Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Phục Sinh

Tue,23/04/2019
Lượt xem: 2095

Trong ba ngày qua, chúng ta tưởng niệm cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu. Chúa đã chết thật và được mai táng trong mồ. Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng đại lễ Chúa Kitô phục sinh. Đó là một biến cố gây ngạc nhiên, một sự kiện có một không hai trong lịch sử nhân loại và là nền tảng niềm tin của Kitô giáo.

Chúa Đã Phục Sinh

Cv 10,34a. 37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
 
Bởi thế, thánh Phaolô đã xác tín: “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả Đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15, 14).
Niềm tin của chúng ta căn bản là tin vào Đấng Phục Sinh và chúng ta đặt hy vọng vào Thiên Chúa Hằng Sống (1 Tm 4,10). Thánh Augustinô nói rằng: “Lòng tin của Kitô hữu là sự phục sinh của Chúa Kitô. Khi tin Chúa Kitô đã chết thì không có gì là khó khăn cả, kẻ ngoại đạo cũng tin như vậy, và tất cả mọi người cũng đều tin như vậy. Nhưng điều cao cả hơn hết là tin Chúa Kitô đã sống lại thật.”
Nhưng tin vào Chúa sống lại không phải là một việc dễ dàng, vì chúng ta vẫn thường nghi ngờ làm sao có chuyện người chết sống lại? Vậy đâu là bằng chứng và nền tảng của niềm tin vào Chúa Kitô đã phục sinh?
Để trả lời câu hỏi này, Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta chứng cớ lịch sử về biến cố sống lại của Chúa Kitô. Theo đó, biến cố này đã thực sự xẩy ra trong lịch sử, được nhiều người làm chứng. Những sự kiện sau đây có thể chứng minh sự sống lại của Chúa là có thật:
 
1- Trước hết, Chúa Giêsu đã chết thật
Bốn Phúc Âm đều kể lại vụ án và cái chết của Chúa xảy ra ngoài thành Giêrusalem là có thật. Chúa đã chết cùng với hai tội nhân và được mai táng trong mồ. Sử gia ngoại giáo Giusepus cũng nói đến cái chết của ông Giêsu trong cuốn sử của mình. Chúa Giêsu đã bị kết án trên thập giá và vào lúc ba giờ chiều ngày thứ Sáu, Người đã tắt thở trước sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có Đức Maria, thánh Gioan, thánh Mađalêna và người Do Thái. Nếu Chúa không chết thì làm sao có chuyện phục sinh.
 
2- Sự cứng lòng tin của các Tông Đồ
Các Tông Đồ là những người bình dân ít học, những người đánh cá đã theo Chúa. Khi thấy Chúa bị bắt và đem đi giết, rồi nhìn thấy Chúa chết trên Thánh Giá, các ông nghĩ rằng mọi sự đã kết thúc và ai nấy bỏ cuộc, trở về nhà mình. Lúc đầu các ông không hề chờ đợi một sự sống lại, họ không thể tin điều đó có thể xảy ra! Khi Chúa sống lại, họ chưa sẵn sàng để tin, Chúa Giêsu phải trách móc họ: “Ôi những kẻ kém lòng tin!” Họ chính là những người lúc đầu nghĩ rằng họ đã bị Chúa lừa gạt. Sau những lần gặp gỡ Đấng Phục Sinh hiện ra, tiếp xúc với họ, các ông mới tin. Quả thế, nếu Chúa không sống lại thì làm sao họ có thể dám chịu bách hại và chết vì Chúa? Họ được lợi lộc gì khi phải chịu hy sinh như vậy?
 
3- Ngôi mộ trống
Chúa Giêsu được chôn trong một ngôi mộ và việc Chúa chỗi dậy và ra khỏi mồ cũng là một bằng chứng về sự sống lại của Người. Tin Mừng Luca kể các phụ nữ ra mộ Chúa. Các bà hoảng sợ vì không còn thấy xác Chúa mà chỉ thấy một người thanh niên ngồi bên phải nói rằng: Người đã chỗi dậy rồi, Người không còn ở đây nữa (Lc 16,6).
 
4- Các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh
Cuối cùng, các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh là bằng chứng hùng hồn nhất về việc Chúa đã sống lại. Chúa hiện ra với các phụ nữ, với hai môn đệ trên đường Emmaus. Sau đó Người hiện ra với các Tông Đồ và nhiều người khác. Vì nghi ngờ, Chúa cho ông Tôma xem các dấu đinh và cạnh sườn Người, nhờ đó, ông đã tin.
Chứng tá xưa nhất về sự sống lại của Chúa Kitô là lời chứng của thánh Phaolô: “Tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng và ngày thứ ba đã sống lại, đúng như lời Kinh Thánh, Người đã hiện ra với ông Kê Pha rồi với nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số đó, phần đông hôm nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người cũng hiện ra với ông Giacôbê rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1 Cr 15,3-8). Những lời này được viết ra vào năm 56 hay 57 sau CN. Vì Phaolô đã gặp Đấng Phục Sinh trên đường đi Đamát trong khi bắt bớ Giáo Hội vào khoảng năm 35 sau CN, nghĩa là khoảng 5 năm sau khi Chúa Kitô chết. Vì thế, đó là một chứng nhân lịch sử rất có giá trị.
Những cuộc hiện ra này chứng minh những điều mới mẻ về Chúa Kitô Phục Sinh. Khi hiện ra, không phải ai cũng có thể thấy Chúa được nhưng chỉ những người Chúa cho thấy, mới thấy Chúa được mà thôi. Bởi vì, thân xác Chúa hoàn toàn khác biệt so với khi trước. Chúa không còn lệ thuộc vào những định luật vật chất. Đấng Phục Sinh có thể đi vào trong nhà mà cửa vẫn đóng kín; Người hiện ra và biến đi theo cách thức hoàn toàn mới mẻ mà con người không thể nắm giữ.
Đây là những bằng chứng lịch sử về sự sống lại của Chúa Kitô. Tuy nhiên, biến cố Chúa phục sinh phải được đón nhận bằng đức tin. Bởi vì, lý trí loài người không thể lý giải được tại sao. Cho nên, chúng ta cần phải có đức tin để hiểu biết và đón nhận biến cố quan trọng này. Tin để hiểu và hiểu để tin là như thế.
 
Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin ban cho chúng ta một đức tin mạnh mẽ và vững vàng để chúng ta sống và làm chứng niềm tin Chúa phục sinh cho con người hôm nay. Amen!
 
Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Hương
Nguồn tin: http://nguoinguphu.blogspot.com