Ba Ngôi Trong Suy Tư Thời Hiện Đại

Mon,15/11/2021
Lượt xem: 2570

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

1. Ba Ngôi và những ảnh hưởng trong thế kỷ XX

Vào thế kỷ XX, xuất hiện nhiều cố gắng khác ở ngoài Kitô Giáo và cả bên trong Giáo Hội, họ đã để lại sự ảnh hưởng trên sự phát triển mới mẻ nhất trong thần học Ba Ngôi. Chúng ta tìm hiểu một số nhân vật trong số đó:

Vào thời kỳ này, sự xuất hiện các nền triết học theo thuyết nhân cách (personalist) là nhân tố đáng được đề cập đến. Những nền triết học này quan niệm ngôi vị con người như là “hiện hữu trong” và được cấu tạo bởi những tương quan với những chủ thể khác tự ý thức. Công trình của Martin Buber (1878-1965) và những người khác đã trao cho các nhà thần học một lối diễn tả về “I, You và We” để nói về thực tại tương quan của Thiên Chúa. Khi Tôi (I) liên hệ tới Anh (You), ngôi vị khác ngõ lời với tôi và trả lời cho tôi trong tình yêu, một “Chúng Ta” xuất hiện để kết hợp chúng tôi. Kinh nghiệm đơn sơ này ám chỉ đến “I của Cha, You của Con và We của Chúa Thánh Thần.”

Thời kỳ hiện đại còn đưa những khả năng đi xa hơn để phác vẽ đời sống vĩnh cửu của Ba Ngôi. Chẳng hạn, C. G. Jung (1875-1961) dựa trên kinh nghiệm nhân loại về sự phát triển tâm lý để nói về Thiên Chúa. Trong tình trạng ý thức của đứa trẻ, cha là khuôn mặt quyền lực, người cung cấp một mẫu thức của hiện hữu, là người ra lề luật để con tuân phục.

Chúa Con được trình bày bởi tiến trình của sự tự cá vị hóa và tự đánh giá mình khi con người đang lớn lên đạt tới sự tự lập. Ở giai đoạn ba, khi một cá nhân giao nộp sự lệ thuộc để việc chia sẻ với một thực tại lớn hơn, nó biểu tượng cho Thần Khí. Jung định nghĩa niềm tin Ba Ngôi với ba trình thuật về sự phát triển của con người: phục tùng, tự khẳng định, và sự tự phó nộp mình.

Phương pháp chữa trị siêu nghiệm của K. Durckheim nghiên cứu những tình trạng trong những người có thể cảm giác bị đe dọa bởi cái chết dưới nhiều hình thức khác nhau. Họ có thể bị chôn vùi bởi một ý nghĩa của bất công và sự vô lý phi nghĩa. Họ có thể bị lãng quên, bị đối xử tồi tệ, và bị thù ghét. Nhưng, họ có thể tìm lại được sức sống, khi họ có thể kinh nghiệm một trật tự sâu hơn và có ý nghĩa trong mọi sự, họ có thể hiểu biết chính mình là những đối tượng của sự tốt lành. Những kinh nghiệm này có thể làm cho con người sống thọ hơn nhờ một số kinh nghiệm của cuộc sống, ý nghĩa và tình yêu làm thay đổi mọi sự. Những kinh nghiệm và những khát vọng này được Durckheim và trường phái của ông nghiên cứu, có thể giúp hướng tới một vị Thiên Chúa Ba Ngôi là sự sống Toàn Thể, Ý Nghĩa và Tình Yêu. Cái nhìn này về Ba Ngôi có thể thuyết phục hơn trong một thế giới xem ra đang trở nên khô khan, vô lý và tàn khốc hơn trong một cách thế nào đó.

Những phong trào giải phóng của thế kỷ XIX và XX cũng đã có ảnh hưởng trên suy tư thần học. Chẳng hạn khi cổ võ sự giải phóng từ những đàn áp giới tính, phụ nữ đã làm nổi lên vấn nạn hơn bao giờ hết: Có điều gì đó thuộc giới tính trong Ba Ngôi mà truyền thống đã gọi và hiểu Thiên Chúa như Cha, Con, và Thánh Thần chăng? Có phải việc gọi tên như thế cổ xúy cho một khuynh hướng “gia trưởng” hoặc có lẽ đã và đang lật đổ một hệ thống “nam trị và đàn áp” không? Hơn nữa, phải chăng niềm tin Ba Ngôi và thần học giúp cho việc giải phóng khỏi sự kỳ thị chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc không thể kiềm chế, và sự phá hủy về môi trường không? Ít ra ở đây và những nơi khác, các nhà tư tưởng luân lý hướng về niềm tin Ba Ngôi như là sự khích lệ lớn nhất cho những ai yêu mến sự hiệp nhất đích thực trong sự khác biệt. Tính tương quan liên vị của các ngôi vị thần linh có thể làm cho con người hay say tìm kiếm những lãnh địa cho việc tôn trọng nhau và thế giới tự nhiên theo một cách thức chữa lành và “lành mạnh.”

Hầu hết từ nguồn gốc của Kitô giáo, các tín hữu đã tìm kiếm “vestigia Trinitatis” (vết tích Ba Ngôi) hoặc dấu tích của Thiên Chúa Ba Ngôi trong thế giới thụ tạo và đặc biệt trong con người. Augustinô thành Hippo đã thấy Ba Ngôi được chiếu trong sự hiểu biết con người và tình yêu con người. Triết học của Buber cổ võ những ai tìm thấy dấu tích của Ba Ngôi trong cấu trúc “I – Tôi,  You – Anh, We - Chúng Tôi” của tương quan liên vị. Sự mở ra như thế tới “vestigia Trinitatis” có một ý nghĩa trong việc đối thoại liên tôn. Một số người tìm thấy trong tư tưởng Hindu một dạng thức của Ba Ngôi trong lược đồ về “hiện hữu, ý thức về mình, và nhận thức về mình.”

Cuối cùng, chúng ta cũng phải đề cập đến sự ảnh hưởng của những nghiên cứu hiện đại về Kinh Thánh và giáo phụ. Rõ ràng người ta không thể theo đuổi một niềm tin sai lầm trong trường phái hiện đại. Những tiện ích của kỷ thuật có thể cổ võ một hình thức của sự hiểu biết nghiên cứu Kinh Thánh và triết học giáo phụ, bằng cách làm tất cả có thể để tránh lẫn lộn nội dung của Kinh Thánh (và các công trình của Giáo Phụ) cũng như những sứ điệp quan trọng của chúng. Dầu sao, thần học Ba Ngôi có thể sử dụng những ưu thế của sự tiến bộ về những phương pháp và lối tiếp cận mới mẻ này. Tuy nhiên, những nghiên cứu về phụng vụ để lại những ảnh hưởng ít ỏi trên nền thần học Ba Ngôi, ít ra là trong thần học Tây Phương. Người ta không còn ít ỏi để tìm thấy bất cứ nghiên cứu nào về trường phái phụng vụ khi bày tỏ niềm tin trong Thiên Chúa Ba Ngôi.

Sau khi nghiên cứu quá trình phát triển của thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi, phần cuối này được dành riêng để tìm hiểu đặc biệt về sự hiện hữu của Chúa Thánh Thần và việc sử dụng ngôn ngữ để nói về Ba Ngôi, ý nghĩa tên gọi Ba Ngôi như là Cha, Con và Thánh Thần. Cuối cùng là những áp dụng cho đời sống Kitô hữu theo niềm tin Ba Ngôi.

Theo lối tiếp cận mới này, xuất hiện nhiều tên tuổi nổi bật đã đóng góp cho nền thần học Ba Ngôi thêm phong phú và đa diện. Chúng ta giới thiệu một số khuôn mặt điển hình:

2. Heinrich Ott (1929–2013)

Không theo lối tiếp cận suy lý và siêu hình, ông tiếp cận mầu nhiệm Ba Ngôi theo lối hiện sinh, ông đào sâu tương quan giữa Thiên Chúa với con người: Thiên Chúa và con người có sự liên hệ thiết yếu. Muốn hiểu con người phải tìm hiểu Thiên Chúa và ngược lại. Ông tìm hiểu về Thiên Chúa từ sự kiện Thiên Chúa đến gặp gỡ con người trong Đức Giêsu Kitô: Nơi Đức Kitô làm người, Thiên Chúa mặc khải mình và nói cho con người biết mình là ai.

H. Ott cho rằng con người ở trong tình trạng tuyệt đối cần thiết phải gặp gỡ cá vị với người khác. Không gian nơi đó Thiên Chúa được kinh nghiệm vì thế là sự gặp gỡ chứ không phải là vấn nạn về hữu thể. Sự gặp gỡ với Thiên Chúa có ba hình thức: nó được sống như là yêu cầu và hy sinh chờ đợi, rồi như là hồng ân và trợ giúp, và sau cùng là lời mời gọi để gặp gỡ. Theo đó, Cha là Đấng ngỏ lời mời. Con là Thiên Chúa như hồng ân cho con người. Thánh Thần can thiệp như là nguyên nhân của lời đáp trả cá vị của con người để đón nhận hồng ân. Ba phương thức này mà thực tại thần linh bao bọc toàn bộ con người.

Công trình của Ott cũng đặt ra những vấn nạn: như khả thế tránh né của con người với Thiên Chúa. Lối trình bày có màu sắc “hình thái thuyết.” Nhưng điểm tích cực trong suy tư này là sự nối kết giữa Ba Ngôi và nhân học.

3. Joseph Ratzinger: modus vivendi: những lối sống của Kitô hữu

Cũng theo chiều hướng hiện sinh, nỗ lực suy tư thần học của Ratzinger là trình bày mối liên hệ giữa lời tuyên xưng của Giáo Hội về Ba Ngôi và Thập Giá, Phục Sinh của Đức Kitô. Nên theo đó, người ta có thể từ chối hoặc chấp nhận tin.

Nguyên lý cấu trúc của sự kiện Kitô hữu hệ tại ở “nguyên lý VÌ”: Đức tin là vì mọi người chứ không vì riêng mình: Tôi tin liên hệ tới Chúng Tôi tin. Trở nên Kitô hữu không cho mình nhưng cho mọi người, để thoát khỏi sự ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa. Bởi lẽ, Thiên Chúa Kitô giáo là vị Thiên Chúa VÌ (Pro-existence), tồn tại vì, “Pro nobis.” Thiên Chúa vì con người. Thiên Chúa vì Ngôi khác. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.

Tình yêu Thiên Chúa biểu lộ qua mầu nhiệm nhập thể: Chúa Cha sai Chúa Con. Chúa Giêsu trọn vẹn là một người sống cho (être de – à). Nhờ sự hiệp nhất hữu thể với Người mà một cuộc sống mới xuất hiện, đời sống mới, là cho đi và không giữ lại gì cho mình.

Thánh Thần là Tình yêu, là Đấng nối kết, là mối dây liên lạc của Cha và Con, như thế, Người cũng nối kết với chúng ta, một tình yêu thương hằng nối kết.

Thuật ngữ “VÌ” được quan niệm theo Kitô học lại trở nên “Chúng Ta” theo Giáo Hội học. Giáo Hội phải là Giáo Hội cho và vì người khác.

Với cái nhìn này, Ratzinger tránh hai thái cực trong đời sống Kitô hữu: hoặc là hình thức quy thần hoặc là hình thức quy nhân.

Ảnh hưởng nhiều tư tưởng của Augustinô, Ngài cho rằng giáo thuyết Ba Ngôi là một thần học phủ định, nghĩa là thần học phải dừng lại ở ngưỡng cửa mầu nhiệm, chỉ là những lời bập bẹ về Thiên Chúa.

Là một nhà thần học nổi tiếng và cũng là vị Giáo Hoàng, ngài đã có công đóng góp nhiều trong việc trình bày và quảng diễn chân lý đức tin cho con người thời nay. Những công trình của ngài là những tài liệu quý giá cho chúng ta học hỏi.[1] Thông điệp đầu tay khi làm Giáo Hoàng: Deus Caritas Est – Thiên Chúa là Tình Yêu. Theo đó, Đức Giêsu là dung mạo của Thiên Chúa Tình Yêu. Nhập thể, đóng đinh và phục sinh là sự bày tỏ tuyệt hảo về tình yêu Thiên Chúa.

Giáo Hội là chứng nhân tình yêu đó cho thế giới. Hạnh phúc và niềm vui thực sự khi được biết rằng mình được yêu mến và cứu độ bởi Thiên Chúa qua Đức Kitô, trong Giáo Hội.

4. Henri de Lubac SJ. (1896-1991)

Nhà thần học người Pháp này chia sẻ tư tưởng với Ratzinger và ảnh hưởng quan niệm lịch sử - thần học của Kasper. Nhìn chung, ông chịu ảnh hưởng lớn linh đạo của các giáo phụ. Ông không viết nhiều tác phẩm Ba Ngôi, nhưng mầu nhiệm Ba Ngôi đóng vai trò trung tâm trong Kitô học, Giáo Hội học và cứu độ học của ông. Theo đó, Hồng Y này định nghĩa: “Đức tin Ba Ngôi như là trái tim của Tin Mừng, chân lý nền tảng và là tóm tắt đức tin của Kitô giáo.”

Thiên Chúa và ơn cứu độ gắn kết với nhau qua lịch sử. Lịch sử là nơi hoạt động và mạc khải của Thiên Chúa. Thiên Chúa không xa vời lịch sử. Thiên Chúa đến với con người, tìm kiếm con người và kêu gọi con người trong những biến cố lịch sử: ta gọi đó là mạc khải. Con người đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa qua các dấu chỉ cụ thể. Ngài viết:

“Vị Thiên Chúa này mà người Kitô hữu tin như thế, Người chính là tất cả cho lòng tin của họ… không phải chỉ là thần tính xa vời, không đạt đến mà trí khôn con người phải chấp nhận như một thực tại; không phải chỉ là thần tính mà người có thể thoáng hình dung như nó có thể, xuyên qua vũ trụ mà nó vẫn thường lẫn lộn với vũ trụ trong những nổ lực suy tư cao độ của mình cũng như trong những khoa huyền thoại kịch cỡm của mình… Có thể nói rằng Thiên Chúa đã khai mở thâm cung của lòng mình khi vén mở thánh ý Người… Chính Người đã nói về chính mình. Người đã mạc khải cho con người, như Cha, Con, Thánh Thần; Thiên Chúa duy nhất, sống động… Khi hoạt động vì chúng ta, chính khi kêu gọi chúng ta đến với Người và chính khi thực hiện ơn cứu độ chúng ta mà Người đã tự làm cho chúng ta hiểu biết Người.”[2]

Theo đó, lịch sử là lịch sử cứu độ, qua đó Thiên Chúa mạc khải và mời gọi con người: Từ Cựu Ước đến Tân Ước và qua Giáo Hội.

Con người đã từ chối Thiên Chúa. Đức Giêsu đến đưa con người về với Thiên Chúa bằng cách giúp con người thoát khỏi tù ngục chính mình. Nhờ cái chết trên thập giá, nhân loại được giải cứu khỏi chết. Chúa Con tự hủy, bị bỏ rơi, cô độc để thực hiện sự quy tụ và hiệp nhất mọi người.

“Thánh Thần là Đấng thánh hóa, Đấng làm cho sống động, Đấng phục sinh thân xác, Đấng làm cho con người nên bất tử, Đấng mà sự hiệp thông với Người biến đổi trọn vẹn con người chúng ta bằng cách làm cho con người giống với Thiên Chúa.”[3]

Nơi Hữu Thể vốn tự đầy đủ, không hề có ích kỷ, nhưng là sự trao ban của một hồng ân hoàn hảo.

Từ Ba Ngôi, nhiệm cục hướng dẫn chúng ta vào mầu nhiệm khôn dò của sự siêu việt của đời sống nội tại thần linh. Nơi thập giá, Thiên Chúa trao ban chính mình.

Nơi Thiên Chúa, mối liên hệ duy nhất và mật thiết giữa Đức Giêsu với Chúa Cha và Thánh Thần có liên hệ đến chúng ta: Chúng ta liên hệ với Chúa Cha luôn luôn qua Chúa Con và Thánh Thần.

Niềm tin Ba Ngôi là nền tảng cho Giáo Hội học: Như Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội từ Ba Ngôi, là Dân được quy tụ và tuyên xưng niềm tin Ba Ngôi.

Sự hoàn tất con người

Theo quan niệm mượn từ Augustinô, con người được tạo dựng như là hữu thể hướng về Thiên Chúa. Dẫu có những sai lầm trong đời sống, con người luôn khát khao hướng về Thiên Chúa, khắc khoải tìm câu trả lời để đạt tới điều lành, hạnh phúc đích thực.

Học thuyết vô thần đòi hỏi nhân danh tự do con người không bảo đảm phẩm giá con người. Chỉ có đức tin vào Chúa Kitô là có thể chỉ ra đường hướng mà trong đó gặp được ý nghĩa của sự hiện hữu cá nhân và cộng đoàn.

Tóm lại, Cha Lubac cho rằng: thần học là đà vươn tới đức tin, thờ phượng và xuất thần trong Thiên Chúa. Thần học không hề có điểm kết, bởi vì Thiên Chúa vốn không thể dò thấu.

Ba Ngôi được quan niệm như thần học của lịch sử. Thần học Ba Ngôi là thần học thập giá.

5. Hans Urs von Balthasar: Thiên Chúa, tình yêu nhân hậu

Thần học của Balthasar được mọi người hâm mộ.

Kitô Học

Kitô Giáo được tóm tắt vào từ này: tình yêu Thiên Chúa đối với thế gian. Theo triết học và các tôn giáo, Thiên Chúa ở trên trời cao. Nhưng theo Kitô giáo, Thiên Chúa đã trở nên nghèo cùng với tạo vật của Người, chia sẻ đau khổ với con người. Qua đó, Người chứng tỏ cho thế giới biết Người yêu họ.

Đức Kitô mạc khải tình yêu đau khổ của Thiên Chúa; Là Con được Cha sai và vâng phục Cha, Người nói cho ta biết về tình yêu Ba Ngôi.

Đức Giêsu chết vào ngày thứ Sáu và sự trống vắng của ngày thứ Bảy: cái chết của sự bất lực hoàn toàn, của sự hỗn loạn nơi con người. Đi vào vương quốc của sự chết, vào trong luyện ngục, có nghĩa là Con Thiên Chúa chia sẻ sự cô đơn với những ai đang trầm luân trong đó, kinh nghiệm sự trống rỗng tuyệt đối của sự sống mà những người chết phải chịu.

Khi chu toàn những gì mà Chúa Cha trao phó, Chúa Con tiến vào trong sự hỗn mang của những gì từ chối Thiên Chúa. Để cứu độ thế giới, Chúa Con phải làm người và việc đi theo con người phải dẫn Người đến chốn luyện ngục, hậu quả tột cùng của tự do tạo vật. Nhờ đó tình yêu Thiên Chúa hiện diện tới tận luyện ngục. Khi phục sinh, Chúa Giêsu cũng soi sáng chúng bằng sự cao cả của tình yêu Thiên Chúa.

Tình yêu nội tại thần linh

Con đường mà Chúa Giêsu trải qua trong đêm đen của cái chết cho thấy năng động vĩnh cửu của Thiên Chúa. Sự vâng phục, sự tự hạ, cái chết trên thập giá, sự thinh lặng chết chóc nơi luyện ngục nói lên sự trao ban của tình yêu nội tại thần linh: Cha thông ban chính mình cho Con mà không giữ lại gì về thần tính. Phát xuất từ cả hai như là “chúng ta – We” hiện hữu trong tình yêu của các Ngài, Thánh Thần hành động như là dấu ấn bảo tồn sự khác biệt vô tận, đồng thời là Thánh Thần duy nhất của hai ngôi vị Cha và Con.[4]

Trong nhãn quan này, Ba Ngôi xuất hiện như là không gian vô tận của một tình yêu tự do. Cha là cội nguồn vĩnh cửu của tình yêu đó; trong Chúa Con, tình yêu này gặp được sự đáp trả tuyệt đối; Thánh Thần chính là “Chúng Ta – We” sống động của hai ngôi vị kia, và làm chứng cho sự cởi mở vô tận của tình yêu thần linh đi từ Cha như là nguồn của nó cho đến tận sự hỗn mang của luyện ngục.

Nơi Thiên Chúa, có chỗ cho sự gặp gỡ, cho hạnh phúc và nhất là cho thập giá và cái chết; tất cả mọi sự được ôm ấp bởi hồng ân vĩnh cửu là chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, Balthasar không chia sẻ ý kiến với Rahner về vế “ngược lại” của Rahner. Ông đồng ý rằng Ba Ngôi chỉ có thể nhận biết nhờ Chúa Kitô. Nhưng sự khác biệt vẫn còn giữa hai khía cạnh. Sự khác biệt này hệ tại ở chỗ là Ba Ngôi nội tại cấu tạo nên động lực mang ý nghĩa, và yếu tính của lịch sử cứu độ, được cấu trúc một cách Ba Ngôi. Nếu không có sự khác biệt này, người ta sẽ rơi vào hình thái thuyết.

Lý luận của tình yêu

Loan báo tình yêu là ý tưởng nền tảng cho giải thích của ông về đức tin. Lịch sử chỉ là dấu vết của vinh quang Người.

“Một Thiên Chúa tự hòa tan trong lịch sử, một Ba Ngôi thần linh nội tại tự giới hạn mình trọn vẹn trong mạc khải, sẽ không là Thiên Chúa Kitô, nhưng là một trong những quyền lực của trái đất này, dù đó là quyền năng lớn lao và cần thiết nhất.”[5]

Tuy nhiên, theo ông, lịch sử cứu độ không phải là tùy phụ. Khuôn mặt Ba Ngôi của Thiên Chúa được mạc khải trong lịch sử và là phương thế duy nhất cho phép nói về tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Ông mời gọi nói nhiều hơn nữa về những Ngôi vị Ba Ngôi khởi đi từ viễn tượng của khoa hữu thể luận tình yêu (ontologie de l’amor) hơn là khoa hữu thể siêu hình thiêng liêng cổ điển (ontologie métaphysique spirituelle classique).

Từ thập giá đồi Golgotha, Balthasar mô tả cho chúng ta Thiên Chúa như là Đấng Yêu Thương của một tình yêu vô hạn, cho đi đến độ mà không có một thụ tạo nhân loại nào mà không được Người nhìn đến. Một Thiên Chúa mà tự bản tính của Người từ bỏ mọi quyền uy của mình, Thiên Chúa tình yêu là Đấng chịu đóng đinh, có thể mang lấy thập giá của mọi người và cả thập giá của tôi nữa.

6. Juergen Moltmann (1926-)

Sinh ra trong một gia đình Tin Lành và lớn lên trong một hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh và tù đày ở Đức, ông muốn trả lời cho những vấn nạn của con người và khôi phục lại niềm hy vọng của con người vào Chúa Kitô.

Thần học hy vọng

Ông suy nghĩ về Thiên Chúa Ba Ngôi và cuộc sống con người Kitô hữu. Ông xác tín Kitô giáo là tôn giáo của lời hứa và Thiên Chúa trong mạc khải Kitô giáo là Đấng mở ra cho con người một tương lai. Từ đó mới có tác phẩm đầu tay “Thần học hy vọng.”[6]

Ernst Bloch trách các kitô hữu đã đẩy niềm hy vọng vào thế giới bên kia. Moltmann trả lời rằng chính sự phục sinh, Đức Giêsu đã đưa hy vọng vào lịch sử của chúng ta, lôi hy vọng ra khỏi vòng luân hồi để mở hy vọng ra cho một tương lai. Tin vào Đức Kitô Phục Sinh không phải là tưởng nhớ một biến cố chính xác trong quá khứ, nhưng là để tiếp nhận lời hứa mà biến cố ấy loan báo.

“Như thế, niềm hy vọng cánh chung trở thành một sức mạnh lịch sử khơi dậy những viễn ảnh sáng tạo, vì yêu thương những con người đang đau khổ và vì yêu thương thế giới còn dang dở của những con người ấy.”[7]

Thần học thập giá

Giống các tác giả trên, Moltmann cũng muốn suy nghĩ về niềm tin Ba Ngôi khởi đi từ lịch sử cứu độ, đặc biệt từ thập giá Đức Kitô. Một tác phẩm sẽ có ảnh hưởng lớn trong nền thần học sau này, mang tên “Thiên Chúa chịu đóng đinh” (1972), cũng là tác phẩm được ông trình bày theo viễn tượng Ba Ngôi. Niềm hy vọng được khơi dậy nhờ những lời hứa ấy, đụng phải một thực tế khắc nghiệt, đó là sự dữ cao độ, các trại giam, đau khổ, chết chóc…  Trước thảm kịch đó, Kitô giáo mở ra một tương lai cho cả Đấng chịu đóng đinh và tất cả những ai đang chịu đau khổ. Thập giá là hành động yêu thương của Chúa Con và đau khổ của Chúa Cha. Hành động đó mang lại sự giải thoát và sự sống mới.

“Trên thập giá, Thiên Chúa tạo lập ơn cứu độ cho toàn thể loài thụ tạo, trong một vận hành hướng ngoại, trong khi đó vận hành hướng nội của biến cố này được diễn tả bởi sự kiện là Người chấp nhận mang trên mình tất cả sự kết án của thế giới. Những hoạt động của Ba Ngôi hướng ra bên ngoài (ad extra) từ khi tạo dựng thế giới phù hợp với những sự thương khó của Ba Ngôi nội tại (ad intra). Không thể quan niệm Thiên Chúa khác hơn được. Sự đau khổ thập giá xác định đời sống nội tại của Thiên Chúa duy nhất – Ba Ngôi từ đời đời mãi mãi không cùng.”[8]

Ông quả quyết rằng sự thương khó của Thiên Chúa yêu thương nhân loại với một tình yêu say mê (la passion du Dieu qui aime l’humanité d’un amor passionné). Thương khó và thập giá thuộc thành phần thiết yếu nhất của đời sống và hữu thể Thiên Chúa Ba Ngôi. Với ông, thần học Ba Ngôi là thần học thập giá.

Theo ông, những tên gọi Ba Ngôi không chỉ định các Ngôi Vị cho bằng là một biến cố, có nghĩa chúng là biến cố của tình yêu và của đau khổ thần linh, khai mở cho tương lai mang ơn cứu độ. Biến cố báo trước sự hoàn tất chung cuộc của lịch sử nhân loại. Đó là một tiến trình bắt đầu với núi sọ Golgotha và kết thúc ngày chung thẩm. Trong ngày đó, Thiên Chúa sẽ biến sự đau khổ của Người thành niềm vui vĩnh cửu.

“Thiên Chúa không xem một ai là xa lạ đến trước ngưỡng cửa nhà Người, bởi vì chính Người cũng là kẻ đã bị đẩy ra ngoài thành, đã chết vì tất cả những ai bị loại ra ngoài, gạt ra bên lề.”[9]

Sứ điệp gửi đến cho những người đau khổ là như sau: việc đóng đinh thập giá là nơi mà Thiên Chúa thực sự gẫn gũi với con người, nơi đó Người thực sự và trọn vẹn là Thiên Chúa với chúng ta.

Trong khảo luận về Ba Ngôi, ông xác định là tương quan giữa các Ngôi Vị từ đời đời dưới dấu chỉ thập giá. “Trước khi thế giới hiện hữu, lễ vật hiến sinh đã có nơi Thiên Chúa.”[10] Nhưng với tiếng kêu đau khổ của Chúa Con trên thập giá, tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con bị đổ vỡ: Từ nay Con là kẻ bị bỏ rơi… Từ sự trao hiến cho nhau, tình yêu biến thành đau khổ vô tận và thành kinh nghiệm sự chết. Dầu vậy vẫn còn cái gì đó mà trong sự đau khổ thần linh không cạn này, tiếp tục nối kết hai Ngôi vị: đó chính là Thánh Thần, Đấng “nối kết trong sự chia lìa, nối kết hai khoảnh khắc của sự duy nhất và sự chia lìa giữa những ngôi vị của Cha và Con.”[11]

Ông giới thiệu một học thuyết mang tính lịch sử về Thiên Chúa Ba Ngôi (dựa vào Kinh Thánh):

“Tân Ước cho biết về Thiên Chúa bằng cách cho thấy quan hệ của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với thế giới, dưới hình thức các thuật trình.”[12]

Trong mầu nhiệm Vượt Qua, Thiên Chúa mạc khải mình là tình yêu, tình yêu trao ban, tình yêu hy sinh. Và theo ông, quan niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi phải được hiểu dựa trên khái niệm “pericoresis” của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Ông cũng đề cập mối tương quan giữa thần học và chính trị: Ba Ngôi là hình ảnh xây dựng xã hội, không theo kiểu một vương quốc chuyên chế của một vị vua, mà là một cộng đoàn bao gồm những con người không đặc quyền đặc lợi, cũng chẳng lệ thuộc nhau. Giáo lý Ba Ngôi tạo thăng bằng xã hội giữa cá thể tính và xã hội tính.

Như vậy, giáo thuyết Ba Ngôi của Moltmann được khai sinh từ ý muốn đặt nơi Thiên Chúa tất cả mọi sự đau khổ phi lý và tuyệt vọng nhất của thế gian. Tất cả mọi đau khổ nơi con người thì đã có trong Thiên Chúa. Nhờ cái chết chúc dữ mà Đức Kitô phải chịu, Thiên Chúa giờ đây hiện diện cách thân mật với con người.

7. Walter Kasper: Nguồn gốc, trung tâm và tầm vóc của mạc khải

Khởi điểm thần học Ba Ngôi của Kasper là câu hỏi Đức Giêsu Kitô là ai? Mối liên hệ giữa Kitô học và Ba Ngôi học được xây dựng dựa trên thần tính và nhân tính của Đức Kitô. Người luôn ở trong Cha và hướng về Cha. Tương quan Chúa Giêsu với Cha mặc khải cách chung cuộc và quyết định về Thiên Chúa, thì tương quan này thuộc bản thể vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Cả hai Ngôi Vị còn mở ra với Ngôi Vị khác là Thánh Thần. Thánh Thần là hồng ân cánh chung mà Thiên Chúa tự ban cho những ai tin vào Chúa Kitô, thì Thánh Thần không thể không thuộc bản thể của Thiên Chúa. Vì thế, sự duy nhất nơi Thiên Chúa được hiểu như là sự duy nhất trong tình yêu tự trao hiến cách tự do.[13]

8. Bruno Forte: Thiên Chúa và lịch sử

Với Bruno Forte, một linh mục người Italia, một giáo sư thần học và nay là giám mục, chúng ta bước sang một lục địa và một thế giới văn hóa khác. Ông khởi sự mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, không phải do chứng kiến sự khốn cùng của những con người đi tìm ý nghĩa cuộc đời và xã hội như Moltmann và Boff, nhưng chính là do bị sốc trước cảnh tượng các Kitô hữu ngày càng bàng quan đối với mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, như người ta quen gọi là “cuộc lưu đày của Thiên Chúa Ba Ngôi.” Do suy tư Kitô giáo trở nên xa lạ với ngôn ngữ Kinh Thánh và người đương thời. Thế nên, ông thao thức và tìm lại “ngôn ngữ bình dân đại chúng,” theo ông “cần lấy hình ảnh chim bồ câu để nói về Chúa Thánh Thần để thay thế hình ảnh chim ưng để nói về thần Minerva.” Phải bỏ viễn cảnh cổ điển của thần học La Tinh, ưu tiên đặt tính duy nhất về bản thể của Thiên Chúa lên trước sự khác biệt về Ngôi Vị của Ba Ngôi, để lấy lại thần học Hy Lạp về tính “tương tại” của Thiên Chúa.

Muốn bước vào mầu nhiệm Ba Ngôi, chỉ có một cánh cửa duy nhất là lịch sử cứu độ. Thiên Chúa Ba Ngôi có mặt nơi lịch sử cứu độ rất thân thương.

Theo ông, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu là tâm điểm của lịch sử, nhờ đó, người ta sẽ thấy rõ hơn bao giờ hết mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đức Giêsu cho thấy hình ảnh trọn vẹn về cuộc sống của Ba Ngôi. Ba Ngôi khác biệt nhưng hiệp thông với nhau thế nào, điều ấy được sáng tỏ trọn vẹn nơi biến cố thập giá và phục sinh.[14]

Nhưng Ba Ngôi được mạc khải trọn vẹn trong ngày cánh chung.



[1] Xin đọc các Thông Điệp của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: Thiên Chúa là Tình Yêu; Bác Ái Trong Chân Lý và Ánh Sáng Đức Tin để tìm hiểu tư tưởng thần học của ngài.

[2] H. de Lubac, Catholicisme, 107.

[3] Ibidem, 138.

[4] Hans Urs von Balthasar, Theodramatik, vol. III, 300.

[5] x. Bruno Forte, Ba Ngôi như là lịch sử, op. cit., 20.

[6] J. Molmann, Théologie de l’espérance, Ed. du Cerf, Paris 1974.

[7] Ibidem, 395.

[8] Jurgen Moltmann, Trinitat, 177.

[9] Ibidem, 235.

[10] Ibidem, 99.

[11] Ibidem, 98.

[12] Ibidem, 98.

[13] Cf. Franz Courth, (Lm. Phêrô Lê Văn Chính dịch), Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, Tủ sách Thần học, 183-218.

[14] Bruno Forte, Mầu Nhiệm Thiên Chúa, op. cit., 44-45. Khi đọc tác phẩm của Bruno Forte, độc giả không thể không nhớ đến công trình đồ sộ của von Balthasar là “Vinh Quang Thập Giá.”

 

Nguồn tin: