Phản Bội!

Thu,30/03/2023
Lượt xem: 923

Bị phản bội là điều không ai muốn. Ngay cả những người luôn phản bội người khác cũng không muốn mình bị kẻ khác phản bội. Người luôn hết lòng vì lợi ích và hạnh phúc của người khác lại càng không muốn điều đó xảy ra. Tuy nhiên, điều không muốn ấy – “sự phản bội” – vẫn luôn tồn tại trong thế giới. Có người bị thuộc hạ của mình phản bội. Người khác bị bạn bè và nhiều khi bị chính những người thân thích phản bội. Sự phản bội sẽ khiến người bị phản bội vô cùng đau khổ. Nỗi đau ấy như mũi dao đâm vào trái tim. Nhiều khi nó còn khiến chúng ta mất niềm tin vào cuộc sống, chán nản, thất vọng và không còn thiết tha với việc gì nữa. Biết là vậy, nhưng chúng ta khó có thể tránh được phản bội hay bị phản bội trong cuộc sống.

Nhìn vào Kinh Thánh, ta có thể thấy rất nhiều hình ảnh nói về sự phản bội. Tổ tông loài người đã phản bội Thiên Chúa để giơ tay lên hái trái cấm (x. St 3,6). Cain phản bội em mình (St 4,8). Dân Do Thái xưa cũng nhiều lần chạy theo tà thần và lạc thú mà muốn khước từ Thiên Chúa, chối bỏ sự hiện diện của Ngài. Giuđa bán đứng Thầy chỉ vì 30 đồng bạc (x. Mt 26,14-16; 47-50). Phê rô và các môn đệ, theo một cách nào đó cũng phản bội Đức Giêsu khi cam tâm chối Thầy hoặc chạy trốn,…

Sự phản bội gây nhiều thiệt hại cho người bị phản bội, nhưng kẻ phản bội cũng sẽ phải nhận hậu quả không tốt đẹp nếu không có sự sám hối. Tổ tông loài người đã phải trả giá cho sự phản bội Thiên Chúa; họ đã phải lìa xa sự thân mật và mất đi sự sống vĩnh cửu bên Ngài. Cain đã bị Thiên Chúa giáng phạt phải tha hương nhục nhã cho đến chết. Dân Do Thái không còn được cánh tay uy quyền của Thiên Chúa che chở, họ phải cảnh nô lệ, tù đầy,… cho đến khi họ thật lòng sám hối mà trở về với Chúa. Giuđa đã phải treo cổ tự tử vì tội mình gây ra…

Tội phản bội luôn bị trừng phạt nặng nề. Nhìn vào kết cục của những kẻ phản bội trong Kinh Thánh ta có thể thấy rõ điều đó. Trong thời Phong Kiến, tội bất trung cũng là tội lớn nhất trong Đạo làm người. Những kẻ bất trung hoặc bị tù đày đến cuối đời, hoặc bị giết, thậm chí bị “tội tru di”. Thời đại hôm nay cũng vậy, những người thiếu lòng trung, những kẻ giả dối và phản bội sẽ không thể tồn tại lâu dài. Một khi bị phát hiện là kẻ phản bội, người ấy sẽ không còn được tin tưởng, không được trọng dụng và việc lấy lại lòng tin của người khác dường như là không thể.

Sự trừng phạt cho việc phản bội nặng nề đến thế. Nhưng cũng không hẳn sẽ cụt đường cho kẻ phản bội. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng nhân hậu và sự tha thứ của Ngài bao la bất tận, trải dài từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đối với những kẻ thật lòng sám hối, Ngài luôn dang rộng vòng tay đón nhận, tha thứ và cứu độ đến cùng. Phêrô sám hối và đã trở thành trụ cột của Giáo Hội Chúa. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng đã khéo léo nói về sự phản bội, hậu quả của nó và lòng thương xót vô điều kiện của Thiên Chúa. Dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” hay còn gọi là “Người cha nhân hậu” có thể được xem là điển hình cho ý tưởng này (x. Lc 15,11-32). Đứa con đã phản bội cha mình để đi tìm lạc thú, để tự do định đoạt cuộc đời ngoài sự kiểm soát của người cha. Anh ta đã phải trả giá khi lâm cảnh khốn cùng, khi phải trải qua một cuộc sống còn thua cả một con vật. Nhưng anh ta sám hối, trở về và đã được cha anh dang rộng vòng tay đón nhận. Anh đã được người cha già trả lại đúng vị trí như trước khi anh bỏ nhà ra đi.

Thiên Chúa là người cha nhân lành luôn chờ đón con người sám hối mà trở về bên Ngài. Ngài đau buồn khi bị chúng ta phản bội. Ngài cũng nỗi cơn giận khi bị chính con cái mình phản bội. Nhưng Ngài vẫn luôn dọn sẵn chỗ tốt đẹp nhất cho mỗi người chúng ta và chờ đợi chúng ta trở về.

Trong mùa Chay thánh, chúng ta cần ý thức nhiều hơn, suy tư nhiều hơn về hai từ “phản bội”. Nhận ra biết bao lần trong cuộc sống chúng ta đã phản bội Chúa và anh em mình. Nhìn nhận lại những tháng ngày đã qua để rồi ý thức sâu sắc về hậu quả tai hại của sự phản bội mà mình gây ra. Cảm nhận nhiều hơn tình Chúa dành cho ta, để thấy và học được lòng bao dung của Ngài dành cho ta, dù biết bao lần ta chối bỏ, khước từ Ngài. Nhờ đó, cũng là lòng bao dung, cũng là sự tha thứ, cũng là tình thương, nhưng là của ta sẽ dành cho những người anh em chung quanh. Mỗi ngày, mỗi ngày chúng ta sẽ tập từ bỏ sự phản bội. Mỗi ngày, mỗi ngày ta cũng sẽ tập yêu thương và tha thứ cho những kẻ phản bội. Như chính Đức Giêsu đã dạy trong Kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những kẻ có nợ chúng con” (x. Mt 6,9-13).

Phản bội mang đến diệt vong. Phản bội gây nên thảm họa chết chóc cho con người. Từ cấp quốc gia đến mỗi một người, sự phản bội mà không có lòng sám hối và tha thứ sẽ gây nên chiến tranh, bạo lực và chết chóc. Chứng kiến cảnh các nước “phản bội hiệp ước” để rồi căng thẳng leo thang và chiến tranh bùng nổ; chứng kiến cảnh các tổ chức khủng bố lẫn nhau vì thiếu lòng bao dung độ lượng; chứng kiến cảnh gia đình tan vỡ vì vợ chồng phản bội nhau, con cái bất tuân với cha mẹ… chúng ta có thể khẳng định hậu quả tai hại đó.

Chúa Giêsu đã phải chịu đau khổ và chịu chết nhục nhã trên thập giá cũng chính vì sự phản bội của con cái loài người. Nhưng, Ngài đã mở ra con đường cứu độ và cứu vớt hết thảy những ai tin và những ai sám hối, cũng nhờ chính cái chết đó. Đó là tình yêu. Đó là sự bao dung tha thứ. Chết đi mỗi ngày để sửa đổi bản thân. Chết đi chính mình để chấp nhận tha thứ cho sự phản bội của kẻ khác, đó cũng là tất cả những gì chúng ta cần để có được cuộc sống hạnh phúc và bình an.

Sự phản bội vẫn luôn tồn tại vì nó dường như là hệ quả của bản tính bị thương tổn vì tội lỗi của con người. Sự ích kỷ của bản thân, lòng tham danh vọng, quyền lực và sự đam mê vật chất chính là nguồn gốc khiến con người bất trung và phản bội nhau. Từ bỏ ham muốn, tập sống yêu thương, kết hợp mật thiết với Chúa chính là con đường giúp mỗi người gạt bỏ sự phản bội ra khỏi thế giới. Tha thứ là “liều thuốc” để loại trừ và “giảm đau” cho căn bệnh khó chữa này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con đừng phản bội Chúa và phản bội nhau vì những tham lam, ích kỷ và mưu tính riêng của bản thân. Xin cho chúng con sự can đảm để dấn bước theo Chúa trong cuộc khổ nạn đau thương, để rồi, qua việc dám vác lấy cây Thập Giá của đời mình, chúng con cũng tiến đến đỉnh vinh quang Phục Sinh với Chúa. Amen.

Sương Thiên Linh

Nguồn tin: