Suy Niệm Chúa Nhật XXXI Mùa Thường Niên - Năm B

Fri,29/10/2021
Lượt xem: 1315

CHÚA NHẬT XXXI MÙA THƯỜNG NIÊN  

  Đnl 6,2-6; Hr 7,23-28; Mc 12,28b-34

 

 

Trích trong Muối Cho Đời - Suy niệm Lời Chúa năm B 

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

 

Suy niệm 1 – Tình yêu, cốt lõi của Kitô giáo

Trong luật Môsê, có 613 điều luật, trong đó, có 248 điều buộc làm và có 365 điều cấm làm. Giữa một “rừng luật” như thế, nhiều lúc người ta không biết điều răn nào là quan trọng nhất. Đây là lý do tại sao người thông luật đến hỏi Chúa Giêsu: “Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?”

Để hiểu được bối cảnh bài Tin Mừng, trước hết chúng ta cần biết rằng vào thời Chúa Giêsu, trong Do Thái giáo, có hai khuynh hướng đối nghịch nhau. Một khuynh hướng muốn nhân rộng các khoản luật và quy định tỉ mỉ mọi chi tiết của đời sống. Một khuynh hướng khác lại muốn rút ra từ “đống luật” những điều chính yếu và quan trọng mà Thiên Chúa muốn hơn là quá chú trọng đến các chi tiết luật và điều thứ yếu. Người thông luật này thuộc khuynh hướng thứ hai.

Chúa Giêsu dùng cơ hội này để cống hiến một sự mới mẻ khi tóm tắt mọi lề luật vào trong hai giới răn: “Mến Chúa, yêu người, như là cốt lõi của lề luật.”

1. Mến Chúa, giới răn quan trọng nhất

Trước hết, Chúa Giêsu trả lời câu hỏi của người thông luật:

“Nghe đây, hỡi Ítraen, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12,29-30).

Đối với người Do Thái, câu trả lời này không có gì là xa lạ, bởi lẽ, họ đã học thuộc lòng từ nhỏ những lời này trong sách Đệ Nhị Luật mà bài đọc I trích dẫn nói về giới răn này:

“Nghe đây, hỡi Ítraen! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4 -5).

Ở đây, Chúa Giêsu vừa kế thừa vừa kiện toàn luật Cựu Ước khi nhắc lại điều quan trọng và chính yếu của lề luật.

Vậy thì “ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” có nghĩa là gì?

Trong Mátthêu, từ “hết” được lặp lại ba lần, còn trong Máccô, từ “hết” được lặp lại bốn lần để nhấn mạnh rằng con người phải yêu mến Thiên Chúa với toàn bộ và trọn vẹn con người mình. Nghĩa là việc yêu mến Thiên Chúa đòi hỏi một sự dấn thân toàn bộ và trọn vẹn con người: cả con tim, tâm hồn, lý trí và cả thể lý chúng ta. Đây là giới răn quan trọng nhất. Điều này có nghĩa là Thiên Chúa phải ở chỗ quan trọng nhất, vị trí số một trong cuộc đời tôi. Vì thế, mọi chọn lựa, suy nghĩ, tâm tư tình cảm và hành động của tôi phải được chi phối bởi trật tự và hệ giá trị này.

Như thế, Chúa Giêsu muốn thiết lập lại tương quan nền tảng thứ nhất của con người với Thiên Chúa. Theo đó, con người hiện hữu nhờ Thiên Chúa. Con người được tạo dựng để yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa. Con người chỉ tìm được ý nghĩa và hạnh phúc cuộc sống khi kết hợp và yêu mến Người. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu gọi đó là điều răn quan trọng nhất.

2. Yêu người, giới răn thứ hai

Kitô giáo không phải là một tôn giáo “duy thiên” hay “duy linh” nhưng là một tôn giáo nhập thể và nhập thế. Con người không chỉ có tương quan chiều dọc với Thiên Chúa, nhưng còn có tương quan chiều ngang với tha nhân. Con người sống là sống bởi, sống với, sống vì tha nhân.

Chúa Giêsu tóm tắt đạo lý này trong giới răn thứ hai:

“Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác trọng hơn các điều răn đó” (Mc 12,31).

Đây chính là sự mới mẻ mà Chúa Giêsu mang đến. Người tóm tắt toàn bộ lề luật vào trong hai giới răn. Người liên kết giới răn thứ nhất với giới răn thứ hai lại với nhau. Theo Chúa, người ta không thể đối lập Thiên Chúa với con người, cũng không thể đối lập con người với Thiên Chúa. Không có sự mâu thuẫn giữa hai tình yêu. Yêu mến Thiên Chúa thì phải yêu thương tha nhân. Yêu thương tha nhân là bằng chứng về lòng yêu mến Thiên Chúa, và hơn thế nữa, yêu thương tha nhân là yêu mến Thiên Chúa (x. Mt 25,45; 1 Ga 4,20).

Nhưng chúng ta cần phải phân tích giới răn thứ hai với cụm từ “yêu người thân cận như chính mình.” Ở đây, chúng ta để ý cụm từ “như chính mình” là tiêu chuẩn đo lường cho tình yêu đối với tha nhân. Theo tiêu chuẩn này, nơi khác Chúa Giêsu nói: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12). Bởi lẽ, ai cũng mong muốn và làm điều tốt cho mình; không ai làm những điều xấu cho mình (trừ người điên)… Chẳng hạn, không ai trong chúng ta lại muốn mình đau khổ và thất bại, nhưng ai cũng muốn mình được bình an, thành công và hạnh phúc; ai cũng muốn được người khác tôn trọng, công bằng và quý mến mình. Từ đó, chúng ta hãy làm cho người khác những điều mà mình mong muốn người ta làm cho mình.

Như vậy, yêu mến Thiên Chúa hướng chúng ta tới việc yêu mến tha nhân như chính mình và ai yêu thương là chu toàn lề luật.

3. Những mẫu gương mến Chúa yêu người

Tuy nhiên, mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như chính mình là rất khó khăn. Để thực thi điều đó, chúng ta cần ơn Chúa giúp. Vì với ơn Chúa giúp, mọi sự đều có thể. Chúng ta còn phải cố gắng không ngừng để vượt lên những rào cản của tính ích kỷ, kiêu ngạo và quy ngã. Vì thế, nhiều lúc chúng ta cảm thấy mến Chúa thì dễ hơn yêu người; nhiều lúc mến Chúa và yêu người là điều không thể!

Chúng ta tìm thấy những mẫu gương sáng chói soi sáng giúp chúng ta sống. Xin kể ra đây một số gương mặt nổi bật.

Trước hết, phải kể đến mẫu gương Chúa Giêsu. Người đã sống trọn lý tưởng mến Chúa và yêu người một cách hoàn hảo. Người hoàn toàn vâng phục Chúa Cha và đã hiến thân chịu chết vì loài người. Người không chỉ yêu những kẻ yêu thương mình, mà còn yêu thương cả những kẻ thù địch với mình.

Thứ đến là mẫu gương của cha Maximilianô Maria Kolbe, ngài là một tu sĩ dòng Phanxicô, người Ba Lan. Ngài bị bắt và bị nhốt ở trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc Xã. Cuối tháng 7 năm 1941, có ba tù nhân trốn khỏi trại, khiến phó chỉ huy trại bắt 10 người đàn ông phải chết thay bằng cách bỏ đói trong hầm ngầm để răn đe việc trốn trại. Một trong những người bị chọn có Franciszek Gajowniczek, anh này kêu lên: “Tôi còn vợ tôi! con tôi nữa!” Kolbe động lòng thương và tình nguyện chết thay cho anh này. Nghĩa cử đó thể hiện cách tuyệt hảo về lòng mến Chúa và yêu người.

Mẫu gương cuối cùng có thể kể ra đây đó là Mẹ Têrêxa Calcutta. Mẹ là một nữ tu người gốc Albani, nhưng vì được thúc đẩy bởi tình yêu Chúa và lý tưởng phục vụ tha nhân, Mẹ đã sang Ấn Độ để hiến trọn cuộc đời phục vụ người nghèo, đặc biệt người bất hạnh nhất. Mẹ đã lập dòng Thừa Sai Bác Ái để cùng với các nữ tu chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối ở Ấn Độ và nay khắp nơi trên thế giới đều có sự hiện diện của Hội Dòng này. Sứ mạng của Mẹ và Hội Dòng là phục vụ Chúa trong người nghèo. Mẹ đã được cả thế giới biết đến với lòng kính trọng như là biểu tượng của lòng bác ái Kitô giáo đương thời. Mẹ đã sống trọn vẹn hai giới răn mến Chúa và yêu người cách tuyệt hảo noi gương Chúa Giêsu.

Và trong lịch sử Giáo Hội, có rất nhiều vị thánh khác, nhiều con người và các tổ chức, dòng tu đã dấn thân phục vụ con người theo tinh thần Phúc Âm. Đó chính là những mẫu gương sáng chói của việc thực thi giới răn mến Chúa yêu người.

Noi gương các ngài, chúng ta được mời gọi sống triệt để hơn hai giới răn quan trọng này trong đời sống hằng ngày, là mến Chúa và yêu người. Nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận, thì đó là bằng chứng chúng ta đang sống theo giáo huấn Chúa Giêsu. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta chỉ chọn một trong hai, hoặc đối lập chúng, thì chúng ta đã quên điều chính yếu mà Chúa Giêsu hôm nay dạy và liên kết, vì mến Chúa và yêu người là cốt lõi của Đạo chúng ta. Amen!

 

Suy niệm 2 – Yêu Chúa hết lòng, yêu người hết tình

Trong bộ luật của Do Thái Giáo, có đến 613 khoản luật, trong đó, có 365 khoản cấm làm và 248 khoản buộc phải làm, và còn nhiều giải thích, cắt nghĩa theo các truyền thống của cha ông họ. Nhiều đến nỗi ngay cả những người Biệt Phái và thậm chí cả mấy ông tiến sĩ luật cũng còn lúng ta lúng túng không biết đâu là điều chính, đâu là điều phụ. Do đó, câu hỏi của một thầy thông luật đặt ra cho Chúa Giêsu thật là có lý, mặc dù nhóm của ông chỉ muốn “nắn gân” Chúa Giêsu mà thôi: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu” (Mc 12,28).

Không một chút ấp úng, Chúa Giêsu trả lời cho ông:

“Điều răn đứng hàng đầu là: nghe đây hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12 29-31).

Vấn đề ở đây là Chúa Giêsu có đưa ra một giới răn mới nào không? Không. Chúa Giêsu không đưa ra một giới răn mới nào. Nội dung hai giới răn này đều đã được ghi chép trong Cựu Ước (x. Lv 19,18). Hơn nữa, giới răn thứ nhất mà Chúa Giêsu nói ở đây cũng chính là nội dung cốt lõi của lời kinh Shema, mà bất cứ người Do Thái nào cũng phải thuộc lòng và phải đọc mỗi ngày (x. Đnl 6,5). Song điểm mới ở chỗ là hai giới răn này hôm nay đã được Chúa Giêsu nối kết làm một với nhau đến độ dường như không thể tách rời được. Yêu mến tha nhân cũng khẩn thiết như yêu mến Thiên Chúa vậy! Thế nhưng tại sao ta phải yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em?

1. Tại sao ta phải yêu mến Thiên Chúa?

Phải yêu mến Thiên Chúa, vì Người đã yêu thương ta từ trước vô cùng, nên đã tạo dựng, thánh hóa, và cho ta được phúc làm con cái Người. Thiên Chúa đã yêu thương ta đến nỗi sẵn sàng ban Con Một là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình để thanh tẩy, hòa giải và làm cho chúng ta được thông phần sự sống thần linh của Người… Bởi đó, Chúa muốn chúng ta phải dành cho Người một tình yêu trọn vẹn. Theo quan niệm của người Do Thái, con người gồm 4 yếu tố: thân xác, trái tim, linh hồn và trí khôn. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực, nghĩa là yêu hết cả con người của mình. Yêu mến Người với trọn vẹn con người. Không yêu kiểu nửa vời, hay cầm chừng vừa phải. Không phải chỉ yêu bằng trí khôn và sức lực, còn trái tim và linh hồn thì gạt sang một bên. Cũng không phải chỉ yêu ½ hay ¼ linh hồn và thân xác, phần còn lại thì dành cho thần tiền tài, thần danh vọng v.v…

Dĩ nhiên, yêu mến Chúa bằng cả con người của mình không phải là điều dễ dàng. Để có thể yêu mến Chúa “hết trí khôn, hết sức lực,” cần phải biết Chúa, vì “vô tri thì bất mộ.” Biết Chúa giúp yêu mến Chúa. Biết Chúa nhờ việc chăm chỉ học Giáo lý, học Kinh Thánh; nhờ việc chuyên chú suy niệm Lời Chúa; biết Chúa nhờ việc chuyên cần cầu nguyện liên lỉ. Và để có thể yêu mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn,” cần phải cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho mình. Cảm nhận qua việc cầu nguyện, lãnh các Bí tích; cảm nhận qua các biến cố buồn vui trong đời. Các thánh là những người đã cảm nhận được tình yêu Chúa. Không có vị thánh nào mà không cảm nhận sâu xa tình yêu Chúa đối với mình.

2. Tại sao phải yêu thương tha nhân?

Vì tha nhân là anh em cùng một Cha trên trời, cùng được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa. Thánh Gioan Tông đồ nói rằng: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa, mà không yêu thương anh em mình, thì đó là kẻ nói dối.” Tình yêu thương được diễn tả bằng những việc làm cụ thể là hy sinh quên mình, dâng hiến phục vụ anh em.

Hơn thế nữa, Thiên Chúa là tình yêu và là nguồn mạch tình yêu. Vì thế, nếu yêu Chúa thật thì cũng phải yêu người thật. Chỉ yêu Chúa mà không biết yêu người thì không phải là Kitô hữu đúng nghĩa.

Thánh Martinô de Pores mà Giáo Hội mừng kính dịp này là một điển hình về lòng yêu người xuất phát từ lòng mến Chúa sâu thẳm.

“Thánh nhân luôn yêu mến mọi người vì chân thành coi họ là con cái Thiên Chúa, là anh em của mình; hơn nữa, người còn yêu mến họ hơn chính mình, và vì khiêm tốn, người cho rằng tất cả những người khác công chính và tốt lành hơn bản thân mình. Thánh nhân chữa lỗi cho kẻ khác và tha thứ cho những kẻ xỉ nhục mình cách tàn tệ, vì xác tín rằng mình đáng phải chịu những hình phạt lớn hơn thế nhiều do tội lỗi đã phạm. Người hết sức cố gắng đem tội nhân về với nẻo chính đường ngay, lại ân cần chăm sóc các bệnh nhân… và tận tình giúp đỡ nông dân, người da đen hay người lai là những kẻ thời ấy bị coi như những nô lệ hèn kém. Do đó người xứng đáng nhận được danh hiệu ‘Martinô tình thương’ như dân chúng quen gọi” (Trích bài giảng của ĐGH Gioan XXIII trong lễ phong thánh cho chân phước Martinô de Pores, bài đọc Kinh Sách, ngày 3.11).

Rõ ràng một đời sống đượm tình bác ái có sức thu hút và lôi kéo người khác cách mạnh mẽ dường nào. Cuộc đời của thánh Martinô de Pores là một minh chứng. Ngược lại, một lối sống thiếu vắng men yêu thương sẽ gây ra những tắc động tiêu cực khôn lường cho những người chung quanh.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Có những người ngoại giáo sống giữa những người Công Giáo lâu năm trong một xóm đạo gần như toàn tòng, nhưng họ vẫn không thèm theo đạo vì một lý do rất đơn giản: “Người có đạo mà có tốt hơn họ tí nào đâu. Vợ chồng cứ chửi nhau suốt ngày; con cái cứ trộm cắp như rươi.” Có người còn cấm con cái mình chơi với người có đạo vì sợ con mình hư hỏng do những đứa cùng trang lứa có đạo. “Tin đạo chứ không tin người có đạo” vẫn là câu nói cay đắng nơi cửa miệng của lương dân. Mực thì đen, nên làm sao cho người ta sáng lên được? (x. “Gương xấu: một cản trở cho việc giới thiệu Chúa cho dân ngoại?” FX. Trần Kim Ngọc).

Trong đời sống đạo của mình, chắc hẳn chúng ta đã biết rõ giới luật nào quan trọng nhất và biết phải thực thi ra sao, vậy chúng ta đã thực hiện và thực hiện đến đâu?

Nếu chúng ta biết rõ, nhưng chưa thực thi gì cả, thì chúng ta vẫn “còn xa” Nước Thiên Chúa. Nếu chỉ biết và thực thi giới luật kiểu nửa vời, vừa phải thì ta mới chỉ “gần” thôi, chứ chưa thuộc về Nước Chúa. Chỉ khi nào ta thực thi giới răn yêu thương thì ta mới “đặt được cả hai chân” vào Nước Trời. Chỉ khi ta thực sự sống yêu thương nhau thì lúc đó ta mới đích thực là công dân Nước Trời.

 

Lạy Chúa, Chúa biết rằng việc thi hành giới luật yêu thương mà Chúa dạy là điều không dễ chút nào đối với chúng con. Vì vậy, xin Chúa ban ơn trợ giúp để mỗi ngày chúng con có thể yêu mến Chúa hết lòng là Đấng chúng con không thấy; và chúng con có thể yêu thương anh em hết tình, cả những người vốn khó ưa, khó gần mà chúng con đối diện mỗi ngày. Amen!

 

Nguồn tin: