Nguồn Thần Học Căn Bản

Mon,25/03/2019
Lượt xem: 8003

 I.      Dẫn nhập

Trong thời đại chúng ta đang sống, mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng: từ niềm tin, tư tưởng đến những văn minh vật chất, do đó các tín hữu đều mong tìm thấy nơi Giáo Hội những lời dạy dỗ rõ ràng và những hướng dẫn vững chắc cho việc sống đạo và việc truyền đạt những chân lý của đạo cho người khác. Vì thế, việc tìm hiểu về nguồn của môn thần học quả là cần thiết và cấp bách, bởi vì Thần học là một khoa học về Thiên Chúa, nghĩa là trình bày những quan điểm, những hiểu biết của con người về Thiên Chúa qua Kinh Thánh, qua Thánh Truyền, qua huấn quyền của Giáo hội và qua những kinh nghiệm... Thần học cung cấp rất nhiều kiến thức, dựa trên lý luận chặt chẽ để nói về Thiên Chúa. Thần học có tính uyên bác, đi vào chuyên môn, nghiên cứu theo thứ tự, hệ thống hóa các tư tưởng theo luận lý, phân tích: Thiên Chúa, Chúa Kitô, Giáo Hội, Ân sủng....[i] Vậy, chúng ta đi tìm nguồn của thần học căn bản cũng không ngoài mục đích đó. Theo Karl Rahner: Thần học căn bản là một yếu tố của thần học tín lý. Thần học căn bản theo nghĩa thường dùng, chỉ giáo trình thần học nghiên cứu những thực tại đầu tiên và căn bản của Kitô giáo. Thần học căn bản phải cho thấy tính khả tín của sự kiện mặc khải trong lịch sử; thần học tín lý phải cho thấy tính khả tín của nội dung mặc khải. Cả hai khía cạnh này đòi hỏi và bổ túc lẫn nhau. Nền thần học căn bản này thay thế cho nền thần học nền tảng có chức năng như nền thần học tự nhiên và khoa hộ giáo; chủ định của nền thần học căn bản này là tìm cơ sở lý luận cho hiện hữu của Nguyên nhân siêu nghiệm và tính khả tín của mặc khải. Cả hai vẫn còn hợp pháp, nhưng hiện nay được hiểu như thuộc về phạm vi thần học mặc khải. Theo đó, ngay từ đầu, mặc khải được hiểu như việc soi sáng ý nghĩa hiện hữu con người.[ii] Mặt khác, chức năng phê bình và biện minh của thần học căn bản phải được thực hiện trong mọi giáo trình tín lý. Như thế, xét theo nghĩa thần học tích cực: thu lượm và hệ thống hóa những dữ kiện mặc khải, tiềm ẩn hoặc minh nhiên trong Kinh Thánh, Truyền Thống và Huấn Quyền, kinh nghiệm, lý trí và cả khoa học nữa… Đây chính là cái mà người ta gọi là “nguồn” của thần học hay cái nôi thần học.

II. Các nguồn của Thần Học căn bản

1. Kinh Thánh

Nguồn suy tư thần học nằm ngay chính tâm điểm của Kinh Thánh. Kinh Thánh không đơn thuần là cội nguồn xuất xứ của suy tư thần học, mà chính là "khuôn vàng thước ngọc" cho việc suy tư thần học. Kinh Thánh Tân Ước không chỉ làm chứng Đức Giêsu chính là Đấng Kitô, mà còn minh chứng cho đức tin của các cộng đoàn kitô đầu tiên. Hơn nữa, chứng từ của Kinh Thánh Tân Ước bắt nguồn từ giữa những cố gắng để giải thích về Đức Giêsu cách thần học,và là bằng chứng của một niềm tin đượm nhuần suy tư. Đây là lối nhìn mới, vì trước đây Kinh Thánh được coi như là nguồn liệu cơ bản cho thần học, hoặc như là đối tượng của suy tư thần học. Xác tín trên đây đã được Công Đồng Vatican II mạnh mẽ khẳng định. Hiến Chế tín lý về Mặc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum) cho thấy suy tư thần học đã thâm nhập Tân Ước cho tới tầm mức nào. Chương V, đoạn 19 của Hiến Chế khẳng định rõ điều đó.[iii] Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa nói với con người bằng chính ngôn ngữ của con người trong quá khứ và cũng là điều Thiên Chúa đang nói với chúng ta hôm nay.

2. Truyền thống

Ngoài Thánh Kinh, một phần mạc khải còn được lưu lại dưới hình thức truyền khẩu và trong giáo huấn của Giáo Hội, vì Thiên Chúa cũng tự truyền thông chính mình qua những khía cạnh khác của đời sống Giáo Hội. Ngay buổi đầu, do những cuộc trở lại đạo đông đúc, các tín hữu đã sớm thành hình những biểu thức đức tin nền tảng của Kitô giáo… Chúng ta biết được bản tóm lược đạo lý căn bản này qua Kinh tin kính. Kinh Tin kính là bản tóm lược giáo lý nền tảng của đạo công giáo, được triển khai trong phần I sách Giáo lý công giáo. Thánh Cyrilô thành Giêrusalem nói về Kinh Tin kính như sau : “Bản tổng hợp đức tin này được soạn thảo không theo ý kiến loài người, nhưng dựa trên những giáo lý quan trọng nhất của toàn bộ Thánh Kinh, để tạo nên một giáo huấn đức tin duy nhất”. Theo Thánh Ambrôsiô thì : “Kinh Tin kính là dấu ấn tín thiêng liêng, là điều tâm niệm, là người canh giữ luôn hiện diện, chắc chắn đó là kho tàng của linh hồn chúng ta.[iv]

3. Huấn quyền

Trong các bộ sách giáo khoa thần học thời Tân kinh viện, nội dung bàn thảo về các chủ đề thần học khởi đầu bằng cách trình bày những luận đề giải thích về giáo huấn của Giáo Hội. Đó là cuốn Theologia Wirceburgensis năm 1771, đã từng được phổ biến rộng rãi, thịnh hành và thông dụng cho việc giảng huấn thần học. Sở dĩ nội dung bàn thảo thường bắt đầu với một luận đề về giáo huấn của Giáo Hội là do thần học Tân kinh viện xác nhận rằng giáo huấn của Giáo Hội là quy phạm trực tiếp của đức tin. Chính giáo huấn này đem lại cho tín hữu một quy phạm rõ ràng và một căn bản xác định, để lấy đó làm tiêu chí mà nắm chắc được những chân lý tích chứa trong Kinh Thánh và các truyền thống. Bên cạnh đó, phụng vụ cũng mang chiều kích thần học. Niềm tin của người kitô hữu được diễn tả qua việc cử hành phụng vụ. Tất cả các mầu nhiệm Kitô giáo được loan truyền trong giáo lý và được hiện tại hóa trong phụng vụ.[v]

4. Kinh nghiệm

Thần học cũng phải lấy nguồn từ kinh nghiệm của con người, hay các thần học gia phải tham dự vào kinh nghiệm sống và việc thực hành đức tin Kitô giáo như một người trong cuộc (đã được ghi lại và khơi gợi trong Kinh Thánh và truyền thống). Như thế, ta có thể gọi thần học là “kinh nghiệm tôn giáo tìm kiếm sự hiểu biết”. Mà kinh nghiệm nó mang hai chiều kích: kinh nghiệm ‘lịch sử’ và kinh nghiệm ‘siêu việt’ điều nhằm cung cấp một nền tảng nào đó cho việc suy tư về những khái niệm căn bản của mặc khải, truyền thống và thần hứng.[vi] Lời Chúa có thể đến với chúng ta bằng nhiều cách qua những dấu chỉ của thiên nhiên, của lịch sử. Qua những dấu chỉ này, con người khám phá ra sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa. Do đó, Giáo Hội không ngừng tìm kiếm và khám phá ý nghĩa của những biến cố bên trong và ngoài Giáo Hội. Những dấu chỉ thiên nhiên luôn có chung quanh chúng ta, vì Thiên Chúa luôn ở với chúng ta mọi nơi mọi lúc và Chúa Kitô phục sinh làm phong phú mọi sinh hoạt của con người. Vì thế, chúng ta phải xem những biến cố xảy ra trong cuộc đời, qua mọi thời đại như những ‘dấu chỉ’ Thiên Chúa muốn mặc khải cho con người thời đó. Đức chân phước Gioan XXIII nhấn mạnh đến nhu cầu phải đọc những “dấu chỉ thời đại” để nhận thức điều Thiên Chúa nói với chúng ta. Đây chính là ‘dấu chỉ’ được để cập tới trong Tin Mừng Matthêu.[vii]

5. Lý trí

Đề cập đến Lý trí, chúng ta thường nghĩ về các phương pháp khác nhau để giúp hình thành ý tưởng, khái niệm và lập luận. Lý trí là khả năng kết nối các ý tưởng, khái niệm và lập luận thông qua các hình thức khác nhau của tổng hợp và phân tích. Chúng ta sử dụng những cụm từ như ‘suy nghĩ’, ‘xem xét’, ‘quyết định’, ‘hợp lý hoá’, ‘sử dụng logic’ để mô tả những gì chúng ta cho là bởi lý trí. Lý trí là một món quà Chúa ban cho phép chúng ta giải thích Kinh Thánh, Truyền Thống, và kinh nghiệm trong ánh sáng của thế giới, trong đó chúng ta tìm thấy chính mình. Lý trí cho phép chúng ta nghiên cứu và phát triển kiến thức về Kinh Thánh, Truyền Thống, và kinh nghiệm, từ đó giúp ta nhận ra giá trị của Kitô giáo sâu sắc hơn.

6. Khoa học.

Có thể nói ngày nay thần học căn bản cũng phải nại đến nguồn của khoa học, vì thần học cần phải biết sử dụng tới ngôn ngữ của các khoa học nhân văn nữa, ví dụ: như các khoa học về ngôn-ngữ, tâm lý, xã hội…Một giám đốc dự án giải mã gen người, Francis s. Collins, trong tác phẩm “Ngôn ngữ của Chúa những bằng chứng khoa học về đức tin”, đã đưa ra một vấn nạn và chính ông trả lời như sau: Liệu có thể có cơ hội cho sự hòa hợp giữa những quan điểm của giới khoa học và giới tâm linh, khiến cả hai đều cảm thấy hoàn toàn hài lòng trong kỷ nguyên mới của vũ trụ học của sự tiến hóa và của hệ gen người hay không? Tôi xin trả lời với một từ “Có” rõ ràng. Cá nhân tôi cho rằng, không hề có xung đột nào giữa một nhà khoa học thực thụ với một người đặt đức tin vào Chúa, Đấng chăm sóc tới từng cá nhân chúng ta. Lĩnh vực hoạt động chính của khoa học là để khám phá ra tự nhiên, còn lĩnh vực hoạt động chính của Chúa là thế giới tâm linh, một thế giới hoàn toàn không thể khám phá bằng các công cụ hay ngôn ngữ của khoa học. Chúng ta cần phải kiểm nghiệm điều đó bằng trái tim, trí óc, và linh hồn - và trí óc phải tìm ra cách để hài hòa cả hai lĩnh vực này.[viii]

II. Kết luận

Việc tìm hiểu các nguồn của thần học căn bản giúp ta hiểu rằng: Thần học căn bản được thoát thai từ khoa Hộ giáo. Trước đây, ba đề tài chính của hộ giáo là: mặc khải, Đức Ki-tô và Giáo hội. Phương pháp áp dụng trong khoa hộ giáo bị chỉ trích là thiếu tính thần học; vì thế, từ Công đồng Vaticano II, ba đề tài ấy được trình bày trong chính thần học tín lý, dựa trên Thánh Kinh, Thánh Truyền, chứ không phải suy diễn triết lý như trước đây nữa. Tuy nhiên, thay vì cho khoa hộ giáo đã về hưu, người ta đã đặt cho nó một tên mới: “Thần học căn bản” vì nhận thấy cần phải có một ngành nghiên cứu về những nền tảng của đức tin và thần học. Karl Rahner nhận định: Thần học căn bản là một yếu tố của thần học tín lý. Thần học căn bản phải cho thấy tính khả tín của sự kiện mặc khải trong lịch sử; thần học tín lý phải cho thấy tính khả tín của nội dung mặc khải. Cả hai khía cạnh này đòi hỏi và bổ túc lẫn nhau. Chức năng phê bình và biện minh của thần học căn bản phải được thực hiện trong mọi giáo trình tín lý. Thần học càng ảnh hưởng khoa chú giải thì càng không có sự phân biệt giữa thần học căn bản và thần học tín lý. Như thế, khi tìm hiểu, suy tư về mặc khải và đức tin, thần học căn bản tìm hiểu những khái niệm và thực tại đó cách chủ quan lẫn khách quan theo tinh thần phê bình, vì vậy, nó thực thi chức năng biện minh và hộ giáo, và đặt nền tảng khoa học cho thần học.

Antôn Nguyễn Xuân Bá, K.11

Trích: Nội san Đức Tin Và Văn Hóa, số 2


[i] Hợp tuyển thần học số 6, Các Nguồn Chứng Liệu: Kinh Thánh và Thánh Truyền, www.htth.org/cac_so_bao.html.

[ii] Giáo trình thần học căn bản, Đại Chủng Viện Vinh Thanh, 13

[iii] Công đồng Vaticano II, Phân khoa thần học giáo hoàng học viện Thánh Pio X, Ch 5, tr 508

[iv] Hợp tuyển thần học số 6.

[v] Hợp tuyển thần học số 6,

[vi] Gerard O’Collins, S,J. Thần Học Căn Bản, Lm Đaminh Nguyễn Đức Thông dịch, 109.

[vii] Mt 16, 3.

[viii] Francis s. Collins, Ngôn Ngữ Của Chúa, Nhà xuất bản lao động, 17.

Nguồn tin: