Ma Quỷ Học - Mục I. Kinh Thánh

Mon,27/02/2023
Lượt xem: 792

Nhập đề: Từ ngữ tiếng Việt (ma quỷ) và từ ngữ dùng trong Kinh thánh (Satan, diabolus)

I. Kinh thánh: A. Cựu ước – B. Tân ước

II. Lịch sử thần học: A. Các giáo phụ – B. Thần học kinh viện – Huấn quyền

III. Suy tư thần học: A. Sự hiện hữu của các ma quỷ – B. Nguồn gốc và sự sa ngã

IV. Tác động của ma quỷ trong thế giới

V. Hội thánh đối kháng ma quỷ. Nghi thức trừ tà.

VI. Kết luận: Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo

—————–

Từ sau công đồng Vaticanô II, trong chương trình đào tạo tại nhiều chủng viện và học viện công giáo, người ta thấy xuất hiện những môn học mới, chẳng hạn như: Thông diễn học, Tôn giáo học, Nhân học, nhưng chắc chắn là không có nơi nào dạy môn “Ma quỷ học”. Lý do dễ hiểu: thần học là học về Thiên Chúa, chứ đời thuở nào lại học về ma quỷ! Tuy nhiên, chúng ta đừng nên quên rằng, ngay từ đầu sách Summa Theologica, thánh Tôma Aquinô đã nêu câu hỏi: Phải chăng thần học chỉ bàn về Thiên Chúa mà thôi, hay còn bàn về những chuyện khác nữa? Và câu trả lời là: Thần học không chỉ bàn về chính Thiên Chúa mà thôi, nhưng còn bàn về Thiên Chúa như là nguyên ủy và cứu cánh của vạn vật.[1] Theo kiểu nói của các giáo phụ Dông phương, đối tượng của thần học không chỉ là Theologia (bản tính Thiên Chúa) cho bằng Oikonomia (kế hoạch cứu độ).

Thực ra, trong bộ Tổng luận thần học, sau khi đã bàn về bản tính Thiên Chúa (De Deo uno et trino: q.2-43), thánh Tôma bước sang khảo luận về sự tạo dựng, và đứng đầu các loài thụ tạo là các thiên thần (q.50-64). Vào mùa Chay, thường đề tài các bài giảng hoặc suy niệm là sự thống hối và hoán cải. Năm nay, chúng tôi muốn bàn về các thiên thần và ma quỷ, chủ đề của bài Tin mừng chúa nhật thứ nhất (“Khi ấy, Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ …Bấy giờ ma quỷ bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại hầu hạ Người”). Vì thời gian eo hẹp, chúng tôi không đề cập đến các thiên thần[2], mà chỉ bàn về các ma quỷ vì tính cách thời sự của nó. Thật vậy, không ít nhà thần học nghi ngờ về sự hiện hữu của ma quỷ, và cho rằng đó chỉ là biểu tượng của Sự dữ. Thế nhưng, đó chỉ là ý kiến của một số nhà “trí thức”, trong khi dân gian vẫn tỏ ra hiếu kỳ đối với hiện tương trừ quỷ, thậm chí còn có đạo thờ Satan nữa[3].

Chúng tôi xin trình bày đề tài trong 6 mục như sau:

I. Kinh thánh (Cựu ước và Tân ước)

II. Truyền thống Giáo hội (Các giáo phụ; Thần học kinh viện; Huấn quyền)

III. Suy tư thần học:

A. Sự hiện hữu của các ma quỷ

B. Nguồn gốc và sự sa ngã

IV. Tác động của ma quỷ

V. Hội thánh đối kháng ma quỷ

VI. Kết luận: Ma quỷ trong sách Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ngành thần học nghiên cứu về ma quỷ được đặt tên là Demonologia, thuật ngữ này đã được dùng làm tựa đề của một văn kiện của Bộ Đạo lý Đức tin (Foi chrétienne et démonologie) đăng trên báo L’Osservatore Romano ngày 26/6/1975[4].

Trước khi vào đề, thiết tưởng cần nói đôi lời về từ ngữ. Kinh thánh đã sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau để mô tả ma quỷ; điều này cho thấy sự da dạng của thực tại này. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ Việt Nam, từ “ma quỷ” không hoàn toàn  trùng hợp với thực tại Satan (diabolus) được đề cập trong Kinh thánh.

A. Tiếng Việt

Trong văn chương cổ truyền cũng như trong các tín ngưỡng dân gian, “ma” và “quỷ” được hiểu theo nhiều nghĩa:

– ma có thể chỉ là hồn người chết (đám ma, hồn ma, thây ma); hoặc là phép mầu (ma thuật, ma lực); nó mang nghĩa xấu khi được phiên âm từ “ma la” tiếng Phạn (ma chướng)[5];

– quỷ có thể là dối trá (quỷ quyệt, quỷ kế)[6];

– ma quỷ có thể hiểu về loài ma dữ (đi làm hại người), nhưng đôi khi chỉ là kẻ nghịch ngợm thôi: “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Trò “quỷ thuật” chẳng có gì xấu cả.

B. Kinh thánh

Trong Kinh thánh, ý nghĩa của các từ ngữ không thống nhất, đặc biệt khi được chuyển nghĩa từ tiếng Híp-ri (Cựu ước) sang tiếng Hy-lạp (Tân ước) và La-tinh (các giáo phụ). Satan (tiếng Hip-ri) được dùng 26 lần trong Cựu ước, satanas (chuyển âm từ Hip-ri sang Hy-lạp) xuất hiện 34 lần trong Tân ước, daimonion (tiếng Hy-lạp) được dùng 63 lần, diabolos (tiếng Hy-lạp) 37 lần. Ngoài ra, Kinh thánh còn đặt nhiều tên khác để ám chỉ “ác thần”, như sẽ thấy trong các mục dưới đây. Ở đây, chúng tôi chỉ giới hạn vào việc phân tích từ ngữ.

– Satan tiếng Hipri có nghĩa là “kẻ thù” (theo nghĩa chính trị hoặc quân sự: 1 Sm 29,4; 2 Sm 19,3; 1 V 5,18; 11,14.23.25), “kẻ tố cáo” (Tv 109,6), “đối thủ” (Hc 21,27), “kẻ lường gạt”. Danh từ này được sử dụng trong cuộc sống xã hội (một nhân vật hay một chức vụ), chứ không nhất thiết hiểu về loại quỷ ma.

– Satan được dịch sang tiếng Hy lạp là diabolos (đối thủ, kẻ thù, kẻ tố cáo) và bắt đầu mang nghĩa tiêu cực (nghĩa xấu) khi nó được tán tự là “chia rẽ, lường gạt” (tách rời chúng ta ra khỏi Thiên Chúa), gồm bởi dia-ballein (dia: xuyên qua; ballein: ném, quăng). Sau đó diabolos được chuyển sang tiếng La-tinh là diabolus, tiếng Pháp là diable và tiếng Anh là devil (rất dễ lẫn với evil: sự xấu, nhưng cũng có tính từ diabolic).

– Daimonion. Trong nguyên ngữ Hy-lạp cổ điển, daimones được hiểu về các thần linh (chứ không phải là quỷ dữ)[7]. Sau này daimonion được chuyển sang tiếng La-tinh là demonium (nghĩa xấu), rồi démon trong tiếng Pháp (tiếng Anh cũng dịch là devil tuy cũng có tính từ demonic).

Trên đây là những từ ngữ khái quát.  Nên ghi nhận là các từ này đều được dùng ở số ít. Sau này, khi đi vào các tác phẩm cụ thể, chúng ta còn gặp thấy nhiều từ ngữ khác nữa, chẳng hạn như: “thần khí ô uế” (Mc 1,23.26; 3,11.31; 5,2); Beelzebul: thần ruồi (Mc 3,22), Mammona (Mt 6,24).

Mục I. Kinh thánh

Cần lưu ý đến sự thay đổi không nhỏ về hình ảnh Satan trong Cựu ước và Tân ước

I. Cựu ước

So sánh với văn chương của các dân tộc láng giềng, Kinh thánh ít khi đả động đến ác thần, có lẽ vì muốn bảo vệ đức tin độc thần (chống lại các tôn giáo nhị nguyên, chủ trương có thần Thiện và thần Ác)[8]. Vì thế, tác giả Kinh thánh không ngần ngại quy gán các tai ương cho Thiên Chúa: chính Ngài đã gây ra chúng để trừng phạt tội lỗi loài người (x. Ds 11,1; 21,6). Chính Thiên Chúa sai “thiên sứ tàn sát” để giáng các tai hoạ xuống dân Ai-cập (Xh 12,23); Thiên Chúa gửi “thần khí bất hoà” để gây chia rẽ giữa vua Abimelech và dân (Tl 9,23), hoặc “thần khí lường gạt” để đánh lừa vua Akhab (1V 22,23)[9]. Ở sách các Vua, quyển 1, chương 16, chúng ta đọc thấy ở câu 14: “thần khí của Giavê rút khỏi Saul, và một thần khí xấu của Giavê hành hạ ông cách kinh khủng” (lưu ý: thần khí xấu là của Giavê, xc. các câu 15.16 và ở chương 18,10; 19,9).

Để giải thích nguồn gốc của sự dữ, Cựu ước đưa ra hai thuyết:

1/ Ý muốn tự do của con người, đã chống lại các mệnh lệnh của Chúa. Đây là nguyên nhân của tội lỗi nơi nguyên tổ cũng như nơi mọi thế hệ.

2/ Có một yếu tố nào đó ở bên ngoài con người, chẳng hạn con rắn đã cám dỗ nguyên tổ nhân loại (St 3,1.2.4.13.14). Có lẽ tác giả sách Sáng thế coi con rắn như một biểu tượng, nhưng về sau này, tác giá sách Khôn ngoan (viết bằng tiếng Hy-lạp) giải thích nó là một diabolos (Kn 2,24: “Vì sự ganh tị của quỷ, cái chết đã đi vào thế giới; và những ai thuộc phần của hắn thì nghiệm thấy cái chết”).

Lần đầu tiên Satan được nói đến trong Cựu ước là sách Dân số (22,22-32), khi một sứ giả của Chúa chặn đường con lừa của ông Balaam. Nên lưu ý ở chỗ này, Satan chưa có nghĩa tiêu cực; việc hình dung vai trò của nó sẽ tiến triển theo thời gian[10].

a- Vào lúc đầu Satan giữ một vai trò tích cực, đó là bảo vệ công lý của Thiên Chúa. Ta có thể so sánh với vai trò viên công tố ở pháp đình, vạch ra tội phạm (mà có lẽ đã bị quên lãng), chẳng hạn như Hađát và Rơson được Chúa gửi đến để phản kháng tội lỗi của vua Salomon (1V 11,14.23).

b- Sau thời lưu đày, kể từ sách Giob (thế kỷ V) và sách Dacaria (520-518), vai trò của Satan trở nên tiêu cực: nó không chỉ đặt nghi vấn về sự trong sạch của con người mà còn muốn gây hại cho con người (Dcr 3,1-2). Điều này càng nổi bật hơn nữa nơi sách Giob (1,6-12; 2,17): Satan xin Chúa hãy thử thách ông Giob. Nên lưu ý Satan là đối thủ của con người chứ không phải đối thủ của Thiên Chúa; hắn làm trinh thám cho Chúa mà[11]!

c- Trong sách Biên niên sử (viết khoảng thế kỷ IV-III trước CN), Satan trở thành kẻ xấu; hắn xúi giục Đavit phạm tội (1Sbn 21,1: “Satan đứng lên chống Israel và xúi giục vua Đavit thống kê dân số Israel”).

II. Tân ước

Satan ít được nói đến trong Cựu ước, nhưng sang Tân ước thì tình hình thay đổi hẳn, tuy rằng mỗi tác giả nhấn mạnh một khía cạnh. Chúng tôi chia thành bốn nhóm để phân tích: Tin mừng nhất lãm; thánh Phaolô, thánh Gioan, các tác giả khác.

A. Tin mừng nhất lãm

Trong các sách Tin mừng nhất lãm, Satan (satanas, diabolos, daimonion, ho poneros: kẻ ác) không chỉ là đối thủ của loài người như trong Cựu ước, nhưng nhất là đối thủ của Đức Giêsu, chống đối công việc của Người. Đối lại, Đức Giêsu được trình bày như là kẻ chiến đấu với Satan khi Người thiết lập vương triều của Thiên Chúa. Chúng ta gặp thấy các trình thuật trong những bối cảnh chính sau đây:

1) Cuộc cám dỗ (Mc 1,12-13; Mt 4,1-11; Lc 4,1-13). Đã có nhiều ý kiến được đặt ra chung quanh sử tính của trình thuật này[12]: có người cho rằng đây là một câu chuyện do cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi tạo ra; có người nghĩ rằng câu chuyện này đã được Đức Giêsu kể lại cho các môn đệ, nhưng Hội thánh tiên khởi đã viết lại dựa trên những trình thuật về cuộc thử thách Israel trên sa mạc (x. sách Xuất hành và Đệ nhị luật). Dù nói gì đi nữa, Satan và Đức Giêsu trở thành hai đối thủ.

Chúng ta cũng có thể đặt trong bối cảnh này lời Đức Giêsu quở trách ông Phêrô là satan khi ông can ngăn Người đừng đi theo con đường khổ nạn: ACút đi, Satan, bởi vì con đường mà anh nghĩ không phải là con đường của Thiên Chúa” (Mc 8,31-33; Mt 16,21-23); ở đây có thể là satan núp đàng sau lưng ông Phêrô, nhưng ta cũng có thể hiểu satan theo nghĩa bóng (kẻ cám dỗ). Ông Phêrô còn được nghe nhắc đến satan một lần nữa, nhưng không theo nghĩa biểu tượng: “Simon, Simon, anh phải biết rằng satan đã xin được sàng anh như sàng gạo; nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,31).

Dù sao, Luca còn trở lại trong cuộc đời Đức Giêsu và hồi tử nạn: chính hắn đã xúi ông Giuđa Iscariot đi trao nộp Người (Lc 22,3-4). Gioan còn nói rõ hơn nữa: Satan nhập vào ông Giuđa sau khi ông lãnh tấm bánh từ Đức Giêsu (Ga 13,27).

2) Dụ ngôn người gieo giống (Mc 4,15; Mt 13,19; Lk 8,12). Kẻ tìm cách phá huỷ công trình của Đức Kitô trên thế giới được gọi là “satanas@ (Mc), “kẻ ác” (Mt), “diabolos” (Lk).

3) Mặt khác, Chúa Giêsu không đứng trong vị trí thế thủ, nhưng Người tấn công Satan bằng nhiều cách.

(i) qua những việc trừ tà, thí dụ người bị quỷ ám ở Giêrasa (Mc 5,1-20; Mt 8,28-34; Lc 8,26-39)[13]; người động kinh bị quỷ ám (Mc 9,14-29; Mt 17,14-21; Lc 9,37-43); người bị quỷ ám ở Capharnaum (bị ám bởi “thần khí ô uế”: Mc 1,21-28; Lc 4,33-37); con gái của người phụ nữ Phênixi (“thần khí ô uế”: Mc 7,24-30; Mt 15,21-20); người câm bị quỷ ám (Mt 9,32-34; Lc 11,14), và bà Maria Magđala (Lc 8,2). Việc trừ tà trở thành hoạt động thường xuyên của Đức Giêsu, đến nỗi các tác giả có thể tóm lược thành một nhận xét tổng quát: “Chiều hôm ấy, khi mặt trời lặn, người ta mang đến cho Người hết mọi người bệnh tật và những người bị quỷ ám, và Người đã chữa lành những kẻ bị khổ sở vì các chứng bệnh; Người cũng xua đuổi nhiều daimonia” (Mc 1,32-34 và song song); “các thần khí ô uế, khi thấy Người thì sụp lạy và la lên: Ngài là Con của Thiên Chúa” (Mc 3,11 và song song; Xem thêm Cv 10,38). Chúng ta thấy những trường hợp “bệnh tật” và “quỷ ám” thường được gắn liền với nhau: rất có thể nhiều trường hợp chỉ là bệnh tật theo quan điểm y học thời nay (thí dụ động kinh) nhưng vào thời xưa bị coi là quỷ ám; hoặc bà Mađalêna được chữa khỏi bảy quỷ (Mc 16,9; Lc 8,2) nhưng có thể chỉ là một bệnh. Tuy nhiên, không thể nào phủ nhận tuyệt đối sự hiện hữu của việc quỷ ám, xét vì cách đối xử khác biệt của Đức Giêsu khi đối diện với người bệnh và với Satan.

(ii) Trong cuộc tranh luận với người Pharisêu và các kinh sư về việc trừ tà, họ nói rằng Người đã dùng quyền năng Beelzebul[14], tướng của các daimonia (Mc 3,22). Lợi dụng cơ hội này, Đức Giêsu giải thích rằng Satan không thể nào chống lại chính mình được; do đó quyền năng của Người đến từ một thế lực cao hơn: “Nhưng nếu do Thần khí Thiên Chúa mà tôi xua đuổi daimonia, thì chắc hẳn là vương quốc Thiên Chúa đã đến giữa các ông”  (Mt 12,28; Lc 11,20). (Nên biết là ông Gioan Tẩy giả cũng bị tố cáo là có một daimonion bởi vì ông không ăn không uống: Mt 11,16-18; Lc 7,31-35).

(iii) Đức Giêsu báo cho các môn đệ biết rằng sự sụp đổ của các thần ô uế nhờ quyền năng mà Người trao cho các ông (Mc 6,7; Mt 10,1; Lc 9,1). Khi các ông trở về sau cuộc rao giảng, Người tuyên bố: “Thầy đã thấy Satan  như một tia chớp từ trời rơi xuống” (Lc 10,18). Quyền trừ quỷ đã được Người trao cho các môn đệ như một dấu hiệu kèm theo việc loan báo Tin mừng (Mc 16,17). Tuy nhiên, Người cũng cảnh báo cho các ông biết rằng vào ngày chung thẩm, quyền năng trừ tà chẳng mang ích lợi gì nếu họ không thực hành các điều Chúa truyền: “Trong ngày ấy, nhiều kẻ sẽ thưa với tôi rằng: Lạy Chúa, chúng con đã chẳng nói tiên tri nhân danh Thầy, đã chẳng xua đuổi quỷ nhân danh Thầy, đã chẳng làm việc lạ nhân danh Thầy đấy ư?” (Mt 7,22)[15]. Mặt khác, Chúa Giêsu dạy các môn đệ hãy cầu nguyện: “Lạy Cha, đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng hãy cứu chúng con khỏi kẻ ác” (Mt 6,13; x. 22,40.46: “Hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ”).

B. Thánh Phaolô

Thánh Tông đồ sử dụng những từ ngữ cổ truyền, chẳng hạn như Satanas (10 lần), daimonion (5 lần); ngoài ra, Người còn thêm những từ ngữ mới: “những quyền lực”, “những yếu tố của thế gian” (Gl và Cl). Chúng ta hãy xem các bản văn.

1) Những từ ngữ chung với các tác giả Tân ước: Satan, diabolos

– Satan chính là kẻ đã ngăn cản hành trình của thánh Phaolô đến thăm cộng đoàn Têxalonica (1 Tx 2,18). Satan là kẻ hành hạ thân xác của ông (2Cr 12,7). Satan cũng sẽ hành hạ những tội nhân cần phải hoán cải (1 Cr 5,5; 7,5; 1 Tm 1,20; 5,15). Satan là kẻ ngăn cản chúng ta tha thứ (2 Cr 2,11); kẻ trá hình làm sứ giả của ánh sáng (2 Cr 11,14). Nói khác đi, Satan là kẻ mưu toan làm hại người khác, là công cụ của Phản-Kitô, kẻ phản loạn (2 Tx 2,9). Tuy nhiên, thánh Phaolô cho biết rằng Thiên Chúa bình an sắp đè bẹp Satan (Rm 16,20). “Mầu nhiệm của sự gian ác” (mysterium iniquitatis) sẽ bị Đức Chúa huỷ diệt trong ngày quang lâm (2 Tx 2,7).

– Diabolos có nghĩa tương tự như ma quỷ trong sách Tin mừng (Ep 4,27; 6,11). Nhưng trong các thư mục tử, từ ngữ này được dùng để ám chỉ những con người nói hành, vô luân (1Tm 3,6.7.11; 2Tm 2,26; 3,3; Tt 2,3). Những từ ngữ tương đương: “Kẻ ác” (ho poneros: Ep 6,16; 2 Tx 3,3); “kẻ cám dỗ” (ho peirazon: 1 Tx 3,5), “Chúa của thế gian này” (2 Cr 4,4).

Mặc dù thánh Phaolô biết ảnh hưởng của sự dữ trong thế gian này (Rm 5,12) nhưng ông không nói đến những con người bị quỷ ám. (Sách Công vụ cho biết là ông đã gặp những người ấy trên đường truyền giáo (Cv 13,10; 16,16-18; 19,15).

2) Những thuật ngữ riêng của thánh Phaolô

– Beliar đối thủ của Đức Kitô được nhắc đến 1 lần (2Cr 6,15) trong toàn thể Tân ước, và người ta không rõ ý nghĩa. Trong Cựu ước, belial (đi kèm với cụm từ “con cái của”) ám chỉ người dữ (Đnl 13,14; Tl 19,22; 1 Sm 1,16; 2,13).

– Trong hai lá thư gửi Colosê và Ephêsô, chúng ta gặp những thuật ngữ đặc biệt “các quyền năng dũng lực ” (Cl 1,16; 2,10.15; Ep 1,21; 3,10; 6,12), được mô tả với nhiều từ ngữ tương đương: Archai (thủ lãnh, nguyên thủ, nguồn gốc); Exousia (quyền năng, quyền lực hành động); Dynameis (khả năng, năng lực). Kyriotetes (chủ tể, chủ lực, uy quyền); Thronoi (ngai tòa, ngôi)[16]. Những từ ngữ này lấy từ thể văn khải huyền của người Do thái, có thể ám chỉ các quyền lực thiêng liêng dù tốt hay xấu, tuy rằng chúng không hẳn là vô hình nhưng có thể biểu hiện qua các định chế xã hội. Nơi thánh Phaolô, các quyền lực này được nhân- cách-hoá như là những quyền lực trên trời có thể gây tác hại đến các lực lượng của vũ trụ hay với quyền bính nhân loại (x. Ep 6,12: “những kẻ thống trị thế giới”; 1Cr 2,6.8: “những thủ lãnh của thế gian này”). Vào lúc đầu, chúng được dựng nên nhờ và vì Đức Kitô , do đó chúng không xấu. Nhưng sau đó, chúng từ chối không nhìn nhận quyền tối thượng của Đức Kitô và trở nên xấu. Thánh Phaolô lo ngại rằng các tín hữu ở Colosê và Êphêsô thờ lạy các quyền lực ấy để khỏi bị chúng quấy phá. Thánh Phaolô không phủ nhận sự hiện hữu của chúng (như trong trường hợp các ngẫu tượng nói ở 1Cr 8,4; 10,19), nhưng ông khẳng định rằng những quyền lực ấy không thể làm hại ta bởi vì chúng đã bị Đức Kitô đánh bại rồi.

C. Các văn phẩm của thánh Gioan

Có thể phân làm hai nhóm: một bên là sách Tin mừng và các thư; bên kia là sách Khải huyền.

1) Trong sách Tin mừng và các thưdiabolos được nhìn dưới ba khía cạnh:

(i) Nguồn gốc của tội lỗi (tội phản bội của Giuđa Iscariot: Ga 6,70; 13,2.27), cũng như tội không tin của người Do thái (Ga 8,45). Đề tài này được khai triển nơi 1Ga 3,8, khi đồng hóa kẻ phạm tội với kẻ thuộc về diabolos bởi vì nó đã phạm tội ngay từ thuở đầu. Con Thiên Chúa đã đến để phá hủy công việc của nó. Tác giả của thư thứ nhất vạch ra sự đối kháng giữa con cái Thiên Chúa và con cái ma quỷ, giữa việc làm của Thiên Chúa với việc làm của ma quỷ (3,12: 5,18-19). Các con cái của Thiên Chúa đã thắng Kẻ Ác (2,13.15).

(ii) Đức Giêsu bị tố cáo là “bị quỷ ám” vào ba dịp: sau khi đã chữa bệnh vào ngày Sabat (Ga 7,20); trong cuộc tranh luận lời qua tiếng lại với người Do thái (8,48); khi phản ứng lại Đức Giêsu tự xưng là Mục tử nhân lành (10,19).

(iii) Danh hiệu “Nguyên thủ của thế giới” (arkhon tou kosmou: 12,31; 14,30; 16,11)[17]. Khác với diabolos xâm nhập vào Giuđa hoặc xúi giục dân Do thái, “nguyên thủ của thế giới” (có nơi dịch là “thủ lãnh thế gian”) là kẻ đương đầu với Đức Giêsu. Tuy nhiên, kể từ nay, hắn đã bị tống khứ, nghĩa là mất hêt quyền hành trên các tín hữu rồi (12,31). Hắn vẫn cứ đến, nhưng chẳng có quyền hành với Đức Giêsu (14,30). Hắn đã bị xét xử rồi (16,11).

Các thuật ngữ “diabolos, nguyên thủ thế giới, kẻ ác” là biểu tượng, hay ám chỉ một nhân vật đối lập với đức Kitô?

b) Trong sách Khải huyền,[18] cách riêng từ chương 12 trở đi, chúng ta đọc thấy một cuộc giao tranh giữa Mãng xà (biểu tượng của quỷ dữ) và người Phụ nữ (biểu tượng cho Dân Thiên Chúa): mãng xà là con rắn gìa, quỷ và Satan (Kh 12,9), đầu mối của những cuộc bách hại (2,9; 3,9), ngẫu tượng (2,13; 9,20), lạc giáo (2,24). Nó chiếm giữ quyền năng siêu đẳng, tự đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa và bắt người ta thờ lạy (13,4), làm những việc lạ thường. Mặc dù nó gây ra nhiều tàn phá tai hại, nhưng cuối cùng hắn bị tống ra khỏi trời, và quẳng xuống đất. Con mãng xá là ai? Phải chăng đó là tượng trưng của Đế quốc Rôma, hay là của tất cả mọi lực lượng tội ác trong dòng lịch sử? Dù sao, sau bao nhiêu cuộc giao tranh, cuối cùng Satan bị quăng vào hồ lửa và chịu khổ đời đời kiếp kiếp (20,10).

D. Các thư phổ quát: 2 Phêrô và Giuđa

2Pr 2,4: “Thiên Chúa không dung thứ cho các thiên thần có tội, nhưng đã đẩy họ vào hồ Địa ngục tối tăm, giữ họ để chờ cuộc phán xét”. Gđ 6: “Những thiên thần đã không giữ địa vị của mình, nhưng rời bỏ nơi mình ở, thì Người dùng xiềng xích mà giam giữ họ đời đời trong nơi tối tăm, để chờ phán xét trong Ngày trọng đại”.

Xem ra hai đoạn này giải thích nguồn gốc của ma quỷ, nghĩa là những thiên thần sa ngã. Tuy nhiên, theo các học giả, có lẽ mục tiêu của chúng nằm ở chỗ khác. Hai tác giả khuyên các tín hữu đừng bỏ Chúa Kitô mà chạy theo các tiên tri giả (2 Pr 2,1; Gđ 4). Các ngài nhắc nhở họ về các hình phạt dành cho các tội ác trải qua lịch sử, tựa như: các thiên sứ, thành Sođôma, đại lụt (Pr), hoặc sa mạc. Các tác giả sử dụng những chất liệu đã có sẵn trong tay chứ không khẳng định về sử tính của chúng (chẳng hạn như cuộc giằng co giữa Micae và Satan về thi hài của ông Mosê – 2 Pr 11; Gđ 9 – lấy từ tác phẩm “Sự lên trời của ông Mosê”). “Tội của các thiên thần” là một dữ liệu lấy từ truyền kỳ bình dân (x. St 6,1-4, Sách Enoch), theo đó các thiên sứ – những “con trai Thiên Chúa” – đã phạm tội dâm ô với  “con gái loài người”, từ đó đẻ ra các Khổng lồ (nephilim).

Dù sao, trong 1Pr (5,8-9), chúng ta gặp thấy một đoạn văn được đọc trong giờ Kinh Tối từ bao thế kỷ qua: “Anh em hãy tỉnh thức, vì ma quỷ – diabolos– thù địch của anh em đang rình rập tìm mối cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự”.

Tóm lại, Satan là một thực tại phức tạp, được ám chỉ trong Kinh thánh bằng nhiều thuật ngữ (satan, diabolos, daimon, kẻ ác, thủ lãnh thế gian, địch thủ, kẻ cám dỗ…). Phải chăng đó là những nhân vật khác nhau, hay chỉ là một nhân vật dưới nhiều tên gọi? Kinh thánh nhấn mạnh đến tự do và trách nhiệm của con người trong việc chọn điều tốt hay điều xấu. Đồng thời, Kinh thánh cũng nhìn nhận sự hiện hữu của một quyền lực sự xấu, mà con người phải kháng cự và có thể thắng được nhờ quyền năng của Chúa Kitô. Tân ước nói đến Satan như là kẻ chống đối Đức Kitô, một kẻ bị Người xua đuổi khỏi những người bị ám hại, một kẻ tuyên xưng thiên tính của Người. Người tỏ lòng nhân từ đối với những kẻ tội lỗi, nhưng lại quở trách nặng nề Satan. Như vậy ắt hẳn Satan phải là một thực thể chứ không phải chỉ là một biểu tượng.

Trong bài này, chúng ta khảo sát các bản văn đề cập đến Satan trong Kinh thánh Cựu ước và Tân ước, để tìm hiểu những bối cảnh mà các tác giả mô tả sự xuất hiện của nhân vật ấy dưới nhiều hình thù. Tuy nhiên, chúng ta không được phép quên sứ điệp quan trọng nhất của Tân ước là Chúa Kitô phục sinh đã chiến thắng Satan và mọi hình thức sự dữ đè nặng trên nhân loại (tội lỗi, sự chết): “Can đảm lên. Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Thánh Phaolô đã hiên ngang ca lên: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-36).

——————

 

Phan Tấn Thành

 

[1] Summa Theologica, I pars, q.1, art.7. “Omnia pertractantur in sacra doctrina sub ratione Dei: vel quia sunt ipse Deus, vel quia habent ordinem ad Deum ut ad principium et finem”.

[2] Xc. Bài viết của Nt Maria Đinh Thị Sáng, Thần học về các thiên thần, trong: “Thời sự thần học” số 64, (tháng 5/2014), trang  66-10. Xem thêm:  Serge Th. Bonino, Angels and Demons. A Catholic Introduction. The Catholic University of America Press, Washington D.C. 2016.

[3] Đạo thờ Satan được phổ biến không phải tại những nơi quê mùa lạc hậu, nhưng là ngay tại Hoa Kỳ. Xc. Massimo Introvigne, Sự bùng nổ các tôn giáo mới, trong “Thời sự thần học” số 98 (tháng 11/2022), trang 31-32. Francis Arinze, Các tôn giáo mới trong các văn kiện Tòa Thánh, trang 126 và 132-133.

[4] Đây không phải là một văn kiện chính thức, nhưng là một bài nghiên cứu do Bộ Đạo lý Đức tin uỷ thác cho một chuyên viên ẩn danh. Văn kiện không được đăng trong công báo Acta Apostolicae Sedis nhưng có thể đọc trên mạng internet. Nguyên bản bằng tiếng Pháp, nhưng được dịch ra các ngôn ngữ chính của Âu châu:

 www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_19750626_fede-cristiana-demonologia_fr.html

[5] Theo Việt Nam tự điển của nhóm Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trụ soạn và hiệu đính, thì ma có ba nghĩa: Thứ nhấtma là hồn người chết không được cúng giỗ, không nơi nương tựa, hiện ra phá quấy người sống. Thứ haima tức là ý xấu, phần vô hình trong con người giục làm bậy. Thứ ba, dùng chỉ lễ chôn cất người chết: đám ma. Các loại ma được tự điển liệt kê gồm: Ma gà: Thứ ma hay theo những cô gái đẹp (theo quan niệm của dân tộc Tày – Nùng). Ma xó: theo tục người Mường, khi có người chết, đem dựng đứng ở xó nhà, sau thành ma. Mai lai: thứ người ban đêm hóa ma đi ăn phần người khác.  Ma men: người say chết thành ma thường hay lôi cuốn người khác say sưa tới chết.  Ma cà rồng: thứ ma thường hay nhập vào đi hút máu người khác.  Ma thần vòng: ma những người thắt cổ chết (sau giục người khác tự tử chết như họ).  Ma trành: ma cọp dữ, thường tìm dẫn cọp bắt ăn người khác để nó được đầu thai, …

[6] Cũng theo Việt Nam tự điển thì với tư cách danh từ quỷ là hồn kẻ tiểu nhân, kẻ dữ, hung ác, hoặc người chết oan hiện ra. Còn với chức năng tính từ thì quỷ chỉ sự tinh nghịch, sâu sắc: Mưu thần chước quỷ, … Các loại quỷ thường được dùng trong lời ăn tiếng nói như quỷ sứ, quỷ sa tăngquỷ nhập tràng, quỷ truyền kiếp, quỷ kiếm sầu.

[7] Các tác giả không nhất trí về nguyên nghĩa của từ daimon, nhưng đều nhìn nhận rằng có sự tiến triển về ý nghĩa: a) có khi là một thần linh nào đó; b) có lúc lại hiểu về một sức lực huyền bí mà con người không hiểu nổi (chẳng hạn sự chết, số phận); c) có lúc hiểu về khí thiêng ở trong con người. Đừng quên rằng danh từ eudaimonia (hạnh phúc) được ghép bởi hai từ eu (tốt) và daimon (tinh khí).

[8] Chúng ta biết là dân Do thái dễ bị cám dỗ chạy theo các ngẫu tượng (chẳng hạn baal) và nhiều người tin vào đồng bóng, mặc dù đã bị ngăn cấm. Vua Saul là một thí dụ điển hình (1 Sm 28,7-20).

[9] Nên biết là tác giả Sách thánh cũng “giải huyền” các ma quỷ của dân ngoại, chẳng hạn như: Lilith (Is 34,14) chỉ là một con thú chứ không phải là ác quỷ; Asmodeus, kẻ thù của các đôi tân hôn (Tb 3,8.17), không đáng sợ. Tác giả sách Lêvi chế nhạo con quỷ Azazel (16,10.22).  Mặt khác, không phải lúc nào sự phân biệt giữa “ngẫu tượng” và “quỷ dữ” cũng rõ ràng. Một trường hợp cụ thể là trong thánh vịnh 90 (được đọc vào giờ Kinh Tối ngày chúa nhật), chúng ta gặp thấy ở câu 6: “Bạn không sợ cảnh hãi hùng đêm vắng … cả dịch khí hoành hành trong đêm tối, cả ôn thần sát hại luc ban trưa”. Ôn thần (qeteb) là thần ôn dịch: là thần hay là quỷ? Dĩ nhiên, việc nghiên cứu các “ma quỷ” trong các tín ngưỡng sống quanh dân Israel sẽ giúp ta hiểu rõ hơn các thực tại ấy (chẳng hạn Leviathan – có nơi dịch là Giao Long – được nhắc đến ở G 3,8; 40,15,41,26; Tv 73 14; 103,26; Is 27,1), nhưng điều đó vượt quá khuôn khổ của bài viết.

[10] Xem ra bản dịch LXX nhận ra sự tiến triển này. Những bản văn cổ nhất dịch Satan là endiaballein (đặt ngăn trở, chướng ngại: Ds 22,22), diabole (chướng ngại: Ds 22,32); hay epiboulos (kẻ thử thách: 1 Sm 29,4; 2 Sm 19,23), hoặc chỉ chuyển âm là satan (1 V 11,14.23), nhưng không dịch là diabolos. Với các sách Giob, Dacaria và Tv 108, 6, thì mới dùng thuật ngữ ho diabolos . Sang sách Sử Biên niên thì bỏ mạo từ. Cũng nên biết Lucifer là danh từ tiếng Latinh có nghĩa là “Sao mai” (Is 14,12), áp dụng cho vua Babylon (Is 14,12) và vua Tyrô (Ed 28,2). Mãi đến thời các giáo phụ, Lucifer mới được dùng để ám chỉ “tưởng quỷ”!

[11] “Vậy một ngày, con cái Thiên Chúa (các thiên sứ) đến để trình diện trước Đức Chúa, Satan cũng đến ở giữa họ. Đức Chúa phán với Satan: “Từ đâu ngươi tới?”. Satan trả lời Đức Chúa và nói: Rảo quanh trên dất và lang thang ở đó. Đức Chúa phán với Satan: “Phải chăng ngươi đã đặt con tim ngươi đến tôi tớ Ta là Gióp?..” (G 1,6-7)

[12] Có sự khác biệt trong trình thuật cám dỗ nơi ba tác giả Tin mừng nhất lãm: Mc không nói “ba” cơn cám dỗ; Mt theo thứ tự “bánh – đền thờ – thế gian”; còn ở Lk thì thứ tự là “bánh – thế gian- đền thờ”.

[13] “Thần khí ô uế” tự xưng là “Đạo binh” vì đông lắm.

[14] Beelzebul có lẽ gốc bởi tiếng Hipri ba ‘al (chúa) tên một vị thần Cana và tiếng accadico  zbl (thủ lãnh, dinh cơ). Như vậy Beelzebul có nghĩa là tướng chỉ huy, hay chủ nhà. Bản dịch latinh “beelzebub” (thần ruồi) ngụ ý chế nhạo.

[15] Nên ghi nhận hai sự kiện trái ngược. Một đàng, không phải lúc nào các môn đệ cũng thành công trong việc trừ quỷ; xem quang cảnh các môn đệ ở dưới núi đang khi Chúa hiển dung (Mc 9,28; Lc 9,40). Đàng khác, có người không thuộc nhóm các môn đệ cũng có khả năng trừ quỷ nhân danh Đức Giesu (Mc 9,38; Lc 9,49-50).

[16] X. bản dịch của Nhóm Các Giờ kinh Phụng vụ: “Chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao.” (Ep 6,12).

[17] Nên biết là trong Tin mừng Gioan, “thế gian” hay “vũ trụ” (kosmos) có ít là ba nghĩa: 1/ Nghĩa chung: mọi vật do Thiên Chúa tạo thành (xc. Ga 1,9; 17,5); 2/ Thế giới “loài người”, được Thiên Chúa yêu thương (xc. Ga 3,16); 3/ Nghĩa tiêu cực: thế giới này, tuy được Chúa yêu thương nhưng khép kín lòng với Thiên Chúa (xc. Ga 17,9). Thủ lãnh thế gian thường được hiểu theo nghĩa thứ ba, nhưng cũng có thể bao hàm tất cả ba nghĩa. Ma quỷ muốn thống trị tâm hồn con người, gạt bỏ khỏi tương quan với Thiên Chúa..

[18] Satan được nhắc đến ở Kh 3,9: “hội đường của Satan”

 

Nguồn tin: https:catechesis.net