Thánh Thần Hiệp Nhất Sự Khác Biệt

Thu,25/05/2023
Lượt xem: 985

THÁNH THẦN HIỆP NHẤT SỰ KHÁC BIỆT

(Cv 2,1-11; 1Cor 12,3b-7.12-13’ Ga 20,19-23)

Hôm nay khép lại Mùa phục sinh, năm mươi ngày, kể từ Sự phục sinh của  Chúa Giêsu đến Lễ Ngũ Tuần được đánh dấu bằng một cách thức đặc biệt bởi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Chính Người là Ân huệ phục sinh trổi vượt. Là Đấng sáng tạo, Người luôn thực hiện những điều mới mẻ. Có hai thứ mới mẻ mà các Bài đọc hôm nay giới thiệu cho chúng ta: Bài đọc thứ nhất, cho thấy Thánh Thần làm cho các môn đệ trở nên một dân mới; trong Tin mừng, Người làm tạo nên những quả tim mới cho các môn đệ.

1.    Một dân mới: duy nhất trong sự khác biệt

Một dân mới: Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần từ trời ngự xuống, “như hình lưỡi lửa, tản ra và đậu trên từng người một” (…), và ai nấy được đầy tràn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau” (Cv 2,3-4). Như vậy, Lời Chúa diễn tả hành động của Thánh Thần, trước tiên là đậu xuống từng người và sau đó đặt tất cả mọi người trong việc thông tri. Mỗi người được ban cho một ân huệ và tất cả hợp nên một. Nói cách khác, cùng một Thần Khí làm nên sự đa dạngduy nhất, và trong cách thức này, Người nắn nên một dân mới đa dạng và kết hợp: Giáo hội hoàn vũ. Trước hết, với sức tưởng tượng và không thể đoán định, Người tạo ra sự khác biệt; trong mỗi giai đoạn, Ngài làm nở hoa các đặc sủng mới và khác nhau; sau đó, chính Người thực hiện sự hiệp nhất: nối kết, quy tập, tái tạo sự hòa hợp: “Với sự hiện diện và hoạt động của Thánh Thần đã hiệp nhất tinh thần giữa những người bị phân mảnh” (Cirillo thành Alessandria, chú giải về Tin mừng Gioan, XI, 11). Như vậy, Người làm cho chúng ta hiệp nhất đích thực, sự hiệp nhất theo Thiên Chúa, chứ không phải là sự đồng bộ. Đó là sự hiệp nhất trong sự khác biệt mà thánh Phaolô khẳng định trong bài đọc thứ hai:

Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung….  Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người (1 Cr 12,4-7.11).

Thực hiện tốt việc hiệp nhất này giúp chúng ta tránh hai thứ cám dỗ quanh quẩn bên chúng ta: thứ nhất là cám dỗ tìm kiếm sự khác biệt vắng bóng sự hiệp nhất. Nó xảy ra khi chúng ta muốn phân biệt, khi người ta hình thành các liên minh, phe nhóm; khi người ta cứng nhắc trong quan điểm loại trừ; khi người ta khép kín trong chủ nghĩa ái kỷ, thậm chí coi mình là tốt nhất và luôn luôn đúng. Họ được gọi là “những người canh chừng chân lý”. Người ta chọn một bộ phận chứ không phải tất cả, thuộc về điều này, điều kia trước khi thuộc về Giáo Hội, người ta thuộc về “fan” của một bộ phận thay vì anh chị em trong chính Thần Khí, họ là những kitô hữu “cánh hữu hoặc cánh tả” trước khi thuộc về Giêsu. Họ là những người canh giữ cách cứng nhắc quá khứ hoặc những kẻ cấp tiến của tương lai trước khi là những đứa con khiêm tốn và biết ơn của Giáo hội. Vì thế, có sự khác biệt mà không có hiệp nhất. Ngược lại, cơn cám dỗ khác lại đi tìm kiếm sự duy nhất không có sự khác biệt. Trong cơn cám dỗ này, sự hiệp nhất trở thành một thứ đồng phục, buộc phải làm mọi thứ với nhau và như nhau, luôn suy nghĩ theo một cách thức. Vì vậy, sự hiệp nhất cuối cùng chỉ để được công nhận, và không có tự do. Nhưng, như Thánh Phaolô nói: “Đâu có Thần Khí của Thiên Chúa, đó có tự do” (2 Cr 3,17), nhưng chủ trương hiệp nhất theo kiểu đồng phục không có sự tự do đích thực.

Lời cầu nguyện của chúng ta lên Chúa Thánh Thần là để xin ơn đón nhận sự hiệp nhất của Người, một hướng nhìn bao quát và yêu thương với những khác biệt của mỗi cá vị trong Giáo hội của Thánh Thần, Giáo hội của chúng ta. Để kiến tạo chất lượng của sự hiệp nhất giữa tất cả, để xóa bỏ những thứ nhảm nhí vốn gieo rắc mối bất hòa, ghen tỵ đang đầu độc, chúng ta phải trở thành những người nam, người nữ của Giáo hội, nghĩa là những con người của sự hiệp thông; cũng đòi hỏi chúng ta phải có một con tim biết cảm thức về Giáo hội của chúng ta, về nhà của chúng ta, một ngôi nhà ấm cúng và rộng mở, nơi người ta sẻ chia niềm vui đa dạng của Thần Khí.

2.      Một quả tim mới: sự tha thứ

Chúng ta đi tới điều mới mẻ thứ hai: một quả tim mới. Chúa Giêsu Phục sinh, lần đầu tiên xuất hiện với các môn đệ đã nói: “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần, anh em tha tội ai, người ấy sẽ được tha thứ” (Gv 20,22-23). Chúa Giêsu không kết án các môn đệ, những kẻ đã bỏ rơi và chối từ Người trong cuộc Thương khó, nhưng Người lại ban cho họ Thần khí của sự tha thứ. Thánh Thần là quà tặng của Đấng phục sinh, trước tiên được ban tặng để tha thứ tội lỗi. Đây là khởi đầu của Giáo hội, là sự gắn kết chúng ta với nhau, là sự kết dính những viên gạch của tòa nhà: sự tha thứ. Tha thứ là một ân huệ quyền năng biết bao, là tình yêu lớn lao, duy trì sự hiệp nhất bất chấp mọi thứ, nó ngăn chặn sự sụp đổ, nó củng cố và tăng cường sự hiệp nhất. Sự tha thứ giải phóng con tim và cho phép khởi đầu lại: sự tha thứ trao ban niềm hy vọng, không có tha thứ không có việc xây đắp Giáo hội.

Thần khí của sự tha thứ giải quyết mọi thứ trong sự hòa hợp, thúc đẩy chúng ta loại bỏ những cách thức khác: kiểu cách vội vàng của kẻ kết án; không đi ra của kẻ khép kín mọi cánh cửa; lối cảm nhận duy nhất của kẻ phê phán người khác. Ngược lại Thánh Thần khuyên nhủ chúng ta tiến bước trên con đường hai chiều của sự tha thứ được đón nhận và sự tha thứ được trao ban, con đường của lòng thương xót Chúa để yêu thương người thân cận, con đường của đức ái như là “tiêu chuẩn duy nhất theo đó tất cả phải làm hoặc không được làm, được biến đổi hoặc không được biến đổi” (Isacco della Stella, Discorso 31). Chúng ta nài xin ân sủng để luôn làm xinh đẹp hơn khuôn mặt của Mẹ Giáo hội chúng ta, làm mới chúng ta bằng sự tha thứ và sửa đổi chính chúng ta. Chỉ có thế, chúng ta có thể sửa lỗi người khác trong đức ái.

Chúng ta nài xin Thánh Thần đốt lửa tình mến trong cung lòng Giáo hội và trong mỗi chúng ta để thanh tẩy tội lỗi và làm cho chúng ta thành những con người mới: “Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, Ngài ở trong tâm hồn chúng con và trong trái tim của Hội thánh, Ngài đưa Giáo hội tiền về phía trước, nhào nắn Giáo hội trong sự khác biệt, xin hãy đến. Để sống, chúng con cần đến Ngài như nước: xin hãy đến trên mỗi chúng con và dạy chúng con sự hiệp nhất, xin đổi mới cõi lòng chúng con và dạy chúng con yêu mến như Ngài yêu chúng con, để biết tha thứ như Ngài tha thứ cho chúng con. Amen.

Lm. Hoa Thập Tự 

Nguồn tin:
Tags :