Tại Sao Sự Dữ Luôn Ngự Trị Trên Thế Gian Này?

Fri,10/05/2019
Lượt xem: 2851

Dẫn nhập

Đức tin Kitô giáo quả quyết mỗi con người đều có tội thật và tội riêng của mình, trước cả mọi hành động tự do và ý chí tự do nhân vị của mình, một tội đến với con người từ một hành vi tội lỗi và cá nhân lên đến tận nguồn của nhân loại. Trong viễn ảnh này, vấn đề cần thiết là phải có công trình cứu độ phổ quát của Chúa Kitô: mỗi người cần phải đến ơn cứu độ của Người là ơn cứu độ giải thoát khỏi tội đến từ buổi khởi nguồn trước cả khi họ có các tội cá nhân. Chính vì thế, sự dữ là một mầu nhiệm được Thiên Chúa làm sáng tỏ nhờ Đức Giêsu Kitô.

Đứng trước “mầu nhiệm” sự dữ, vừa phi lý, vừa gây khó chịu, ta thường có một phản ứng chính đáng cự tuyệt và bất mãn. Chúng ta tìm mọi cách để thoát khỏi “mầu nhiệm” ấy, nhưng vô hiệu; nó luôn “bao vây” chúng ta dù muốn dù không. Chính thánh Augustine cũng đã thú nhận rằng: “Tôi cố tìm xem do đâu mà có sự ác, và tôi đã không thấy được câu giải đáp”.[1] Thánh Phaolô tông đồ cũng nhìn nhận sự dữ là một mầu nhiệm không ai hiểu được: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2Tx 2,7).

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường đặt ra câu hỏi: “Tại sao sự dữ luôn ngự trị trên thế gian này?” Giáo lý Công giáo dạy: Vì Thiên Chúa cho phép có sự dữ, để rút ra từ đó một sự thiện.[2]

1. Kinh thánh nói về sự dữ

Sự dữ là một bí nhiệm, nhưng qua đức tin và Kinh thánh chỉ dẫn, chúng ta có thể tạm hiểu lý do vì sao có sự dữ: Ngay từ đầu Kinh thánh đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp (St 1,31; Mt 19,3-9), nhưng sự dữ đã đi vào thế gian, vì mọi người đã phạm tội (Rm 5,12). Sự dữ là hậu quả của tội lỗi, của việc con người tự do lựa chọn đi đường sai trái như Thánh Phaolô đã viết: Chẳng có ai có lương tri, chẳng có ai tìm kiếm Thiên Chúa. Người người đã lìa xa chính lộ chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi (Rm 3,11-12). Chúa Giêsu cũng chỉ cho chúng ta biết sự dữ phát xuất từ bên trong con người (Mc 7,21-23).

Theo Kinh thánh, khả năng phạm tội thuộc về bản tính của chúng ta. Trong sách Sáng Thế cũng nói rất rõ, có một biến cố hủy diệt, phá hoại, đã xuất hiện sau khi con người được dựng nên với sự tự do hữu hạn. Sách Sáng Thế nói, Ađam sau khi phạm tội đã bắt đầu gây hấn với vợ. Ông tố cáo bà và đổ trách nhiệm lên đầu bà: “Chính người phụ nữ Ngài đem đến cho tôi, nó đã đem trái cây cho tôi và tôi ăn”(St 3,12). Ông đã tách liên kết với vợ. Tội, xét như là thiếu tình thương, sẽ là cớ cho nhiều xung đột gia đình. Những trang tiếp theo của sách Sáng Thế còn cho biết không những tội làm vỡ hòa điệu phu thê, lại còn xáo trộn quan hệ huynh đệ và xã hội nữa. Như ta thấy khi Cain giết em là Aben, rồi đến chuyện chia bè xẻ cánh từ vụ xây tháp ở Babel, con người vì kiêu căng không hiểu nhau, sự dữ càng ngày càng phát triển, đến nỗi Chúa Giêsu phải thốt lên: Khốn cho thế gian vì gương xấu của nó (Mt 18,7). Và Người tố cáo quyền lực tội lỗi len lỏi vào thế gian, đã làm rối loạn sự hài hòa và gây cản trở không cho thế gian tiến về Nước Chúa. Kinh thánh đã cho chúng ta câu trả lời về sự xuất hiện của sự dữ.

2. Sự dữ theo quan điểm thần học

Qua cách trình bày của Kinh thánh, theo các nhà thần học kinh viện, con người trước khi phạm tội, không những được hưởng đặc ân toàn vẹn và bất tử mà còn được miễn đau khổ nữa, không phải đau đớn thể xác, không phải đau khổ tâm hồn. Thánh Augustine, người được coi là thần học gia tiên phong, có những giải thích dựa trên đức tin căn bản: Thiên Chúa là Ðấng toàn năng và toàn thiện. Thiên Chúa tạo dựng nên mọi sự từ hư không, và mọi sự đều tốt đẹp. Vì thế, sự dữ không thể là một sản phẩm của Thiên Chúa toàn thiện, Người không dựng nên sự dữ.

Vậy nếu không là một tạo vật, sự dữ từ đâu đến? Thánh nhân giải thích rằng: Sự dữ tự nó không hiện hữu, vì Thiên Chúa không dựng nên nó, nhưng sự dữ là do vắng bóng sự thiện. Vì sự dữ tự nó không tồn tại như một hữu thể, vì thế con người không chọn sự dữ như một đối tượng (vì không có thực để con người chọn). Nhưng khi con người từ chối và quay mặt lại với sự thiện, hay khi chọn lựa cái kém hơn sự thiện, con người đến với sự dữ. Và thánh nhân kết luận rằng nguồn gốc của sự dữ nằm ở sự tự do của con người khi họ lựa chọn. Nhiều thần học gia phê bình lối giải thích của thánh Augustine. Họ đề nghị cần phải có một cái nhìn mới.

Theo thần học giải phóng, con người giải thoát khỏi những bất công, chính bất công gây ra nghèo đói, tội ác... và những đàn áp, bóc lột là hiện thân của sự dữ. Cách giải thích này không cắt nghĩa nguyên nhân sự dữ, nhưng mời gọi con người thông phần với Ðức Kitô là nạn nhân của xã hội bất công, và luôn nhớ rằng, sự sống lại là chiến thắng của Thiên Chúa trên sự dữ. Thiên Chúa toàn thiện, nhưng họ lại đặt câu hỏi để “xét xử” Thiên Chúa hơn là để bênh vực Thiên Chúa như trong thần học truyền thống. Họ lập luận, vì Thiên Chúa cho con người tự do và họ đã làm điều xấu (cướp của, giết người... ) mà Thiên Chúa không ngăn cản được, nên Thiên Chúa chịu trách nhiệm gián tiếp cho hành động của người đó gây ra sự dữ. Dù Thiên Chúa luôn ước mong những gì tốt đẹp nhất cho con người và không muốn họ đau khổ, nhưng Người phải chịu một phần trách nhiệm. Con người trưởng thành và hoàn hảo, họ cho rằng mỗi con người sinh ra đều có một mục đích.

Thánh Augustine cho rằng sự dữ là kết quả của tội lỗi, thánh Irenaeus cho rằng sự dữ là tôi luyện đời sống đức tin, còn John Hick cho rằng chính sự dữ giúp con người có kinh nghiệm khi có những quyết định đúng đắn.

Truyền thống thần học Kitô giáo giải thích: Trước hết không thể hiểu được tại sao có sự dữ trên thế gian nhưng vẫn tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng, và con người cần kiên nhẫn trong đời sống đức tin. Ta không hiểu được lý do nào Thiên Chúa để cho sự dữ xảy ra, không có nghĩa là Thiên Chúa không có lý do để làm chuyện đó. Thứ hai là để tôi luyện: Thiên Chúa dùng đau khổ, sự dữ để tôi luyện con người ngày càng lớn mạnh hơn, như lời thánh Phaolô: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta” (Rm 8,18). Thứ ba là vũ trụ đang tiến hoá, quan điểm này cho rằng những sự dữ trong đời như đau yếu, đói, bệnh tật,... là một phần của tiến trình tiến hoá trong vũ trụ. Nghĩa là vũ trụ đang tiến hoá, và bão tố, động đất... là một phần của tiến trình này. Vì thế, sự dữ không là một sản phẩm có mặt ngay từ khi tạo dựng vũ trụ, và không là một sản phẩm Thiên Chúa dựng nên. Do đó, sự dữ trong thuyết này không có từ đầu, và sau này cũng biến mất khi vũ trụ hoàn hảo, hết tiến hóa.

Trong suy tư của các nhà thần học thời hiện đại, sự dữ không tuyệt đối có từ nguyên thủy, nó là cái bất thường. Nó không nằm trong ý định ban đầu của Đấng Tạo Hóa. Nhưng điều đó cũng không được gạt bỏ lời khẳng định chính yếu của giáo lý về tội nguyên tổ, ấy là: Tự muôn đời và chính hiện nay, tội trong lòng mọi người và trong lòng thế giới vẫn là một sự dữ sâu xa nhất. Nó là cái gì phi lý và mãi là một bí ẩn đối với con người. Nếu không được tìm nơi tội lỗi nguyên nhân của mọi đau khổ ta chịu, thì vẫn phải công nhận rằng, vì tội của ta, ta cũng mang trách nhiệm với đa số khổ đau ta đang chịu. Đành rằng, nếu con người không phạm tội, ắt vẫn phải đau khổ trong thân xác và tâm hồn, vì bản tính hữu hạn đòi phải thế, nhưng điều này cũng rất đúng là nhân loại vì tội lỗi mình có thể chồng chất thêm gánh nặng đau khổ cho mình.

3. Giáo lý Hội thánh Công giáo nói về sự dữ

Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy: “Nếu Thiên Chúa là Cha toàn năng, Ðấng tạo dựng nên thế giới có trật tự và tốt lành, chăm sóc hết mọi thụ tạo thì tại sao có sự dữ?... Không thể có một câu trả lời ngắn gọn mà đầy đủ được”.[3] Sự hiện diện của sự dữ trong cuộc sống đã quá rõ ràng, và phải đối diện với đau khổ là vấn nạn căn bản và cũng là mầu nhiệm phức tạp đầu tiên con người tiếp cận khi tìm hiểu đức tin con người đặt vào Thiên Chúa.

Sách Giáo lý dạy, chỉ có một Thiên Chúa là Ðấng toàn năng, toàn thiện. Vậy, sự có mặt của sự dữ không thể dung hoà với những yếu tố trên của đức tin, vì không có gì Thiên Chúa không làm được (Mt 19,26). Giáo lý Công giáo khẳng định, sự dữ trong đời sống con người luôn luôn là một mầu nhiệm. Vì thế, Giáo hội không cho ta một câu trả lời rõ ràng, rành mạch theo lý luận bình thường cho câu hỏi “Tại sao Một Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện lại để cho sự dữ hoành hành trong đời sống con người?” Dù công nhận là một mầu nhiệm, Giáo hội cũng đưa ra nhiều giải thích để ta có thể hiểu và sống có ý nghĩa khi đương đầu với sự dữ.

Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy rằng: “Sự thật thì họ đã phạm tội, do đó mà sự dữ về luân lý đã đi vào thế gian, tai hại không thể lường được so với sự ác thể lý… Thiên Chúa không hề là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp của sự dữ này. Tuy nhiên, Người cho phép xảy ra vì tôn trọng tự do của các tạo vật Người đã dựng nên, và một cách bí nhiệm, Người biết lấy điều thiện ra từ sự ác”.[4]

Vũ Trụ và con người đang trong quá trình tiến hoá: “Tại sao Thiên Chúa không tạo dựng một thế giới thật hoàn hảo để không có một sự dữ nào xuất hiện?” Giáo hội trả lời rằng, cho dù Thiên Chúa quyền năng vô biên có thể làm được, nhưng Người đã không làm mà tạo dựng một thế giới hướng về sự hoàn hảo sau cùng. Nghĩa là cả vũ trụ đang tiến triển, lớn mạnh để đi đến hoàn hảo. Vì thế, sự lớn mạnh khi “cái này xuất hiện, cái kia biến đi” là quá trình tiến hoá của mọi loài. Giáo hội kết luận: “Vì vậy, bao lâu mà công trình tạo dựng chưa đạt được mức trọn hảo của nó, thì cùng với điều tốt thể lý, cũng có sự dữ thể lý”. Nói cách khác, lớn mạnh để đi đến hoàn hảo đòi hỏi thay đổi, thay đổi đòi hỏi nhiều đau khổ mà ta gọi là sự dữ.[5]

Tự do là nguyên nhân gây sự dữ và Thiên Chúa không tạo dựng sự dữ, Người cho phép sự dữ xâm nhập thế gian: “Thiên Thần và con người có tự do... trong thực tế, họ đã phạm tội... Tuy nhiên, vì tôn trọng tự do của thụ tạo, Người để nó xảy ra, và một cách mầu nhiệm, Người biết cách rút lấy điều lành từ sự dữ.” Giáo hội khẳng định “Thiên Chúa không bao giờ, bằng bất cứ cách nào, trực tiếp hay gián tiếp, là nguyên nhân của sự dữ luân lý”.[6]

Nhưng trong và qua sự dữ, Thiên Chúa biến nó thành những gì lợi ích cho con người: “Mọi sự đều sinh lợi ích cho ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8,28). Và giáo lý khẳng định: “Thiên Chúa dẫn đưa ta tới điều thiện hảo từ những hậu quả của sự dữ”. Việc Thiên Chúa cho phép có sự dữ thể lý và sự dữ luân lý là một huyền nhiệm mà Thiên Chúa làm sáng tỏ nhờ Con của Người là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và sống lại để chiến thắng sự dữ.[7]

4. Công đồng Vatican II nói về sự dữ

Công đồng Vatican II giải thích: “Thật vậy, những chênh lệch dày vò thế giới ngay nay được nối liền với sự chênh lệch căn bản hơn phát xuất từ đáy lòng con người. Bởi ngay chính trong con người có nhiều yếu tố xung khắc khác nhau…bởi vậy, có sự phân rẽ trong chính con người, từ đó sinh ra biết bao nhiêu bất hòa trong xã hội”.[8]

Ta nên hiểu rõ Công đồng Vatican II, nếu không nói theo kiểu dựng ảnh ngày xưa, rằng nguyên tổ là căn nguyên đầu tiên gây mọi đau khổ hiện thời thì cũng không được nói rằng, hết mọi bất ổn và đấu tranh hiện thời trong thế giới đều do một mình tội lỗi ngày nay, nó là sự bất ổn thiêng liêng và sự chống đối Thiên Chúa.[9]

Dưới ánh sáng mạc khải, Giáo hội vẫn còn mời gọi chúng ta nên nhận thức rằng có nhiều xáo trộn trong thế giới không chỉ lý giải nguyên bằng lý do kỹ thuật hay kinh tế, mà còn phải giải thích vì một lý do sâu xa hơn, đó là cuộc chiến của tội lỗi, nó chối từ mến Chúa yêu người. Tội, dưới nhiều hình thức, có thể là nguồn trực tiếp gây ra nhiều tai họa.[10]

Tạm kết

Sự dữ là một sự khiếm khuyết sự thiện,[11] do đó phải gắn liền với đời sống của chúng ta. Ta không thấy chúng có một mục tiêu hay chức năng nào, chúng ta không giải thích được. Mãi mãi ta sẽ không có câu trả lời thỏa đáng tại sao có sự dữ. Trước vấn nạn này, dường như ta chỉ được đáp lại bằng một sự im lặng đáng sợ. Im lặng vì không có một câu trả lời nào…,[12] và hơn nữa, vấn đề chỉ càng thêm tối nếu muốn liên hệ đến Thượng Đế giải đáp. Chúng ta chỉ biết chắc một điều: Đức Kitô đã đi qua lối đó; Người đã sống sự đau khổ. Người đã tạo cho nó một ý nghĩa bằng cách chấp nhận nó vì kẻ khác, trong tinh thần phục vụ và liên đới với Thiên Chúa và với nhân loại. Bao lâu ta chưa đạt tới Chúa là cứu cánh cuối cùng, bằng sự hợp nhất hoàn toàn với Người, bấy lâu ta chịu đau khổ là đúng lý.

Quả thực, sự dữ không ai mong muốn, không ai hiểu thấu lý do và không ai tránh được trong cuộc sống, nó quả là một đều bí nhiệm. Tuy nhiên, việc Chúa Giêsu không lẩn tránh âm mưu độc ác của con người và đã chọn con đường đau khổ để cứu chuộc nhân loại, cho ta thấy giá trị của đau khổ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Nói thế, không có nghĩa là chúng ta cứ đi tìm đau khổ mà chịu, cứ sự dữ mà làm. Ngược lại, chúng ta phải hết sức xa tránh mọi tội lỗi vì đây là nguyên nhân chính của mọi sự dữ gây đau khổ cho con người.

Thánh Augustine nói: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên chúng con vì Chúa và chúng con khắc khoải cho đến khi nào yên nghỉ trong Chúa”. Và ngày nay, Leson Bloy cũng nói lên nỗi khổ của con người vì chưa kết hợp cùng Chúa: “Chỉ có một nỗi buồn là chưa nên thánh”.

Antôn Vũ Đức Quyền, K. XI
Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 06

[1] Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo, số 385.
[2] Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo, số 311 - 312.      
[3] Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo, số 309.
[4] Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo, số 311 - 313.
[5] Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo, số 310.
[6] Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo, số 311 - 313.
[7] Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo, số 324.
[8] Công đồng Vatican II, hiến chế giáo hội trong thế giới ngày nay, số 37.
[9] Công đồng Vatican II, hiến chế giáo hội trong thế giới ngày nay, số 13.
[10] Lm Pet Nguyễn Văn Thiết, Giúp đọc hiểu hiến chế mục vụ “Gaudium et spes “, ĐCV Vinh – Thanh, lưu hành nội bộ, năm 2014, 44.
[11] Lm G. B Nguyễn Hồng Pháp, Triết học Trung cổ thế kỷ v – xv, Thánh Augustin.
[12] Felipe Gosmez, SJ. Kitô học thần học tín lý 2, Antôn Đuốc Sáng, 320 - 326.
Nguồn tin: