Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần trong công trình tạo thành

Tue,12/11/2019
Lượt xem: 4898

 

 

“Mọi sự được tạo dựng nhờ Người và cho Người”

 

 

    Lm. Phêrô  Nguyễn Văn Hương

 
Vài suy tư này muốn đặt lại Ngôi Vị thần linh và nhân loại của Chúa Kitô ở trung tâm điểm của hai yếu tố lớn lao mà chúng tạo nên “thực tại,” đó là vũ trụ và lịch sử, không gian và thời gian, sáng tạo và con người. Chúng ta cần nhận ra rằng dẫu có nhiều cuộc thảo luận về Người, nhưng Chúa Kitô bị loại ra khỏi nền văn hóa chúng ta. Người hoàn toàn vắng mặt – và vì những lý do không thể nào hiểu được – trong ba cuộc đối thoại chính mà trong đó đức tin được nhập cuộc vào trong thế giới đương thời chúng ta: cuộc đối thoại giữa đức tin và khoa học, đức tin và triết học, và đức tin với cuộc đối thoại liên tôn.

Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của tôi không phải là lý thuyết, nhưng là thực hành. Vấn đề trước hết là đặt lại Chúa Kitô ở trung tâm điểm đời sống mỗi người chúng ta và vũ trụ quan chúng ta và ở trung tâm điểm của ba nhân đức đối thần là tin, cậy và mến. Giáng Sinh là mùa thuận tiện nhất cho những suy niệm như thế, vì đây là thời gian mà chúng ta nhớ lại giây phút Ngôi Lời trở thành nhục thể, một cách thể lý khi bước vào công trình sáng tạo và lịch sử, trong không gian và thời gian.

1- Trái đất còn trống rỗng

Trong bài suy niệm đầu tiên này, chúng ta hãy suy tư về phần thứ nhất của chủ đề đã được loan báo, tương quan giữa Chúa Kitô và vũ trụ. “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước (St 1,1-2).

Một tác giả thời Trung Cổ người Anh, Alexander Neckam (1157-1217), đã chú giải về những đoạn khởi đầu của Kinh Thánh như thế này:

“Đất còn trống rỗng bởi vì Ngôi Lời chưa trở thành nhục thể. Trái đất chúng ta còn trống rỗng bởi vì sự viên mãn của ân sủng và chân lý chưa ở trong nó.

Nó còn trống rỗng bởi vì nó chưa được làm cho cố định và ổn định nhờ một sự kết hợp với thần tính.

Chỗ ở của chúng ta trên trái đất còn trống rỗng bởi vì sự viên mãn của thời gian chưa đến.

Và bóng tối bao phủ dày đặc mặt địa cầu. Và ánh sáng đích thực chiếu rọi mọi người là Đấng đi vào thế giới quả thật chưa đến.”

[i]

Tôi tin rằng chúng ta không thể nào diễn tả tương quan giữa sáng tạo và Nhập Thể theo cách đầy chất Kinh Thánh và đầy cảm hứng hơn cho bằng đọc cách song đối đoạn khởi đầu của sách Sáng Thế và Tin Mừng Gioan mà tác giả này vừa làm. Thông điệp Laudato si’ dành một đoạn cho chủ đề này, vì nó ngắn, chúng ta có thể đọc hết:

“Theo cách hiểu của Kitô giáo về thế giới, vận mạng của toàn thể sáng tạo đã được gắn kết trong mầu nhiệm Chúa Kitô, hiện diện ngay từ thuở ban đầu : “Tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16). Lời mở đầu của Phúc Âm thánh Gioan (1,1-18) cho thấy hành động sáng tạo của Đức Kitô như Lời của Thiên Chúa (Logos). Thế nhưng lời mở đầu này gây kinh ngạc khi xác nhận rằng Lời “đã hóa thành xác thể” (Ga 1,14). Một Ngôi Vị của Ba Ngôi Thiên Chúa tự hội nhập vào vũ trụ được tạo thành và đã liên kết với tạo thành cho đến thập giá. Từ khởi đầu thế giới, nhưng với một cách đặc biệt từ mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Chúa Kitô thực hiện một cách bí mật trong toàn thể thực tại, mà không ảnh hưởng gì đến sự độc lập của chúng.”[ii]

Vấn đề là Ngôi Vị Chúa Kitô ở chỗ nào trong tương quan với vũ trụ xét như là toàn thể. Đây là bổn phận cấp thiết hơn bao giờ hết. Triết gia người Pháp Maurice Blondel viết cho một người bạn:

“Trước những chân trời rộng mở của khoa học tự nhiên và xã hội, chúng ta không thể dừng lại mà không phản bội đạo Công Giáo trên những lối giải thích tầm thường, một lối nhìn giới hạn mà họ đã biến Đức Kitô như là một sự ngẫu nhiên của lịch sử, khi cô lập Người trong Vũ Trụ như thể Người là một đoạn không có thời gian và nơi chốn riêng. Người ta không thể trình bày Người như là một người không mời mà đến, một kẻ xa lạ trong sự mênh mông tan nát và thù địch của vũ trụ.”

[iii]

Những bản văn Kinh Thánh mà đức tin chúng ta dựa vào liên quan đến vai trò vũ trụ của Chúa Kitô là những bản văn của thánh Phaolô và Gioan đã được trích dẫn trong Thông Điệp. Thật thú vị để đọc lại ở đây một cách đầy đủ. Theo trật tự thời gian, đoạn đầu hết là thư Côlôxê 1,15-17:

“Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,

là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,

16 vì trong Người, muôn vật được tạo thành

trên trời cùng dưới đất,

hữu hình với vô hình.

Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng

hay là bậc quyền năng thượng giới,

tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng

nhờ Người và cho Người.

17 Người có trước muôn loài muôn vật,

tất cả đều tồn tại trong Người.”

Bản văn khác là Gioan 1,3 và 10:

“Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,

và không có Người,

thì chẳng có gì được tạo thành.

Điều đã được tạo thành…

Người ở giữa thế gian,

và thế gian đã nhờ Người mà có,

nhưng lại không nhận biết Người.”

Dẫu có tương đồng đáng chú ý của các bản văn này, nhưng có thể phân biệt một sự khác biệt trong việc nhấn mạnh giữa chúng có một tầm quan trọng trong việc phát triển tương lai của thần học. Đối với Gioan, bản lề mà nó nối kết tạo thành và cứu chuộc là lúc “Ngôi Lời trở thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Ga 1,13); đối với Phaolô, ngược lại đó là giây phút của thập giá. Đối với Gioan, đó là Nhập Thể, trong khi đối với Phaolô, đó là mầu nhiệm vượt qua. Bản văn trong Côlôxê gây ngạc nhiên khi nói:

“Vì Thiên Chúa đã muốn

làm cho tất cả sự viên mãn

hiện diện ở nơi Người,

20 cũng như muốn nhờ Người

mà làm cho muôn vật

được hoà giải với mình.

Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,

Thiên Chúa đã đem lại bình an

cho mọi loài dưới đất

và muôn vật trên trời” (Cl 1,19-20).

Dưới sự thúc đẩy của ngoại giáo, suy tư của các giáo phụ hầu như chỉ đánh giá một mặt của hai khẳng định này: điều mà chúng nói với chúng ta về Ngôi Vị của Chúa Kitô và ơn cứu độ Người đã hoàn tất cho con người. Các giáo phụ nói ít hoặc không nói gì về điều mà Phaolô và Gioan khẳng định liên quan đến ý nghĩa vũ trụ, nghĩa là ý nghĩa Chúa Kitô học cho sự tồn tại của tạo thành.

Chống lại phái Arius, những bản văn này được dùng để khẳng định thần tính và sự tiền hữu của Chúa Kitô. Athanasius quả quyết: Con Thiên Chúa không thể là một thụ tạo vì Người là Đấng Sáng Tạo của mọi sự. Tuy nhiên, ý nghĩa của Logos trong tạo thành không được coi là tương đương cân xứng với ý nghĩa cứu chuộc. Có một bản văn phù hợp để phát triển chủ đề này, đó là Rm 8,19-22, trong đó, tạo thành đang “rên xiết và đau đớn như phụ nữ đang lâm bồn,” bản văn đã chưa bao giờ là khởi điểm để các giáo phụ của Giáo hội dùng cho bất cứ suy tư nào một cách rộng rãi theo như tôi được biết.

Liên quan đến “lý do tại sao” có nhập thể, câu trả lời từ thánh Athanasius (De incarnatione), cho đến thánh Anselmô thành Canterbury (Cur Deus homo) một cách chính yếu là điều được nói trong Kinh Tin Kính: “Propter nos homines et propter nostram salutem descendit de caelis” (Vì loài người chúng tôi và để cứu độ chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế.” Viễn tượng cho tương quan giữa Chúa Kitô và con người là nhân loại học (anthropological): Nó không bao gồm tương quan giữa Chúa Kitô và vũ trụ, ngoại trừ cách ngẫu nhiên. Chủ đề sau nổi lên chỉ trong cuộc tranh luận chống lại phái Ngộ Đạo và phái Manicheism là những người đối lập tạo thành với cứu chuộc như là công trình của hai Thiên Chúa khác nhau và cho rằng vật chất và vũ trụ tự bản chất là xa lạ với Thiên Chúa, không thể được cứu độ.

Tại một điểm nào đó trong sự phát triển của đức tin, câu trả lời khác được đưa ra trong thời Trung Cổ cho câu hỏi “tại sao Thiên Chúa làm người.” Vấn nạn là “sự xuất hiện của Chúa Kitô, Đấng Sáng Tạo của toàn thể thành tạo (x. Cl 1,15) có thể chỉ vì lý do gắn liền tội lỗi của con người đã phạm sau tạo thành không?”

Chân phước Duns Scotus thực hiện một bước quyết định trong chiều hướng này, khi giải phóng Nhập Thể khỏi sự gắn liền căn bản với tội lỗi. Ngài nói: Lý do cho Nhập Thể là Thiên Chúa muốn ai đó ở ngoài Người có thể yêu Người cách hoàn hảo theo một cách thế mà Người xứng đáng với mình.[iv] Chúa Kitô được Người mong muốn như là Đấng duy nhất có thể yêu mến Chúa Cha - và được Chúa Cha yêu mến – với một tình yêu vô hạn xứng đáng với Thiên Chúa. Con Thiên Chúa vẫn nhập thể ngay cả nếu Adam đã không phạm tội, bởi vì Người là chóp đỉnh tuyệt hảo của tạo thành, là tuyệt phẩm của Thiên Chúa. Tội lỗi con người đã quyết định cách thức của Nhập Thể, khi ban cho nó đặc tính cứu chuộc khỏi tội, nhưng nó không quyết định chính sự kiện của Nhập Thể. Nhập Thể tự thân có một lý do siêu việt, chứ không phải chỉ lý do hoàn cảnh.

 

2- Vũ trụ quan của Teilhard de Chardin

Scotus là người đầu tiên đã cố gắng đưa ra một ý nghĩa chính xác cho khẳng định Kinh Thánh: “Mọi sự được tạo dựng nhờ Người và cho Người” (Cl 1,16). Nhưng chúng ta không thể nói một cách chắc chắn với Scotus về bất cứ hiệu quả nào của Chúa Kitô cho tất cả của tạo thành. Điều này chỉ có thể nếu chúng ta nhảy một bước  qua thời Scotus tới thời đại chúng ta, tới Teilhard de Chardin. Theo Blondel, Teilhard de Chardin đã lo âu, trong một nền văn hóa bị thống trị bởi ý tưởng về tiến hóa, để tránh việc coi Đức Kitô cuối cùng như là một “sự ngẫu nhiên của lịch sử, bị cô lập khỏi sự còn lại của Vũ Trụ.”

Khi sử dụng kiến thức uyên thâm về khoa học, Teilhard de Chardin thấy một sự song song giữa sự tiến hóa của thế giới (cosmogenesis) và sự hình thành tiệm tiến của “Đức Kitô toàn thể” (Christogenesis). Đức Kitô không chỉ không xa lạ với tiến hóa của vũ trụ nhưng một cách huyền nhiệm đang hướng dẫn nó từ bên trong, và tại giây phút parousia (giáng lâm), Người sẽ thiết lập sự thành toàn và biến đổi cuối cùng, “điểm Omega” như Teilhard gọi.

Ông diễn dịch từ cơ sở này một vũ trụ quan toàn thể, mới mẻ và tích cực về tương quan giữa Kitô giáo với thực tại trần thế. Vì là lần đầu tiên trong lịch sử suy tư Kitô giáo, một tín hữu sáng tác một “Thánh thi cho Vật Chất” và một Thánh thi cho Vũ Trụ.[v] Sự bùng nổ của chủ nghĩa lạc quan đã làm dậy sóng xuyên suốt một địa hạt rộng lớn của Kitô giáo cho đến đỉnh cao tạo nên sự ảnh hưởng của nó được đan kết trong một tài liệu của Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay (Pastoral Constitution on the Church in the Modern World - Gaudium et spes). Đó là một sự tái đánh giá về những hoạt động trần thế, và trước hết là về lao động con người. Những việc làm mà một Kitô hữu thực hiện có giá trị trong và tự nó như là cải tiến thế giới và không chỉ đơn thuần vì ý hướng đạo đức mà một Kitô hữu thực hiện.

Teilhard de Chardin được gợi hứng đặc biệt khi áp dụng cái nhìn của mình vào bí tích Thánh Thể. Nhờ những công việc và đời sống hằng ngày của tín hữu, Thánh Thể kéo dài ra hành vi của nó xuyên qua toàn thể vũ trụ. Mỗi Thánh Thể trở thành một “Thánh lễ trên địa cầu:”

[vi]

“Qua miệng linh mục, khi Chúa Kitô đọc: “Hoc est corpus meum” (Này là Mình Thầy), những lời này vượt trên mẫu bánh tới điều được loan báo: chúng sinh ra toàn thể nhiệm thể Chúa Kitô. Ngoài Bánh Thánh đã được biến thể, hành vi linh mục làm biến đổi toàn thể vũ trụ.”[vii]

Tuy nhiên, tôi không tin rằng chúng ta có thể định nghĩa nền linh đạo vũ trụ (cosmic spirituality) này như là một nền linh đạo sinh thái (elogical spirituality) theo ý nghĩa hiện thực của từ ngữ. Đối với Teilhard de Chardin, vẫn còn thống trị nơi các tác giả ý tưởng tiến hóa theo quá trình, theo sự đi lên của tạo thành hướng tới những hình thức càng phức tạp và khác biệt hơn, trong khi đó không còn có sự lo lắng cách trực tiếp cho việc bảo vệ tạo thành. Ở thời đại ông, người ta đã không còn ý thức rõ ràng về sự nguy hiểm mà sự phát triển, đặc biệt là sự phát triển công nghệ, có thể gây nguy hiểm cho tạo thành, hoặc ít là cho một phần nhỏ của nó mà nhân loại cư trú.

Niềm tin Kinh Thánh phù hợp với Teilhard de Chardin về sự kiện là Chúa Kitô là điểm Omega của lịch sử, nếu từ điểm Omega này, chúng ta muốn nói về Đấng mà vào lúc kết thúc sẽ chinh phục mọi sự cho Người và giao lại cho Chúa Cha (x. 1 Cr 15,28), Đấng sẽ hoàn tất “trời mới đất mới” và sẽ loan báo cuộc chung thẩm về thế giới và lịch sử (x. Mt 25,31tt). Chúa Kitô phục sinh đó tự xưng mình trong sách Khải Huyền: “Ta là Alpha và là Ômega, là đầu và là cùng đích” (Kh 22,12).

Tuy nhiên, đức tin không lý giải cho ý tưởng của Teilhard de Chardin rằng hành động cuối cùng của lịch sử sẽ là một sự “đăng quang” của tiến hóa khi nó đạt tới tột đỉnh. Theo cái nhìn chủ đạo trong toàn bộ Kinh Thánh, hành động cuối cùng thì lại ngược lại, nghĩa là một sự dừng lại bất ngờ của lịch sử, một sự khủng hoảng, một cuộc phán xét, thời điểm của việc phân chia lúa khỏi cỏ lùng (x. Mt 13,24tt). Thư thứ Hai của thánh Phêrô nói rằng các Kitô hữu “trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến, ngày mà các tầng trời sẽ bị thiêu huỷ và ngũ hành sẽ chảy tan ra trong lửa hồng” (2 Pt 3,12). Đây là cái nhìn đã đánh dấu nên viễn tượng của Giáo hội, như chúng ta thấy trong những lời khởi đầu về “Dies irae”: “Dies irae dies illa solvet saeclum in favilla”  (Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ). Đó sẽ là sự kết thúc đối với tội lỗi liên quan đến thế giới hiện tại hơn là tột đỉnh của sự thiện hảo.

[viii]

Điểm yếu này trong cái nhìn Teilhard de Chardin lệ thuộc bởi một lỗ hổng mà các nhà nghiên cứu ngưỡng mộ ông đã chỉ ra trong tư tưởng ông.[ix] Ông đã không thành công trong việc toàn nhập chiều kích tiêu cực của tội lỗi vào cái nhìn của mình, theo một cách thế có trật tự và thuyết phục; hậu quả là ông đã không toàn nhập cái nhìn gây xúc động của Phaolô về sự hòa giải và quy hồi mọi sự trong Đức Kitô được thực hiện nơi thập giá và trong cái chết của Người.

3- Thánh Thần của Đức Kitô

Vậy thì có điều gì đó cho phép chúng ta thoát khỏi sự nguy hiểm biến “Đức Kitô thành một kẻ không mời mà đến, một người xa lạ trong sự mênh mông áp đảo và thù địch của vũ trụ không? Nói cách khác, Chúa Kitô có điều gì đó để nói về vấn đề cấp bách của sinh thái và sự bảo toàn tạo thành, hoặc điều này được tiến hành một cách độc lập hoàn toàn khỏi Người, giống như một vấn nạn chỉ liên quan đến thần học mà không liên quan đến Kitô học chăng?

Tôi cho rằng các nhà thần học đã không có một câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này, giống như bao lỗ hổng khác như thế, bởi vì thiếu chú ý đến Chúa Thánh Thần và tương quan của Người với Đức Kitô Phục Sinh. Phaolô viết: “Ađam cuối cùng trở thành một thần khí sống động” (1 Cr 15,45), để nhấn mạnh rằng Chúa Phục Sinh bây giờ hoạt động trong thế giới nhờ “cánh tay năng động” của Người là Chúa Thánh Thần.

Phaolô nhấn mạnh đến tạo thành đang chịu những đau đớn như việc phụ nữ sinh con, trong bối cảnh của cuộc tranh luận của ngài về những hoạt động khác nhau của Chúa Thánh Thần. Ngài nhìn thấy một sự tiếp tục giữa tiếng rên siết của tạo thành và tiếng rên siết của các tín hữu:

“Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa (Rm 8,23).

Chúa Thánh Thần là sức mạnh nhiệm lạ thúc đẩy tạo thành tới sự thành toàn của nó. Khi nói về sự phát triển trong trật tự xã hội, Công Đồng Vatican II, khẳng định rằng: “Chúa Thánh Thần, Đấng điều khiển những biến chuyển thời gian và canh tân bộ mặt trái đất với sự quan phòng kỳ diệu, đang hiện diện trong cuộc tiến hóa này.”

[x]

Điều mà Công đồng khẳng định về trật tự xã hội được áp dụng cho mọi lãnh vực, bao gồm cả vũ trụ. Mỗi cố gắng vị tha và mỗi sự tiến bộ trong việc quản lý tạo thành là nhờ công trình của Chúa Thánh Thần. Người là “nguyên lý của việc tạo thành mọi sự”[xi] cũng là nguyên lý của sự tiến hóa mọi sự qua dòng thời gian. Quả thật, đây không là gì khác ngoài sự tiếp tục của tạo thành.

Chúa Thánh Thần mang lại điều gì cụ thể và “riêng” cho tạo thành và cho tiến hóa của vũ trụ? Người không ở đầu nguồn gốc, có thể nói như thế, nhưng ở cuối của tạo thành và của cứu chuộc, giống như Người không phải ở nơi nguồn gốc nhưng là ở cuối cùng của tiến trình Ba Ngôi. Thánh Basiliô viết: “Trong tạo thành, Chúa Cha là nguyên nhân đầu tiên (the first cause), là Đấng mà nhờ Người mọi sự phát xuất; Chúa Con là nguyên nhân hiệu quả (the efficient cause), Đấng nhờ Người mà mọi sự được tạo thành; và Chúa Thánh Thần là nguyên nhân hoàn tất (the perfecting cause).”

[xii]

Từ những lời đầu tiên của Kinh Thánh (“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.2 Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1). Người ta có thể suy diễn rằng hành động sáng tạo của Chúa Thánh Thần ở ngay lúc khởi đầu của việc hoàn thiện công trình tạo thành. Chúng ta có thể nói rằng Người không phải là Đấng đã làm cho thế giới này từ hư không tới hiện hữu cho bằng là Đấng đã làm cho các hữu thể chưa có hình dạng tới những hữu thể có hình dạng và nên hoàn hảo, dù chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng mọi hành vi của Thiên Chúa được thực hiện ở ngoại tại (ad extra) thì luôn là một công trình liên kết của toàn thể Ba Ngôi (ad intra).

Hay nói cách khác, Chúa Thánh Thần là Đấng tự bản chất thúc đẩy tạo thành biến chuyển từ “chaos to comos” – từ hỗn độn tới vũ trụ, Đấng làm cho thế giới trở nên điều gì đó đẹp đẽ, điều gì đó trật tự và hoàn hảo, theo ý nghĩa của danh từ La Tinh “mundus.” Thánh Ambrôsiô quả quyết:

“Khi Chúa Thánh Thần bắt đầu bay là là trên mặt nước, tạo thành vẫn còn ở trong tình trạng không có gì đẹp đẽ. Tuy nhiên, sau khi tạo thành dưới tác động của Chúa Thánh Thần, nó có được mọi vẻ rạng ngời của cái đẹp, chúng làm cho nó tỏa sáng như một “thế giới” – mundus.”[xiii]

Một tác giả vô danh từ thế kỷ thứ hai nhìn thấy sự lặp lại sự kỳ diệu của nó, khi so sánh rất ấn tượng với cuộc tạo thành mới được thực hiện nhờ Cuộc Thương Khó của Chúa Kitô. Điều “Thánh Thần của Thiên Chúa” đã làm lúc tạo thành, “Thánh Thần của Đức Kitô” bây giờ cũng làm trong cứu chuộc. Người viết:

“Thế giới có lẽ đã tan rã trong sự hỗn loạn và sợ hãi trong cuộc khổ nạn nếu Chúa Giêsu chí thánh đã không kết thúc khi nói: “Lạy Cha, con xin phó thác thần khí con trong tay Cha” (Lc 23,46). Toàn thể vũ trụ đã chao đảo và rung chuyển vì sợ hãi, và mọi sự đã ở trong một trạng thái của sự lo âu chao đảo, nhưng Thánh Thần Thiên Chúa một lần nữa nâng vũ trụ trở lại sự sống và lấy lại tính sống động của nó.

[xiv]

4- Chúa Kitô hoạt động trong Tạo Thành như thế nào?

Một vấn đề còn tồn tại là vấn đề quan trọng nhất của tất cả liên quan đến hệ sinh thái: Chúa Kitô đã làm điều gì đó để nói về những vấn đề cụ thể mà những thách đố về sinh thái đặt ra đối với nhân loại và Giáo hội không? Theo nghĩa nào mà chúng ta có thể nói rằng Chúa Kitô, Đấng hoạt động nhờ Thánh Thần, là yếu tố chìa khóa cho một nền sinh thái học Kitô Giáo lành mạnh và hiện thực không?

Vâng, tôi tin rằng Chúa Kitô đóng một vai trò quyết định dẫu trong những vấn đề cụ thể của việc bảo tồn tạo thành, nhưng Người thực hiện cách thức gián tiếp nhờ việc Người hoạt động trong con người và qua họ trên tạo thành. Người làm điều đó nhờ Tin Mừng mà Chúa Thánh Thần “nhắc lại” cho các tín hữu, làm sống động và hoạt động trong lịch sử cho tới khi kết thúc thế giới (x. Ga 16,13). Điều này xảy ra giống như lúc khởi đầu tạo thành: Thiên Chúa sáng tạo thế giới, rồi giao phó nó cho con người cai quản và quản lý. Kinh Nguyện Thánh Thể IV nói như thế này:

“Lạy Cha chí thánh, chúng con xưng tụng Cha là Đấng cao cả, đã lấy thượng trí và tình thương mà sáng tạo muôn loài. Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha và giao cho trách nhiệm trông coi vũ trụ, để khi phụng sự một mình Cha là Đấng Tạo Hóa, con người làm chủ mọi loài thọ sinh.”

Sự mới mẻ do Chúa Kitô mang lại trong phạm vi này là điều Người đã mạc khải về ý nghĩa đích thực của từ “thống trị”, theo cách thế mà Thiên Chúa hiểu như là sự phục vụ. Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng:

“Nhưng Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: ‘Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân.26 Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.27 Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.28 Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,25-28).

Mọi lý do mà các nhà thần học đã cố gắng để giải thích mầu nhiệm Nhập Thể cho vấn nạn “tại sao Thiên Chúa trở thành con người” đã bị tan vỡ trước sức mạnh của lời tuyên bố này: “Tôi đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình cho muôn người.” Chúng ta đề cập đến việc áp dụng ý tưởng mới mẻ này về sự thống trị cả với tương quan của chúng ta đối với tạo thành, vâng, vừa sử dụng nó, vừa phục vụ nó, nghĩa là tôn trọng, bảo vệ và gìn giữ tạo thành khỏi mọi sự khai thác bóc lột.

Chúa Kitô hoạt động trong tạo thành như Người hành động trong môi trường xã hội, nghĩa là theo giới răn của Người về tình yêu đối với tha nhân. Trong tương quan với vũ trụ, chúng ta hiểu theo ý nghĩa đồng đại (synchronic sense), “tha nhân của chúng ta” ám chỉ đến con người mà chúng ta đang sống bên cạnh ở đây và lúc này. Trong tương quan với thời gian, theo ý nghĩa dị đại (diachronic sense), “tha nhân” của chúng ta là những ai sẽ đến sau chúng ta, bắt đầu từ những đứa trẻ và những người trẻ của hôm nay mà chúng ta đang lấy đi khả năng sống của họ trong một hành tinh có thể sống được mà không phải đi dạo với một mặt nạ trên mặt để hít thở hoặc “thiết lập những khu dân cư trên những hành tinh khác.” Khi đề cập về tất cả những tha nhân này, trong thời gian và trong không gian, Chúa Giêsu đã nói: “Các anh đã làm điều đó cho Tôi… Các anh đã không làm điều đó cho Tôi” (Mt 25,40.45).

Cũng như tất cả mọi sự, cả việc chăm sóc tạo thành cũng được thực hiện trên hai mức độ: mức độ hoàn cầu và mức độ địa phương. Một châm ngôn hiện đại mời gọi chúng ta: “Think globally, act locally - Suy nghĩ cách toàn cầu, nhưng hành động cách địa phương.” Điều này có nghĩa là việc hoán cải cần phải bắt đầu với từng cá nhân, với mỗi người chúng ta. Thánh Phanxicô Assisi đã thường nói với anh em mình rằng: “Tôi không bao giờ là một tên ăn cắp của bố thí, và tôi đã không lấy, hoặc sử dụng hơn những gì tôi cần. Tôi đã luôn đón nhận ít hơn những nhu cầu của tôi, để những người nghèo khác không mất đi phần của họ; bởi vì nếu làm khác đi, thì đó là ăn cắp rồi.”

[xv]

Ngày nay nguyên tắc này nếu được áp dụng có thể sẽ có ích biết bao cho tương lai của trái đất. Cả chúng ta cũng phải xét lại

Trích: Tập San Đức Tin & Văn Hóa, số 11

 


[i] Alexander Neckam, De naturis rerum, 1, 2, ed. Thomas Wright (1863; repr., New York: Cambridge University Press, 2012), 12 ff.

[ii] ĐGH. Phanxicô, Laudato si’, n. 99.

[iii] Maurice Blondel, “First Paper to Auguste Valensin,” in Pierre Teilhard de Chardin and Maurice Blondel, Correspondence (New York: Herder and Herder, 1967), 23.

 

[iv] Duns Scotus, Reportatio Parisiensis,” III, 7, 4, in Opus Parisiense, eds. Charles Balic et al. (Rome: Vatican City 1950), 13-15; see also Opera omnia, XXIII (Paris: L. Vives, 1894), 303.

[v] Pierre Teilhard de Chardin, “Hymn to Matter,” in Hymn of the Universe, trans. Gerald Vann (New York: Harper & Row, 1957), 65-70. See also “My Universe” (1924) in Science and Christ (New York: Harper & Row, 1968), 37-85.

[vi] Teilhard de Chardin, “The Mass on the World,” in Hymn of the Universe, 9-32.

[vii] Ibid., qtd. in the “Introduction to ‘Mass on the World,’” 6. For similar ideas, see How I Believe (1923), trans. René Hague (New York: Harper & Row, 1969).

[viii] This is Augustine’s thesis who sees the end as “the separation of good and evil, the destruction (conflagratio) of the world and its rebirth”: cf.  The City of God, XX, 30,5.

[ix] See Christopher F. Mooney, Teilhard de Chardin and the Mystery of Christ (New York: Image Books, 1968),

[x] GS 26.

[xi] Thomas Aquinas, On the Truth of the Catholic Faith (Summa contra gentiles), IV, 20, 2, trans. Charles J. O’Neil (New York: Hanover House, 1955-57), 628.

[xii] St. Basil, On the Holy Spirit, XVI, 38 (PG 32, 136).

[xiii] St. Ambrose, On the Holy Spirit, II, 33.

[xiv] Anonymous Quartodeciman of the second century [Pseudo-Hippolytus], “Homily on the Holy Pascha,” in Dragoş Andrei Giulea, Pre-Nicene Christology in Paschal Contexts (Boston: Brill, 2014), 115; see also SCh 27 1950.

[xv] Mirror of Perfection, 12, trans. Leo Shirley-Price, in St. Francis of Assisi: Writings and Early Biographies, ed. Marion A. Habig (Quincy, Il: Franciscan Press, 1991), 1139; see FF 1695.

 

Nguồn tin: