Giáo Hội Như Là Bí Tích Của Đức Kitô

Mon,10/02/2025
Lượt xem: 804


Một trong những điểm làm cho Kitô giáo độc đáo hơn so với các tôn giáo khác đó chính là tôn giáo của mạc khải. Thật vậy, Thiên Chúa của Kitô giáo chẳng phải là một Thiên Chúa xa lạ, tách biệt, không dính dự tới cuộc sống của con người; Người cũng chẳng phải là một Thiên Chúa chỉ tạo dựng tất cả và liền sau đó “phủi tay” bỏ mặc con người “tự sinh, tự diệt”. Trái lại, Thiên Chúa của Kitô giáo không ngừng đến, ở cùng và đối thoại với con người. Tuy nhiên, làm thế nào có thể hiểu được khi một Thiên Chúa vô hình, siêu vượt không gian và thời gian lại có thể “đối thoại” được với những thụ tạo hữu hình, bị giới hạn trong không gian và thời gian?

Thánh Phaolô xác tín rằng: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2) Quả thực, Thiên Chúa đã không chỉ dựa vào công trình tạo dựng để nói với nhân loại, nhưng trên hết là qua Ngôi Lời nhập thể, Đấng vừa là trung gian, vừa là sự viên mãn của toàn thể mạc khải[1]. Giáo hội, trong tiến trình lưu tuyền mạc khải (already but not yet)[2], xét như là Hiền thê của Con yêu dấu Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, tiếp tục làm cho tiếng nói sống động của Thiên Chúa vang dội trong thế giới[3].

Trong tinh thần đó, bài viết qua ba phần chính sẽ nỗ lực giải thích tại sao Giáo hội được Hiến chế Lumen Gentium định nghĩa như là bí tích của Đức Kitô[4]. Phần (1) sẽ trả lời cho câu hỏi bí tích ở đây được hiểu theo nghĩa nào? Phần (2) sẽ cho thấy Đức Giêsu là bí tích nguyên thuỷ, là Bí tích của mọi “bí tích”. Phần (3) sẽ trình bày những chiều kích qua đó Giáo hội được gọi là bí tích của Đức Kitô.

1. Khái niệm

Bí tích theo nguyên ngữ Hy Lạp là mysterion. Hạn từ này được các Giáo phụ chuyển dịch sang tiếng La Tinh thành hai từ: sacramentum (bí tích) là dấu chỉ hữu hình của thực tại vô hình của ơn cứu độ; còn mysterium (mầu nhiệm) nhằm nói đến những thực tại vô hình vượt quá khả năng tự nhận thức của con người (x. Ep 1,9; 5,32; Cl 1,27; 1 Tm 3,16)[5]. Khi hạn từ sacramentum chưa được áp dụng theo nghĩa chuyên môn cho bảy bí tích, hai hạn từ này vì thế được xem như đồng nghĩa, đến nỗi có thể nói rằng “bí tích” như là sự loan báo, biểu lộ, hiện tại hoá “mầu nhiệm”[6]

Sau này, khi định nghĩa Giáo hội như là bí tích, Công đồng đã sử dụng hạn từ này theo nghĩa loại suy, tức là theo một nghĩa khác so với cách hiểu bảy bí tích theo nghĩa thông thường[7]. Cụ thể hơn, Công đồng khẳng định: “Trong Đức Kitô, Giáo hội như là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người.”[8] Như vậy, qua định nghĩa trên, Giáo hội xác định Giáo hội như là bí tích theo hai khía cạnh. Thứ nhất, trên bình diện cấu trúc (dấu chỉ), Giáo hội là thực tại gồm hai yếu tố vô hình và hữu hình. Trong đó, thực tại hữu hình là dấu chỉ cho thực tại vô hình. Thứ hai, xét theo chức năng (phương tiện), Giáo hội là phương thế qua đó Thiên Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ của Người[9]. Cụ thể hơn, Công đồng khẳng định Giáo hội là bí tích hoàn vũ của ơn cứu độ[10]. Diễn tả như vậy, Công đồng muốn nhấn mạnh đến tương quan mật thiết giữa Đức Giêsu Kitô và Giáo hội. Tương quan đó thâm sâu đến mức, Giáo hội được Đức Kitô thiết lập và uỷ thác tiếp tục sứ vụ của Người ở trần gian, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Vì thế, Giáo hội không hiện hữu cho chính mình, nhưng hiện hữu vì Đức Kitô.

Trong viễn tượng đó, để có thể trả lời cho câu hỏi tại sao Giáo hội được gọi là bí tích, chúng ta không thể không khởi đi từ suối nguồn của mọi “bí tích”, là Bí tích của mọi “bí tích”, đó chính là Đức Giêsu Kitô.

2. Đức Kitô, bí tích nguyên thuỷ

Truyền thống Giáo hội vẫn thường gọi Đức Giêsu là bí tích nguyên thuỷ (original sacrament), còn Giáo hội là bí tích căn bản (fundamental sacrament)[11]. Thật vậy, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôsê đã khẳng định, Đức Kitô là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15). Đi xa hơn, Đức Kitô khi trả lời Philipphê về Chúa Cha đã nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Như vậy, Đức Kitô không chỉ là dấu hiệu làm cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa, nhưng nơi con người Đức Giêsu, Thiên Chúa được “hiện tại hoá” cho nhân loại.

Thêm vào đó, như nhân vị của con người chỉ được diễn tả qua thể xác sống động thế nào, thì cũng vậy, nhân tính của Đức Giêsu được coi như là “bí tích”, nghĩa là dấu hiệu và dụng cụ cho thần tính của Người, và của ơn cứu độ mà Người chuyên chở cho nhân loại. Nói khác đi, những gì hữu hình nơi cuộc đời trần thế của Đức Giêsu, lời nói và hành động của Người dẫn đưa chúng ta tới mầu nhiệm Thiên Chúa vô hình, là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Hơn hết, chính bản thân Đức Giêsu là ân sủng trào tràn, tối thượng, và là ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho con người[12]. Vì thế, trong ý nghĩa đó Đức Kitô trở thành Bí tích nguyên thuỷ của mọi bí tích.

 3. Giáo hội, bí tích của Đức Kitô

Như đã đề cập ở trên, sở dĩ Giáo hội được gọi là bí tích bởi lẽ, một đàng Giáo hội là dấu chỉ hiện diện của Đức Giêsu giữa lòng thế giới – mầu nhiệm nhập thể; đàng khác Giáo hội có sứ mệnh tiếp tục chương trình cứu độ của Đức Giêsu – mầu nhiệm cứu độ.

3.1. Giáo hội, bí tích xét như là dấu chỉ

Trước hết, trên bình diện dấu chỉ, Giáo hội là bí tích bởi Giáo hội ở trong Đức Kitô và tuỳ thuộc vào Người. Thật vậy, Giáo hội không “nảy sinh từ dưới lên” do ý muốn nhân loại, nhưng “phát xuất từ trên xuống” do tình yêu của Thiên Chúa[13]. Trước khi xuất hiện ở trong lịch sử, Giáo hội đã xuất hiện trong ý định của Thiên Chúa. Vì thế, Giáo hội không hiện diện bởi chính mình và cho chính mình, nhưng là bởi và cho Đức Giêsu. Có thể nói, nơi Giáo hội mầu nhiệm nhập thể của Đức Giêsu được tiếp diễn cho tới tận thế.

            Trong Thông điệp Satis Cognitum, Đức Lêô XIII xác quyết, Đức Kitô là Đầu và mẫu mực của Giáo hội sẽ chỉ toàn vẹn khi và chỉ khi được nhận biết qua thần tính vô hình và nhân tính hữu hình của Người thế nào, thì cũng thế, Giáo hội sẽ không còn là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, nếu không có những yếu tố hữu hình kín múc lấy sức sống vô biên từ ân huệ siêu nhiên vô hình[14]. Như vậy, nếu sự hiện diện của Giáo hội với tư cách thân thể mầu nhiệm, trong đó Đức Kitô là Đầu, với nguyên lý hợp nhất là Chúa Thánh Thần được coi như là một “ngôi vị khác” của Đức Giêsu, thì yếu tố vô hình của Giáo hội hệ tại ở sự hiện diện của Đức Kitô và Thần Khí[15]. Vậy, đâu là yếu tố hữu hình của Giáo hội?

Hiến chế Lumen Gentium khẳng định, yếu tố hữu hình của Giáo hội đó chính là cơ cấu. Cụ thể hơn, Kinh Tin Kính nêu bật bốn đặc tính hữu hình của Giáo hội: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền[16]. Nếu Giáo hội chia rẽ và mẫu thuẫn, thì dấu chỉ hiệp nhất sẽ bị phai mờ và gãy đổ. Dấu chỉ duy nhất đó được thể hiện qua sự hiệp nhất của các phần tử trong Giáo hội: Kitô hữu, giáo họ, giáo xứ, giáo phận, Giáo hội hoàn vũ. Kế đến, dấu chỉ hữu hình của sự thánh thiện hệ tại tinh thần dấn thân và chia sẻ vô vị lợi, ở mức độ trao ban tình yêu của những người tín hữu. Đặc tính công giáo được thể hiện qua công tác đối thoại liên tôn, tiến trình hội nhập văn hoá, và tính duy nhất trong sự đa dạng văn hoá, truyền thống, ngôn ngữ của nhiều vùng miền khác nhau trong Giáo hội. Cuối cùng, lời tuyên xưng đức tin tinh tuyền được bảo vệ, gìn giữ và lưu truyền trong sự thống nhất được kế thừa từ thời Giáo hội sơ khai là biểu hiện hữu hình của đặc tính tông truyền. Nói cho cùng, bao nhiêu Giáo hội có thể diễn tả chân thực bốn đặc tính hữu hình của mình, bấy nhiêu khuôn mặt của Đức Kitô cũng trở nên sống động và chân thực giữa lòng thế giới[17]. Như vậy, Giáo hội là dấu chỉ cho mầu nhiệm Đức Kitô.

3.2. Giáo hội, bí tích ơn cứu độ của Đức Kitô

Giáo lý Hội thánh Công giáo khẳng định, trong và ngang qua Hội thánh, Đức Kitô hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa là “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1.10). Trong đó, Đức Kitô được đặt “làm đầu toàn thể Hội thánh, mà Hội thánh là thân thể Đức Kitô” (Ep 1, 22-23)[18]. Như vậy, Hội thánh trong tư cách là thân thể Đức Kitô tiếp tục kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa giao phó cho Đức Giêsu, Đấng là Đầu Hội thánh.

Để chuyển thông ơn cứu độ cho nhân loại, Đức Kitô phục sinh cần dùng đến một công cụ có tính lịch sử và xã hội, hiện diện khắp mọi nơi. Công cụ đó chính là Giáo hội. Với việc Đức Kitô phục sinh không còn hiện diện nơi nhân tính của Người, Giáo hội tiếp tục thực hiện hành vi hiến dâng cứu độ của Đức Kitô cách hữu hình trong không gian và thời gian[19]. Như vậy, trong ý nghĩa đó, Giáo hội trở thành bí tích cứu độ nền tảng của Đức Kitô.

Nếu những ai đã gặp gỡ Đức Giêsu lịch sử thì gặp gỡ chính Thiên Chúa hằng sống cách hữu hình nơi Đức Giêsu. Và khi Đức Kitô vinh hiển không còn hữu hình nữa thì thế gian vẫn được gặp Người, ngang qua thân thể của Người là Giáo hội. Thật vậy, chính Đức Kitô ngang qua các Bí tích được Giáo hội cử hành, tiếp tục hiện diện và trao ban ơn cứu độ cho nhân loại. Như vậy, tương tự như Đức Kitô là bí tích của Chúa Cha (Người là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15), thì cũng vậy, Giáo hội là thực tại hữu hình làm biểu tượng cho Đức Kitô, là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Người, và hơn hết là dụng cụ Đức Giêsu dùng để thực hiện công trình cứu độ suốt lịch sử nhân loại.

Tuy nhiên, Công đồng cũng khẳng quyết như sau: “Khi bị treo lên khỏi mặt đất, Chúa Kitô đã kéo mọi người lên với mình. Khi từ kẻ chết sống lại, Người đã phái gửi Thánh Thần ban sự sống đến với các môn đệ, và nhờ Thánh Thần thiết lập thân thể Người là Giáo hội, như là bí tích ơn cứu độ phổ quát”[20]. Như vậy, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần của Người, để nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Hội thánh có khả năng thực thi sứ vụ cứu độ mà Đức Giêsu đã trao phó. Có thể nói, nếu thiếu Chúa Thánh Thần, là linh hồn của mình, thì Giáo hội sẽ không còn là chính mình. Bởi lẽ, lúc bấy giờ Giáo hội không còn khả năng thánh hoá và chuyển trao ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho thế giới.

Nói cho cùng, Đức Kitô đã thiết lập và không ngừng nâng đỡ Hội thánh của Người, để Hội thánh trở thành một cộng đoàn hiệp nhất trong đức tin, đức cậy và đức mến, đồng thời trở nên một cơ cấu hữu hình nơi trần thế. Qua Hội thánh, Đức Kitô Giêsu tiếp tục mạc khải chân lý Thiên Chúa và thông ban ân sủng cho muôn người. Quả thực, Hội thánh vừa là một xã hội bao gồm cơ cấu và phẩm trật, đồng thời là Thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô; vừa là một tổ chức hữu hình, nhưng đồng thời cũng là một cộng đoàn thiêng liêng được Thiên Chúa triệu tập; vừa là một Hội thánh được trở nên phong phú bởi những giá trị trần thế, nhưng cũng vừa là một Hội thánh phong nhiêu bởi của cải thiên quốc. Do đó, sự hiện diện của Hội thánh ở trần gian như là “Lời” của Thiên Chúa không ngừng biểu lộ chính mình cho nhân trần. Ngang qua Hội thánh, Thiên Chúa “ở với” con người. Nhờ Hội thánh, Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại.

Antôn Le

 



[1] X. Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo (Uỷ ban GLĐT trực thuộc HĐGM Việt Nam dịch), Nxb. Tôn Giáo, HN, 2016, 50-65, 35-39.

[2] X. Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên, Giáo Hội – Bí Tích Của Hy Vọng, 2018, https://dcvphanxicoxavie.com/vn/Than-Hoc/Giao-Hoi-Bi-Tich-cua-Hi-Vong.html. Truy cập ngày 5/4/2024.

[3] X. Công Đồng Vaticanô II (Uỷ ban GLĐT trực thuộc HĐGM Việt Nam dịch), Hiến chế Dei Verbum, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM, 2016, 8, 198.

[4] X. Công Đồng Vaticanô II (Uỷ ban GLĐT trực thuộc HĐGM Việt Nam dịch), Hiến chế Lumen Gentium, op. cit., 48, 159.

[5] X. Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo (Uỷ ban GLĐT trực thuộc HĐGM Việt Nam dịch), op. cit., 774, 250.

[6] X. Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh IX - Bí Tích Tình Yêu, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM, 2017, 244.

[7] X. Felipe Gomez, SJ (Antôn và Đuốc Sáng chuyển ngữ), Thần Học Tín Lý 3: Giáo Hội Học, 2006, 216.

[8] Công Đồng Vaticanô II (Uỷ ban GLĐT trực thuộc HĐGM Việt Nam dịch), Hiến chế Lumen Gentium, op. cit., 1, 69.

[9] X. Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh IX - Bí Tích Tình Yêu, op.cit., 250-251.

[10] X. Công Đồng Vaticanô II (Uỷ ban GLĐT trực thuộc HĐGM Việt Nam dịch), Hiến chế Lumen Gentium, op. cit., 48, 159.

[11] X. Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh IX - Bí Tích Tình Yêu, op.cit., 253.

[12] X. Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo (Uỷ ban GLĐT trực thuộc HĐGM Việt Nam dịch), op. cit., 515, 162-163.

[13] X. Công Đồng Vaticanô II (Uỷ ban GLĐT trực thuộc HĐGM Việt Nam dịch), Hiến Chế Lumen Gentium, op.cit., 1-5, 69-73.

[14] ĐGH Lêô XIII, Thông điệp Satis Cognitum

[15] X. Felipe Gomez, SJ (Antôn và Đuốc Sáng chuyển ngữ), Thần Học Tín Lý 3: Giáo Hội Học, op.cit., 222.

[16] X. Công Đồng Vaticanô II (Uỷ ban GLĐT trực thuộc HĐGM Việt Nam dịch), Hiến chế Lumen Gentium, op. cit., 8, 80-83.

[17] X. Ibidem, 1, 69.  

[18] X. Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo (Uỷ ban GLĐT trực thuộc HĐGM Việt Nam dịch), op. cit., 772, 249.

[19] Thomas. P Rausch (Giuse Đỗ Nguyên Vũ chuyển ngữ), Thần Học Hệ Thống Tiếp Cận Theo Công Giáo Rôma, Nxb. Đồng Nai, Tp. HCM, 2020, 249-250.

[20] Công Đồng Vaticanô II (Uỷ ban GLĐT trực thuộc HĐGM Việt Nam dịch), Hiến chế Lumen Gentium, op. cit., 48, 159.

 

Nguồn tin:
Tags :