Đây Là Cách Đức Bênêđictô XVI Hình Dung Về Thế Giới Bên Kia

Tue,13/10/2020
Lượt xem: 1661

 

Năm 2016 trong quyển sách “Các cuộc trò chuyện cuối cùng”, một cuốn sách phỏng vấn của nhà báo người Đức Peter Seewald, Đức Bênêđictô XVI nói: “Tôi cầu nguyện xin Chúa khoan dung cho sự khốn khổ của tôi”. Ngài cũng cho biết ngài chuẩn bị cái chết.

Đức Giáo hoàng danh dự Bênêđictô có thật sự đang sống những ngày cuối đời không? Câu hỏi này được đặt ra thường xuyên vì ngài có vẻ hơi yếu đi trong các bức hình, nhất là trong chuyến đi Đức thăm người anh của ngài trong những ngày cuối. Có một điều chắc chắn: ngài chuẩn bị chết như ngài đã nói trong quyển sách “Các cuộc trò chuyện cuối cùng” xuất bản năm 2016 (Fayard). Quyển sách này cô đọng các cuộc phỏng vấn được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2016 với người bạn nhà báo người Đức Peter Seewald của ngài.

Trong chương đầu tiên – Những ngày yên tĩnh ở đan viện Mẹ Giáo hội, nhà báo hỏi ngài về đời sống ở đan viện “trong sự bao bọc của Thánh Phêrô” và nhất là các sinh hoạt hàng ngày của ngài, đặc biệt về niềm đam mê viết sách và rao giảng. Rồi ông hỏi: “Một giáo hoàng danh dự có sợ chết không?” Và đây là là câu trả lời của ngài:

“Trong một chừng mực nào đó, có. Đầu tiên, đó là nỗi sợ trở thành gánh nặng cho người khác do bị tàn tật lâu ngày. Với tôi điều này sẽ rất buồn. Đó là điều mà cha tôi luôn sợ hãi, nhưng cha tôi đã tránh được thử thách này. Và dù tôi hoàn toàn tin tưởng Chúa không bỏ tôi, nhưng càng đến gần Ngài, tôi càng thấy nặng với những gì tôi đã không làm tốt.  Vì thế tất nhiên sức nặng của lỗi đè nặng, dù cho niềm tin vẫn còn.”

Khi nhà báo Peter Seewald hỏi ngài sẽ nói gì khi đối diện với Chúa, Đức Bênêđictô XVI trả lời: “Tôi sẽ xin Chúa khoan dung cho sự khốn khổ của tôi.”

Câu trả lời của Đức Bênêđictô XVI về thế giới bên kia

Ai cũng đặt câu hỏi về thế giới bên kia nhưng đặc biệt câu trả lời của Đức Bênêđictô XVI có tính dạy dỗ. Ngài là một trong các nhà thần học vĩ đại nhất của thế kỷ XX và XXI, người đã để suốt đời để chiêm niệm và khám phá bí ẩn của Thiên Chúa. Với câu hỏi, ngài mong chờ gì ở đời sống vĩnh cửu, Đức Bênêđictô XVI phân biệt hai cấp độ: “Trước hết ở cấp độ thần học nhất.” Ngài trích dẫn lời Thánh Âugutinô, mà đối với ngài là “lời an ủi lớn lao và là một tư tưởng tuyệt vời” : “Khi chú giải Thánh vịnh 104 ‘Đi tìm nhan thánh Ngài’, Đức Bênêđictô XVI nói: chữ ‘luôn’ mang giá trị vĩnh cửu. Thiên Chúa quá vĩ đại mà chúng ta sẽ không bao giờ biết được. Ngài luôn luôn mới. Đó là một chuyển động mãi mãi, vô tận, của khám phá mới và của niềm vui mới.”

Đời sống vĩnh cửu theo Đức Bênêđictô XVI là đời sống nào?

Trong thông điệp Chúng ta được cứu rỗi trong hy vọng (Spe salvi, 2007), ngài đã chính xác trả lời theo cách của một “nhà thần học quỳ gối” trước các câu hỏi thân thiết nhất của mỗi người, với một tính nhân văn sâu đậm. Theo ngài, đời sống vĩnh cửu là khát vọng sống thoát khỏi cái chết, mà không thực sự biết “chúng ta cảm thấy bị thúc đẩy hướng tới điều gì”: “Vĩnh cửu không phải là chuỗi ngày này nối tiếp ngày kia theo lịch, mà là cái gì đó giống như giây phút tâm hồn tràn ngập điều vừa ý, trong đó tổng thể ôm lấy chúng ta và chúng ta hòa vào tổng thể. Đó là khoảnh khắc chìm đắm trong đại dương tình yêu vô tận mà thời gian – trước và sau – không còn nữa” (n. 12). Đo lường chiều kích ngoài thời gian của con người thì khó khăn biết bao, ngài viết: “Chúng ta chỉ có thể tìm cách suy nghĩ rằng khoảnh khắc này là cuộc sống theo đúng nghĩa, một sự chìm đắm luôn mới trong sự bao la của bản thể, còn chúng ta thì đơn thuần vui mừng khôn xiết.”

Nhưng Chúa ở đâu?

Đây là một câu hỏi khác nhà báo Peter Seewald hỏi ngài và ngài đã không nhịn cười khi kể: “Nơi mà ông muốn hỏi Chúa ở đâu thì nơi đó không có. Chính Chúa là nơi đó và ở trên tất cả mọi nơi. Nếu chúng ta quan sát thế giới, chúng ta không thấy bầu trời, trái lại chúng ta thấy Chúa ở mọi nơi. […] Cũng như có sự hiện diện về mặt tâm hệ giữa con người – hai người có thể tiếp xúc vượt ngoài các châu lục bởi vì đây không phải là chiều kích không gian – cũng vậy, Chúa cũng vậy, Chúa không “ở đâu đó”, nhưng Chúa là thực tế. Thực tế mang tất cả mọi thực tế.” Lý do cụ thể là Chúa không những là Đấng vô hạn, Đấng Tạo hóa, Đấng toàn thể, mà bởi vì Ngài là một con người: “ Sự việc Ngài là một ‘người’ có nghĩa là chúng ta không quy vùng Ngài “ở đâu đó”. Còn về việc tạo ra một hình ảnh của Chúa mà chúng ta sẽ thấy Ngài trên Thiên đàng như Ngài thấy chính Ngài, Đức Bênêđictô XVI chỉ hình dung Thiên Chúa “trong Chúa Giêsu Kitô”: “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha.”

Chiều kích con người

Với các suy tư thần học, nhà thần học Joseph Ratzinger không thể thoát mà không từ bỏ chính mình, ngài nói thêm “cấp độ hoàn toàn con người” : “Tôi vui được gặp lại cha mẹ tôi, anh tôi, em gái tôi, bạn bè tôi và hình dung tất cả sẽ trở lại đẹp như ở nhà chúng tôi.” Cách tiếp cận gia đình và thân thiện với thế giới bên kia này cũng có một ý nghĩa thần học đối với Đức Bênêđíctô XVI, vì theo ngài, ân phúc đời sống vĩnh cửu không thể không có “tính cách tập thể”. Trong Thông điệp Chúng ta được cứu rỗi trong hy vọng Spe Salvi, ngài dùng lại giáo huấn của các Giáo phụ, được Linh mục Lubac cập nhật để chứng tỏ “sự cứu rỗi luôn được coi là một thực tại cộng đồng” (n. 14). Trên Thiên Đàng, sự cứu chuộc tái lập sự hiệp nhất, trong đời sống ân phước được chia sẻ cho tất cả mọi người.

Chúng ta có nên chuẩn bị cho cái chết không?

Vẫn còn câu hỏi quan trọng về chính cái chết, mà nhà thần học Ratzinger luôn lấy làm tiếc rằng thế giới hiện đại đã tước đi chiều kích siêu hình của nó, đặc biệt trong quyển sách ngài cho là “hoàn tựu nhất” nhất của ngài, quyển Cái chết và Phía bên kia (La Mort et l’Au-delà, Fayard, 2005): làm thế nào để chuẩn bị cho chuyến đi cuối cùng? Theo Đức Bênêđictô XVI, một lần nữa, hành trình cá nhân chuẩn bị cho chuyến đi từ sự sống đến cái chết và từ cái chết sang sự sống luôn bao hàm chiều kích cộng đồng của nó, ngài trả lời: “Tôi nghĩ chúng ta phải chuẩn bị. Tôi không muốn nói là phải có  các hành động cụ thể phải làm, nhưng chúng ta phải sống điều này trong nội tâm và biết mình phải thành công khi đứng trước phán xét cuối cùng trước mặt Chúa. Rằng chúng ta sẽ rời khỏi thế giới này và đứng trước mặt Ngài và trước các thánh, trước bạn bè và những người không phải là bạn của mình. Rằng chúng ta phải chấp nhận sự hữu hạn của cuộc sống này, thừa nhận rằng chúng ta đang đến gần thời điểm mà chúng ta sẽ hiện diện trước mặt Thiên Chúa.”

Nhà báo hỏi ngài, ngài đã làm như thế nào? “Rất đơn giản, tôi làm qua chiêm nghiệm. Tôi luôn nghĩ ngày cuối không còn xa. Bằng cách cố gắng chuẩn bị tinh thần và trên hết là giữ mình ở giây phút hiện tại. Điều chủ yếu không phải là tôi hình dung nó, nhưng tôi sống trong ý thức, tất cả cuộc sống là đến gần với một cuộc gặp gỡ.”

Marta An Nguyễn dịch

Nguồn tin: phanxico.vn