Thánh Thể, Nguồn Sức Mạnh Cho Chúng Ta

Fri,06/08/2021
Lượt xem: 1496

CHÚA NHẬT XIX MÙA THƯỜNG NIÊN

1V 19,4-8; Ep 4,30-5,2; Ga 6,41-51

Thánh Thể, Nguồn Sức Mạnh Cho Chúng Ta

 

Trích trong Muối Cho Đời - Suy niệm Lời Chúa năm B 

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần trải qua kinh nghiệm về mỏi mệt, thất vọng và chán đời vì một lý do nào đó xảy ra trong cuộc sống mình, như thất nghiệp, thất tình, thất bại trong làm ăn, hay vì xung khắc với ai đó. Những lúc như thế, chúng ta muốn bỏ cuộc, đầu hàng và đôi khi không còn muốn sống nữa. Kinh nghiệm đó được Lời Chúa hôm nay đề cập đến, đồng thời giúp chúng ta tìm thấy sức mạnh, động lực mới đề tiếp tục sống qua nhân vật Êlia và Chúa Giêsu hôm nay.

1. Nỗi thất vọng của Êlia

Tiên tri Êlia, trong bài đọc I, cũng đã rơi vào tình cảnh thất vọng, chán đời. Ông được Chúa sai đi làm tiên tri, ông mạnh mẽ lên án tội thờ ngẫu tượng của hoàng hậu Ideven. Ông đã mạnh tay giết chết các sư sãi, nên ông bị truy nã gắt gao. Ông phải chạy trốn vào sa mạc đầy khó khăn và bất trắc, ông chán nãn và kêu trách Thiên Chúa: “Lạy Chúa, đủ rồi, xin Chúa hãy lấy mạng con đi.” Ông cảm thấy quá mệt nên thiếp đi và Thiên Chúa sai một thiên thần đến đụng vào ông và nói: “Dậy mà ăn.” Ông tnh dậy, thấy một chiếc bánh và một hũ nước. Sau khi ăn xong, ông thấy vẫn còn mệt, ông lại thiếp đi, thiên sứ đụng vào ông lần nữa và nói: “Dậy mà ăn vì ngươi còn phải đi đường xa” (1 V 19,4-8). Ăn xong ông được bổ sức và ông đi 40 đêm ngày tới núi Khôrép, Núi Thánh của Thiên Chúa.

Quả thế, hình ảnh tiên tri Êlia là hình ảnh thân phận làm người của chúng ta. Hành trình của Êlia cũng là hành trình của mỗi người Kitô hữu trên trần thế. Cuộc đời này có bao nhiêu nước mắt, đau khổ, khó khăn, thử thách, nhiều lúc làm cho chúng ta phải chán nản, thất vọng và muốn bỏ cuộc.

Tuy nhiên, Thiên Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm và đừng buông xuôi bỏ cuộc! Bởi vì, Thiên Chúa vẫn luôn ở bên chúng ta. Những ai tin vào Người thì không bao giờ cô đơn trong giây phút khó khăn thử thách (x. Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI). Thiên Chúa không để chúng ta phải chịu khốn khó một mình trong những lúc gian truân thử thách.

2. Quà tặng và sức mạnh Thánh Thể

Nếu Êlia là hình ảnh cuộc đời của mỗi người chúng ta, thì “bánh và nước” mà thiên sứ mang đến cho ông là hình ảnh về bí tích Thánh Thể. Trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu nói rằng:

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51).

Khi Chúa Giêsu nói rằng: “Tôi là Bánh từ trời xuống,” rồi Người thêm: “Bánh Ta sẽ ban chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống.” Mạc khải này đã tạo nên một cú sốc mạnh đối với người Do Thái. Bởi vì, họ biết rõ Chúa Giêsu là ai, là con ông Giuse và bà Maria. Và đối với họ, ăn thịt và uống máu là điều ô uế. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không ngần ngại mạc khải điều đó. Thánh Gioan đã tinh tế ghi lại mạc khải này để nói về căn tính của Chúa Giêsu, Người không chỉ là một người bình thường mà chính là Con Thiên Chúa. Người được Chúa Cha sai Người xuống trần gian làm Đấng Cứu Độ của nhân loại. Chỉ mình Người mới có thể mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa là Cha. Và ai tin vào Người thì có sự sống đời đời.

Như thế, Chúa Giêsu tự giới thiệu mình là Bánh bởi trời, là món quà quý giá nhất mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Thần học gia người Đức, Karl Rahner, trong cuốn sách của ông (Corso fondamentale sulla fede), nói rằng: “Nơi Thiên Chúa, Người tặng và Quà tặng thì giống nhau. Thiên Chúa không ban một cái gì, một vật gì, mà ban chính mình cho chúng ta. Chính nhờ quà tặng là chính Thiên Chúa, chúng ta mới có thể đón nhận sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta.

Quả thế, nơi bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa thông ban chính mình và sự sống của Ba Ngôi cho chúng ta. Bởi lẽ, nơi Thánh Thể không chỉ có sự hiện diện của Chúa Kitô, nhưng còn có sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi hiện diện ở đó, bởi vì Ba Ngôi kết hiệp mật thiết và khăng khít với nhau luôn mãi. Sự hiệp nhất bản thể đó làm cho Ba Ngôi trở nên một với nhau. Nếu chúng ta đón nhận Thánh Thể, chúng ta sẽ được kết hợp với đời sống của Ba Ngôi. Chính vì thế, Chúa Giêsu nói: Ai ăn bánh này thì được sống đời đời, sự sống Thiên Chúa. Đó là mầu nhiệm đức tin, mầu nhiệm đưa chúng ta vào trong sự vĩnh cửu và vô biên của Thiên Chúa.

3. Cùng dâng lễ

Trong ý nghĩa đó, Giáo Hội đã ý thức rằng Thánh Thể là trung tâm điểm và là nguồn sống của đời sống Kitô hữu (Công Đồng Vaticanô II). Bởi thế, ngày Chúa Nhật là phải ngày cao điểm trong tuần sống của người Kitô hữu. Chúng ta được mời gọi đến nhà thờ, tham dự thánh lễ và hiệp lễ. Vì bí tích Thánh Thể là quà tặng vô giá mà Chúa ban cho chúng ta trên hành trình dương thế này. Mỗi ngày, nhất là mỗi Chúa Nhật, chúng ta hãy đến với Thánh Thể, là nguồn mạch sức mạnh cho chúng ta. Khi đến nhà thờ, chúng ta hãy mang tất cả những cố gắng, khó nhọc, niềm vui, nỗi buồn trong một tuần sống và dâng lên cho Chúa, cùng với bánh rượu tượng trưng cho lao công con người, để trở thành nguồn ơn cứu độ cho thế giới và cho mỗi chúng ta.

Nếu đến với Chúa với ý thức và tinh thần đó, chúng ta sẽ đón nhận được nhiều phúc lành và sự nâng đỡ lớn lao từ bí tích Thánh Thể như Chúa đã hứa với chúng ta. Amen!

Nguồn tin: