Chúa Giêsu - Đấng Nối Kết Tình Thương

Thu,15/12/2022
Lượt xem: 978

        

     Thánh sử Gioan đã nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã tặng ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16.18). Điều quý báu nhất của Thiên Chúa Cha là Con Một của Người, Đức Giêsu Kitô. Khi tặng ban cho chúng ta Người Con đó, Thiên Chúa đã trao ban chính mình Ngài. Ngài muốn Đức Giêsu nhập thể làm người để trở nên Đấng trung gian đem tình yêu của Chúa xuống thế gian và dẫn đưa loài người sa ngã trở về với Chúa. Những lời cuối cùng của Đức Ki tô trên thập tự đã minh chứng Người là đấng nối kết giữa tình yêu Thiên Chúa với con người và dẫn đưa họ về với Chúa.

1.      “Lạy Cha! Xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 43)

Theo tâm lý, đến giờ lâm tử, người ta thường nói ra những lời chí ái với những kẻ mình thương yêu, quý mến nhất. Với Đấng Cứu Thế, điều ấy cũng không ngoại lệ!

Dân chúng và đám lý hình đang chờ đợi những tiếng la hét, rên rỉ và cả những lời nguyền rủa như thường thấy ở những kẻ chịu án thập hình. Họ chắc mẩm là: cái con người vẫn thường hay rao giảng “các con hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét các con” thì giờ đây, khi tay chân đã bị đâm thủng, thân thể đang chịu treo trên thập giá kia sẽ quên bẵng cái thứ Tin Mừng đó đi. Họ nghĩ rằng, khi bản thân mình đang hấp hối, người ta sẽ chỉ còn biết than khóc và sẽ quên hẳn đi những lý lẽ được nói hằng ngày. Nhưng không, cũng giống như loại mộc hương tiết ra hương thơm cho cả cái rìu đã chặt nó, Thánh Tâm trên cây tình thương vẫn thốt ra lời cầu nguyện thầm thĩ và êm ái về lòng thương xót và sự thứ tha “xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm!”

Tha thứ cho ai? Kẻ đóng đinh Người chăng? Cho tổng trấn Philatô? Cho người môn đệ đã nộp Người?... Nếu họ ý thức việc họ làm và vẫn cứ làm, nếu họ biết mình đã kết án tử cho nguồn mạch sự sống, nếu họ biết mình đánh giá tướng cướp Baraba cao hơn Đấng Cứu Thế... thì ắt hẳn họ đã chẳng bao giờ dám đóng đinh Thiên Chúa vào thập giá! Phải, họ sẽ bị kết án về tội lỗi kinh thiên động địa đó. Chỉ có sự bất tri về tội trạng của mình mới làm cho họ nghe được tiếng kêu xin phát ra từ Thập Giá. Họ đã được cứu rỗi, không phải do sự hiểu biết mà là vì họ bất tri!

Sự xá giải từ thánh giá là hình ảnh và nguyên tắc sự tha thứ mà Chúa Giêsu muốn truyền thông cho toàn thể nhân loại qua sự hy sinh của Ngài. Chúa Giêsu đã thể hiện việc anh dũng hiến dâng chính Ngài thay cho loài người để họ được hưởng ơn tha thứ của Ngài, được ơn thanh tẩy và sự sống thần linh. Bởi thế tất cả mọi người và, dĩ nhiên, mỗi người trong cái “tôi” thiện và ác của mình, đều được Chúa Giêsu chủ ý bao gồm trong lời cầu xin Chúa Cha: “Xin (Cha) tha thứ cho họ.” Lời van xin ơn trên thương xót và thông cảm “vì họ không biết điều họ làm” hiển nhiên có hiệu lực đối với toàn thể chúng ta. Cho dù chúng ta có tội lỗi thế nào đi nữa, cũng hãy tin rằng, Thiên Chúa tình yêu sẽ luôn luôn tha thứ cho chúng ta qua lời chuyển cầu của Chúa Con, Đấng trung gian nối kết giữa Thiên Chúa và con người.

2.      “Hôm nay, con sẽ được cùng ở trên thiên đàng cùng ta”

 “Khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23, 42). Giữa những tiếng la hét của đám đông, những tiếng tru tréo, rên la vì tội lỗi, giữa cơn cuồng nộ của loài người muốn chống lại Thiên Chúa, không hề có lời nào vang lên để ca ngợi Người ngoại trừ lời van xin của tên trộm đang bị kết án tử.  Nếu con trai bà goá thành Naim được cho sống lại cất tiếng ca tụng Đấng Hoá Công, nếu ông Phêrô trên núi biến hình tuyên xưng Chúa hoặc như người mù thành Giêrikhô tán dương Người, điều đó không có gì phải ngạc nhiên. Chính lúc người đạo chích tuyên xưng như vậy, cũng là lúc Chúa Cứu Thế đạt được chiến thắng có một không hai và biểu dương thần lực của Người cách uy quyền hơn cả. Tay Người bị đóng đinh vào thập giá, nhưng quyền năng của Người đã mở cửa thiên đàng. Chúa đã cứu thoát một linh hồn.

Ân sủng của Chúa Cứu Thế là căn nguyên huyền nhiệm để cải hóa người tử tội này và ban cho anh ta ơn tha thứ. Đối với người tử tội ăn năn thống hối, Chúa Giêsu hứa cho hưởng phước thiên đàng ngay hôm đó, kẻ mang tội đại hình và trộm cướp đã trở nên một vị thánh vào giây phút chót cuộc đời anh ta.

Những lời Chúa Giêsu nói với kẻ trộm lành cũng bao gồm lời hứa hạnh phúc toàn vẹn: “Hôm nay anh sẽ ở với Tôi trên Thiên Đàng”. Hy lễ cứu độ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu cho nhân loại. Hạnh phúc đó là đặc ân của ơn cứu chuộc bất kể tính thiếu cân xứng giữa lời xin giản dị của tội nhân và sự cao cả của phần thưởng. Nhờ sự sống và cái chết của Chúa Kitô mà tình trạng bất quân bình này được san bằng và làm cho kẻ thống hối đáng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

3.      “Thưa Bà, đây là con của Bà”

Cuộc truyền tin lần thứ nhất, thiên thần loan báo Ngôi Lời đã trở thành xác phàm và ở giữa nhân loại. Khung cảnh thanh bình của đồng bằng xứ Giuđêa, thời gian êm đềm ở làng Nazareth giờ đây đã được thay bằng bầu trời tang tóc thê lương của đồi Can-vê. Nơi đây, có thêm một lần truyền tin nữa, lần này do chính Chúa phán ra “Này là con Bà!” (Ga 19, 26). Trong hang đá Belem, Đức Maria sinh ra “trưởng tử Giêsu” mà không phải đau đớn gì, thì giờ đây, trên đỉnh cao Thập Giá, người con thứ Gioan, đại diện cho cả một nhân loại đang trong vũng lầy tội lỗi đã được Đức Mẹ sinh ra bằng chính máu trong tim người.

Đức Maria là thân mẫu của Đấng Cứu Thế, giờ đây người cũng là Mẹ của tất cả chúng ta, không phải chỉ bằng tước hiệu hay hình bóng nhưng là chính Người đã sinh ra nhân loại trong đau khổ dưới chân Thập Giá.

Năm xưa, dưới gốc cây biết lành biết dữ, Eva kiêu ngạo đã mất thiên chức làm mẹ nhân loại và làm cho loài người phải tiêu vong thì nay, dưới chân Thập Tự, Đức Mẹ nhờ hy sinh và vâng lời đã lấy lại thiên chức làm mẹ loài người.

Khi trao ban Mẹ Maria làm mẹ thánh Gioan, Chúa Giêsu hoàn tất việc tặng ban chính Ngài cho nhân loại qua cái chết trên thánh giá. Đức Maria “hoàn toàn kết hợp làm một” với Chúa Giêsu, không phải chỉ vì người và Chúa Giêsu là mẹ con “theo huyết nhục,” nhưng vì trong chương trình vĩnh cửu của Thiên Chúa thì Chúa Giêsu và Đức Maria được chiêm ngắm, tiền định và xếp đặt chung với nhau trong chương trình cứu độ. Bởi vì, biến cố truyền tin năm xưa cho biết, Đức Maria “đầy tràn ân phúc” và được thông phần vào công trình cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu muốn ban Thân Mẫu Ngài để nhờ Mẹ mà con người đến gần Thiên Chúa hơn.

Công Đồng Vatican II gọi Đức Maria là “Hiền mẫu trong trật tự ân sủng” (LG 61). Bởi thế thiên chức mẹ Giáo Hội của Đức Maria là chức năng hiền mẫu có bản chất siêu nhiên trong lãnh vực ân sủng, sinh ra sự sống thần linh cho nhân loại. Ngài là người mẹ nhân lành để loài người sa ngã được tìm về, ngài là nguồn cậy trông cho những ai thất vọng, ngài cũng là nguồn bình an cho những người đơn côi…

Thật hạnh phúc thay cho những kẻ được gọi Mẹ Chúa Trời là Mẹ và được Chúa Giêsu làm “anh cả” của mình!

4.      Tạm kết

Khi dang tay ra chịu khổ hình, Chúa Giêsu đã trở thành một Đấng trung gian: kéo tình yêu vô tận của Thiên Chúa xuống cho con người, nâng loài người sa ngã lên để được hưởng tình thương của Chúa và đồng thời cũng kéo con người đến gần nhau hơn. Thứ bậc của những kẻ được Chúa yêu thương: đầu tiên là kẻ thù địch “xin Cha tha cho chúng”, kế đến là những kẻ tội lỗi với lời hứa sẽ được lên thiên đàng, và sau hết là người công chính được làm con cái Chúa. Còn có tình yêu nào cao vời hơn thế nữa, nhân loại chỉ còn biết dâng lời tán tụng tôn vinh:

“Tình thương Chúa đời đời con ca tụng,

qua muôn ngàn thế hệ, miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài” (Tv 88, 2).

Phong Trần

Nguồn tin: Đa Minh
Tags :