Kn 7,1-7; Hr 4,12-13; Mc 10,17-30
Người ta kể một câu chuyện sau đây liên quan đến vấn đề tiền của.
Một gia đình nọ có ba người con trai. Ông bố muốn biết thiên hướng mỗi người như thế nào cho phù hợp với tương lai, ông liền lấy một cuốn Kinh Thánh và một cục tiền bỏ trên bàn, rồi lần lượt gọi từng đứa một đến hỏi: “Hai cái này, con chọn cái nào?” Người con trai đầu ra, vừa nhìn vừa làm dấu, nó chọn cuốn Kinh Thánh. Ông kết luận: “Con đi tu được.” Người thứ hai tới, nó suy nghĩ một lát và thấy tiền, nó chọn cục tiền. Ông kết luận: “Con sẽ là một tay làm ăn kinh tế giỏi.” Đến lượt cậu con trai út đến, nó vừa nhìn cục tiền và cầu nguyện, rồi nó ôm cả cuốn Kinh Thánh và cục tiền về phòng nó.” Ông bố kết luận: “Con sẽ là một chính trị gia nổi tiếng.”
Lời Chúa hôm nay nói đến thái độ chúng ta đối với của cải vật chất và sự giàu có. Về vấn đề này, chúng ta nhận thấy có những sự hàm hồ cần phải làm sáng tỏ bao nhiêu có thể trong thánh lễ hôm nay.
Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu không bao giờ kết án sự giàu có hay việc có nhiều của cải vật chất tự thân chúng. Trong số những người bạn của Người cũng có những người giàu như ông Giuse Arimathea; rồi có lần Chúa Giêsu chủ động đến thăm nhà ông Giakêu, một người thu thuế giàu có. Trong cuộc viếng thăm này, Chúa tuyên bố rằng ông này được cứu độ vì đã dành một phần của cải để đền bù cho ngượi bị thiệt hại và giúp người nghèo. Chúa đánh giá cao về nghĩa cử đó.
Tuy nhiên, điều mà Chúa Giêsu lên án chính là sự gắn bó thái quá với tiền của, nó làm cho con người quá lệ thuộc vào chúng và chỉ lo vun vén tích trữ cho chính mình thôi (x. Lc 12,13-21).
Người thanh niên trong Tin Mừng hôm nay là một người giàu có. Anh đã tuân giữ đầy đủ các giới răn theo luật. Tuy nhiên, anh còn thiếu một điều là bán tất cả những gì anh có mà cho người nghèo rồi đến đi theo Chúa Giêsu. Nhưng khi nghe Chúa đề nghị anh làm như thế, anh sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi (x. Mc 21-22). Anh quá gắn bó với tiền bạc, vì thế, anh không thể đi xa hơn.
Kinh Thánh dùng từ ngữ để đồng hóa thái độ tham lam của cải với tội “thờ ngẫu tượng” (Cl 3,5; Ep 5,5). Tiền bạc không phải là một ngẫu tượng như những ngẫu tượng khác, nhưng nó là một ngẫu tượng lớn nhất, một cách văn chương, được gọi là “thần Mammon” hay “Thần Tài.” Vì thế, Chúa Giêsu cảnh báo:
“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16,13).
Khi tiền của trở thành ông chủ, nó sẽ điều khiển con người chống lại Thiên Chúa, bởi vì, nó đảo lộn mọi trật tự như người ta vẫn thường nói: “Trong tay sẵn có đồng tiền, dẫu rằng đổi trắng thay đen khó gì.” Tiền của cũng làm thay đổi đối tượng của các nhân đức đối thần. Thiên Chúa không còn là đối tượng của đức tin, đức cậy và đức mến, nhưng là tiền bạc. Hậu quả là chúng đảo lộn mọi bậc thang giá trị.
Với những ai tin Chúa thì nói: “Không có gì là không thể đối với Thiên Chúa;” hay có thể nói: “Mọi sự là có thể với những ai có niềm tin.” Nhưng với những người có tiền thì nói: “Mọi sự là có thể đối với những ai có tiền bạc.”
Ngoài chuyện là “ngẫu tượng,” lòng tham lam tiền của cũng là nguồn gốc sinh ra biết bao điều bất hạnh trong đời sống. Người ham tiền là người bất hạnh. Họ nghi ngờ hết mọi người và tự cô lập mình. Họ thường là người không có tình thương, cảm xúc với thân bằng quyến thuộc, họ nhìn người khác theo tiêu chuẩn có lợi hoặc không có lợi, người khác là cơ hội để trục lợi và chỉ dành ưu tiên cho những ai có lợi cho mình. Đối với cha mẹ, đôi lúc họ thầm nói: ước gì ông ấy, bà ấy chết sớm để tôi thừa hưởng của cải. Người ham tiền thì tìm mọi cách để có tiền và giữ tiền. Thay vì có sự thanh thoát và bình an, người đó trở thành nô lệ cho tiền bạc.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu luôn mở ra cho cả những người này niềm hy vọng được cứu độ khi họ biết dùng của cải để mua lấy phần thưởng Nước Trời. Vấn đề không phải là người giàu có không thể được cứu độ, nhưng người giàu nào thì mới được cứu. Đây là vấn đề tranh cãi nhiều trong truyền thống Giáo Hội. Chúa Giêsu chỉ cho thấy người giàu có cách thế để được cứu độ khi nói:
“Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi” (Mt 6,19-20).
Nơi khác, Chúa quả quyết:
“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9).
Chúa Giêsu đang khuyên bảo chúng ta và những người giàu có phải thay đổi địa chỉ cất giữ tiền bạc, không phải là chuyển ngân khoản của mình sang ngân hàng Thụy Sĩ để được an toàn hơn, nhưng là chuyển sang cho người nghèo. Thánh Augustinô nói rằng “nhiều người cố gắng cất giữ tiền bạc của họ dưới đất, để không vui thỏa được nhìn thấy nó chỉ vì sự an toàn. Tại sao không bỏ tiền nhiều hơn trên thiên đàng, nơi đó an toàn hơn, và sẽ tìm lại trong một ngày sau hết? Và làm sao để làm điều đó?” Rất đơn giản, thánh Augustinô tiếp tục, “Thiên Chúa dành cho bạn những địa chỉ để gửi tiền là những người nghèo. Họ sẽ đưa bạn đến nơi mà bạn hy vọng tới một ngày nào đó. Thiên Chúa muốn bạn giúp đỡ người nghèo và Người sẽ hoàn lại cho bạn trong ngày sau hết.”
Tuy nhiên, ngày nay rõ ràng việc bố thí và bác ái không còn là cách thế duy nhất để dùng tiền của làm việc từ thiện, hoặc đó là cách thức duy nhất. Có nhiều cách thức khác như việc đóng thuế để giúp cho người nghèo, tạo nên nhiều công việc, trả lương xứng đáng hơn cho công nhân khi điều kiện cho phép, xây dựng những nhà máy mới để tạo việc làm cho nhiều người…
Tóm lại, chúng ta được khuyến khích phải sinh lời tiền của và dùng nó để giúp đỡ người khác giống nguồn nước tưới lên đồng ruộng chứ không như nguồn nước trong ao tù nước đọng không mang lại lợi ích gì cho ai cả. Vì thế, việc làm ra tiền thuộc lãnh vực kinh tế, còn việc dùng tiền thuộc lãnh vực văn hóa và tôn giáo. Vì với tư cách là người Kitô hữu, chúng ta còn phải biết sử dụng tiền của theo cái nhìn của đức tin nữa. Amen!