Trở Nên Mục Tử - Lời Mời Gọi Tất Cả Mọi Người

Thu,22/04/2021
Lượt xem: 1438

 Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

Hồi ấy, vua Đường Thái Tông, là hoàng đế đang thống lĩnh một vương quốc cường thịnh với nhiều nước chư hầu. Ông có một công chúa tài sắc vẹn toàn, đang đến tuổi cập kê. Do đó, nhiều vua chư hầu cứ ngấp nghé, muốn đến cầu hôn. Hoàng đế không biết chọn ai, mới nghĩ ra một cuộc thi tài. Trong cuộc thi này, hoàng đế đặt ra nhiều thách đố.

Một trong những thách đố đó là hoàng đế đem nhốt chung cùng một chuồng 100 con chiên mẹ và 100 con chiên con. Các người dự thi làm cách nào mau chóng phân biệt được chiên con nào thuộc về mẹ nào. Có một vị vua thông minh đã nghĩ ra một cách thật đơn giản ông bắt từng con chiên con ra giữa sân khi nó kêu, mẹ nó nghe tiếng sẽ tìm cách thoát ra đến với con, mẹ con gặp nhau vui sướng. Vị vua này đã thắng cuộc.

Chúng ta chắc chắn đã biết rõ tại sao chiên con lại tìm được chiên mẹ. Chiên mẹ biết tiếng của chiên con, chiên con biết hơi chiên mẹ, sữa chiên mẹ khiến chiên con nhận ra mẹ của mình. Trong ngày Chúa nhật IV Phục Sinh, Giáo hội mừng lễ Chúa Chiên Lành nhằm giới thiệu về Mục Tử Giê-su nhân lành như muốn mời gọi chúng ta noi gương bắt chước hình ảnh người Mục tử Giê-su cũng như cầu nguyện để có thêm nhiều mục tử nhân lành cho một thế giới đây đó đang tồn tại văn hoá sự chết và lối sống gian ác.

1/ Đức Giê-su, Mục tử nhân lành mẫu gương cho chúng ta.

Đọc Tin mừng Chúa nhật IV Phục Sinh hôm nay, chúng ta được Đức Giê-su tự giới thiệu: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10,11). Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể đã nhận mình là người Mục tử đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Trước khi trở thành Mục tử để chăm sóc đoàn chiên, là các ki-tô hữu, Đức Giê-su phải hiện diện với đoàn chiên qua việc nhập thể và nhập thế. Sự hiện diện như là cách thức đầu tiên để tiếp cận và gặp gỡ đoàn chiên. Người mục tử sẽ khó lòng để chăm sóc và dẫn dắt đoàn chiên nếu thiếu đi sự hiện diện bằng thể lý. Vì có hiện diện, có gặp gỡ mới dễ nhận biết nhau và nghe được tiếng của nhau. Chính vì thế, Chúa Giê-su mới nói: “Tôi chính là Mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”. (c.14). Làm sao biết được chiên nếu không hiện diện và gặp gỡ chiên một cách trực tiếp. Khi biết chiên và chiên biết mình, người mục tử dễ dàng dẫn dắt và chăm sóc. Khi mục tử và chiên thuộc về nhau thì dễ dàng nhận ra nhau và sống chết cho nhau chứ không như người làm thuê. Không biết chiên và chiên không biết mình thì chỉ là kẻ trộm hoặc là kẻ chăn thuê: “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên.” (c.12-13). Quả thật, hiểu biết nhau là cách thức cần thiết trong tương quan giữa người với người. Hiểu biết nhau là sẵn sàng cộng tác với nhau. Hiểu biết nhau là sẵn sàng trao ban cho nhau. Hiểu biết nhau là chấp nhận hy sinh cho nhau. Mục tử hiểu biết chiên của mình dễ dàng chăm sóc từng con một là vậy.

Mục tử Giê-su nhân lành không dừng lại ở việc hiện diện và hiểu biết đoàn chiên, Ngài còn để lại mẫu gương về đời sống quan tâm, chăm sóc và gần gũi với đoàn chiên. Giê-su luôn chủ động đi bước trước để đến với các con chiên tội lỗi và thu thuế. Nơi hình ảnh Gia-kêu, một người thu thuế và bị xem là kẻ tội lỗi, chính Mục tử Giê-su đã đích thân ngỏ lời trước để vào nhà Gia-kêu. “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19, 5). Một cử chỉ hết sức gần gũi và đầy lòng nhân ái của người Mục Tử Giê-su. Nhẹ nhàng và thân thiện là nét cần thiết cho người mục tử đối với những người tội lỗi. Bên cạnh đó, Mục tử Giê-su luôn luôn chạnh lòng thương đối với dân chúng. “…Đức Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ Người nói với các môn đệ rằng: ”Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,35-38). Hình ảnh Giê-su, Người Mục Tử nhân lành đã thể hiện rất rõ nơi lời giảng dạy và cung cách sống của Ngài.

Hơn nữa, Giê-su Ki-tô còn là Mục tử nhân lành dám hy sinh mạng sống của mình cho đoàn chiên. Điều này chính Ngài đã khẳng định: “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên…Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.”(c.11.14-15). Không chỉ hiện diện, hiểu biết chiên của mình, người Mục Tử Giê-su đã chấp nhận hy sinh mạng sống qua cái chết đau đớn trên Thánh Giá vì yêu thương nhân loại. Quả thật, yêu ai không chỉ hiện diện, hiểu biết, gặp gỡ nhưng chúng ta phải trao ban, ngay cả mạng sống mình cho người mình yêu.

Ngoài ra, Giê-su Mục tử nhân lành không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc đoàn chiên của mình, nhưng Ngài còn hướng đến những con chiên lạc, những con chiên ngoài chuồng, tức là những người ngoại. “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.”(c.16). Đức Giê-su đến trần gian không chỉ dành riêng cho dân riêng, cho những ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội nhưng Ngài đến để cứu độ toàn thể nhân loại. Ơn cứu độ của Chúa là ơn cứu độ phổ quát là vậy. Mọi người có thể được đón nhận ơn cứu độ nếu tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ duy nhất.

2/ Trở nên mục tử, lời mời gọi tất cả mọi người

Là những người đã được đón nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được mời gọi trở nên những ‘mục tử’ truyền giáo nơi môi trường sống hằng ngày. Như Mục Tử Giê-su nhân lành, chúng ta được mời gọi bước vào cuộc sống với biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ và đối thoại với đủ hạng người ở khắp mọi nơi. Để cuộc gặp gỡ và đối thoại trở nên hiệu quả và sinh ích, mỗi chúng ta đòi buộc gắn chặt với Giê-su hằng ngày trong từng giây phút để kín múc được sức mạnh và nguồn sống từ Ngài. Bài đọc I đã minh định rằng ơn cứu độ chỉ đến và xuất phát từ Đức Giê-su nhân lành:“…Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4,11-12). Nơi bài đọc II, Thánh Gioan Tông Đồ cũng nhắc nhở chúng ta như sau: “Anh em thân mến, anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa - mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” (1 Ga 3,1). Thật vậy, khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa và trở thành thụ tạo mới. Chúng ta được lãnh nhận 3 sứ vụ phổ quát là ngôn sứ, tư tế và vương đế, nên chúng ta có trách nhiệm trở nên ‘mục tử’ phổ quát cho anh chị em chung quanh. Như Mục tử Giê-su, chúng ta hãy ý thức sự hiện diện đầy yêu thương và dễ mến trong môi trường sống của chúng ta. Mục tử là người hiện diện với tha nhân. Hiện diện để trao ban. Hiện diện để đối thoại và gặp gỡ. Hiện diện để chúc bình an và niềm vui. Hiện diện để chữa lành và trấn an. Như thế, nơi linh mục, mục tử hiện diện đối với đoàn chiên nơi các cộng đoàn giáo xứ, giáo họ; nơi Bố mẹ, là mục tử hiện diện với con cái trong gia đình; nơi thầy cô giáo là mục tử hiện diện với học sinh nơi trường lớp; nơi giám đốc hay quản lý là mục tử hiện diện với nhân viên nơi công xướng; nơi Giám mục, mục tử hiện diện với giáo phận; nơi Giáo hoàng, mục tử hiện diện với Giáo hội,…

Mặt khác, giữa môi trường đầy dẫy những sự vô cảm, vô tâm, ki-tô hữu được mời gọi hãy trở nên những mục tử hiểu biết, gần gũi, quan tâm và chăm sóc ‘chiên’, là tha nhân. Nhờ đó, những ‘con chiên’, nhất là chiên lạc, chiên đau khổ, chiên bệnh tật, chiên tội lỗi, chiên khô khan, được đón nhận, gặp gỡ và ủi an. Như Mục Tử Giê-su nhân lành, vì yêu thương, chúng ta, những mục tử cũng chấp nhận hy sinh bản thân mình để phục vụ và trao ban cho ‘chiên’ trong gia đình, nơi trường học, nơi chợ búa, nơi bệnh viện, nơi đồng áng, nơi công ty,…Đặc biệt, như Đức Giê-su, Mục tử nhân lành đã đi tìm những con chiên chưa thuộc đàn, thì chúng ta, những mục tử của Ngài, cũng cố gắng ra đi dấn thân đến với những anh chị em chưa nhận biết Chúa để gặp gỡ, tiếp cận và loan báo Tin mừng.

Tóm lại, trong ngày lễ Chúa Chiên Lành, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc cầu nguyện cho ơn gọi thiên triệu, ơn gọi linh mục trên toàn thế giới, mà còn được mời gọi học nơi gương bắt chước Giê-su, Mục Tử nhân lành để trở nên những ‘mục tử’ truyền giáo trong bổn phận mọi nơi mọi lúc cho mọi người. Xin Chúa Phục Sinh đồng hành và ban ơn bình an để mỗi chúng ta sống xứng đáng là con cái của Chúa hầu trở nên những chứng tá Tin mừng cho mọi anh chị em chung quanh. Amen.

 

Nguồn tin:
Tags :