Suy Niệm Chúa Nhật VII TN A - Nên Thánh Là Đích Điểm Của Mỗi Người Kitô Hữu

Fri,17/02/2023
Lượt xem: 600

 

Tổng thống Abraham Lincoln đã bị những người thân cận phê bình là tỏ ra quá lịch thiệp vui vẻ cả đến những kẻ thù chính trị đã từng lăng nhục ông. Nhưng ông thường trả lời họ như sau: “Với thái độ thân thiện, tôi đã loại được kẻ thù và biến họ thành bạn của tôi. Các anh không thấy sao?”

Đó là ý tưởng mà chính Đức Giê-su cũng mời gọi hết thảy mỗi người ki-tô hữu chúng ta trong Tin mừng Chúa nhật hôm nay: “anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48). Tại sao chúng ta phải nên hoàn thiện? Chúng ta nên hoàn thiện như thế nào? Sống thánh thiện phải là đích đến của đời sống ki-tô hữu. Mỗi ki-tô, khi đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy là chúng ta lãnh nhận Thánh Thần, là được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo; là trở nên thụ tạo mới, thần khí mới; là trở nên chi thể trong thân thể mầu nhiệm là Giáo Hội mà đầu là Đức Ki-tô. Đức Ki-tô là Đấng Thánh đến từ Thiên Chúa Cực Thánh, Ba lần Thánh. Khi thuộc trọn về Đức Ki-tô, chúng ta, ki-tô hữu phải cố gắng trở nên giống Đức Ki-tô mỗi giây phút của cuộc đời, đó là nên hoàn thiện, nên thánh thiện công chính trước nhan Chúa.

Đức Ki-tô là Thiên Chúa hữu hình, là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài là nguồn mạch mọi sự thánh thiện. Ai thuộc về Ngài thì được mời gọi trở nên thánh thiện như Ngài. Vì là Đấng Thánh Thiện, nơi Ngài không có chút bợn nhơ, không có hận thù, không ghen ghét, không vết nhăn và tỳ ố nhưng luôn bao dung và đầy yêu thương, nhận hậu và từ bi, tha thứ và đón nhận, tinh tuyền và thanh sạch,… Nơi bài đọc I, tác giả sách Lê-vi mời gọi dân Israel nói riêng cũng là mời gọi mọi thành phần Dân Chúa: “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi”. (Lv 19,2) Nên thánh bằng cách nào? Thưa đó là “đừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Đừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương các bạn hữu như chính mình”. (Lv 19, 2.17-18). Quả thật, ngay từ đầu trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã dạy con người phải biết yêu luật Chúa và thương yêu tha nhân như chính mình rồi chứ không phải đợi sang Tân ước, Đức Giê-su mới giảng dạy. Nơi Tân Ước, Đức Giê-su muốn gộp lại một giới răn duy nhất mà không thể tách lìa, đó là: Mến Chúa và yêu người. Như vậy, phải chăng lời mời gọi trở nên hoàn thiện là lời mời gọi mến Chúa và yêu người nơi mỗi người ki-tô hữu?

Nơi bài đọc II, Thánh Phaolô mời gọi mọi ki-tô hữu phải trở nên thánh thiện vì mọi người được dựng nên bởi Thiên Chúa. Ngài chỉ rõ tại sao chúng ta phải trở nên hoàn thiện và trở nên giống Chúa là vì “nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.” (1Cr 3, 16-17). Như vậy, vì thân thể của mỗi ki-tô hữu là Đền Thờ của Thiên Chúa, là Đền thờ của Chúa Thánh Thần nên phải liệu làm sao để ‘Đền thờ’ đừng vướng víu và dính bén tội lỗi hoặc những gì làm hoen ố và xấu xa. Là những viên gạch, người ki-tô hữu cũng là những thành phần của Đền Thờ Thiên Chúa. Những chi thể tội lỗi sẽ ảnh hưởng đến toàn thân thể của Giáo Hội; những viên gạch hư hại sẽ ảnh hưởng đến toàn thể Đền Thờ của Thiên Chúa. Vì thế, nếu các ki-tô hữu muốn ở trong thân thể của Đức Kitô hay Đền Thờ của Thiên Chúa, chúng ta phải trở nên thánh thiện; nếu không Thiên Chúa sẽ gạt chúng ta ra ngoài.

Nơi bài Tin mừng, Đức Giê-su đã chỉ ra những cách thức cụ thể để “trở nên hoàn thiện như Chúa Cha, là Đấng Hoàn Thiện”. Ngang qua bài giảng trên núi, Đức Giê-su đã chỉ ra con đường nên thánh cho mỗi ki-tô hữu. Con đường nên thánh hay hoàn thiện nơi mỗi ki-tô hữu là yêu thương và sống sự thật. Chính Đức Giê-su, Thiên Chúa tình yêu đã trở nên gương mẫu qua lời nói và những hành vi cử chỉ của Ngài trong sứ vụ công khai. Ngài đến trần gian cũng vì để giới thiệu về một Thiên Chúa Tình Yêu và đem ơn cứu độ đến cho nhân loại bằng con đường yêu thương. Cho nên, Ngài đã kiện toàn Luật Cựu Ước từ chuyện “mắt đền mắt, răng đền răng” thành thái độ sống đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.” (Mt 5, 38-42). Và Ngài nhấn mạnh thêm “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?” (cc.43-48).

Như vậy, theo Đức Giê-su, con đường hoàn thiện giống Thiên Chúa là con đường yêu thương. Ai yêu thương thì nên giống Thiên Chúa. Ai yêu thương thì được Thiên Chúa Ba Ngôi ở cùng. Nên hoàn thiện là nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô từ trong mọi sự: không chỉ nơi môi nơi miệng mà ngay cả toàn bộ con người, cả thể xác lẫn tâm hồn. Quả thật, càng yêu thương, càng trở nên giống Thiên Chúa vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Hơn nữa, sống sự thật cũng chính là yếu tố giúp ki-tô hữu nên giống Thiên Chúa. Ngược lại, chúng ta không thể trở nên thánh thiện hay hoàn thiện giống Thiên Chúa, nếu nơi đời sống chúng ta còn chất chứa những gian tham, những hận thù ghen ghét, những ích kỷ giận hờn, nhưng mưu mô xảo quyệt, nhưng xấu xa tội lỗi, những yếu đuối bất toàn, những giả dối sai lầm,… Hay nói cách khác, mỗi ki-tô hữu muốn trở nên thánh thiện hay nên giống Chúa thì phải đi theo lối sống khôn ngoan của Thiên Chúa chứ không chạy theo sự khôn ngoan của loài người. Lối sống theo thế gian và loài người là lối sống mau qua, lối sống giả tạo và đưa đến đau khổ và sự chết, còn lối sống theo đường lối của Thiên Chúa là lối sống đời đời và đưa đến sự sống không chỉ đời sau nhưng ngay cả đời này dẫu biết rằng muốn có vinh quang phải trải qua đau khổ, hay muốn được phục sinh thì phải trải qua thập giá đau thương.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

 



 

 

Nguồn tin:
Tags :