô trong chương trình cứu rỗi : liệu còn có thể đồng hóa đức Giêsu với Ngôi Lời nhập thể nữa hay không ? Ngoài đức Kitô Giêsu, liệu có thể có những vị Trung gian nào giữa Thiên Chúa với loài người hay không ?

IV. NHỮNG VĂN KIỆN CỦA TÒA THÁNH VỀ CÁC TÔN GIÁO

Chính vì thần học về tôn giáo có thể được xét hai viễn ảnh khác nhau, cho nên việc suy tầm các tài liệu của Tòa thánh cũng thay đổi tùy theo lãnh vực muốn nghiên cứu. Chẳng hạn như ai muốn tìm hiểu vấn đề dấn thân của các tín hữu vào công tác xã hội thì cần sưu tầm những văn kiện về Học thuyết xã hội; còn ai muốn tìm hiểu vấn đề đối thoại với các tôn giáo thì phải tìm ở trong những văn kiện bàn về công cuộc truyền giáo. Dù sao, một điều cần được ghi nhận là hai văn kiện về truyền giáo : tông huấn Evangelii Nuntiandi của đức Phaolô VI (8/12/1975) và thông điệp Redemptoris Missio của đức Gioan Phaolô II (7/12/1990) đều có nhắc tới việc đối thoại với các tôn giáo cũng như việc thăng tiến nhân phẩm, phát triển xã hội.

Riêng về việc đối thoại với các tôn giáo, cần phải thú nhận rằng thật khó mà kê ra hết tất cả các văn kiện của hai vị Giáo hoàng sau công đồng, bởi vì nói những văn kiện trang trọng (thông điệp, tông huấn vv), các Ngài còn trình bày lập trường đối với các tôn giáo qua bao nhiêu bài diễn văn đọc trong các buổi tiếp kiến tại Rôma hoặc trong các chuyến công du trên thế giới. Chúng tôi chỉ xin ghi lại những nét đặc sắc hơn cả của mỗi vị.

A. ĐỨC PHAOLÔ VI

1) Việc thành lập “Văn phòng dành cho những người ngoài Kitô giáo” (Secretariatus pro non christianis), vào ngày 19/5/1964 (lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống). Từ năm 1988, cơ quan này được đổi tên thành “Hội đồng đối thoại tôn giáo” (Pontificium Consilium pro dialogo inter religiones). Nên biết là việc liên lạc với người Do thái được dành cho Hội đồng cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu.

2) Thông điệp đầu tiên Ecclesiam suam (6/8/1964) trình bày đối thoại như là thái độ căn bản của Giáo hội khi tiếp xúc với thế giới : đối thoại với hết mọi người cho dù là người vô thần; đối thoại với các tín đồ các tôn giáo; đối thoại với các anh em Kitô hữu; đối thoại trong nội bộ Giáo hội. Có thể coi đây như là hiến chương của sự đối thoại, lấy mẫu mực từ cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với loài người.

3) Tông huấn Evangelii Nuntiandi nói đến các tôn giáo ở số 53, nhìn nhận các giá trị tích cực, chẳng hạn như việc cầu nguyện : ra như họ đang giơ hai tay lên trời để khẩn cầu Thiên Chúa. Qua công cuộc rao giảng Tin mừng, Giáo hội muốn cống hiến mầu nhiệm đức Kitô, Đấng mà họ đang khát vọng.

B. ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II

1) Ngay từ trong thông điệp đầu tiên Redemptor Hominis (4/3/1979), Đức Gioan Phaolô đã lưu ý đến các tôn giáo, lặp lại tư tưởng của công đồng và của đức Phaolô VI về những giá trị tích cực họ. Cách riêng, trong thông điệp Dominum et vivificantem (18/5/1986), ngài chú trọng đến tác động của Chúa Thánh thần nơi các tôn giáo, đặc biệt khi gợi lên tâm tình cầu nguyện (số 53; 65).

2) Nhân dịp Năm 1986 được Liên hợp quốc chỉ định làm “Năm Quốc tế về Hòa bình”, ngài đã triệu tập một buổi cầu nguyện cho nền hòa bình thế giới tại Assisi ngày 27/10/1986, với sự tham dự của đại diện các Giáo hội Kitô và vài tôn giáo hoàn cầu (đức Đạt Lai Lạt ma, Phật giáo Đại thừa Nhật bản, Ấn giáo, Hồi giáo, Giaina, Do thái, Thần đạo, Sikh, Zoroastra, thổ dân Ghana, Togo, Bắc Mỹ). Tầm quan trọng của biến cố này đã được giải thích trong buổi tiếp kiến chung ngày 22/10/1986 và trong buổi tiếp kiến Giáo triều Rôma ngày 22/12/86. Tất cả nhân loại họp thành một gia đình bởi vì tất cả mọi người đều là con của Cha, được bàn tay Quan phòng che chở, được tình yêu cứu độ săn sóc, mong cho tất cả được hưởng hạnh phúc bất diệt. Tiếc rằng không phải ai ai cũng nhận ra nguồn gốc và cứu cánh duy nhất đó, do bởi tội lỗi chia rẽ của con người. Giáo hội có nhiệm vụ loan báo chương trình hợp nhất nhân loại do đức Kitô đã thực hiện. Buổi cầu nguyện chung tại Assisi là một phương thế để loan báo chương trình đó. Việc cầu nguyện cho hòa bình, kèm theo sự thống hối đền tội, là sự tuyên xưng hùng hồn rằng hòa bình là một ơn huệ của Trời cao, và có thể đạt được qua lời khẩn nài chân thành cũng như sự cải thiện nội tâm. Các đại biểu tôn giáo họp nhau để cầu nguyện, bởi vì họ thâm tín nơi giá trị của việc cầu nguyện. Tuy nhiên, họ chưa thể cầu nguyện chung với nhau được, bởi các tôn giáo không có cùng một quan điểm về Đấng Thiêng liêng mà họ kêu cầu.

3) Thông điệp Redemptoris Missio về ý nghĩa của công cuộc truyền giáo, ban hành nhân dịp kỷ niệm 25 năm bế mạc công đồng Vaticano II (7/12/1990). Có thể phân biệt những nguyên tắc tín lý và những áp dụng thực tiễn.

+  Những nguyên tắc tín lý.

a) Nguồn gốc của chương trình cứu rỗi là tình yêu của Thiên Chúa muốn mời gọi con người vào chia sẻ đời sống thần linh của Ba ngôi (số 7). Con người được cứu rỗi khi tin nhận hồng ân tình yêu Chúa được biểu lộ nơi đức Kitô trong Thánh thần (số 12).

b) Đức Giêsu chính là Ngôi Lời nhập thể để mạc khải Thiên Chúa cho nhân loại. Ngài là Đấng Cứu thế, là con đường duy nhất qua đó con người gặp gỡ Thiên Chúa (số 5). Đành rằng những người không biết đến đức Kitô cũng có thể được cứu rỗi, nhưng họ đã được ơn cứu rỗi nhờ đức Kitô nhờ hồng ân của Thánh thần (số 10). Không thể nào tách rời đức Giêsu khỏi đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể được (số 6). Tuy rằng Thiên Chúa có thể dùng những hình thức và cấp độ môi giới khác nhau, nhưng tất cả các hình thức đó đều thông dự vào vai trò trung gian của đức Kitô, chừ không phải là song song hay độc lập với Ngài (số 5).

c) Thánh thần tác động vượt lên mọi biên cương của thời gian và không gian. Ngài tác động : (i) trong con tim của mỗi người; (ii) trong các hạt giống chân lý gieo vào các nền văn hóa và tôn giáo; (iii) trong những nỗ lực của con người tìm về chân thiện mỹ (số 28). Tuy nhiên không thể nào tách rời tác động của Thánh thần trong vũ trụ ra khỏi tác động của Thánh thần nơi đức Kitô và trong Giáo hội. Chỉ có một Thánh thần duy nhất (số 29).

d) Hội thánh đã được đức Kitô đặt làm nhiệm tích, tức là dấu chỉ và dụng cụ trong công cuộc cứu rỗi. Giáo hội phục vụ Nước Chúa bằng việc rao truyền Tin mừng, bằng việc thiết lập các cộng đoàn tín hữu để sống tinh thần Phúc âm; bằng việc thăng tiến các giá trị nhân bản, chẳng hạn
như : công bằng, yêu thương, giáo dục, sức khoẻ vv (số 20). Tuy rằng có những người ngoài Giáo hội hữu hình được Chúa ban ơn cứu rỗi, nhưng họ cũng có liên lạc phần nào với Giáo hội, ít là do lời cầu nguyện của Giáo hội (số 10).

Thông điệp muốn trình bày thần học về các tôn giáo dựa trên mầu nhiệm củaBa Ngôi. Thiên Chúa yêu thương và muốn cho mọi người hạnh phúc. Ý muốn đó được thể hiện qua việc gieo những mầm mống chân lý và thánh thiện vào con tim của mỗi người cũng như qua các nền văn hóa và tôn giáo, nhờ đó con người nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa và đáp lại qua việc tuân theo tiếng nói của lương tâm. Những gì tốt đẹp chân thật trong vũ trụ đều là hoa trái của Ngôi Lời và Thánh thần.

Tuy rằng những người không biết đức Kitô và Giáo hội của Ngài có thể được cứu rỗi, nhưng không thể nói rằng họ được cứu rỗi không qua trung gian của đức Kitô và không nhờ ảnh hưởng của Giáo hội. Bằng những đường lối nhiệm mầu, Thánh thần giúp cho họ được tiếp xúc với mầu nhiệm Vượt qua của đức Kitô.

Những áp dụng thực tiễn

Công tác truyền giáo được tiến hành bằng những đường lối khác nhau : chứng tá bác ái, rao giảng đức Kitô, sự cải hoán và gia nhập Giáo hội, việc thiết lập các cộng đoàn, đối thoại tôn giáo, hội nhập văn hóa, thăng tiến nhân phẩm. Sự đối thoại tôn giáo là một trong những con đường của việc truyền giáo (số 55-57).

Chúng ta hãy xét tới những nền tảng, hình thức của sự đối thoại; rồi sau đó, tương quan với việc TG.

1/ Xét về nền tảng hay sự cần thiết của sự đối thoại, ta có thể vạch ra tới bốn khía cạnh (hay chiều kích) :

a) Nhân bản : sự tôn trọng con người; sự đối thoại là con đường dẫn tới sự khám phá sự thật. Sự thật, cách riêng sự thật về tôn giáo, chỉ có thể chấp thuận cách tự do nhờ việc nhìn nhận ra lý lẽ, chứ không thể áp đặt cưỡng chế.

b) Xã hội : Sự đối thoại là cách thế cần thiết để duy trì sự sống chung trong cộng đồng xã hội; việc thiếu đối thoại và hiểu biết nhau sớm muộn gì cũng sẽ đưa tới đố kị tranh chấp giữa các tín ngưỡng.

c) Thần học: Mỗi người là hình ảnh của Thiên Chúa, là con cái của Chúa. Chính đức Kitô đã để lại gương sáng cho chúng ta : Ngài đi gặp gỡ, giải thích trình bày chân lý với thái độ nhã nhặn kiên nhẫn.

d) Cứu rỗi: Giáo hội nhìn nhận những giá trị của đạo lý và tinh thần nơi các tôn giáo, coi đó như phản ảnh của đức Kitô Lời chân lý, và tác động của Chúa Thánh Linh. Sự đối thoại với các tôn giáo giúp Giáo hội khám phá thêm sự sung mãn của chân lý, cũng như tự kiểm thảo, sửa sai những khuyết điểm thiếu sót do điều kiện con người của mình.

Hiểu như vậy, sự đối thoại không chủ ý vạch lá tìm sâu, bươi móc những khuyết điểm của người khác; nhưng là nhằm tìm kiếm sự thật. Người Kitô hữu, tuy thâm tín gắn bó với đức tin của mình, nhưng luôn mở rộng tiến đến chân lý sung mãn, nhất là chân lý về tình thương biểu lộ qua sự tôn trọng tha nhân.

2/ Hình thức : Thường mỗi khi nói tới đối thoại, thì chúng ta liên tưởng tới hội nghị bàn vuông với bàn tròn. Thực ra có tới bốn hình thức đối thoại :

a) Đối thoại đời sống, nghĩa là qua những mối tương giao hàng ngày, giữa bà con lối xóm, qua những công việc giúp đỡ nhau, tương thân tương trợ, và nhất là qua thái độ kính trọng lẫn nhau.

b) Đối thoại công tác, qua những hoạt động của các phần tử thuộc những tôn giáo khác nhau, nhằm tới sự thăng tiến con người, công bằng xã hội.

c) Đối thoại đạo lý, qua những cuộc trao đổi, đối chiếu quan điểm về triết học, luân lý, thần học.

d) Đối thoại về cảm nghiệm tâm linh, về cách thức cầu nguyện tu đức.

Dĩ nhiên không phải bất cứ lúc nào và người nào cũng có thể thực hiện tất cả bốn hình thức nói trên. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng ai ai cũng có dịp để thực hành sự đối thoại đời sống.

3/ Đối thoại và TG

Sự đối thoại không thay thế sự TG, nhưng là một hình thức của hoạt động TG : hoạt động TG nằm trong kế hoạch đối thoại cứu rỗi của Thiên Chúa với con người, nhằm giúp con người đáp lại lời mời gọi của Ngài qua đức tin và sự cải hoán. Dĩ nhiên, nhà TG mang cũng một tâm tình khi đối thoại cũng như khi TG, đó là : lòng gắn bó với đức Kitô (ước ao cho Ngài được biết và yêu mến) cũng như lòng yêu thương với tha nhân (ước ao cho họ được hạnh phúc).

C. ĐỐI THOẠI VÀ LOAN TRUYỀN

Văn kiện này tuy ra đời sau thông điệp “Redemptoris Missio” nhưng đã được soạn thảo từ mấy năm trước. Vào năm 1984, Văn phòng liên lạc với các tôn giáo đã xuất bản văn kiện mang tựa đề “Đối thoại và truyền giáo” (được thông điệp trích dẫn ở chú thích số 99). Do đó có thể coi văn kiện “Đối thoại và Loan Truyền” như là một thứ tái bản có sửa đổi. Văn kiện được chia làm ba phần : 1/ Đối thoại tôn giáo. 2/ Truyền giảng đức Kitô. 3/ Mối liên hệ giữa đối thoại và truyền giảng. Giá trị của các tôn giáo trong lịch sử cứu độ được trình bày khá rộng trong phần thứ nhất.

Ngoài những bản văn của công đồng bàn về giá trị của các tôn giáo, văn kiện còn muốn trình bày một học thuyết mạch lạc, khởi sự từ Cựu ước (số 19-20) nói đến một lịch sử duy nhất dành cho toàn thể nhân loại; sang đến Tân ước cho thấy ơn cứu rỗi được dành cho muôn dân (số 21-23). Đặc biệt, các giáo phụ Giustinô, Irêneô, Clêmentê Alexanđria cho thấy rằng Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho dân ngoại dưới nhiều hình dạng và giao ước khác nhau (giao ước với Adong, với Noe, với Moisen, và với đức Kitô), đưa tới sự sung mãn nơi đức Kitô (số 24-25).

Sự hiện hữu của những yếu tố tích cực nơi các tôn giáo đòi hỏi chúng ta một thái độ kính trọng khi tiếp xúc với họ. Tuy nhiên, việc nhìn nhận rằng các tôn giáo có những yếu tố của ơn thánh không có nghĩa là tất cả đều là hậu quả của ơn thánh. Cũng như bao nhiêu thực tại khác trên đời này, các tôn giáo cũng bị tội lỗi len lỏi vào. Việc đối thoại chân thành sẽ không ngần ngại vạch ra những khuyết điểm ấy.

Mặt khác, kể cả Kitô giáo, tuy chứa đựng sự sung mãn của mạc khải Thiên Chúa, nhưng cũng gồm bởi những phần tử nhân loại và chịu ảnh hưởng bởi những giới hạn của con người. Giáo hội vẫn còn cần được Thánh thần hướng dẫn để thấu hiểu toàn thể chân lý của đức Kitô. Hơn thế nữa, những phần tử của Giáo hội mang đầy tội lỗi và luôn luôn cần cải hoán với Tin mừng. Giáo hội chưa phản ánh rạng ngời thánh thiện của hiền thê của đức Kitô; Giáo hội chưa đạt tới sự thành toàn của Nước Chúa (số 33-41).

Trong bối cảnh đó, việc đối thoại không nhằm để bươi móc xấu xa của đối phương nhưng là chia sẻ những nỗ lực tiến tới chân lý hoàn hảo. Người Kitô hữu có thể thâu thái những yếu tố tốt đẹp nơi các tôn giáo khác để kiện toàn hơn sự hiểu biết về chân lý của đạo mình hay về cách thức sống đạo. Việc đối thoại cũng giúp cho mình đào sâu thêm đức tin của mình, và kiểm điểm xem lối sống của mình cho hài hòa với đạo lý Phúc âm hay không. Ngoài ra, sự đối thoại tôn giáo không chỉ giới hạn vào lãnh vực học thuyết nhưng còn bao hàm nhiều hình dạng khác nhau : a) đối thoại cuộc sống, nghĩa là sống tinh thần thân thiện cởi mở với láng giềng, trao đổi những chuyện vui buồn hàng ngày; b) đối thoại công tác, khi hợp lực với các tín đồ của các tôn giáo khác để thực hiện những công tác xã hội; c) đối thoại về học thuyết giữa các chuyên viên; d) đối thoại về cảm nghiệm tâm linh (số 42).

Sang phần áp dụng thực tiễn, văn kiện nêu ra những điều kiện cần có khi đối thoại (số 47-50) và những trở ngại cho cuộc đối thoại (số 51-54).

Hai phần còn lại của văn kiện trình bày ý nghĩa của việc truyền giảng Đức Kitô. Sự truyền giảng và sự đối thoại không đối chọi với nhau cũng chẳng thay thế cho nhau. Đó là hai con đường bổ túc cho nhau trong việc thi hành sứ mạng truyền bá Tin mừng (và còn nhiều con đường khác nữa, thí dụ như : sự cầu nguyện, việc bác ái..). Nói cho cùng, cả hai đều nhằm tới con người, những con người cụ thể : việc rao giảng Tin mừng nhằm trình bày cho con người con đường hạnh phúc mà Chúa đã mạc khải; mặt khác, việc rao giảng cần được thực hiện với tâm tình yêu mến và kính trọng phẩm giá của người mà mình tiếp xúc. Nguồn gốc và tác nhân của ơn cứu rỗi là chính Thiên Chúa, còn Giáo hội chỉ là dụng cụ.

V. VĂN KIỆN CỦA UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ : ĐỨC KITÔ VỚI CÁC TÔN GIÁO

Văn kiện được phát hành ngày 30/9/1996, kết quả của bốn năm nghiên cứu, và được coi như tài liệu có hệ thống nhất bàn về thần học các tôn giáo về phía Toà thánh.

Ngoài nhập đề và kết luận, nội dung gồm có 3 phần chính. Phần thứ nhất (có tính cách miêu tả) trình bày tình hình các vấn đề được gợi lên trong cuộc tranh luận thần học về các tôn giáo. Phần thứ hai (dài hơn cả) vạch ra những nguyên tắc căn bản của thần học để giải đáp vấn đề. Những nguyên tắc này thuộc bốn chiều kích : 1) Kế họach cứu rỗi của Chúa Cha; 2) Vai trò trung gian của Đức Giêsu; 3) Tác động phổ quát của Thánh thần; 4) Vai trò của Hội thánh. Phần thứ ba rút ra những hệ luận về lý thuyết và thực hành, liên quan tới giá trị cứu độ của các tôn giáo, vấn đề mạc khải, chân lý, đối thọai tôn giáo.

Văn kiện mở đầu với việc ghi nhận một hiện tượng của xã hội hiện đại là sự giao lưu giữa các dân tộc và các nền văn hóa trên thế giới, hậu quả của các cuộc di dân cũng như các trao đổi thông tin thương mại. Trong bối cảnh đó, vấn đề đối thọai tôn giáo được đặt ra. Tuy dù xem ra thế giới ngày nay chịu ảnh hưởng của phong trào tục hóa, nhưng cũng có những dấu hiệu chứng tỏ rằng con người hiện đại vẫn còn nhờ đến tôn giáo để tìm giải đáp cho những vấn đề sinh tử. Các cuộc đối thọai tôn giáo có cơ hội rất lớn để giúp ích cho nhân lọai, không những bằng cách mang lại gỉai đáp cho các vấn đề hiện sinh mà còn qua những công tác cụ thể đóng góp vào việc kiến tạo hòa bình và công lý trong xã hội. Kitô giáo không thể đứng bên lề cuộc đối thọai đó. Tuy nhiên, để cho cuộc đối thọai được hữu hiệu, người tín hữu cần nắm chắc những nguyên tắc thần học về giá trị của các tôn giáo. Văn kiện này ước mong cung cấp vài suy tư về những nguyên tắc đó, tuy biết rằng còn nhiều vấn đề chưa ngã ngũ.

A. PHẦN THỨ NHẤT : ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong Phần thứ nhất, văn kiện rảo qua tình hình của những vấn đề tranh luận (status quaestionis) trong môn Thần học về các tôn giáo (=TG). Thực ra thì đây là một ngành còn mới mẻ, và còn đang mò mẫm về đối tượng, phương pháp và về cứu cánh.

1/ Trước công đồng Vaticano II, thần học về các TG xoay quanh vấn đề giá trị của chúng trong lịch sử cứu rỗi, với hai lập trường chính :

a) Một lập trường cho rằng các tôn giáo mang nhiều giá trị tích cực, vì dựa trên giao ước của ông Noe (Thiên Chúa mạc khải trong thiên nhiên và trong lương tâm con người). Tuy nhiên, các TG không có giá trị cứu rỗi; chúng chỉ hướng con người về Đấng Tạo hóa, và chúng cần được Đức Kitô kiện tòan. Đây là chủ trương của Jean Daniélou, Henri de Lubac.

b) Lập trường thứ hai, tượng trưng bởi Karl Rahner, có cái nhìn tích cực hơn. Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi cho hết mọi người. Thế nhưng con người không phải là những đơn tố lẻ loi, nhưng là thành phần của cộng đòan xã hội. Các TG huấn luyện cho con người mở rộng đến chiều kích siêu việt, do đó giúp cho con người đón nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa, nhờ đức tin (tuy chỉ là đức tin ám tàng fides implicita) và nhờ lòng bác ái với tha nhân (mà đức Kitô nhìn nhận như là mến Chúa).

2/ Sau công đồng, thần học về các TG đã mở rộng tầm nhãn giới và phương pháp, từ đó đã có những khuynh hướng khác nhau. Có những tác giả đã khước từ bàn về thần học của các TG, xét vì tính cách đa dạng của chúng. Cần phải nghiên cứu từng TG một, đi từ nguồn gốc và sự tiến triển của nó, chứ không nên gồm trọn tất cả vào một gói. Vì thế cần kiên nhẫn thu thập những dữ kiện mà các khoa lịch sử và hiện tượng cung cấp. Có người muốn nhấn mạnh tới khía cạnh thực tiễn nhằm cổ võ sự đối thọai, nhằm dẹp tan những đố kị hiềm thù, thay vì tranh luận về những nguyên tắc tín lý trừu tượng. Dù sao đi nữa, dù sớm hay muộn, thần học không thể nào tránh né phải đương đầu với ba câu hỏi căn bản khi tham dự các cuộc đối thọai TG, đó là : a) Kitô giáo nghĩ gì về vị trí của mình giữa lòng lịch sử nhân lọai ? b) Kitô giáo nghĩ gì về vai trò của các TG trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa ? c) Sau đó, khi đối chiếu với từng tôn giáo cụ thể, người Kitô hữu phải đối chiếu so sánh những điểm tương đồng và khác biệt với tín ngưỡng của mình.

3/ Hiện nay, có 5 vấn đề sau đây được tranh luận trong lãnh vực thần học về tôn giáo, đó là : a) Giá trị cứu độ của các TG. b) Chân lý của các TG. c) Quan niệm về Thượng đế. d) Địa vị của Đức Kitô. d) Sứ mạng truyền giáo của Gíao hội. Trong mỗi vấn đề chúng ta thấy có nhiều chủ trương khác biệt và đôi khi đối nghịch nhau nữa.

a) Giá trị cứu độ của các TG. Chúng ta chấp nhận rằng các người ngoài Kitô giáo cũng được Thiên Chúa ban ơn cứu rỗi, qua những đường lối nhiệm mầu mà chỉ có Chúa biết. Tuy vậy, trên thực tế, các người ngoài Kitô giáo lại là tín đồ của các TG. Vì thế câu hỏi được nêu lên như sau : có thể nói là Thiên Chúa dùng các TG như là dụng cụ để ban ơn cứu độ cho các tín đồ của họ không ? Có thể coi các TG như là trung gian cứu độ cho các phần tử của mình hay không ? Có ý kiến trả lời là không; có ý kiến không muốn trả lời vì cho là vô nghĩa; có ý kiến trả lời rằng có. Đối với nhóm cuối cùng, người ta cũng thấy có nhiều khuynh hướng, tùy theo họ nhìn nhận vai trò trung gian của các TG một cách độc lập hay là tùy thuộc vào đức Kitô.

Nhiều nhà thần học công giáo nhìn nhận cho các TG vai trò trung gian theo nghĩa là các TG đào luyện cho các tín đồ cảm thức đạo đức, nhờ vậy họ dễ đón nhận ơn cứu độ của đức Kitô. Nhưng có những ý kiến đi xa hơn nữa, khi chủ trương Thiên Chúa sử dụng nhiều đường lối cứu độ song song, và vì thế có những TG được đặt làm trung gian biệt lập với con đường của đức Kitô.

b) Chân lý của các tôn giáo. Vấn đề cứu rỗi của các TG đã làm lu mờ đi các cuộc tranh luận về chân lý của các TG. Nhiều người không còn muốn đặt vấn đề chân thực hay là sai lầm trong các TG nữa. Theo họ, chân lý của một TG không thuộc lọai tri thức khách thể, và không thể khẳng định được đạo nào đúng, đạo nào sai. Chân lý của TG có tính cách hiện sinh : ai mà được cứu độ thì người đó ở trong chính đạo.

Nói khác đi, theo chủ trương của họ, tất cả các TG đều có thể đúng hết. Thọat tiên, xem ra chủ trương này sẽ khuyến khích sự bao dung. Tuy nhiên, nếu xét kỹ thì sẽ thấy những hệ luận rất nguy hiểm. Thực vậy, trên thực tế, các TG trình bày nhiều đường lối trái nghịch nhau. Nếu nói rằng tất cả các TG đều có thể đúng hết thì cũng như nói rằng tất cả các TG đều có thể sai hết ! Chắc chắn rằng Kitô giáo không thể nào chấp nhận kết luận như vậy được.

c) Quan niệm về Thượng đế. Có những quan điểm chủ trương rằng Thượng đế là Đấng Siêu việt, hòan tòan vượt xa khả năng diễn tả của ngôn ngữ lòai người. Mỗi TG chỉ có thể diễn đạt một góc cạnh của Mầu nhiệm vô biên, dựa theo cảm nghiệm của mình hoặc dựa theo truyền thống văn hóa mỗi nơi mỗi thời. Do đó, tuy rằng sự diễn tả các cảm nghiệm có khác biệt, nhưng tất cả đều đồng quy về một mối, tức là Mầu nhiệm của Siêu việt.

d) Địa vị của Đức Kitô. Những vấn đề vừa điểm qua đều có ảnh hưởng tới cuộc tranh luận về vai trò của Đức Kitô, Thiên Chúa nhập thể, đối với sự cứu độ nhân lọai. Đối lại với thần học cổ truyền nhìn nhận Đức Kitô là Đấng Cứu chuộc của toàn thể nhân lọai, vài tác giả cho rằng Đức Kitô chỉ có giá trị mẫu mực, được đặt lên như là gương mẫu của việc tuân phục Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, chứ không phải là trung gian duy nhất của ơn cứu độ nhân lọai. Thậm chí có ý kiến còn muốn phớt lờ Đức Kitô, bởi vì (theo họ) như vậy mới có thể đối thọai liên tôn được : không thể đặt một vị lãnh đạo tôn giáo này cao hơn vị khác ! Tất cả đều bình đẳng với nhau trước mặt Thiên Chúa. Giả như có muốn đả động tới đức Kitô, thì phải nhìn ngài như là Ngôi Lời, như là Đức Kitô muôn thuở, vượt xa đức Giêsu Nadarét.

e) Truyền giáo và đối thoại. Các cuộc tranh luận thần học về giá trị của các TG sớm muộn gì cũng đưa tới những hệ luận thực hành. Một cách cụ thể, phàm ai đã nhìn nhận các TG có giá trị trung gian cứu độ, thì tất nhiên không thể nói tới chuyện truyền giáo, khuyến khích các tín đồ của các TG hãy trở thành Kitô hữu làm chi. Đạo ai người ấy giữ : mỗi người hãy cố gắng sống trung thực với đạo của mình.

Đối lại, việc truyền giáo không đồng nghĩa với việc khích bác coi rẻ các TG khác. Cấn phải nhìn nhận tác động của Chúa Thánh thần trong lịch sử nhân lọai, gieo rắc vô vàn mầm mống Chân Thiện Mỹ. Việc truyền giáo nhằm giúp triển nở các mầm mống đó đến mức sung mãn.

Sau khi đã cho thấy những vấn đề khó khăn trong thần học về các TG, sang phần thứ hai, văn kiện gợi lên vài nguyên tắc căn bản để giải quyết.

B. PHẦN THỨ HAI : NHỮNG NGUYÊN TẮC CĂN BẢN

Bước sang phần thứ hai, văn kiện trình bày những suy tư chung quanh bốn điểm thần học căn bản, chi phối tòan thể cuộc tranh luận này. a) Ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. b) Vai trò trung gian duy nhất của Đức Kitô. c) Tác động phổ quát của Thánh thần. d) Chức vụ của Hội thánh làm nhiệm tích cứu độ.

a) Chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa

Tân ước cho ta biết rằng Thiên Chúa muốn cứu rỗi hết mọi người, không phân biệt màu da sắc tộc (1Tm 2,3-4). Chúng ta biết được kế họach của Thiên Chúa qua việc Ngài sai đức Giêsu đến với nhân lọai, đến nỗi đã trao nộp đức Giêsu cho sự chết, ngõ hầu nhân lọai được cứu rỗi (xc. Rm 5,8-11; 8,3-32; 2Cr 5,18-19). Kế hoạch đó đã được thành hình ngay từ trước khi tạo thành vũ trụ (xc. Ep 1,3-10). Nên lưu ý rằng tuy danh hiệu “Đấng Cứu độ” được Tân ước gắn với đức Giêsu (xc. Lc 2,11; Ga 4,42; Cv 5,31 vv), nhưng tiên vàn danh hiệu đó được dành cho Chúa Cha, nguồn sáng khởi của chương trình cứu độ (xc. 1Tm 1,1; 2,3; 4,10; Tt 1,3; 2,10; 3,4; Gđ 25).

Cựu ước đã hé mở vài viễn tượng về ơn cứu độ phổ quát, sẽ được kiện tòan với mạc khải trong đức Kitô.

– Ở đầu Kinh thánh, sách Sáng thế nói rằng hết mọi con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa (xc. St 1,26; 9,6). Xét vì trong Tân ước, hình ảnh Thiên Chúa là Đức Kitô (2Cr 4,4; Cl 1,15), nên nói được là hết mọi người đều được quy hướng về Đức Kitô.

– Giao ước với ông Noe bao gồm hết mọi sinh linh trên mặt đất (xc. St 9,9.12.17-18).

– Nơi ông Abraham, tất cả các dòng tộc nhân lọai đều được chúc phúc (St 12,3; xc 28,18).

– Trong những chương cuối của Isaia, chúng ta gặp thấy những đọan văn nói đến sự cứu rỗi muôn dân trong khuôn khổ của sự cứu rỗi dành cho dân Israel (xc. Is 42,1-4; 49,6-8; 66,18-21; xem thêm Tv 86; 47,10).

b) Vai trò trung gian duy nhất của Đức Giêsu

Chúng ta có thể ghi nhận nhiều cách thức diễn đạt khác nhau về đề tài này ở trong Tân ước và trong các văn kiện gần đây của Giáo hội.

Trong Tân ước. Tân ước đã cho chúng ta biết kế họach cứu rỗi phổ quát của Thiên Chúa qua việc sai đức Giêsu đến với nhân lọai. Vì thế không lạ gì mà ơn cứu rỗi được gắn liền với việc tin nhận Đức Kitô, thí dụ như đọan văn của Cv 4,12 : “Ngòai Đức Giêsu ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác được ban cho nhân lọai, để chúng ta phải nhờ danh đó mà được cứu độ”. Cách riêng đọan văn của 1Tm 2,5-6 đã gắn liền ý định cứu rỗi phổ quát của Thiên Chúa với vai trò trung gian duy nhất của đức Giêsu Kitô : “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và lòai người : đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người”. Nên lưu ý là tác giả nói đến con người Giêsu, tức là Con Thiên Chúa làm người.

Bên cạnh những đọan văn nói đến vai trò trung gian cứu độ của Đức Giêsu Kitô qua việc nhập thể, chịu chết trên thập giá, cũng như những đọan văn đòi hỏi con người phải bày tỏ lòng tin nơi đức Kitô để được cứu độ, chúng ta không nên bỏ qua những đọan văn nói đến tác dụng cứu độ của Ngài vượt lên trên tầm mức lịch sử cũng như tầm ý thức của con người.

– Trước hết, có những đọan văn nói đến tác động của Đức Kitô đối với tòan thể tạo vật ngay từ khi tạo thành vũ trụ, chẳng hạn : 1Cr 8,6; 1,3-10; Dt 1,2; Cl 1,15-20. Mọi sự đã được dựng nên trong Đức Kitô, nhờ Người và hướng tới Người.

– Thánh Phaolô đã đối chiếu đức Kitô với ông Ađam (xc 1Cr 15,20-22.44-49; Rm 5,12-21). Nếu ông Ađam đã gây ảnh hưởng tai hại cho tòan thể nhân lọai, thì đức Kitô đã gây tác dụng cứu độ cho hết mọi người. Cũng như mỗi người đều mang hình ảnh của ông Ađam thì mỗi người cũng mang hình ảnh của đức Kitô.

– Thánh Gioan nói tới ảnh hưởng của Ngôi Lời chiếu soi hết mọi người (Ga 1,9). Dựa theo vài nhà chú giải, ở đây thánh Gioan không những nói tới Ngôi Lời hằng hữu, nhưng còn bao hàm Ngôi Lời nhập thể, Đấng đã mang ánh sáng đến trần gian.

Cần phải lưu ý tới tòan thể tư tưởng của Tân ươc, không nên nhấn mạnh tới một khía cạnh này mà bỏ qua khía cạnh khác. Chúng ta không được phép chỉ chú trọng tới ý định cứu rỗi phổ quát của Thiên Chúa mà không đếm xỉa đến vai trò của Đức Kitô. Mặt khác, chúng ta cũng không được phép chỉ giới hạn ơn cứu rỗi vào những ai đã đích thị tuyên xưng danh Ngài. Ngòai ra, chúng ta cũng đừng nên quên thái độ của thánh Phaolô trong bài thuyết giảng ở thành phố Athènes (Cv 17,22-31). Tuy dù ca ngợi giá trị của các TG, thánh Phaolô đã không ngần ngại kêu gọi họ hãy đọan tuyệt với quá khứ để quay về với đức Kitô.

Trong các văn kiện gần đây của Giáo hội

Công đồng Vaticano II và các văn kiện tiếp theo đã lấy lại vài chủ đề của các giáo phụ để diễn tả vai trò trung gian phổ quát của đức Kitô. Có 3 tư tưởng nổi bật hơn cả, đó là : [i] Semina Verbi (Những hạt giống của Ngôi Lời); [ii] Ngôi Lời đã kết hợp với mỗi người; [iii] Đức Kitô là con người hòan hảo.

[i] Tư tưởng “Những hạt giống (mầm mống) của Ngôi Lời” bắt nguồn từ thánh Giustinô (tk.2). Đối lại với các tôn giáo đa thần của Hy lạp, thánh Giustinô nhận thấy triết học là một đồng minh của Kitô giáo, bởi vì triết học biết theo lý trí, chân lý. Tuy nhiên, chỉ nơi đức Kitô ta mới tìm thấy chân lý tòan vẹn. Dù sao, Thiên Chúa đã ban cho hết mọi người được thông dự vào chân lý. Đức Kitô, Ngôi Lời và chân lý tòan vẹn, đã gieo những mầm chân lý vào lòng con người. Tư tưởng tương tự như vậy cũng gặp thấy nơi ông Clementê Alexanđria và thánh Irênêo. Chúng ta gặp thấy tư tưởng này nơi nhiều bản văn của Công đồng Vaticanô II, chẳng hạn : AG 11.15; LG 16-17; NA 2.

[ii] Đức Kitô đã kết hợp với mỗi người. Tư tưởng này được công đồng Vaticano II phát biểu ở Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” số 22. Nó bắt nguồn từ thời các giáo phụ khi chú giải dụ ngôn về vị mục tử nhân lành : Đức Kitô đến để tìm kiếm chúng ta là những con chiên lạc (Grêgôriô Nisa, Irênêo, Hilariô). Nhất là khi chú giải đọan văn Ga 1,14 “Ngôi Lời làm người và trọ ở giữa chúng ta”, vài giáo phụ đã nói rằng Ngôi Lời đến ngự ở trong lòng của ta, nơi thâm tâm của mỗi người. Ngôi Lời ở trong ta và ta ở trong Ngài (thí dụ : Hilariô, Atanaxiô, Xirillô Alexanđria).

[iii] Đức Kitô là con người hòan hảo. Tư tưởng này được hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” nói nhiều lần (số 22; 38; 41; 45). Nó dựa trên tư tưởng Tân ước nói về Đức Kitô là hình ảnh Thiên Chúa và Ađam mới. Vài giáo phụ (như Tertullianô, Irênêô) nói rằng khi Thiên Chúa nặn ra ông Ađam từ bùn đất thì đã nghĩ tới Đức Kitô sẽ nhập thể rồi. Nói khác đi, mỗi con người đều mang hình ảnh của đức Kitô trong mình, và hướng tới việc kết hợp với Ngài.

Qua những điều vừa nói trên đây, chúng ta tạm kết luận như sau :

+ Kitô giáo có chiều kích phổ quát. Đây không phải là tham vọng bá chủ, nhưng là một sứ điệp mà Giáo hội muốn thông đạt cho nhân lọai, đó là : Thiên Chúa muốn cho hết mọi người được cứu rỗi.

+ Chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa được mạc khải nhờ đức Kitô. Con người được cứu rỗi nhờ việc tin nhận đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, ta không nên coi nhẹ những đọan văn của Tân ước nói đến tác động phổ quát của đức Kitô : Ngài đến trần gian để soi sáng cho hết mọi người. Nhiều giáo phụ đã lưu ý đến sự hiện diện của Ngài ngay từ buổi tạo dựng, qua những tư tưởng “mầm mống của Ngôi Lời”, “Đức Kitô Ađam mới”. Dù sao, nhờ cuộc Nhập thể, Tử nạn và Phục sinh mà Đức Kitô bày tỏ sự hiện diện với con người cách gần gũi hơn.

+ Thật khó mà xác định mối liên hệ giữa đức Kitô với những người không hề biết tới Ngài, mặc dù Ngài vẫn tác động nơi họ. Dù sao, Tân ước chỉ cho ta biết một kế hoạch duy nhất của Thiên Chúa dành cho hết mọi người : một kế hoạch được thực hiện qua trung gian của Đức Kitô. Vì thế không thể nào chấp nhận có nhiều kế họach cứu rỗi song song, biệt lập với đức Kitô; không thể nào chấp nhận những trung gian hòan tòan tách biệt khỏi đức Kitô.

c) Tác động phổ quát của Chúa Thánh Thần

Kinh thánh nói đến tác động phổ quát của Thánh Linh : Thánh linh tác động trong vạn vật và dĩ nhiên là trong tất cả mọi sinh linh. Nhưng ta không nên tách rời tác động của Thánh linh khỏi tác động của đức Kitô.

Cựu ước đã cho thấy Thánh linh hiện diện trong vũ trụ ngay từ khi tạo dựng (St 1,2; Kn 1,7), cách riêng đã ngự trong thần khí của mỗi người, khiến cho con người trở nên bạn hữu với Thiên Chúa (xc. Tv 104,29-30; Giób 34,14-15; Gv 12,7). Đồng thời, chúng ta cũng biết rằng con người bị thần khí tối tăm xúi giục lìa xa Thiên Chúa (xc St 3,4-5). Tội lỗi là chính sự cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa. Mặc dù vậy, Thiên Chúa không ngừng tìm kiếm con người, qua những giao ước khác nhau, với ông Noe (xc St 7,1tt), với ông Abraham và Moisen, và đặc biệt là qua Giao ước mới ở nơi Con của Ngài, nhập thể do quyền năng của Thánh linh. Giao ước mới là giao ươc của Thánh linh (2Cr 3,6). Tân ước xem ra muốn trình bày chiều kích phổ quát của giao ươc mới khi so sánh lễ Hiện xuống với hiện tượng tháp Babel (Cv 2,1-11; St 11,4). Ở tháp Babel, lòai người bị phân tán chia rẽ vì bất đồng ngôn ngữ; nhưng nay Thánh linh đã giúp cho con người tìm được sự hợp nhất của đức tin, bất chấp sự khác biệt ngôn ngữ.

Tác động của Thánh linh gắn liền với tác động của đức Giêsu. Chính Thánh linh đã tác động trên đức Giêsu khi thánh hiến và sai Người đi giải thóat chữa lành các nạn nhân của tội lỗi và ma qủy (Lc 4,16; Cv 10,,38). Nhờ quyền năng Thánh linh mà Đức Kitô tự hiến mình cho Thiên Chúa Cha, thiết lập giao ước mới, mang giá trị phổ quát. Giao ước mới của Thánh linh là chính giao ước của đức Kitô. Nhờ Thánh linh mà hết mọi người có thể lãnh nhận công hiệu cứu độ của đức Kitô (Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” số 22).

Mặt khác, Tân ước cũng cho thấy rằng chính Đức Kitô Phục sinh đã ban Thánh linh cho nhân lọai (Cv 2,32; Ga 14,15.26; 16,7; 20,22). Chúng ta lãnh nhận được Thánh linh của Đức Kitô (xc Rm 8,9; Gl 4,6; Pl 1,19; Cv 16,7). Do đó không thể nào quan niệm tác động phổ quát của Thánh linh tách rời khỏi Đức Kitô. Thánh linh đưa con người đến cùng đức Kitô, tác tạo con người nên giống hình ảnh của Thiên Chúa dựa theo khuôn mẫu của đức Kitô, và cho con người được thông dự vào điều kiện của Đức Kitô làm Con Thiên Chúa.

Thánh linh tác động trong thâm tâm cõi lòng của mỗi người, và nới rộng đến các định chế xã hội nữa, cách riêng là trong Hội thánh. Điều này đã được thánh Irênêo phát biểu như sau : “Đâu có Thánh linh của Đức Kitô thì đấy có Hội thánh; ở đâu có Hội thánh, ở đấy có Thánh linh và ân sủng” (Adversus haereses III,24,1). Do đó, Thánh linh khi dẫn đưa con người đến cùng Thiên Chúa nhờ đức Kitô, thì cũng kết nạp họ vào một cộng đòan Dân Thiên Chúa, tức là Hội thánh. Nhưng phải hiểu Hội thánh như thế nào ? Đó là nguyên tắc thứ bốn mà văn kiện muốn trình bày.

d) Hội thánh, nhiệm tích cứu độ

Thần học về các tôn giáo không thể nào tránh né vấn đề sứ mạng cuả Hội thánh trong lịch sử cứu rỗi. Ở đây chúng ta không xét đến câu hỏi : những ai không phải là phần tử của Giáo hội công giáo hữu hình có thể được cứu rỗi hay không ? Câu trả lời chắc chắn là có thể được, như công đồng Vaticano II đã khẳng định. Vấn đề được nêu lên trong các cuộc đối thọai liên tôn là : phải hiểu thế nào về vị trí của Hội thánh trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa ? Hội thánh có cần thiết hay không ?

Câu hỏi về sự cần thiết của Hội thánh có thể hiểu theo hai nghĩa : [i] Sự cần thiết phải gia nhập Hội thánh để được cứu rỗi. [ii] Sự cần thiết của Hội thánh để phụng sự kế họach cứu rỗi.

[i] Sự cần thiết gia nhập Hội thánh để được cứu rỗi. Trong quá khứ, có người đã giải thích câu nói “ngòai Hội thánh không thể nào được cứu rỗi” (Éxtra Ecclesiam nulla salus) theo một nghĩa chật hẹp, ra như muốn khóa cửa phần rỗi cho hết những người không thuộc về Giáo hội Công giáo. Trong lá thư đề ngày 8/8/1949 gửi cho đức Tổng giám mục Boston, Bộ Thánh vụ (tên cũ của Bộ Giáo lý đức tin) đã giải thích ý nghĩa của sự cần thiết phải gia nhập về Hội thánh. Cần phải phân biệt sự cần thiết phải gia nhập Hội thánh để được cứu rỗi (necessitas praecepti) và sự cần thiết của những phương tiện tất yếu (necessitas intrinseca) để được cứu rỗi. Những phương tiện tất yếu để được cứu rỗi là đức tin và bác ái (dựa theo thư gửi Do thái 11,6). Điều này không thể nào thiếu được. Còn việc gia nhập Hội thánh là điều không bó buộc trong hòan cảnh không biết bất khả kháng : trong trường hợp này thì chỉ cần lòng ao ước ám tàng là đủ, và lòng ao ước đó đã được bao gồm trong ý định chân tình sẵn sàng thuận tuân theo ý Chúa.

Công đồng Vaticano II đã trả lại ý nghĩa nguyên tuyền cho câu nói “ngoài Hội thánh không thể được cứu rỗi”, nghĩa là nó chỉ áp dụng cho những ai đã trở thành phần tử của Giáo hội công giáo rồi, đã biết sự cần thiết của Hội thánh mà không bền đỗ ở lại trong Hội thánh. Sự cần thiết làm phần tử Hội thánh dựa trên sự cần thiết của đức tin và phép rửa. (Hiến chế về Hội thánh, số 14). Tiếp theo đó, ở số 16, công đồng nói rằng các người ngòai Kitô giáo thì được quy hướng đến Dân Thiên Chúa. Dựa trên ý định của Thiên Chúa muốn cho hết mọi người được cứu rỗi và quy tụ họ thành một đòan ngũ, công đồng muốn nói rằng tất cả mọi người được mời gọi vào Hội thánh. Ở đây cần phải hình dung Hội thánh như là Thân thể của Đức Kitô, nghĩa là tất cả những ai được kết nạp vào mầu nhiệm Vượt qua của đức Kitô, theo kiểu nói của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 22. Hội thánh và đức Kitô gắn liền với nhau. Hội thánh là một thực thể mầu nhiệm, một sự thông hiệp thiêng liêng bao gồm hết mọi người công chính từ ông Abel. Cũng nên nói thêm là trong Hiến chế về Hội thánh số 16, công đồng đã nói đến các người ngòai Kitô giáo không phải chỉ như là những cá thể riêng rẽ nhưng xét như là thành phần của các tôn giáo : Do thái giáo, Hồi giáo và các tôn giáo nhất thần, các tôn giáo khác.

[ii] Sự cần thiết của Hội thánh để phụng sự kế hoạch cứu rỗi. Xưa nay, mỗi khi nói đến sự cần thiết của Hội thánh, thần học thường chỉ chú trọng tới khía cạnh cần phải gia nhập Hội thánh để được cứu rỗi. Gần đây, người ta nêu bật thêm khía cạnh thứ hai của sự cần thiết của Hội thánh, đó là : Thiên Chúa đã muốn dùng Hội thánh như nhiệm tích cứu rỗi. Thực vậy, trong kế họach cứu rỗi, Thiên Chúa đã muốn đặt Hội thánh như dấu hiệu và công cụ để thực hiện ơn cứu rỗi. Hội thánh chu tòan sứ mạng của mình qua chứng tá của việc rao giảng, thánh hóa và bác ái (martyria, leiturgia, diakonia).

+ Qua việc rao giảng, Hội thánh công bố cho nhân lọai biết hồng ân cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho nhân lọai qua đức Kitô, hồng ân mà họ đã hưởng tuy không biết. Hội thánh mang sứ mạng truyền giáo : sau khi đã nhận biết và đón nhận ơn cứu độ rồi, các tín hữu được mời gọi cộng tác trong việc xây dựng Nước Thiên Chúa, phát triển các tiềm năng nhân bản là hiểu biết chân lý và thương yêu tha nhân.

+ Qua việc cử hành phụng vụ, Hội thánh thay mặt cho nhân lọai thực hiện chức vụ tư tế, để dâng lời chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa, và đồng thời chuyển thông cho nhân lọai công hiệu của ơn hòa giải mà đức Kitô đã hòan tất trên thập giá.

+ Qua công tác phục vụ bác ái, Hội thánh làm chứng tá cho tình thương mà Thiên Chúa dành cho nhân lọai, và chứng tá cho sự thành hình Vương quốc công lý, yêu thương và hòa bình của Ngài.

Trong việc phụng sự chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, Hội thánh cũng có sứ mạng thu thập tất cả những gì thiện hảo đã được gieo vào tâm trí con người và trong các lễ nghi và văn hóa của các dân tộc, ngõ hầu thanh luyện, nâng cao và kiện tòan chúng (Hiến chế về Hội thánh, số 17). Thực vậy, tác động của Thánh thần đã đi trước hoạt động truyền giáo của Hội thánh. Có thể nhìn nhận tác động ấy nơi tâm tình đạo giáo được gợi lên nơi các cá nhân hay các đòan thể. Thánh thần chuẩn bị, hướng dẫn họat động của Hội thánh, liên kết hết mọi người với mầu nhiệm Vượt qua của đức Kitô. Thánh thần dun dủi Hội thánh đến loan báo Tin mừng trên mảnh đất của những tâm hồn đã được Ngài chuẩn bị. Vì thế mà Hội thánh cần biết quý trọng tiếp thu những gì chân thật và tốt lành mà Thánh thần đã gieo, nhờ vậy mà Hội thánh sẽ trở thành đích thực công giáo (catholica : tòan diện, phổ cập), bởi vì thu gom hết tất cả các tinh hoa của các dân tộc.

Để kết luận về vai trò của Hội thánh trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, văn kiện trích dẫn đoạn văn của công đồng Vaticano II ( Hiến chế về Hội thánh số 4) viết như sau : “Dân thiên sai, tuy dù hiện thời chưa kết nạp hết mọi dân tộc và đôi khi còn xem ra như là đàn chiên bé nhỏ, nhưng đã trở thành cho tòan thể nhân lọai mầm mống vững chắc của sự hợp nhất, của mối hy vọng và của ơn cứu độ. Được Chúa Kitô thiết lập như là một mối thông hiệp của sự sống, bác ái và chân lý, Hội thánh đã được chính Ngài kết nạp làm dụng cụ cứu chuộc cho hết mọi người và được sai đến với hết thế giới như ánh sáng soi trần gian và muối cho đất”.

C. PHẦN THỨ BA. VÀI HỆ LUẬN

Trong phần thứ ba, văn kiện gợi lên vài giải đáp cho những vấn đề nêu lên trong phần thứ nhất, qua việc áp dụng các nguyên tắc nói trong phần thứ hai. Có 4 vấn đề chính sau đây : a) Giá trị cứu độ của các tôn giáo; – b) Vấn đề mạc khải; – c) Vấn đề chân lý; – d) Đối thọai liên tôn và mầu nhiệm cứu độ.

a) Giá trị cứu độ của các tôn giáo.

Công đồng Vaticano II đã nhìn nhận rằng các tôn giáo (=TG) chứa đựng những tia sáng của chân lý soi sáng hết mọi người (xc. Tuyên ngôn về các tôn giáo số 2), các hạt giống của Ngôi Lời (xc. Sắc lệnh về truyền giáo số 11). Tiếp tục đi sâu vào giáo huấn của công đồng, thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu chuộc đã nói đến tác động phổ quát của Thánh Linh trong các nền văn hóa và các tôn giáo (số 28-29; 55-56). Dĩ nhiên không thể nào tách rời tác động phổ quát của Thánh Linh trong các TG ra khỏi tác động của Ngài trong Hội thánh, cũng như không thể nói tới tác động của Thánh Linh hòan tòan biệt lập với Đức Kitô. Cần phải coi tác động phổ quát của Thánh Linh một đàng như là chuẩn bị cho công cuộc truyền giáo của Hội thánh
(số 21-27) và đàng khác như là giúp cho con người được thông dự vào công hiệu cứu chuộc của Đức Kitô.

Chính nhờ sự hiện diện của Thánh linh tác động trong các TG mà ta có thể nói đến giá trị cứu độ của các TG. Tuy nhiên sự khẳng định về giá trị cứu độ của các TG cần được bổ túc với hai nhận xét sau đây : [i] Tác động phổ quát của Thánh linh không phải chỉ giới hạn vào các TG mà còn bao hàm các nền văn hóa và lịch sử của các dân tộc. [ii] Không phải hết mọi yếu tố của các TG đều mang giá trị cứu độ, nhưng chỉ trong tầm mức mà các TG hướng con người đến Đấng Siêu việt (đi tìm Chân Thiện), và trong tầm mức mà các TG giúp cho con người thực hiện tình yêu thương bác ái. Dù sao, không thể xếp giá trị cứu độ của các TG ngang hàng với giá trị cứu độ của Hội thánh đức Kitô, nơi mà Thánh linh tác động cách sung mãn.

b) Mạc khải

Quan niệm mạc khải của thần học không hòan tòan giống như quan niệm trong khoa lịch sử các TG. Lịch sử TG hiểu mạc khải như là việc Thiên Chúa xuất hiện tỏ mình. Hiểu theo nghĩa này, thì ta phải nhìn nhận rằng các TG khác cũng nhận được mạc khải của Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa tỏ mình ra qua các công trình tạo dựng (xc. Kn 13,5; Rm 1,19-20), qua tiếng nói của lương tâm (xc. Rm 2,14-15) và còn qua những cách thức khác nữa. Nhưng thần học thì hiểu việc mạc khải theo ý nghĩa sâu đậm hơn, đó là Thiên Chúa thông ban mình cho nhân lọai. Sự thông ban sung mãn này diễn ra nơi Đức Giêsu Kitô. Đức Kitô là Lời của Thiên Chúa : Ngài thông ban cho chúng ta đời sống nội tại của Ba ngôi; đồng thời Ngài tỏ bày cho chúng ta tấm gương vâng phục ý Cha. Chứng tích của sự mạc khải của Đức Kitô được lưu lại trong Hội thánh nhờ chứng tá sống động, và nhờ Kinh thánh được viết lên do linh ứng của Thánh Thần. Cần phải ghi nhận sự khác biệt này khi bàn về mạc khải trong các TG.

c) Chân lý

Muốn cho cuộc đối thọai được chân tình, thái độ căn bản cần có là không bên nào khư khư coi mình đã nắm chắc chân lý. Liệu người Kitô hữu có thể đối thọai với các tôn giáo khác một cách nghiêm chỉnh hay không, khi họ xác tín rằng đức Kitô là Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa với lòai người, là Đấng Cứu chuộc của tòan thể nhân lọai ? Phải chăng nếu muốn đối thọai nghiêm chỉnh thì cần phải khước từ đức tin của mình ?

Không phải vậy ! Những nguyên tắc căn bản nói ở trong phần thứ hai của văn kiện giúp cho người tín hữu có thể đối thọai nghiêm chỉnh, mà không rơi vào tư thế trịch thượng cũng chẳng phải khước từ niềm xác tín của mình (chẳng hạn khi nhìn nhận sự hiện diện của Thánh thần, của chân lý trong các TG).

Tiên vàn, nên biết rằng để cuộc đối thọai được hữu ích, mỗi bên cần phải chân thành bày tỏ quan điểm của mình. Đành rằng cuộc đối thọai không thể tiến hành được nếu một bên đã tự mãn coi mình đã nắm chắc chân lý; nhưng đối lại, cuộc đối thọai cũng sẽ trở thành vô ích nếu mỗi bên không có gì để trao đổi với nhau, hoặc nghĩ rằng con người sẽ không bao giờ tìm được chân lý.

Như vậy để cho cuộc đối thọai được hữu hiệu, cần có can đảm nhìn nhận những điểm đồng quy và những điểm khác biệt, như công đồng Vaticano II đã cho thấy ở Tuyên ngôn về các TG. Công đồng nhận thấy nhiều điểm tương đồng giữa các TG, chẳng hạn như nỗ lực tìm cách vượt qua các khắc khỏai của tâm hồn khi đối diện với những vấn đề sinh tử (số 2); đồng thời công đồng cho thấy rằng mỗi TG trình bày giải pháp khác nhau : Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo vv. Công đồng muốn đối thọai với các TG bởi vì nhìn nhận rằng tất cả nhân lọai họp thành một gia đình, bắt nguồn từ một nguồn gốc chung. Công đồng nhìn nhận rằng các TG chứa đựng các yếu tố chân thực và thánh thiện, nhưng không ngần ngại tuyên bố rằng Đức Kitô là Đường, Chân lý, Sự sống (số 2).

Do đó, trong cuộc đối thọai, không nên tránh né các sự khác biệt. Sau khi đã nhìn nhận sự khác biệt, đôi bên sẽ tìm hiểu nguồn gốc của sự khác biệt, lắm lần tùy thuộc vào cách thức diễn tả của nền văn hóa. Sự đối thọai muốn tiến đến chỗ gặp gỡ đồng quy, vượt lên trên những sự khác biệt. Dù sao, người Kitô hữu cần ý thức về chân lý của đức tin của mình. Đây không phải là một thứ chân lý thuộc lọai siêu hình. Chân lý của niềm tin Kitô giáo nằm ở chỗ Thiên Chúa đã thông ban cho nhân lọai nơi Đức Kitô. Nhờ Đức Kitô, con người không những biết được kế họach của Thiên Chúa mà còn nhận được khả năng để tiến đến sự thông hiệp với Thiên Chúa. Chính nhờ đức Kitô mà chúng ta biết rõ phẩm giá của con người cũng như biết đánh giá tác động của Chân lý và Thánh linh hiện diện nơi các TG khác.

d) Đối thọai liên tôn và mầu nhiệm cứu độ

Từ công đồng Vaticano II đến nay, Giáo hội công giáo đã dấn thân vào các cuộc đối thọai liên tôn. Những văn kiện của Tòa thánh đã cho thấy nhiều dạng thức của cuộc đối thọai : có khi là giữa các chuyên viên, có khi là giữa các tín đồ trong cuộc giao tiếp hằng ngày. Cuộc đối thọai liên tôn mang một sắc thái độc đáo, đó là diễn ra trong bầu khí đạo giáo, dưới sự hiện diện của Thiên Chúa, và bàn đến những đề tài liên quan đến Thiên Chúa và con người. Các Kitô hữu nên ghi nhận vài điểm sau đây trong khi đối thọai :

[i] Quan điểm về Thiên Chúa. Cần phải biết rõ người đối diện quan niệm thế nào về Thiên Chúa (Thượng đế, Đấng Siêu việt, Thực thể Tuyệt đối) ? Những quan niệm này chịu ảnh hưởng rất nhiều của văn hóa, đến độ con người quen hình dung Thiên Chúa theo hình ảnh và tâm thức của mình. Thực thể đó có ảnh hưởng gì tới lịch sử nhân lọai hay không ?

[ii] Quan điểm về con người. Các cuộc đối thọai liên tôn cho thấy rằng các TG khác biệt quan điểm không những về các thực thể siêu việt mà cả trong quan điểm về con người nữa. Cho dù có những dị biệt trong quan niệm về cơ cấu và định mạng con người giữa Kitô giáo và các TG khác, nhưng khi đi vào cuộc đối thọai, người Kitô hữu cần phải nhìn tha nhân như là hình ảnh của Thiên Chúa. Niềm thâm tín này mang theo nhiều hệ luận thực tiễn : ta phải tỏ lòng kính trọng nhân vị của người đối diện, nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa ở nơi họ, và đang mời gọi họ đến gặp gỡ Ngài. Nói khác đi, người Kitô hữu bước vào cuộc đối thọai trong tâm tình cầu nguyện, ngoan ngõan để cho Thánh thần dẫn dắt.

Mặt khác, người Kitô hữu cũng ở trong tư thế bình đẳng với các tín đồ của các tôn giáo khác khi đương đầu với những vấn đề nhân sinh : gia đình, giáo dục, kinh tế, vv Đó là những điểm gặp gỡ và hợp tác với nhau, cũng như là điểm để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhất là con người, bất luận thuộc tôn giáo hay ý thức hệ nào đi nữa, sơm muộn đều phải đương đầu với cái chết. Các TG tìm cách trả lời cho những khắc khỏai của con người khi đối diện với cái chết, những băn khoăn liên hệ tới định mạng của mình. Mặc dù người Kitô hữu đã học biết được đạo lý đức tin về ý nghĩa sự chết, nhưng họ cũng không tránh khỏi những thử thách khi phải đối diện với cái chết trên thực tế, chẳng hạn cái chết của người vô tội, cái chết oan ức của người bị áp bức. Người Kitô hữu cũng cảm nghiệm cảnh cô đơn lẻ loi của đức Kitô trên thập giá. Tuy nhiên, chính đây là chìa khóa mà người Kitô hữu mang đến cho các cuộc đối thọai liên tôn, đó là niềm tin vào sự phục sinh sau cái chết trên thập giá. Đức Kitô đã thắng cái chết bằng cái chết của mình.

Người Kitô hữu đi vào cuộc đối thọai liên tôn với một tâm tình yêu thương giống như tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân lọai. Theo gương của đức Kitô, người tín hữu sống hòa mình giữa đồng lọai, bày tỏ cho họ thấy tình thương của Thiên Chúa qua các việc làm cụ thể. Người tín hữu học hỏi sự khiêm tốn dịu hiền của Đức Kitô, để cho quyền năng của Thánh Thần dìu dắt. Là phần tử của Hội thánh, các Kitô hữu chỉ đóng vai trò dấu chỉ và dụng cụ : chính Thiên Chúa mới là nguyên ủy và chủ động của ơn cứu độ.

——————

Lưu ý. Những văn kiện trên đây đã cho chúng ta biết quan điểm của Giáo hội về các tôn giáo. Tuyên ngôn Dominus Iesus do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành ngày 6/8/2000 chỉ lặp lại các điểm đó (xem các trưng dẫn ở cuối các chương).

Nguồn tin: catechesis.net