Suy Niệm Chúa Nhật VII TN A - Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Fri,17/02/2023
Lượt xem: 701

Hoàn thiện trong tình yêu

Lv 19,1-2.17-18; 1 Cr 3,16-23; Mt 5,38-48

Phụng vụ Lời Chúa của tuần này giới thiệu với chúng ta chủ đề để suy tư và áp dụng vào đời sống cụ thể hằng ngày đó là “hoàn thiện trong tình yêu đối với tha nhân.”

1. Vượt trên luật “mắt đền mắt”

Bản văn mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc I trích từ sách Lêvi, là một trong năm cuốn sách đầu tiên của Cựu Ước. Trong đó, Thiên Chúa phán với Ítraen, dân riêng rằng:

“Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,2).

Như thế, dân Chúa phải sống thánh thiện bởi vị họ thuộc về Thiên Chúa và bởi vì Thiên Chúa là Đấng Thánh và sự thánh thiện này được diễn tả trong tình yêu nhưng không, một tình yêu không có sự căm thù đối với anh chị em dẫu chúng ta phải sửa lỗi, hoặc thẳng thắn góp ý cho những người anh chị em khi họ sai lỗi. Nó phải được thực hiện với lòng yêu mến, chứ không phải với một sự nóng nảy, tức tối, và càng không có chỗ cho những sự thù oán, hận thù trong trái tim chúng ta. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, anh chị em được nói tới trong sách Lêvi thì khá giới hạn. Theo họ, những anh chị em của mình chỉ là những thành viên của Ítraen, chỉ những ai thuộc về dân thánh mà thôi.

Trong bài đọc II, thánh Phaolô nói với các tín hữu ở Côrintô rằng Giáo Hội là thánh thiện, bởi vì, Chúa Thánh Thần cư ngụ ở trong Giáo Hội. Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa là tình yêu và sự sống, làm cho cộng đoàn trở nên thánh thiện, chứ không phải nhờ vào công trạng, cũng không phải nhờ vào cố gắng luân lý của chúng ta, vì chúng ta là những tội nhân. Sự thánh thiện chính là sự cư ngụ của Chúa Thánh Thần, chính Người ở trong Giáo Hội và làm cho Giáo Hội nên thánh thiện. Tuy nhiên, để nên thánh thiện, chúng ta có trách nhiệm đối với chính mình và với Giáo Hội nếu chúng ta muốn sống sự thánh thiện của Chúa Thánh Thần. Vì thế, chúng ta phải sẵn sàng để trở nên giống những người “điên rồ” trong thế giới hôm nay vì sự khôn ngoan của Thánh Thần rất khác biệt với sự khôn ngoan của thế gian. Tình yêu của thế gian này thì rất khác biệt với tình yêu mà Chúa Thánh Thần ban tặng và ảnh hưởng trên chúng ta.

2. Yêu thương không oán thù

Điều này được minh chứng trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng:

“Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Đây là sự thay đổi của bài đọc thứ nhất:

“Các ngươi phải thánh thiện, vì… Ta là Đấng Thánh.”

Sự hoàn thiện của Thiên Chúa ở trong sự thánh thiện. Và sự hoàn thiện của những môn đệ Chúa Kitô cũng ở trong sự thánh thiện. Nhưng một câu hỏi lại xuất hiện với chúng ta ở đây: Sự thánh thiện là gì? Chúng ta nghe âm hưởng từ bài đọc I, nhưng ở đây phạm vi và ý nghĩa được Chúa Giêsu mở rộng một cách tuyệt vời. Trong phần thứ nhất, Chúa Giêsu nói về châm ngôn, hay luật Cựu Ước: “Mắt đền mắt, răng đền răng.” Luật này được chấp nhận vào thời đại đó. Bạn móc mắt tôi, tôi sẽ móc mắt bạn ra; bạn bẻ răng tôi, tôi sẽ bẻ răng bạn. Luật công lý này dựa trên sự công bằng, và nó có những giới hạn, nó mang tính trả thù, anh móc mắt tôi nên tôi sẽ móc mắt lại anh. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu nói: Không, không được làm thế, vì đây không phải là cách hành xử của những người quảng đại và cao thượng đối với những ai đã làm bạn tổn thương và Chúa Giêsu muốn đi xa hơn, là không oán thù, bạo lực giống như người đã xúc phạm đến bạn. Không có dùng bạo lực, trả thù đối với bất cứ ai để trả lời cho những ai đã làm cho bạn bị tổn thương. Thay vào đó, thay vì bạo lực, chúng ta hãy trở nên nhân từ, quảng đại, hào hiệp đối với họ:

“Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,39-42).

Đây là luật mới của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Người.

3. Yêu thương cả kẻ thù

Con người sẽ cho rằng đây là sự điên rồ, như được nói trong bài đọc II, nhưng đây là sự hoàn thiện của sự thánh thiện mà Thiên Chúa muốn các môn đệ Chúa Kitô phải sống. Nếu chúng ta bị xúc phạm, bị tổn thương, chúng ta không báo đáp lại bằng việc làm cho người khác bị xúc phạm và tổn thương một cách tương tự. Không có chỗ trong trái tim của người môn đệ Chúa để chứa đựng bạo lực, oán thù và giận hờn, chỉ có tình yêu làm cho bạn và tôi quảng đại đối với tha nhân.

Phần thứ hai của Tin Mừng làm rõ vấn đề này hơn và xem ra càng ngớ ngẩn hơn đối với thế gian và những lề luật liên quan đến những tội phạm. Bài đọc I, như chúng ta thấy, những nạn nhân được mời gọi hãy yêu thương anh chị em mình và có thể ghét kẻ thù. Các anh chị em là những thành viên của dân thánh. Ở đây, Chúa Giêsu không nói như thế:

“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44).

Kẻ thù ở đây không chỉ là những người không thích chúng ta, nhưng là những người đang bách hại chúng ta, những kẻ đang tìm cách chống đối và hủy diệt chúng ta. Chúa muốn chúng ta đối xử với họ bằng tình yêu mà xem ra nó rất là ngớ ngẩn đối với thế gian, bởi vì đó không phải là cách thế của tình yêu của thế gian, nhưng là cách thế của tình yêu Chúa Cha trên trời. Nếu chúng ta đối xử với kẻ thù bằng bạo lực và thù oán, như người khác chờ đợi, Chúa Giêsu nói rằng đây là cách thế của những người đời, đó là cách thế của người tội lỗi, như thế, chúng ta không có sự khác biệt gì so với những người đó.

Nhưng nếu chúng ta là con cái Thiên Chúa, thì đây là cách thế chúng ta phải sống nếu chúng ta yêu thương cách thế mà Thiên Chúa yêu thương. Thiên Chúa yêu hết mọi người, người tốt cũng như người xấu. Người cho mặt trời chiếu xuống trên cả hai. Như thế, nếu tình yêu của chúng ta hướng đến mọi người. Nếu người này là kẻ thù của bạn nhưng bạn nhìn họ như là anh chị em mình, bạn yêu họ. Nếu những người này làm bạn bị thương tổn, bạn đừng nhìn như là người đã làm tổn thương bạn, nhưng hãy nhìn họ như là người cần đến tình yêu của bạn. Bạn sẽ nói rằng điều đó quá vô lý và ngớ ngẩn, đúng thế, nhưng đây là cách thế mà những con cái Thiên Chúa hành xử theo Chúa Cha trên trời đã thực hiện với loài người.

Chúng ta có một mẫu gương về lòng nhân từ đối với kẻ thù, đó là Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, ngài bị bắt bớ, tù đày trong nhiều năm dưới chế độ Cộng Sản. Trong nhà tù, ngài sống yêu thương những người cai tù, nên có một số người đã trở lại. Sau này, khi giữ những chức vụ quan trọng ở giáo triều Rôma, nhiều người mong muốn ngài phải tỏ ra chống đối và lên án chế độ, nhưng thay vào đó, ngài nói về hòa bình, về hòa giải và tha thứ, nhất là bày tỏ lòng yêu thương đối với những con người đã gây đau khổ cho ngài. Đó là cách hành xử, là luật mới mà Chúa Giêsu hôm nay muốn chúng ta sống và áp dụng để trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Kitô bằng việc sống một tình yêu vô vị lợi đối với tha nhân. Amen!

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

                PGĐ. Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê   

Nguồn tin:
Tags :