Mừng Kính Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII (11.10)

Fri,11/10/2024
Lượt xem: 115

 

Thưa cộng đoàn,

Đức Gioan 23 đánh dấu bước ngoặt trong một Giáo hội với việc triệu tập Công đồng Vaticanô II – “Cuộc Hiện Xuống Mới” trên Giáo hội trong thế giới đương đại. Là “Mục tử và hoa tiêu” (Gre Tobinu), Đức Gioan 23 đã đảm nhận ơn gọi và tác vụ cách tròn đầy. Nơi ngài chúng ta bắt gặp được nhân cách mục tử, “hình ảnh sống động của Đức Kitô mục tử nhân lành” (Lời tổng nguyện).

Một kitô hữu, một chủng sinh sinh với khát vọng nên thánh; một linh mục, giám mục và hồng y đầy nhiệt huyết tông đồ, và trong vai trò kế vị Thánh Phêrô, Đức Gioan 23 thực sự là hiện thân của Đức Kitô – Servus Servorum Dei với danh xưng Papa Bonus. Cuộc sống của Đức Gioan 23 được định hướng, được đặt nền trên một đời sống thánh thiện của một chủng sinh, một mục tử, một người thợ trong vươn nho Chúa, một tôi tớ của Tin mừng cứu độ, môn đệ Chúa Kitô.

1.           Cảm thức và khao khát sự thánh thiện

Xuất thân trong một gia đình truyền thống ngoan đạo tai thị trấn Sotto il Monte, tỉnh Bergamo, Bắc Ý, Đức Angelo Giuseppe Roncalli nối tiếp từ gia đình đến gia đình: từ gia đình ruột thịt Roncalli tới tình huynh đệ trong chủng viện và đời linh mục, đến “gia đình” rộng lớn gồm các tín hữu tại các nhiệm sở trong tác vụ của ngài, và cuối cùng, với tư cách Giáo hoàng, gia đình của ngài mở rộng ra toàn cầu. Tất cả thêu dệt nên con người Đức Gioan 23, một nhân cách mục tử hiền lành với con tim rộng mở và đầy lửa mến đối với Giáo hội.

Đức Roncalli cảm nghiệm nhiều sự tiếp nối hơn là thay đổi trong Giáo hội thánh thiện và bền bỉ khi phải đối diện với dòng thế tục với những thách đố cho đời sống đức tin. Ngài thâm tín lòng đạo đức, sự thánh thiện đã thắng sự truy vấn, những cạm bẫy của thời đại trong Giáo hội. Và ngài có một khát vọng hoàn thiện mãnh liệt.

Trong tư cách một chủng sinh, ngài ý thức ơn gọi với sự tự nguyện và trách nhiệm. Trách nhiệm tự đào tạo mình trên con đường trọn lành. Vì vậy, ngài thực hiện kỷ luật nội tâm qua việc ghi nhật ký, đọc các chuyển động thiêng liêng, dấn thân cho sứ mạng của Giáo hội trong đời sống chủng viện, tại các nhiệm sở khác nhau cách vui vẻ, thanh thản và thánh thiện. Greg Tobinu nhận định:

“25 năm đầu đời từ khi sinh ra, lớn lên và chịu chức linh mục được ghi chép cẩn thận, trong suốt những năm đó không có gì nổi bật. Ngài là người con không chỉ của dòng họ Roncalli ở thị trấn Sotto il Monte, mà theo nghĩa đen còn là người con của Giáo hội, từ ngày chào đời. Dường như ngài đã luôn được định sẵn cho ơn gọi linh mục một cách tự nhiên như hơi thở trong cuộc đời ngài.

Với Đức Roncalli, không có chỗ cho việc đùa giỡn với những trò tiêu khiển thế gian hay trò chơi trí tuệ trong đức tin, trong ơn gọi linh mục của chính mình. Một sự đảm nhận có trách nhiệm về ơn gọi linh mục, ngài đạt tới sự trọn lành trong tình yêu mến Thiên Chúa và Giáo hội, để giúp người khác đạt tới sự hoàn thiện Kitô giáo. thể nói, chỉ với cảm thức và khát vọng thánh thiện, chúng ta mới ý thức trọn vẹn ơn gọi của mình, ơn gọi kitô hữu và ơn gọi linh mục môn đệ. Đức Phanxicô từng nhắc nhớ chúng ta: “Trong ơn gọi linh mục, không có chỗ cho sự xoàng xĩnh, tầm thường” vì đó là dự phóng của cuộc đời, dự phóng cho sự thánh thiện. Tôi đã đảm nhận ơn gọi chủng sinh linh mục của mình như thế nào?

2.         Kiên trì trong con đường hoàn thiện

Thực tế và thân thiện, Đức Gioan giữ ngọn lửa đời sống thiêng liêng luôn thắp sáng qua việc cầu nguyện, những việc lành thầm lặng, với một sự hài hước đầy thông minh và trào phúng, nhớ đó, ngài sống cảm thực Giáo hội với trực giác thiêng liêng nhờ việc kiên trì trên con đường hoàn thiện với những phương thế:

-        Yêu mến Thánh Thể và Thánh Tâm Chúa Giêsu

“Quy luật sống” mà cha linh hướng chỉ dẫn cho ngài: “Mỗi ngày viếng Thánh Thể ít nhất một lần” (LS 7), nhưng sau tuần cấm phòng 1896, thầy Roncalli quyết tâm: “Sẽ trường kỳ đạt cho được lòng yêu mến và lòng tôn sùng Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì đó là đối tượng của mọi tâm tình và ý tưởng của tôi lúc còn là chủng sinh và nếu Chúa muốn, suốt đời linh mục” (Cp 1896). Trung thành với “Quy luật sống”, ngài siêng năng viếng Thánh Thể, tuy nhiên không dễ dàng khi phải đối diện với sự khô khan, chia trí, hời hợt. Thầy Roncalli đã kiên trì trong đường nhân đức để cảm nghiệm sâu xa rằng: “Chúa đã dùng lòng tôn sùng Thánh Thể để giữ tôi khỏi phạm tội và khỏi sống xa cách Chúa. Lòng tôn sùng này phải là phương thế hữu hiệu nhất cho việc nên thánh của tôi (Cp 1901).

Những năm ở đại chủng viện là thời gian trang bị cho đời sống linh mục thầy Angelo dần bước tới. Vì thế khi cấm phòng chịu chức linh mục, thầy kiểm điểm lại mọi hành trang, trong đó có hành trang “lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể”. Hành trang đã có, nhưng phải tiếp tục bảo trì và kiện toàn như điều thầy quyết tâm: “Tiếp tục để ý đến việc viếng Thánh Thể mỗi ngày cho thật sốt sáng. Tôi mang ơn Thánh Tâm và Thánh Thể, nên tôi để hết lòng yêu mến bí tích Mình Thánh” (Cp 1904).

Ý thức rằng lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể là nền tảng của việc nên trọn lành và luôn gắn liền với thiên chức linh mục. Và ngài đã lặp lại quyết tâm này trong đời giám mục: “Tôi phải tiếp tục trung thành với phận vụ đạo đức của linh mục: Thánh lễ, nguyện gẫm, nhật tụng, lần hạt, viếng Thánh Thể… với lòng sốt sáng như ngọn đèn cháy nhờ dầu đầy đủ” (Cp 1934).

Hai năm trước khi về nhà Cha, cuối tuần phòng Đức Gioan 23 đã ghi lại: “Đạo đức, dịu hiền, bác ái là ba điều căn bản, tóm tắt con đường nên thánh của tôi. Tôi vẫn cố gắng chu toàn sốt sáng về: Thánh lễ, lần một chuỗi 150, luôn kết hợp thân mật với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Ngoài Thánh lễ, tôi còn viếng Thánh Thể sau cơm trưa và sau kinh tối” (Cp. 1962).

Cùng với Thánh Thể, Thánh Tâm Chúa Giêsu chiếm vị trí trung tâm trong đời sống của ngài. Quả thật, ngay từ nhỏ thầy Angelo đã có một lòng yêu mến và tín thác vào Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Đời sống tôi cứ tiến đi mãi theo ánh sáng tình thương của Thánh Tâm, và tôi múc lấy từ Thánh Tâm những giải đáp tốt lành mỗi khi tôi gặp khó khăn. Ý chí của tôi là làm tất cả những gì có thể để tỏ lòng yêu mến Thánh Tâm” (Cp 1903). Trước khi chịu chức linh mục, ngài ghi lại: “Mỗi khi nghe nói về Thánh Tâm, Thánh Thể, tôi vui mừng khôn tả. Bao nhiêu kỷ niệm yêu thương dịu dàng, tin tưởng vui vẻ tràn đầy, làm tôi phấn khởi. Linh hồn tôi ngụp lặn trong âu yếm dịu dàng. Đây là những tiếng ưu ái Chúa gọi tôi đến nguồn ân phúc, là Thánh Tâm đang sống cách nhiệm mầu trong bí tích Thánh Thể. Suốt đời tôi hằng tôn sùng Thánh Tâm” (Cp 1903).

Cả cuộc sống của Đức Gioan 23, từ một thanh niên, tới chủng sinh, từ linh mục tới Giám mục, Hồng y và Giáo hoàng, được khuôn đúc, được uốn nắn theo Trái tim Chúa Giêsu và mạch sống Thánh Thể. Đó là mẫu gương của chúng ta trong ơn gọi linh mục – môn đệ Chúa Kitô.

-        Trung thành với việc tĩnh tâm và quý chuộng việc xưng tội

Phần lớn “Nhật ký tâm hồn” là những suy tư, bài kiểm thảo và bản xét mình trong mỗi dịp cấm phòng mà Đức Gioan 23 đã làm cách nghiêm túc từ khi bắt đầu chu chức “cắt tóc” (1896) cho đến mấy tuần trước khi kết thúc triều đại Giáo Hoàng (1963). Đối với Đức Gioan 23, cấm phòng luôn là một phương cách nên thánh cần thiết và hữu hiệu. Nội dung tĩnh tâm cốt yếu là “dành giờ để nghe giảng hay đọc sách thiêng liêng, để cầu nguyện hay suy gẫm, để kiểm thảo hay xét mình cách chu đáo hơn, hầu thánh hóa bổn phận hằng ngày, và có sức mạnh thiêng liêng thực hiện những điều quyết tâm nên trọn lành và hoàn thành trọn hảo những tác vụ đã được trao phó”.

Ngay khi còn là chủng sinh, Đức Roncallli nhiều lần lo sợ không tận dụng đúng mức việc cấm phòng, ngài ghi lại: “Ôi Chúa Giêsu, con phải hạ mình sát đất, vì con khốn nạn. Càng ngày, con càng thấy mình như thế. Đã hối hận rồi lại chia trí, thiếu quyết tâm, thờ ơ trong mọi việc, bao khuyết điểm khác, đặc biệt trong lời nói. Không phải con thiếu ý chí cương quyết. Nhưng con sợ “cấm phòng không nên”. Xin Chúa đừng để ơn Chúa khấng ban, trở thành vô ích. Xin Chúa giúp con cấm phòng tốt” (Cp 12.2.1902). Cấm phòng cần thiết như “một trạm nghỉ để lấy sức, để thêm nghị lực”, để tiếp năng lượng thần linh cho hoạt động tông đồ.

Một trong những việc làm cơ bản của việc cấm phòng là xét mình và xưng tội. Đức Gioan 23 rất trung thành với việc làm này. Ngài yêu mến Bí tích Hoà giải cách đặc biệt, là phương thế cần thiết, chắc chắn và hữu hiệu cho việc thánh hóa bản thân. Đức Gioan 23 đã dốc lòng ngay lúc mới vào chủng viện: “Tối đến trước khi lên giường, phải xét lương tâm cách tổng quát và giục lòng ăn năn tội”. “Dịp cấm phòng năm sẽ xưng tội tổng quát, nếu không, sẽ xưng tội tổng quát trong năm vào dịp khác” (Ls 4 và 2). Muốn sống đời sống nội tâm, cần năng quý chuộng Bí tích Hòa giải Đó là kinh nghiệm của việc đi đường trọn lành. Đức Roncalli quyết tâm: “Mỗi tuần, cứ thứ sáu hay thứ bảy, tôi xưng tội kỹ càng. Đó là ngày tôi bắt đầu lại việc nên thánh cách phấn khởi và can tràng hơn” (Cp 1961).

Không thể quý chuộng Bí Tích Hoà Giải nếu không có tinh thần thống hối. Đức Gioan 23 đã có một tinh thần thống hối chân thực và mạnh mẽ, như chúng ta thấy mỗi khi ngài đề cập đến những sai lỗi: thiếu khiêm nhường, quá tự ái, khô khan trong việc đạo đức, bỏ viếng Thánh thể

Ngoài ra, Đức Gioan 23 còn có lòng sùng kính mến yêu Đức Maria, các thành. Ngay khi bước vào Đại Chủng Viện, thầy Roncalli đã rập theo “Quy luật sống”: “Hàng ngày phải lần hạt và làm một vài việc hy sinh dâng kính Đức Mẹ”; “Hàng tuần, mỗi thứ bảy sẽ nói hoặc nghe một nhân đức của Đức Mẹ và rút ra cho mình những bài học nên thánh”.

Để nên thánh, Đức Gioan XXIII cố sống trọn vẹn các nhân đức tự nhiên và siêu nhiên. Nghị lực để sống đơn sơ, khiêm nhường… Ngài đã múc lấy từ Chúa Giêsu Thánh Thể, từ Thánh Tâm, theo gương Đức Mẹ các Thánh. Ngài dốc quyết trong đường trọn lành: 1) Thức dậy sớm, dâng lễ, nguyện ngắm… 2) Viếng Chúa trước trưa… 3) Với giá nào cũng phải cấm phòng tháng… 4) Tiếp tục giữ các luật nhà Chúa… 5) Dành giờ học hỏi… 6) Ăn mặc đứng đắn… 7) Luôn sống khiêm nhường, hạ tự ái…” (Cp 1904).

Với chúng ta, nhưng kitô hữu, chủng sinh. – linh muc,

Xin ơn khao khát sống thánh thiện trong ơn gọi linh mục – môn đệ Chúa Kitô, nhất là trong thế giới nhuốm màu tục hoá để trở có thể, nói như thánh Phaolô “để trở nên những con người vẹn toàn của Thiên Chúa, để chiếu sáng như những vì sao trên bầu trời, giữa thế hệ gian tà sa đoạ” (Pl 2,15).

Kiên trì trong việc tập tành nhân đức: yêu mến Thánh thể và Thánh Tâm Chúa Giêsu, quý chuộng việc xưng tội và tĩnh tâm có được nguồn lực cho việc uốn nắn, khuôn đúc hồn tông đồ để phụng sự Chúa và phục vụ con người.

 

Hoa Thập Tự

Nguồn tin:
Tags :
Thống kê
Số người online: 327
Tổng số truy cập:17.528.385