Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu được giao phó trông coi một chị nữ tu lớn tuổi. Chị này nổi tiếng là khó tính trong nhà Dòng. Đến giờ ăn, Têrêsa phải dìu chị xuống nhà ăn. Một thiếu sót nhỏ cũng đủ để cho Têrêsa bị trách móc. Chị ấy bực bội, không bằng lòng, nhưng Têrêsa vẫn luôn tỏ ra vui tươi hồn nhiên và chịu đựng tất cả vì Thánh nữ yêu mến Chúa; và vì tình yêu Chúa, Thánh nữ yêu mến nữ tu đáng thương này.
Tình yêu đối với Thiên Chúa phải được tỏ hiện ra dấu hiệu bề ngoài là tình yêu đối với tha nhân. Và chúng ta không chỉ chứng tỏ tình yêu đối với tha nhân không phải chỉ bằng lời nói nhưng còn bằng hành động, bằng sự nhẫn nhịn, tha thứ và cảm thông.
Hôm nay Chúa Giê-su đã khẳng định cách rõ ràng rằng: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau”. (Ga 13, 35). Quả thật, Chúa Giê-su, là Ngôi Hai Thiên Chúa, đã xuống thế làm người giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi để cứu độ con người. Ngài hiện diện là Thiên Chúa hiện diện. Ngài là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa vô hình chúng ta không thể nhận biết, nhưng chúng ta gặp được Thiên Chúa hữu hình nơi Đức Giê-su Nhập Thể. Thiên Chúa là tình yêu được thể hiện rõ ngang qua lối sống yêu thương và nhân lành của Mục Tử Giê-su. Ngài hiện diện ở đâu là Ngài thi ân giáng phúc ở đó. Ngài đã không ngần ngại để ôm lấy các hoàn cảnh đau khổ, bệnh tật. Ngài sẵn sàng đến gần và chạm đến những mảnh đời đau khổ và những ai bị loại trừ. Ngài là hình ảnh yêu thương và bao dung của Thiên Chúa Tình Yêu. Ai thấy Thầy Giê-su là thấy Thiên Chúa. Vì Đức Giê-su ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Đức Giê-su. Dấu chỉ để nhận ra một Thiên Chúa Tình Yêu khi chúng ta đến gần để quan sát cũng như cảm nhận được vẻ đẹp của lòng quảng đại, yêu thương và tha thứ nơi Đức Giê-su, con người thật và Thiên Chúa thật.
Giờ đây, Đức Giê-su cũng muốn tất cả những ai bước theo Ngài cũng phải yêu như Ngài đã yêu, sống như Ngài đã sống. Quả thật, “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 9-17). Tình yêu không thể thấy được bằng màu, bằng mùi vị nhưng chúng ta sẽ nhận ra được nó qua các dấu chỉ. Chúng ta nhận ra được Đức Giê-su đã yêu thương chúng ta ngang qua các dấu chỉ. Ngài đã cúi mình xuống rửa chân cho các môn đệ, nghĩa cử của một Thiên Chúa khiêm nhường, yêu thương và phục vụ. Dấu chỉ này mời gọi các Tông đồ nói riêng và mọi Ki-tô hữu nói chung cũng phải noi gương bắt chước Ngài để yêu thương và phục vụ anh chị em đồng loại. Điều đặc biệt, dấu chỉ để nhận biết Đức Giê-su quá yêu thương nhân loại ngang qua việc Ngài đã lập Bí Tích Thánh Thể để ở lại và nuôi sống con người mỗi ngày cho đến tận thế. Hơn nữa, khi chúng ta chiêm ngắm Thánh Giá, (nhất là trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh), chúng ta nhận ra được dấu chỉ tình yêu tột độ của Đức Giê-su đó là “chết cho người mình yêu”. Thật vậy, Thánh Phêrô đã viết những lời thật ý nghĩa như sau: “Tất cả tội lỗi của chúng ta, Đức Giêsu đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (2 Pr 2,24). Ngài đã chết vì yêu thương chúng ta, ngay lúc ta còn là những người tội lỗi (Rm 5,8).
Vì vậy, nhìn vào hành động yêu thương của Đức Giê-su, chúng ta cũng cố gắng nỗ lực mỗi ngày để ước muốn của Đức Giê-su trở thành hiện thực: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau”. (Ga 13, 35). Yêu thương là dấu chỉ người ta nhận ra chúng ta là môn đệ, là người công giáo, là con cái của Đức Giê-su Ki-tô. Tuy nhiên, đã rất nhiều lần, tôi cũng đã nghe nói rằng ‘chúng con thích/tin Chúa Giê-su, thích/tin đạo Công Giáo lắm, nhưng chúng con không thích/tin người có đạo vì họ sống không giống Chúa Giê-su Cha ạ’. Là người Ki-tô hữu, mỗi ngày đều đến với Chúa để lắng nghe Lời Chúa và để đón nhận Mình Máu Chúa, tại sao thay vì yêu như Chúa đã yêu, sống như Chúa đã sống, chúng ta lại làm ngược lại, sống trái với Lời Chúa dạy khi bước về gia đình, bước ra chợ búa, đến với đồng ruộng, đến với công ty và đến với trường học?
Chúng ta được mời gọi trở nên Alter Christus, nghĩa là trở thành Chúa Giê-su thứ 2, là hình ảnh, là hoạ ảnh của Chúa Giê-su, là trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su trong mọi sự để qua lối sống yêu thương và bác ái, nhiều người sẽ nhận ra được hình ảnh của Chúa Giê-su hầu tin yêu phó thác vào Ngài. Ngược lại, đôi khi thay vì chúng ta được mời gọi trở nên giống Chúa Giê-su, là ‘Chúa Giê-su khác’, chúng ta lại sống ‘khác Chúa Giê-su’ thì làm sao chúng ta loan báo Tin mừng yêu thương và cứu độ cho anh chị em đồng loại, nhất là cho những anh chị em chưa cùng niềm tin với chúng ta? Quả thật, “Nếu ai nói tôi yêu mến Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn chúng ta đã nhận được từ Ngài: ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình.” (1Ga 4,20-21). Tôi đã, đang và sẽ sống như thế nào?
Hôm nay, Chúa Giê-su mong muốn hết sức có thể để tất cả những ai bước theo Ngài thì nên giống như Ngài, là yêu như Ngài đã yêu. Và điều mà người ta dễ nhận ra chúng ta là con cái của Chúa, là môn đệ của Chúa là qua dấu chỉ yêu thương nhau. Vì thế, để làm được điều đó cách hiệu quả, trước tiên, chúng ta hãy tìm gặp Chúa Giê-su nơi thánh lễ mỗi ngày để kín múc được tình yêu vi diệu từ Lời của Ngài và nhất là từ Mình và Máu châu báu của Ngài để từ đó, chúng ta có đủ sức mạnh tình yêu ngõ hầu sinh hoa kết trái nơi mọi nơi và mọi lúc. Nhờ lối sống thực hành yêu thương từ nguồn sung mãn tình yêu của Chúa, chúng ta đang trở nên những tông đồ truyền giáo, môn đệ truyền giáo nơi môi trường sống của chúng ta. Amen.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương