Tân Phúc Âm Hóa: Trả Lời Cho Thách Đố Về Việc Hình Dung Lại Căn Tính Thừa Sai Hôm Nay

Thu,24/10/2019
Lượt xem: 1993

TÂN PHÚC ÂM HÓA: TRẢ LỜI CHO THÁCH ĐỐ
VỀ VIỆC HÌNH DUNG LẠI CĂN TÍNH THỪA SAI HÔM NAY

Lm. Fr. Edgar Javier, SVD

 ————————

DÀN BÀI

Giới thiệu

Thế giới mới của sự nối kết lẫn nhau

Sứ mạng làm chứng cho thế giới mới

Hình dung lại nhà thừa sai trong thế giới mới

Kết luận

———————————-

Giới thiệu

Trong những thập niên vừa qua, sự phát triển kịch tính nhất nhưng cũng đầy thách đố, đó là hiện tượng toàn cầu hóa. Ngày nay thế giới được kinh nghiệm như là một ngôi làng trái đất hay một xã hội hành tinh, như cách gọi của một số người. Đằng sau hiện tượng đầy thách đố này là sự tiến bộ và những phát triển của khoa học và kỹ thuật trong các lãnh vực thông tin, truyền thông và phương tiện giao thông. Kết quả là những khoảng cách, thời gian, và ý thức của con người được nén lại và được số hóa. Các dân tộc trên thế giới được nối kết với nhau. Sống trong thế giới này giờ đây giống như là đang sống trong một ngôi làng trái đất. Và, quan trọng hơn, đa số dân làng này là những con người thuộc thế hệ ‘e’ (điện tử).

Hiện tượng di dân trong nước (ad intra) và ra nước ngoài (ad extra) là một “vẻ mặt” hay một sự diễn tả khác của toàn cầu hóa. Điều này không mới. Tuy nhiên, bản chất toàn cầu của di dân là cái làm cho nó có nét nổi bật riêng và bất ngờ. Ngày càng có thêm những người bị buộc phải di cư. Con số di dân đang tăng vọt. Vì thế, các xã hội ngày nay đang trở nên ngày càng có tính quốc tế, đa văn hóa và đa tôn giáo hơn. Người ta từ những quốc tịch, văn hóa và những bối cảnh tôn giáo rất khác nhau đang tiếp xúc với nhau gần gũi hơn. Do hoàn cảnh bắt buộc, họ sống bên nhau và với nhau. Hiện sinh đã trở thành liên-hiện-sinh. Đã qua rồi cái thời mà người ta được đóng kín nơi nguyên quán của mình. Hiện sinh hôm nay được hình thành bởi tính đa văn hóa và tính liên tôn giáo.

Thế giới mới của sự nối kết lẫn nhau

Trong ngôi làng trái đất, người ta không còn sống cô lập nữa. Đúng hơn, họ ngày càng tham dự vào một “định mệnh chung”[1] trong cái gọi là “trật tự thế giới mới”[2] Vì thế giới đang được đan kết thành một trật tự thế giới mới, sự toàn cầu hóa của “các thế-giới-sống” có tác động lớn lao trên đời sống của nhiều người trong mọi khía cạnh của nó. Không chỉ đang chứng kiến “sự tận cùng của lịch sử”[3] và sự trỗi dậy của một kiểu “dân chủ tự do thế tục” tràn lan,”[4] ngôi làng trái đất cũng đang chứng kiến một cuộc “Chiến Tranh Lạnh mới” giữa phương Tây thế tục và những chủ nghĩa dân tộc mang tính tôn giáo mới,[5] giữa hệ thống quốc tế cũ và hệ thống quốc tế mới mang tính toàn cầu hóa.[6] Thế giới hiện nay cũng đang chứng kiến điều này: “hiện tượng toàn cầu hóa của thế giới đang chuyển tất cả bạn và thù thành những đối thủ cạnh tranh. Người ta từ các vùng quê và các lối sống nông thôn đang đổ xô về các khu vực và các lối sống thành thị. Thời trang toàn cầu, thực phẩm, việc mua bán và giải trí đang đan kết người ta lại với nhau.”[7]

Thế giới mới là một thế giới của những tương tác. Nó cũng là “nơi mà các đường ranh quốc gia không còn giới hạn ý thức con người nữa; một thế giới trong đó những thăng tiến tuyệt vời trong nhân phẩm con người tương tác với những xâm phạm trắng trợn các quyền của con người; một thế giới mà những đấu tranh đầy nỗ lực dường như chỉ là chút muối bỏ vào đại dương của sự bất bình đẳng và nghèo đói đầy trêu ngươi; một thế giới mà các cố gắng phi thường tìm kiếm hòa bình vẫn không chấm dứt được bạo lực, khủng bố và chiến tranh; một thế giới trong đó ý thức về môi sinh ngày càng tăng lại cùng tồn tại với sự diệt chủng các giống loài và chính thế giới tự nhiên đang bị đe dọa.”[8] Thật vậy, có quá nhiều vấn đề vượt quá khả năng hình dung của mình mà chúng ta phải dấn thân vào và quan tâm. Thế giới không còn đơn giản như nó trước đây nữa.

Trong thế giới mới, khoa học và công nghệ đang tiến triển vượt bậc. Chưa bao giờ nhân loại đạt được nhiều tiến bộ trong những lãnh vực này như thế. Rõ ràng chúng đang không ngừng “diễn dịch lại và tạo dựng lại thế giới của chúng ta.”[9] Chúng đang định hình và đang chi phối loài người và trái đất. Hans Küng nhắc đến những thành tựu to lớn của con người. Nhưng ông lập tức thêm rằng những thành tựu ấy quả thực “không phải bao giờ cũng tốt.”[10] Theo ông, chúng ta ngày nay có “khoa học, nhưng không có sự khôn ngoan để phòng tránh sự lạm dụng việc nghiên cứu khoa học.” Chúng ta có “công nghệ, nhưng không có năng lực tâm linh để có thể kiểm soát những nguy hiểm khôn lường của một nền công nghệ vĩ mô quá thiên về hiệu suất.” Chúng ta có “công nghiệp, nhưng không có sinh thái học, và điều này có thể chống lại nền kinh tế đang không ngừng phình ra.” Chúng ta có “dân chủ, nhưng không có đạo đức để có thể chống lại (việc theo đuổi) những lợi lộc to lớn của các cá nhân và các nhóm cầm quyền.”[11]

Từ hệ quả của những thành tựu ấy của con người, chúng ta có thể nói rằng “đây là lần đầu tiên trong lịch sử lâu dài của nhân loại, sự tinh xảo về khoa học và công nghệ của con người đã đạt đến mức mà chính tương lai của loài người và của ngôi làng hành tinh, tức trái đất này, đang nằm trong tay của chúng ta. Hoặc chúng ta có được sự khôn ngoan để điều tiết những tiến trình đang diễn ra, hoặc là chúng ta sẽ tiêu vong.”[12] Dù muốn hay không, con người của thiên niên kỷ thứ ba sẽ gặp ngày càng nhiều khó khăn hơn trong việc xử lý những hệ quả tệ hại của khoa học và công nghệ. Vì thế, chúng ta phải tự hỏi phải chăng khoa học và công nghệ đang vuột ra ngoài tầm kiểm soát của mình. Chúng ta có một nhận thức thần học về khoa học và một phân tích thần học về công nghệ hay không? Câu hỏi này cần được đặt ra trong tâm trí chúng ta. Hans Küng nhìn nhận rằng “phương Tây đã phát triển dựa trên cơ sở một loại tin tưởng mới vào lý trí và một ý thức về tự do.” Tuy nhiên, phải chăng nối theo sau sự nhìn nhận này là những câu hỏi định hướng tâm linh, như: “Mọi sự sẽ luôn diễn tiến như thế này? Phát triển không giới hạn? Tiến bộ không cùng?”[13]

Lý tính lên ngôi trong khi đức tin và tôn giáo bị lật đổ. Lý tính và sức mạnh của nó được đặt ở trung tâm trong khi đức tin và tôn giáo bị hất ra ngoài rìa. Tôn giáo và đức tin đã trở thành “những món đồ” để sắm, nhưng chỉ khi nào cần. Và vì thế chúng ta hỏi: Điều gì đang diễn ra trong thế giới? Điều gì đang xảy ra cho thế giới chúng ta? Thế giới chúng ta đang đi về đâu? Chẳng hạn, hãy xem bức tranh về tình trạng hiện nay được trình bày cho chúng ta: “Xã hội hiện nay của chúng ta, với sự tập trung vào tiến bộ, sẽ thủ tiêu chính nó. Tà thần sừng sững và không tên tuổi của các ý thức hệ hiện đại có các điều răn nghiêm ngặt của nó: ‘Ngươi phải làm ngày càng nhiều hơn, ngày càng tốt hơn, và ngày càng nhanh hơn.’ Những điều răn này dẫn nhiều người tới những hệ quả phi nhân vốn thường được các nhà khoa học lấp liếm giải thích rằng đó là những “hiệu ứng phụ” của sự tiến bộ khoa học, hoặc được các nhà kinh tế biện minh rằng đó là những “ảnh hưởng mặt ngoài” của sự phát triển kinh tế.”[14]

Tất cả những hiệu ứng phụ ấy đều là thực tế. Chúng không chỉ đi vào trong ngôn ngữ của các nhà thần học, các chính khách và các nhà kinh tế, mà chúng còn đi vào trong đời sống của nhiều người trên thế giới. Thật vậy, các hiệu ứng phụ là có thật; không được gán chúng cho thế giới thần thoại. Người ta kinh nghiệm chúng hằng ngày, từ năm này qua năm khác. Tuy nhiên, điều đáng buồn là: các “hiệu ứng phụ” ấy bị gạt qua một bên bởi những người đưa ra các quyết định hay hoạch định các chính sách, trong khi chúng được kinh nghiệm rõ rệt trong đời sống của những người ở bên lề, ở bờ rìa hay những vùng ngoại biên của xã hội. Dường như những hiệu ứng phụ này không liên quan đến những ai ở trung tâm nên họ không cần quan tâm. Đó là sự mỉa mai của nó. Chính những kẻ ở bên lề xã hội, những người khốn khổ nhiều nhất bởi các hiệu ứng phụ của những sự mạo hiểm thiếu thận trọng cân nhắc, là những người bị hy sinh nhân danh tiến bộ.

Theo Lester Kurtz, “những phát triển kinh tế đã gây ra sự tham lam tràn lan đối với hàng tiêu dùng, nơi những người có đủ khả năng để tham gia vào hệ thống (còn đối với những người chưa đủ khả năng, thì đó thường là niềm hy vọng mình sẽ được tham gia vào).”[15] Tham lam là lòng khao khát mạnh mẽ luôn luôn có được nhiều hơn nữa về một cái gì đó, nhất là thực phẩm và tiền bạc. Nó dẫn người ta tới một thực tế tàn nhẫn! Thật là một cảnh tượng hãi hùng! Phải chăng chúng ta đã đến cái thời đại đánh dấu sự cáo chung của đạo đức và luân lý? Phải chăng lịch sử đã đến chỗ tận cùng?

Suy tư về hoàn cảnh của chúng ta hôm nay, Paredes ghi nhận rằng “hai chuyển động đang diễn ra:… một về phía tương quan và một về phía dửng dưng.Chuyển động trước nghiêng về đối thoại, dàn xếp, và thông cảm nhau. Đó là một chuyển động hướng đến sự gần gũi và liên đới. Nó đáp lại hiện tượng toàn cầu hóa hay hành tinh hóa, và ý thức mới về giống loài. Chuyển động sau thiên về căn tính, tính đa dạng, thậm chí đa dạng sinh học. Nó là một chuyển động về hướng bảo vệ không gian địa phương và quốc qia, môi trường, tôn giáo, các nhóm văn hóa thiểu số, và ngôn ngữ. Nó đáp lại hiện tượng căn tính sắc tộc và tư tưởng cực đoan.”[16]

Chuyển động về hướng tương quan nhắm đến việc xây dựng một ngôi nhà chung trong khi chuyển động về hướng dửng dưng nhắm tạo ra sự phân hóa. Sự tác động lẫn nhau, hay sự căng thẳng giữa hai chuyển động rõ ràng ngược chiều này – hợp nhất và phân hóa – thì thật khó xác định, dù chúng có thực và có thể quan sát được một cách khách quan. Tương quan và dửng dưng đang đẩy chúng ta theo hướng ra ngoài và vào trong. Ngày nay chúng ta đang kinh nghiệm hai hiện tượng ngược chiều này, và thật khó hòa giải các tác động của chúng trên đời sống và hiện sinh chúng ta. Tiếng gọi đối thoại và hiểu biết nhau là lực ly tâm đẩy chúng ta về phía “người khác”. Tiếng gọi bảo toàn tính bản địa là lực hướng tâm đẩy chúng ta ra khỏi “người khác”. Các giám mục FABC cũng ghi nhận rằng ở Á Châu ngày nay có “những chuyển động đồng qui nơi một khao khát về cộng đồng, khao khát này – ở trường hợp tốt nhất – là khao khát về một cộng đồng có tính bao gồm, cộng đồng tìm cách vượt qua các lằn ranh, phá đổ những bức tường hơn là củng cố chính mình một cách nhân tạo bằng việc dựng lên những rào chắn.”[17]

Quả thực có một khủng hoảng đang treo lơ lửng trong thời chúng ta. Chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn và nguy hiểm. Chúng ta đang kinh nghiệm những thời khắc bất hòa, bất quyết, và đau khổ. Cuộc khủng hoảng đang trở nên rõ rệt hơn khi chúng ta bước vào những năm đầu tiên của thế kỷ 21. Những câu hỏi căn bản là: “Chúng ta có thể phòng tránh cho chính mình khỏi thay đổi bởi cái thế giới đang thay đổi của chúng ta không?” “Chúng ta có nên tham gia vào sự thay đổi vốn đang thay đổi thế giới không?” “Phải chăng chúng ta sẽ đành như củi khôtrôi giạt theo dòng thay đổi vốn đang làm đổi thay thế giới này?”

Chúng ta đang ở trong vùng xoáy của sự phân cực giữa tương quan và dửng dưng. Chúng ta đang ở trong vùng xoáy của thay đổi, trong đó chúng ta hoặc đứng về phía những người đề kháng thay đổi, hoặc những người tham gia cách ý thức vào sự thay đổi, hay những người chỉ đơn giản trôi giạt theo dòng thay đổi. Tuy nhiên, điều an ủi, đó là cái cũ sẽ nhất định nhường chỗ cho cái mới, và cái mới rồi sẽ trở thành . Nhận thức này sẽ cung cấp cho chúng ta những cơ hội lớn lao để vượt qua chứ không khựng lại. Những thay đổi mang tầm thời đại đang diễn ra hôm nay cũng cung ứng cho chúng ta niềm hy vọng vững vàng nhất về tương lai.

“Từ ‘khủng hoảng’ của người Trung Hoa là một kết hợp của các yếu tố ‘nguy hiểm’ và ‘cơ hội’. Khủng hoảng là điểm gặp nhau của nguy hiểm và cơ hội, tại đó tương lai ở vị trí cân bằng, và tại đó các sự kiện có thể đi theo hướng này hoặc hướng khác.”[18] Được phép chọn lựa, chúng ta phải chọn cơ hội mà tương lai mang đến. Trong cùng tinh thần này, O’Murchu khẳng định rằng “quá khứ của chúng ta là một chiều kích của toàn bộ đời sống mình. Nếu chúng ta trân trọng và hội nhập nó một cách sáng tạo và táo bạo, nó có thể trở thành một nguồn năng lực cho tương lai mới mẻ và đầy thách đố mà tất cả chúng ta được mời gọi dấn bước tới.”[19]

Sứ mạng làm chứng cho thế giới mới

Vào cuối thế kỷ vừa qua, người ta đã nhận diện ba thách đố điều hướng suy tư của chúng ta về những viễn cảnh sứ mạng học cho thế kỷ 21. Các thách đố đó là: (1) ý niệm về thế giới được khai mào do tính hậu hiện đại, một thời khắc mập mờ, mời gọi sự tìm kiếm những nẻo đường mới; (2) tác động của hiện tượng toàn cầu hóa, xét như một câu chuyện ý thức hệ về văn hóa và về những gì đang xảy ra trong xã hội vốn nhấn mạnh vấn đề căn tính và tính khác biệt, nhưng đó cũng còn là lô-gic về lợi nhuận và thị trường xét như tiêu chuẩn diễn dịch nhân học và vũ trụ học của chúng, và (3) sự xâm nhập của tính đa nguyên của các tôn giáo lớn, được hiểu không như một sự kiện đơn thuần, nhưng như sự bắt đầu có tính minh họa về chương trình cứu độ của Thiên Chúa.[20]

Dù muốn hay không, các vấn đề và các thách đố là có thực. Toàn cầu hóa đã làm cho sự nghèo đói trở thành toàn cầu. Ở Á Châu, cái nghèo tràn lan vẫn còn nguyên. Hằng trăm triệu người không được tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên.[21] Bạo lực gây ra bởi các tôn giáo nhân danh Thiên Chúa.[22] Tôn giáo được tinh luyện, nhờ trào lưu thế tục hóa, nhưng một chủ nghĩa nhân bản mới đang nổi lên. Hồi giáo đang bành trướng và những người không phải tín đồ Hồi giáo đang lo lắng, ngay cả sợ hãi, về hiện tượng lớn mạnh của những người theo Hồi giáo. Sự toàn vẹn của công trình sáng tạo bị xuống cấp ở khắp nơi. Ngày nay chúng ta đang ở thời hậu hiện đại bất chấp sự kiện rằng chúng ta chưa rời khỏi những viên đá của Thời Đồ Đá. Cuối cùng, chúng ta hiện đang sống bên cạnh những người khác, là những người khác với chúng ta, vì lịch sử, văn hóa và tôn giáo của họ khác với chúng ta.

Đó là bức tranh của thế giới hiện nay. Điều thách đố, đó là làm sao trao ý nghĩa cho đời sống trong một thế giới mà Paul Knitter mô tả là “thế giới của rất nhiều những di sản tôn giáo khác biệt và rất nhiều những vấn đề sinh thái và nhân văn.”[23] Để trao ý nghĩa cho đời sống trong cái thế giới đang thay đổi nhanh chóng này, chúng ta được thúc đẩy, nếu không nói là bị thách thức, làm nên “một lịch sử với một khuôn mặt nhân loại.” Lịch sử là lịch sử cứu độ. Nó “không chỉ là một giao tiếp sống động với Thiên Chúa nhưng là một sự chữa lành toàn thể nhân loại và công trình tạo dựng xét như là nơi cư ngụ của con người.”[24] Trong nhiệt tâm viết về “những khả năng” hay “những triển vọng” của lịch sử với một khuôn mặt nhân loại, Claude Geffré đề ra bốn chiều hướng để hành động, đó là, “một sự thanh tẩy ký ức, kính trọng nhân tính đích thực, luật về dư dả (hay đáp ứng vượt mức, ‘law of superabundance’), và một công lý thuộc sinh thái.”[25]

Sự thanh tẩy ký ức liên quan đến thống hối và hoán cải. Nhưng chừng đó chưa đủ. Nó phải được gắn liền với sự phân định lịch sử về các yếu tố đã gây ra những sai trệch khỏi lý tưởng Kitô giáo. Lối thực hành ‘cưỡng chế người ta vào đạo’ (proselytism) phải bị chất vấn. Cuộc đối thoại giữa các niềm tin phải được thúc đẩy như một dấu chỉ của thời đại. Trên hết, đứng trước những thách đố của toàn cầu hóa, sự trỗi lên của một cộng đồng toàn cầu phải được khích lệ và xây dựng.[26]

Sự kính trọng đối với nhân tính đích thực phải được tìm kiếm và thăng tiến. Điều này bắt đầu với việc tạo lập một nền đạo đức toàn cầu trên một qui mô hành tinh. Tất cả các tôn giáo phải lắng nghe những tiếng gọi của lương tâm nhân loại phổ quát và những cảm hứng chính đáng của người ta về tự do và hạnh phúc. Các tôn giáo của thế giới phải cho thấy rằng không có mâu thuẫn giữa việc tìm kiếm một Thiên Chúa có ngôi vị và sự kính trọng đối với nhân tính đích thực.

Luật về dư dả (hay đáp ứng vượt mức) phải được thay thế bằng một văn hóa của tình yêu và hòa bình. Do tính chênh vênh của lương tâm con người, có một nhu cầu phải vượt quá những qui tắc của công bằng. Luật về dư dả (hay đáp ứng vượt mức) phải dẫn chúng ta trở lại với tính nghịch lý của Tin Mừng, mà lô-gic là yêu thương, tha thứ và đồng cảm. Điều này sẽ bảo đảm rằng các qui chuẩn của công bằng sẽ nhường chỗ cho sự quan tâm đến những người thua thiệt và kém may mắn.

Công lý thuộc sinh thái phải được thúc đẩy. Chỉ bảo vệ các quyền con người thì không đủ. Song song với công cuộc ấy phải có sự bảo vệ các quyền của Trái Đất, hay tính toàn vẹn của công trình tạo dựng. Để đạt được mục tiêu này, niềm tin tưởng vào sức mạnh của khoa học kỹ thuật hay khả năng của con người phải được thay thế, hay được kiềm chế, bằng niềm tin tưởng vào Thiên Chúa của truyền thống Thánh Kinh. Ơn gọi của con người – là trở thành những cộng tác viên của Thiên Chúa trong sáng tạo – phải được khởi động lại, để kiến tạo một thế giới nên chỗ ở tốt lành cho con người.

Để trao ý nghĩa cho đời sống trong thế giới đang thay đổi này, sự thách đố là “đan lại tấm thảm thay đổi. Để làm việc này, chúng ta cần những sợi chỉ từ nhiều guồng. Điều này có liên can đến sự mạo hiểm và sáng tạo.”[27] Để bắt đầu đan lại tấm thảm thay đổi, những công việc sau đây được đề nghị: (a) chúng ta cần vượt lên trên những xu hướng gia trưởng muốn thống trị và kiểm soát; (b) chúng ta cần vượt lên trên những cách nghĩ nhị nguyên mà mình đã tiếp nhận, bằng cách mở lòng ra đón nhận bản chất thiêng liêng của mọi sự sống; (c) chúng ta cần vượt lên trên ý-chí-quyền-lực có tính chất độc tôn con người, tức cái xung năng có tính lừa mị lôi kéo khiến con người nhìn và phán quyết về mọi thứ theo tiêu chuẩn của trí năng nhân loại, như thể đó là một thứ trí năng không thể sai lầm như của Thiên Chúa vậy.[28]

Vượt lên trên (hay siêu vượt) là từ khóa ở đây. Nó bảo chúng ta rằng mình có thể vượt quá những gì trong tầm tay. Có thể ước mơ một lần nữa và kiến tạo một cái gì mới mẻ. Như cách viết từ ‘khủng hoảng’ của người Trung Hoa cho thấy, khủng hoảng được tháp tùng bởi các cơ hội. Hay như câu nói của người Việt Nam: “Mấy ai khó ba đời.” Chúng ta không thể sống trong một thế giới dễ chịu mà có quá nhiều sai lầm. Luôn luôn có những cơ hội để xây dựng một thế giới vừa dễ chịu vừa chân thực. Dĩ nhiên, thế giới không có một phép mầu ngay lập tức để xây dựng một thế giới khác công bằng hơn và đáng sống hơn – un mondo senza violenza (một thế giới không có bạo lực) như trong câu hát của Andrea Bocelli. “Nhưng tương lai vẫn rộng mở, và nền tảng của niềm hy vọng Kitô giáo là sự chắc chắn rằng Thánh Thần của Thiên Chúa vẫn hoạt động để canh tân bộ mặt trái đất.”[29]

Thách đố cho Giáo Hội, đó là làm sao để trao ý nghĩa cho sứ mạng hôm nay. Những câu hỏi có thể giúp trao ý nghĩa cho những vấn đề và những thách đố là: “Chúng ta có nên hình dung lại sứ mạng?” “Chúng ta có nên cấu trúc lại sứ mạng?” “Chúng ta có nên phân tích và khảo sát các động cơ của sứ mạng và tập trung vào vấn đề phương thức làm sứ mạng?” Sứ mạng trong quá khứ đã được thực thi với đầy nhiệt huyết. Nó được nâng đỡ bởi các thần học vốn thúc đẩy nhiều nhà thừa sai vĩ đại đi cứu các linh hồn (salus animarum), trồng hay cấy Giáo Hội theo kiểu Giáo Hội tại bản quán của các nhà thừa sai (DÀN BÀItatio ecclesiae), rao giảng Đức Kitô và sứ điệp của Người, và rao giảng điều mà Đức Kitô đã đến để rao giảng, đó là Triều Đại hay Nước của Thiên Chúa.

Tuy nhiên, thế kỷ 21 dường như đưa ra một chiều hướng mới cho sứ mạng. Missio Trinitatis – sứ mạng của Thiên Chúa Ba Ngôi Vị – xem ra đang trở lại. Theo Robert Schreiter, “nhiều vấn đề khó khăn, cơ hồ bất kham, mà sứ mạng đang đối mặt – như xung đột, bạo lực tôn giáo, tình trạng mất kiểm soát tại chỗ, sự xói mòn môi trường tự nhiên – dường như có một ý thức ngày càng tăng rằng không phải chúng ta thi hành sứ mạng, mà đúng hơn, chúng ta tham gia vào điều mà trước hết và trên hết đó là công cuộc của Thiên Chúa.”[30] Sứ mạng là sứ mạng của Chúa Ba Ngôi (missio Trinitatis). Nói cho cùng, Thiên Chúa là một Thiên Chúa của sứ mạng.

Ngày nay, cái nhìn ấy đang trở nên ngày càng rõ hơn. Cần nói thẳng rằng công cuộc sứ mạng có tính chuyển hóa ấy tiên vàn là công cuộc của Thiên Chúa. Các thừa sai chỉ là những người tham dự vào sứ mạng của Thiên Chúa. Thiên Chúa nằm ở trung tâm. Vì thế, ngày nay chiều thẳng đứng của sứ mạng đang được khôi phục.[31] Hai kiểu thức khác cho sứ mạng, nếu ta có thể gọi thế, đang được đề ra, đó là – ra đi và rao giảng trong tinh thần ngôn sứ,[32] và chữa lành và hòa giải con người với nhau và với các thụ tạo khác.[33] Ở Á Châu, có thể làm việc này bằng cách kể lại câu chuyện Đức Giêsu. Điều này đòi hỏi những sáng kiến độc đáo và, đồng thời, sự trung thành với Tin Mừng của Đức Giêsu. Các bản văn và sứ điệp phải được diễn dịch lại để nói với những thách đố hiện nay của thế giới mới có tính toàn cầu hóa, đa dạng và đa nguyên này.

Thế giới đang thay đổi. Trong những thay đổi kiểu thức phức hợp được ghi nhận trong Kitô giáo, Hans Küng nhận diện thời hiện nay là thời trỗi lên của “kiểu thức đại kết thời hiện đại” như chưa từng có trước đây, nó sẽ thay thế kiểu thức của thời Ánh sáng.”[34] Gắn liền với kiểu thức này là nhận thức mới về Công-giáo-tính, điều đang định hình lại thần học, nếu thần học muốn là một diễn tả trung thành và khả tín cho niềm tin trong thế giới đang thay đổi hôm nay.[35]Robert Schreiter ghi nhận rằng những thay đổi diễn ra trong thế giới đã làm phát sinh “những luồng thông tin toàn cầu”, nghĩa là, sự quảng bá tri thức vượt qua các lằn ranh địa dư và văn hóa, làm thay đổi mọi khung cảnh địa phương. Trong cùng chiều hướng này, các mẫu thức sứ mạng của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những trào lưu toàn cầu đang lan tràn vượt quá điểm xuất phát của chúng, để trả lời cho những vấn đề đang ảnh hưởng đến mọi người.[36] Do những thay đổi này, các mẫu thức sứ mạng của chúng ta phải được lượng giá để xem hôm nay chúng có phù hợp hay không. Những mẫu thức này phải được cập nhật (aggiornamento), dựa vào việc đọc các dấu chỉ của thời đại. “Trật tự thế giới mới” đòi hỏi một kiểu thức mới cho sứ mạng hôm nay.

Như vậy, những câu hỏi sâu xa phải được đặt ra và trả lời. Có thể chúng không có được những câu trả lời thỏa mãn, tuy nhiên thật quan trọng việc dành sự chú ý và suy nghĩ về các câu hỏi ấy. Vậy, chúng ta nêu một số câu hỏi như thế cho việc phân tích, nhận định và hành động của mình. Ở đâu và bằng cách nào Tin Mừng sẽ được rao giảng khi mà đời sống của người ta bị quay cuồng trong những xáo trộn chính trị, kinh tế và xã hội? Ở đâu và bằng cách nào sứ điệp của Đức Giêsu sẽ được rao giảng khi chúng ta thấy người ta bị bật rễ khỏi quê hương mình và thấy họ mang những ký ức nguy hiểm, những vết thương của bạo lực? Ở đâu và bằng cách nào Triều Đại / Nước Thiên Chúa sẽ được rao giảng khi chúng ta thấy người ta đối diện với sự bất định về tương lai của họ và của con cái họ, và thấy họ không có cách nào để thoát khỏi cái nghèo xơ xác cũng như tình trạng bị áp bức?

Wilbert Shenk, khi nói về “tương lai của sứ mạng”, đã cho rằng bất cứ sự dự đoán nào cũng phải dùng một phương pháp hai mặt: “suy tư về hành động của Thiên Chúa trong lịch sử, và đọc với sự biện biệt các dấu chỉ của thời đại.”[37] Bất cứ phán đoán chính thức nào về tương lai của sứ mạng đều phải xét đến không chỉ quá khứ mà cả hoàn cảnh hiện tại và tương lai mà sứ mạng ấy phải trao ý nghĩa cho. Vì Kitô giáo phát triển như kết quả của sự gặp gỡ với những “người khác” trong lịch sử sứ mạng, Andrew Walls tuyên bố rằng sự chuyển thông đức tin vào Đức Kitô xuyên qua các ranh giới ngôn ngữ và văn hóa “đã cho thấy rằng Đức Kitô có ý nghĩa và tầm quan trọng mà người ta không ngờ.”[38]

Lamin Sanneh, đàng khác, khẳng định rằng “tính chất có thể diễn dịch được của Tin Mừng đưa đến nhìn nhận rằng không một nền văn hóa nào có độc quyền trên hình thức ngôn ngữ và sức sống mà Tin Mừng chuyển tải.”[39]Vì chúng ta đã đi qua ranh giới hậu hiện đại, chúng ta hỏi: “Phải chăng tính hậu hiện đại là một văn hóa mà Tin Mừng có thể được diễn dịch vào đó, hay đó là một tình trạng mà Tin Mừng phải được giải thoát khỏi nó?”[40]

Hình dung lại nhà thừa sai trong thế giới mới

Ở giữa tất cả những thay đổi này – đang diễn ra trong một thế giới mới như thế – là nhu cầu phải hình dung lại nhà thừa sai cho thời đại hôm nay. Xem Á Châu như bối cảnh của sứ mạng ở giữa muôn dân (missio inter gentes),[41] thì một sự chuyển đổi kiểu thức trong cách nghĩ của chúng ta về sứ mạng và về căn tính của mình phải xảy ra – nghĩa là, từ missio ad gentes (Vatican II). Cùng với điều này là một chuyển đổi trong tâm thế, nghĩa là – từ não trạng “hoặc là / hoặc là” (có tính loại trừ) tới não trạng “cả / lẫn” (có tính bao gồm / đa nguyên). Trong khi tâm thế “hoặc / hoặc” đặt sự khác biệt qua một bên, thì tâm thế “cả / lẫn” trân trọng giá trị của những khác biệt. Những chuyển đổi này phục vụ như các điều kiện tiên thiên cho việc hình dung lại căn tính của một nhà thừa sai ở Á Châu hôm nay.

Á Châu là nơi chốn và cảnh vực của missiointer gentes. Á Châu là một lục địa được đặc trưng bởi sự nghèo nàn về kinh tế, sự đa dạng về văn hóa, và tính đa nguyên tôn giáo (cuộc đối thoại ba mặt của FABC). Bức tranh xã hội của Á Châu hiện nay được đặc trưng bởi rất nhiều xu thế đang diễn ra, như: tình trạng di dân ào ạt, hiện tượng đô thị hóa tràn lan, và truyền-thông-hóa rộng rãi.[42] Những xu hướng này đem lại nhiều thách đố cho nhà thừa sai. Chúng đang tạo ra những sự phân hóa vốn không thể bị bỏ qua. Những đường ranh này chia cắt giữa người nhập cư và người sở tại, giữa những cộng đồng nông thôn và những xã hội thành thị, giữa người thất học và người có học. Các thực tại và các xu hướng hiện nay ở Á Châu có một thông điệp quan trọng cho việc hình dung lại căn tính của nhà thừa sai tại lục địa này.

Sứ mạng ngày nay được mô tả như việc băng qua các biên giới. Đó là đi tới quảng trường. Nó được mô tả như là đi tới những Areopagi mới của thời hiện đại (Gioan Phaolô II, Redemptoris Missio, 31-37). Trong hoàn cảnh mới này, nhà thừa sai đối diện với câu hỏi bằng cách nào mình có thể thiết lập căn tính và sự hiện diện của mình ở quảng trường ấy. Hơn nữa, nhà thừa sai cũng đối diện với câu hỏi bằng cách nào mình có thể thiết lập ý nghĩa của đức tin của mình mà không áp đặt đức tin ấy trên những người thuộc các tôn giáo khác.

Người học và người lắng nghe. Vào thời thực dân, các nhà thừa sai đã đến để dạy những hiểu biết của mình về Kitô giáo. Các vị ấy cũng đến để áp đặt văn hóa của mình trên văn hóa sở tại mà các vị cho là thấp kém hơn văn hóa của các vị. Trái lại, nhà thừa sai hôm nay phải là một người học, một người lắng nghe. Để làm thế, nhà thừa sai phải có một thái độ lắng nghe; anh ta phải sống nhân đức khiêm tốn một cách sắc nét. Nếu nhà thừa sai đi đến với những người thuộc các tôn giáo khác trong xác tín rằng tôn giáo hay Giáo Hội của mình độc quyền sở hữu tất cả sự thật một cách hoàn toàn đầy đủ, thì mục tiêu của anh ta là cải đạo những người thuộc các tôn giáo khác ấy. Những người thuộc các tôn giáo khác sẽ dị ứng trước xác tín như vậy. Họ xem đó là chủ nghĩa thực dân mới. Nhà thừa sai sẽ không thể biện hộ cho chính mình để chống lại những tố cáo hay nghi ngờ về việc cải đạo những người theo các tôn giáo khác, đưa họ vào Kitô giáo. Vì như chính anh ta biết, người thuộc tôn giáo khác ấy vốn đã dấn thân cho Thiên Chúa trong tôn giáo mà họ chọn lựa. Sự thay đổi tôn giáo mà người ta theo thì không hề bảo đảm cho ơn cứu độ. Chính Thiên Chúa là Đấng cứu độ (1Tm 2,4).

Nhịp cầu. Sứ mạng hôm nay là “đi tới với người khác.” Đó là vươn ra hướng về người khác. Nhà thừa sai vượt qua các biên giới. Anh ta không thiết lập các tường rào. Như vậy, nhà thừa sai là một nhịp cầu. Nơi tôn giáo khác hay nơi những thực tế khác biệt và đa dạng, nhà thừa sai nhìn thấy quà tặng của Thiên Chúa (Is 19,23-25). Tuy nhiên, sứ mạng inter gentes không phải là di chuyển từ những biên giới cũ sang những biên giới mới. Đúng hơn, nhà thừa sai xây dựng những nhịp cầu giữa (inter) tất cả những sự phân rẽ, như sự phân rẽ giữa người nhập cư và người sở tại, giữa cộng đồng nông thôn và xã hội thành thị, giữa người thất học và người có học. Sự đa dạng là một món quà. Do đó, nhà thừa sai sẽ là người giương cao biểu ngữ: “Hoan hô sự khác biệt!

Nhà chữa trị và hòa giải. Người Á Châu nhìn nhận những thành tựu và những đóng góp lớn lao của các thừa sai cho lục địa này. Nhưng họ cũng không quên lịch sử và những vết thương gây ra cho các quyền và phẩm giá của các dân bản địa ở Á Châu. Nhà thừa sai ngày nay, vì thế, phải là một nhà chữa trị và hòa giải đối với ký ức đầy thương đau của người ta trong quá khứ. Kitô giáo được mang tới Á Châu bởi các nhà thừa sai tháp tùng các nhà thực dân. Trong nhiều trường hợp, sứ mạng đã là một công cuộc có tính bạo lực. Nó đã hủy diệt nhiều yếu tố của văn hóa và tôn giáo bản địa của người ta. Sự chữa trị và hòa giải đích thực và bền vững sẽ là điều không thể, nếu không nhớ lại quá khứ một cách xác thực, cả về phía các nạn nhân lẫn về phía những người đã gây ra cớ sự. Các nhà thừa sai phải nhìn nhận sai lầm của mình trong khi dân chúng sở tại phải giành lại nhân phẩm bất chấp quá khứ đau thương của họ.

Người dựng nhà. Thế giới là ngôi nhà của Thiên Chúa. Nó là oikos (gia đình / gia sản / nhà) của Thiên Chúa. Tuy nhiên, thế giới tự nhiên này đang không ngừng kinh nghiệm sự xuống cấp và sự tàn phá. Có người khẳng quyết rằng chính “những cách suy nghĩ và hành động”[43] của nhiều người đã dẫn tới sự khủng hoảng môi trường mà chúng ta kinh nghiệm hôm nay. Trong bối cảnh này, nhà thừa sai là một người dựng nhà. Khi nhà thừa sai đã trở thành thân thuộc với dân chúng sở tại, thì cái tiến trình làm cho cả thế giới này trở thành gia đình thiêng liêng của chúng ta chắc chắn được khởi động. Nhà thừa sai mời những người thuộc các tôn giáo khác cùng với mình kiến tạo một gia đình rộng lớn hơn, ở đó thực sự có bầu khí thân thiện cởi mở và lòng hiếu khách nồng nhiệt. Việc cùng nhau vươn tới sự thật và sự thiện lớn lao hơn sẽ làm cho thế giới trở thành một nơi đáng sống hơn cho mọi người.

Nhà thần bí. Cuối cùng, thế giới của chúng ta đã trở nên một thế giới quá ồn ào. Trong một thế giới ồn ào và quá tràn ngập truyền thông, nhà thừa sai được kỳ vọng trở thành một con người của thinh lặng. Á Châu, bối cảnh của sứ mạng, là một đại lục của con người đi tìm ý nghĩa cuộc sống, đi tìm cái Tối Hậu. Sự thinh lặng có tính chiêm ngắm thâm sâu vẫn là sự truyền thông hữu hiệu nhất giữa các tín hữu, và giữa những người theo các truyền thống tôn giáo khác. Thinh lặng dẫn tới một cách thức mới để làm sứ mạng song song với cuộc đối thoại có tính ngôn sứ. Cách thức mới này được gọi là “ngôn sứ thần bí.” Sức mạnh của sự thinh lặng làm cho nhà thừa sai trở thành một con người tâm linh và thần bí.

Kết luận

Bối cảnh liên tôn giáo và đa văn hóa của thế giới đã làm thay đổi bản chất của chứng tá Kitô giáo hôm nay. Nó khơi lên những câu hỏi hoàn toàn mới cho việc thi hành sứ mạng. Các thách đố hiện nay của tính đa dạng và đa nguyên, vì thế, không còn có thể bị bỏ qua nữa. Nói một cách định tính, không còn nghi ngờ gì nữa rằng cái cường độ, qui mô, và tầm mức chi phối của hiện tượng toàn cầu hóa và đa nguyên tôn giáo cho thấy rằng nhà thừa sai đang đối diện với một hoàn cảnh hoàn toàn khác với trước đây.

Hơn nữa, thực tế về sự gia tăng cảm thức tín ngưỡng (ở các vùng ngoại biên) cùng với tính thế tục ngày càng tăng (ở các đô thị lớn) đặt ra cho nhà thừa sai rất nhiều những thách đố không dễ nhận hiểu và diễn dịch. Giờ đây nhà thừa sai sống trong một ngôi làng trái đất với một hoàn cảnh khác hẳn, với những thế giới quan và những tâm thế khác biệt tận căn cùng tồn tại với nhau. Tính đa nguyên, cảm thức tín ngưỡng, và chủ nghĩa thế tục cùng định hình cái bối cảnh trong đó nhà thừa sai phải nêu rõ chứng tá của mình cho Tin Mừng.

Người dịch: Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS

———————————-

[1]Xem Paul Joseph, Peace Politics: The U.S. between the Old and New World Orders (Philadelphia: Temple University Press, 1993).

[2]Xem Immanuel Wallerstein, The Politics of the World Economy: The States, the Movements, and the Civilizations (Cambridge: University Press, 1984.

[3]Xem Francis Fukuyama, The End of History and the Last Man (New York: Free Press, 1992).

[4]Lester R. Kurtz, Gods in the Global Village: The World’s Religions in Sociological Perspective (Thousand Oaks, California: Pine Forge Press, 1995), 2. Xem thêm Wim Dierckxsens, “The End of Neo-Liberalism, Unsustainable Capitalism, and the Need for a New Utopia,” trong Luis Carlos Susin, Jon Sobrino, and Felix Wilfred, eds., A Different World is Possible (London: SCM Press, 2004); José Maria Vigil, “Is there a Paradigm Shift in Liberation Theology?,” East Asian Pastoral Review 42, no. 4 (2005): 336-352.

[5]Mark Juergensmeyer, The New Cold War: Religious Nationalism Confronts the State (Berkeley: University of California Press, 1993), 2.

[6]Thomas Friedman, The Lexus and the Olive Tree: Understanding Globalization (New York: Anchor Books, 2000), 7.

[7]Ibid., 12-13.

[8]Elizabeth A. Johnson, “Horizons of Theology,” trong Terrence W. Tilley, ed., New Horizons in Theology (Maryknoll, New York: Orbis Books, 2005), 7.

[9]Ronald Cole-Turner, “Science, Technology, and the Mission of Theology in a New Century,” in Max L. Stackhouse with Don S. Browning, eds., The Spirit and the Modern Authorities (Harrisburg, Pennsylvania: Trinity Press International, 2001), 139.

[10]Hans Küng, Global Responsibility: In Search of a New World Ethic (New York: Crossroad, 1991), 12.

[11]Ibid.

[12]Claude Geffré, “The God of Jesus and the Possibilities of History,” Concilium 5 (2004): 70.

[13]Küng, Global Responsibility, 12.

[14]Ibid., 13.

[15]Kurtz, Gods in the Global Village, 4.

[16]José Cristo Rey Paredes, “Mission in a Mutating World and in front of a New DÀN BÀIetary Consciousness,” Religious Life Asia 10, no. 2 (2008); 3-4.

[17]FAPA-1, no. 2.3.2.

[18]David J. Bosch, Transforming Mission: Paradigm Shifts in Theology of Mission (Maryknoll, New York: Orbis Books, 1991), 3.

[19]Diarmuid O’Murchu, Ancestral Grace: Meeting God in our Human Story (Maryknoll, New York: Orbis Books, 2008), xviii.

[20]Xem Carmelo Dotolo, “Theological Formation and Missionary Dimension,” Omnis Terra 343 (January 2004): 8.

[21]FAPA-1, no. 2.2.1

[22]Xem Oliver McTernan, Violence in God’s Name: Religion in an Age of Conflict (Maryknoll, New York: Orbis Books, 2003).

[23]Paul Knitter, One Earth, Many Religions: Multifaith Dialogue and Global Responsibility (Maryknoll, New York: Orbis Books, 1995), 19.

[24]Geffré, “The God of Jesus and the Possibilities of History,” 72.

[25]Ibid., 73-75.

[26]Xem Edgar Javier, “Religious Pluriformity in God’s Global Community: Challenges and Prospects,” Missio InterGentes 1, no. 1 (January 2015): 3-35.

[27]Diarmuid O’Murchu, Our World in Transition: Making Sense of a Changing World (Quezon City: Claretian Publications, 2003), 158.

[28]Ibid., 158-159.

[29]Geffré, “The God of Jesus and the Possibilities of History,” 79.

[30]Robert J. Schreiter, “Epilogue,” in Robert Schreiter, ed., Mission in the Third Millennium (Maryknoll, New York: Orbis Books, 2001), 155.

[31]Ibid., 156.

[32]Xem Stephen Bevans and Roger Schroeder, Constants in Context: A Theology for Mission Today (Quezon City: Claretian Publications, 2005), 348-395.

[33]Robert J. Schreiter, “Reconciliation as a Model of Mission,” New Theology Review 10, no. 2 (May 1977): 6-15.

[34]Xem Hans Küng, Christianity: Essence, History, and Future (New York: Continuum, 1995).

[35]Robert J, Schreiter, The New Catholicity: Theology between the Global and Local (Maryknoll, New York: Orbis Books, 1998), ix.

[36]Ibid., 15.

[37]Wilbert Shenk, Changing Frontiers of Mission (Maryknoll, New York: Orbis Books, 1999), 186.

[38]Andrew Walls, The Missionary Mvement in Christian History: Studies in the Transmission of the Faith (Maryknoll, New York: Orbis Books, 1996), xviii.

[39]Xem Lamin Sanneh, Translating the Message: The Missionary Impact on Culture (Maryknoll, New York: Orbis Books, 1989).

[40]Kevin J. Vanhoozer, “Theology and the Condition of Postmodernity,”in Kevin J. Vanhoozer, ed. (Cambridge: University Press, 2003), 22.

[41]Xem Peter C. Phan, “Mission Inter Gentes Asiae: Contemporary Theologies and Practices of Mission in Asia,” SEDOS Bulletin 43, nos. 5/6 (May-June 2011): 131-140.

[42]Xem Pio Estepa, “The Asian Mission Landscape of the 21st Century,” SEDOS Bulletin 43, nos. 5/6 (May-June 2011): 115-126.

[43]Al Gore, Earth in the Balance: Ecology and the Human Spirit (New York: Houghton Mifflin, 1992), 12.

 

Nguồn tin: catechesis.net