Chúa Là Tình Yêu

Tue,27/09/2022
Lượt xem: 982

          “Chúng tôi đã được biết Tình yêu, Và chúng tôi đã tin vào Tình yêu”.


Bạn sẽ nói: lẽ dĩ nhiên! Làm sao có thể biết Tình yêu mà không tin và Tình yêu được? Người đã được đón nhận biểu lộ của Tình yêu, làm sao lại có thể không nhận ra Tình yêu? Làm sao lại có thể không yêu Tình yêu? và hăng hái bám chặt vào đó? và hân hoan vui mừng vì đi sâu vào tất cả những ý định, những ước muốn, những lo lắng của Tình yêu?…


Bạn chắc như vậy chứ? Bạn có cảm thấy đôi chút khó chịu trong bạn mỗi khi bạn nghĩ đến thí dụ, ‑ dụ ngôn người thợ vào làm giờ thứ mười một không? Bạn có cảm thấy hoàn toàn sung sướng vì cái Kiểu công bình lạ lùng kia không? Cảm động? Thoải mái? Còn dụ ngôn đứa con hoang đàng? Phải chăng bạn đã chẳng có lần thầm nghĩ: có chết đói nó mới trở về đấy! và thế cũng hay? hoặc: thằng anh vô phước lại phải cặm cụi chăm sóc con bò mập để làm tiệc đãi thằng em hoang đàng kia ngày nó đoái nghĩ đến rằng nó còn có một gia đình? Rồi: áo mới, tiệc tùng, hội hè… Có khi nào bạn nghĩ rằng người cha trong câu chuyện đã đi hơi quá không? Nhưng, dầu sao, đứa con trưởng, một người đứng đắn, siêng năng, một người Công giáo tốt… cũng không nuốt trôi được câu chuyện đó. Nó biết được Tình yêu. Và nó đã công phẫn với Tình yêu!

Trong một vở kịch, Jean Anouilh đã diễn tả cảnh ngày phán xét chung theo như ông tưởng: những kẻ lành đang đứng trước cửa vào Thiên đàng, chật ních, chen lấn để vào, chắc chắn thế nào cũng có chỗ sẵn. Hồi hộp. Sốt ruột. Nhưng, bỗng nhiên, người ta bắt đầu xầm xì với nhau: “Hình như Người cũng tha cho mấy người kia nữa”. Thế là họ lại phải một mẻ ngẩn người. Họ nhìn nhau, không thể hiểu được. Họ la ó, phản đối. Họ bất mãn… “Vậy thì cần gì phải…” “Tôi đã biết vậy thì…” Gan ruột họ sôi lên. Họ bắt đầu kêu la trách móc Chúa và cũng chính lúc đó, họ bị đày xuống hoả ngục.

Giờ phán xét đã điểm: họ đã tự xét xử lấy họ. Đã tự tách mình ra khỏi hạnh phúc ấy; Tình yêu đã biểu hiện cho họ, nhưng họ đã từ chối không nhận Tình yêu. “Tôi không biết người đó”, tôi từ chối Ki‑tô chấp nhận cái thứ Thiên đàng mà người ta vào như đi chợ. Tôi phản đối Thiên Chúa đã tha cho hết mọi người. Tôi không thích Thiên Chúa yêu thương cách mù quáng như thế. Vì họ không thích Tình yêu nên họ không nhận ra được Tình yêu.


Chỉ có Tình yêu mới làm những chuyện như thế. Với Chúa, chúng ta phải luôn sẵn sàng để đón nhận những chuyện bất ngờ như thế.

Chúa muốn chúng ta tập nhận ra Chúa trong cách Người yêu.

Chúng ta có yêu Tình yêu không? Chúng ta có yêu cách Tình yêu yêu không? Chúng ta có tin rằng chỉ có Người biết yêu, và chỉ có Người có thể dạy chúng ta yêu không?

Có nhiều người tưởng rằng sở dĩ có sự ngăn cách giữa họ với Chúa là vị họ quá vương vấn với thế trần, vì những thứ tình cảm “quá người” của họ, vì tất cả bầu nhiệt huyết mà họ cho là nguyên nhận cản trở họ. Chúng tôi yếu đuối quá, họ nói, chưa thể đạo đức thật sự được, quá chiều theo cảm giác, quá mềm yếu, quá vấn vương với ngoại vật, quá nhiều lo lắng. Quá vật chất. Ở thế gian còn nhiều chuyện – con cái, nhà cửa, ruộng vườn, nghề nghiệp – mà chúng tôi không thể không yêu được.


Mà chính thế. Nếu chúng ta đã biết Chúa Giê‑su, thì chúng ta đã khám phá ra được nơi Người một Tình yêu hết sức sống động, một sự chăm sóc một nhiệt tình hết sức mới mẻ, tươi sáng đối với ngoại vật quanh Người, một tình yêu bộc phát hết sức chân thực và mới lạ đến nỗi chúng ta hiểu được rằng chỉ Người là biết yêu, yêu thật sự, yêu đúng mức và cái phân biệt giữa chúng ta với Người là chính cái “không biết yêu” của chúng ta, (chính là) chúng ta hết sức nghèo nàn tình yêu.


Chúa Giê‑su để ý đến tất cả, thích thú vì một chuyện không đâu, có thể dâng lời cảm tạ Thiên Chúa ở bất cứ một góc ruộng nào. Người yêu vạn vật biết bao! người biết nhìn cây cỏ, đồi núi hơn chúng ta! Những đồng lúa chín vàng đang chờ gặt, tất cả những cái quen thuộc, thông thường mà có lẽ không bao giờ chúng ta biết vì đó mà tạ ơn Chúa! Người sinh ra trong một hang đá. Người chết trên một ngọn núi. Và Người đã muốn sống cái đêm hết sức nhân loại của Người, nhân loại cách cay đắng, trong một vườn cây.

Phúc âm đầy dẫy Người cảnh trời đất, những chuyến đi trên khắp các nẻo đường. Và Người cũng biết những đổi dời thời tiết trên không, những ý nghĩ của con người dưới đất, cái đẹp của những cánh hoa dại ngoài đồng và cách sống của những chim trời phiêu bạt. Sau những giờ chịu đựng sống với dân chúng, với những cuộc cãi vã tầm thường, những lời phàn nàn vô nghĩa, những tiếng cầu khẩn đê tiện, đầu óc ngoan cố cứng lòng – Người bỏ lên một chiếc thuyền đi với nhóm môn đệ thân yêu. Hút thở làm gió mát trên mặc nước với vài con tim trung tín. “Sáng hôm đó, Chúa ra khỏi nhà, đến ngồi trên bờ biển” (Mt 13,1). Chúng ta có biết không, mỗi lần chúng ta đi tìm chút yên tĩnh, chút khí mát, trước khi bước vào một ngày cực nhọc chúng ta có biết không chính Người cũng đã có những cử chỉ đó, đã nếm những khát khao, những niềm vui đó.

Chỉ khác một điều là Người đã thưởng thức được những thứ đó cả trăm lần hơn chúng ta. Trong tất cả mọi sự, xuyên qua bộ mặt bên ngoài, Chúa Giê‑su thấy được những thực tại siêu nhiên đã làm mẫu để Chúa dựng nên những sự đó. Chúa nhìn thế gian và Người yêu thế gian. Đối với Người, thế gian tràn đầy những ký hiệu (những bí tích), những ý nghĩa, đầy Thánh thần. Hàm súc ý nghĩa. Người nhìn thấy nước, nước hồ, nước suối và Người nói: nước tốt lắm. Hãy cho Ta uống nước. Người đã xin người đàn bà xứ Sa‑ma‑ri như thế đấy. Nhưng, Người thêm: Ước gì con biết được thứ nước thật, Nước của Ta ban, nước chỉ uống một lần mà rồi không bao giờ còn khát nữa!


Và một vườn nho. Đẹp lắm chứ! vườn nho của các ngươi. Đẹp chứ! hình ảnh một người làm vườn nho đi tỉa nhánh nho. Cha Ta là người làm vườn nho, bánh của chúng con ngon, bổ dưỡng, nuôi sống. Ta là bánh thật. Ta là của ăn thật. Người thấy các người cha, các bà mẹ và Người ngạc nhiên: Lạ quá! Các ngươi xấu thế mà con biết xử tốt với con cái các ngươi. Vậy… hãy tưởng tượng lòng tốt của Đấng thật là Cha, hoàn toàn là Cha, là người Cha lý tưởng, lòng tốt Người sẽ bao la biết mấy! Không ai biết được Ngôi Cha ngoài Ngôi Con và những ai được Ngôi Con chỉ cho thấy. Ta là đường: Ta rất thích những đừong xuôi, ngõ dọc những lối đi của các ngươi. Trên mặt đất này TA đã đi nhiều rồi. Nhưng đường của các ngươi sẽ dẫn về đâu? Ta là Đường. Ta đã bước qua biết bao nhiêu ngưỡng cửa. Ta thích cửa của các ngươi lắm. Ta đã vào nhà các ngươi. Ta là Cửa. Các ngươi phải qua Ta để vào nhà Cha. Ngài đang đợi các ngươi. – Và như thế, Người mạc khải cho chúng ta biết những vật ngay trước mắt chúng ta, những vật quen thuộc kia – mà chúng ta có đủ lý do để yêu – đã được dựng nên theo kiểu mẫu nào và để mưu vinh danh cho ai.


Tất cả chúng ta đều còn nhớ cảnh Chúa ẵm một em bé, chỉ cho các môn đệ và bảo các ông phải tập ăn ở giống như trẻ em; nhưng Người bỗng nhớ lại rằng – thánh Marcô đã biên lại chỉ tiết này – đứa bé quá sợ, sắp sửa khóc vì thấy mấy người lớn xúm quanh nhìn chăm chăm vào nó, nên Người liền ôm hôn nó. Chúa sắp sửa dạy các môn đệ một khía cạnh chính yêu trong sứ điệp của Người, nhưng việc đó không cản Chúa chăm sóc đến đứa bé đang kinh hãi kia trước đã. Người dỗ nó. Người trấn an nó. Người làm cho nó hết sợ. Và chỉ sau đó, Người mới tiếp tục dạy các môn đệ.

Chúa Giê‑su còn “người” hơn chúng ta, thân ái hơn, ngọt ngào hơn, dễ cảm hơn những người tế nhị nhất trong chúng ta.

Một hôm, lên đền thờ, Người đứng đó với các môn đệ nhìn cảnh người qua lại. Họ đến bỏ tiền làm phúc vào các thùng lạc quyên. Các tông đồ tọc mạch, nhìn, ước lượng, bình luận. Người này cho bao nhiêu… người kia cho bao nhiêu… Nhưng, bỗng dưng Chúa Giê‑su hỏi: “Ai đã cho nhiều nhất?” Các môn đệ cố nhớ lại xem ai đã bỏ vào nhiều nhất. Thế là một lần nữa Chúa Giê‑su phải chỉ dạy họ tất cả, cắt nghĩa cho họ tất cả: “Chúng con không thấy người đàn bà lúc nãy sao? Chúng con đã không trông thấy gương mặt của bà ta sao? Chúng con không biết rằng bà đó đem tất cả gia tài mình đặt vào đó sao? Thật, Thầy bảo chúng con…” Và các tông đồ đã biết rằng mình đã không thấy gì cả, mình đã đui mù, đã thô kệch, cả trong cái tọc mạch của mình. Chỉ có mình Chúa đã yêu thương bà đó, và vì yêu thương, Chúa đã thấy, đã hiểu, đã đoán ra. Chúa chăm chú tới những nỗi khốn khổ, cùng cực của mọi người, những đau buồn thầm kín nhất, những sầu tủi đớn hèn nhất.

Đối với những người mà chúng ta không còn gì để hy vọng, thì Chúa lại minh chứng với họ một tình yêu, một lòng tin tưởng hết sức bất ngờ và hết sức mạnh mẽ đến nỗi Người có thể phát giác được nơi họ những nguồn hào hiệp tin tưởng rạng ngời.

Giakêu, anh chàng giàu mới, “Giakêu nhỏ người và giàu có” mà ai cũng ghét, Giakêu, nhất định là mãi mãi phải được giam cùm trong đống của cải bất chính của anh ta rồi – nhưng, Chúa đã đến thăm và Giakêu đã được giải thoát vĩnh viễn. Một cái nhìn, một tiếng gọi vui tươi: Giakêu, xuống mau đi, chiều nay tôi tới ăn cơm nhà anh đấy! “Và Giakêu đã tiếp rước Người về nhà, tràn ngập hoan hỉ: “Thưa Thầy, đây con xin cho…”. Không ai còn trông mong Giakêu có thể làm được việc gì thiện nữa. Thế mà, đây, có một Người đã yêu thương Giakêu, chọn nhà anh để trú ngụ, tin tưởng nơi anh. Thế là những mạch nước mà người ta cho là phải cạn vĩnh viễn, bắt đầu chảy tràn ngập nơi Giakêu, nâng anh ta lên và đẩy anh ta đi. Biến cải anh ta. Tất cả mọi người khác nhận đầu anh ta và hố tàn tạ. Tất cả những người khác đành cam chịu và một Giakêu độc ác, hà khắc, hư hỏng. Nhưng Chúa Giê‑su đã tin tưởng anh ta một lần cho đến vĩnh viễn.


Và như thế trong mỗi gia đình chúng ta, có những người bị bỏ rơi, không còn ai hy vọng gì nơi họ nữa, và chúng ta đã lạnh lùng kết án: thường đó là một bà dì, một ông chú họ xa, nhưng đôi khi cũng có thể là một đứa con? Là người chồng của chúng ta? Người vợ của chúng ta? Tôi đã thử đủ cách. Vô phương. Bất trị. Thế là xong. Tôi đã mất công hy vọng và nó! Thằng này ư? Đừng hòng gì nữa. Vô ích. Chú mày ơi, chúng ta đã biết mày nghĩ gì về chúng tao rồi! Con nhỏ này ư? Phải, bây giờ cô ta là “thánh sống” đấy. Nhưng không lâu đâu. Mấy tháng hè vừa qua đủ biết cô ta dám làm những chuyện gì rồi. Anh này ư? Chỉ biết bòn nhặt, rút tỉa chúng tôi thôi, rồi trở mặt phàn nàn chúng tôi. Bạc ơn. Giả dối. Tham lam. Giả hình. Cứ để nó lường gạt mình mãi thế nào thì càng thêm hại cho nó. “Tôi không thèm lo tới nó nữa…”


Vậy mà có lẽ chính Chúa Giê‑su sẽ dừng lại gặp người đó, sẽ nhìn họ với trọn niềm tin tưởng, sẽ yêu mến họ hết sức chân thành, có thể làm cho nao núng với một sự dịu hiền hết sức mới mẻ, với một nỗi phấn khởi hết sức truyền cảm đến nỗi có thể làm cho trái tim khô khan méo mó kia còn phát ra được những niềm tri ân, cảm động và vui mừng khôn tả.


Chúa Giê‑su tin tưởng tất cả nơi mọi người. Xuyên qua những trò hề đểu giả nhất, những cách thủ thế kỳ lạ nhất của chúng ta – ra vẻ đáng kính, nghiêm nghị, lầm lỳ, hách dịch, trịnh trọng, hoặc đê tiện, câm nín hoặc van xin – Người nhận ra được đứa bé bị bỏ rơi không lớn lên được nữa vì người đờiko còn tin tưởng ở nó nữa. Chúa không để bị lừa vì bất cứ một vẻ bên ngoài nào của chúng ta. Người biết chúng ta có những kiểu kỳ lạ: hoặc là tỏ vẻ hết sức xấu xa, hoặc tỏ vẻ hết sức tốt lành. Cả hai kiểu giả hình đó, cái nào cũng tệ hại, cũng đáng thương cả. Vì không được thương yêu, khám phá, nâng đỡ, tin tưởng mà chúng ta đã trở nên tệ hại như thế. Thiên Chúa hiện diện trong mỗi người, và chờ đợi được khám phá để lớn lên.


Yêu một người là hướng về họ một lời kêu gọi mạnh mẽ nhất, thúc bách nhất, là đánh động nơi họ một con người thầm kín và thinh lặng, làm cho nó không thể không trồi đầu lên trước tiếng gọi của chúng ta: một con người hết sức mới mẻ đến nỗi cả người mang nó cũng không biết nó, nhưng nó đồng thời lại hết sức thật đến nỗi không thể nào không nhận ra nó một khi đã khám phá ra nó.

Tình yêu nào cũng phải làm cho người yêu trở nên cha, nên mẹ. Yêu một người nào đó có nghĩa là kêu gọi người đó đến sự sống, là khai sinh họ, là mời gọi họ tin tưởng. Chúng ta chỉ có can đảm lớn lên đối với những ai tin tưởng nơi chúng ta. Và những người không lớn lên được nữa, chúng ta phải tới gặp họ ở chính mức độ mà họ không lớn nữa đó, ở chính mức mà họ bị bỏ rơi, mà họ tự giam hãm lấy họ, mà họ tạo ra một vỏ cứng để bao bọc lấy họ vì họ tin tưởng rằng họ cô độc. Cần phải có một người nào đó yêu chúng ta thật sâu đậm, thật bạo dạn để chúng ta dám tỏ ra khiêm tốn, hiền lành, dịu dàng, đơn sơ, có thể cảm hoá được.

Tội nghiệp cho những người gầm gừ hung dữ, những người không muốn cho ai tới gần. Tội nghiệp cho những người cố sức làm cho người khác kinh tởm. Họ quá khao khát thành thử trở nên chai đá như thế đó. Họ quá đau khổ thành thử trở nên độc ác như thế đó. Trước những tội lỗi họ vấp phạm, đáng lý chúng ta phải an ủi họ mới phải!


Chúa biết phải cư xử thế nào. Chúa không thèm sợ những tiếng la hét của chúng ta đâu. Chúa biết chúng ta mắc chứng bệnh gì và chỉ một cái nhìn thương yêu, Chúa đã chữa chúng ta. Người bị quỷ ám – và ai trong chúng ta không bị quỷ ám – la lên: “Hãy để cho tôi được yên thân, Giê‑su. Đừng hành hạ tôi. Tôi đã tìm được chỗ đứng rồi. Tôi đã quá khổ rồi, tôi không muốn khổ nữa. Nếu tôi khởi sự tin tưởng lại, cậy trông lại, yêu thương lại, thì một lần nữa tôi sẽ có dịp phải nghi ngờ, phải chờ đợi. Và thế là một lần nữa tôi sẽ khổ hận. Không, tôi không thèm tình yêu của Người nữa, tôi không thèm sự sống của Người nữa. Đừng lại gần tôi…” Thất vọng là thế. Nhưng tình yêu còn mạnh hơn cả thất vọng. Chúa phán: hãy ra khỏi người này. Không như chúng ta, Chúa không lẫn con người với bệnh của họ, người ác với ác tính của họ. Chúa không chịu nhập một con người với cái danh tiếng, cái quan niệm của người khác về nó (vì đó chính là cách chúng ta giết anh em mình kín đáo, mau chóng, và thông thường nhất, bóp nghẹt mọi sức sống có thể có trong người họ). Chúa Giê‑su không chịu như thế.

Qua những tiếng la hét, Người nhìn thấy hình ảnh con người của những giây phút trước khi có những tiếng la hét; Người nhìn thấy hình ảnh đứa bé của những năm tháng trước khi cùng khổ; Người nhìn thấy lòng khao khát yêu đương và được yêu đương bao la kia đã bị dồn ép lại để trở thành một sự khước từ kinh khủng – bởi vì không có ai để đáp lại sự khát khao đó. Chúa Giê‑su, Người đã đáp lại. Người nắm lại cuộc sống của anh chàng kia đúng lúc và đúng nơi mà tất cả mọi người bỏ mặc cho anh ta chết. Nơi mỗi người, Người có thể Thiên Chúa ìm ra được một chỗ vô tội mà Thiên Chúa yêu được, mà Thiên Chúa có thể dựa vào đó để trao ban cho họ, để tiến vào với họ, để nói chuyện với họ, để tự hiến cho họ hoàn toàn.

Vì thế, Người không thể chịu được những kiểu ngờ vực, khinh khi, lên án hấp tấp của chúng ta. Ma‑ri‑a Mađalêna chẳng hạn, Người đã đương đầu với tất cả để bênh vực bà: với Giuđa buộc tội bà lãng phí, với Martha buộc tội bà biếng nhác, với Simon không nói gì nhưng trong lòng nghĩ xấu về bà. Simon, người biệt phái, ngồi ăn cùng bàn với Chúa Giê‑su và thấy Ma‑ri‑a quỳ dưới chân Người, thì tỏ vẻ khó chịu, tự nghĩ: “Nếu ông này là tiên tri tất phải biết người đàn bà đụng đến mình là ai, thuộc hạng nào chứ: một người tội lỗi mà! “Thế là Chúa Giê‑su, tức tốc quay lại phía ông: “Simon, tôi có thể nói với ông một điều không?”. “Một người kia có hai con nợ. Người mắc 500 đồng, kẻ mắc 50. họ không có gì để trả, nên ông ta đã tha cho cả hai. Người nào sẽ thương ông ta hơn?” Simon, cũng là một tay cho vay ăn lời, thưa lại: “Theo tôi tưởng, thì người được ông tha cho nhiều hơn”. “Ông xét đúng, Simon, ông xét thế đúng lắm… Nhưng khi tôi vào nhà ông, ông đã không cho tôi nước rửa chân, còn chị này, từ lúc chị ta vào đến bây giờ, chị ta không ngớt xối nước mắt trên chân tôi và lấy tóc lau chân tôi; ông không hôn mừng đón tôi, còn chị ta…” Chúng ta thấy lòng âu yếm của Chúa Giê‑su! Người có thể cảm động vì bất cứ một cử chỉ thương yêu nào, và đồng thời cũng dễ cảm vì bất cứ một thái độ chai đá nào. Đã bao giờ chúng ta có ý nghĩ phải tiếp rước Người khác hơn Simon không? Hay là chúng ta, những người vốn tự hào hết sức tế nhị, cũng phải nhận lời trách móc kia: “Ngươi đã không hôn ta”.

Tất cả mọi người đều cho Simon là thánh sống – người “công chính” – còn Ma‑ri‑a là cô gái dâm đãng. Chỉ có Chúa Giê‑su thấy được chân tướng chúng ta thôi.


Lúc đứng cạnh xác của các người bạn nổi danh, Newman đã nhìn bao người khác diễu hành ngang qua để tưởng niệm. Những người này có lẽ tự cho là mình biết rõ những kẻ quá cố kia lắm. Nhưng, Newman nghĩ họ có biết được gương mặt thật của những người kia lúc ấu thơ, mà ngoài Chúa và một vài người chân tình yêu họ ra, không ai còn nhớ được.


Trong mỗi người đều có một chút ngây thơ, dễ thương. Nhưng họ dấu kỹ lắm, và chúng ta rất vụng về trong việc khám phá ra những chuyện đó. Claudel viết: “Nơi một anh chàng hà tiện chai đá nhất, nơi một cô gái buôn son bán phấn, nơi một anh chàng say sưa đê tiện nhất, vẫn luôn có một linh hồn ngày đêm sốt sắng lo sống, và linh hồn đó, vì bị lôi ra khỏi ánh sáng, đành tiếp tục phụng thờ trong bóng tối.” Và chính Conrad đã chú thích rằng nơi một tên cướp hung bạo nhất, cũng còn được một hẻm hóc trong sạch mà chỉ có một sự trong sạch tương xứng mới đến gần được thôi. Chỉ có người không muốn lập luận, không muốn mặc cả, nhưng chỉ trình bày cho người khác thấy sự ngay thẳng, chân thành, trong sạch của mình, chỉ người đó mới có thể xây dựng một cuộc gặp gỡ thật sự. Mà nếu anh ta đã đạt đến mức đó, anh ta có thể tin chắc sẽ được đáp lại bằng sự trung thành hoàn toàn.

Chúng tôi đã biết được Tình yêu và đã tin tưởng và Tình yêu đó. Simon, người biệt phái, không tin, vì ông ta không muốn tin. Người ta chỉ mở cửa cho những ai gõ. Mỗi người chỉ gặp được cái mình tìm. Simon đã tìm gì? Tất cả những người biệt phái tìm gì? Tìm để được thiên hạ nhận biết giá trị, công trạng của mình. Tìm phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực lập công của họ. Ông ta có cần gì đến cái “đặc ân quý hóa kia của Thiên Chúa”, đặc ân mà Ma‑ri‑a Mađalêna đã coi là nguồn sống của mình. Vì ông ta đã tự sức mua lấy Thiên đàng cho mình. Cái quảng đại bất ngờ kia, cái kiểu tha nợ kia không làm cho ông ta hứng lên chút nào: đã từ 20, 30, 40 năm nay, tất cả những cố gắng của ông ta là làm sao đừng mắc nợ ai kia mà! Và cái kiểu: chỉ dùng một cái nhìn để biến đổi bạn tận gốc rễ, để tạo nơi bạn một con người khác – con người theo như Người muốn – cái kiểu đó làm cho ông ta phát cáu. Như thế ông ta đã chẳng đàng hoàng lắm rồi sao! Từ hồi còn nhỏ ông đã phải cực nhọc tập tành đủ thứ nhân đức phiền phức để được như ngày nay: một con người đáng kính. Không ai đâu như Ma‑ri‑a Mađalêna. Chị ta thánh hết chỗ chê mà! Chị ta ấy à? Cực nhọc chi ai? “Simon! Tôi có điều muốn nói với ông”… “Simon! kẻ được tha ít, yêu ít…” Nhưng Simon không thể hiểu nỗi. Những lời đó không gây được ấn tượng nào nơi con người ông. Ông đã bị bế tắc. Ông thiếu khả năng, thiếu giác quan để hiểu những lời đó. Giác quan của khó nghèo, của khiêm nhượng, của tình yêu.


“Chiên của Ta nghe tiếng Ta… Chiên của Ta biết Ta”. Chiên của Người nhận ra Người. Người không cần phải cắt nghĩa, không cần phải chứng minh, bất kỳ thứ gì. Bởi vì Người có thể đánh động họ một cách hết sức tự nhiên. Họ tự cảm thấy Người. Và tình yêu đánh động lạ thường kia đòi hỏi phải được đáp lại tức khắc, đòi hỏi một đức tin khiêm tốn và hoàn toàn. Ai thuộc về Chúa, nghe lời Chúa. Người đó không mang theo gì cả, chỉ ngửa tay nhận lấy ơn Chúa, người đó thích làm người con của Chúa yêu, hơn là thích mang tới cho Chúa một con người cằn cỗi và đơn độc, vì ngoài ra họ không có gì quý giá hơn nữa.


Người đó, vì không kiêu ngạo, vì không giả dối, là người có giác quan hiểu việc, hiểu ý của Chúa. Là một người Chúa có thể đánh động được.


“Giác quan giúp chúng ta nhận ra các sự vật, các mùi vị, âm thanh. Những sự va chạm bảo cho chúng ta biết thế giới bên ngoài. Những lúc thời tiết thay đổi, hoặc khi chúng ta quá lao lực, chúng ta cũng biết, cũng nhận ra được những tín hiệu, từ bên trong, và có những cái chúng ta cảm thấy không nên khinh thường”.


Cũng thế, chúng ta cũng có những giác quan thiêng liêng để, đứng trước một người, một biến cố, một sự vật… chúng sẽ báo cho chúng ta biết thực chất của người của vật kia.


Một nơi mà người ta đã cầu nguyện nhiều sẽ phảng phất mùi nguyện cầu và quyến rũ người ta cầu nguyện; tất cả những ai mà giác quan còn lành mạnh và đã sẵn sàng, sẽ cảm thấy ngay và sẽ phản ứng lại ngay.


Một nghi lễ đẹp mắt, một thánh lễ cử hành trang nghiêm thâm trầm, một lời nguyện, một lần rước lễ, một lần xưng tội đàng hoàng sẽ nâng tâm hồn chúng ta lên và sẽ đổi mới chúng ta. Và một điều chắc chắn là một con người siêu nhiên, một người thánh, một người nhân đức thật sự sẽ có một sức quyến rũ huyền nhiệm đối với tất cả những tâm hồn có cùng một chiều hướng như thế. Và đây cũng là một tiêu chuẩn để nhận biết tình trạng tâm linh của chúng ta: chúng ta hãy tự hỏi xem những người đạo đức thánh thiện nhất mà chúng ta đã gặp, đã có ảnh hưởng như thế nào đối với chúng ta. Chúng ta có cảm thấy bị lôi cuốn, bị ảnh hưởng, để trở nên khiêm tốn, sốt sắng hơn không? Than ôi, có lẽ chúng ta phải thú nhận rằng chúng ta đã sống với họ, năm này qua năm khác, mà không hay biết, hoặc không ngờ.


Bên ngoài, Chúa Giê‑su giống như mọi người chúng ta. Những ai chỉ để ý tới vẻ bên ngoài, không thấy Người có gì khác họ: Người ăn mặc như mọi người. Người đi đứng, ăn nói, ngủ nghỉ như mọi người, chỉ trừ một điểm khác: Người không bao giờ phạm tội. Nhưng đoàn lũ nông cạn, lơ đễnh kai làm gì mà nhận thấy được sự khác biệt trời bể này.


Chỉ những ai có được chút đức tin bén nhọn, chút đời sống thiêng liêng sâu đậm, mới nhận ra được, mới cảm thấy bị Người lôi cuốn, nhưng không thể hiểu tại sao. Đến gần Người, họ cảm thấy những lãnh vực sâu xa nhất, sống động nhất của con người họ bừng dậy, những nỗi vui mừng, yêu thương, cảm động bao la, êm đềm, vô biên, tự đáy lòng họ trào dâng.


Tất cả những lần Chúa hiện ra sau ngày Sống lại chỉ có một mục đích duy nhất: tập cho chúng ta, xuyên qua những nét tầm thường bên ngoài, có thể nhận ra được sự hiện diện kinh hồn kia. “Bà tưởng đó là người làm vườn. Lúc đó, Chúa gọi bà: “Ma‑ri‑a…”! “Họ thấy trên bờ có một người đứng nhìn họ…” Sau mỗi lần, họ nhận ra Người nhanh hơn, họ tiếp nhận mau mắn hơn, tiếp nhận sự hiển nhiên không chứng minh được kia. Họ tập nhận ra Người nhờ một thứ ấn tượng, cảm giác, thứ cảm giác mà chỉ có Người mới gây nên được thôi! “Tâm hồn chúng ta đã chẳng cảm thấy nóng nảy khi Người giải nghĩa Thánh kinh cho chúng ta đó sao?”

Lần đó, nhờ đâu họ đã nhận ra Người? “Họ nhận ra Người qua việc bẻ bánh”. Chỉ có thế. Một chút đồ ăn, bỗng nhiên được bẻ ra và được phân chia trong một quán trọ tầm thường mà vị tình Người đã bước vào. “Xin hãy ở lại với chúng tôi vì trời sắp tối”: một ước muốn, một sự đồng ý, nhận lời, một bữa ăn chung. Đấy, Chúa Giê‑su chỉ chọn có thế để gây ấn tượng nơi chúng ta. Và đấy, chúng ta cần phải chọn: hoặc theo Người, hoặc chống lại Người trong những việc, trong những loại bằng chứng như thế.

Nhưng tại sao? Nhiều người thắc mắc. Tại sao lại không dùng sức mạnh, uy thế, quyền lực, hiển hách, kể cả võ lực và rầm rộ? Như thế sẽ rõ ràng hơn. Và như thế, bác ái hơn. Ít nữa mọi người sẽ hiểu, mọi người sẽ nghe theo.


Sẽ không một ai hiểu. Có lẽ mọi người sẽ nghe vì vui tai, và có lẽ vì sợ hãi mà sẽ phải theo Thiên Chúa... Nhưng, Thiên Chúa, trái lại, chỉ thích có tình yêu. Để diễn tả trung thành tình yêu của Chúa Cha, thì chỉ có sự hiện diện im lặng, cảm thấy được, chạm đến được – của Ngôi Con. Trên Thánh Giá, người ta đã thách thức Người trổ tài thần linh cho họ xem. Người đã đáp lại – bằng cách đứng yên trên Thánh giá! Người đã yêu chúng ta đến thế (yêu ai, nghĩa là tin cậy, đợi trông nơi người đó mãi mãi): Người đã yêu chúng ta đến nỗi dám trông đợi nơi chúng ta chuyện đó – tin tưởng chúng ta cũng yêu Người như thế, yêu Người ở đó. Tin tưởng từ đây chúng ta sẽ biết tìm gặp Người: trong những người nghèo khó, những kẻ bị bỏ rơi, những người bị bắt bớ, hành hạ, những người sắp chết, những người vứt đi, những người cô quạnh, yếu đuối, bị đàn áp; biết gặp Người trong tình yêu, trong đơn sơ, trong tăm tối, trong đau khổ, trong âu yếm, trong khó nghèo và trong cái chết: đó là những giá trị nhân loại mà Chúa cho là đặc biệt xứng hợp để mạc khải những giá trị thần linh.


“Không ai lấy được mang sống Ta, Ta tự ý trao ban… Vì thế Cha Ta yêu Ta…” để chúng ta có thể chia sẻ sự vui mừng – tự ý yêu, tự ý theo – của Người, chúng ta cần phải được tự do để có thể không yêu Người.


Một bà lão, sau khi đọc cuốn “Cuộc đời Chúa Giê‑su” của Renan và nhiều sách thuộc loại “gối đầu giường” của phái hoài nghi (scepticisme) đã nói: “Không, tôi không thể tin được. Vì, nếu Chúa Ki‑tô là Thiên Chúa, thì Người đã kiếm được một bằng chứng cho tôi, là kẻ đã có bao nhiêu thiện chí, muốn tin tưởng nơi Người”.

Bà ta không muốn tin. Bà ta chỉ muốn biết, bà ta chỉ muốn có một sự thật hiển nhiên mà lý trí phải nhận.


Vấn đề ở đây không ăn thua gì đến lý trí. Sự thật của Thiên Chúa không phải là sự thật thuần lý. Khi yêu ai, một ngàn lý lẽ cũng không minh chứng được gì, một trăm vấn nạn cũng không làm chúng ta nghi ngờ hơn.


Chúa không ép buộc bất kỳ ai. Chúa chỉ yêu. Chúa xin một câu trả lời. Chỉ những ai chấp nhận thể lệ đó, trật tự đó, những giá trị đó, những “bằng chứng” đó, những “bằng chứng” không cắt nghĩa được đó, chỉ có họ mới cảm thấy được Chúa. “Chỉ có con tim mới cảm được Chúa, chứ không phải lý trí đâu”.


“Chưa bao giờ có ai nói như Người này”: đó là lời của những nhân viên an ninh được phái tới bắt Chúa. (Ga 7,46), những anh lính mướn chất phác quê mùa kia: họ đã dám liều tất cả khi nói câu đó. Địa vị của họ, danh tiếng của họ, tương lai của họ. Và có lẽ cả tôn giáo của họ, tôn giáo lưu truyền bền bỉ mà họ chối ngang một cái – trong giây phút, họ đã chấp nhận phá bỏ tất cả, đặt lại vấn đề tất cả. Họ đã bằng lòng hứng chịu những lời nhạo báng của đồng bọn, đã bằng lòng trở về trình diện sở an ninh với lý lẽ buồn cười và tình cảm kỳ cục kia: “Ông ta nói hay quá làm thế nào bắt được”.

Không ai nói được như người này, không ai yêu như người này yêu. Không ai tha thứ như người này. Chỉ có Chúa mới đến với chúng ta như thế. Chỉ có Chúa mới có thể làm cho chúng ta cảm thấy hết sức đau khổ và đồng thời hết sức sung sướng thôi.


Chúng ta cũng thế, một ngày nào đó, chúng ta đã cảm thấy Người. Ngày đó, chúng ta cũng đã biết rằng chỉ có Người mới có thể cứu chữa chúng ta, chỉ có một nơi duy nhất mà chúng ta có thể lấy lại được chất sống thực, chất sống dẻo dai và hạnh phúc.

Một lời nguyện kia, với tất cả lòng tin, lần tĩnh tâm nọ, buổi xưng tôi kia đã biến cải chúng ta. Không phải lúc nào chúng ta cũng vô tri vô giác đâu. Chúng ta thích một người đã giảng rất hay về Chúa. Chúng ta lui tới một nhà thờ nọ hơn bất cứ một nơi nào khác. Một dịp nào đó chúng ta đã tỏ ra can đảm, lương thiện mặc dầu bị cám dỗ gắt gao, đã tỏ ra quảng đại mặc cho môi trường lôi cuốn, chúng ta đã cảm thấy được nâng đỡ, cảm thấy trong chúng ta có một người khác ủng hộ, nâng đỡ chúng ta.


Chúng ta chỉ thiếu có một điều: đó là chưa biết sống trung thành với những cảm giác đó. Thánh Têrêsa Avila, năm 40 tuổi, có thể nói được là một nữ tu đạo đức bình thường, không hơn không kém. Nhưng rồi, tượng Chúa chịu sỉ nhục mà bà có dịp nhìn ngắm không biết bao nhiêu lần, đã xúc động bà đến nỗi cảm thấy trong người nổi dậy một cảm xúc không bao giờ phai mờ được. Mỗi lúc cảm thấy chia trí, lo chuyện khác hơn là lo nghĩ đến Người, bà chỉ cần nhớ lại giây phút đó. Bà đã “giữ lấy và suy gẫm trong lòng”. Các thánh là những người có thể bền bỉ đến mức đó. Chúa ban cho chúng ta các kho tàng Tình yêu của Người và chúng ta đã phung phí không chút tiếc tay.


Đối với Chúa Giê‑su cũng giống như đối với những bạn cũ của chúng ta, có một lúc nào đó chúng ta đã yêu họ, nhưng, giờ đây, dần dà chúng ta quên mất họ mà không hay biết. Không giận hờn họ, cũng không chủ tâm, nhưng với những hoàn cảnh đổi thay, dần dần chúng ta đã xa cách họ. Không thư từ với nhau, cũng không đọc lại thư cũ, hay lật lại những tập hình kỷ niệm. Chúng ta đã bỏ qua những dịp có thể gặp lại họ. Chúng ta còn bận lo những chuyện khác, mặc dầu không thích, không quyến rũ bằng người bạn cũ. Chúng ta còn có thể yêu ai như chúng ta đã yêu Người đó không? Thế mà chúng ta đã quên, không còn nghĩ tới họ. Và giờ đây, nếu nghĩ đến, chúng ta sẽ phải đón nhận một sự thật kinh hoàng: dầu cho một chút ước mong lại họ cũng không còn.

Chúng ta cần phải thay đổi nhiều, cố gắng nhiều, phải làm nhiều việc mà chúng ta không còn thói quen làm nữa để nối lại với họ, để có thể bắt đầu yêu họ trở lại.


Đó là điều đe dọa mối tình giữa chúng ta với Thiên Chúa; đó là cái làm cho đời sống đạo của chúng ta ra cằn cỗi: không chú ý đến Người, không ước muốn gặp Người, không mong được thấy Người. Không ai có thể thấy Chúa Giê‑su, gặp Chúa Giê‑su mà họ không luôn ước muốn gặp Người. Chúa lấy làm vui mừng tỏ mình ra cho chúng ta, nhưng mặc dầu Người toàn năng, Người cũng chỉ có thể tỏ mình ra cho những ai khao khát Người. Chúng ta không biết Chúa chính vì chúng ta thiếu ước vọng gặp Chúa; chúng ta không nhận ra Người, vì chúng ta đã không cung kính ghi nhớ tất cả những gì Người đã mạc khải cho chúng ta về Người. Đức tin, đức mến, đức cậy: có nghĩa là trong lúc tối tăm cố nhớ lại những gì chúng ta đã thấy, đã cảm, đã hiểu, trong ánh sáng.


Người ta không tạo ra được Chúa. Người tự mạc khải.
Không phải chúng ta hiến thân cho Chúa, mà chính Chúa hiến thân cho chúng ta. Người chỉ chờ mong nơi chúng ta một điều: chúng ta tiếp rước Người. Chúng ta tiếp rước Người với tất cả thực chất của Người: nghèo khó, yêu thương, đau khổ vì chúng ta lạnh nhạt và chỉ biết lo âu, chú ý tới tất cả những gì liên quan đến chúng ta. Chúng ta đi tìm Người, nhưng Người đã bảo chúng ta hãy tin Người vẫn ở đó từ lâu, chúng ta tưởng chúng ta chiếm đoạt được Người, nhưng thực ra Người đã tự hiến mình cho chúng ta từ lâu lắm rồi.

Quá nhiều người cứ tưởng đạo là những gì họ đã làm được cho Chúa; những chuyện tồi tàn, ti tiện, nhỏ nhoi mà họ có thể làm cho Chúa. Vì thế đạo đối với họ cũng tồi tàn, ti tiện, nhỏ bé. Họ chậm chạp. Họ tiến bước nặng nhọc, phải nhiều hy sinh phiền phức lắm họ mới tiến lên được một chút – chỉ một chút thôi – tiến đến một Đấng mà họ cho là Tối Cao và không biết lo lắng gì cho họ.

Nhưng, Đạo là chính những gì Chúa làm cho chúng ta, những việc to tát, lạ thường mà Chúa tạo nên cho chúng ta. Chúa tốt lành đến nỗi chính Người đã xích lại gần chúng ta trước. Người chỉ đòi hỏi chúng ta thán phục, vui mừng hớn hở nhận ra như thế. Chúng ta chỉ cần ca khen, và vui lên… Mức độ đạo đức chúng ta được đo lường bằng mức độ hân hoan thán phục của chúng ta. “Chúa đã làm cho tôi những việc lạ lùng!” Chúa không phải là kẻ thụ ơn, lãnh nhận, càng không phải là Người đi xâm chiếm. Chúa là Người ban phát, thứ tha và đời đời chúng ta sẽ ca ngợi công ơn Người.

Thế thì đạo dễ dàng quá? Đừng lầm! Chúng ta rất ghét được yêu nhưng không, yêu cách vô lý như thế. Vì chấp nhận như thế, là mặc nhiên tự nhận chúng ta không đáng gì hết tự nhận chúng ta sẽ không có giá trị nào hết nếu không có tình yêu tạo dựng nên chúng ta kia. Và đồng thời cũng là chấp nhận để được tạo dựng… giống hình ảnh Người. Chấp nhận bước vào lề lối hành động kinh khủng của một tình yêu không tính toán, không đắn đo, và trông chờ tất cả. Nếu chúng ta quá sợ tình yêu đó là vì chúng ta biết chúng ta cũng sẽ được tha thiết mời gọi để cùng yêu như thế. Vô điều kiện.


“Không phải để mua vui mà ta yêu con”, Chúa Giê‑su đã nói với chị Angela đệ Folignô. Chỉ những ai đã bắt đầu để Chúa tự do hành động nơi mình mới biết rõ điều đó.


Trên trần gian này chỉ đạo chúng ta mới có được điều này: là đạo dám bảo chúng ta phải tin rằng: chính Chúa đã yêu chúng ta trước tiên. “Chính Ta, Chúa Giê‑su nói, Ta đã chọn các con, chứ không phải các con đã chọn Ta!” Chúng ta có tin như thế không?

Đây không phải chỉ là vấn đề chấp nhận cách tổng quát rằng Thiên Chúa yêu nhân loại. Điều đó rất dễ nhận, không cần cố gắng, với lý do rất dễ hiểu là vấn đề nếu được đặt ra như thế, thì nó không có nghĩa gì hết. Nhưng vấn đề ở đây là phải tin rằng tình yêu kia là một tình yêu đích thực, nghĩa là cụ thể, đặc biệt hướng đến từng cá nhân chúng ta. “Không một sợi tóc nào trên đầu chúng con rơi xuống mà Chúa Cha không biết…”; không một ảo tưởng nào của bạn, không một cử chỉ trung thành nào, không một nỗi vui mừng nào, không một thiện ý nào của bạn, không một thứ gì của bạn bị hư đi, mất đi, mà Người không hay biết, không cảm động, không cảm thấy có liên quan đến Người.


Nếu không tin thế, nếu trong cuộc sống không cảm thấy được sự bảo đảm ấy nâng đỡ, chúng ta chưa phải là người Công giáo. Ngày phán xét, điều Chúa sẽ hỏi trước tiên là: ngươi có tin Thiên Chúa đã yêu ngươi không? Ngươi có tin Thiên Chúa đã chờ đợi, đã thấy biết, đã ao ước ngươi hằng ngày không?


Tất cả chúng ta đều cảm thấy không thể nào tin được điều đó. Thế mà chỉ bao giờ chúng ta tin thế chúng ta mới có thể đến được mầu nhiệm. Nếu tôi không tin Người yêu tôi, thì việc tôi tin Người yêu những Người khác là chuyện vô nghĩa. Tôi phải bắt đầu từ đấy, từ tình yêu Người đối với tôi, để có thể cảm thấy cái hay ho lạ lùng của tình yêu Người đối với anh em tôi (“họ, có lẽ họ còn tốt đấy”). Khi tôi có thể tin rằng Người yêu chính tôi – con người bất trị, mà chỉ có tôi mới biết rõ được thực chất thôi – thì tôi mới có thể có tiêu chuẩn để đo lường được tình yêu lạ lùng kia.


Các thánh là những người có thể nói: “Chính tôi đã biết tình yêu Chúa đối với tôi và tôi đã tin và tình yêu đó”. – Còn chúng ta? Chiều nay? Có lẽ, đúng hơn, chúng ta sẽ trả lời: “Tôi đã không tin. Người ta đã nói với tôi nhiều về vấn đề đó. Tôi đã nghe giảng nhiều. Nhưng, tôi đã tin rằng đó chẳng qua chỉ là một cách nói để an ủi. Họ nói dối vì bác ái (charitable mensonge). Một lời khuyến khích để tôi đạo đức hơn”.


Điều khác biệt giữa các thánh và chúng ta là ở đó. Dầu vậy, hơn ai hết, các thánh đã hiểu rõ được sự thiếu thốn, sự bất lực kinh khủng của con người, sự bất lực để bước vào sức sống của Chúa, các ngài đã hiểu rõ những chối từ làm tê liệt và phân cách chúng ta với Người. Lewis, trong “Problème de la Souffrance”, trang 96‑97, viết như sau: “Có lẽ bạn đã tưởng đức khiêm nhượng của các thánh chỉ là một thứ ảo tưởng đạo đức mà khi nhìn thấy, Chúa sẽ phải tức cười. Đó là một trong những sai lạc nguy hiểm nhất. Nguy hiểm trong lý thuyết, vì nó đã làm bạn đồng hoá một nhân đức (nghĩa là một hoàn hảo) với một ảo tưởng (nghĩa là một khuyết điểm): đó là một điều hiển nhiên là phi lý. Nguy hiểm trong thực hành, bởi vì nó sẽ khuyến khích con người coi những ý nghĩ sáng suốt tiên khởi về thực trạng suy đồi của mình như là những ý nghĩa điên rồ. Không. Bạn hãy tin chắc đi, khi các thánh bảo là chính các ngài cũng xấu xa, cũng đê hèn, đó là các ngài đã ghi lại sự thật với tất cả sự chính xác khoa học.”


Nhưng, nếu vậy, thì làm thế nào Chúa yêu chúng ta được? và tại sao Người lại yêu chúng ta? Chúa yêu chúng ta có nghĩa là gì?

Chúng ta rất cần phải xác định quan niệm của chúng ta về vấn đề đó, vì đây là vấn đề nòng cốt của đạo: tin rằng tất cả những gì tôi làm đều có liên quan tới Chúa. Vô thần thực sự là tin điều trái ngược lại. Là đành chịu điều ngược lại. Cuộc sống vô thần là một cuộc sống trong đó người ta để tất cả trôi qua, người ta cảm thấy, người ta chiến đấu, người ta hứng chịu tất cả dường như người ta cho là Thiên Chúa không liên quan gì đến nó cả. Có bao nhiêu người vô thần trong chúng ta?


Đâu là giới hạn khinh rẻ chính mình mà chúng ta cho là chúng ta không có quyền đi tới? Đâu là những bổn phận chúng ta tự nhận phải thi hành đối với cái con người đã được trao phó cho chúng ta từ hơi thở đầu tiên kia? Chúng ta có tin rằng trong con người mình có cái gì phải kính nể, phải chở che không? Cái mà Chúa trọng – dẫu chúng ta không trọng. Chúng ta có cho là mình đã quá hung ác, quá cay nghiệt với con người kia không? Con người mà Chúa, chính Chúa, thương yêu vì Người đã sáng tạo nó. Chúng ta phải tỉnh ngộ, đừng nhầm lẫn sự tự khinh rẻ mình và đức khiêm nhượng.

Mỗi người chúng ta cần phải chấp nhận bắt tay với chính mình, vì mình là một phát minh, một ý muốn của Thiên Chúa. Đó là một đức tin đầu tiên, đức cậy đầu tiên, đức mến trước nhất mà Chúa đòi hỏi chúng ta – mà chúng ta có thói quen từ chối với Người đến hơi thở cuối cùng.


Viết tới những dòng cuối cùng của tập nhật ký, vài phút trước khi tắt thở, “Cha sở nhà quê” (“Curé de campagne”) mới nói lên được câu này: “Tôi đã làm hoà với chính mình tôi, với các thân xác đáng thương này. Ghét mình không khó như người đời tưởng đâu. Quên được mình là một đặc ân. Nhưng, nếu một khi chúng ta đã huỷ diệt được tất cả mọi thứ kiêu ngạo trong con người chúng ta, thì đặc ân cao cả nhất là mình có thể yêu mình một cách khiêm nhượng, như yêu bất cứ một phần thân thể đau khổ nào của Chúa Giê‑su Ki‑tô.”


Chúa yêu gì nơi chúng ta?


Không phải giá trị của chúng ta, chắc chắn rồi. Nếu rủi chúng ta nghĩ như vậy, thì chúng ta sẽ có thể đọc lên lời nguyện – thực ra đây là tâm tình biết ơn – của người biệt phái kia; và chúng ta đã biết Chúa Giê‑su nghĩ thế nào về lời nguyện như thế!

Cũng không phải cái nhãn hiệu Công giáo của chúng ta: Chúa Giê‑su luyến thương những người ngoại giáo, những người không dựa vào những “nguyên tắc tôn giáo” của họ để đóng đinh Người, những người không phây phây cho mình là những người “nghĩ đúng”, những người không khư khư lúc nào cũng phải đúng hơn Người. Người yêu những con người trẻ trung, hớn hở kia, những con người sẵn sàng, cởi mở, dễ hăng hái và chưa bị một thói quen nào quá đâm rễ sâu làm chết nghẹt niềm tin yêu.


Cũng chẳng phải tội lỗi chúng ta mà chúng ta được Chúa yêu. “Chúa tức giận vì sự cứng lòng của họ” cũng như vì chúng ta chống đối lại tiếng Chúa gọi. Người đã yêu Ma‑ri‑a Mađalêna, một Ma‑ri‑a Mađalêna đã biến cải từ lần gặp gỡ đầu tiên. Còn chàng thanh niên giàu có quay gót trước những đòi hỏi của Người, đã không được làm bạn với Người.


Chúa yêu… những ai Chúa có thể thể cho thật nhiều, những ai trông đợi thật nhiều nơi Người, những ai cởi mở với Người nhiều nhất, những ai Người phải “bận tâm” nhất, những ai tín thác hoàn toàn nơi Người, trao gởi nơi Người nhiều nhất. Dầu họ có trong sạch như thánh Gioan, hay nhơ bẩn như Ma‑ri‑a Mađalêna và Giakêu, không hệ gì. Cái quan hệ đối với Người là họ phải thích nương tựa nơi Người, vui mừng trong Người và chỉ sống vì Người. Chúa yêu sự khiêm nhường, cởi mở, tươi mát của những ai, có đủ công tâm để tự nhận thấy mình khó yêu, dầu vậy, đồng thời vẫn có đủ ngây ngô để tin rằng mình đã được yêu và vui mừng trông chờ tất cả nơi Người.


Chúa yêu những ai tự biết mình bất lực, dầu vậy, vẫn tin tưởng mình sẽ làm được những việc lạ lùng – bởi vì Chúa có thể dời núi lấp biển nếu người ta tin tưởng xin Người. Tinh thần nghèo khó, trước hết, là thế: là khả năng chịu để người ta lay động, bứng gốc bứng rễ mình; là thái độ hăm hở, kiên tâm chịu cho tác dụng yêu thương của Chúa lay chuyển.


Và tác dụng đó thường xảy ra ở một vài nơi mà chúng ta không tới được, vì Chúa chạm đến chúng ta ở tận gốc rễ của con người chúng ta, và chính nơi đó Người sẽ hành động, Người làm việc, nhào nặn chúng ta, hoàn thành công việc của Người nơi chúng ta. Chúng ta làm Chúa vui thoả vì những việc chúng ta để Người làm nơi chúng ta.

Con người gần như còn cần phải được tạo dựng toàn diện. “Cha Ta làm việc không ngừng. Và Ta cũng làm việc nữa”, có nghĩa là Ta tạo dựng không ngừng. Ta bồng ẵm, Ta nâng đỡ – chúng con, những đứa con mãi mãi vẫn là trẻ thơ. Chỉ có Chúa mới biết được thực chất của chúng ta xuyên qua lớp vỏ bên ngoài. Chỉ có Chúa mới yêu chúng ta, dầu chúng ta có mất tất cả những đức tính, vì Chúa không yêu những đức tính của chúng ta. Chúa yêu chúng ta. Chỉ có Chúa mới có thể chịu đựng chúng ta mãi mãi.


Chỉ có Chúa mới biết những gì Chúa đợi trông nơi chúng ta, mới biết những người Chúa đã đặt tuỳ thuộc vào chúng ta, những cử chỉ mà Chúa trông đợi nơi chúng ta. Khi chúng ta tự khinh rẻ mình, chúng ta khinh rẻ tất cả những dự định kia, tất cả những ước muốn của Người nơi chúng ta, tất cả sự vui mừng mà Người trông đợi nơi chúng ta, tất cả sự cậy trông mà Người đã đặt để nơi chúng ta.

Mỗi người chúng ta là một phần tử của riêng Người, một phần mà Chúa giao lại cho chúng ta. Gần như không bao giờ chúng ta biết mục đích nó để làm gì; cách chung. Chúa cố ý giấu chúng ta. Và rồi, tức nhiên là chúng ta sẽ thường hỏi Người: mục đích nó để làm gì thế, mạng sống chúng ta có ích lợi gì, cho ai? Đức tin là tin tưởng rằng Chúa thấy nó có ích lợi, cần thiết cho chương trình của Người, cho sự vui mừng của Người.


Những lúc mình cảm thấy bị vượt quá đi là những lúc mình biết mình ở trong Chúa hoàn toàn, được Người khích động và ở mức đó; mình chỉ có thể chuyển động nhà Người thôi. Sự hứng khởi (nghệ thuật, thi phú) cho chúng ta một hình ảnh về sự khích động đó. Chúng ta phải tin rằng: dầu không cảm thấy được, chúng ta luôn luôn… bị vượt quá, được nâng đỡ, được linh ứng, được hướng dẫn bởi một bàn tay chăm sóc, được theo dõi bởi một cái nhìn vô cùng trìu mến.


Tin ở tình yêu Thiên Chúa là tin rằng Người chăm sóc “điên cuồng” đến từng cá nhân chúng ta, chăm sóc một cách liên tục.


Như vậy, làm sao chúng ta có thể không kính nể con người chúng ta đây, đứa con mà Chúa hằng yêu thương đến thế? Làm sao chúng ta khỏi xấu hổ vì cái lối cư xử tệ bạc của chúng ta với nó?

Nói thế không có nghĩa là chúng ta phải coi hoạt động của mình là quan hệ, phải đề cao sự hiệu nghiệm của mình, những thành công bất ngờ hoặc cả những thất bại có thể có, nhưng, trái lại, phải đề cao sự quan trọng cũng như giá trị mà Người đã nhúng tay vào để kiến tạo nên.


Việc hiệu nghiệm nhất mà chúng ta có thể làm là cầu nguyện. Chính trong khi cầu nguyện, trong sự thụ động tích cực đó, mà tất cả được quyết định, tất cả bắt đầu thành hình. Những gì chúng ta được coi như sẽ làm, hay làm được thực sự sau này, thì Chúa đã chuẩn bị cho nó được khai sinh nảy nở vừa tầm chúng ta, trong chính những lúc nhiệt thành phó giao, đợi lệnh trong thinh lặng, mà chúng ta không hay biết: tất cả giá trị tương lai của chúng ta bắt đầu manh nha và hút nguồn sinh lực từ những giây phút đó.

Nhưng, chúng ta không thể tin rằng Chúa yêu thương chúng ta nếu chúng ta không tin rằng tình yêu kia nâng cao phẩm giá chúng ta. Quá nhấn mạnh tới tính cách cho không, biếu không, chúng ta đã quên mất giá trị của món quà được trao ban.


Tình yêu Chúa không những chỉ giúp chúng ta làm được những gì tự chúng ta không thể làm, nhưng còn biến đổi chúng ta trở thành cái mà tự chúng ta không thể trở thành được: một con người vô cùng cởi mở hơn, mềm mỏng hơn, tin tưởng trao phó hơn, vui mừng hớn hở hơn, sung mãn hơn con người mà chúng ta tự tạo lấy, hơn con người mà chúng ta vẫn bo bo cố giữ lấy cái hình ảnh ảm đạm: một con người biết yêu thương hơn.


Simon, tôi có một điều nói với ông… Ai được tha ít, yêu ít. Ai được tha nhiều, yêu nhiều.


Chỉ có Chúa mới biết yêu. Chỉ những ai biết mình được yêu, được tha thứ như thế mới có thể yêu thương trở lại. Như vậy, kẻ yêu thương là con Thiên Chúa (1 Ga 4,7). Và Người đó biết Thiên Chúa. Chỉ những ai biết đáp lại tình yêu kia bằng cách yêu trả lại, bằng cách thông ban tình yêu đó lại, mới được mời gọi tiến vào sâu hơn. Chiên của Ta biết Ta, và theo Ta. Những gì Chúa đã làm cho họ, họ sẽ tức tốc làm y như thế cho những người khác. Con người mới mẻ mà Chúa đã làm sống dậy trong họ, gương mặt mà Chúa đã đưa ra và họ đã nhận được, đã chấp nhận là của họ, thì với một tình yêu đó, với cùng một sự nhẫn nại đó, họ sẽ giúp những người khác có thể nhận ra như thế. Lòng trung thành hoàn toàn kia, lòng biết ơn sâu xa, sự trìu mến mà Chúa giúp họ khám phá ra đó, họ cũng sẽ ra đi nói cho người khác khám phá ra rằng họ cũng có thể làm như thế.


Vì giới răn chính không phải chỉ là: hãy thương yêu nhau, nhưng là: hãy thương yêu nhau như Ta đã thương yêu chúng con. (Ga 15:12).

 

Louis Evely

Nguồn tin: Dòng Đa Minh