Ảnh Hưởng Của Công Đồng Đối Với Thần Học Căn Bản

Mon,18/02/2019
Lượt xem: 2905

 Công đồng Vaticano II là biến cố quan trọng đối với thần học Công giáo thế kỷ XX; là Công đồng không nhằm ‘chống lại điều gì đó’, nhưng là ‘cho điều gì đó’, cho các tín hữu và cho thế giới. Một Công đồng lên đường để gặp gỡ, đối thoại, cộng tác, ý thức trách nhiệm chung với tương lai nhân loại để đem đức tin Kitô giáo đến cho giới. Điều này chỉ có thể thực hiện khi thần học biết đón nhận thời đại và những dấu chỉ của thời đại, biết lưu tâm đến con người và cuộc sống hôm nay. Thần học phải giúp hiểu rằng, đức tin Kitô giáo thực sự giải thoát và đem con người đến với chân lý.

Như thế, để hoàn thành sứ mạng của mình, thần học không chỉ am hiểu đức tin Kitô giáo mà còn phải thực sự nhạy cảm với tất cả những gì liên quan đến con người, như lời đầu của Hiến chế Gaudium et Spes. Công đồng chỉ ra cho thần học con đường mới mẻ: không bằng lòng với việc lập lại hay khẳng định quá khứ, nhưng đưa nội dung đức tin vào ngày hôm nay của nhân loại. Đàng khác, đường hướng đại kết của Công đồng mở ra một chiều kích mới cho thần học: thay vì coi sự khác biệt như một tai họa thì coi đó như một cơ hội để đối thoại, tìm hiểu và làm phong phú cho chính mình. 

Hạn từ “Thần học Căn bản” được xuất hiện với Công đồng Vaticano II nhưng nó đã được đâm rễ sâu nơi các giáo phụ.[i] Chẳng hạn như thánh Justino đã sử dụng thuật ngữ Logos của Hy lạp; thánh Irenee thành Lyon đã kiến tạo và bảo vệ niềm tin Kitô giáo bằng cách chống lại tư duy sai lệch mang tính suy lý và huyền thoại của Ngộ đạo thuyết.

Bước ngoặt quan trọng của Công đồng Vaticano II: các luồng tư duy mới đã tìm ra con đường để đi vào các văn kiện chính thức của Giáo hội. Quyền bá chủ của trường phái Tân kinh viện dường như bị phá vỡ. Trong Giáo hội có sự cởi mở đối với các trường phái thần học khác nhau. Sự ảnh hưởng của Công đồng đối với Thần học Căn bản thể hiện qua mười sáu văn kiện, nhưng ảnh hưởng hơn cả có lẽ là Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium); Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum); Tuyên Ngôn về Liên Lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo (Nostra Aetate);..

Hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium)

Ngay số đầu tiên, Giáo Hội muốn làm sáng tỏ bản tính và sứ mệnh phổ quát của mình cho tín hữu và toàn thế giới, là kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại, nhằm rao truyền Phúc Âm cho mọi tạo vật (Mc 16,15). Giáo hội của Chúa Kitô được chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Như một xã hội được thiết lập quy củ trên trần gian, Giáo Hội ấy tồn tại trong Giáo hội Công giáo. Ở chương 2, nói đến cái nhìn rộng rãi và bao quát về dân Thiên Chúa: “Bất cứ người nào kính sợ Thiên Chúa và thực hành đức công chính đều được Ngài đoái thương” (Cv 10,35). Công đồng khẳng định: “Chỉ mình Chúa Kitô là trung gian và là đường cứu độ, Người hiện diện giữa chúng ta trong thân thể Người là Giáo hội”[ii]. Vì thế, Giáo hội lữ hành cần thiết cho phần rỗi.

Về phẩm trật trong Giáo Hội: Trước Công đồng Vaticano II, cơ cấu phẩm trật theo hình nón, từ giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân. Thì nay, cơ cấu ấy như lật ngược, giáo hoàng được gọi là “Tôi tớ các tôi tớ của Thiên Chúa”, các chủ chăn trong Giáo hội phải phục vụ lẫn nhau và phục vụ các tín hữu khác. Các tín hữu phải sẳn lòng hợp tác với vị chủ chăn và những người giảng dạy. Tất cả làm chứng sự duy nhất và kỳ diệu trong Thân Thể Chúa Kitô.[iii]

Hình ảnh Dân Thiên Chúa đã nêu bật được sự liên hệ giữa Giáo Hội (Dân Thiên Chúa trong Cựu ước và Tân ước), cả hai bắt nguồn từ chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Dân Thiên Chúa được hiểu rộng, mang tính phổ quát hơn, Giáo Hội được làm nên bởi nhiều phần tử, được trở nên một cộng đồng cùng thông hiệp, chia sẻ một niềm tin, cậy, mến, dựa trên Lời Chúa và Thánh Thể, liên kết với Thiên Chúa Ba Ngôi, cùng gánh vác công việc chung của thế giới.

Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum)

Hiến Chế Dei Verbum dành trọn chương 6 để nói về vai trò Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội: “Giáo Hội tôn kính Thánh Kinh như chính thân thể Chúa…cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được Giáo Hội xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin.”[iv]

Tuyên Ngôn về Liên Lạc của Giáo Hội với các Tôn Giáo ngoài Kitô Giáo (Nostra Aetate)

Với các tôn giáo khác, Giáo Hội không loại bỏ những gì là chân thật trong các tôn giáo đó. Giáo Hội chân thành tôn trọng cách sống và hành động khác nhau, nhìn nhận các giáo thuyết đều mang lại ánh sáng chân lý chiếu soi mọi người. Tuy nhiên, Giáo Hội không ngừng loan báo Tin mừng Chúa Kitô là đường, sự thật và sự sống. “Vì thế, Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những lợi ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái đối với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá đức tin và đời sống Kitô giáo.[v]

Giữa một thế giới có hai thái cực rất dễ nhận thấy, ngay cả nơi các Kitô hữu: có người xem các tôn giáo ngoài Kitô giáo là đối lập với Kitô giáo, nên phải bài bác; trái lại có kẻ chủ trương khuynh hướng hỗn hợp tôn giáo, với quan niệm rằng mọi tôn giáo đều là những con đường cứu rỗi. Tuyên ngôn khẳng định: “Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của chân lý.” [vi]

Từ hộ giáo tới Thần học Căn bản

Ra đời trong khung cảnh bị bao vây, hộ giáo mang tính chất thế thủ hơn là đối thoại: tìm hết cách để chứng minh rằng chân lý hoàn toàn về phía mình và vạch ra những sai lầm của đối phương. Tuy nhiên, từ hậu bán thế kỷ XX, Giáo hội Công giáo muốn đối thoại với các giáo hội ly khai, với các tôn giáo, với các nền văn hóa thời đại; thái độ đối thoại đòi buộc phải thay đổi não trạng hộ giáo lưu hành trong các thế kỷ trước đây.

Công đồng Vaticano II đã thay đổi hoàn toàn phương pháp trình bày về mạc khải và về Hội thánh, như ta nhận thấy qua hai Hiến chế “Dei Verbum” và “Lumen Gentium”. Dưới một khía cạnh nào đó, theo nghĩa là không thể bàn về Mạc Khải, Đức Kitô và Giáo hội theo phương pháp suy diễn như trước, nhưng phải dùng tới phương pháp riêng của thần học, dựa trên chính Lời Chúa. Tuy nhiên, người ta cũng nhận thấy rằng cần có một bộ môn dẫn nhập vào đức tin và thần học. Bộ môn đó gọi là “Thần học Căn bản”, nghiên cứu nền tảng của đức tin và thần học.

Sự ảnh hưởng của Công đồng Vaticano II đối với Thần học Căn bản là một bước tiến. Thay vì dùng phương pháp kinh viện khô khan, các nghị phụ đã chủ trương đi sát vào thời đại của thực tại hôm nay bằng phương pháp quy nạp hơn là diễn dịch. Bên cạnh đó, người ta không còn thấy những luận đề phi bác các học thuyết sai lạc như các công đồng trước đây. Sau Công đồng Vaticano II, các sách giáo khoa về thần học được viết lại không những tiếp nhận giáo lý mới, mà còn đẩy mạnh những đường hướng công đồng đã đề ra, mọi chủ đề được nghiên cứu dưới ánh sáng của Thánh Kinh, Giáo phụ, Lịch sử đạo lý.

Thần học tập chú nhiều hơn vào con người, đặc biệt là những khắc khoải, lo âu, nghèo đói, bất công,.. Trước Công đồng, thần học ưu tiên cho huấn quyền, có lẽ vì vậy mà có sự phản đối của Tin lành-vốn chủ trương lấy Kinh Thánh làm quy chuẩn cho đức tin. Trước Công đồng Vaticano II, thần học sử dụng những phạm trù và từ ngữ kinh viện, đặc biệt là của thánh Thomas Aquinas, sau đó thì mở rộng đến các khoa học nhân văn, tâm lý và xã hội.

Công đồng đã thành công mỹ mãn trong việc khai mở những dòng canh tân trong Giáo hội. Chỉ trong một ít năm, Công giáo đã trải qua những thay đổi nhanh chóng trong phụng vụ, trong sự hiểu biết về quyền bính và thừa tác vụ của Giáo hội, trong các cộng đoàn tu, trong đời sống giáo xứ thậm chí trong nền văn hóa riêng của mình. Đặc biệt, con đường đối thoại của Giáo hội với các tôn giáo khác có những bước tiến vượt bậc.

 Giuse Nguyễn Văn Thiện, K.11

Trích: Tập San Đức Tin & Văn Hóa, Số 1


[i] Thần Học Căn Bản (ĐCV. Vinh Thanh, 2009-2010), 48.

[ii] Lumen Gentium 14, trong Thánh Công Đồng Va-ti-ca-nô II (Đà Lạt: Phân Khoa Thần Học-Giáo Hoàng Học Viện Thánh Pio X, 1972), 169.

[iii] Lumen Gentium 32.

[iv] Dei Verbum, 21.

[v] Nostra Aetate, 2.

[vi] Ibid, 2

Nguồn tin: