Ba Ngôi Trong Chứng Tá Của Giáo Hội Sơ Khai (4) - Khủng Hoảng Arius Và Các Công Đồng

Mon,25/10/2021
Lượt xem: 1731

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

1. Arius (256-336)

Được sinh ra sau khi Origene vừa qua đời, Arius (+336) giống như những người khác ở Alexandria được thừa hưởng những giáo huấn về Ba Ngôi của Origene: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần như là ba hypostaseis (ngôi vị) hay như ba thực tại bản thể phân biệt, cùng chia sẻ một bản tính thần linh nhưng lại bày tỏ một sự lệ thuộc nào đó (của Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với Chúa Cha). Arius muốn đẩy sự lệ thuộc này đi xa hơn. Chúa Cha hoàn toàn trổi vượt trên Chúa Con, và là Đấng không có nguồn gốc, không được sinh ra, là Thiên Chúa duy nhất đích thực.

Một sự sinh ra “từ yếu tính/bản thể (ousia)” có thể giải thích sai về thần tính trong các phạm trù vật lý và có kết luận sai lầm rằng một bản thể bất biến của Thiên Chúa có thể thay đổi và phân chia trong hai hoặc ba phần. Giống như nhóm nhất chủ hình thái thuyết (x. Sabellius), Arius và các môn sinh của ông muốn bảo vệ tính nhất chủ tuyệt đối của Thiên Chúa, nhưng không giống với Sabellius và những người theo nhất chủ thuyết, họ tuyên bố có sự khác biệt đích thực về căn tính giữa Chúa Cha và Chúa Con. (Một cách thực tế Arius đã không nói gì về Chúa Thánh Thần).

Trong khi thuyết Sabellius quả quyết một sự duy nhất hoàn toàn của yếu tính thần linh mà không có sự phân biệt thực sự của các chủ thể, thì Arius phân biệt các chủ thể khi phủ nhận sự hiệp nhất của yếu tính. Như Athanasiô trình bày những luận điểm của Arius, họ cho rằng Chúa Con thì hoàn toàn thấp kém hơn và hoàn toàn khác biệt với Chúa Cha.[1]

Trong một tuyên bố được Athanasiô ghi lại, Arius miêu tả Chúa Con/Ngôi Lời như là Đấng được tạo thành trước khi có thế giới này, từ hư không, theo ý muốn của Chúa Cha, nhưng không được tạo thành “giống với sự tạo thành của các thụ tạo.” Khi sử dụng một câu nói nổi tiếng như chúng ta đã thấy nơi Origene trong thế kỷ trước, Arius phủ nhận rằng Chúa Con là “đồng hằng hữu” với Chúa Cha: “Đã có lúc Người không hiện hữu.” Vì Arius hiểu một cách bên ngoài từ “không được sinh ra” và từ “đời đời” là những từ đồng nghĩa, ông tóm tắt tư tưởng của ông về Thiên Chúa như sau:

“Chúa Con không có chia sẻ với Thiên Chúa trong cùng một yếu tính, vì Người không ngang hàng và cũng không đồng bản thể với Thiên Chúa.”[2]

Đặc biệt, Arius và các đồ đệ ông quan niệm rằng Logos đã có kinh nghiệm trong thời gian khổ nạn, những cảm xúc sợ hãi, lo lắng và như thế họ cho rằng trong một lúc nào đó Người cảm thấy như bị rơi vào sự vô cảm thấu của Chúa Cha.

Sau khi đã bắt đầu nói về Chúa Con như được tạo thành từ hư không, Arius tiếp tục cho rằng Chúa Con được sinh ra bởi Chúa Cha và quả quyết rằng hành động sinh ra này nhắm đến việc tạo dựng. Chỉ có thụ tạo được trực tiếp tạo dựng bởi Chúa Cha. Chúa Con thi hành ý muốn của Chúa Cha khi tạo dựng mọi sự còn lại và khi hành động như thể Người đóng vai trò trung gian, là Logos được đặt ở vị trí cao trọng trong phẩm trật các hữu thể và các quyền lực thần linh giữa Thiên Chúa và vũ trụ, nhưng lại kém hơn Thiên Chúa.

Như thế, Đấng nhập thể làm người không phải là Thiên Chúa đích thực, nhưng ở thấp hơn cấp bậc Thiên Chúa. Chúa Kitô cũng không phải là con người đích thực và tròn đầy. Theo Arius, Ngôi Lời đã thay thế linh hồn con người trong Đức Kitô. Tuy nhiên, Công Đông Nicea đã giải quyết những sai lạc và thách thức của Arius liên quan thần tính của Chúa Kitô trong tín biểu mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây.

2.  Từ Công Đồng Nicea I

“Như những người theo Arius phủ nhận Chúa Con, đồng thời cũng phủ nhận Chúa Cha, và những người này (pneumatomachians) nói về tội của Chúa thánh Thần thì cũng nói về tội của Chúa Con” (Athanasiô, Thư gửi cho Serapion).

“Nụ hôn của Thiên Chúa là quà tặng của Chúa Thánh Thần.”

(Thánh Bernard thành Clairvaux, Devotion to Christ).

 

Khủng hoảng về học thuyết được bắt đầu bởi Arius và các đồ đệ của ông khiến hoàng đề Constantin triệu tập Công Đồng Nicea I (325), dưới thời Giáo Hoàng Synvêtê, quy tụ 300 giám mục Đông Phương, 2 linh mục từ La Mã, nhằm đối phó với lạc thuyết của Arius và tìm kiếm sự bình an thuộc tôn giáo. Trong biến cố này, cuộc khủng hoảng về căn tính của Chúa Giêsu và của Thiên Chúa Ba Ngôi kéo dài gần một thế kỷ - cho đến Công Đồng Constantinople I (381). Những tác giả đã trình thuật và giải thích rất tốt những gì xảy ra bên trong và bên ngoài trong thế kỷ khó khăn này với những tranh luận Kitô học và Ba Ngôi học.

Phần này sẽ giới thiệu những kết quả của những tranh luận này và những tuyên tín của hai Công Đồng.

Để làm sáng tỏ và dễ hiểu hơn, chúng ta sẽ tìm hiểu tín biểu của Công Đồng Nicea I, Công Đồng đại kết đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo và chúng ta tìm hiểu nội dung của tín biểu của Công Đồng Constantinole I.

Ở bên Đông lẫn bên Tây, đây là và luôn là lời tuyên xưng ý nghĩa nhất của đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi:

“Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành muôn vật hữu hình và vô hình.

Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha. Người là Con Một, bởi bản thể Chúa Cha, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha. Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, cả trên trời và dưới đất. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, nhập thể và làm người. Người chịu khổ hình, ngày thứ ba Người sống lại và lên trời. Trong vinh quang Người sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.

Nhưng bây giờ kẻ nào dám nói:

“Đã có lúc Ngôi Lời không hiện hữu,” “Người không hiện hữu trước khi được tạo thành,” và “Người đã được tạo thành từ hư không,”

hay “Người là một bản thể khác,” hoặc “Con Thiên Chúa đã được tạo thành, bất toàn và thay đổi” - những kẻ này bị lên án bởi Hội Thánh Công Giáo thánh thiện và tông truyền.”

3. Đến Công Đồng Constantinople I

Vì lạc giáo Macedonia và nhóm Pneumatomachi chống lại Chúa Thánh Thần, nên hoàng đề Theodosius I triệu tập Công Đồng dưới thời Đức Giáo Hoàng Đamasô I tại Constantinople. Kết quả là sự ra đời của tín biểu này:

“Tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất, là Chúa Cha toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình.

Tôi tin kính một Chúa duy nhất là Ðức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời.

Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha:

Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.

Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế; Bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người.

Vì chúng tôi Người chịu đóng đinh vào thập giá dưới thời Phongxiô Philatô, Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại đúng như lời Thánh Kinh, Người lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết triều đại Người sẽ vô cùng vô tận.

Tôi tin kính Chúa Thánh Thần, Người là Chúa và là Ðấng ban sự sống; Người phát xuất từ Chúa Cha (và Chúa Con), Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con, Người đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy.

Tôi tin có một Hội Thánh duy nhất thánh thiện, công giáo và tông truyền.

Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa duy nhất để tha tội.

Tôi đợi trông ngày kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. Amen."

4. Phân tích hai Tín Biểu

Nicea I đề cập đến 4 lần về “Chúa Cha,” 1 lần về  “Chúa Con,” và không bao giờ nói về “Ngôi Lời” hay là “Logos.” Công Đồng đã tuyên xưng rằng: Chúa Con “từ bản thể (substantia hay ousia) của Chúa Cha, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không được tạo thành, đồng bản thể với Chúa Cha.” Trong tình trạng của Người sau nhập thể, Chúa Giêsu được gọi với ba tước hiệu: Đức Chúa, Đức Kitô, và Con Thiên Chúa. Chúng ta có thể thêm một tước hiệu nữa được viết hoa là: Con Duy Nhất.

Trừ tước hiệu Kitô, đây là những tước hiệu cao trọng, là những tước hiệu thuộc Thiên Chúa. Nicea I cũng đề cập đến tước hiệu Giêsu trong những hạn từ thuộc Thiên Chúa mang tính nguồn gốc (nhờ Người mọi sự được hiện hữu, trên trời cũng như dưới đất), theo nghĩa nhập thể (Người xuống thế) và theo nghĩa cánh chung (Người sẽ đến phán xét kẻ sống và kẻ chết). Trong những lời kết án, Công Đồng kết án những ai nói rằng Chúa Con “đã có lúc Người hiện hữu và đã có lúc không hiện hữu,” hoặc nói rằng: “Người được tạo dựng từ hư không và có một bản thể hoặc ngôi vị khác với Chúa Cha” (DH 126; ND).

Điều này giúp bảo vệ niềm tin vào Chúa Con là Con Thiên Chúa đích thực và không kém hơn Thiên Chúa. Trong sự sinh ra (không phải tạo thành) của Chúa Con, bản thể của Chúa Cha đã được hoàn toàn thông ban đầy đủ cho Người. Chúa Con đến từ Chúa Cha, nhưng không phải được tạo thành bởi Chúa Cha, Người đồng hằng hữu với Chúa Cha. Arius không chấp nhận những khẳng định này. Ông đã tìm cách giải thích theo cách thế giảm thiểu đối với thành ngữ như “Con Thiên Chúa”; ông cho rằng hạn từ này có nghĩa là Chúa Con hiện hữu sau Chúa Cha và vì thế, Người không ngang hàng với Chúa Cha. Nhưng Arius không nhìn nhận rằng Chúa Con được sinh ra “cách tự nhiên” từ “bản thể của Chúa Cha” (và không phải bởi hành vi sáng tạo của thánh ý Thiên Chúa) và Người hiện diện luôn luôn với Chúa Cha.

Nicea tuyên bố rất rõ ràng về thần tính của Chúa Kitô, nhưng có 3 trong số những hạn từ tiếp tục gặp khó khăn sau Công Đồng: ousia, homoousioshypostasis. Ousia (được dùng ở đây như là “bản tính, thực tại, yếu tính, hoặc bản thể) có nền tảng trong môi trường của các nhóm Ngộ Đạo Thuyết và Kitô Giáo trước khi nó được dùng trong giáo huấn của Công Đồng Nicea để nói về Chúa Con, Đấng “đồng bản thể với Chúa Cha.”

Trong thế kỷ II, những người theo Ngộ Đạo Thuyết Valentinus đã giảng dạy 3 sự đồng bản thể: tinh thần con người thì đồng bản thể với Thiên Chúa, linh hồn với Đấng Sáng Tạo, và vật chất với ma quỷ. Trong thế kỷ III, hạn từ xuất hiện khi Phaolô thành Samosata được phong làm giám mục Antiôkia vào năm 268. Khi nói về Ngôi Lời như là “homoousios” với Chúa Cha, ông bị nghi ngờ vì sử dụng hạn từ này theo nghĩa hình thái thuyết hoặc theo Sabellius và cho rằng sự duy nhất của “ousia” có nghĩa là không có sự phân biệt cá vị nào giữa Chúa Cha và Chúa Con/Logos. Khi Nicea buộc dùng từ homoousios, dĩ nhiên Công Đồng nhớ đến một nhân vật cứng đầu (Phaolô thành Samosata) và làm cho một số người sợ hãi vì học thuyết Sabellius ảnh hưởng trở lại. Như chúng ta sẽ thấy, vạ tuyệt thông được công bố khi sử dụng từ hypostasis như là một từ đồng nghĩa với từ ousia, Công Đồng Nicea đã làm gia tăng nỗi lo sợ này.

Vấn đề khác đối với hạn từ “homoousios” là ý nghĩa của từ homo-, nghĩa là “đồng, cùng” (khác với từ “homoi” trong từ “homoiousios,” hoặc “giống với bản thể.” Các nghị phụ đã dùng hạn từ này theo ý nghĩa nào để áp dụng cho Chúa Cha và Chúa Con? Đó là một vấn đề về căn tính toàn thể của cùng yếu tính mỗi cá thể - bản thể mà họ chia sẻ như là hai chủ thể khác, riêng biệt – hay là một tính từ để hiểu theo cách thức “trìu tượng” nhằm trình bày bản thể chung cho những cá thể khác nhau.

Rõ ràng là từ những nỗi lo sợ của tín biểu mà các nghị phụ muốn nói rằng: Chúa Con cũng sở hữu bản tính thần linh, duy nhất, không phân chia giống như Chúa Cha có. Tuy nhiên, từ homoousios cần có sự tuyên bố ra bởi vì nó có thể bị hiểu sai nhằm bảo vệ cho học thuyết của Sabellius về Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần tạo thành một sự hiệp nhất thuộc căn tính và không có khác biệt với các ngôi vị như là hữu thể không có gì hơn ngoài tên gọi và cách thế hiện hữu.

Khi áp dụng cả trong Tân Ước và trong triết học (Platon và Stoic), từ hypostasis có nhiều ý nghĩa, chúng ta có thể gộp lại theo hai hướng: Hypostasis theo nghĩa là yếu tính nguyên thủy hoặc là theo nghĩa là những nguyên lý, chủ thể, hoặc bản thể riêng biệt. Sự hàm hồ nền tảng trong hạn từ này đã được xuất hiện vào năm 262 khi Đức Giáo Hoàng Donysius kết án những ai hiểu từ hypostasis theo nghĩa thứ nhất, nên đã chia một bản tính thần linh, duy nhất thành ba yếu tính – hypostasis.[3] Để làm điều đó rõ ràng cần phải phân chia một bản thể thần linh thành ba bản thể và như thế thành ba Thiên Chúa. Tuy nhiên, trước lời kết án của Dionysius, Origene đã đối diện với thuyết hình thái thuyết của Sabellius khi nói về một Thiên Chúa có ba ngôi vị - hypostaseis riêng biệt và rõ ràng là đang hiểu theo ý nghĩa thứ hai của hạn từ. Vấn đề từ ngữ này đã lại trở nên rắc rối hơn đối với các Kitô hữu Tây Phương, bắt đầu từ thời Tertullianô, đã sử dụng từ ngữ Hy Lạp là từ hypostasis để so sánh với hạn từ của họ là từ substantia: Điều này muốn nói rằng tự nhiên họ đã hiểu từ hypostasis theo nghĩa thứ nhất trên đây. Trong khi đó, các Kitô hữu Đông Phương (Hy Lạp) hiểu rằng có ba hypostaseis của Thiên Chúa; những người Tây Phương dễ dàng bị sốc vì họ giải thích một tín khoản như thế theo nghĩa là có ba bản thể thần linh, phân biệt, tắt một lời, nghĩa là có ba Thiên Chúa.

Tuy nhiên, từ quan điểm của người Hy Lạp, người ta có thể thực sự hiểu sai người La Tinh khi nói về một bản thể thần linh như thể là rơi vào sai lầm của hình thái thuyết về một hypostasis theo nghĩa thứ hai của từ và từ đó họ từ chối mọi sự phân biệt cá vị trong Thiên Chúa.

Kết luận đối với Nicea về sự hàm hồ này của từ hypostasis là khi dùng từ ousia và từ hypostasis theo cùng một nghĩa là rơi vào nguy cơ biến từ homoousios được hiểu theo cách thức của Sabellius. (Sabellius dùng hạn từ ousia và hypostasis ít hay nhiều như là những từ đồng nghĩa để nói về một bản thể riêng biệt). Chúa Cha và Chúa Con như thế không chỉ thuộc về cùng một ousia nhưng đồng thời thuộc về cùng hypostasis – theo nghĩa thứ hai của từ hypostasis. Khi đó, không có sự phân biệt đích thực nào giữa Chúa Cha và Chúa Con; cả hai không có sự phân biệt và riêng biệt bản thể hay chủ thể nào.

Sau Nicea, một số các giám mục khi chống lại Arius tiếp tục thích dùng một hạn từ mà đã được tranh luận và từ chối bởi Công Đồng: homoiousios theo người là Chúa Con có bản thể giống với Chúa Cha. Những người ủng hộ Arius từ chối cả hai từ homoousioshomoiousios. Cuối cùng, từ khoảng năm 355 Aetius và Eunomius cũng đã phát triển học thuyết “Anomean” (sự không giống), theo đó, Chúa Con không chỉ là thụ tạo đầu tiên nhưng còn có yếu tính đơn thuần “không giống” với Chúa Cha và những thế Người hoàn toàn thuộc cấp dưới.

Lúc đó, nhiều giám mục và những người khác cũng đã khó chịu và chống lại hạn từ homoousios. Vì bốn lý do làm họ không hài lòng.

Từ này không được tìm thấy trong Kinh Thánh, nếu không muốn nói là nghịch với Kinh Thánh.

Nó đã bị lên án trong cuộc chiến chống lại Phaolô thành Samosata trước năm 268, nhưng như Athanasiô quả quyết, hạn từ này đã được giải thích theo một nghĩa khác và có liên hệ với sự sai lầm của Arius.[4]

Mặt khác, hạn từ homoousios có thể bị giải thích cách cứng nhắc theo nghĩa hình thái thuyết của Sabellius, theo đó, Chúa Cha và Chúa Con thì giống nhau không chỉ về bản thể nhưng còn về chủ thể cá vị. Mặt khác, hạn từ này có thể được giải thích theo một nghĩa rộng hơn, theo đó, những hữu thể cá vị của cùng một loài mang cùng bản tính và chia sẻ cùng một bản thể (ví dụ, anh trai và chị gái chia sẻ cùng một bản thể giống với cha mẹ của họ).

Cuối cùng, homoousios có thể áp dụng cho những bản thể vật chất như một khối kim loại đồng có thể cắt thành từng mảng và phân biệt các đối tượng như những đồng tiền. Một số người đã dùng lối so sánh “vật chất” để nói về tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con, nhưng những lối so sánh này thường dẫn tới sự hiểu lầm.

Mọi sự phụ thuộc trên điều được nói đến bởi từ “homo” ở trong từ homoousios. Nó dễ dàng hơn để giải quyết những giải thích sai lầm. Vì thế, thánh Basiliô Cả (+379) đã gạt sang một bên ý nghĩa thứ tư: Đức tin chân chính không phải là nói về bản thể duy nhất của Thiên Chúa một cách vật chất (ousia), như thể có một số chất liệu được tạo thành ngoài bản thể của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đó là hai khả năng trái ngược theo nghĩa thứ ba (3) đã làm cho Basiliô gặp khó khăn hơn khi phân tích nhiều sự hiểu lầm về từ homoousios. Những ai đã sai lầm khi hiểu rằng trong Thiên Chúa căn tính của yếu tính rơi theo kiểu phiếm thần luận và hậu quả là tin vào ba Thiên Chúa. Tuy nhiên, những ai ép phải dùng từ homoousios với một ý nghĩa thái quá dẫn đến việc phủ nhận mọi sự phân biệt cá vị giữa Thiên Chúa, và trở lại với độc thần thuyết của Do Thái Giáo, hoặc theo cái nhìn về Thiên Chúa của Sabellius. Trong một lá thư được viết vào năm 375 để hướng dẫn những Kitô hữu ở Neocaesarea (ở Pontus), Basiliô viết:

“Thật cần thiết để hiểu một cách rõ ràng rằng, những người đã sai lầm khi tuyên xưng căn tính của yếu tính (ousia) thì cũng rơi vào phiếm thần luận, như thế, họ có những phân biệt rõ ràng của hypostaseis thì lại rơi vào độc thần Do Thái Giáo... Sabellius... đã nói rằng chính Thiên Chúa... bị biến đổi theo nhu cầu của những đòi hỏi hiện tại và nói rằng bây giờ là Cha, bây giờ là Con, và bây giờ là Chúa Thánh Thần.”[5]

Trong thời gian này, nhờ thánh Basiliô, Hilariô và Athanasiô hướng dẫn trong việc ủng hộ thành ngữ homoousios và chỉnh sửa lời giải thích, cuộc chiến đã hầu như toàn thắng. Hạn từ này nói về căn tính của bản thể hay hữu thể giữa Ba Ngôi Vị. Liên quan đến yếu tính/bản thể, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một. Khi nghiên cứu trong Gioan và Phaolô, Athanasiô dạy rằng Chúa Cha không bao giờ hiện hữu mà không có Ngôi Lời của Người (nghĩa là Chúa Con chia sẻ sự vĩnh cửu thần linh); rằng Chúa Con/ Ngôi Lời nắm giữ quyền năng thần linh trong việc tạo thành (x. Ga 1,3; 1 Cr 8,6); và rằng Con Thiên Chúa làm cho sự đón nhận nghĩa tử và sự thần hóa của chúng ta trở nên khả hữu. Mặc dầu khi nhấn mạnh về hạn từ của Nicea, khoảng năm 350 về hạn từ của Nicea, tuy nhiên Athanasiô đã chấp nhận những ai dù không dùng từ homoousios mà vẫn tuyên xưng rằng Chúa Con là “từ bản thể” của Chúa Cha và là “Con theo bản tính,” hằng hữu với Chúa Cha.

Lá thư của Basiliô ở trên đề cập đến những dấu hiệu và cả chiến thắng của giáo huấn Nicea về bản thể chung hoặc ousia được chia sẻ bởi Chúa Cha và Chúa Con (và Chúa Thánh Thần), nhưng cũng là một phần loại bỏ khỏi ngôn ngữ của Công Đồng (ít là được tìm thấy trong lời kết án được thêm vào). Từ ousia và từ hypostasis không còn được dùng theo nghĩa giống nhau. Giống với Grêgôriô Nazianus, Basiliô viết về một ousia hoặc về thần tính (một yếu tính giống nhau của Thiên Chúa) và ba ngôi vị (hypostaseis hoặc prosopa (những hữu thể riêng biệt, cá vị với những sự riêng biệt của họ) trong Thiên Chúa. Bảy năm sau, hạn từ Ba Ngôi này được sử dụng một cách chính thức sau Công Đồng Constantinople I. Nhờ một lá thư ngài gửi cho Đức Giáo Hoàng Đamasô, một công nghị sau Công Đồng đã được triệu tập để tuyên xưng nơi Thiên Chúa, có cùng “một thần tính, quyền năng hay yếu tính (ousia) trong “Ba Ngôi Vị hypostasein, nghĩa là trong ba prosopois hoàn hảo.” Basiliô, Grêgôriô Nazianzus và cả Gregroriô Nyssa (+395), những tác giả nổi bật ở Cappadocia, đã sử dụng những hạn từ hypostasis và prosopon một cách hoán chuyển cho nhau (“khuôn mặt” hoặc sự bày tỏ hữu hình và các đặc tính của hypostasis). Mặc dầu luôn sẵn sàng nói về ba hypostaseis trong Thiên Chúa.[6] Athanasiô thích dùng từ prosopon hơn thay cho từ hypostasis. Dựa trên Origene, các giáo phụ Cappadocia và Athanasiô, trong một công nghị được triệu tập sau Công Đồng Constantinople I một năm, đã đặt từ Ba Ngôi một cách chắc chắn đúng chỗ: ba hypostaseis hoặc prosapa, và một thần tính, quyền năng, ousia hoặc physis (bản tính) trong Thiên Chúa. Origene, Athanasiô, các giáo phụ Cappadocia và công nghị sau Công Đồng vào năm 382 (trong thư gửi cho Đức Giáo Hoàng Đamasô) đã nói về bản tính Thiên Chúa hay physis (yếu tính được nhìn như là một nguyên lý của hoạt động) theo nghĩa hoán chuyển với từ ousia (bản thể thần linh).

Ngoài việc tái khẳng định theo một cách thức mới mẻ niềm tin của Nicea về thần tính của Chúa Giêsu, Constantinople I đồng thời xác nhận căn tính của Chúa Thánh Thần. Công Đồng bảo vệ thần tính của Ngôi Ba khi đối diện với nhóm người chống lại Chúa Thánh Thần (gọi là pneumatomachians), những người theo Macedonia (một lạc giáo theo Macedonius, một giám mục bị kết án tại Công Đồng Constantinople I), và cả những ai đã từ chối thần tính của Chúa Thánh Thần. Nhiều người và nhiều nhóm khác nhau nổi lên trong thế kỷ IV liên quan đến vấn nạn và phủ nhận thần tính thần linh của Chúa Thánh Thần. Những người thuộc phái Arius và Anomeans cho rằng Chúa Con là một thụ tạo và hoàn toàn thấp kém hơn Chúa Cha, họ cũng đã tranh luận cả về tình trạng thấp kém, thuộc thụ tạo của Thần Khí. Trong lá thư gửi cho Serapion, Athanasiô viết về những nhóm khác (Tropici) là những người đã chấp nhận thần tính của Chúa Con nhưng cho rằng Chúa Thánh Thần là một thụ tạo, Đấng chỉ chia sẻ bản tính thuộc các thần khí hay các thiên thần, mặc dầu Người thuộc hàng cao hơn các thiên thần.

5. So sánh các Tín Biểu

Một cách căn bản, Giáo huấn Công Đồng về Chúa Thánh Thần đến từ Nicea I và Constantinople I. Từ đó, sự so sánh và đối chiếu những tuyên tín sẽ được làm sáng tỏ hơn giáo huấn Ba Ngôi được thiết lập trong suốt thế kỷ IV. Chúng ta hãy theo J.N.D. Kelly trình bày về tín biểu Nicea và tín biểu đầy đủ hơn của Constantinople. Độc giả sẽ tìm thấy bản văn của Constantinople (có những khác biệt với Nicea) ở phần đầu của chương này.

Cả Nicea và Constantinople bắt đầu bản tuyên tín mà không với một bản thể thần linh để từ đó nhấn mạnh về Ba Ngôi, nhưng bắt đầu với Chúa Cha, nguồn của sự hiệp nhất, từ Ngài chúng ta có thể hướng tới và tuyên xưng Chúa Con và Thánh Thần. Cả Nicea và Constantinople tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng” và “một Chúa Giêsu Kitô”, nhưng cả hai Nicea và Constantinople không cảm thấy cần làm sáng rõ niềm tin “vào Chúa Thánh Thần” như là niềm tin vào “một Chúa Thánh Thần.” Thánh Phaolô cảm thấy cần nói điều này ra, khi lặp đi lặp lại rằng cả ba có “sự giống nhau” khi nói về Thần Khí, Chúa Giêsu, và Thiên Chúa (Chúa Cha):

“Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người” (1 Cr 12,4-6).

Với sự tuyên xưng về “một Thiên Chúa, là Cha toàn năng” và “một Chúa Giêsu Kitô,” Nicea và Constantinople I đã có sự so sánh rất gần với điều mà Phaolô đã viết từ trước trong 1 Cr về “một Thiên Chúa là Cha” và “một Chúa Giêsu Kitô” khi ngài trình bày một nền độc thần giáo mang chiều Kitô học (1 Cr 8,6), mà thánh Tông Đồ đã không thêm một khẳng định nào về Chúa Thánh Thần như: “Và một Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống.” Bất cứ điều gì chúng ta tìm hiểu từ Phaolô không cung cấp cho chúng ta một công thức về một/một/một, nên Nicea và Constantinople phải dùng một sự sự ám chỉ bởi một khuôn mặt ở hậu bán thế kỷ I, thánh Clêmentê thành Rôma đã sử dụng. Trong lá thư gửi cho các tín hữu ở Côrintô, ngài đã áp dụng từ một cho cả ba ngôi vị:

“Chúng ta không có một Thiên Chúa và một Chúa Kitô và một Thần Khí của ân sủng được đổ xuống trên chúng ta chăng?”[7]

Điều Nicea và Constantinople cung cấp là một lối tiếp cận “truyền thống” đối với Thiên Chúa Ba Ngôi, mà thần tính phát xuất từ Chúa Cha đến Chúa Con và tới Chúa Thánh Thần. Trong Nicea, Chúa Cha xuất hiện 4 lần (lần thứ nhất trong tín khoản thứ nhất và ba lần trong tín khoản thứ hai) và trong Constantinople có 6 lần (1 lần trong tín khoản thứ nhất, 3 lần trong tín khoản thứ hai, và 2 lần trong tín khoản thứ ba). Trong tín khoản thứ hai và thứ ba của Constantinople, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được trình bày theo một sự đa dạng về những cách thế thuộc hữu thể “từ” và “với” Chúa Cha.

Chúng ta hãy quay lại với bản văn được cung cấp ở đầu chương này, và chú giải về những gì Công Đồng Constantinople thêm vào, khi tuyên xưng niềm tin Ba Ngôi. Constantinople làm sáng tỏ rằng Chúa Con được sinh ra bởi Chúa Cha trước khi có thời gian. Ngày hôm nay khi đọc câu này, chúng ta cần nhớ rằng nó đã có từ trước và cũng được tuyên xưng trong tín biểu Phép Rửa của Đông Phương, nó làm củng cố quan niệm về sự tiền hữu cá vị và đời đời của Chúa Con.

Tuy nhiên, ở Nicea I, các nhà biên soạn tín biểu Nicea, khi đối diện với những giải thích sai lạc của Arius, họ đã không thích dùng từ ngữ như thế bởi vì từ “trước”, (ngụ ý cả từ sau) có thể đưa đến một dạng quan niệm sai lầm về thời gian mà Origene đã lưu ý rồi và điều mà nhóm Arius đã trình bày. Constantiniple I có lẽ đã dùng câu này từ các giáo phụ Đông Phương thuộc thế hệ trước để mang lại một sự cân bằng trong những lời tuyên tín của họ.

Tiếp theo là sự thêm vào “từ các tầng trời”, nó có ý nghĩa Ba Ngôi trong cụm từ này, nó muốn nói về nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu. Người đến từ Thiên Chúa Cha, cũng là Đấng nhập thể “bởi phép Chúa Thánh Thần và bởi Đức Trinh Nữ Maria. Một sự thêm vào khác ở đây là thời gian mà một ngôi vị trong Thiên Chúa mặc lấy theo nguồn gốc trần thế trong lịch sử này. Ý tưởng về sự sinh ra lần hai của Chúa Con, mà chúng ta đã đề cập trong trước tác của Irênê, thì ở đây được ám chỉ đến: sự sinh ra đời đời từ Chúa Cha (“được sinh ra từ Chúa Cha trước mọi loại thụ tạo”) và sự sinh ra trong thời gian từ Đức Trinh Nữ Maria. Lần đầu tiên chúng ta gặp thấy trong Constantinople một sự quy chiếu về sự hiện hữu của Chúa Thánh Thần, được diễn tả trong những hạn từ về hoạt động và tương quan của Thần Khí với Chúa Con. Sự quy chiếu về sự thụ thai đồng trinh, được thánh Mátthêu và Luca làm chứng, làm sáng tỏ thêm ở đây ý nghĩa về thần tính của Chúa Giêsu để chống lại những cách thức của nhóm Nghĩa Tử Thuyết chủ trương: Người đến từ Thiên Chúa và không chỉ là được nhận làm con bởi Thiên Chúa nhờ Phép Rửa.

Trong số những điều mới mẻ, Constantinople đã có những sự thêm vào trong tín biểu những tuyên xưng về Ngôi Hai (Chúa Con, Đấng ngự bên hữu Chúa Cha, Đấng sẽ đến trong vinh quang, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận). Đó là dấu ấn để lại nhằm nhấn mạnh đến thần tính của Chúa Giêsu. Người không ngồi gần, hoặc ở dưới ngai thần linh nhưng là cùng ngồi ngang hàng và bên cạnh Chúa Cha. Hình ảnh của Người đến trong ngày phán xét chung sẽ được bao phủ bằng vinh quang Thiên Chúa. Trong bối cảnh lịch sử của thế kỷ IV, sự khẳng định về triều đại người sẽ thiên thu vạn đại là dựa vào Lc 1,33 và để chống lại lạc giáo Sabellius của Marcellus ở Ancyra (+ 374) vốn là những người cho rằng Ngôi Lời không thuộc hypostasis riêng biệt và chỉ có độc chủ thần linh, từ đó mặc lấy ba hình thái, nhằm bảo vệ và kết luận rằng chỉ có một sự duy nhất nguyên thuỷ như là một độc chủ thần linh.

Liên quan đến Ngôi Hai trong Ba Ngôi, Marcellus đã giới hạn sự hiện hữu của Chúa Con trong thời gian nhập thể; Độc chủ thần linh không còn bày tỏ tương quan nghĩa tử nữa, mục đích của nhập thể đã được thực hiện. Từ đó, bảy năm sau cái chết của Marcellus, tuyên tín của Constantinople về vương quyền Chúa Con là vô tận, được dùng để chống lại Sabellius, theo cái nhìn Ba Ngôi.

Phần tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu những điều thêm vào của Công Đồng Constantinople về thuộc bản thể trong tín khoản thứ ba. Công Đồng đã thêm vào lời tuyên xưng đơn giản của Nicea: “Tôi tin Chúa Thánh Thần.”

Constantinople tuyên xưng: “Chúa Thánh Thần là Đức Chúa (Thiên Chúa) (x. 2 Cr 3,17-18) và là Đấng Ban Sự Sống (x. Rm 8,2; Ga 6,63; 14,6; 2 Cr 3,6), Đấng phát xuất từ Chúa Cha. Khi nói Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha, Constantinople đã dùng từ ek mà không dùng từ para, cả hai từ này chúng ta tìm thấy trong Gioan 15,26: “Thần Chân Lý phát xuất (ek-poreuestai) từ (para) Chúa Cha.” Phaolô dùng từ ek khi nói về Chúa Thánh Thần phát xuất (ek) từ Thiên Chúa” (1 Cr 2,12). Nhờ việc tuyên xưng rằng Chúa Thánh Thần phát xuất từ, mà không phải được sinh ra bởi Chúa Cha, Constantinople minh chứng rằng: Chúa Cha không phải là Cha đối với Chúa Thánh Thần nhưng là Cha chỉ với Chúa Con. (Nếu không chúng ta có thể tôn thờ hai người con Thiên Chúa, hai Chúa Con và hai người Anh Em, hoặc một người Con Trai và một người Con Gái). Trong những hạn từ của thần học sau này, Chúa Cha có thể được gọi là Đấng đã “thở ra” Thần Khí (spirer).

Constantinople còn thêm vào trong tín biểu: “Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con.” Điều này mở rộng cho Chúa Thánh Thần một hình thức tôn thờ chỉ được dành cho Thiên Chúa. Ngoài những nền tảng dồi dào từ Kinh Thánh (x. Đnl 6,13; Mt 4,10), được dùng trong Tân Ước để nói về Chúa Cha và Chúa Con (x. Kh 5,10-14; 7,10-12), từ ngữ “tôn thờ” và “tôn vinh” là dội lại sự diễn tả của Athanasiô và đặc biệt của Basiliô nói về việc “vinh danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.”[8] Hoạt động của Thần Khí, Đấng nhờ các tiên tri mà phán dạy, đã có nền tảng từ trong Cựu Ước (x. Is 61,1; Ed 2,1-2; Ml 3,8) và trong Tân Ước (x. 1 Pr 1,10-11; 2 Pr 1,21). Các giáo phụ tiền Nicea (như Giustinô nói về “Thánh Thần của ngôn sứ” và “Thần Khí thuộc ngôn sứ,” Irênê cũng đã nói về Chúa Thánh Thần là “Đấng nhờ các tiên tri mà loan báo ơn tha thứ.”

Trong phần nữa đầu của tín khoản thứ ba, Constantinople khẳng định về căn tính thần linh của Chúa Thánh Thần, nhưng không giống với trường hợp của Chúa Con, Chúa Thánh Thần không được tuyên xưng là phát xuất từ Chúa Cha trước khi tạo thành và trước khi có thời gian, cũng không nói rằng “Người đồng bản thể với Chúa Cha.” Rõ ràng Chúa Thánh Thần được nhận biết như là Đấng tiền hữu từ đời đời, “trước” khi nói (theo cách thức thần linh) nhờ các tiên tri và thực hiện mầu nhiệm nhập thể (nhờ việc thụ thai đồng trinh). Nhưng Constantinople xem ra muốn tránh gọi Chúa Thánh Thần là “Thiên Chúa” (như Chúa Con đã được gọi “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”) và “đồng bản thể với Chúa Cha.”

Trong một lá thư gửi cho Đức Giáo Hoàng Đamasô, công nghị sau Công Đồng năm 382 tuyên xưng rằng “Ba Ngôi không được tạo thành, đồng bản thể (homoousios) và đồng hằng hữu với nhau.

Sau này, Công Đồng Constantinople II đã nói một cách tương tự như thế về toàn thể Ba Ngôi như là homoousios (cùng bản thể) (DH 421, ND 620/1), nhưng Constantinople II cho thấy tại sao mà Constantinople I giữ một sự thận trọng nào đó mà không tuyên xưng thần tính của Chúa Thánh Thần và sự đồng bản thể thần linh của Chúa Thánh Thần theo cách thức đầy đủ như trong trường hợp của Chúa Con. J.N.D. Kelly cho thấy lý do có lẽ vì nguyên nhân này: Hoàng Đế Theodosius cổ võ một số điều liên quan đến giáo huấn về thần tính của Chúa Thánh Thần với hy vọng thuyết phục một số người ít khoan nhượng thuộc Macedonia trở lại.[9]

Cuối cùng, Công Đồng Constantinople đã bổ sung những điều còn thiếu và mở rộng tín biểu Nicea: tương quan thứ nhất về nguồn gốc của Chúa Con (nghĩa là từ bản thể của Chúa Cha, “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa”). Thứ đến là công trình sáng tạo của Chúa Con (Đấng làm cho mọi sự hiện hữu trên trời cũng như dưới đất). Một số người giải thích những bổ sung này như là chứng cớ chắc chắn để khẳng định rằng Constantinople không phải là một bản sao chép y nguyên từ Nicea. Nhưng, tín biểu Constantinople này được ban bố vì mục đích phụng vụ và được biên soạn cẩn thận, nên người ta có thể hiểu tại sao những bổ sung này không được đưa vào trong giáo huấn của Nicea. Constantinople dừng lại “Thiên Chúa bởi Thiên Chúa,” nhưng giữ lại “đồng bản thể với Chúa Cha.” Trong cả hai trường hợp, Công Đồng hoàn toàn muốn tránh sự hiểu lầm về “một cặp đôi” được sinh ra trong Thiên Chúa.

Constantinople giữ lại vế “mọi sự trên trời và dưới đất” của tín biểu trước: Nhờ Chúa Con “muôn vật được tại thành.” Trong tín khoản thứ nhất về “Đấng tạo thành trời đất,” Constantinople làm sáng tỏ ý nghĩa của câu “Người tạo thành mọi sự.” Nó không cần thiết để thêm vào sự xác định này một lần nữa trong tín khoản thứ hai. Kelly đã phân tích rất đúng trong các tín biểu cổ xưa của Kitô giáo sự phù hợp với truyền thống hiện hữu phổ quát từ năm 451: Theo ông, tại Constantinople I, đức tin Nicea được hợp lý hóa theo cách thức của Constantinople, một tín biểu ý nghĩa nhất của các tín biểu Kitô giáo đã được du nhập vào sau năm 451, nhưng tác động của chúng đã để lại dấu ấn vượt ra bên ngoài nhờ điều mà Công Đồng Constantanople I đã chậm trễ trong việc kiến tạo tình trạng đại kết.

Sau khi đã nghiên cứu về chứng tá Kinh Thánh, chứng tá của, của Nicea và Constantinople, chúng ta tiếp tục tìm hiểu sự phát triển của giáo huấn Ba Ngôi cho đến cuối thế kỷ XX.

Nhưng bất cứ tiến trình nào được nghiên cứu cũng là để làm sáng tỏ giáo huấn dưới ánh sáng của những tuyên tín được soi chiếu theo tín biểu Nicea - Constantinople.

Đó là tuyên xưng đức tin trình bày sự hiệp thông Thiên Chúa trong sáng tạo và lịch sử cứu độ, bao gồm một sự hiệp thông đời đời trong Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con duy nhất, và “nhiệm xuất” Chúa Thánh Thần. Đặc biệt, sự tự thông truyền của Thiên Chúa ad extra nhờ sứ mạng của Chúa Con (Đấng đến từ trời và trở thành con người) và Chúa Thánh Thần (Đấng nhờ các tiên tri mà phán dạy và thực hiện mầu nhiệm nhập thể) trong lịch sử hay trong “nhiệm cục cứu độ” gợi lên và phản ánh sự tự thông truyền ad intra: Sự sinh ra từ đời đời của Chúa Con và sự phát xuất của Chúa Thánh Thần. Như thế, “Ba Ngôi ngoại tại hay Ba Ngôi trong tạo thành và lịch sử (mà tín biểu muốn trình bày), mạc khải Ba Ngôi tự tại và nên một với nhau.



[1] Contra Arianos, 1.6

[2] Arius, Thalia 8-9.

[3] HD 112-115; ND 301-303.

[4] Athanasiô, De Synodis, 41,43-45.

[5] Basiliô, Epistola 210.5.

[6] Athanasiô, Tomus ad Antiochenos, 5-6.

[7] Clêmentê, Thư gửi các tín hữu Côrintô, 56.6.

[8] Basiliô, De Spiritu Sancto, 27.68

[9] J.N.D. Kelly, Early Christian Creeds, 342-344.

Nguồn tin: